trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
16.10.2003
Iván Szellênyi
Giới trí thức tự vấn
Nguyễn Hồng Nhung dịch và chú thích
 
Hungary, với một diện tích chưa đầy 100.000 km2, một dân số trên 10 triệu chút ít, một ngôn ngữ rất đơn biệt, chỉ chung nhóm với tiếng Phần Lan, là một xứ sở của nhân tài. Nửa cuối thế kỉ 20 vừa qua, hàng ngàn trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học Hung buộc phải rời xứ sở, hàng trăm người trong đó đã trở thành những trí tuệ tầm cỡ thế giới, hàng chục người chiếm những vị trí đặc biệt trong nhiều lĩnh vực. Phần lớn họ không trở về nước, ngay cả sau khi chế độ chính trị cũ sụp đổ. Nhà văn Hung được trao giải Nobel năm ngoái, Imre Kertesz, cũng tiếp tục sống tại Đức và hơn một lần từ chối trở về Hung. Xin giới thiệu cùng độc giả lời tự vấn của giáo sư Szellênyi Iván, một trong những trí thức li khai nổi tiếng của thập kỉ 70.
talawas
Giáo sư xã hội học Szellênyi Iván hàng năm chỉ về thăm đất nước Hungari của mình một vài tuần, bởi vì đã từ lâu ông dạy tại trường đại học Yale. Ông nói, ông và nhà văn Konrad Gyorgy [1] bạn ông vừa nghĩ ra một ý đồ: thành lập một câu lạc bộ Memoria gồm những thành viên chống đối lại hệ tư tưởng của xã hội thời những năm sáu mươi, và những người cùng đi một hướng đường đời song song với nhau.

Ông về nước để nghỉ ngơi?

Không hẳn thế.Hàng năm tôi dạy chín tháng tại Yale, chỉ hè tôi mới có điều kiện để viết. Tôi vừa hoàn thành xong cuốn sách viết về người Digan.

Nhưng lúc rảnh rỗi chắc ông cũng gặp gỡ bạn bè chứ?

Tôi không sống một cuộc sống hội hè ồn ào. Càng già đi tôi càng trở nên ít cởi mở hơn.

Thế mà tôi nghe nói ông đang có ý định thành lập một câu lạc bộ Memoria với những nhân vật của những năm sáu mươi...

Tôi có xây thêm một gác xép sát mái nhà. Một nơi dễ chịu. Tôi và Konrad Gyorgy đều nghĩ nếu như lập một câu lạc bộ ở nơi đây thì sẽ thế nào nhỉ? Những người đã một thời chống đối lại hệ tư tưởng của xã hội lúc ấy, hoặc đi song song cùng một hướng. Chẳng hạn, sẽ rất thú vị nếu có một cuộc đối thoại giữa Jancso Miklos [2] với Hernadi Gyula [3] .

Ông muốn hồi tưởng lại quá khứ với ai chẳng hạn?

Tôi chưa lập danh sách.

Nước ta vẫn thiếu những nhân vật đời thường, người có thể hội tụ những trí thức có những quan điểm thế giới quan khác nhau lại.

Nếu con người được phép trò chuyện với nhau về những kỷ niệm cá nhân, không bị những quan điểm chính trị cưỡng bức - lúc đó có thể hình dung ra sự đối thoại tay đôi. Tôi biết, điều này không dễ. Tôi đã lường trước, sau những biến đổi dân chủ trong nước, những xung đột sẽ sâu sắc hơn,nhưng điều chua chát là mọi thứ đều bị chính trị hoá quá mức. Giữa những năm bảy mươi, tôi bị bắt buộc phải rời khỏi nước Hung, tôi đến Úc. Một người quen của tôi ra sức hỏi về chủ nghĩa xã hội. Tôi nói: "điều tốt đẹp nhất của nó, là chúng tôi không cần phải thù hằn lẫn nhau, bởi vì nếu vậy chúng tôi có thể chán ghét hệ thống ấy."

Ông ca ngợi điều gì trong nền dân chủ hiện nay của chúng ta?

Tự do. Cho dù chúng ta đã phải trả giá đắt cho nó. Ðể những mối quan hệ hàng ngày quá bị căng thẳng của chúng ta được giải toả, trước hết cần đối mặt lại với quá khứ. Bởi vậy sự tranh luận khách quan về lịch sử của chủ nghĩa xã hội cũng sẽ rất quan trọng. Chúng ta không có một hình ảnh cân bằng về thời kỳ này. Người ta đã cộng sản hoá toàn bộ thời kỳ này một cách quá dễ dàng, mặc dù trong thực tế nó cực kỳ đặc biệt.

