trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Kỉ niệm 200 năm ngày mất của Immanuel Kant 12.02.1804-12.02.2004
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
28.2.2004
Thái Kim Lan
I. Kant trên chiếc thuyền nan Việt ngữ
 
Ðể giúp các độc giả có thể hiểu rõ hơn nội dung bài Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? của triết gia Immanuel Kant, tôi gửi bản bổ túc chú thích về những khái niệm triết học then chốt trong bài đó.

Người Ðức khi đọc Kant thường nhận xét: đọc Kant cũng như đi chân trần leo lên ngọn núi Everest hay lội qua Ðại Tây dương bằng hai tay. Cuộc đi hiểm trở chông gai vì ngôn ngữ diễn đạt rất khúc khuỷu của triết gia, phải khổ công đi qua những đoạn đường ấy mới có thể thấy được ý tư tưởng thâm sâu của ông ngời sáng như đỉnh Everest. Tôi cũng đã có kinh nghiệm nát chân như thế nên rất tâm đắc câu này.

Tôi cám ơn ông Nguyễn Bình đã cho biết những khó khăn khi đọc bài dịch mà nếu có thì giờ tôi mong sẽ đi vào chi tiết. Xin ông đọc bản bổ túc chú thích như là một trả lời khái quát về nội dung của bài dịch. Về hình thức tôi sẽ nhuận sắc lại để mọi độc giả có thể đến gần với tư tưởng của Kant hơn nữa.

Chỉ xin nhấn mạnh một điểm: trong khi dịch Kant tôi đã cố gắng giữ sự trung thực đến mức tối đa sát với bản gốc, nhất là ngôn ngữ lý luận, khác với những lần dịch các tác phẩm văn chương. Ðó là quyết định chọn lựa của người dịch.

Nhân thể cũng có vài lời về bản dịch của ông Lê Tuấn Huy (LTH), chuyển từ bản Anh ngữ. Xin cám ơn nhã ý của ông Huy, đã muốn giúp tôi đóng góp vào sự hiểu tư tưởng của Kant trong bài Khai Sáng. Tôi chỉ xin đưa ra một vài nhận xét sơ khởi về bài dịch:

Cụm từ "giám hộ tự kỷ" (viết tắt: GHTK) không nói lên được chủ ý của Kant khi đặt vấn đề Khai Sáng nằm trong chữ "Unmündigkeit" (xin xem chú thích 2 trong bản dịch của tôi). "Giám hộ", tiếng Ðức là "Vormund" (V), khái niệm này trong tiểu luận được Kant triển khai như là một hiện tượng được diễn dịch từ khái niệm "Unmündigkeit" (U) mà tôi dịch là "vị thành niên" (VTN): vì U nên V. Ðó là tiến trình suy luận của Kant. Nếu dịch VTN là GHTK thì đã làm mất hơn một nửa ý hướng đặt vấn đề của Kant trong phần mở đầu của tiểu luận.

Phần mở đầu này thật sự là phần chủ đạo của cả tiểu luận cho nên quan trọng nhất. Lĩnh hội được nó là nắm được then chốt của toàn bài (xin xem phần bổ túc chú thích). Tôi tin chắc ông Nguyễn Bình đã không có khó khăn hiểu rõ đoạn dịch Việt này vì ông đã hiểu Engels và Marx: công thức Khai sáng của Kant nằm trong THIỆN CHÍ đảm lược phá vỡ chữ "UN" trong "Unmündigkeit" để biến khái niệm VỊ THÀNH NIÊN này - hay làm sáng, khai sáng, đãi sạch - thành MÜNDIGKEIT = THÀNH NIÊN hay "trưởng thành" (xin xem phần bổ túc chú thích cũng như chú thích trong bản dịch).

Ta thấy, chữ Hán Việt "thành niên" hay "trưởng thành" cũng có chiều sâu nằm trong chữ "thành" như một sự trở thành người "NHÂN"

Công thức Khai Sáng nằm vỏn vẹn trong quá trình: phủ định (thoát ly) của phủ định (bóng tối VỊ THÀNH NIÊN) = khả thể tích cực của Khai Sáng = ánh sáng của trí tuệ con người (xem phần bổ túc chú thích).

