trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Kỉ niệm 200 năm ngày mất của Immanuel Kant 12.02.1804-12.02.2004
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
23.2.2004
Immanuel Kant
Thế nào là giác ngộ?
Phạm Toàn dịch
 
Với việc giới thiệu tiểu luận Khai Sáng là gì? talawas mong nối kết những câu hỏi rất thời sự của Việt Nam hôm nay với tư tưởng của Immanuel Kant, triết gia Đức quan trọng nhất song hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt. Cảm kích trước sự quan tâm lớn và nghiêm túc của nhiều độc giả và dịch giả, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu những cố gắng chuyển tải tư tưởng của I. Kant sang Việt ngữ. Thành công hay thất bại, những nỗ lực này chắc chắn sẽ khích lệ những nỗ lực khác và bổ ích cho tất cả. Mong các bạn cùng tham gia kỉ niệm 280 năm ngày sinh của I. Kant sắp tới (22.4.1724-22.4.2004) với talawas.
talawas
Giác ngộ là trạng thái ta thoát khỏi cảnh tự mình khư khư buộc mình trong tư thế kẻ không trưởng thành. Không trưởng thành là không có khả năng tự mình dùng hiểu biết của mình mà cứ phải có người đỡ đầu. Nguyên nhân của tình trạng đó không phải vì thiếu trí năng mà do thiếu quyết đoán cũng như thiếu dũng cảm đem trí năng của mình ra dùng, bất cần đến kẻ khác phải chỉ bảo cho. Tiếng Latin nói: Sapere aude! có nghĩa "Hãy dũng cảm đem trí năng mình ra dùng!"- thì đó cũng là phương châm của giác ngộ.

Lười và hèn là nguyên nhân khiến cho vô số con người ngay cả khi đã thoát từ lâu khỏi những dắt dẫn tự bên ngoài mà rồi cả đời vẫn cứ cam chịu cảnh lệ thuộc, và đó cũng là nguyên nhân để kẻ khác dễ dàng tự phong cho họ chức lính canh. Sống phụ thuộc như vậy bao giờ cũng thật dễ chịu. Có sách để sách hiểu biết hộ mình, có mục sư để mục sư lo ý thức cho mình, có thầy thuốc để thầy thuốc quyết định cách ăn cách nhịn cho mình, cứ như thế, và chẳng có gì đáng lo sợ hết. Chẳng cần suy nghĩ, chỉ cần bỏ tiền ra, mọi người sẽ làm mọi điều vớ vẩn hộ ta.

Những ông bảo vệ vốn đã ưu ái nẫng lấy cho mình công việc đỡ đầu sớm muộn sẽ thấy rằng phần đông con người (kể cả chị em phái đẹp) thường coi sự trưởng thành là một con đường không những khó khăn mà còn vô cùng nguy hiểm. Mới đầu các ông bảo vệ làm cho đàn gia súc biết ngoan ngoãn nghe lời và đoan chắc rằng chúng chẳng dám làm một điều cỏn con nào mà lại thiếu cái ách kéo xe chòng cổ, sau đó các ông bảo vệ sẽ chỉ cho họ thấy mối hiểm nguy một khi chúng định tìm cách thoát ra để một mình đi đó đi đây. Song thực ra thì mối hiểm nguy đâu có lớn, vì chỉ cần họ thoát ra vài bận là họ liền học đựoc ngay cách tự đi một mình. Nhưng chỉ cần một lần sảy chân là sẽ khiến họ trở nên nhút nhát và thường làm cho họ tránh xa mọi lần thử sức sau này.

