trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 13 / 13 bài
  1 - 13 / 13 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
31.1.2008
Viên Linh
Tình nước mặn
 1   2   3   4   5 
 
5.

Trong tâm trí Vi Vân, từng bước một, nàng đi lùi trở lại khoảng thời gian những năm trước. Những năm mới lớn, nao nức ở thành phố cô đơn, ngóng trông tin tức Thẩm từ Sài Gòn vang vọng về. Khuôn mặt Thẩm hồi đó cũng khác bây giờ. Mái tóc ngắn hơn, vầng trán phẳng phiu hơn, cặp mắt trong hơn, đen hơn. Mới mấy năm trôi qua, Thẩm đã khác. Đời chàng cũng đã khác, mất đi rất nhiều dự tính, rất nhiều nét sáng tươi, để bây giờ là một người đàn ông sớm già, sớm mệt mỏi, và khổ thay, đang bó gối trong trại giam chờ ngày tòa xét xử.

“Có phải vì mình chăng” – Cô bé nghĩ – “Có phải vì mình mà chàng thay đổi như vậy?”.

Cô bé vẫn thả bộ trên bãi cát, dưới nắng vàng. Cô dừng lại trước xác chết của một con cá. Xác chết trương phồng, trắng bệch. Thuở nhỏ, mỗi sáng sớm cùng mấy đứa bạn xuống bãi, có lần cô bé đã đào cát chôn xác cá. Cũng như đã xây đắp tòa lâu đài mơ ước bên bọt biển. Vi Vân nhìn xác cá, bước qua và ngước nhìn lên phía đường phố. Cô bé vội vã vẫy chiếc xích lô đang thả trôi trên đường.

Nửa tiếng sau chiếc xe dừng lại trước một căn nhà cổng sơn đỏ ở đường Tân Viên. nhiều người lố nhố đứng ngoài cổng, nhiều người đứng xa hơn, ngó vào.

Cô bé bàng hoàng. Cả Bắc Phố đã biết chuyện.

“Cô ấy về kìa!”

Vi Vân vừa định lẩn tránh, nhưng không kịp nữa. Tiếng một người nào đã dội lên. Những cặp mắt soi mói sáng rực trên những khuôn mặt tăm tối. Cô bé bắt đầu nghe nổi lên tiếng xì xào, tiếng xì xào mênh mông không rõ rệt, vô nghĩa. Cô chóng mặt phải vịn vào cánh cổng.

Một người nào đó từ trong nhà chạy ra. Liên. Quần áo trắng toát.

“Chị làm sao thế?”

Vi Vân nhìn loáng thoáng bóng người. Cô được đặt nằm xuống giường. Căn phòng im vắng lạ lùng.

“Ở nhà có gì lạ không em?”

Liên ngơ ngác ngó chị:

“Có gì đâu?”

“Sao người ta đứng ngoài cổng đông thế?”

“Em cũng không biết. Để em xem”.

Vi Vân vẫy tay cản lại. Chắc chắn là Liên chưa biết gì về dư luận trong thành phố. Dư luận khởi sự trên những bộ mặt háo hức, những con mắt láo liên.

“Em rót cho chị ly trà nóng rồi để chị nằm nghỉ”.

Cánh cửa mở ra nhẹ nhàng. Vi Vân mở mắt, rồi khép lại ngay. Cô bé vẫn chờ đợi phải đối diện với anh mình, từ nhiều ngày nay. Nhưng cả hai anh em đều lảng xa nhau mỗi khi có thể gặp nhau trên thềm nhà, trong phòng khách. Sự chờ đợi nặng nề đến không một chút đột ngột, dù mỗi lần nghĩ đến, Vi Vân thấy khó thở.

“Vi Vân”.

Cô bé không chịu mở mắt. Khuôn mặt người anh lờ mờ trong mòng mi khép của nắng chiều soi qua khung cửa sổ.

“Vi Vân”.

Cô bé vẫn nằm trên giường.

“Em nghe”.

“Em khỏe chứ?”

“Bình thường”.

Một bàn tay đặt nhẹ lên vầng trán nóng:

“Em đừng lo lắng gì hết. Mọi chuyện đã có anh. Anh sẽ dàn xếp ổn thỏa hết để không ai phiền đến em. Mấy hôm nay anh không nói chuyện với em được vì anh phải lo điều đình với họ”.

Cô bé tính mở mắt lại thôi.

“Bây giờ thì có thể yên rồi. Cảnh sát sẽ không đến đây nữa. Không ai biết gì về chuyện em hết”.

Đôi mắt mở ra, sáng rực:

“Em không sợ điều đó”.

