trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
23.1.2008
Nguyễn Hữu Liêm
Một lịch sử đã muộn
(Góp ý với Lê Tuấn Huy về vấn đề Phật giáo và Công giáo ở Việt Nam)
 
Karl Barth, vào năm 1957, khi viết phần giới thiệu cho cuốn The Essence of Christanity của Ludwig Feuerbach, đã diễn tả tính liên hệ của triết học Feuerbach với thần học Thiên Chúa giáo như là một "duyên tình không hạnh phúc". Ít ai, cũng như Feuerbach, khi suy tưởng về nguồn gốc, con người, giáo điều, về thần học, cấu trúc tổ chức giáo hội, và nhất là lịch sử bành trướng của đạo Chúa, qua Công giáo, mà không đi vào một mối tương hệ "ít hơn là hạnh phúc". Nhưng nỗi niềm không vui của Feuerbach chỉ là một phản ứng triết học, một biện luận phản đề, nhằm phủ định thần học đạo Chúa. Trong những trang sách của Feuerbach đã hiện thân qua ngôn ngữ một tinh thần công phá, một ý chí chối từ giáo điều Trung cổ bởi một trí thức hiện đại, dằn vặt với chính mình và thân phận con người, muốn đem tín đồ đạo Chúa, mà theo ông, những cá thể "nửa thú vật, nửa thiên thần" về lại để "làm người, toàn diện con người".

Nhưng theo Barth thì càng phủ định đạo Chúa trên cơ sở triết học nhân bản, Feuerbach càng bị lún sâu vào phạm trù tín lý của đạo này - một giáo lý vốn coi con người và thế gian như là một lỗi lầm để hứa hẹn một cõi toàn hảo - lại được phản biện bằng một triết học phủ định lịch sử đương thời như là một sự sai lạc và cũng hứa hẹn một khả thể "con người toàn diện". Đối với trí thức Việt Nam cũng thế. Khi đứng trên cơ sở dân tộc để phê phán đạo Chúa qua những hiện thân của nó, họ lại càng bị vướng mắc vào vấn đề dân tộc tính, mà ít nhiều đi nữa, Công giáo cũng thể hiện được rất nhiều bản chất ước mơ siêu hình của con người Việt Nam, vốn vẫn còn là "nửa súc vật, nửa thánh thần". Rất có thể rằng đạo Chúa đã bị áp đặt vào dòng sống dân tộc Việt, nhưng có phải rằng sự áp đặt đó đã đến đúng lúc trong một thửa ruộng mà một mầm mống giáo lý khác cần phải được cấy vào? Lịch sử truyền đạo Chúa vào Việt Nam trong suốt bốn thế kỷ qua là một hiện tượng gieo giống tâm linh vào vùng đất mới, là cả một chuỗi dài "duyên tình ít hơn hạnh phúc" giữa dân tộc và tín lý của đạo này.

Nhưng khác với Feuerbach, vốn sinh ra và lớn lên trong dòng sống của đạo Chúa, nuôi niềm bất mãn nội tại từ trong ý chí vươn thoát truyền thống của ông, ở người trí thức Phật giáo Việt Nam đã nẩy sinh một tinh thần hận thù Công giáo như là một năng thức phủ định đối với một bản sắc văn hóa mới, ngoại lai trong ý chí bảo tồn truyền thống của mình. Feuerbach đã may mắn có cơ hội và tài năng chuyển hóa niềm bất mãn nội tại thành ngôn từ triết học; nhưng trí thức Phật giáo Việt Nam chưa được có, hay không có khả năng tạo nên, cơ hội để biến niềm căm phẫn đối với Công giáo thành ra một phản biện thuần lý luận - cho đến những năm gần đây.

