trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
10.4.2004
Patricia Pelley
Việt Nam hậu thuộc địa, lịch sử mới của quá khứ dân tộc
Lê Quỳnh dịch
 1   2 
 
Sự tôn thờ thời kì khởi thủy [1]

Vào mùa thu 1954, Nguyễn Đổng Chi lần đầu tiên nêu vấn đề nên phân kỳ quá khứ Việt Nam thế nào. Nhiều tháng sau, Trần Huy Liệu đặt câu hỏi cần được trả lời trước khi vấn đề phân kỳ có thể giải quyết: Có thể lần theo nguồn gốc dân tộc Việt Nam đến thời điểm nào? Ông nhận xét các sử gia Trung Quốc đang trong quá trình nghiên cứu nguồn gốc của chính dân tộc họ [2] ̣. Vào lúc cuộc thảo luận này bắt đầu, Ban nghiên cứu lịch sử cũng nhận chỉ thị nhấn mạnh "tinh thần chiến đấu của người Việt Nam" [3] . Theo một cách khó hiểụ, hai nỗ lực này - đi tìm nguồn gốc dân tộc và phương pháp làm sử nhấn mạnh "tinh thần chiến đấu của người Việt Nam" - được liên kết với nhau. Từ sự kết hợp kỳ lạ này xuất hiện điều mà tôi gọi là "the cult of antiquity". [4]

Trần Huy Liệu là người đầu tiên đặt câu hỏi về nguồn gốc dân tộc, nhưng Nguyễn Lương Bích nhanh chóng đi theo bằng việc nhắc lại bình luận về các sử gia Trung Quốc và nói thêm các sử gia Xô viết cũng đang có cuộc tranh luận tương tự [5] ̣. Rồi ông đi một bước xa hơn và xác định rằng mặc dù các sử gia Trung Quốc và Liên Xô đã thảo luận vấn đề nguồn gốc dân tộc trong nhiều năm, nhưng họ vẫn chưa đạt được kết luận. Ông ngờ rằng đây cũng sẽ là trường hợp ở Việt Nam: chỉ sau một cuộc tranh luận kéo dài thì các sử gia mới hi vọng đạt được quan điểm thống nhất. Điều họ nhanh chóng nhận ra là vì nhiều lý do, nguồn gốc của Việt Nam thật khó tìm ra. Khi nói đến "dân tộc", họ nên hiểu thế nào: chỉ là con người? Lãnh thổ? Tương tự, từ "người Việt Nam" thật sự mang ý nghĩa gì? Nó chỉ bao hàm người Kinh, hay nó lại nhấn mạnh về lãnh thổ và chính trị?