“Đã đành là em không sợ, nhưng cả thành phố biết thì có lợi gì đâu. Em lớn lên ở đây…”

Vi Vân nói nhẹ nhàng:

“Chắc em sẽ không sống ở đây mãi đâu. Em không thể sống nổi ở đây nữa, cho dù không ai biết gì. Cái khổ là em biết hết”.

Bàn tay vàng khói thuốc vuốt ve trên cánh tay cô bé:

“Vi Vân, chỉ một mình em biết thôi”.

“Anh tưởng thế. Với lại điều đó không quan trọng. Cái quan trọng là những gì em nghĩ về Bắc Phố đã đổi khác. Thành phố này rồi phải mất em, trong khi thật ra, em cũng không mơ ước được sống ở đây”.

“Vi Vân!”

Anh ta kêu lên vẻ khổ sở. Cô bé mở mắt nhìn anh:

“Em rất thương yêu mọi người trong gia đình, nhưng em thấy cô đơn lắm. Mỗi sáng đi làm, mỗi chiều rời sở, em đều đi vòng ra ngoài biển, nhìn biển thay đổi màu sắc, mỗi màu biển là một cảnh buồn. Lúc nào em cũng cô đơn. Em biết chắc em không thể sống mãi ở đây được nữa”.

Người anh thủ thỉ:

“Em còn nhỏ lắm, chưa thể ra đời được đâu”.

Cô bé cười:

“Anh đừng lo chuyện đó. Em có rất nhiều bạn, nên em cũng khá hiểu cuộc đời”.

Một lát người anh hỏi:

“Em tính đi đâu?”

“Hiện giờ em có hai ba nơi có thể đi được. Sở em làm sẵn sàng cho em tới những nơi đó”.

Người anh bỗng thắc mắc một điều gì. Sau khi mồi điếu thuốc, anh ta hỏi em:

“Lúc thằng Vi còn sống, nó có nói với anh nó không hiểu em muốn gì. Có phải em nói với nó dù làm đám cưới rồi em muốn đổi đi đâu em vẫn đổi phải không?”

“Vâng”.

“Tại sao vậy?”

“Nói ra bây giờ có lẽ không nên, nhưng nếu em nhận lời lấy Vi là vì em muốn bỏ thành phố này đi bất cứ đâu”.

Người anh yên lặng.

Cô bé tiếp tục nói:

“Thật đó anh. Em lấy chồng không phải vì yêu chồng. Anh thừa biết em không yêu Vi, nhất là hồi sau này, khi lớn lên, em thấy em cũng không thể yêu Vi, dù mọi người tìm đủ dịp để gán ghép. Chính Vi cũng biết như vậy, nhưng Vi hy vọng lầm rằng sau khi thành hôn em sẽ đổi khác”.

Cô bé cười cười:

“Thật ra có lẽ em cũng nghi ngờ rằng lấy chồng rồi em sẽ yêu chồng, nhưng nếu em nhận lời cho Vi làm đám hỏi là vì em chỉ muốn rời Bắc Phố. Em chán sống ở đây lắm rồi. Vả lại, từ đám hỏi đến đám cưới còn cách nhau xa lắm”.

“Còn hai tháng nữa”.

Cô bé bỗng chảy nước mắt:

“Đó anh thấy không, mặc dù còn hai tháng nữa mà mọi sự đã đổi thay đột ngột. Hai tháng đó chẳng bao giờ nữa”.

“Em thật vô tình với Vi. Nó yêu em biết bao. Em ra thăm mộ nó một tí”.

Cô bé gạt đi:

“Không”.

“Thôi cũng được. Em nằm nghỉ cho khoẻ, lúc nào muốn đi đâu chơi thì gọi anh”.

Anh ta chần chừ một lát rồi cũng ra khỏi phòng. Nhưng Vi Vân cất tiếng gọi.

“Gì nữa?”

Cô bé nhìn anh thật chăm chú:

“Về cái chuyện em xin đổi đi chỗ khác, em đã làm đơn rồi. Em nói để anh hay, đừng lo lắng gì hết”.

Người anh ngạc nhiên:

“Em làm đơn rồi?”

“Vâng. Ngày mai có kết quả”.

Vi Vân rời Bắc Phố bằng chuyến máy bay cuối cùng trong ngày, cất cánh hồi bốn giờ chiều. Người anh và Nga cùng đưa nàng ra phi trường trong khi nàng chỉ muốn một mình, chỉ muốn rời bỏ thành phố biển trong lặng lẽ.

Ba người đi trên chiếc xe Nga lái. Vi Vân đòi đến thăm Thẩm trước khi lên đường, song không ai chịu. Nửa tiếng đồng hồ trước khi phi cơ cất cánh, Vi Vân khóc nức nở, đòi vào khám từ biệt Thẩm.

Nga ngắt:

“Giờ này mà Vi Vân cũng còn khổ vì anh ấy nữa. Như thế còn không đủ sao”.