Vì thế, từ hơn thập niên qua, các bài viết và công trình biên khảo phê phán đạo Chúa của các tác giả như Trần Chung Ngọc, Vũ Ngự Chiêu, Nguyễn Mạnh Quang, Charlie Nguyễn, Bùi Kha, Nguyễn Xuân Thọ, Hoàng Văn Giàu, trên nhiều trang nhà báo điện tử như Giao Điểm, Chuyển Luân, hay Sách Hiếm, hay là các bộ sách đã được xuất bản khác, là một sự nở hoa, kết trái của một thành phần không nhỏ của trí thức Phật giáo (một số nguyên là tín đồ Công giáo) trong niềm thù hận đạo Chúa ở Việt Nam từ suốt thế kỷ qua. Tôi dùng chữ "thù hận" ở đây không phải là quá đáng. Họ là một sự tiếp nối tính chất phản ứng, không những chỉ về phương diện văn hóa dân tộc truyền thống, mà cũng là hiện thân của một thể loại phản đề chính trị, từ một nỗi nhục lịch sử trước vấn nạn thực dân Pháp, mà Công giáo, nhiều hay ít, đã nhờ vào để bành trướng. Vì thế, đến một mức độ nào đó, giới trí thức Phật tử Việt Nam cảm thấy họ gần gũi với người cộng sản trong bản chất phản đề và phủ định đế quốc phương Tây trên cơ sở dân tộc này. Cũng như người cộng sản, họ không có vấn đề gì với tín đồ đạo Chúa, mà họ chỉ có thái độ đối với tín điều, lịch sử và chính sách của giáo hội Công giáo.

Nếu lịch sử trí thức phương Tây hiện đại là một quá trình phủ định Thiên Chúa giáo - những trí thức lớn của Tây Âu, từ Nietzsche cho đến Onfray, vốn đã phản ứng mạnh mẽ và tiêu cực như thế nào đối với truyền thống tôn giáo của chính họ - thì phản ứng hiện nay của những trí thức Phật giáo Việt Nam kể trên đối với Công giáo là chưa và không đến đủ tầm mức cần thiết từ những người vốn vẫn tự coi mình bị lăng nhục trước một sức mạnh văn hóa đế quốc, mà Công giáo là hiện thân hàng đầu.

Tuy nhiên, khuyết điểm cơ bản của những trí thức Phật giáo này là sự lựa chọn, hay dựa vào hai tiền đề phản biện đạo Chúa, vốn chỉ là sự lặp lại những lý luận phủ định mà trí thức Tây Âu ngày nay đã không còn coi là hiệu quả, nếu không nói là thiếu giá trị thuyết phục, nhất là đối với tín đồ Công giáo. Tiền đề thứ nhất là chủ nghĩa khoa học thực nghiệm hiện đại phủ nhận sự hiện hữu của một Thượng đế theo khái niệm của đạo này. Tiền đề thứ hai là bản chất sai lầm của lịch sử đạo Chúa trong quá trình phát triển của nó - mà trong đó có vấn đề Công giáo và dân tộc Việt trong thời thực dân Pháp, và sau đó, ở miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Tại sao? Khi mà tất cả các tôn giáo, kể cả Phật giáo, đều đặt cơ sở tín lý vào "bằng chứng không thể thấy" thì khoa học thực nghiệm, trên cơ sở bằng chứng nhìn thấy của giác quan, không thể trở nên một phản đề đích thực, cùng thể loại phạm trù, đối với tôn giáo được. Theo quan điểm hiện đại thì đạo giáo nào tự nó cũng là một khối "mê tín" cả. Chính vì tính mê tín đó mà con người, vốn ở đâu và lúc nào, với những yếu đuối như nhau, mới thấy hấp dẫn để mà tìm đến.

Đối với tiền đề thứ hai, lịch sử truyền đạo của hầu hết các tôn giáo thì ít khi theo con lộ hòa bình hay với lý lẽ thuyết phục, ngoại trừ Phật giáo, mà là bằng sức mạnh võ lực chinh phục - như Jesus đã nói, "Ta đến là để nổi lửa trên thế gian… để mà gây chia rẽ" (Luke 12). Kẻ chiến thắng mang theo họ một logic của thời đại, một sự chính thống và hợp lý nội tại, và do đó là chân lý. Kẻ thua thì bị vứt bỏ bên lề đường để cho lịch sử tiến bước. "Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha trên ngôi Ngài" (Khải huyền 3). Lên án kẻ thắng vì hắn sai lầm hay tàn bạo là một hình thức ca ngợi sự yếu đuối và bất lực, tức là thiếu chân lý, của mình. Nhắc lại: Kẻ thắng bao giờ cũng tàn bạo và đúng.