Vậy là, thật vô cùng khó khăn cho một cá nhân khi định thoát ra khỏi cách sống không có người đỡ đầu, cái cung cách hầu như đã thành bản chất của họ. Anh ta đã quen đến mức đem lòng yêu tình trạng của mình, và giờ đây anh ta thực sự không có khả năng đem dùng trí năng của mình, vì chưa từng có một ai cho phép anh ta thử làm điều ấy. Những xiềng xích của một sự bảo trợ mãi mãi kéo dài đó là các lệ luật và công thức, những thứ công cụ cứng quèo của cách sử dụng hợp lý (hoặc đúng hơn là cách không biết sử dụng) các năng lực thiên bẩm của mình. Có ai xua đuổi anh ta thì cũng chỉ khiến anh ngỡ ngàng nhảy qua một cái rãnh, vì anh ta chưa bao giờ quen với cách chuyển động tự do như thế. Thế là, có thật ít người thành công khi tự mình suy nghĩ để giải phòng mình khỏi sự bất lực và có được một bước đường chắc chắn.

Có nhiều khả năng mọi người tự giác ngộ được chính mình. Điều này thực ra gần như không tránh khỏi nếu con người được tự do. Bởi vì bao giờ thì cũng vẫn còn một nhóm người ít ỏi suy nghĩ cho chính mình, thậm chí đó là những người nằm ngay trong đám bảo vệ canh giữ đám đông. Những ông bảo vệ đó, một khi chính họ quăng đi được cái ách của sự không trưởng thành, sẽ truyền bá cái tinh thần kính trọng hợp lý đối với giá trị cá nhân và với cái nhiệm vụ mỗi con người phải tư duy cho chính mình. Điều đáng chú ý ở đây là, nếu như quần chúng, những người trước đây đã bị bọn lính gác chòng cái ách lên vai họ, nay lại đủ sức bị khuấy động bởi vài ba ông lính canh không có khả năng giác ngộ, khi ấy hệ quả sẽ là họ sẽ cầm giữ được các ông lính gác dưới chòng ách. Vì truyền bá các định kiến thật rất tai hại, cuối cùng chúng sẽ quật lại vào đầu chính những con người đã khuyến khích các định kiến (hoặc những kẻ trước đó đã từng làm như vậy). Và thế là mọi người chỉ có thể được giác ngộ từ từ. Một cuộc cách mạng rất có thể lật đổ một nền chuyên chế cá nhân hoặc một sự áp bức tham lam hoặc bạo hành, nhưng sự thay đổi như vậy không khi nào tạo ra một sự đổi mới đích thực về cung cách tư duy. Hơn nữa, những định kiến mới sẽ lại được dùng như cũ để đóng ách lên đám đông quần chúng chẳng có tư duy gì hết.

Để thực sự được giác ngộ thì chẳng đòi hỏi gì ngoài sự tự do, và đó là cái tự do vô hại nhất trong những thứ có thể công khai đem dùng trí năng của mình vào mọi vấn đề. Nhưng tôi đang nghe thấy khắp bốn phương đang la lên "Không lý sự gì hết!" Ông sĩ quan nói: "Không lý sự gì hết, luyện kỹ năng đi!" Ông thu thuế nói: "Không lý sự gì hết, nộp tiền đi!" Ông thầy tu nói: "Không lý sự gì hết, hãy tin đi!" Chỉ có một ông hoàng trên thế giới này nói rằng "Tha hồ mà lý sự đi, hãy lý sự đủ mọi chuyện đi, nhưng hãy phục tòng!"

Khắp nơi nơi, đâu đâu tự do cũng bị bớt xén. Nhưng đâu là chỗ bớt xén làm cản trở sự giác ngộ và đâu là chỗ bớt xén nhưng không cản trở mà lại còn thúc đẩy sự giác ngộ? Tôi cho rằng, bao giờ cũng phải tự do công khai đem dùng trí năng, và chỉ riêng điều đó cũng đem lại được sự giác ngộ đến cho con người. Còn nếu trí năng được đem dùng riêng tư thường khi có thể rất hạn hẹp song cũng chẳng cản trở tiến trình giác ngộ. Tôi quan niệm rằng, công khai đem dùng trí năng là như trong trường hợp người có học đối với những người biết đọc sách. Còn tôi quan niệm dùng trí năng riêng tư là khi dùng trên cương vị riêng của mình hoặc trong văn phòng của mình.