Cô bé không chịu:

“Thế nào Vi Vân cũng phải gặp anh Thẩm. Anh ấy phải vào tù cũng vì mình”.

“Anh ấy không vì Vi Vân chút nào đâu. Người như thế chẳng sống cho ai hết”.

Người anh nói thêm:

“Nga nó nói đúng đó em. Nó thì còn nghĩ đến ai. Nó chỉ nghĩ đến nó thôi”.

Cô bé nhún vai:

“Sao anh biết tài thế?”

“Có gì mà không biết. Bộ em tưởng nó ra Bắc Phố vì nó nhớ em hả? Nó không có nhớ ai hết. Nó chán Sài Gòn thì đi chơi đây đó, nó chọn Bắc Phố cũng như chọn Đà Lạt, Huế mà thôi”.

“Em phải vào từ biệt anh ấy. Em đi một mình cũng được”.

Ba người im lặng sau câu nói đó. Một lát Vi Vân lại nói:

“Đối với em, anh ấy vẫn thế. Dù chuyện gì xảy ra, anh ấy vẫn không thay đổi gì hết”.

Người anh đi đi lại lại trong phòng. Nắng xiên ngoài cửa sổ, khi anh ta dừng lại trước mặt em gái, anh ta thủ thỉ:

“Theo anh, em vào từ biệt nó bây giờ chỉ làm nó thêm khổ, nếu quả thật nó yêu em. Nó yêu em, nó yêu cả Bắc Phố. Em nên để nó tin rằng em đang ở Bắc Phố, nó cũng đang ở Bắc Phố với em. Nếu nó biết nó chỉ còn một mình ở đây, nó sẽ khổ lắm”.

Vi Vân muốn khóc nữa. Quả thật như vậy. Thẩm có lần đã nói Thẩm không thể nào sống ở thành phố này nếu không có nàng. Tiếng biển rì rào, sóng biển liên miên vô tận vỗ mãi một nhịp đều đặn lên bãi cát khiến chàng không chịu nổi. Chàng tới Bắc Phố vì Vi Vân, chàng chỉ yêu Bắc Phố vì cô bé. Không gian ấy chỉ có nghĩa nếu có hai người, “anh cảm thấy không khác gì chúng mình vẫn ở cách nhau hàng ngàn cây số khi anh ngồi ngoài bãi bể, chưa biết liên lạc với em bằng cách nào dù em đang ở rất gần anh. Chúng mình vẫn xa nhau ghê gớm nếu không thấy nhau, dù anh ở cách xa em có hai mươi phút ngồi xe”.

Cô bé nhớ Thẩm từng nói như vậy. Quả thật chàng vẫn nói như vậy, và cô không ghé Thẩm nữa. Chắc chắn lúc này ngồi thu mình trong bốn bức tường nhà giam, chàng tự nghĩ an ủi chàng đang sống cùng một thành phố với người tình.

Đúng bốn giờ chiều, Bắc Phố lặng lẽ trong màu nắng xế, nhỏ dần dưới cánh máy bay đang đưa Vi Vân đến một vùng trời khác.



*

Chiếc xe Jeep có Thẩm dời quán Chim Đại Dương trong cơn mưa tầm tã. Ngoài người cảnh sát lái xe, hai người còn lại ngồi hai bên Thẩm, ở băng ghế sau.

Về tới ty cảnh sát, Thẩm được dẫn ngay vào phòng trực. Toán cảnh sát trực đêm đó, ngoài ba người ngồi cùng xe Jeep với chàng, chỉ còn hai người khác, trong đó có một giữ sổ sách và một người canh gác trụ sở. Chính người gác khi trông thấy Thẩm đã kêu lên:

“Chính ông nội đây mà!”

Thẩm không hiểu gì cả. Mấy người kia cũng vậy. Một người trong số ba người đã bắt Thẩm về, hỏi:

“Cái gì vậy?”

“Chính là thằng cha ban chiều đã chạy khỏi xe đò khi tụi tôi tới”.

“Vậy hả”.

Họ cười hề hề với nhau:

“Lưới trời khó thoát mà”.

Một người thốt giật mình:

“Đồ đạc nó đâu?”

“Ngoài xe”.

“Mang vào đây mau!”

Chiếc va-li của Thẩm được mang vào, chỉ có thế. Năm người xúm lại coi.

“Sao không có gì cả?”

Người vừa nói hất hàm hỏi Thẩm:

“Đâu cả rồi?”

Chàng ngơ ngác không hiểu gì. Ông ta hỏi mấy thuộc viên:

“Con mẹ kia đâu?”

“Vẫn còn nhốt dưới nhà giam đó”.

