trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
28.1.2008
Nguyễn Trương Quý
Marathon quà Tết
 
Người ta vẫn cho rằng biếu xén là một cách ứng xử đã có từ lúc con người còn sống trong thời tối cổ. Biếu xén từ lúc nào đã thành thước đo lòng người, thành một văn hóa giao tiếp. Người ta đã có cả những câu ngạn ngữ về lợi ích thực dụng của quà biếu: Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn… Giới công sở xem ra đi đầu trong lĩnh vực thể hiện văn hóa phong bì này. Năm ngoái, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đưa ra con số tiền quà biếu của 663 đơn vị Nhà nước lên đến 4000 tỷ đồng. Còn đến các cơ quan vào dịp cuối năm, chúng ta dễ thấy cảnh kế toán hành chính ngập lụt trong danh sách quà tặng và phong bao.

Trong khi đợi các cơ quan chức năng rà soát đâu là giới hạn mang tiếng hối lộ theo “Quy chế công khai quà biếu” thì ở cấp độ cá nhân, chúng ta đã phải đôn đáo nhìn nhau mà mua quà. Chẳng hẳn là cho bằng chị bằng em nhưng thử nghĩ xem, cuối năm cơ quan nào cũng có quà cho nhân viên, chẳng lẽ mình đón Tết tay không? Chồng con ở nhà nhìn thế có khi cũng đâm coi thường mình. Thực ra ta cũng biết thừa quà Tết của cơ quan cho nhân viên không mấy khi có ý nghĩa vật chất, những gì cộm cán thì đã trông vào món tiền thưởng cuối năm. Trừ những người lương tháng vài trăm đô, được thưởng cuối năm vài tháng lương, là số ít những người không màng quà Tết đã đành, còn đa phần chúng ta vẫn phải bận tâm đến thứ này. Tại sao lại là “phải”? Bởi vì, chúng ta không muốn hai đứa con mình bị cô giáo “để ý” vì là học trò duy nhất bố mẹ không biếu gì cho cô. Chúng ta không muốn chồng mình sang năm làm việc nhỡ mất dịp cất nhắc chọn người vào vị trí quản lý mới. Chúng ta không muốn chị bác sĩ vẫn chăm sóc cho bố mình năm vừa rồi sẽ đột nhiên bận rộn khi ông cụ phải vào viện cấp cứu. Chúng ta cũng không muốn dự án của mình bị cắt nguồn tài chính ở cơ quan. Vân vân…

Một thiên la địa võng những mối ràng buộc phải lấy quà biếu Tết làm vật đánh dấu. Quà Tết là dầu bôi trơn để khử những ma sát văn phòng của chúng ta, và cũng là chứng chỉ cho một loại sát hạch ngầm quy ước. Hơn ai hết, chúng ta - phận văn phòng tép riu – mong dẹp được những cái lệ nghiệt ngã này. Mình được biếu một thì phải đi biếu trả mười. Biếu như thế nào, là cả một dịp thể hiện tài năng và sự duyên dáng của chúng ta. Nếu ta còn nhớ mua quà cho người yêu đã kỳ công ra sao, thì giờ đây, chọn quà cho sếp, cho cô giáo của con, cho chị bác sĩ của bố mình, cho chỗ nào cần nhờ vả, còn công phu hơn nhiều. Với người yêu thì dẫu có giận vì món quà không vừa ý, thì cũng ba bữa là làm lành vô điều kiện (có khi giận là để làm nũng). Còn với những đối tượng kia, đố ai biết họ có thái độ gì với món quà của ta. Vì thế, mỗi khi cuốn lịch dần đi đến những tờ cuối cùng của năm, ta lại đứng trước một thử thách cam go khi suy nghĩ đến vỡ cả đầu vì mua món quà gì “có lý” nhất.