Có nhiều vụ việc tiến hành vì quyền lợi của cộng đồng đòi hỏi phải có một cơ chế để những thành viên cộng đồng chỉ cần thực thi thụ động với một bề ngoài nhất trí, sao cho chính phủ có thể dắt dẫn tất cả đến cái đích cuối cùng, hoặc chí ít là ngăn cản để không làm tổn hại những mục đích tối hậu kia. Trong những trường hợp này, hẳn là không được phép lý sự - mọi người ai cũng phải phục tùng. Thế nhưng chừng nào một cá nhân còn vận hành như một bộ phận của cỗ máy lại cũng tự coi mình như một thành viên của cả khối cộng đồng hoặc thậm chí của một xã hội công dân thế giới, và khi ấy, với tư cách người có học, qua các bài viết của mình anh ta sẽ hướng tới quần chúng (theo ý nghĩa đúng đắn nhất), khi đó anh ta có thể bàn bạc lý sự mà không làm tổn thương gì đến công việc anh ta được thuê làm trong cái thời gian anh ta hoạt động trong tư cách thành viên thụ động của mình.

Vậy là sẽ có tác hại khi một viên sĩ quan đang hành nhiệm mà khi nhận mệnh lệnh của cấp trên lại bàn tán lý sự về tính đúng đắn hoặc tính hữu ích của mệnh lệnh ấy; ông ta chỉ có quyền phục tùng thôi. Nhưng thật hợp lý khi không cấm anh ta với tư cách con người có học được đưa ra những nhận xét về những sai lầm trong việc quân và đưa những chuyện đó ra cho quần chúng phán xét. Người công dân cũng không thể từ chối nghĩa vụ đóng thuế; những lời phê phán táo tợn về các khoản thuế má mà anh ta phải nộp có thể bị trừng trị vì coi như là sự xúc phạm khả dĩ dẫn tới sự bất phục tòng của đông đảo mọi người. Song cũng con người ấy vẫn làm đúng nghĩa vụ công dân của mình một khi trong tư cách con người có học anh ta nói công khai các tư tưởng của mình về sự không đúng đắn hoặc thậm chí về sự bất công của những biện pháp thu thuế ấy.

Tương tự như vậy, người giáo sĩ có bổn phận rao giảng trước học trò và giáo dân của mình theo đúng những giáo thuyết Nhà thờ ông ta phụng sự, bởi vì ông ta được thuê làm việc đó theo những điều khoản đó. Thế nhưng, với tư cách người có học, ông ta hoàn toàn tự do và cũng hoàn toàn bị buộc phải chia sẻ với quần chúng mọi suy tư chín chắn và thiện chí về những điều còn lệch lạc trong các giáo thuyết kia nhằm tổ chức tốt hơn việc đạo và giáo dân. Và làm như vậy thì chẳng có gì khiến lương tâm ông ta áy náy hết. Vì những điều ông ta rao giảng được xem như là hệ quả của công việc với tư cách là đại diện của Nhà thờ, và ông không có quyền muốn rao giảng ra sao mặc lòng; đó là công việc ông được thuê làm theo cách được quy định sẵn và tiến hành nhân danh một ai khác. Ông ta sẽ nói: "Nhà thờ của ta dạy điều này điều nọ, và đây là những lý lẽ được dùng để biện hộ chúng." Sau đó, ông ta sẽ trình ra càng nhiều giá trị thực tiễn càng tốt cho dân xứ đạo mình theo, nhưng lại là những tín điều ông hoàn toàn không thực lòng tin nhưng lại chưa khi nào trình bày ra cho rành rẽ rằng thực sự những điều đó khó có thể chứa đựng chút chân lý nào. Xét cho cùng thì chẳng thấy có gì là ngược lại với bản chất của tôn giáo trong các giáo thuyết đó. Vì nếu viên giáo sĩ nhận ra trong đó chút gì nghịch lại như vậy, thì hẳn ông ta chẳng thể nào yên lòng chịu chức và hành nghề, và hẳn sẽ xin từ nhiệm. Do đó, nếu có ai dùng cách của ông giáo sĩ để bàn cãi lý sự trước các giáo dân thì đó cũng chỉ là thuần tuý riêng tư, vì dù có đông đúc tới đâu thì đám giáo dân cũng chẳng khi nào khác một cuộc tập hợp kiểu gặp gỡ trong nhà. Nhìn nhận theo cách đó, vị giáo sĩ không hề và không thể tự do với tư cách giáo sĩ, chỉ vì ông ta hoạt động theo quy định tự bên ngoài. Ngược lại, với tư cách người trí thức qua các bài viết của mình mà nói với đám quần chúng thực thụ (tức là với toàn thể mọi người), người giáo sĩ phô bầy công khai trí năng của mình, và khi đó ông ta có được sự tự do vô hạn độ đem trí năng của riêng mình lên tiếng nhân danh chính mình. Thật là một điều ngu xuẩn nếu giữ rịt các ông lính gác tâm linh nhân dân trong tình trạng không trưởng thành, điều đó rốt cuộc lại làm cho những điều ngu xuẩn được thường xuyên tồn tại.