Tại sao chính những năm sáu mươi lại được ông quan tâm đến?

Khi đó tôi còn trẻ. Con người sẵn lòng nhớ lại tuổi trẻ của mình. Nhưng ngoài ra, những năm sáu mươi cũng vô cùng quan trọng trong lịch sử của phương Tây và lịch sử Ðông Âu. Ðấy là thập kỷ của những khả năng mở và những khả năng bị bỏ rơi. Tại nước ta sự cởi mở bắt đầu sau nền độc tài kiểu Stalin của Rakosi [4] . Nhân chứng của thời kỳ này là những người già - tận bây giờ vẫn có thể hỏi chuyện họ được.

Ðây sẽ là một câu lạc bộ quá khứ, hay là một điểm hẹn của những tư tưởng tương lai?

Việc luyến tiếc quá khứ không cần thiết, đúng hơn đây là sự tự thẩm vấn có tính chất châm biếm với bản thân.

Như ông đã nêu, năm 1975 ông bị buộc phải rời khỏi đất nước. Sau này người ta chấp nhận lại ông chứ?

Tôi không biết, tôi đã không thử. Sau 1989 nhiều người giục tôi trở về quê hương. Người ta mời mọc những chỗ làm, thậm chí những chức vụ chính trị nữa.

Ðảng phái nào vậy?

Thôi chúng ta hãy cho qua...Ai biết chút ít về sự nghiệp của tôi, họ khắc tìm ra đó là đảng nào. Tôi luôn luôn xa lánh chính trị, nhưng những mời mọc về nghề nghiệp cũng không làm tôi cân nhắc nhiều. Các con tôi đều sống ở Mỹ, chuyện kiếm sống của tôi cũng đã ổn định, người ta tôn trọng tôi. Sự xáo trộn sẽ không hợp lý cho lắm.

Thực ra chúng tôi biết rất ít là ông làm gì ở trường Ðại học Yale?

Tôi vừa hết hạn chức Trưởng khoa bộ môn Xã hội học ở đây. Từ bây giờ tôi sẽ chỉ giảng dạy. Từ trước tới nay tôi đã mười hai năm làm Trưởng khoa bộ môn này ở các trường đại học khác nhau của Mỹ và Úc.Thế là đủ rồi. Năm 1999 từ Los Angeles người ta mời tôi sang Yale để tổ chức lại việc đào tạo môn Xã hội học. Yale từ trước tới nay nổi tiếng về việc giảng dạy các môn học nhân văn, còn các ngành khoa học xã hội bị đẩy ra sau hậu trường. Nhưng cho đến nay chất lượng của các khoa đã được phục hồi, và có nhiều học viên PhD giỏi cũng học tại chỗ chúng tôi.

Ông dạy cả môn Kinh tế học hay sao?

Không, đó là một ngành nghiêm chỉnh.

Nhưng thực chất ông tốt nghiệp trường đại học kinh tế kia mà?

Có thể nói như thế này: đấy là sự rủi ro của tôi. Sau khi tôt nghiệp phổ thông, tôi không đủ điểm để vào trường Y, nhưng lại thừa điểm để không thể rơi vào trường nào khác. Tôi nhận được một giấy tiếp nhận của trường Kinh tế, mặc dù tôi không đăng ký thi vào đấy. Thời đó là như vậy ở nước ta. Còn tôi học trường nào cũng được, miễn là họ cấp bằng. Lúc đó tình yêu với người sau này thành vợ tôi đã nhen nhóm, nên bên cạnh việc cưới vợ, tôi cũng muốn tìm một khả năng kiếm sống.

Tôi cho rằng, cha mẹ ông cũng chờ đợi một tấm bằng từ ông. Một lần ông đã nói là gốc rễ trí thức của truyền thống gia đình ông có thể tìm trở lại đến tận năm 1725.

Gia đình bên ngoại của mẹ tôi còn có thể tìm trở lại xa hơn nữa: Fischer Daniel 1715 đã là bác sỹ, viết rất nhiều sách. Tôi đã tìm thấy một cuốn tại thư viện của Yale. Ông ngoại tôi nghiên cứu về lịch sử sư phạm, bố tôi là nhà sinh vật học.

