trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
11.3.2004
Ayn Rand
Nguyên nhân sự khốn cùng của con người
trích
Nguyễn Ngọc Hường dịch
 
Chúng ta nghĩ rằng về bản chất, thế giới này là sự hoà trộn giữa cái xấu với cái tốt, và người ta cần phải nhượng bộ hoặc thoả hiệp với cái xấu để có thể sống. Đây chính là nghịch lý. Đây chính là sai lầm của chúng ta. Cái xấu - nói một cách chính xác và rốt ráo - chính là sự bất lực, sự bất tài, sự thụ động, sự trì trệ. Vì thế cái xấu không thể làm hại chúng ta trừ khi chính chúng ta cho phép cái xấu làm thế, thậm chí giúp chúng làm thế. Cái xấu không thể đầu độc thế giới hộ chúng ta trừ khi chính chúng ta mang thuốc độc đi gieo rắc khắp nơi. Những kẻ ăn bám không thể nào đục khoét, bóc lột và điều khiển chúng ta trừ khi chính chúng ta tự nguyện đồng ý để bị bóc lột và đưa cho chúng các công cụ để điều khiển chúng ta. Cái mà chúng ta phải làm là rút lại các công cụ mà ta trao cho chúng.

Chúng ta cho phép cái xấu hành hạ chúng ta và chúng ta chịu đựng sự khốn cùng của mình do một nguyên nhân cơ bản: sự hào phóng của người sáng tạo. Chúng ta cứ muốn cống hiến, muốn cho, muốn ban phát những gì chúng ta tạo ra bởi vì chúng ta biết rằng năng lực sáng tạo của chúng ta là vô bờ. Chúng ta tự làm chủ mình nên chúng ta cũng vô tư nghĩ rằng những kẻ khác có thể tự làm chủ, chúng ta không nghĩ đến mối quan hệ giữa ta và những kẻ ăn bám kia. Chúng ta đối xử với chúng trên tinh thần bình đẳng. Chúng ta vô tư cho đi sự sáng tạo của mình bởi vì sự sáng tạo của chúng ta là hiện thân của sự thật; và khi những người khác chào đón sự thật đó, chúng ta vui mừng không phải vì chúng ta làm điều tốt cho họ, cũng không phải vì sự chào đón đó làm cho chúng ta cảm thấy mình đứng cao hơn thế giới, mà vì sự chào đón đó là bằng chứng về chiến thắng của sự thật. Chúng ta vui vì chúng ta sẽ chào đón họ vào trong thế giới của chúng ta, thế giới mà ta biết là tốt đẹp và chân chính.

Chúng ta không nhìn thấy hiểm họa trong việc cho, trong việc ban phát. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang cho những người cũng sáng tạo và cho đi như chúng ta. Chúng ta coi đó là quà tặng chứ không phải món đồ bố thí. Và bất cứ khi nào chúng ta gặp một người tự ti, yếu đuối, chúng ta nghĩ rằng chúng ta lầm hoặc giả người đó chỉ vì đang gặp hoàn cảnh bất thường mà cư xử như vậy; do đó chúng ta hăng hái lao ra để cứu giúp, chúng ta cho đi, chúng ta giúp đỡ, chúng ta để cho anh ta dựa vào và nuôi nấng anh ta, mang anh ta trên lưng. "Tại sao lại không chứ" - chúng ta tự nghĩ thế vì chúng ta biết chúng ta mạnh, chúng ta có rất nhiều, chúng ta tràn đầy ở bên trong. Chúng ta không bao giờ có khả năng hiểu đầu óc và tư duy của những kẻ ăn bám, vì thế chúng ta cũng không bao giờ ghét bỏ hay hạ thấp họ. Chúng ta lại không kết án họ khi chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân, mà chúng ta lại không tìm ra nguyên nhân bởi vì chúng ta không bao giờ có thể đặt mình vào vị trí của họ mà hiểu họ. Chúng ta không có khả năng chối bỏ tư duy của mình như họ.