Trở lại bài dịch của Lê Tuấn Huy, có một cụm từ nữa đập vào mắt:

"Nhưng cũng chỉ một người đã khai sáng mình, lại vốn không khỏi e dè ngờ vực, và thêm vào là một đội quân hùng hậu, có kỷ luật tốt để bảo đảm hòa bình công dân, là dám nói rằng: "Cứ tranh luận, trong giới hạn mà anh muốn và đối với cái mà anh muốn, chỉ là - hãy tuân phục đi!"

Trước hết cụm từ "lại vốn không khỏi e dè ngờ vực" không có trong nguyên tác, vị trí của câu ấy trong nguyên tác là "sich nicht vor Schatten fürchtet" có nghiã là "không sợ bóng tối". Ðây là một câu chuẩn bị cho đúc kết của tiểu luận: Kant đã tìm được trong hiện tại một mẫu người làm gương cho sự khai sáng là vua Friedrich: ông là ví dụ điển hình thời ấy cho sự thực hiện khai sáng, Kant diễn đạt ở đây với hai thuật ngữ tượng hình: một người đã được "khai sáng" (aufgeklärt) thì không sợ bóng tối (Schatten) (ý nói của vị thành niên) nữa! Ánh sáng xua đuổi bóng tối(xin xem bổ túc chú thích). Hình ảnh này làm sáng tỏ thêm một lần nữa ý niệm Khai Sáng trong đoạn mở đầu tiểu luận như đã dẫn, nên quan trọng.

Một điểm khác trong câu trên:
Kant không nói tranh luận, Kant nói "LÝ LUẬN" (RÄSONIEREN, raisonner) có nghĩa là vận dụng trí tuệ quan sát, cân nhắc, suy diễn, tổng hợp những dữ kiện để nắm được tri thức đúng thật làm cơ sở cho KHAI SÁNG (xem phần bổ túc chú thích) Trong trường hợp này người lý luận có hoàn toàn tự do nhiều như người ấy muốn (wollen).

Trong bản dịch của tôi, vì méo mó nghề nghiệp muốn tránh lỗi lặp lại tôi đã đổi chữ "muốn" thứ hai thành chữ "thích" vì chữ thích liên quan đến đối tượng cụ thể (worüber trong tiếng Ðức) và tôi nghĩ trong tiếng Việt tương đương với nhau, nhưng để trung thực sẽ được thay bằng chữ "muốn".

Ngoài ra không phải "trong giới hạn" mà "nhiều như người ấy muốn" vì nếu dịch như thế, thì trước hết cặp mệnh đề mâu thuẫn trong toàn câu văn sẽ bị phá vỡ. Ðó là mâu thuẫn giữa tự do tư tưởng và kỷ luật phải có của một công dân, mà trong đoạn kế tiếp Kant nêu ra. Nếu đọc tiếp đoạn dưới thì sẽ thấy LTH dịch chữ "paradox" trong nguyên tác là "ngược đời", như thế bỏ đi phần lớn ý nghĩa của điều mà Kant muốn nói trong câu này. Một số từ không tương xứng khác cũng được sử dụng xa nghĩa chính như thế trong đoạn theo sau. Trong chừng mực của bài trả lời này tiếc thay thời gian không cho phép tôi tiếp tục.

Cảm tưởng của tôi là dịch giả trong ngọn bút tài hoa của mình đã đi khá xa trong bài dịch từ một bài dịch, với một ý hướng rất đẹp là cho bạn đọc thấy được hùng tâm tráng khí của một triết gia xa lạ cách đây 200 năm.

Nhưng ai là dịch giả mà không một lần phiêu lưu? Nhất là trên chiếc thuyền nan Việt ngữ còn thiếu rất nhiều dụng cụ chèo chống trong lãnh vực khoa học nói chung và triết học nói riêng.