Thẩm chợt nhớ đến người đàn bà cùng chuyến xe với chàng bị bắt vì mang đô-la xanh như Nga kể lại. Chính nàng cũng nghi Thẩm cùng bọn với bà ta.

Người cảnh sát ngó Thẩm đăm đăm, làm như nhìn thấu tâm trạng chàng:

“Ê bồ, giấu đâu cả rồi”.

Thẩm đóng kịch:

“Bà ta mang hết, chớ tôi không mang một đồng nào cả”.

Mấy người cảnh sát nhìn nhau. Cuối cùng một người tới xét Thẩm. Họ vứt ra bàn xấp bạc chàng có mười mấy ngàn.

“Còn tiền đô đâu?”

“Tất cả tôi chỉ có thế”.

“Hai người đi chuyến này là chuyến thứ mấy?”

Thẩm nhớ lại lời cô gái. Theo nàng đây là tổ chức buôn lậu đã làm ăn rất lâu trên con đường Quy Nhơn – Sài Gòn. Chàng nói:

“Chuyến đầu tiên”.

Mấy tiếng cười nổi lên. Chàng vội vã nói tiếp:

“Thật sự tôi có biết gì đâu. Tôi bỏ mối dép nhựa, rồi gặp bà đó ở dọc đường. Bà đó nhờ mang cái va-li lên xe”.

“Làm như anh không ở trong tổ chức vậy?”

“Thưa không. Tôi có biết gì đâu. Nhưng tới khi các ông tới xét tôi mới biết. Tôi bỏ chạy liền mà”.

“Còn va-li quần áo ở đâu ra vậy?”

Thẩm lúng túng. Chàng đành thuật lại gần đúng sự thật câu chuyện. Chàng ra Bắc Phố chơi rồi từ Bắc Phố đi Ninh Hòa thăm một người bạn. Bây giờ trở về Bắc Phố, v.v.

Chàng kết luận:

“Các ông minh xét cho, chớ tôi mà buôn lậu gì. Xin cho tôi nộp phạt, sáng mai tôi trở về Sài Gòn”.

Một người nhún vai:

“Nộp phạt. Tại sao lại nộp phạt?”

Thẩm chỉ xấp bạc trên mặt bàn:

“Tôi có làm gì phi pháp đâu. Chẳng qua…”

Chàng không biết nói sao trong khi mấy người cảnh sát lại nhìn nhau.

Người vẫn hỏi chàng, mà Thẩm đoán là người sếp ở đó, hất hàm hỏi toán thuộc viên:

“Bắt thằng cha này ở đâu vậy?”

Hai ba người cùng trả lời một lúc, trong khi Thẩm bị quan sát kỹ hơn.

“Xét kỹ chưa? Coi chừng nó còn để cái gì ở đó”.

“Hết rồi sếp”.

Ông ta ngó Thẩm, tay chỉ xấp bạc trên bàn:

“Vậy là chỉ có cái này”.

Chàng gật đầu. Ông ta lại hỏi mấy thuộc viên:

“Mụ chủ chốt có khai báo thêm gì không?”

“Dạ không. Bà ta bảo đi một mình”.

“Vậy chắc thằng cha này không quan trọng. Tính sao tụi bây?”

Họ nhìn xấp bạc trên bàn, cười cười. Một người nói:

“Tùy sếp, tụi em thế nào cũng được”.

Ông ta hất tay, cả bọn lui ra. Trong phòng chỉ còn lại Thẩm. Chàng đoán hiểu những gì sẽ xảy ra vội nói:

“Sếp tính lại cho. Tôi có biết gì đâu. Tất cả chỉ có chỗ tiền này thôi làm gì có đồng đô xanh đô đỏ nào”.

“Tính làm sao?”

Thẩm làm bộ hiền lành:

“Cái đó tôi đâu dám quyết định. Nếu sếp cho tôi nộp phạt rồi cho tôi về, tôi cảm ơn lắm”.

Xấp tiền được mở ra:

“Bao nhiêu đây?”

“Khoảng trên mười ngàn”.

“Anh muốn nộp phạt bao nhiêu?”

“Tùy xếp. Miễn là xếp cho lại tôi đủ tiền lấy vé xe về Sài Gòn”.

Ông ta lấy ra năm trăm đưa cho Thẩm. Chàng vội vàng cầm lấy.

“Bây giờ cho anh đi”.

“Cám ơn sếp”.

“Anh đi lẹ không tôi đổi ý kiến bây giờ”.

“Vâng”.

“Sáng sớm mai anh phải rời đây ngay”.

“Tôi đi ngay mà”.

Thẩm lấy lại va-li quần áo, cắm cổ ra khỏi ty cảnh sát. Chàng nghe tiếng cười nổi lên phía trong. Chàng không hề oán hận hay khinh bỉ họ chút nào.

