trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
11.3.2004
Ayn Rand
Về chủ nghĩa vị nhân sinh
Trích thư gửi ông Tom Girdler, người sáng lập và chủ tịch của Republic Steel and Vultee Aircraft
Nguyễn Ngọc Hường dịch
 

Thưa ông Girdler,

Tôi vừa mới đọc bản thảo quyển Quyền được lao động của ông. Một người bạn biết khá rõ về các quan điểm của tôi đã giới thiệu nó cho tôi vì biết rằng tôi sẽ đánh giá cao nó.

Trước hết, cho phép tôi được bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc nhất tới ông về cách sống của ông, về cuộc đấu tranh năm 1937 của ông, về sự dũng cảm mà ông đã thể hiện lúc đó và vẫn đang thể hiện khi ông tiếp tục lên tiếng bảo vệ cho các nhà công nghiệp. Quyển sách của ông là một tác phẩm tuyệt vời, được viết một cách xuất sắc. Xin hãy nhận lời chúc mừng sâu sắc nhất của tôi cho tác phẩm này.

Tuy nhiên, khi đọc tác phẩm, tôi không khỏi có cảm giác rằng ông mới chỉ gần chạm vào được nguyên tắc cơ bản nhất mà ông muốn trình bày. Tất cả những bằng chứng hỗ trợ cho nguyên tắc đó thì đều có nhưng bản thân nguyên tắc thì chưa được phát biểu rõ ràng.

Ông mong muốn bảo vệ và lý giải vai trò của các nhà công nghiệp như động lực thực sự của nền văn minh. Suốt cả quyển sách, người đọc có thể thấy một lời chất vấn gay gắt với xã hội vì xã hội đã không nhận ra vai trò trên của các nhà công nghiệp. Vì sao xã hội không nhận ra điều này? Xin cho tôi được phép trả lời. Chính là vì các nhà công nghiệp chưa bao giờ tìm và phát biểu cái nguyên tắc đạo đức rốt ráo của mình. Trên thực tế, họ đã biết đến và đứng trên nguyên tắc đó để xây dựng toàn bộ nền văn minh; nhưng sau đó, họ đã rao giảng và tin vào chính điều ngược lại hoàn toàn. Đây là một nghịch lý khủng khiếp và hậu quả của nó đang hiển hiện ngày hôm nay. Cái nghịch lý này đang huỷ hoại thế giới.

Sai lầm lớn nhất của thế giới chính là ở chỗ chúng ta đã chấp nhận và tin rằng chủ nghĩa vị nhân sinh, tức là việc sống vì người khác là lý tưởng tối cao của cuộc đời. Chúng ta lấy việc phục vụ người khác như là nguyên tắc tối cao và coi việc đặt người khác lên trên bản thân là một biểu hiện của đức hạnh. Lý tưởng này không chỉ bất khả thi mà còn sai trái và phi đạo đức. Và thế giới sẽ chẳng đi đến đâu cho đến khi có đủ người trong số chúng ta nhận ra sự sai trái cuả nguyên tắc này.

Nghĩa vụ đầu tiên của con người phải là nghĩa vụ với chính mình, chứ không phải với người khác. Một người sẽ chỉ tồn tại nhờ vào việc sử dụng trí não của mình nhằm đáp ứng những đòi hỏi của tự nhiên - nghĩa là sử dụng trí tuệ vào công việc sáng tạo. Đây phải là mối quan tâm, là động cơ hàng đầu của anh ta. Khả năng sáng tạo của anh ta phải là đức hạnh cao nhất. Vâng, chúng ta đã luôn được dạy dỗ rằng đức hạnh cao nhất là "cho" chứ không phải là "tạo". Nhưng, người ta không thể cho cái chưa được tạo ra. Sáng tạo phải đi trước việc phân phát; nếu không thì chẳng có gì mà phân phát cả. Nhu cầu về người sáng tạo phải có trước nhu cầu về người hưởng lợi. Người sáng tạo phải đứng trên bất kỳ một người theo chủ nghĩa vị nhân sinh nào (humanitarian).

Đúng là trong lịch sử loài người, những người mang lại lợi ích thực thụ cũng đồng thời là những người sáng tạo, sản xuất. Không một người làm công tác từ thiện nào có thể tạo ra lợi ích ngang với những lợi ích mà con người nhận được từ Thomas Edison hay Henry Ford. Nhưng người sáng tạo không quan tâm tới các lợi ích này; chúng chỉ là hệ quả thứ yếu mà thôi. Anh ta coi việc lao động sáng tạo của mình là mục đích chủ đạo trong cuộc sống, chứ không phải việc phục vụ người khác. Thomas Edison không quan tâm tới việc tạo bóng đèn điện cho những người nghèo sống trong các nhà ổ chuột. Ông ta chỉ quan tâm tới việc tạo bóng đèn điện mà thôi. Và ông, thưa ông Girdler, ông không quan tâm tới lợi ích của người nghèo khi họ mua được thép rẻ và tốt. Ông quan tâm tới công việc sản xuất thép mà thôi.