Bởi sự nhập nhằng quan trọng trong danh từ "dân tộc Việt Nam", một loạt các câu trả lời được đưa ra. Trần Huy Liệu khảo sát một số khả năng [6] . Ông cho biết một sử gia đã đề nghị nguồn gốc dân tộc Việt Nam chỉ bắt đầu từ năm 1930 khi đảng Cộng sản Đông Dương bắt đầu huy động người Việt trên toàn quốc, từ Bắc đến Trung, đến Nam, từ đồng bằng lên miền núi. Sử gia này tin rằng, trước đó, chưa ai hình dung về Việt Nam theo một cách đầy đủ, toàn thể như vậy. Luận cứ của riêng Trần Huy Liệu lại dựa trên ấn tượng rằng các nhà nước đồng nghĩa với dân tộc, và dựa trên lý thuyết Marxist rằng các nhà nước xuất hiện trong môi trường tư bản chủ nghĩa. Vì thế, nhắc đến các hiệu ứng thay đổi mà chủ nghĩa tư bản Pháp mang lại, ông nói nguồn gốc dân tộc Việt Nam nên đặt từ thế kỷ 19. Trong nỗ lực chính thức hóa luận điểm này, ông cũng viện dẫn dữ liệu địa lý, chính trị và khẳng định quốc gia Việt Nam không thể xuất hiện trước thế kỷ 18, bởi vì chỉ đến khi đó hoàng đế Tây Sơn Nguyễn Huệ mới trị vì trên vùng đất mà hiện, theo nghĩa lãnh thổ, gọi là Việt Nam. Khi tiếp tục cuộc khảo sát, Trần Huy Liệu lưu ý rằng Đào Duy Anh từng có lúc có khuynh hướng lần theo nguồn gốc dân tộc Việt Nam đến thời mở đầu nhà Trần năm 1225, hoặc năm 1010, khi ông mô tả là lúc Lý Thái Tổ lập nên nhà nước trung ương tập quyền. Trần Huy Liệu cũng nói Nguyễn Lương Bích đã lý luận rằng nguồn gốc dân tộc nên được đặt ở một điểm sớm hơn nữa: hoặc ở thế kỷ 10 khi Đinh Bộ Lĩnh mở đầu truyền thống triều đại Việt Nam và nhà Tiền Lê bắt đầu trung ương hóa chính quyền, hoặc thế kỷ 11 khi các hoàng đế triều Lý tiếp tục tiến trình tập trung hóa. Sau đó, Trần Huy Liệu nhận xét rằng Đào Duy Anh đã thay đổi quan điểm ban đầu và nay nghĩ rằng nguồn gốc dân tộc nên đặt từ thế kỷ 10 lúc có triều Đinh và đầu đời Lý (thay vì thế kỷ 13 như quan điểm ban đầu của ông). Tuy vậy, đối với Văn Tân, nguồn gốc dân tộc lại còn xa hơn nữa: trong bài thảo luận về lịch sử văn học, ông liên kết nguồn gốc với thời kỳ công xã [7] . Một vài năm sau, Minh Tranh thể hiện sự đồng ý với quan điểm đang trở thành thịnh hành lúc bấy giờ: nguồn gốc dân tộc Việt Nam xuất hiện khoảng lúc bắt đầu của thời kì công xã [8] ̃. Đối với những người Việt thời hậu thuộc địa, cuộc tranh luận này có lẽ cũng có phần nào mang tính khai sáng, nhưng nó cũng làm người ta bối rối. Đâu là cơ sở có bằng chứng cho bất kì luận điểm nào khi các học giả tài năng và nghiêm túc định vị nguồn gốc dân tộc ở các thời điểm khác nhau giữa thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 20?

Nếu các sử gia Việt Nam chỉ dựa trên tài liệu gốc của Trung Hoa không thôi, vấn đề nguồn gốc dân tộc hẳn đã bị phủ mờ thêm. Đầu tiên, dựa trên tác phẩm của sử gia thời Hán Sima Qian (Tư Mã Thiên), thực thể mà giờ đây được biết đến với tên "Việt Nam" đã không tồn tại. Theo cái nhìn của người Hán, khu vực đồng bằng sông Hồng thật sự đi vào sách sử vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên khi triều đình tại Trường An chia khu vực giữa sông Dương Tử và sông Hồng thành nhiều khu vực hành chính [9] . Nói cách khác, theo cái nhìn của các hoàng đế nhà Hán, người Việt Nam không phải là một dân tộc riêng biệt. Họ là một trong "hàng trăm giống rợ phương Nam" có định mệnh sẽ rơi vào vòng khai hóa của người Hán. Những người Việt thời hậu thuộc địa dĩ nhiên không thể chấp nhận thái độ sô vanh này, lấy Trung Hoa làm gốc như vậy khi nói về quá khứ Việt Nam. Sẽ thích hợp hơn nếu lập luận rằng nhà Hán chỉ áp đặt một hệ thống hành chính lên một nhà nước đã tồn tại từ trước. Theo cách này, thời kì đô hộ của nhà Hán và Đường có thể được tái định nghĩa như sự gián đoạn của một mô hình đã tồn tại từ trước và tái xuất hiện với cường độ rõ ràng hơn trong thế kỷ 10. Cuộc kiếm tìm nguồn gốc dân tộc là một cuộc truy tìm với mục đích chứng minh người bản địa trội hơn thế lực bên ngoài. Và một cuộc kiếm tìm như thế không thể chấp nhận ý niệm rằng sự xác minh bản thân lại phải phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài. Vì vậy, khi bác bỏ các giải thích của Trung Hoa về nguồn gốc Việt Nam, các sử gia hậu thuộc địa có thể vượt qua ấn tượng, được cả người Việt lẫn người nước ngoài chia sẻ, rằng lịch sử các vương triều Trung Hòa đóng vai trò trọng yếu cho lịch sử thời kì đầu của Việt Nam [10] .