Ông xuất thân từ một gia đình Thiên chúa giáo bảo thủ, bản thân ông tự nhận theo phái cánh tả, nhưng ông lại không gia nhập Ðoàn thanh niên cộng sản.

Từ năm mười lăm tuổi tôi đã tách khỏi thế giới quan của gia đình. Tôi lựa chọn một cách có chủ đích tư tưởng cánh tả cấp tiến.Và về cơ bản quan điểm này của tôi không thay đổi cho đến tận bây giờ. Ngay thời đó tôi cũng không bao giờ tin thật lòng vào chủ nghĩa cộng sản. Tôi coi những giá trị cấp tiến quan trọng hơn nhiều so với phái cánh tả trịnh trọng.

Năm 56 ông đã đến tuổi trưởng thành.

Tôi đã trải qua những ngày cách mạng với những tình cảm lẫn lộn. Tôi cũng thu thập được nhiều kinh nghiệm về chính sách bài Do thái. Tôi kinh hoàng. Tôi không phải loại người chính trị, tôi không đến những nơi có nhiều người. Trái lại tôi thích quan sát và phân tích. Quả là một hình ảnh tượng trưng, khi ngày 23 tháng Mười [5] tôi đang ở trong rạp xem phim với vợ chưa cưới. Tất nhiên tôi cũng trải qua ngày 4 tháng Mười Một như trải qua một tai hoạ. Một năm sau ở trường đại học bắt đầu xuất hiện nhóm "tiên phong đỏ"- nhóm người theo chủ nghĩa hành động của Ðoàn thanh niên cộng sản. Tôi làm cho họ rất không được hài lòng. Họ đã thể hiện nỗi ác cảm này lúc tôi nhận bằng tốt nghiệp bằng cách "giúp" tôi không được nhận việc làm. Tôi tốt nghiệp bằng đỏ năm 1960 nhưng trong hồ sơ cá nhân của tôi người ta ghi: một bộ xương địa chủ còn sót lại từ thế kỷ trước. Phải rất khó nhọc với sự giúp đỡ "tay trong" của người quen tôi mới xin được vào Tổng cục Thống kê Trung ương.

Ông đã phải viết những chỉ dẫn, rằng chủ nghiã xã hội là một trong những thứ tốt đẹp nhất của thế giới?

Chúng tôi cần "phổ nhạc" cho những số liệu thống kê về ngoại thương: chúng tôi ca ngợi việc xuất khẩu bò giống, việc nhập khẩu giầy. Tôi quyết định tự "đày ải" mình trong thư viện của Tổng cục. Thư viện là một loại trại giam để trừng phạt: người ta "tống" vào đó những kẻ chưa bị đuổi nhưng cần phải cách ly khỏi những vị trí tin cậy. Tôi tình nguyện chấp nhận sự lưu đày này, trông coi phần báo chí nước ngoài của thư viện. Bibó István là đồng nghiệp của tôi. Một người khiêm tốn, có tâm hồn tế nhị, nhưng lại rất cứng rắn trong những vấn đề có tính chất triết học. Chính ông là người đã đề xuất ra tư tưởng chủ đạo của cuốn sách, mà sau này tôi cùng viết với Konrad Gyorgy. Một lần ông nói với tôi: Sự dối trá lớn nhất của chủ nghĩa cộng sản là khi tuyên bố mình là nền chuyên chính vô sản. Trong thực tế đó là nền chuyên chính của giới trí thức. Khi vùi đầu vào đọc đống sách báo, tôi tìm ra một lĩnh vực khoa học xã hội khác, lúc đó được coi là còn trinh trắng trong nước, đó là ngành Xã hội học.

Ông đã thành công khi thay đổi nghề nghiệp: ông được mời vào Viện nghiên cứu Xã hội học mới thành lập năm 1963.

Hegedus Andras là tổng cục phó Tổng cục Thống kê Trung ương, được bổ nhiệm làm viện trưởng Viện Xã hội học, đã mời tôi một nửa suất làm việc ở viện. Mối quan hệ có chừng mực của chúng tôi giữ một thời gian khá lâu. Ông thích những cán bộ có tính chất quần chúng. Đối với ông, tôi là con nhà giàu khu Pasarêt. Tôi cũng không ưa vị bộ trưởng một thời của Rakosi. Nhưng cuối cùng tôi vẫn được bổ nhiệm làm thư ký khoa học của Viện năm 1967. Hegedus Andras không biết ngoại ngữ, nên mỗi lần ra nước ngoài đều cho tôi đi theo. Một lần chúng tôi đến Firenze. Buổi tối chúng tôi cùng đi uống rượu: chúng tôi uống ít thôi, chừng một deci rượu vang đỏ, nhưng ở tất cả các quán rượu. Sáng hôm sau chúng tôi đã trở thành đôi bạn thân thiết. Khoảng một năm sau thì ông thuyên chuyển công tác, thay vào đó Kulcsar Kalmán trở thành Viện trưởng.

