trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
25.1.2008
Càn Di
Lết tới “thiên đường”
 
Khi vào tuổi trưởng thành, không ít lần, tôi tự hỏi về chốn thiên đường, một nơi hứa hẹn dành cho kẻ tốt lành, nhưng đã lâu rồi, tôi không còn nghĩ đến điều này nữa. Thật tình cờ, trong một chuyến đi/về thăm quê nhà, tôi đã đến gần “thiên đường”.

Hòn Khói, Khánh Hoà
Ông D, cư dân xã Ninh Hải, khu vực Hòn Khói thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà hỏi tôi ở “thiên đường” nào vậy. Tôi chững lại. Tôi thật sự không hiểu câu hỏi của ông nên hỏi lại rằng có phải ông muốn biết tôi ở nước nào về, như thời thập niên 1980, 1990 người ở quê nhà cho rằng xuất ngoại (sang Hoa Kỳ) là lên thiên đường. Không ngờ, ý ông hỏi là tôi đang ở “Thiên Đường I” hay “Thiên Đường II” trong khu du lịch Hòn Khói này. Tôi vỡ lẽ, ngượng, và phải nói chữa là làm sao tôi được ở thiên đường, vả lại, có hai thiên đường thì biết đằng nào mà chọn. Tôi nói ở Dốc Lết Resort (xin đừng thấy chữ “resort” mà tưởng bở, đây là khu du lịch quốc doanh bẩn, cũ được cổ phần hoá hơn một năm trước) chứ nào biết “thiên đường” mà đến. Ông cho biết chủ nhân Thiên Đường I và Thiên Đường II là hai phụ nữ lấy chồng người ngoại quốc, một người Anh và một người Pháp. Bên cạnh Thiên Đường I và II là biệt thự của ông Thuỵ Sĩ đồng tính, có khách sạn ở ngoài đảo. Khách sạn này chuyên phục vụ cho người Thuỵ Sĩ du lịch tại Việt Nam. Ông Thuỵ Sĩ già này chiều chiều dẫn chó đi dạo và gạ gẫm thanh niên trong vùng. Ông kể, “Thằng cha này nó ‘yêu’ dữ lắm, đám thanh niên cần tiền đi một đêm 300.000 đồng ($18 USD) tưởng dễ ăn, nhưng bị thằng cha này quần suốt đêm nên bây giờ ai cũng chạy mặt hắn. Vậy mà thằng cha đó cũng kén chọn chỉ lựa đứa đẹp trai và to con”.

Ngay Dốc Lết, từ tờ mờ sáng, hai người đàn ông gánh nước biển lên đổ vào thau chậu cho hơn 10 sập trong chợ chồm hổm nhỏ. Chợ này bán cua, ghẹ, tôm, ốc lấy từ bạn chài. Mỗi ngày, tuỳ theo ế, đắt, các bạn hàng góp 1.000-2.000 đồng trả thù lao cho ông gánh nước. Nghe đâu, hai cô bán ghẹ, bán ốc đã từng lê lết ở Sài Gòn làm mướn, nhưng chưa đầy một năm, họ đã phải quay về quê miền cát nắng vì không chịu nổi điều kiện làm việc quá khắc nghiệt. Trên bãi biển, bên ngoài khuôn viên khu du lịch, hai người đàn ông lớn tuổi dựng hai chiếc xe đạp, ngồi bệt trên cát, róc suốt cuống lá dừa về bó làm chổi.

Ông D kể tiếp rằng, trước đây quận, vùng đã có kế hoạch chia đất, xây nhà cho người dân nghèo, nhờ việc chuyển nhượng đất cho cơ sở đóng và sửa chữa tàu Hyundai Vinashin. Người dân nghèo mấy xã Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thuỷ lúc đó đã bốc thăm, lấy số và chờ được cấp nhà ở, nhưng chẳng bao lâu sau đó bị thâu hồi lại và kế hoạch bị huỷ bỏ không lý do. Nghe chừng là bà Phương Mai, chị ruột của một vị lãnh đạo chính phủ đến tặng mỗi xã (bí thư, chủ tịch) một chiếc xe hơi và đất đai khu Hòn Khói này nay đã nằm trong tay bà ấy, chờ cho sự việc chìm xuồng để họ đem ra chuyển nhượng hoặc phát triển bỏ vào túi riêng. Người dân Hòn Khói lay lắt với thu nhập thấp, nhiều hộ, con cái phải bỏ học để phụ giúp gia đình. Nơi đây, tôi bắt gặp những khuôn mặt trẻ thơ sáng sủa đang nhìn về một tương lai đen tối, ngay cạnh “thiên đường” rực rỡ.

