trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Kỉ niệm 200 năm ngày mất của Immanuel Kant 12.02.1804-12.02.2004
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
21.2.2004
Đỗ Xuân Phương
Khai sáng, Chủ toàn và Giác ngộ
 
Bài viết ngắn này trình bày những cảm nghĩ của riêng tôi về Immanuel Kant (thông qua hai bản dịch của chị Thái Kim Lan và anh Lê Tuấn Huy). Cùng một dòng chảy với Kant, là tư tưởng "chủ toàn, chủ biệt" của Cao Xuân Huy thông qua bài viết của GS. Nguyễn Huệ Chi trong chủ đề Phương Đông - Phương Tây.

Phải nói ngay rằng, vấn đề ngôn ngữ là cái khó khăn nhất cần vượt qua để hiểu được một cách trọn vẹn một tư tưởng triết học. Nhưng như Thái Kim Lan đã ví nó với cái thuyền nan, chúng ta cần phải biết bước lên bờ để rồi bỏ qua cái thuyền đã chở mình qua sông, bất kể nó là thuyền sắt, thuyền nan hay thuyền gì đi nữa.

Trở lại với Kant, Khai sáng của ông thực ra không đến nỗi khó hiểu lắm nếu ta đã biết được Giác ngộ của Sakyamuni hay Đạt Đạo của Lão Tử. Với tôi, cụm từ "trạng thái giám hộ tự kỷ" hay "tình trạng vị thành niên do con người gây ra" đều có chung một nghĩa với "vô minh" của Phật. Khi một con người còn nhìn thế giới sự vật tách rời khỏi chính mình, còn chưa sống với hiện hữu từng giây từng phút, thì anh ta hay cô ta còn ở trong bóng tối của những định kiến do những người sống trước đó và chính mình tạo ra. Những định kiến đó là gì?, Chúng bao gồm rất nhiều, từ nhận thức về cái tôi (Ego) lĩnh hội từ khi còn là đứa bé, cho đến vô số những tri kiến mà chúng ta thường nghe thấy, nhìn thấy, ngửi thấy, sờ thấy ... hàng ngày. Những định kiến đó tạo thành một bức màn che khuất hiện hữu hay sự thật. Còn ở trong bóng tối của bức màn, đó là con người chưa trưởng thành, còn bị giám hộ. Trong bộ phim Matrix do anh em Wachovski đạo diễn, nhân vật Neo đã trải qua khó khăn khi xé bức màn ma trận để trưởng thành, một bước tiến sánh ngang với việc sinh ra trên đời. Tất nhiên điện ảnh không diễn tả chính xác sự thật, song đó là một mô tả gần đúng và giàu sức thuyết phục.

Cũng như Kant, Cao Xuân Huy cũng đề cập đến cái cùng chót tư tưởng mà con người có thể đạt đến. Phương thức "chủ biệt" trong nhận thức luận chính là bức màn mà đa số con người ở trong đó mà không hề hay biết sự hiện diện của nó. Chỉ khi nào "húc đầu" vào những giới hạn của bức màn, người ta mới nhận lấy phương thức "chủ toàn" như là một cứu cánh, đưa đến một nhận thức toàn diện về vũ trụ và con người.

Nhưng có một chỗ tinh tế mà người đọc Kant hay Cao Xuân Huy cần để ý. Đó là "khai sáng" hay "chủ toàn" là phải dựa vào việc dùng lý trí của chính mình và phát ngôn trong nhân cách của riêng mình (I. Kant - bản dịch của Thái Kim Lan). Nếu như ta chỉ đọc xong từ đầu đến cuối tác phẩm của các nhà triết học mà không biến những điều trong sách thành sự sống của mình, thì chúng ta chỉ làm cho tình trạng "giám hộ" hay "vị thành niên" thêm kéo dài và nặng nề. Đó cũng là lý do khiến Đức Phật dặn dò đệ tử phải biết "đốt bỏ kinh sách", còn Lão Tử nói: "đắc ý vong ngôn". Trong kỷ nguyên thông tin ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng kiếm được vô số sách vở bàn về Khai Sáng, Chủ Toàn hay Giác Ngộ. Nhưng mỗi người chỉ cần chọn lấy một, nhiều lắm thì hai, ba tác phẩm phù hợp với mình đặng nghiền ngẫm đến chỗ thông suốt, thông rồi mới đọc qua tác giả, tác phẩm khác. Đó là cách khai sáng khôn ngoan, tránh bị rơi vào cảnh loay hoay với chiếc thuyền nan - ngôn ngữ, mãi mà chưa tới bờ bên kia.