Thế nhưng liệu có chăng một cộng đồng giáo sĩ, chẳng hạn như hội đồng nhà thờ hoặc một chủng viện danh tiếng (kiểu như ở Hà Lan) có quyền đứng tên tuyên thệ trước một hệ giáo lý vững chãi nhằm giữ cho thời nào cũng có được quyền bề trên đỡ đầu mọi thành viên của mình và thông qua đó duy trì quyền lực bảo hộ đến tất cả mọi người? Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn không thể có được. Một hợp đồng dạng đó nhằm vĩnh viễn ngăn chặn mọi khả năng giác ngộ mai sau của nhân loại, đó là điều tuyệt đối không có giá trị ngay cả khi nó được thông qua bởi các cơ quan quyền lực tối cao, các nghị viện, hoặc các hoà ước ký kết trịnh trọng nhất. Một thế hệ này không thể tuyên thệ gia nhập một liên minh để rồi một thế hệ khác bị rơi vào tình trạng không có khả năng mở rộng hoặc điều chỉnh sự hiểu biết của mình, sửa chữa sai lầm và đi con đường tiến dần đến giác ngộ. Làm như vậy có thể coi là một tội ác chống lại bản chất con người, cái bản chất ngay từ khởi nguyên đã chỉ có một nhiệm vụ là tiến đến sự giác ngộ. Những thế hệ mai sau do đó hoàn toàn có quyền khước từ những thoả thuận coi như là không được phép hoặc như là tội ác.

