trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
8.2.2008
Trần Đình Hoàng

Cáo buộc vô cớ và thiên vị trong truyền thông

 
Đáng lẽ lá thư phản hồi này được gửi sớm hơn, nhưng vì mấy ngày nay bận chuẩn bị ăn Tết nên tôi không đọc báo mạng. Liên quan đến bài viết của tôi trên Chuyển Luân Online, xin thưa thế này: bức ảnh mà Hoàng Cúc nói đánh tráo gì đó không phải là “tác phẩm” của tôi và cũng không có trong bản gốc bài viết của tôi, nhưng do ban biên tập thêm vào. Tất cả những suy luận phăng-ta-xi linh tinh như “quấy rối” hay “lưu manh” gì gì đó đọc cũng vui vui, nhưng nó nói nhiều về cái cá tính (hay quán tính) của Hoàng Cúc, và tôi phải trả lại cho tác giả của chúng.
 
Bức ảnh đó chỉ mang tính cách minh họa chứ không phải là một chứng từ lịch sử để làm cơ sở mà tố khổ người viết là “đánh tráo”, một cáo buộc chẳng những nặng nề, mà còn quá hồ đồ và vô trách nhiệm. Loại cáo buộc vội vàng đó một lần nữa có lẽ nói nhiều về cái quán tính của người viết ra nó hơn là phản ảnh một sự thật nào.
 
Còn nói rằng văn phong của tôi “hằn học” thì tôi xem đó là một cảm nhận cá nhân và không có ý phản bác vì nó có vẻ hơi thừa. Cũng như tôi thấy cách viết của của Hoàng Cúc là hằn học và cực đoan, nhưng đó chỉ là cảm nhận của tôi. Nói đến hằn học, chẳng hiểu Hoàng Cúc có xem qua trang web của Vietcatholic để thấy những bài viết chứa đầy kích động, hận thù, và những câu chữ có khi rất thấp tính người của một số linh mục và giáo dân ở đó không? Tôi quan niệm rằng một khi câu chữ viết ra, nó trở thành đối tượng cho công chúng phán xét, và chín người mười ý là điều có thể hiểu được.
 
Tuy nhiên, nếu những nhận xét trong bài viết đó được cảm nhận là hằn học với Công giáo, thì đó cũng là một tín hiệu của quần chúng Việt Nam, bởi vì không ít thì nhiều vẫn tồn tại một sự chia rẽ “lương giáo” trong xã hội Việt Nam. Sự chia rẽ này, tiếc thay, lại xuất phát từ cách hành xử có tổ chức của những thế lực Công giáo cực đoan từ những năm trước 1975. Nếu ai đó cho rằng hay nghĩ rằng không có một sự mâu thuẫn lịch sử giữa Công giáo và dân tộc, không có những chia rẽ giữa giữa “giáo” và “lương”, hay không có những căm giận của người “lương” dành cho người “giáo”, v.v… thì người đó ắt phải - nói theo người Anh Mỹ - là chúi đầu mình vào cát, là trốn tránh sự thật. Nói ra những mâu thuẫn đó cũng là một cách hóa giải vậy, chỉ có vấn đề là nói như thế nào mà thôi.
 
Hoàng Cúc có thể xoáy vào bức ảnh để để đem lại những thỏa mãn tâm lý cho mình, nhưng sự thật vẫn là sự thật: thực dân Pháp và các giáo sĩ Công giáo đã cướp chùa Báo Thiên.
 
Sẵn đây xin nói thêm vài hàng về một thái độ thiên lệch của các nhóm truyền thông hải ngoại trong vấn đề “tòa nhà Khâm sứ”. Trên trang web Viet-studies của Trần Hữu Dũng, tính từ ngày 26/1/08 đến 29/1/08 (chỉ 4 ngày) ông “giới thiệu” đến 13 bài liên quan đến vụ Tòa Khâm sứ. Trong số này, 11 bài quảng bá quan điểm của các nhóm Công giáo cực đoan như Vietcatholic, hay các bài của nhóm tán trợ cho Công giáo như BBC Vietnamese, hay bài của phóng viên nước ngoài dựa vào tài liệu Vietcatholic phát tán. Chỉ có 2 bài mang tính phản biện hay bày tỏ quan điểm từ Phật tử.
 
Trong thời gian khoảng một tháng, tính từ 28/12/07 đến 28/1/08, mục spectrum của talawas “giới thiệu” 7 bài báo liên quan đến “vụ Tòa Khâm sứ”. Trong số này, chỉ có một bài duy nhất bày tỏ quan điểm của một Phật tử, với tinh thần phản biện quan điểm của nhóm Công giáo. Còn lại là những bài phản ánh quan điểm của Công giáo trong vụ tranh chấp tòa nhà Khâm sứ. Trong số 7 bài mà Spectrum giới thiệu, phần lớn xuất phát từ các website của Công giáo, như từ Vietcatholic (3 bài) và BBC Vietnamese (2 bài). Cả hai đại lý truyền thông này chẳng những cực đoan mà còn có chủ trương chống phá Việt Nam rõ rệt.
 
Trong thời gian khoảng một tháng qua, BBC Vietnamese đăng 16 bài viết (chưa kể các bản tin tức) về vụ tranh chấp Tòa Khâm sứ. Có thể nói vụ Tòa Khâm sứ trở thành tiêu điểm của họ. Mười sáu bài viết hoàn toàn trình bày quan điểm của giới Công giáo cực đoan. Không có một bài nào của Phật tử hay trình bày quan điểm của Phật giáo. Không một bài nào trích dẫn báo chí Việt Nam.
 
Trong số 16 bài BBC Vietnamese đăng, có 1 bài đầy tính khiêu khích, ngầm kêu gọi Phật tử xuống đường. Đây là một hành động vô trách nhiệm và nguy hiểm của nhóm phụ trách chương trình Việt ngữ của đài BBC. Có lẽ chủ đích của BBC Vietnamese là muốn biến Việt Nam thành một vùng bạo loạn như miền nam Thái Lan chăng. Hay là BBC Vietnamese đặt niềm hy vọng vào nhóm Công giáo cực đoan biểu tình gây loạn để lật đổ chính quyền, như một số quan điểm trên Vietcatholic ngầm đe dọa (“nếu Nhà nước không nhượng bộ… sẽ dẫn đến một biến động rất lớn”).
 
BBC Vietnamese còn để lộ sự thiên vị Công giáo của họ bằng cách cung cấp đường link đến 2 trang web của hai nhóm công giáo cực đoan, từng có chủ trương lật đổ chính quyền và từng có những quan điểm chống Việt Nam. BBC Vietnamese không cung cấp đường link nào đến website Phật giáo. Việc làm này của BBC Vietnamese chỉ có thể hiểu là họ tán trợ sự bạo loạn của một số giáo dân cực đoan ở Việt Nam và các nhóm Công giáo cực đoan ở hải ngoại.