Một khi đã dỡ bỏ gánh nặng về bằng chứng từ các nguồn tư liệu thông thường của người Hán, các sử gia hậu thuộc địa được trông chờ tìm ra các giải thích thay thế để họ có thể quyết định làm sao phân kì thời quá khứ. Chỉ khi đó họ mới có thể tiếp tục với nhiệm vụ chủ chốt, tức là viết nên một bộ sử tổng quan về Việt Nam. Tuy vậy, vấn đề nguồn gốc lại làm các sử gia phải tư duy thêm nhiều.

Các học giả Pháp thời thực dân đã viết nhiều về nguồn gốc người Việt Nam, dựa trên nguồn tài liệu Trung Hoa và dựa trên bằng chứng lấy từ các cuộc khai quật. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các học giả châu Âu đóng vai trò quan trọng nhất trong nghiên cứu khảo cổ ở Việt Nam, cũng như nhiều nơi khác ở châu Á. Trước khi có các cuộc khai quật của người châu Âu, người Việt Nam không quan tâm đến các dấu tích bị chôn vùi của quá khứ. Trong các phát hiện hấp dẫn nhất của người châu Âu, có gần hai trăm trống đồng họ tìm thấy ở miền nam Trung Quốc, đồng bằng sông Hồng và nhiều nơi khác ở Đông Nam Á [11] . Năm 1924, sau nỗ lực hệ thống hóa các phát hiện của Henri Parmentier và nhiều người châu Âu khác, Viện Viễn Đông Bác Cổ tổ chức hội nghị ở Hà Nội, và trong những năm sau, các nhân vật chủ chốt xuất bản kết luận của họ về di chỉ trống đồng. Mặc dù các nhà khảo cổ châu Âu trầm trồ trước các di chỉ tìm thấy, nhưng trình độ điêu luyện của chúng, đặc biệt của trống đồng Đông Sơn tìm thấy ở Việt Nam, khiến các nhà khảo cổ châu Âu bác bỏ khả năng chúng được làm tại chỗ. Họ cho rằng những tác phẩm tinh túy này thể hiện tài năng của một giống dân văn minh hơn: có thể là người Java, hoặc "một giống dân Địa Trung Hải chưa biết tới." Năm 1931, dựa trên bằng cớ mà ông thấy ở Bảo tàng quốc gia Thụy Điển ở Stockholm, Olov Janse cho rằng văn hóa trống đồng ở Việt Nam có nguồn gốc từ châu Âu. Ông thậm chí còn xác định hai nguồn chính: những địa điểm Hallstatt tại tây và trung Âu, và khu vực Caucasus. Một vài năm sau, khi Janse bắt đầu nghiên cứu thực địa ở Đông Sơn, ông xoay sang quan điểm nghiêng về gốc Trung Hoa khi giải thích văn hóa trống đồng ở Việt Nam. Trong bất kì trường hợp nào, ngay cả khi người châu Âu không chắc chắn về lai lịch của trống đồng, họ vẫn tự tin loại bỏ khả năng chúng được làm ra tại chỗ. Về niên đại của thời đại đồ đồng ở Việt Nam, các học giả châu Âu nghiêng về một niên đại tương đối gần. Trong khi văn hóa đồ đồng ở Mesopotamia đã phát triển ngay từ năm 3000 hay thậm chí 3500 trước công nguyên, các học giả ngờ rằng văn hóa đồ đồng phát triển ở Việt Nam hàng thiên niên kỷ sau đó. Năm 1929, Victor Goloubew trình bày cô đọng các quan điểm này khi ông nói thời đại đồ đồng ở Việt Nam có gốc từ Trung Quốc và rằng nó bắt đầu không sớm hơn giai đoạn giữa thế kỷ thứ nhất sau công nguyên.