Đồi Thiên An, Huế

Chúng tôi đến đồi Thiên An vào khoảng xế trưa. Tại ngã rẽ lên đồi Thiên An có một bảng chỉ hướng lên khu du lịch sinh thái hồ Thuỷ Tiên và đường lên đan viện. Đan viện Thiên An nằm trên đỉnh đồi, yên tĩnh bao bọc bởi rừng thông. Vào hẳn trong khuôn viên đan viện, chúng tôi thoáng nghe tiếng thánh ca của các chủng sinh, các thầy. Những âm vang vọng không biết tự hướng nào làm lòng lắng đọng, thanh thoát. Bước nhẹ qua các dãy hành lang từ nhà nguyện vào sâu trong, không khí càng tĩnh lặng, trang nghiêm, thanh tịnh. Một chủng sinh đến chào và cho biết rằng chúng tôi đã đi lạc vào nơi không dành cho khách vãng lai. Tôi hỏi chuyện và hiểu được nỗi bức xúc của nhà dòng. Được biết năm 2000, nhà nước đã chiếm lấy 15 hecta đất của nhà dòng để làm khu giải trí, bất chấp sự phản đối của nhà dòng Benedict và cộng đồng người Công giáo trên thế giới. [1] Suốt bao nhiêu năm, người xứ Huế vẫn đến đồi Thiên An để hưởng sự yên tĩnh hay hẹn hò, nay không còn nữa. Vùng đất thơ mộng nguyên sơ mà người bạn xứ Huế tha phương của tôi đã nhắc đi nhắc lại và dặn dò tôi nhớ tới thưởng ngoạn nay đã bị trưng dụng và biến thành một nơi huyên náo làm tiền của sở du lịch Thừa Thiên - Huế.

Trung tâm Khiếm thị Bừng Sáng, Sài Gòn

Đến Trung tâm Bừng Sáng, cơ sở tư nhân giúp các trẻ em khiếm thị trong hẻm đường Vĩnh Viễn ở quận 10, vào ngày cuối trước khi lên đường trở về Hoa Kỳ, lòng chúng tôi chùng xuống. Vị giám đốc, cũng là người sáng lập trung tâm, vừa mới mất đột ngột chỉ hơn một tháng trước. Căn nhà hai tầng chật hẹp không có không gian để thở. Văn phòng là một ô ngăn chỉ nhỉnh hơn phòng điện thoại công cộng trên các góc đường ở Hoa Kỳ. Phòng trước có vài chiếc ghế nhựa xếp chồng lên nhau cho khỏi choáng chỗ, và ba em trai đang ngồi chơi piano điện ở các góc phòng. Trước cửa có để một băng ghế đá và các đồ dùng lặt vặt khoanh vòng rào lại. Phòng sau là nhà bếp. Trên lầu, ban công cỡ 4 mét vuông được che lại thành nhà tắm, phòng chính giữa với sàn gỗ là nơi ngủ, với một bên tường là tủ khoá chia ô cho mỗi em đựng vật dụng riêng; phòng sau cỡ 20 m2 dùng làm lớp học chữ nổi lúc đó đang có 6 em học sinh. Các em được đi học ở trường tiểu học, trung học phổ thông gần đó. Chúng tôi gặp anh Quyến, thầy dạy học và đang tạm điều hành, dù anh không hề được chuẩn bị cho công việc này. Sau đó, tôi được dẫn đến một căn nhà khác dành riêng cho các em gái ở sâu trong hẻm. Vừa vào cửa, tôi thấy năm sáu em đang quây quần ngồi dưới đất ôn bài thi, dưới sự hướng dẫn của một cô gái. Cô này đã tình nguyện đến giúp các em hơn hai năm nay. Tôi bước lên tầng trên, một phòng rộng với một nhóm em đang ăn quà đùa vui. Khi yêu cầu, chúng tôi được một em gái độc tấu đàn tranh một số bản dân ca cho nghe. Khi chúng tôi hỏi về ý nguyện, các em cho biết muốn được ở lại trung tâm dù sau khi trưởng thành hay lập gia đình. Các em đã gắn bó với nơi đây vì đây là gia đình thật sự của các em; nơi các em tìm được sự bình đẳng, cảm thông, và thương yêu. Khi hỏi về ước vọng, một em muốn tiếp tục làm nghề mát-xa, em kia muốn được làm cô giáo dạy đàn, còn em khác muốn làm vi-tính… Những em gái cười vui rạng rỡ dù không nhìn thấy gì. Chúng tôi chia tay đem theo món quà của những phút chia sẻ tâm tình và cảm thông.

“Việt Nam, điểm hẹn của thế kỷ 21” quyến rũ mời chào du khách tới thăm. Trong gần hai thập niên vừa qua, rất nhiều người vội đến thăm trước khi đất nước này mất hết những đặc thù. Cuộc chạy đua khám phá Việt Nam là một cảnh báo về viễn cảnh toàn cầu hoá làm nền văn hoá ngày càng phai dấu ấn. Việt Nam quyến rũ với người già tha hương, với trung niên viễn xứ, với thanh thiếu niên lạc lõng, với chuyên gia, với công ty ngoại quốc, thương gia Việt kiều… Mỗi người có âm hưởng rung động theo tần số chào mời khác biệt: Người muốn quay về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tiếng nói là của mình. Người đi tìm lại tuổi thanh xuân đã mất, những kỷ niệm nhạt nhoà. Trẻ chơi vơi trong thân Việt, hồn ai cố gắng giải toả xung đột chân diện. Trẻ lạc loài tha nhân đi tìm ý nghĩa, rời cuộc sống thừa mứa vô tâm, vô cảm. Giới chuyên gia đến nghiên cứu, thu nhặt dữ kiện, mổ xẻ, phân tích rồi dạy bảo lại cho học sinh địa phương. Công ty ngoại quốc và thương gia Việt đến Việt Nam để khai phá vùng đất hoang thị trường đầy cơ hội và tranh giành nắm bắt độc quyền. Tất cả đi/về Việt Nam để nhận bắt cái “của mình” và Việt Nam “cô Kiều” bán thân đợ nợ.