Lẩn vào bóng tối, Thẩm băn khoăn không hiểu người bạn Vi Vân đã trình báo những gì về chàng. Chàng bị bắt vì lý do gì? “Không lẽ nàng không tố cáo chàng chính là kẻ sát nhân đang bị lùng bắt?”

Dù sao, Thẩm gắng quên, gắng nghĩ rằng mấy người cảnh sát bắt chàng không biết chàng là kẻ giết người, tuy có lúc chàng nghĩ có lẽ họ biết, nhưng đã vụt quên khi người cảnh sát gác trụ sở kêu lên rằng chính chàng là kẻ đã trốn thoát khỏi chiếc xe đò chở đồ lậu. Thế rồi họ chỉ còn nhìn chàng như nhìn một tay buôn bạc, có rất nhiều đô-la. Và khi xấp bạc vứt ra bàn, họ quên tất cả mọi thứ.

Thẩm bước vội vã trong bóng tối, thỉnh thoảng ngó lại phía sau, đề phòng. Chắc là không có ai theo bắt chàng trở lại nữa. Họ quên thật rồi.

Thẩm cố nhớ ra một địa chỉ quen, nhưng không nhớ được gì. Cuối cùng chàng trở lại bến xe thuê một chiếc ghế bố tám chục đồng để ngủ qua đêm. Chàng tính sáng mai sẽ tìm cách rời Bắc Phố bằng xe đò. Kinh nghiệm vừa qua, khiến chàng không còn sợ sự kiểm soát của cảnh sát nữa.

Sáng hôm sau, trong lúc Vi Vân ngồi với người bạn gái ngoài bờ biển, Thẩm đã ngồi trên một chuyến xe đò. Nhưng chàng không thể nào rời thành phố biển trong buổi sáng hôm đó được. Không thể nào.

Khi người lơ xe cầm danh sách hành khách vào trại kiểm soát, Thẩm không ngừng theo dõi. Người cảnh sát đứng tuổi to lớn xem kỹ bản danh sách, sau đó rút ngăn kéo bàn lấy một tờ giấy ra so.

Ông ta bật dậy khỏi ghế.

Thẩm không bỏ sót một cử chỉ nào của người cảnh sát. Khi thấy ông ta xách súng bước ra khỏi trụ sở, tiến thẳng về phía mình, chàng ngán ngẩm. Lần này có lẽ không có sự lầm lẫn nữa. Lần này chắc chắn là Nguyễn Văn Thẩm.

Nguyễn Văn Thẩm, sát nhân.

Thẩm nghĩ bằng cách nào chàng cũng phải trốn thoát. Và lần này, sau khi trốn thoát, phải rời Bắc Phố bằng cách khác. Chàng vội vã xuống khỏi xe, nhưng không chạy. Chàng lẩn ngay vào đám đông dưới bên, đứng sau một đám phu phen.

“Nguyễn Văn Thẩm”.

Chắc chắn là họ tìm mình, Thẩm băng qua đám đông, nhảy lên một chiếc xích lô.

Lần này chàng hoàn toàn bơ vơ trong Bắc Phố. Không còn cách nào khác, chàng tính, không còn cách nào khác.

“Đi đâu cậu?”

“Đến đường Tân Viên”.

Thẩm đã quyết định. Chàng chỉ còn có một cách là đến thẳng nhà Vi Vân. Rồi sau đó ra sao sẽ hay.

Trả tiền xe, chàng tính nhẩm tất cả còn được hai trăm đồng. Hai trăm đồng không còn làm gì được nữa, ngoài vài bao thuốc lá và một ly cà-phê.

Thẩm nhắm đúng nhà Vi Vân (ngôi nhà ba gian nhìn thẳng ra phố, cổng sơn đỏ, trong sân có chuồng chim bồ câu).

Chàng nghĩ đến người anh Vi Vân, nhưng không biết tên anh ta gì cả. Chàng nghĩ đến Liên, đến chiếc xe gắn máy của cô bé, thêm một chút tin tưởng. Chàng đẩy cánh cổng, bước vào.

Qua khoảng sân rộng, Thẩm đã tới hiên nhà. Chàng nghĩ giờ này chắc Vi Vân không có ở nhà.

“Ông hỏi ai?”

Thẩm giật mình nghe tiếng hỏi phía sau. Đó là một cô gái mặc áo cụt, mới nhìn cũng biết ngay là người làm.

Chàng nói tên Liên trước tiên. Thật vô lý, một người như chàng không thể hỏi Liên với bất cứ lý do gì.

“Cô Liên đi học”.

Thẩm đâm lúng túng:

“Có ai ở nhà không cô?”

Cô gái lắc đầu:

“Đi vắng hết”.

“Còn anh…”

“Đi vắng hết, ông à”.

“Chắc trưa mới về?”