Còn ông được bổ nhiệm thành Trưởng ban nghiên cứu xã hội học đô thị. Ông nghiên cứu những vấn đề gì?

Về sự phân phối nhà cửa, về những cách biệt xã hội đô thị. Chủ yếu tôi cùng Konrad Gyorgy viết chung một số công trình nghiên cứu. Năm 1965 tôi làm quen với Konrad, lúc đó vừa hoàn thành cuộc điều tra nghiên cứu đô thị ở Vati, tôi cũng quan tâm đến cuộc điều tra này. Chúng tôi kết bạn với nhau. Gyorgy là người của cuộc sống hiện thực, trước đó có lúc đã từng làm việc trong các trại phúc lợi xã hội. Còn tôi biết nhiều hơn về lý thuyết xã hội học, và thế là chúng tôi bổ xung cho nhau. Cuốn sách chung của chúng tôi viết về những khu nhà tập thể.

Các ông có chắc công trình nghiên cứu của mình sẽ không chiếm được cảm tình của giới có quyền lực không?

Không chắc lắm. Mặc dù chúng tôi lập luận rất mạnh mẽ, không tự kiềm chế bản thân. Thực ra sau 1963 hệ thống cầm quyền bắt đầu nới rộng quyền tự do hơn một chút. Trong hàng ngũ những người có thế lực của đảng có quan điểm cho rằng: vì quyền lợi của việc lãnh đạo, để có hiệu quả hơn, cần phải nhận biết về xã hội. Cần phải đối mặt với những nhân tố xã hội, kể cả khi không mấy dễ chịu. Tầng lớp lãng đạo của đảng lúc đầu nhìn thấy sự liên minh với các nhà xã hội học. Tôi ví dụ đã dạy cả ở trường Cao đẳng của đảng, cả trong Viện nghiên cứu khoa học về Ðảng cộng sản công nhân Hungari.

Ông cho rằng ông có thể "buôn lậu" những tư tưởng cải cách vào những nơi đó hay sao?

Tôi đã không tạo ra những câu hỏi có tính chất "lương tâm cắn rứt'. Thời đó tôi không thuộc phái đối lập quyết liệt.

Thế rồi sau đó thì sao?

Khoảng cuối những năm sáu mươi, một dạng quay trở lại của phái bảo thủ nào đấy bắt đầu xuất hiện. Nền chuyên chế trở lại cứng rắn hơn. Còn chúng tôi thì ngày càng trở nên cấp tiến hơn. Các vụ "có vấn đề" bắt đầu xuất hiện sau 1971. Cùng Konrad, chúng tôi viết một bài có nhan đề "Những mâu thuẫn của sự phát triển đô thị trì trệ". Khi bài nghiên cứu này xuất hiện trong tạp chí Sự Thật, một vụ xìcăngđan chưa từng thấy đã nổ ra. Từ bấy giờ trở đi bài viết của tôi không được in nữa, người ta tước mất hộ chiếu của tôi, tôi bị đuổi ra khỏi Viện nghiên cứu khoa học Xã hội. Ðồng thời lúc bấy giờ đang có vụ án của Haraszti [6] . Haraszti Miklos bị kết án tù treo bởi cuốn sách Một mảnh tiền công. Chúng tôi công khai đứng về phía tác giả. Khi các sĩ quan công an bắt đầu hò hét, tôi biết: quả thật chắc chắn sẽ rất to chuyện nếu tôi không phải là "đồng chí" Szellênyi Iván.

Cuốn sách ông cùng viết với Konrad, cuốn Con đường của giới trí thức dẫn đến quyền lực giai cấp, đã trở thành bản phê phán chủ nghĩa xã hội. Nhiều người đã cho rằng: đây là một cuộc tự vẫn nghề nghiệp. Các ông cũng tính đến điều đó chứ?