Và vì thế rốt cuộc, chúng ta trở nên vô vọng và hoang mang trong thế giới những kẻ ăn bám. Chúng ta không bao giờ buộc tội họ, bất kể là họ có làm điều gì xấu xa với chúng ta. Họ kết án chúng ta là những kẻ ích kỷ, độc ác, vô tâm mà nguyên nhân sâu xa là vì chúng ta luôn luôn tư duy, chúng ta đi theo sự thật, chúng ta sáng tạo và hào phóng. Họ kết tội chúng ta vì chính tài năng và sự riêng biệt của chúng ta - điều mà lẽ ra họ phải thừa nhận. Và điều trớ trêu là chúng ta lại gần như tin vào những lời kết tội đó. Chúng ta chỉ "gần như" tin bởi vì không có gì trên đời có thể làm chúng ta thực sự tin điều đó: chúng ta là con người của tư duy và sự thật, chúng ta không biết nói dối bản thân; và bởi vì tài năng, sự sáng tạo của chúng ta chính là tài sản cao quý, là nguồn vui sống của chúng ta, chúng ta sẽ không đem nó cúng tế cho bất kỳ ai.

Rút cuộc, chúng ta đẩy mình vào thế bị giằng xé và bị hành hạ. Chúng ta mơ hồ cảm thấy rằng chúng ta đang phải chuộc lỗi cho cái gì đó, phải sửa chữa sai lầm của một ai đó, phải trả giá cho một điều gì đó. Nhưng cho ai và cái gì thì chúng ta không biết. Chúng ta từ chối tin một điều: chúng ta đang bị buộc tội vì chính cái tốt đẹp nhất của chúng ta và những kẻ buộc tội lại là những kẻ thấp kém, hèn yếu. Nhưng chúng ta không có khả năng ghét bỏ hay giận dữ - điều đó xa lạ với chúng ta. Chúng ta cũng không có khả năng khinh bỉ hay coi thường bởi vì chúng ta luôn nghĩ rằng mọi người bình đẳng với nhau, vì chúng ta trân trọng con ngời, bởi vì chúng ta luôn nghĩ về người khác bằng cách suy tự mình ra và không tài nào hiểu được sự ác độc hay tăm tối ở người khác. Chúng ta tôn trọng bản thân nên chúng ta không coi thường người khác. Những kẻ ăn bám coi thường và lên án chúng ta bởi vì họ cảm thấy coi thường chính bản thân mình, xấu hổ về mình; họ căm ghét bản thân và căm ghét cả thế giới con người. Chúng ta thì hoang mang trước những lời buộc tội của những kẻ ăn bám vì chúng ta không nhận ra rằng đó là những lời vu khống; chúng ta không nhận ra bởi vì chúng ta không tin rằng trên đời này người ta có thể thực hiện hành động vu khống.

Nguyên nhân sự khốn cùng của chúng ta là ở chỗ chúng ta không nhận ra rằng sự rộng rãi, sự cho đi một cách hào phóng của chúng ta chính là nguồn nuôi dưỡng những kẻ ăn bám, những kẻ sẽ quay lại hành hạ và lên án chúng ta. Chúng ta trở nên hoang mang, chúng ta vô vọng, và chúng ta để cho họ xiềng xích chúng ta. Họ thắng chăng? Chính là chúng ta đã thắng trận giúp họ. Họ làm chủ thế giới chăng? Không, chính là chúng ta đã giao nộp thế giới cho họ. Chính chúng ta là kẻ có tội, nhưng không phải theo nghĩa thông thường, theo cách mà họ buộc tội chúng ta. Tội lỗi của chúng ta chính là ở chỗ chúng ta đã từ chối sự thật về chúng ta và về họ.

Cái gì làm cho một con người biến thành một kẻ ăn bám? Không ai và không cái gì khác ngoài chính bản thân anh ta. Chúng ta không gọi anh ta là kẻ tự ti, chính anh ta tự đưa mình vào danh hiệu đó. Còn ai, ngoài chính anh ta có thể làm được điều này? Vậy hành động cụ thể nào đã đưa anh ta đến chỗ này? Chính là việc anh ta tự thừa nhận trong đầu - một cách mơ hồ hoặc rõ nét - rằng anh ta là sản phẩm của xã hội, của người khác, rằng giá trị tâm hồn anh ta phụ thuộc vào sự thừa nhận và đánh giá của người khác, rằng sự tự tôn của anh ta phụ thuộc vào việc người khác nhìn anh ta thế nào. Nói cách khác, đó chính là việc chối bỏ của chính anh ta với cái duy nhất làm cho anh ta tồn tại như một cá thể riêng biệt: khả năng tư duy và đánh giá một cách độc lập. Đây là tội ác cơ bản nhất biến anh ta thành kẻ ăn bám, tất cả những điều còn lại đều chỉ là hệ quả tất yếu của việc chối bỏ này.

