trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
14.1.2008
Neil Sheehan
David Halberstam: Người chiến binh
Phạm Văn lược dịch
 
Vào một ngày đầu tháng Giêng năm 1963, David Halberstam tay ôm máy đánh chữ, xuất hiện ở tầng trệt căn chung cư tôi thuê trên một đường hẻm tại Sài Gòn. Phòng trước dùng làm văn phòng. Tôi ngủ trong gian phòng thứ hai ở phía sau. Tôi là phóng viên cho United Press International, và David làm cho New York Times. Anh chàng thuộc loại người không thèm hỏi: “Tôi ở chung với anh được không?” Mặc dù phóng viên thông tấn xã và ký giả nhật báo thường hợp sức ở hải ngoại, anh cứ cho rằng anh sẽ được chào đón và đặt máy đánh chữ xuống bên kia bàn làm việc của tôi. Hôm đó khởi đầu cho sự cộng tác của chúng tôi, và nhiều năm nữa sau khi công tác ở Việt Nam của chúng tôi chấm dứt, một tình bạn sẽ kéo dài tới khi anh chết trong một vụ đụng xe ở California hồi tháng Tư.

Giữa chúng tôi không có gì bí mật. Vào những ngày chúng tôi cùng ở Sài Gòn, thay vì về nông thôn tường thuật chiến trận, chúng tôi sẽ chọn một câu chuyện chúng tôi nghĩ là kể được, mỗi người đi gặp nguồn tin riêng của mình để nguồn tin đỡ bị lộ, rồi chia sẻ mọi thứ chúng tôi lượm lặt được.

Việt Nam năm 1963 là một điều không thể tưởng tượng được đối với hầu hết người Mỹ vẫn đang trong hào quang chiến thắng của Thế chiến thứ Hai. Cuộc xung đột đang thất bại, nhưng viên tướng chỉ huy Paul Harkins và đại sứ Frederick Nolting tại Sài Gòn khẳng định rằng chiến thắng đang ở bên kia góc đường. Harkins và Nolting cáo buộc chúng tôi và các ký giả Mỹ đã loan tin thất thiệt. Chúng tôi là những kẻ đáng ngờ về chính trị. Chúng tôi đáng lẽ phải bị đuổi việc. Nhiều biên tập viên của chúng tôi nghi ngờ chúng tôi. David mới 28 tuổi khi chúng tôi hợp tác với nhau, và tôi 26. Làm sao những đứa con nít này có thể đúng khi ông tướng bốn sao và nhà ngoại giao thâm niên nói tụi nó sai tuyệt đối?

David lớn nhanh qua cuộc xung đột. Anh là một người tự trọng không xem nhẹ công việc một cách dễ dàng. Năm 1963, anh vẫn day dứt vì hồi còn là sinh viên nhận học bổng ở Harvard trong lớp 1955, anh phải dọn phòng cho tụi sinh viên nhà giàu. Đương đầu với Harkins và Nolting khiến cho tính gây gổ của anh lộ ra. Đối với David, họ không chỉ là những kẻ dốt và dối trá. Họ là những kẻ tội phạm dốt và dối trá. Họ đang làm cho đất nước thua trận, vứt bỏ mạng sống của lính Mỹ và Việt, và tàn sát người già, phụ nữ và trẻ em bằng bom và đạn pháo, để chẳng được gì cả. Vào ngày lễ Độc lập, 4 tháng Bảy, tại tư dinh đại sứ năm đó, Harkins sửng sốt khi David khinh bỉ phép lịch sự giả dối phần lớn chúng tôi vẫn muốn giữ, anh từ chối bắt tay ông tướng.

Trái ngược với thái độ ở tổng hành dinh tại Sài Gòn, các cố vấn quân sự tại mặt trận rất thích David. Lòng can đảm khi hành động tương xứng với lòng quả cảm của lương tâm anh, và giới lính tráng nhà nghề kính trọng điều đó. Các cố vấn vùng phía nam châu thổ sông Cửu Long kết nạp anh vào “Blackfoot Club” chọn lọc. Hội viên phải là những người đã lội trên các cánh đồng lúa đủ lâu để bùn ngấm qua giày ống và nhuộm đen bàn chân họ. Các sĩ quan ở Việt Nam, không như cấp chỉ huy ở Iraq sau này, là một thế hệ quân nhân không tin rằng họ phải đợi tới khi về hưu mới nói cho chúng ta biết sai lầm. David là một học trò giỏi. Các bản tin chiến sự của anh ở vùng châu thổ sông Cửu Long, hồi đó là bãi chiến trường, càng ngày càng tinh tế. Nếu Tổng thống Kennedy trông cậy vào các báo cáo của David, thay vì vào những thứ ông nhận được từ Ngũ giác Đài và CIA, ông sẽ là một người được thông tin rất tốt.

Vâng, David có một cái Tôi, một cái Tôi khá lớn, vì vậy một số người khó chịu, nhất là những năm về sau khi tiếng tăm ký giả và tác giả của anh gia tăng. Điều đó chẳng bao giờ làm tôi bận lòng, vì tôi xem cái Tôi của anh là tự nhiên, như chất xúc tác cho sự sáng tạo của anh. Cái Tôi của David như bộ máy đốt phụ trên chiến đấu cơ phản lực. Khi nó đốt, nó bốc anh lên năng suất cao hơn. Năng lực của anh lan sang người khác, và anh cứ đốt nó đều. Tôi sẽ ăn trưa một miếng bít-tết trong quán ăn ở Sài Gòn. David ăn hai miếng.

Sau khi chúng tôi cộng tác vài tháng, chế độ Diệm khiến cho các nhà sư Phật giáo nổi loạn, chính quyền bắt đầu kiểm duyệt gắt gao tới nỗi tin gửi qua văn phòng điện tín không còn ý nghĩa gì nữa. Chúng tôi đành phải gửi bản tin của mình qua các phi công và tiếp viên đồng tình trên những chuyến bay ghé qua phi cảng Sài Gòn, với lời dặn dò khi họ đáp xuống chỗ kế thì điện thoại ngay cho văn phòng U.P.I. tới lấy. Một đêm chúng tôi quá mệt sau nhiều ngày tường thuật các vụ biểu tình, né dùi cui cảnh sát và nghẹt thở vì hơi cay tới nỗi chúng tôi cứ ngủ gục trên máy đánh chữ. Chúng tôi định ngủ bù vài tiếng để đỡ kiệt sức, nhưng nếu như thế chúng tôi không thể viết xong báo cáo của mình đúng giờ cho chuyến bay đầu tiên vào buổi sáng. “Ký giả không có quyền mệt”, cuối cùng David nói, chấm dứt bàn cãi. Bản tin của chúng tôi gửi đi trong chuyến bay buổi sáng.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Neil Sheehan, David Halberstam – The Combatant, The New York Times, 30 tháng 12 năm 2007. http://www.nytimes.com/2007/12/30/magazine/30lives-t.html