Cái đó nằm trong ván bài này, và biết đâu chúng tôi sẽ thoát mà không để lại hậu quả gì. Tôi có cảm giác - cho đến tận hôm nay cũng thế thôi - cuốn sách đó là tác phẩm tinh thần tốt nhất của tôi. Tôi phải viết bằng mọi giá. Trong nước có thể không xuất bản được, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ đến tay người đọc phương Tây. Chúng tôi thuê gác chuông của linh mục Zsigmond ở Csobánka, và đến đó viết trong vòng một năm.

Theo giai thoại thì cứ tối tối các ông lại đào đất để chôn giấu bản thảo...

Thực ra chúng tôi lười hơn thế nhiều. Có thể một hai lần chúng đào đất, nhưng thông thường chúng tôi giấu bản thảo ở kho chứa củi. Một đêm bản thảo biến mất, sáng hôm sau lại thấy nó ở đấy. Có thể chúng tôi đã hơi bừa bãi, nhưng quả thật điều đó đã xảy ra: công an đã mượn bản thảo một đêm.

Làm sao họ biết được rằng các ông đã làm việc ở Csobanka?

Chúng tôi cố gắng không ba hoa về công việc của mình, nhưng làm sao giữ mồm giữ miệng được hoàn toàn cơ chứ. Về cuốn sách, chúng tôi không tranh luận với bất kỳ ai, và rất tiếc điều này cũng cảm nhận được vì nó không dễ đọc. Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để chuyển nó ra nước ngoài. Ma tuý có thể dễ dàng chuyển qua biên giới chứ bản thảo viết tay sẽ bị đánh hơi ngay. Tôi có một anh bạn người Ý. Ðầu tiên tôi định chuyển qua bưu điện từng phần nội dung cho anh ta, và anh ta sẽ cho xuất bản ở Velence với đầu đề Thư gửi Paoló. Sau đó chúng tôi nghĩ ra cách chụp thành phim cực nhỏ, để nhét vào bụng một con búp bê mặc quần áo dân tộc, thế là có thể chuyển "quà lưu niệm Hungari" đến một nơi nào đấy. Anh bạn Szentjoby Tamas đảm nhận việc chụp phim này. Không ngờ anh ta đã bị theo dõi, công an đã nhìn thấy Konrad trao bản thảo cho anh. Thế là anh ta bị khám nhà, với lý do: có người báo anh ta chụp ảnh khoả thân. Sau đó họ đã lấy đi bản thảo của chúng tôi.

Các ông đã được thông báo như thế nào về việc Szentjoby bị bắt?

Konrad đến nhà tôi ở đường Tanacs và bảo chúng ta cần tìm hiểu xem họ có theo dõi chúng ta không. Chúng tôi bắt chước những thủ thuật thường thấy trong phim ảnh, là xuống tàu điện ngầm rồi đột ngột nhảy ra khỏi toa, trước khi cửa đóng sập lại. Thế là một bóng người cũng nhảy theo. Tất nhiên sau đó chúng tôi bị bắt.

Ông và Konrad chắc cũng phải thống nhất với nhau về một kiểu khai như thế nào chứ?

Rằng nhất quyết không nói gì về quyển sách. Còn tôi bị bắt năm 1974, tháng Mười ngày 23 tại bể bơi Csillaghegy. Trước đó tôi vẫn còn kịp tắm hơi với "công an chìm" của tôi. Họ bảo, chắc công việc của anh sướng lắm nên mới đi tắm hơi vào buổi sáng như thế này, sau đó họ giải tôi đi.

Cái gì đã xảy ra trong tù?

Họ đối xử đúng mực với tôi ở nhà tù phố Gyorskocsi, hai ngày tôi được tắm một lần, một tuần dạo chơi hai lần trong sân.Gyorgy nằm xà lim riêng, tôi có người cai quản riêng. Ðiều tồi tệ nhất là tình trạng mập mờ: về mặt lý thuyết chúng tôi có thể lĩnh bảy năm tù về tội chống lại nhà nước.

Nhưng sau một tuần họ thả các ông ra.

Chúng tôi có ba bản thảo viết tay. Một bản tôi giấu ở chỗ bố tôi, một bản Konrad giấu ở chỗ em rể. Gyorgy quyết định sẽ hy sinh bản riêng của mình, khi lập luận rằng: công an sẽ thả chúng tôi sớm hơn nếu họ đạt được một kết quả nào đó. Ðúng như vậy. Sĩ quan công an hỏi cung nói với tôi: "Ngài có biết, nếu là năm 56 thì ngài đã bị treo cổ rồi không? Ðừng sợ vội, bây giờ chúng tôi không làm thế đâu."