Khi một cá thể từ chối khả năng đánh giá và tư duy độc lập của mình, anh ta đã chối bỏ tư cách tồn tại của mình như một thực thể, một con người, một thành quả, một sản phẩm tự thân. Tất cả những gì xảy ra sau sự chối bỏ này chỉ là bi kịch và thất bại bởi vì anh ta đang vận hành trái với bản chất tự nhiên của anh ta, trái với quy luật sinh tồn của anh ta: cái quy luật rằng anh ta sinh ra độc lập và có khả năng tồn tại độc lập như một sản phẩm tự thân. Chính cái bản chất này, chính cái sự thật không thể chối bỏ rằng anh ta là một con người làm cho anh ta ngày càng ghét bỏ bản thân.

Anh ta không biết tại sao anh ta có cái nhận thức rất sâu ở bên trong về sự hèn kém, sự vô giá trị, sự bất tài, sự đáng khinh bỉ, sự tầm thường của mình. Anh ta cố gắng trốn tránh việc thừa nhận với mình sự tầm thường và đáng khinh nói trên, nhưng anh ta luôn biết rằng nó vẫn ở sâu trong nhận thức của anh ta. Anh ta có thể tham gia kết bè đảng với những người cũng giống mình để có cảm giác anh ta không phải là kẻ phản bội duy nhất. Anh ta mượn những phương tiện của xã hội như tiền tài, danh vọng, bằng cấp, quần áo, tổ chức, vân vân, để có thể vay mượn đánh giá của xã hội, nhằm củng cố sự tự tôn cho mình. Nhưng trong sâu thẳm, anh ta khinh bỉ mình và mệt mỏi thêm. Anh ta buộc phải tự nhủ rằng "Mình cảm thấy điều đó". Nhưng anh ta sẽ tiếp tục viện đủ lí do để bào chữa cho mình: nào là anh ta chỉ là một sinh vật bé nhỏ trong vũ trụ, nào là anh ta e sợ người khác, nào là anh ta ghen tức với người khác, nào là anh ta biết rằng anh ta không bao giờ có thể tài giỏi bằng người khác, nào là anh ta không được trời phú cho nhiều tài năng, nào là kể cả anh ta cố gắng thì người khác cũng sẽ không nhận ra nỗ lực và nhân cách của anh ta. Nhưng tất cả những lí do trên chỉ là hệ quả, chứ không phải nguyên nhân. Anh ta coi thường và khinh bỉ bản thân bởi vì anh ta đã tự nguyện chối bỏ tư cách làm một con người của anh ta.

Trên thực tế, nếu đúng là anh ta không có khả năng trở thành một thực thể độc lập và có ý thức, anh ta sẽ không có cảm giác căm ghét, cảm giác bất lực, cảm giác khổ sở, tuyệt vọng, khốn cùng. Khi đó trong anh ta sẽ không hề xuất hiện nhận thức về sự phản bội của mình và không phải trăn trở về nó. Một sinh vật không thể tự ghét bản thân vì bản chất của mình. Một sinh vật không thể tồn tại với một vết thương vĩnh viễn. Mỗi một vết thương là một lời cảnh báo về sự rối loạn, về sự bất hợp lí trong tinh thần hoặc thể chất. Một sinh vật sinh ra với sự ốm yếu thể chất sẽ không thể sống sót; hoặc nếu có sống sót thì cũng phải chịu một sự đau đớn liên tục - dấu hiệu của sự không hoà hợp, sự mất cân bằng trong bản chất. Con người sống được là nhờ ở trí tuệ, ở linh hồn, ở sự tư duy của anh ta. Nếu linh hồn, trí tuệ anh ta phải chịu một sự đày đoạ, thương tổn liên tục, anh ta sẽ không sống. Nếu như một người sinh ra đã như một kẻ ăn bám, nếu bản chất của con người là không có khả năng tư duy độc lập, thì anh ta sẽ sống thoải mái trong trạng thái ăn bám đó. Anh ta sẽ cứ lặp lại các hành động và nhắc lại các ý tưởng của người khác, giống như một con khỉ. Một con khỉ không căm ghét bản thân, cũng không căm ghét, khinh bỉ những gì nó bắt chước. Sự khốn khổ của những kẻ ăn bám là bằng chứng rằng anh ta đã không được sinh ra với bản chất ăn bám; anh ta đã lựa chọn, đã tự nguyện làm điều đó.