“Vâng”.

Thẩm đành quay ra. Chàng không có lý do nào ở lại trong căn nhà xa lạ này hết. Nhưng Thẩm không đi đâu xa, chàng tới một cái quán nhỏ ở góc đường, gọi một ly cà-phê, ngồi đợi. Từ trong quán chàng có thể quan sát sự ra vào ở nhà Vi Vân.

Nửa tiếng sau một chiếc xe hơi về tới, chạy thẳng vào trong sân. Thẩm đoán cha mẹ Vi Vân đi làm về.

Ít phút sau là người anh cô bé. Không. Thẩm không muốn gặp những người đó làm gì. Hoặc là Vi Vân, hoặc là Liên mà thôi.

Nửa tiếng sau Liên đi học về. Nhưng chàng chờ mãi mà không thấy Vi Vân. Chàng đã gọi thêm ly cà-phê thứ hai, Vi Vân vẫn chưa thấy về dù lúc đó đã khoảng một giờ.

Thẩm trả tiền, quyết định phải liều. Tới giờ phút này chàng chỉ còn một nước liều mà thôi.

Chàng tới thẳng nhà Vi Vân. Người trông thấy chàng đầu tiên là cô người làm. Cô cất tiếng gọi Liên. Cô bé chạy ra. Thấy Thẩm, cô ra thẳng ngõ.

“Anh chưa về Sài Gòn?”

Thẩm mừng, tin chắc Liên không biết gì hết.

“Chưa. Anh phải gặp Vi Vân rồi mới về chứ”.

Cô bé ngạc nhiên:

“Anh chưa biết gì sao? Chị Vi Vân vào Sài Gòn rồi”.

Thẩm choáng váng.

“Chị xin đổi vào làm trong đó. Mới đi chiều hôm qua”.

“Chiều hôm qua?”

“Vâng”.

Thẩm sững sờ. Chàng hỏi cô bé:

“Anh em có nhà không?”

“Có”.

“Anh muốn gặp”.

“Mời anh vào trong nhà”.

Thẩm lanh lẹ đi theo cô bé. Chàng được dẫn vào phòng khách. Đây là lần đầu tiên chàng được bước vào ngôi nhà của người tình, lần đầu tiên sau năm năm. Người anh của Vi Vân hiện ra, đột ngột. Anh ta không giấu được kinh ngạc, chỉ biết nhìn Thẩm trừng trừng.

“Vi Vân đâu?”

Thẩm hỏi. Hỏi xong chàng mới thấy mình ngược ngạo. Tuy thế, người thanh niên vẫn trả lời:

“Nó đi rồi”.

“Nó đi đâu?”

Thẩm nhìn anh ta không dứt. Trong ánh mắt anh ta, có lẽ, chàng đang trở thành một tên khùng. Anh ta đứng mà không chịu ngồi xuống ghế như Thẩm.

“Anh ở đâu ra?”

Câu hỏi khiến chàng nhún vai. Rõ ràng anh ta muốn hỏi có phải Thẩm trong tù ra không, trong nhà tạm giam của cảnh sát ra không. Nhưng anh ta lại hỏi ở đâu ra. Thẩm lạnh nhạt nói:

“Còn ở đâu ra nữa. Anh biết tôi ở đâu ra mà”.

Anh ta có vẻ muốn đuổi chàng ra khỏi nhà nhưng lại không dám. Thẩm biết rõ như vậy. Tự nhiên, trong cái nhìn của chàng, trong cái nhìn nóng như lửa, chính anh ta mới là kẻ đưa Thẩm vào bốn bức tường bẩn thỉu hôi hám. Chàng hét:

“Còn hỏi hả!”

Tiếng hét của Thẩm có lẽ phải rùng rợn lắm. Người thanh niên đứng sau ghế, đưa mắt ngó ra sân, có vẻ tìm người can thiệp.

Thẩm hỏi:

“Tại sao Vi Vân đi?”

Anh ta không trả lời. Thẩm hét lên. Lần này anh nói:

“Vi Vân bỏ đi rồi”.

“Tôi không tin”.

“Nó đi rồi. Anh làm nó không còn ở đây được nữa”.

Thẩm chỉ vào mặt anh ta:

“Anh đừng nói láo. Chính anh mới làm nó không còn ở đây được nữa. Anh và cái thằng đã chết, chính những người như thế mới khiến Vi Vân không còn ở đây được nữa. Cái thành phố này, với những thằng con trai như các anh. Một chỗ chán ngán không thể tưởng. Anh biết tại sao Vi Vân nói yêu tôi? Tôi chẳng có gì đáng yêu cả. Nó yêu tôi vì tôi từ nơi khác đến”.