Sự đồng tình của giới trí thức với các ông ra sao?

Khi tôi rời khỏi nhà tù trở về nhà, mọi người mở hội ăn mừng ở nhà tôi. Những phần tử tinh hoa nhất của nhóm dân chủ đối lập được họp lại. Nhưng khi tôi phải sống ngoài lề xã hội, thì không khí xung quanh tôi cũng băng giá dần. Trước năm 1971 ngày ngày có đến bốn mươi lần người ta gọi phôn cho tôi, sau đó thì ít dần. Người nào tìm tôi có thể bị nguy hiểm.

Cuốn sách của các ông tuyên bố: giới trí thức sẽ bẻ gẫy quyền lực chính trị. Giới cầm quyền thời đó nói gì về điều này?

Họ cảm thấy bị xúc phạm. Ngay nhóm đối lập cũng không chấp nhận. Còn những người đứng gần Đảng nhất thì cho rằng điều đó không bao giờ xảy ra.

Người ta đề nghị các ông rời khỏi đất nước. Konrad ở lại, còn ông ra đi. Vì sao vậy?

Trước khi họ thả chúng tôi, họ có đe dọa rằng: họ sẽ khoá vụ này lại bằng sự giám sát của kiểm sát viên, nhưng lần tiếp theo thì nhà tù sẽ đợi chúng tôi với một thời hạn không ngắn. Nhưng chúng tôi có thể nhận hộ chiếu đi ra nước ngoài.Viên sĩ quan công an của tôi răn đe thêm: "Tôi bắt đầu kính trọng ngài, nhưng tôi hi vọng ngài sẽ không lợi dụng điều ấy." Tôi không biết, đấy là sự nịnh bợ hay xúc phạm, nhưng anh ta đã không nói như vậy với Konrad. Ðầu tiên chúng tôi định cùng đi với nhau, nhưng rồi Gyorgy nghĩ lại: như một nhà văn Hung, anh ấy ở lại trong nước tốt hơn. Còn tôi cảm thấy cỏ sẽ không mọc tiếp ở sân của mình nữa. Tại Viện Xã hội học, tôi hỏi viện trưởng Kulcsar Kalmán, tôi có thể hy vọng điều gì. Vài ngày sau viện trưởng bảo: ông đã nói chuyện với một ai đấy ở trung ương Đảng, tôi sẽ bị đuổi ra khỏi viện, có thể sẽ được nhận một việc gì đấy, nhưng chỉ được làm như họ bảo thôi. Chỉ như vậy họ mới bảo vệ được tôi, còn nếu không tôi có thể là nạn nhân của công an. Về khoản này tôi không muốn tham dự nữa.

Vì vậy ông rời khỏi đây một cách không dễ dàng gì?

Dễ dàng chứ. Tôi đã chán ngấy rồi. Bên cạnh đó bản thảo giấu ở chỗ bố tôi cuối cùng cũng sang được Thuỵ sĩ - nhờ sự giúp đỡ của Tokes Rudolf và đại sứ quán Mỹ. Nó thu được thành công lớn ở phương Tây. Con đường công danh nước ngoài của chúng tôi phải nhờ vào "con đường của giới trí thức" như thế đấy. Tôi ra đi với tư thế không bao giờ quay trở lại, mà không nghĩ rằng trong đời mình hệ thống chính trị này sẽ sụp đổ.

Và ông không dừng chân cho tận khi tới Úc?

Tôi có dừng lại ở Anh, vì được nhận một suất học bổng ở đó. Trong một phụ trương đào tạo cao học của tờ London Times tôi tìm thấy một thông báo: trường đại học Flinders tại Úc cần tuyển giáo viên cho một bộ môn mới thành lập. Tôi đã dự thi tuyển. Một tháng sau, người ta gọi tôi đến phỏng vấn, và nhận tôi vào làm việc. Ðúng lúc đó đảng dân chủ xã hội lên cầm quyền ở Úc. Bộ trưởng bộ tư pháp Duncan gọi tôi vào phòng làm việc và nói với tôi rằng: ông ta sợ tôi là một phần tử tỵ nạn cánh hữu kiểu Solsenycin. Ông ta cài người của mình vào dự các tiết giảng của tôi, những người này sau đó báo cáo là không có gì đáng sợ cả. Những ý tưởng cách mạng của Duncan là: những viên chức nhà nước sẽ đảm đương những vai trò cách mạng tích cực. Ông ta đề nghị tất cả bọn họ ghi tên theo học xã hội học ở chỗ tôi, để tôi đào tạo họ trở thành những người cách mạng ưu tú. Nhưng một năm sau nội các của ông ta sụp đổ.