Tất cả công việc dịch thuật trên lãnh vực này ít hay nhiều đều là những mẫu thử nghiệm với thiện tâm, cần phải sửa đổi cho hoàn hảo, chứ không phải là những lời phán bất di bất dịch. Ý thức như thế để đừng dùng lăng kính giáo điều suy xét - dĩ nhiên phải đọc nghiêm túc, nhưng trong một tinh thần trao đổi hỗ trợ. Mỗi sự đóng góp là một bài học mới. Và mỗi phê phán chỉ trích - có lẽ càng tiêu cực càng thúc đẩy - nên được hiểu như một tiếng "sấm" thức tỉnh.

Trong tinh thần ấy tôi cám ơn Nguyễn Bình và Lê Tuấn Huy.



Bổ túc chú thích bài Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?


1. Tổng lược

Khai sáng (KS): Aufklärung: làm sáng trí tuệ

Ðịnh nghĩa KS: Như trong hệ thống triết học của ông, ở bài tiểu luận về KS Kant đã xây dựng và lý giải khái niệm KS bằng hai phương pháp: phân tích và tổng hợp, hay diễn dịch và qui nạp.

Phương pháp diễn dịch của Kant theo mẫu phương pháp chứng minh toán học: trước hết Kant đưa ra ra định nghĩa toàn thể khái niệm KS ngay từ đầu bài, sau đó ông phân tích để rút ra những yếu tố cấu trúc của khái niệm. Những yếu tố đó lại được ông định nghĩa và phân tích thành những yếu tố nhỏ hơn và cuối cùng ông tổng hợp để đi đến kết luận về vai trò và ý nghĩa của KS

Phương pháp qui nạp được Kant sử dụng trong khi dẫn chứng các thí dụ cụ thể để chứng minh cho những khái niệm, ngược lại với phương pháp phân tích của diễn dịch, đây là phương pháp tổng hợp bằng cách thâu lượm những yếu tố kinh nghiệm thực tại về tình trạng vị thành niên trên các lãnh vực xã hội (ví dụ vai trò của người sĩ quan trong xã hội), tôn giáo (vai trò của vị linh mục), lịch sử (thế kỷ của KS) và chính trị (ví dụ điển hình về vua Friedrich).

Ðịnh nghĩa KS được đề ra trong viễn tượng vượt ra khỏi tình trạng vị thành niên (Unmündigkeit) đang chế ngự con người trong xã hội hiện tại như là một phản đề hay phủ định thực trạng vị thành niên (VTN) hiện tại: Chính ý niệm phủ định (PĐ) này của Kant đã là một trong những viên gạch xây dựng luận lý biện chứng của Hegel và sau đó của Marx như một phản đề của phản đề. Ta có định nghĩa:

KS = PĐ - VTN do chính con người gây ra cho mình
VTN = tư duy lệ thuộc

Lỗi của con người = không có ý chí và thiếu can đảm sử dụng trí tuệ độc lập do lười biếng và hèn nhát. KS do đấy thuộc lãnh vực đạo đức, trong đó con người theo Kant có ý chí tự do (freier Wille), tự chủ (Autonomie) và tự do (Freiheit) để hành động đạo đức. Từ đó trong khái niệm KS có ý niệm "tiến bộ", theo nghĩa mở rộng kiến thức để dẹp bỏ sai lầm và thành kiến. Khai Sáng là điều kiện của tiến bộ. Kant dùng chữ "tiến bộ" trong tương quan này như một "định nghĩa nguyên thủy của bản tính con người", một quan điểm tiến hóa (Evolution) của Darwin.

Có thể nói tổng quát : Khai Sáng - Tiến Bộ - Cách Mạng là những khái niệm từ Kant qua Hegel đến Marx.