Vì thế mà khuyết điểm của những trí thức Phật giáo Việt Nam nói trên là sự ngây thơ đối với vấn đề tôn giáo và quyền lực. Nếu tiền đề khoa học thực nghiệm là tiêu chuẩn chân lý thời đại, nếu sức mạnh đế quốc phương Tây là chìa khóa cho lịch sử bành trướng của đạo Chúa, thì trí thức Phật giáo, trên hai tiền đề này, phải có khả năng và ý chí để nhân danh truyền thống dân tộc Việt, tạo nên một năng lực phản đề và phủ định đối với đạo Chúa một cách có hiệu năng hiện thực. Hãy gặp sức mạnh của đạo Chúa trên lãnh thổ phạm trù và sức mạnh thế tục của nó. Tôi nghĩ rằng Phật tử Việt Nam cũng đã biết đến điều này. Nhưng họ chưa có cơ hội, hay chưa tìm ra một thời điểm để nâng nhiệt độ chống đạo Chúa lên một vài nấc. Cho đến ngày hôm nay, qua sự cố người Công giáo Hà Nội thắp nến "cầu nguyện" để đòi lại Tòa Khâm sứ Hà Nội, thì giọt nước phẫn uất vốn thầm lặng của trí thức Phật giáo mới dâng trào.

Trong bối cảnh như vậy, bài viết "Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn" trên talawas tuần qua của Lê Tuấn Huy đã đến đúng lúc. Bài viết này đóng góp một tiếng vang quan trọng khi nó đem một đề tài tương đối là nhạy cảm, tế nhị và "phức tạp" lên một diễn đàn trí thức "chính dòng" - thay vì vẫn để trong các trang nhà của các khối Phật tử hay là chỉ trên các trang blogs cá nhân. Vết thương nhiễm độc nào cũng cần phải mổ ra mới có cơ hội chữa lành. Lê Tuấn Huy đã nói lên tâm tư và trang trải lý luận từ một người không ở đạo nào, Phật hay Công giáo, của một trí thức trẻ tuổi, không có những kinh nghiệm về mâu thuẫn tôn giáo và chính trị như thế hệ Phật tử lớn tuổi hơn kinh qua thời Ngô Đình Diệm đã từng có. Trên bề mặt thảo luận đơn giản thì những phân tích, lập luận, và quan ngại của Lê Tuấn Huy về các vấn đề nhân danh chủ quyền của các cơ sở tôn giáo, từ chủ thể, thời hiệu, đến hoàn cảnh lịch sử và những hệ luỵ liên đới thì rõ ràng, mạch lạc, và mang tính thuyết phục. Người Phật tử và Công giáo Việt Nam phải trân trọng và cám ơn tác giả.

Tuy nhiên, thay vì là bài giới thiệu mở ra cho một phiên tranh luận lâu dài, vốn chỉ mới bắt đầu, Lê Tuấn Huy lại chuyển tải một nội dung và thông điệp kết luận cho một vấn đề xã hội và nhân văn lớn của lịch sử Việt Nam cận đại. Tác giả khai thác sự bất cập trong hai hiện tượng đòi Tòa Khâm sứ và đòi lại đất chùa Báo Thiên để không công nhận phần chính đáng của sự việc thứ hai. Vấn đề phải được nhìn kỹ hơn. Hai sự đòi hỏi dù có thể là không tương đồng trên mặt pháp lý, cũng như là chính danh, theo lý luận của tác giả, nhưng những đòi hỏi của Phật tử - rất nặng lời - về các cơ sở tôn giáo của họ đối với Giáo hội Công giáo không thể được coi như là một sự đã rồi. Khi Phật tử nêu lên nguồn gốc của các cơ sở Công giáo hàng đầu ở Việt Nam, từ tháp Báo Thiên trở nên Nhà thờ Thánh Joseph (Nhà thờ Lớn), chùa Lá Vàng trở thành Thánh địa La Vang, từ một ngôi chùa "không tên" trở nên Vương cung Thánh đường, thì họ đã nêu lên và chỉ thẳng ra bằng chứng cho những tảng băng ngầm và nổi từ một lịch sử hoán chuyển mà sức mạnh phương Tây đã thay đổi những biểu tượng của truyền thống tâm linh dân tộc. Vì thế, từ tính chất tình cảm, văn hóa, tôn giáo, đến ngôn từ mạnh mẽ của Phật tử, đây không phải thuần chỉ là một tranh luận pháp lý. Nó là cả một hiện tượng chủ nghĩa dân tộc, mà trí thức Phật giáo là một phần, từ cái cớ người Công giáo đòi lại Tòa Khâm sứ, mà họ cho là khiêu khích, đang được biểu lộ công khai trong sinh hoạt dân sự của xã hội Việt Nam hiện nay.