Sự khốn cùng của con người - nói một cách rốt ráo - nảy sinh từ sự nhầm lẫn hoặc sự sợ hãi đối với tư duy và trí tuệ. Con người không biết rằng tư duy và đánh giá của chính anh ta - cái tư duy ở mức độ vận hành cao nhất và trung thực nhất - là tiêu chí duy nhất mà dựa vào sự phán xét của nó anh ta thực hiện các hành động của mình, kể cả việc mắc lỗi. Con người không nhận thức được rằng đám đông và ý kiến của đám đông không phải là tiêu chí rốt ráo của sự thật. Sự khổ sở của con người nằm ở chỗ khi anh ta phải đối đầu với đám đông, anh ta cho rằng họ cũng là những người có tư duy độc lập và trung thực với tư duy của mình như anh ta, và thế là anh ta rơi vào một trong ba trạng thái: Anh ta sẽ nói "Mặc kệ những niềm tin của mình" hoặc "Mặc kệ niềm tin của bọn họ", hoặc "Thôi, không nghĩ nữa". Thông thường, anh ta sẽ chọn giải pháp thứ ba: ngừng tư duy độc lập mặc dù đó chính là cách duy nhất khẳng định sự sống của anh ta.

Cái gì làm cho anh ta tự nguyện lựa chọn trở thành kẻ ăn bám? Có nhiều lí do. Sự sợ hãi, sự lười biếng (mà bản chất là ham muốn trốn tránh khỏi trách nhiệm nghĩ, trách nhiệm dùng tư duy của mình), niềm tin mù quáng vào sức mạnh của vũ trụ bên ngoài, nhận thức mơ hồ rằng nếu anh ta biết được sự thật về vũ trụ thì anh ta sẽ phải đối đầu với cái xấu và những thảm hoạ, vì thế mà anh ta phải trốn tránh việc biết sự thật, và do đó phải chối bỏ phương tiện duy nhất đưa anh ta đến sự thật - tư duy. Thêm vào đó là những kiến thức học tập không đến nơi đến chốn mà anh ta bị nhồi nhét vào lúc còn nhỏ, lúc anh ta chưa kịp sử dụng tư duy; là những thứ lí luận rối rắm về sự hợp tác, về tinh thần tập thể, về tinh thần đồng loại, về sự vị tha, về việc sống vì người khác, về việc dùng tình cảm thay cho lí trí, vân vân. Tư duy của anh ta là con đường duy nhất đưa anh ta đến chỗ trở thành kẻ ăn bám, nó cũng là con đường duy nhất đưa anh ta thoát khỏi sự khốn cùng để trở lại làm người.

Điều gì sẽ xảy ra khi những người điều khiển thế giới này lại là những kẻ ăn bám - những kẻ không sáng tạo gì nhưng lại có những công cụ để sống trên sự sáng tạo của người khác? Cái xảy ra là: chúng ta sẽ có một thế giới mà ở đó điều tốt đẹp nhất lại trở thành vật liệu cho cái xấu, tài năng trở thành vật liệu cho sự huỷ hoại và thất bại, năng lực sống trở thành nguồn cho sự diệt vong và khả năng vui sống trở thành nguồn gốc của sự khốn cùng, của nỗi đau đớn lớn nhất.

Vậy chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải thu lại các công cụ nuôi sống những kẻ ăn bám. Chúng ta phải ngừng việc tự biến mình thành nguồn nhiên liệu nuôi cái thế giới những kẻ ăn bám đó. Chúng ta phải dừng mọi sự liên hệ tinh thần, tình cảm, mọi sự hợp tác với chúng nếu sự hợp tác đó dựa trên các điều kiện chúng đề ra. Hãy để cho thế giới đó biết ý thức về bản thân họ.