Muốn đo xem liệu một giải pháp riêng biệt nào đó có thể thành luật đem áp dụng cho mọi người, chúng ta chỉ cần nêu câu hỏi là liệu nhân dân có định áp đặt chính giải pháp đó cho họ hay không. Nếu đó là nhằm cho một giai đoạn ngắn định đưa ra một trật tự nào đó trong lúc chờ đợi có một giải pháp tốt hơn, thì rất có thể đưa ra giải pháp áp đặt lắm. Điều này cũng hàm nghĩa là từng công dân, nhất là người giáo sĩ, với tư cách người có học, cần được quyền tự do nêu ý kiến công khai, thí dụ như trong các bài viết, nói lên những điều bất cập của các thiết chế đang tồn tại. Đồng thời, cái trật tự mới xác lập cũng phải được tiếp tục cho tới khi có sự thức tỉnh của quần chúng về bản chất các vấn đề đang diễn tiến đó và đủ độ để chứng minh được là có sự tán đồng rộng rãi (nếu không phải là đồng ý trăm phần trăm), khi đó một kiến nghị có thể được trình lên nhà vua. Làm như vậy thì sẽ bảo vệ được những cộng đồng giáo dân đã đồng ý chẳng hạn như thay đổi thiết chế tôn giáo của họ theo các quan điểm nhận thức cao hơn của họ, đồng thời cũng vẫn không ngăn chặn những ai muốn duy trì sự vật như cũ. Nhưng cũng tuyệt đối không cho phép dù chỉ trong thời gian ngắn đồng ý với một thể chế tôn giáo thường trực mà không một ai có quyền tra vấn công khai. Vì như vậy thì trên thực tế sẽ vô hiệu hoá một chặng đường tiến lên của con người, làm cho nó không sinh kết quả nữa, thậm chí làm hại đến nhiều thế hệ về sau. Con người có thể trì hoãn giác ngộ những vấn đề anh ta cần nhận biết cho mình và trong một giai đoạn không hạn định, nhưng nếu khước từ hoàn toàn sự giác ngộ đó, dù là cho bản thân hoặc cho những thế hệ sau, có nghĩa là vi phạm và chà đạp những quyền năng thiêng liêng của nhân loại. Thế nhưng, có cái gì đó con người thậm chí không thể tự áp đặt cho mình thì lại càng không thể để cho một đấng chuyên chế áp đặt; bởi vì uy quyền về lập pháp của nhà vua hoàn toàn lệ thuộc vào sự hoà làm một giữa ngài với nguyện vọng chung của đám dân của ngài. Chừng nào ngài còn thấy đó hoàn toàn là chân lý hoặc ngài hình dung ra những điều cải thiện phù hợp với trật tự của người dân, thì ngài có thể hoặc là để cho thần dân mình làm mọi điều họ thấy là cần thiết nhằm cứu vớt chính họ, không coi đấy là việc riêng của nhà vua. Nhưng nhà vua lại có nhiệm vụ phải chặn lại bất kỳ ai cố tình ngăn chặn kẻ khác đang gắng sức xác định và nâng cao khả năng cứu rỗi chính họ. Nhà vua thực ra sẽ bớt giá trị một khi can thiệp vào các việc này và cứ bị lệ thuộc vào những điều thần dân viết ra để nói rõ các ý tưởng về tôn giáo cho bề trên xét. Nhà vua có thể làm điều này khi nhận chân ý nghĩa câu châm ngôn "Đấng tối thượng thì cũng không đứng trên luật lệ" (Caesar non est supra grammaticos). Song nhà vua sẽ chỉ làm mất uy danh mình khi ngài ủng hộ sự chuyên chế về tinh thần cuả vài ba tên bạo chúa chống lại đám thần dân còn lại.

Nếu có ai hỏi chúng ta "Hiện nay chúng ta có đang sống trong một thời đem lại cho con người sự giác ngộ?", thì câu trả lời là "Không", nhưng chính là chúng ta lại đang sống trong một thời khai sáng. Giờ đây, chúng ta còn xa mới đến chỗ mọi con người có đủ khả năng (hoặc có thể có được khả năng) dùng trí năng của mình một cách đúng đắn và tự tin vào những vấn đề tôn giáo mà không cần người chỉ bảo. Nhưng chúng ta cũng có những chỉ số khác cho thấy rõ ràng rằng con người có thể tự do tiến lên theo hướng đó, và ngày càng ít đi những trở ngại để đạt tới sự giác ngộ đầy đủ, tức là tới chỗ con người thoát ra khỏi tư thế kẻ không trưởng thành. Về phương diện này, thời đại chúng ta là thời khai sáng, thế kỷ của hoàng đế Frederick.