Nhiều người Việt Nam bác bó ý tưởng rằng việc làm rõ nguồn gốc dân tộc lại phải dựa vào văn bản Trung Hoa, hay phải dựa vào cách hiểu sai lệch về quá khứ của người Pháp, châu Âu, Bắc Mỹ. Tháng 11 năm 1945, chỉ vài tháng sau khi Việt Minh chính thức giành chính quyền, Hồ Chí Minh kí nghị định 65, thành lập đơn vị khảo cổ [12] . Từ giây phút đó, thường trong điều kiện làm việc khó khăn hay thậm chí nguy hiểm, các học giả cách mạng bắt đầu tấn công vào những cách trình bày của thực dân về lịch sử xa xôi Việt Nam. Năm 1953, khi quân Pháp ở bên bờ vực đầu hàng, đảng Lao động thành lập đơn vị khảo cổ như một phần thuộc Ban nghiên cứu Văn Sử Địa.

Việc giải thích lại lịch sử xa xưa của Việt Nam dựa trên phần lớn các dấu tích vật chất: các học giả miền Bắc khảo sát các công cụ từ thời đồ đá cũ và mới, và xem xét các di chỉ bằng đồng mà họ cho là bắt đầu xuất hiện quãng năm 2000 trước Công nguyên. Nhưng những dấu tích vật chất cũng liên kết với các xác quyết trong việc viết sử. Lịch sử xa xưa nhất của Việt Nam được Lê Văn Hưu viết vào thế kỷ thứ 13, nhưng những văn bản xưa nhất còn sót lại thì được in vào thế kỷ thứ 14 [13] . Trong tiểu luận xuất sắc khảo sát các văn bản thế kỷ 14 này, sử gia Oliver Wolters đã chỉ ra chức năng biểu tượng của thời kì khởi thủy, đặc biệt là vương quốc Văn Lang, như biểu tượng cho sự hảo trị (good government). Với tư cách là một cái tên hay kho tàng về một quá khứ lý tưởng hoá, "Văn Lang" biểu thị một thời kim hoàng khi Việt Nam được các hiền nhân trị vì, khi mà trật tự và thanh bình ngự trị khắp vương quốc [14] . Vào cuối thế kỷ 14, khi các vua nhà Trần chứng kiến hỗn loạn ngày càng tăng trong triều đình và ở nông thôn, các vua cầu mong khôi phục lại một hình mẫu mà Văn Lang đại diện. Trong thế kỷ 15, Wolters giải thích, sử gia triều Lê Ngô Sĩ Liên viết nên tác phẩm lịch sử đồ sộ, kết hợp văn bản thế kỷ 13 nhưng cũng cập nhật thêm và đóng khung tác phẩm vào một loạt các lo ngại mới. Các sĩ phu thời Lê như Ngô Sĩ Liên nhìn lại nhà Trần (1225-1400), và với một sự lo lắng, cố gắng tái dựng lại cách làm thế nào mà các biến cố ngày càng trở nên tồi tệ như thế. Sự kết hợp giữa sự bất tài của vua Trần và sự bội bạc của Hồ Quý Ly, người vào năm 1400 đã cướp ngôi vua, đã giúp nhà Minh có cớ xâm lược. Nếu người Việt Nam không thể tự quản lý đất nước đàng hoàng, nhà Minh cảm thấy không những có lý do hợp pháp để cầm quyển mà còn cảm thấy bị buộc phải làm như thế.