Ðiều đó là nhờ công lao của ông hay sao?

Không hẳn như vậy. Nhưng xã hội học được ưa chuộng một thời gian dài ở Úc. Còn tôi sau đó ký hợp đồng làm việc với các trường đại học ở Mỹ.

Sau ngày thay đổi thể chế chính trị ở trong nước, càng ngày ông về nước nghiên cứu càng nhiều hơn. Ông không cảm thấy nước Mỹ là nhà ư?

Về mặt thực hành, tôi chưa bao giờ điều tra thực nghiệm ở phương Tây. Sau ngần ấy năm tôi vẫn cảm thấy mình bấp bênh ở bên đó. Tôi biết nhiều đồng nghiệp trong nước tưởng tôi đã cắt đứt hẳn với hiện thực nước Hung, nhưng thực ra tôi biết rõ về hiện thực này hơn là của nước Mỹ. Tôi sống như trong trại giam ở nước Mỹ.

Nghĩa là thế nào?

Cuộc sống của các trường đại học ở Mỹ rất biệt lập. Tôi sống ở Los Angeles mười một năm, nhưng ngoài khu vực trường đại học ra tôi chẳng biết gì hơn. Không phải vì xuất xứ Hungari của tôi. Nước Mỹ là một điểm tiếp nhận: chẳng hạn người ta chọn tôi làm hội phó Hội Xã hội học. Chỉ đơn thuần vì lối sống ở đó khác.

Ông đã tuyên bố: nếu ở lại trong nước, ông đã có thể trở thành một nhà xã hội học giỏi.

Khi tôi rời khỏi đây, tôi ba mươi bảy tuổi. Năng lực sáng tạo của tôi đang ở điểm đỉnh. Tôi có thể nghiên cứu tiếp, có thể lên kế hoạch viết tiếp cuốn sách của chúng tôi. Mặc dù sau năm 1989 tôi có tiến hành trong nước hai cuộc điều tra có tính chất quốc tế lớn, nhưng vẫn cứ bị mất đi mười lăm năm. Tôi không ngượng ngùng vì những gì tôi đã viết từ lúc đó, nhưng tôi cho rằng mình vẫn có thể làm nhiều hơn thế nữa.

Thậm chí còn nổi lên một vài nhầm lẫn khoa học nữa là khác. Trong cuốn sách viết chung với Konrad ông đã tiên đoán: chẳng mấy chốc giới trí thức Hung sẽ nắm lấy quyền lực.

Thực ra, về cuốn sách này từ lúc đó tới giờ tôi đã viết hai lần bài tự phê phán mình. Theo tôi nghiên cứu khoa học đi đôi với sự nhầm lẫn. Có lẽ con người tự cho mình là uyên bác, chừng nào vẫn sẵn sàng sửa chữa sai lầm. Tôi không ngượng vì sự chuẩn đoán bệnh dở của mình: trong khoa học xã hội, vai trò đặt ra những câu hỏi đúng đắn của một người nào đấy không hề nhỏ. Nhiệm vụ của một người nghiên cứu không phải là đề ra những đơn thuốc. Phần việc này là của các nhà chính trị. Những đồng nghiệp trong nước của tôi đôi khi phàn nàn rằng các nhà chính trị không để ý đến họ đúng mức. Tôi lại rất lấy làm mừng rỡ vì điều này.

© 2003 talawas



[1]Nhà văn, nhà xã hội học Hung nổi tiếng
[2]Đạo diễn phim nổi tiếng của Hung
[3]Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Hung
[4]Rakosi Matyas (1892-1971) nhân vật độc tài số một của Ðảng cộng sản Hungari. Sau cách mạng 56, sống và mất tại thành phố Gorkj - nay thuộc Nga.
[5]Ngày nổ ra bạo động ở Hungari năm1956
[6]Nhà thơ, dịch giả, nhà văn Hung
Nguồn: tạp chí "168 giờ"-số 37, ra ngày 11.9.2003