Tất cả những điều này đã được ông trình bày rất hùng hồn trong cuốn sách của ông. Ông không bị dao động bởi cái động cơ phục vụ người khác mà cả thế giới tin vào. Ông chỉ đi theo một động cơ đơn giản, mang tính cá nhân, đi theo một tình yêu ích kỷ và cao quý đối với công việc của chính mình. Đó chính là động cơ đạo đức chân chính nhất và là đức hạnh lớn nhất của con người. Động cơ về lợi nhuận chỉ là một biểu hiện của nó - lợi nhuận chỉ là phương tiện vật chất mà nhờ đó người ta đạt được sự tự do đối với công việc và sự tồn tại của mình. Vậy thì tại sao ông còn phải đi tìm một cách biện minh nào khác ngoài sự thật nói trên? Tại sao ông còn phải mượn những lời xin lỗi từ những kẻ ăn bám khác? Ông tìm kiếm sự biện minh ở một sự thật là nền công nghiệp thép mà ông tạo ra hiện đang cứu sống nền văn minh. Đúng là như thế. Nhưng không bao giờ nên lấy điều này làm cứu cánh chính. Sự biện minh chính phải là quyền được sáng tạo của người có khả năng sáng tạo; chứ không phải là việc phục vụ người khác.

Ông nói trong quyển sách của mình: "Tôi phản đối bất cứ ai có quan điểm rằng những người như Mr. Taft - hay tổng thống Roosevelt - là những người đáng kính hơn, tốt hơn, ít vụ lợi hơn người khác, bởi vì họ không phải có nghĩa vụ phải kiếm sống". Tôi cho rằng ông đã chưa đi đến rốt ráo của vấn đề. Tôi thì nói rằng "tôi phản đối bất cứ ai không thấy rằng các nhà chính trị và những người làm công tác xã hội thực ra tồi tệ hơn nhiều so với những người phải lao động để kiếm sống". Tôi nói rằng những kẻ theo chủ nghĩa nhân văn - dù là theo đuổi trên lý thuyết hay trên thực tế - là những kẻ ăn bám bởi vì mối quan tâm hàng đầu của họ là phân phát chứ không phải sản xuất; nói đúng ra thì là quan tâm tới việc phân phát những gì mà họ không sản xuất ra. Những kẻ ăn bám thì không bao giờ đáng kính hay tốt cả. Vì thế tôi rất choáng váng khi nghe ông - một nhà công nghiệp lớn - tự biện minh rằng ông cũng tốt như những người làm công tác xã hội. Không, ông tốt hơn nhiều. Nhưng ông sẽ không bao giờ chứng minh được điều đó cho đến khi chúng ta có một nguyên tắc đạo đức mới.

Chúng ta không thể cứu cái xã hội dân chủ nếu chính chúng ta vẫn bám lấy một niềm tin đạo đức trái ngược với nó. Chúng ta không thể cứu nó nếu không có một triết lý đầy đủ và thống nhất về chủ nghĩa cá nhân. Đây là một triết lý mạnh mẽ và đầy sức sống chứ không phải một lý thuyết để biện minh hay bào chữa. Chủ nghĩa vị nhân sinh - về bản chất - là một nguyên tắc tập thể. Nếu chúng ta chấp nhận quy luật đạo đức rằng con người phải sống vì người khác thì chúng ta đã chấp nhận chủ nghĩa tập thể; và như thế chúng ta sẽ không tránh khỏi những hậu quả thực tiễn của thứ chủ nghĩa này.

Ông đã tiến rất gần tới chân lý trên trong quyển sách của mình khi ông chọn quyền được lao động như là tôn chỉ, là thứ cần được bảo vệ. Đấy là quyền đầu tiên của con người sáng tạo. Tuy nhiên, quyền này chỉ có thể được bảo vệ với tư cách là một quyền cá nhân và được thực thi vì lợi ích cuả chính cá nhân đó. Nếu như chủ nghĩa tập thể là quy tắc đạo đức của chúng ta, tại sao xã hội không quy định cách một cá nhân phải lao động? Nếu như phục vụ người khác là động cơ của chúng ta, tại sao không để cho người khác nói cho cá nhân đó biết họ muốn anh ta phục vụ thế nào? Đây chính là lý do vì sao những người theo chủ nghĩa tập thể dường như không bao giờ có thể hiểu tại sao những người khác đề cao quyền được lao động như ông đã nói trong sách của mình.

Thế giới này chẳng thể hy vọng gì nếu như chúng ta không tạo lập, chấp nhận và tuyên bố công khai một quy tắc đạo đức thực sự của chủ nghĩa cá nhân dựa trên một quyền không thể chia cắt của cá nhân: quyền được sống cho chính bản thân mình. Đấy là quyền không xâm phạm, không làm thương tổn nhưng cũng không phải phục vụ người khác; quyền được độc lập khỏi người khác trong chức phận và động cơ của mình. Đấy là quyền không hy sinh người khác vì bản thân mình cũng như không hy sinh mình cho người khác trong cái gọi là "sự không vụ lợi"; quyền được đối xử với người khác trên tinh thần trao đổi tự do giữa những người ngang bằng, trong đó mỗi người có quyền tối cao đối với lợi ích của mình chứ không phải trong một tinh thần của chủ nghĩa vị nhân sinh của bất cứ ai, vì bất cứ ai.


© 2004 talawas
Nguồn: Letters of Ayn Rand http://www.aynrand.org