Đây là, và phải là, một cáo trạng nặng nề đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, và theo bằng chứng lịch sử, nó không phải là vô căn cứ hay thiếu biện minh. Nếu ai chịu khó nghiên cứu đến vấn đề này, sẽ thấy rằng những cáo trạng này có thừa bằng chứng, vừa pháp lý vừa lịch sử, theo tiêu chuẩn "vượt qua một nghi ngờ vừa phải", vốn đã được đưa ra gần đây, hay vẫn đang còn nằm đó trong các văn khố của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, cũng như ở La Mã. Từ một lịch sử trong vòng một trăm năm nay, những vấn đề này vẫn còn mang tính thời sự và "hiện thực". Cáo trạng này là một hiện thực hóa lịch sử cận đại mà gia sản độc lập dân tộc trong sự mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây, vẫn còn đang tiếp diễn, mà tất cả chúng ta là những đứa con tinh thần của tính "hiện thực lịch sử" này. Đây lại càng không phải, và không thể là một vấn đề cổ xưa, không còn giá trị liên đới đến nội dung nhân văn của người Việt hiện đại, mà là một mạch ngầm, một luồng "sóng đáy" đang được chuyển động, mà vì bối cảnh lịch sử chưa cho phép, nó mới trở nên ngọn sóng mới trong những ngày tháng qua.

Vì thế, tinh thần và chủ nghĩa dân tộc, mà tinh thần chống đạo Chúa là một phần, dù hẹp hòi hay lỗi thời đi nữa, vốn im lặng nằm yên bấy lâu nay, nay được khơi động lên bằng chủ trương "đòi lại Tòa Khâm sứ" của người Công giáo. Khi trí thức Phật tử đặt vấn đề chùa Báo Thiên hay Lá Vàng, không phải là họ bênh vực (âm mưu!) chính quyền, hay lẫn lộn, hay đánh tráo vấn đề, hay mạo danh nào, mà họ đặt câu hỏi đối với vị thế chính danh và nội dung chính nghĩa, ít nhất là trên bình diện đạo đức lịch sử của người Công giáo, khi đòi lại cơ sở của họ. Giáo hội Công giáo phải trả lời cáo trạng này.

Trong truyền thống pháp chế Anh Mỹ có câu, "Khi bạn đến tòa để xin công lý (equity), hãy nhìn hai tay mình xem có sạch hay không". Người Phật tử Việt đang chất vấn Giáo hội Công giáo như vậy. Đây là một vấn nạn đáng buồn của lịch sử Việt Nam hiện đại, mà không có vấn đề nào có thể tách biệt ra riêng để có thể hiểu được, chúng ta phải nhìn đến nó như là một tổng thể từ một vấn đề lớn hơn. Những mất mát, hơn thua, như Lê Tuấn Huy nói, cho một vài cơ sở tôn giáo, của Phật giáo hay Công giáo, chắc là không mang một tác động quan trọng về xã hội, tôn giáo, tinh thần hay kinh tế nào. Phật giáo cũng đã mất nhiều cơ sở không thờ phượng sau 1975, như các lô đất của Đại học Vạn Hạnh, hay Việt Nam Quốc tự ở Sài Gòn. Tuy nhiên có những cơ sở tôn giáo tự chúng mang tính biểu tượng quan trọng cho quan hệ tôn giáo và dân tộc. Việc đòi lại Tòa Khâm sứ, bằng thái độ nhân danh chủ quyền, pháp lý hay đạo đức, nửa trịch thượng, nửa giả vờ, của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, đã bị coi như là một thách thức, tạo nên một sự khích động lớn, đối với người Phật tử. Nó khơi động lên những nội dung cáo trạng văn hóa và lịch sử liên đới cho chủ thể bị cáo. Khi cái hộp mở ra, châu chấu sẽ chen nhau mà cất cánh. Vì thế, trên cơ bản dân tộc - và đây mới là vấn đề quan yếu - thì hai vấn đề Tòa Khâm sứ và tháp Báo Thiên ở Hà Nội tự thực chất chỉ là một.