Đối với các vua Trần, "Văn Lang" là một lý tưởng hơn là một thời kì và nơi chốn cụ thể. Khi phải nghĩ đến nó theo cách cụ thể hơn, họ định vị thời kì này vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước công nguyên. Tuy vậy, vì sự tàn phá từ cuộc xâm lược và lấn chiếm của nhà Minh (1407-1427), người Việt Nam trong thế kỷ thứ 15 có những quan tâm mới. Cụ thể, họ cảm thấy buộc phải thể hiện Việt Nam giống nhà Minh ở Trung Quốc hơn. Để đem lại vinh quang cho quá khứ dân tộc Việt, theo họ hình dung khái niệm vinh quang được nhà Minh định nghĩa, họ chuyển hóa thời kì khởi thủy của Việt Nam thành một truyền thống xa xưa hơn. Trong khi các học giả nhà Trần xem hình ảnh Văn Lang là hình ảnh biểu tượng cho sự thịnh trị, các học giả nhà Lê bắt đầu xem nó như bằng chứng của lịch sử lâu đời và uy tín của Việt Nam. Chức năng mới của Văn Lang đòi hỏi dòng dõi mới, nên Ngô Sĩ Liên định vị nguồn gốc của nó vào năm 2879 trước Công nguyên. Do kết quả của nỗ lực viết sử này, thời kì khởi thủy xa xôi Việt Nam hóa ra có trước thời kì khởi thủy của triều đại nhà Xia [Hạ] (2205-1766 trước công nguyên) đến sáu trăm năm [15] . Nhưng, ta cần chỉ ra, khi gán cho các vua Hùng một niên đại cụ thể, Ngô Sĩ Liên không nhấn mạnh về cái tính chính xác lịch sử của nó. Niên đại mà ông tạo ra nhằm mục đích thực thi chức năng chính trị, chứ không phải lịch sử đối chiếu.

Trong khi đó, các sử gia hậu thuộc địa tiếp tục chuyển các vua Hùng, thời Hồng Bàng và vương quốc Văn Lang thành các thực thể thật sự mang tính lịch sử. Các chuyển hóa này, đầu tiên, dựa trên sự kết hợp thành một các kiểu bằng chứng khác nhau: các dấu tích vật chất tìm thấy qua khai quật khảo cổ, biên niên sử, các truyện thần thoại, và "Lịch sử Viêt Nam từ năm 2879 trước công nguyên đến năm 1945" (một bài thơ được gán cho tác giả Hồ Chí Minh [16] ). Luận điểm nói các mô thức của nước Việt Nam hiện đại đã được thiết lập từ tận thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên dựa trên các giả định đáng nghi bao gồ̀m ý cho rằng người Việt Nam ngày nay cũng là người Việt Nam của hàng thiên niên kỷ trước đó và rằng họ đã liên tục cư ngụ nơi đồng bằng sông Hồng. Bằng cách đề cập vấn đề niên đại, sử gia thế kỷ 15 Ngô Sĩ Liên đã chữa lại một chi tiết viết sử mà có tiềm năng gây ra những phân rẽ chính trị. Đối với các sử gia Việt Nam hậu thuộc địa, vấn đề một lần nữa xoay quanh cách viết sử và những hậu quả của nó rõ ràng mang tính chính trị. Bằng cách lần theo nguồn gốc dân tộc đến năm 2879 trước Công nguyên, các sử gia có thể khẳng định thời kì khởi thủy và tính cao quý của Việt Nam. Vì thời kì khởi thủy của Việt Nam có trước cả Trung Quốc, Việt Nam được vẽ lại như một quyền lực chủ động, và các sử gia hậu thuộc địa có thể khẳng định rằng Việt Nam không phải, như luận điệu của người Pháp, một phiên bản nhỏ của Trung Hoa. Quan trọng hơn, niên đại mới này, hay đúng hơn là sự khẳng định mới về tính chính xác của một niên đại cũ, ng̣ụ ý rằng Việt Nam từ thuở ban đầu đã tự chủ, độc lập, và làm chủ vận mệnh của mình. Như thế những sự không bình thường trong lịch sử dân tộc là những giai đoạn bị ngoại bang đô hộ, chứ không phải là những giai đoạn độc lập. Sự kiện chia rẽ mới diễn ra chỉ là ngắn ngủi và khác thường; còn sự đoàn kết quốc gia được tuyên bố là lẽ bình thường từ lâu.