Người thanh niên có vẻ không tin những điều Thẩm nói. Chàng nhắc lại:

“Tôi có gì đáng yêu đâu? Tôi có vợ, có con, tôi có một cuộc đời đã chết. Vậy mà Vi Vân yêu tôi. Chỉ bởi vì tôi từ nơi khác đến. Nếu tôi cũng ở đây, tôi cũng lớn lên ở Bắc Phố, chắc Vi Vân không thể yêu tôi”.

Người thanh niên nói:

“Anh quyến rũ nó”.

Liên từ ngoài bước vào. Thẩm làm như đang nói chuyện phiếm:

“Anh không tin cũng được, vì chẳng có hại gì hết. Một ngày nào đó, còn ở Bắc Phố, anh sẽ thấy lời tôi nói. Nhưng lúc ấy là lúc anh đã thấy mình già đi phần nào”.

Anh ta nhún vai:

“Không nói lăng nhăng nữa, bây giờ anh muốn gì?”

Thẩm gắng gượng:

“Tôi muốn rời khỏi Bắc Phố ngay lập tức”.

Anh ta bỗng cười lớn:

“Tôi biết rồi. Anh muốn đi mà không đi được chứ gì. Tôi chắc anh vừa trốn khỏi ty cảnh sát ra đây?”

Thẩm nói:

“Tôi phải đi ngay bây giờ. Tôi cần một cái xe”.

Anh ta cười khẩy:

“Cái đó thì không thể nào được. Tôi không có xe để cho anh mượn”.

Liên vẫn đứng ngoài cửa, hỏi:

“Anh cần xe đi đâu?”

Người anh quát:

“Liên, vào trong nhà”.

Thẩm vội vã tới gần cô bé, nhưng bị anh ta cản lại.

“Anh nên ra khỏi đây ngay, ngay bây giờ”.

Thẩm cắn chặt hai hàm răng, vừa định nói thì bị anh ta xô bật ra khỏi cửa. Chàng sững sờ nhận ra mình yếu ớt quá. Sau mấy ngày trốn chạy, bất an, chàng mất sức quá nhiều.

Người thanh niên la lớn, Thẩm như bị điện giật. Chàng hốt hoảng thực sự.

Vi Vân đã đi thật rồi, bây giờ Bắc Phố chỉ còn một mình chàng. Chỉ còn một mình chàng, như thế làm sao mà sống nổi.

Thẩm ngó lại, Liên và người anh đứng ngoài cổng. Anh ta chỉ tay về phía Thẩm, miệng nói gì đó. Thẩm không nghe rõ song biết chắc anh ta đang tố cáo chàng. Anh ta không có gì để nói ngoài những lời tố cáo.

Thẩm muốn quay lại đập cho anh ta một trận, nhưng chân vẫn chạy xa con đường Tân Viên, chạy xa ngôi nhà của người tình đã bỏ đi. Vừa chạy, Thẩm vừa lẩm bẩm một mình những điều chàng đang nghĩ, những điều chàng cần nói ra nhưng không có ai để nói…

“Không hiểu sao tôi lại ra Bắc Phố sau một thời gian dài không nhớ tới Vi Vân? Đúng hơn mình vẫn nhớ tới Vi Vân, vẫn nhớ, nhưng không phải tha thiết nhớ. Không, tôi chẳng nhớ ai tha thiết vì không còn yêu ai tha thiết nữa. Xưa kia khi tôi còn trẻ thì có, bây giờ thì không vì tôi trên ba mươi tuổi rồi. Trên ba mươi tuổi nhưng đã ra đời sớm, tôi thấu hiểu nhiều chuyện lắm, chẳng còn gì để mơ mộng đâu. Nhưng chính vì thế mà tôi thèm mơ mộng. Chính vì thế mà tôi yêu em. Chắc thế đó Vi Vân ạ. Anh yêu em vì anh cũng muốn rời bỏ nơi anh sống, rời bỏ Sài Gòn. Cũng như em yêu anh vì em chán Bắc Phố vậy. Chắc thế rồi đó Vi Vân ơi. Chắc là anh cũng chán Sài Gòn như em chán Bắc Phố. Và anh mơ ước như cách em ước mơ. Nhưng điều mà chúng ta mơ ước lại hoàn toàn khác hẳn nhau…”.

Thẩm băng ngang mặt đường, chàng nghe tiếng chửi rủa sau tiếng phanh xe két két. Chàng vẫn chạy. Lần này Thẩm chạy dọc theo hè đường. Vừa chạy Thẩm vừa nói lầm bầm cho mình nghe.

“Đúng rồi đó Vi Vân, bây giờ thì chúng ta đã hiểu rõ nhau. Đúng hơn, bây giờ thì chúng ta đã hiểu rõ mình. Em đã rời Bắc Phố và anh đã rời Sài Gòn. Không còn gì để mơ ước nữa cô bé nhé. Thấy chưa, không còn gì để mơ ước nữa”.