Tiến trình KS = phủ định vị thành niên: không phải thụ động mà là hành động, bước đi, bước ra (Ausgang) khỏi bóng tối do con người gây ra, với một quyết tâm can đảm (sapere aude!). Hành trang duy nhất cho cuộc hành trình là trí tuệ con người (như một ánh lửa). Vừa đi - một cuộc đi cam go như "leo núi Everest bằng chân trần" và như khi đọc I. Kant! - con người từng bước (tiến bộ) khám phá và định nghiã được từ chính trong thiên chất của mình con người là một thực thể khác hơn máy móc: là một chủ thể tự do. Ðó là tiến trình từ bóng tối ra ánh sáng trong tiểu luận Khai Sáng.

Kết luận của bài Khai Sáng là một hình ảnh triết lý nên thơ bất ngờ của triết gia nổi tiếng khắc khổ: Khai sáng là động tác bóc những vỏ cứng của một hạt dẻ nằm trong thiên nhiên, sau bao lần vỏ cứng hiện ra một hạt NHÂN sáng ngời: CON NGƯỜI của Khai Sáng, hình ảnh nhân bản của hi vọng: chủ thể tự do đạo đức trong vũ trụ.

Hình ảnh này gói trọn tất cả khái niệm đi trước như sự khép lại hệ thống tư tưởng của bài viết bằng một hạt nhân, hạt NHÂN tư tưởng đầy nhân bản của Kant.


2. Các khái niệm trong tiểu luận

Trí tuệ = Verstand: nghiã hẹp: trí hiểu biết, khả năng nhận thức, giác tính (theo Bùi Văn Nam Sơn, dịch giả bản Việt ngữ tác phẩm Phê bình lý lính thuần túy của I. Kant sắp xuất bản[2]); nghiã rộng: trí tuệ. Ðây là một khái niệm quan trọng trong triết học của Kant. Kant sử dụng khái niệm này trong nhiều bộ môn triết học.

Trong lãnh vực tri thức luận, Verstand (giác tính) được xem là chức năng (Funktion) hiểu biết linh hoạt và trực khởi (spontan), có khả năng tổng hợp các ấn tượng cụ thể đa tạp và hỗn độn của cảm năng (Sensibilität) vào trong một khái niệm (Begriff). Verstand theo Kant là nguồn suối của các phạm trù tiên nghiệm (Kategorie), từ đó một tri thức được thành hình. Verstand là chức năng hoạt động trong lúc cảm giác tính là chức năng thụ động có nhiệm vụ làm môi giới cho ta và đối tượng bên ngoài. Theo Kant, Verstand là chức năng có thể viết chỉ thị, qui luật cho thiên nhiên. Verstand đối trị với thiên nhiên trong chức năng linh hoạt của nó.

Trong lãnh vực nhân chủng học, Verstand được Kant sử dụng như một gia sản tri thức của con người, khác với khái niệm thiên nhiên (Natur).

Trong bài KS, Kant đã dùng khái niệm Verstand theo nghĩa rộng: Verstand = trí tuệ của con người, do đó nội tại, những gì do trí hiểu của con người phác thảo và sáng tạo khác với thiên nhiên là ngoại tại mà Kant dùng chữ "fremd" = (nghĩa đen): lạ, không quen, bên ngoài.

Kant đã dùng chữ "trưởng thành tự nhiên" (naturaliter maiorennes) trong câu "được thiên nhiên giải phóng ra khỏi sự chỉ đạo ngoại lai" (= fremd = bên ngoài) đối nghịch với "trưởng thành qua trí tuệ" (mündigkeit = sử dụng trí tuệ độc lập không có sự chỉ đạo của người khác) như một khả năng nội tại của con người.

Ở những đoạn khác luôn luôn ta có những cặp khái niệm đối chiếu nhau như thế. Ví dụ: Những gì do con người làm ra, nhân tạo = künstlich (như guồng máy, tổ chức) trong nghĩa đối nghịch với thiên nhiên, tự nhiên = natürlich hay fremd (ngoại lai, bên ngoài).

Vị thành niên - Thành niên - Trưởng thành (đã chú thích).

Và thiên nhiên nuôi dưỡng "hạt nhân" trí tuệ ở kết luận KS.