Không hiểu sao, món quà đầu tiên ai cũng nghĩ tới có lẽ là rượu. Mà chúng khẩu đồng từ, ai cũng thấy rượu Tây mới là đích đáng, cho dù đối tượng ta biếu quà có thể là cô giáo dạy lớp năm của con mình không đụng tới một giọt bao giờ. Rượu Tây từ loại nhập khẩu “đi không nhanh nhưng không bao giờ thụt lùi” (tức Johnnie Walker trứ danh với hình tượng người đàn ông chống gậy), hay các loại sâm-banh Mỹ, vang Pháp, cô-nhắc Anh, những thứ rượu hàng ngày dân văn phòng chả mấy khi (được) uống, nay được dịp thuộc làu làu cả đến giá cả, độ cồn, hàng nước này đồ nước kia, cái nào mới là sành, mác nào mới là xịn. Xem ra rượu ngoại là một món quà đảm bảo được cả yếu tố văn minh, sự tôn kính lẫn đẳng cấp của người biếu. Một chai rượu ngoại có cái mác chữ Tây ngoằn nghèo trị giá từ 100 ngàn đồng của vang nho đến ba triệu đồng những Giôn xanh Giôn vàng, dẫu phù phiếm như vị chát của chất cồn nhưng lại là tấm giấy thông hành khá hiệu quả để đi vào tâm hồn người mà ta nhắm tới. Còn đi được đến đâu, phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác như cách biếu, quan hệ thân sơ, và mức độ nghiêm trọng của câu chuyện ẩn sau hành động biếu quà. Thử nghĩ mà xem, thằng cu con mình học đến lớp năm rồi mà làm toán đặt ẩn số vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác, viết văn vẫn cứ tả cô giáo em tuy hiền lành ngoan ngoãn nhưng bạn nào hư cô bắt nuốt phấn, không nhờ cô nâng đỡ kèm cặp, năm sau đừng hòng vào lớp chọn trường điểm cấp hai trung học cơ sở. Một khi cô đã nhận giỏ quà, một phong bì tế nhị kẹp giữa chai rượu với hộp bánh hay túi trà, ấy là ta đã biến món quà (có nhiều nhặn gì cho cam, tròm trèm năm trăm ngàn thôi mà) thành lộ phí cho con em mình đi xa hơn chứ không chỉ tránh bị nuốt phấn.

Chơ vơ một chai rượu dĩ nhiên chưa đủ, cũng không chung chung bánh mứt kẹo hầm bà làng mà phải có chọn lựa. Mặc dù công nghiệp bánh kẹo nước nhà cũng khá nhộn nhịp nhưng người ta sẽ chọn kẹo nhập từ những nước bạn xa xôi. Hoặc nhân dịp này, các nhà sản xuất bánh kẹo máu mặt tung ra các loại bánh có giá cực đắt. Chả biết những loại bánh “đế vương” ăn vào có sung sướng như vua chúa không, chứ người được tặng cũng phải hài lòng khi biết mình là một trong ba trăm người ở đất nước này được biếu hộp bánh giá ba triệu đồng. Đánh trúng tâm lý đua đòi và nạn biếu xén bây giờ, các nhà sản xuất gia công hộp đựng thật hoành tráng và tung ra chương trình quảng bá rầm rộ, khiến cho đám người khốn khổ phải xem lại món quà xoàng xĩnh của mình mà thấp thỏm: “Nhỡ đâu thằng cha cạnh tranh với mình mua hộp bánh đó rồi?”

Đến những dịp như thế này, chúng ta mới cảm nhận rõ rệt rằng cái cuộc sống văn phòng của mình mang tiếng phẳng lặng nhưng hóa ra đầy rẫy những bất trắc và thiếu sự đảm bảo. Ai biết ngày mai ta gặp vận hạn gì, dự án đổ bể, con cái thi trượt, cơ quan phá sản hay “phỉ phui cái mồm”, bố chồng mình mắc bệnh tiểu đường phải vào cấp cứu? Vốn là những kẻ thực tế, chúng ta nghĩ mình phải ra tay trước khi những nguy cơ tiềm tàng ấy xảy ra. Biếu quà và nhất là quà Tết, thực tế là một cách mua lấy sự an toàn cho mình, chẳng khác gì một thứ bảo hiểm nhân thọ. Các hãng Prudential hay AIA có khéo tỉ tê lắng nghe sụt sịt thấu hiểu đến đâu cũng không lại được với cơn sốt bảo hiểm văn phòng này. Nào có ai muốn mua bảo hiểm đâu, cũng như chẳng kẻ nào nhiều tiền và thừa nhiệt tình đi tặng quà khắp nơi khắp sở, nhưng cái ám ảnh tai nạn và rủi ro khiến đám người văn phòng chúng ta không khỏi lo sợ mà vái tứ phương. Bà cô ông mãnh quỷ thần yêu tinh quấy nhiễu chưa chắc đã có thật, nhưng các thể loại người khiến ta e ngại thì có sẵn ngay trong danh bạ điện thoại của ta.