“Mơ ước gì nữa khi đã nhìn thấy điều mình mơ ước rồi. Bây giờ anh chỉ nghĩ tới chuyện trở về. Trở về thật đó. Anh đang nhớ căn phòng quen thuộc của anh, chẳng ấm cúng gì đâu nhưng quen thuộc. Giá sách của anh, bàn viết của anh, cái giường anh ngủ, cái ghế anh ngồi. Bây giờ anh đang nhớ căn phòng đó, đang muốn trở về đó. Anh muốn ngả lưng xuống mặt nệm đó ngủ một giấc. Anh buồn ngủ quá. Anh chỉ muốn nhắm mắt ngay bây giờ…”

“Bây giờ chắc em đang thảnh thơi. Thảnh thơi chứ, vì em đã bỏ được Bắc Phố rồi. Bỏ hẳn. Vì em tin rằng anh đang ở trong tù, nghĩa là hết, nghĩa là không còn phải băn khoăn, ngoại trừ chút buồn tiếc cho anh, nhưng em đâu có thể làm gì được. Em sẽ quên hẳn Bắc Phố, quên hết, và thành phố này chỉ còn là ánh nắng buổi chiều, lúc phi cơ anh đáp xuống phi trường, chỉ có thế thôi. Lúc anh tới đó mới là lúc chúng ta lại vướng víu vì nhau. Em thấy điều đó rõ hơn anh vì em có gia đình bên cạnh. Em có lúc nào mong cho anh sớm trở lại Sài Gòn không. Anh tin là có. Bây giờ thì anh đang trở lại Sài Gòn đây…”.

Thẩm bỗng nghe có tiếng chân chạy theo mình. Chàng ngoảnh cổ lại. Đó là một người cảnh sát. Ông ta vừa từ trên một chiếc xe Jeep bước xuống. Ông ta đang chạy theo chàng, một tay trỏ, một tay ôm bao súng lắc lư bên hông.

Thẩm thấy mệt quá, không muốn chạy nữa, đứng vịn vào cột đèn để thở. Người cảnh sát chạy lên tới nơi.

Hai người ngó nhau trừng trừng.

“Chạy đi đâu vậy?”

Người cảnh sát hỏi, tay phải sửa lại dây súng. Thẩm cười:

“Chạy đua”.

“Giỡn hoài. Đua với ai vậy?”

Thẩm chỉ xuống đất:

“Đua với bóng mình”.

Người cảnh sát la lối:

“Say hả? Làm mất trật tự. Về ty mà đua, lực sĩ”.

Thẩm hoang mang, không lẽ người cảnh sát không biết gì về mình. Không lẽ ông ta chỉ muốn bắt chàng vì chàng chạy ngoài phố. Thẩm bải hoải không biết phải nói gì. Một vài người tò mò kéo tới, chàng bắt đầu sợ.

Đám đông chỉ trỏ, xầm xì. Chiếc xe Jeep theo tới và đậu lại. Chợt một người ngó chàng thật dữ dội. Thẩm dừng lại trên khuôn mặt ấy. Chàng không nhớ ra có quen người lạ mặt đó không.

Người đó lách khỏi đám đông tới gần mấy người cảnh sát. Bất ngờ, dường như không còn tự chủ được, người lạ la lớn:

“Chính nó mà!”

Đám đông lao xao.

“Chính nó mà! Đài Phát thanh tả hình dáng nó đúng hệt vậy! Nó giết người ở cạnh Sân Vận động mà!”

Đám đông giãn ra. Người cảnh sát lùi lại mấy bước, luống cuống móc súng ra.

Thẩm nhắm nghiền mắt lại. Khi chàng mở mắt ra, chàng lại thấy người cảnh sát lùi lại. Đường như ông ta tiến lên trong lúc chàng nhắm mắt. Chàng ngó dáo dác quanh đám đông. Người cảnh sát ấp úng, rồi thình lình hét lớn:

“Nguyễn Văn Thẩm hả, đưa tay đây!”

Thẩm buồn cười đưa tay ra. Hai bàn tay chàng đưa ra khỏi cái bóng rợp của ngôi nhà gần đấy, chìa ra ánh chiều vàng vọt của Bắc Phố.

Nhìn hai bàn tay vàng úa, chàng nhớ đến Vi Vân, muốn có nàng, ôm lấy nàng, vuốt ve nàng. Nhưng từ đây chỉ có một mình chàng ở Bắc Phố.
Nguồn: Viên Linh, Tình nÆ°á»›c mặn, truyện dài. Mẫu bìa Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của cÆ¡ sở Văn, xong ngày 10.2.1972. Tác giả giữ bản quyền. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.