TỰ DO: điều kiện thực hiện Khai Sáng. Trong bài KS, Kant đưa ra hai loại tự do: tự do tư duy = tự do nội tại của mỗi người, khác với tính tất yếu thiên nhiên và tự do công khai trình bày trước quần chúng (tự do ngôn luận). Kant nhấn mạnh "tự do công khai trình bày trước công chúng" như là điều kiện để khai sáng quần chúng rộng rãi và có hiệu quả nhất. Từ đó mỗi người có thể đưa ý kiến phát biểu công khai hay tiếng nói (Stimme) (xin xem VTN và Thành niên, Unmündigkeit và Mündigkeit, chú thích 1 của bản dịch). Trong bài KS, câu "thống nhất các tiếng nói" trình trước nhà vua (ngai vàng) trong nghĩa này.

Tự do tư duy và Tự do hành động (diễn giải trước quần chúng) theo Kant là những yếu tố xác định, định mệnh (Bestimmung) con người và cũng là thiên chức của con người (Beruf)

Ta có ở đây cặp khái niệm "xác định" (Bestimmung) và "thiên chức" (Beruf): trong lúc chữ "xác định", định mệnh (Bestimmung) diễn tả điều kiện nội tại (immanent) của khái niệm con người, khái niệm "thiên chức" (Beruf) nói đến tính thiêng liêng mà mỗi người cảm nghe trong tâm một tiếng nói kêu gọi hành động đạo đức- tiếng gọi như là gạch nối giữa con người và siêu việt. Tôi tạm dịch là "thiên chức" vì không biết có từ nào tương ứng hơn. Rất mong được góp ý.

Học giả: Kant giao phó cho học giả vai trò chủ đạo trong Khai Sáng, trong ý nghiã học giả là người tư duy độc lập có thể dùng trí tuệ huân tập những tri thức và kiến thức trung thực, khoa học và bổ ích cho con người và xã hội.

Lý trí (Vernuft): còn được dịch là lý tính, là khả năng mở rộng các qui luật tri thức cũng như ý hướng sử dụng tất cả những năng lực của con người vượt lên bản năng thiên nhiên. Lý tính trong KS được hiểu theo nghĩa là khả năng (Vermögen) của con người, có thể phán đoán theo nguyên tắc tự chủ, có nghĩa là tự do nhưng tuân theo những qui luật của tư duy.

Khai sáng và cách mạng: Từ khái niệm KS, Kant rút ra khái niệm "tiến bộ" nhưng không chủ trương cách mạng. Cách mạng đối với ông không phải là giải pháp cho Khai Sáng, chừng nào con người còn bị định kiến đè nặng.

Tôn giáo: Giáo hội La mã và Tin lành. Kant cho tình trạng vị thành niên trong lãnh vực này là tệ hại nhất.

Triết học chính trị của Kant nằm trong khái niệm thể chế mâu thuẫn, trong đó con người có thể "lý luận tự do theo ý muốn và ý thích, nhưng phải vâng lời" như một loại thể chế "tự do - quân chủ" theo kiểu vua Friedrich der Große.

München, tháng Hai, 2004

© 2004 talawas




[1] Chú thích của talawas: Tiến sĩ Thái Kim Lan (Luận án tiến sĩ về "Vai trò giới hạn của cảm năng trong tác phẩm Phê bình lí tính thuần túy của Immanuel Kant") hiện phụ trách về "Triết học tỉ giảo, tri thức luận Phật học và triết học phương Tây" tại Đại học Ludwig Maximillian München. Bà sống tại München.
[2] Chú thích của talawas: Bản tiếng Việt của tác phẩm đồ sộ và nổi tiếng nhất của Kant, Phê bình lí tính thuần túy (Kritik der reinen Vernunft) do dịch giả Bùi Vân Nam Sơn thực hiện, cùng với phần dẫn nhập của Tiến sĩ Thái Kim Lan, đã hoàn thành và sắp đựơc xuất bản vào tháng 5.2004.