Thế còn hệ quả của cách đặt vấn đề của cáo trạng tôn giáo và dân tộc như vậy? Dĩ nhiên là chúng ta, những người Việt có ý thức, đều phải quan tâm. Và cũng chính bởi lý do này, do đó, chúng phải được nêu lên. Vì Công giáo nay đã trở thành một phần máu thịt văn hóa dân tộc Việt, do đó mà không nên đem con ma "tranh chấp tôn giáo" để hòng bỏ qua, xí xóa những món nợ lớn của lịch sử. Quét rác vào chân tủ, hay thổi nó lên không trung, không phải là một cách giải quyết thể loại cáo trạng này. Người thổ dân da đỏ ở Mỹ ngày nay vẫn còn tranh đấu cho những di tích dân tộc và tâm linh của họ sau hơn 200 năm bị xóa vết. Những tranh chấp dân sự là một thực tế không thể từ chối trong một quốc gia pháp trị. Khi đặt vấn đề một cách rõ ràng, phân định các lĩnh vực tranh chấp thành những cáo trạng minh bạch và dựa theo một tiêu chuẩn chính trị, pháp lý cũng như học thuật công bằng và hợp lý, chúng ta có thể, và phải giải quyết những cáo trạng lịch sử và văn hóa còn đọng lại. Người Phật giáo không từ bỏ tiêu chuẩn ôn hòa, hỉ xả, từ bi khi mạnh dạn và ngay thẳng nêu lên những cáo trạng công lý - dù rằng ngôn từ nhiều khi hơi nặng, mà chúng ta phải hiểu. Ôn hòa không có nghĩa là thụ động.

Vâng. Nếu có những nguyên đơn thực hữu và chính đáng, thì "tất cả các con ma đều sẽ đội mồ mà sống lại". Từ vấn đề dân tộc Chiêm Thành với các tháp Chàm, dân Miên ở miền Tây, đến những đòi hỏi của dân Thượng ở Cao nguyên, và còn nhiều nữa. Cho đến gần đây, món nợ lớn lao của chính quyền hiện hữu, từ chính sách đánh tư sản sau năm 1975, nạn trấn lột tài sản của người Hoa ở Chợ Lớn, nạn cướp nhà của dân vượt biên ở Sài Gòn, đều phải được đem ra ánh sáng công lý. Từ chùa Lá Vàng ở Quảng Trị của hơn thế kỷ trước, đến một căn hộ ở Sài Gòn bị tước đoạt sau năm 1975, đó đều là những cáo trạng hiện thực, mang đủ tính chính đáng, mà tất cả chúng ta, chính quyền hay dân sự, Công giáo hay Phật giáo, đều phải có khả năng và can đảm nhận diện để tìm cách giải quyết. Từ đó, và chỉ khi đó, thì cơ hội để cho tín đồ Công giáo và Phật tử, cán bộ cộng sản và không cộng sản, người dân tộc thiểu số và người Kinh, hải ngoại và trong nước, có thể thực sự, từ trong tâm tưởng, chung sống trong tinh thần tương kính và tôn trọng lẫn nhau.

Và điều này nữa: Khi các cáo trạng dân tộc và tôn giáo được mang ra ánh sáng công lý khách quan, dân tộc Việt sẽ có thể hoá giải được những dòng vô thức đầy ẩn khuất và tiêu cực, mà nếu không đương đầu, sẽ trở thành những biến chứng tranh chấp nặng nề và huỷ diệt khác. Khi những cáo trạng công lý hiện thực từ lịch sử không được giải quyết, thì hệ quả lâu dài sẽ có cơ nguy kinh hoàng. Hãy nhìn đến lịch sử nội chiến giữa Tin lành và Công giáo ở Ái Nhĩ Lan, hay là hai phe Hồi giáo Shiite và Sunni ở Trung Đông, khi người đương thời không chịu đối diện với vấn đề khi vẫn còn có cơ hội giải quyết.

Câu khẩu hiệu "đoàn kết, đại đoàn kết" chỉ có thể dùng trong thời chiến tranh. Ngày nay, chúng ta cần tìm ra mâu thuẫn dân tộc để phân định rõ, nhằm đưa ra một dự án chính trị về một xã hội công lý cho Việt Nam, nhằm hóa giải những mâu thuẫn đang có. Mà công việc đầu tiên cho một dự án công lý này là sự phân định những khối quyền lợi, tình cảm, tôn giáo, điạ phương ra thành từng chủ thể chính trị khác biệt, nhưng dung hợp, với những hành lý cáo trạng công lý lịch sử của họ, được điều chế trong một khung hiến pháp mới. Tương lai chính trị, và do đó, lịch sử của Việt Nam, không thể nào làm khác hơn.

Đây là một hành trình công lý hậu độc lập, mà những bước đầu tiên của dân tộc chỉ mới bắt đầu chập chững dón gót chân. Thay vì dừng lại, hãy cùng nhau tiến bước đi tới - vì lịch sử Việt Nam thực ra đã quá muộn màng.

© 2008 talawas