Chỉ có “thượng đế” mới ở trong “thiên đường”. Không ít người bây giờ đã làm “thượng đế” ở trong “thiên đường”. Mọi dịch vụ sẵn sàng cho “thượng đế”, nhất là các khoản “cấm”, “khó”, “ngặt” ở nơi khác. “Thượng đế” nào để mắt cảnh tay mỏi còng lưng lúi cúi nhặt rác phế thải, chân chai lê lết bán vé số, lưng vai nhức mỏi quảy gánh hàng rong, thân quằn đẩy chiếc xe chất nặng hàng, đầu trơ chang vang dưới nắng cát, v.v. Chắc chắn người dân không có sức để lết tới “thiên đường” trong lý thuyết kinh điển “tư tưởng Hồ Chí Minh” hay “thiên đường mở cửa” trong thực tế tư bản thô lậu dưới chế độ độc tài toàn trị. Những gia đình nghèo năm ba đời vẫn nghèo. Những đứa trẻ nghèo thất học lay lắt ở vỉa hè đường phố hoặc ở ven vùng sâu xa, những khuôn mặt sáng ngời nhưng quá khứ, hiện tại và tương lai đều đen tối, đang sống như con cá ngoắc ngáp trong dòng nước thải độc hại từ các vấn nạn: chính sách giáo dục, xã hội, y tế, lao động, tài nguyên, môi trường, và nền chính trị độc tài toàn trị…

Riêng tôi đã được vào thiên đường dù không hề mong đợi. Gặp các em tiểu học trưa thứ Bảy, lúc lên chùa Nguyên Thiều chơi. Các em dẫn chúng tôi lên tháp Bánh Ít. Khi xuống lại chân đồi, cả thảy chúng tôi mười mấy người chia nhau mỗi người một ngụm nước vì chỉ còn nửa bình nước nhỏ. Chia tay nhau, một em gái chúc “cô chú luôn hạnh phúc, nhưng chú đừng đánh cô nghe”. Nghe mát ruột, nhưng lòng tôi đau vì có lẽ em đã chứng kiến bạo động gia đình nhiều nên mới thốt ra câu ấy. Ở Huế, chúng tôi có những giờ phút chia sẻ với các em học sinh lớp bảy gia cảnh nghèo ở gần chuà Thiên Mụ không thể quên. Các em hồn nhiên, vui nghịch, nhưng rất lễ phép chia sẻ với chúng tôi vài bánh men sâu, hạt dưa; sau đó, chúng tôi cùng nhau đi ăn bánh nậm, bánh bột lọc mừng sinh nhật ba em cùng tháng. Chúng tôi lại được gặp các cụ, ông, bà mắt mù loà hay tay chân chệnh choạng sống cơ cực sau cơn lũ lụt đến nhận quà cứu trợ ở sân chùa miền Trung, những người bảo mẫu bao năm nhẫn nại chăm sóc các em sơ sinh tại trung tâm nuôi trẻ mồ côi, các sơ dòng Phan-xi-cô nuôi gia đình nhiễm HIV và mở trạm xá y tế miễn phí cho người nghèo và những bệnh nhân (nhiều khi bị ép buộc bất đắc dĩ) tại trại tâm thần rất tỉnh, đói cơm, đói thuốc lá, thèm được thăm viếng và muốn về thăm nhà nhưng không có tiền về xe, dù đã được phép ra khỏi trại. Hàng rào sắt hay hàng rào tiền, thứ nào cũng ngăn họ rời khỏi nơi không muốn ở này. Câu chuyện trò ân cần, vồn vả thăm hỏi khi gặp vợ chồng anh chị M ở Phú Quốc. Anh chị M quê Phù Mỹ, Bình Định, người “nẫu” xa quê nhận tôi là đồng hương, dù rằng, tôi chỉ là Bắc lai “nẫu”, làm tim tôi nở phồng. Rồi những phút giây trò truyện với nhóm em gái ở Trung tâm Bừng Sáng, với bình đẳng, trân trọng, mở lòng cùng nhau chia sẻ, các em vang tiếng cười rạng rỡ chiếu sáng nỗi mù loà của riêng tôi. Chốn thiên đường ở đó và họ đã mở cửa đón tôi.

© 2008 talawas



[1]European Parliament resolution on Vietnam (http://www.radicalparty.org/radicalseu/vietnamen.htm)