Về điểm nhấn quan trọng mà Kant muốn gửi đến Friedrich Đại đế, được nêu ra ở những đoạn cuối trong bài viết của ông, thì chính là ảnh hưởng của khai sáng đến chính trị và xã hội. Một hệ quả triết học mà hầu như nhà tư tưởng lớn nào của nhân loại cũng muốn nhắn gửi đến nhà cầm quyền đương thời, bởi vì họ hiểu rõ tác động tích cực và sâu rộng mà Khai sáng hay Giác ngộ đem đến cho nhân loại thông qua con đường tầm thường của thể chế và quyền lực. Việt Nam ta cũng có tấm gương tương tự khi mà các nhà tư tưởng như Nguyễn Minh Không, Vạn Hạnh ... mở đầu cho quốc gia Đại Việt thịnh trị thời Lý , Trần. Cho đến ngày nay, sự truyền bá tư tưởng đó vẫn còn nóng hổi, mang tính thời sự bởi vì sự sinh thành nối tiếp nhau của con người khiến cho công cuộc khai sáng tiếp tục sục sôi, không bao giờ chấm dứt.

Với lòng thành kính tưởng nhớ các vị thầy, tôi xin mạn phép chị Thái Kim Lan và anh Lê Tuấn Huy để viết lại đoạn cuối cùng trong bản dịch Việt ngữ tác phẩm của Kant:

... Người cầm quyền vững mạnh, sau khi chính mình đã được khai sáng, thì ra mệnh lệnh "bắt buộc" dân chúng "phải" tự do tranh luận và tự do tư tưởng. Đó là một đường lối đáng kinh ngạc vì tính chất mâu thuẫn của nó (người cai trị lại khuyến khích người bị trị phát biểu tự do, trong đó có thể có cả những ý kiến chống lại mình). Càng có nhiều người được tự do tư duy thì xã hội (hay cộng đồng) càng được giải phóng, mặc dù vẫn còn những giới hạn không thể tránh khỏi (giới hạn của sinh tồn, cấu trúc hạ tầng và sự nối tiếp của lịch sử). Ngược lại, trong một xã hội cởi mở thì cá nhân sống trong đó cũng có nhiều cơ hội để phóng rộng khả năng của mình. Tư duy tự do và khuynh hướng tư duy tự do giống như hạt nhân nằm trong lớp vỏ cứng ( của hạt dẻ, hạt mơ, hạt mận....), khi được chăm bón cẩn thận thì sẽ nảy nở, phá vỡ lớp vỏ cứng. Nó sẽ tác động tới tính cách của nhân dân, làm cho nhân dân từ từ có được tự chủ trong hành động và cuối cùng, tác động tới cả những nguyên tắc của chính quyền. Bởi vì khi ấy, chính quyền nhận ra rằng đối xử với con người theo đúng phẩm cách (hay chân giá trị) của họ thì có lợi hơn là đối xử như với những cỗ máy." ...

Ghi chú: phần trong ngoặc đơn là tôi tự ý bổ sung. Có thể có nhiều cách hiểu khác đối với các bản dịch Việt ngữ, Anh ngữ, Đức ngữ... và tôi không có ý định tranh luận xem ai hiểu đúng, ai hiểu sai. "Cốt là ở lòng mình", đó là dụng ý của tôi khi gặp Kant.

© 2004 talawas


* Đầu đề của talawas