Một ông hoàng không thấy rằng mình không xứng đáng có nghĩa vụ không áp đặt gì hết cho mọi người về những vấn đề tôn giáo mà trao cho họ trọn vẹn tự do, một ông hoàng khi đó thậm chí không nhận rằng mình là kẻ khoan dung, thì đó là một con người đã giác ngộ và đáng được thế giới và hậu thế biết ơn như là kẻ đầu tiên giải phóng nhân loại khỏi trạng thái không trưởng thành và để cho mọi con người tự do dùng trí năng của mình vào mọi vấn đề thuộc ý thức của họ. Dưới sự trị vì của ông hoàng đó, các chức sắc nhà thờ, bất kể chức vị nào, với tư cách là người có học, có thể tự do và công khai để cho mọi người đánh giá các nhận định và ý kiến của mình, kể cả khi nơi này nơi khác việc làm có chệch hướng so với giáo thuyết chính thống. Điều này lại càng áp dụng được mạnh hơn với mọi người không kể chức trách nào. Tư tưởng tự do này sẽ vượt xa hơn mảnh đất này, thậm chí đến cả những nơi nó phải đấu tranh chống lại những cản trở áp đặt bởi những chính phủ nào vẫn còn hiểu sai chức năng của họ. Vì chỉ thấy một cái mẫu là đủ để mở mắt cho các chính phủ kia thấy rằng tự do là có thật và là nguyên nhân của thanh bình, ổn định của cả cộng đồng. Con người sẽ tự mình dần dần thoát ra khỏi sự mông muội một khi những điều giả tạo cố tình không còn kìm giữ họ lại được trong vòng mông muội đó nữa.

Tôi lấy tiêu điểm là các vấn đề tôn giáo để nói về sự giác ngộ, tức là vấn đề con người thoát ra khỏi cảnh tự mình khư khư buộc mình trong tư thế kẻ không trưởng thành. Sở dĩ làm như vậy trước hết là vì các nhà cầm quyền của ta không chú ý đến việc giữ vai trò lính canh thần dân đối với những vấn đề hiện đang được khoa học và nghệ thuật quan tâm, và sau đó là vì sự không trưởng thành về tôn giáo là thứ nguy hiểm chết người và làm ô danh con người nhất hạng. Nhưng thái độ tư duy của người nguyên thủ quốc gia ủng hộ tự do cho nghệ thuật và khoa học còn mở rộng đi xa hơn nữa, vì ông ta thấy rằng chẳng có gì nguy hiểm ngay cả cho quyền hành của mình khi ông ta cho thần dân có quyền công khai sử dụng trí năng của họ để đưa ra trước quần chúng các tư tưởng của mình về những cung cách làm luật pháp tốt hơn, ngay cả khi đó sẽ có những lời phê phán trực diện đối với luật pháp hiện thời. Trước mặt chúng ta là một mẫu mực về chuyện đó, chuyện không một nhà cầm quyền chuyên chế nào có thể vượt xa hơn đấng quân vương chúng ta đang trọng vọng.

Nhưng chỉ khi nào một người cầm quyền tự mình đã giác ngộ và chẳng sợ gì ma quỉ và trong tay vẫn có vô vàn quân sĩ nghiêm minh để bảo đảm an ninh công cộng, chỉ người đó mới có khả năng cất lời nói rằng: Hãy lý sự bao nhiêu tuỳ thích và lý sự mọi điều tuỳ ý, nhưng hãy phục tòng! Không một nền cộng hoà nào dám cả gan nói năng như vậy. Điều này cho chúng ta thấy một cái mẫu kỳ quặc và bất ngờ về những xu thế trong mọi việc của con người mà nhìn rộng ra ta chỉ có thể nói đó là những gì thật nghịch lý. Một trình độ tự do cao hơn cho mọi công dân có lợi cho tự do tư tưởng của mọi con người mặc dù vẫn có những rào cản không ai vượt nổi. Ngược lại, một trình độ tự do thấp cũng vẫn đem lại cho từng đầu óc cá nhân mở rộng hết cỡ khả năng của từng người. Và một khi cái mầm mang tính bản chất người này vẫn nảy nở bên trong cái vỏ cứng, thì nó vẫn dần dần tác động lên tính cách tư duy của mọi người, rồi sau đó dần dần đủ sức sử dụng cái tự do của họ. Cuối cùng, điều đó tác động lên các nguyên tắc cai trị, chính quyền sẽ thấy ở đó mối lợi khi cư xử với con người theo cung cách phù hợp với tư cách người, không phải cỗ máy.

(1784)

© 2004 talawas
Nguồn: bản tiếng Anh: http://www.fordham.edu/halsall/mod/kant-whatis.html