Cái lo âu của dân văn phòng chẳng dừng lại ở đó. Mỗi người một tính, mỗi sếp một sở thích, chúng ta đâu có ăn ở cùng nhà với họ mà biết họ năm nay thích cái gì. Chẳng may mua phải món quà họ ghét thì thôi rồi, sự nghiệp sắp tới của ta coi như có khả năng liểng xiểng. Mua bảo hiểm nhân thọ còn chắc chắn được giải quyết khi có tai nạn, chứ bảo hiểm văn phòng loại này, dễ tiền mất tật mang. Có khi hộp bánh ba triệu lại có sự cố như bị mốc (chuyện này đã xảy ra, mới năm vừa rồi thôi), hay cố gắng nghiến răng mua chai rượu X.O Remy Martin 1 lít đem biếu mà trớ trêu năm nay sếp lại chuyển tông sang rượu ngâm những thứ thuốc bổ dương bổ âm. Ta méo mặt khi sếp nhận quà mà thủng thẳng chỉ vào tủ rượu hoành tráng: “Đấy, nhà tớ cả một tủ các loại có thiếu gì, nhưng mấy tháng nay có đụng đến giọt nào đâu. Bây giờ uống mấy cái cổ truyền này mới khỏe. Thằng A phòng kinh doanh mới đi Vân Nam mua được mấy cân đông trùng hạ thảo về cho tớ ngâm rượu. Ba triệu một cân mà cũng lặn lội. Thôi, cậu uống một ly đi”. Ta nhấp chén rượu mà thấy rượu đắng dã man, nghĩ số phận mình rồi giống như chai rượu sẽ bị xếp vào la liệt những dãy chai lọ bị bỏ quên trong tủ kia. Ta giận mình đã chủ quan, tại sao ta lại không quan tâm đến sức khỏe của sếp hồi trong năm hơn?

Nhưng ta có day dứt cũng chẳng làm được gì. Có ở vào hoàn cảnh người được biếu như sếp mới thấy, phải gật đầu trước một lô xích xông những lời nhờ vả cùng một dây những trông cậy, chưa chắc sếp đã nhớ nổi mà giúp. Đã thế, lại rõ tội nghiệp cho sếp lắm cơ, bị chị nhà càu nhàu khi phải bỏ cả mấy ngày giáp Tết mà giải tán bớt đống quà biếu chật nhà kia. Ngay cả nhà ta cũng vậy, những gói quà Tết chình ình trên bàn như một thứ đồ chờ luân chuyển tại một sân bay quá cảnh. Chúng ta hăm hở đi biếu đồng nghiệp, anh em họ hàng, mà lắm khi cũng biết tỏng chắc gì người được biếu đã dùng được hết. Có khi món quà vô thưởng vô phạt của ông cậu sẽ được mang đi biếu một bà dì có chồng là ông chú mới lên chức. Có khi nhìn món quà đắt giá, người nhận đã nghĩ ngay đến việc dùng nó dành cho đối tượng “xứng đáng hơn” chứ chưa chắc đã dám khui chai rượu triệu bạc ra uống. Quà biếu cuối cùng chỉ còn là một loại gậy tiếp sức điền kinh, nó chỉ dừng lại khi giao thừa đã điểm.

Mua quà cho sếp cũng như cho các đối tượng chi phối tương lai của chúng ta đã thành một thủ tục đầy lạ lùng, nhưng nó thừa hưởng một truyền thống biếu xén của người Á Đông. Sống trong một xã hội cần nhiều sự bảo trợ mang nhiều nét cảm tính, những thứ như phép vua thua lệ làng được chấp nhận, thì việc đi tay không ngay cả ngày thường đến nhà người mà ta cần sự giúp đỡ cũng là điều khiến ta e ngại. Bao giờ không còn cảnh toát mồ hôi chạy từ siêu thị, lẵng nhẵng giỏ quà bọc giấy trang kim với ruybăng đỏ chót, nín thở bước vào tư gia sếp, múa lưỡi mà nài nỉ sếp nhận cho: “Dạ, chả có gì đâu ạ. Gọi là chút quà thành tâm của chúng em”. Sếp đâu biết nỗi khổ của ta, cứ một hai: “Thôi, cô chú mang về. Thế này là phiền lắm. Đã có quy chế cả rồi”. Quy chế thì mặc quy chế, rút cục ta cũng phải tìm được cách khiến sếp nhận, mà sếp có nhận thì năm nay ta mới ăn Tết ngon được. Mà Tết đã ăn không ngon, cả năm dông là cái chắc…

Nếu ta kiên quyết không tặng quà biếu xén gì Tết này? Ta thấp thỏm lo nghĩ, không biết cái tương lai của mình, của gia đình lẫn con cái mình, liệu có vì thế mà thành địa ngục không? Ta bỗng thấy tuyệt vọng, đời mình đã tầm thường, hóa ra rút cục lại có lúc chỉ phụ thuộc vào mấy gói quà Tết mà thôi.

© 2008 talawas