Việc biến thời kì khởi thủy từ một phương tiện văn bản thành một sự thật xuất hiện sau các cuộc tranh luận chi tiết và những nghị quyết không chính thức. Năm 1956, Trần Huy Liệu trích dẫn bộ luật mới của Trung ương đảng và ủy ban tỉnh Phú Thọ, theo đó, lập ra một ngày chính xác để người Việt kỷ niệm ngày giỗ Tổ, ngày 10 tháng Ba Âm lịch [17] . Trần Huy Liệu viết: "Từ giỗ Tổ gợi lên trong chúng ta cảm giác ấm áp và ý nghĩ sâu sắc về nguồn gốc dân tộc ta và thể hiện sự biết ơn tổ tiên đã xây dựng ra đất nước. Như những người thừa kế hiện đại, các vua Hùng đã đấu tranh chống ngoại xâm." Ông nói tiếp: "Không có các vua Hùng, cũng không có nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn, không có nước VNDCCH." Mặc dù ngày giỗ Tổ sẽ được đánh dấu bằng các lễ hội đặc biệt tại khu đền Hùng ở Phú Thọ, ông Liệu giải thích, nhưng nó cũng được mọi người Việt Nam tưởng nhớ. Rồi Trần Huy Liệu dẫn ra các nghiên cứu khảo cổ gần đây và các văn bản thế kỷ 15 để ấn định thời kì trị vì của các vua Hùng: triều đại Hồng Bàng, do các vua Hùng lập nên, kéo dài từ 2879 đến 258 trước Công nguyên [18] .

Khi sự phong thánh cho các vua Hùng bắt đầu thành hình, nó trùng hợp với một cuộc tranh luận khác giữa các sử gia về việc phân kì quá khứ dân tộc. Vì thế, khi đã áp đặt mô hình Stalin về lịch sử lên thời tiền sử của Việt Nam, Trần Huy Liệu mô tả thời kì các vua Hùng là thời cộng sản nguyên thủy - một giai đoạn, ông khẳng định, mà mỗi quốc gia phải trải qua. Bởi vì sự quan trọng của Văn Lang trong các văn bản trước thế kỷ 20 dựa trên các quy phạm mà nó đại diện và độ tuổi lâu dài của nó, nên người ta không có nhu cầu tìm ra địa phận chính xác của Văn Lang; người ta chỉ nói mơ hồ là Văn Lang phát triển trên khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, văn bản của Trần Huy Liệu lại liên kết địa phận Văn Lang với toàn bờ cõi nước Việt Nam hiện đại. Khi "đất nước yêu quý" từng được thống nhất, thì năm 1956, nó bị chia cắt đau đớn. Trần Huy Liệu đau buồn: "Đồng bào ta bị đàn áp vì chế độ phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai cho đế quốc Mỹ." [19]

Trong bài kỷ niệm các vua Hùng, Trần Huy Liệu xây dựng một lịch sử không có đứt đoạn hay vết sẹo. Ông ngụ ý trước các diễn biến bạo lực của thập niên 1950, thì quá khứ tiền lịch sử đã liên kết với hiện tại theo một cách liên tục. Khi thể hiện các vua Hùng như những người đi trước của người Việt Nam hiện đại, Trần Huy Liệu đã nghi vấn niên đại thông thường lúc bấy giờ: nguồn gốc dân tộc Việt Nam, nhiều người đồng ý, có thể lần lại khoảng chừng vào lúc bắt đầu thời kì công xã. Ý tưởng cho rằng các vua Hùng, thời Hồng Bàng và vương quốcVăn Lang có thể bắt đầu vào năm 2879 trước công nguyên, và rằng họ định nghĩa cho nguồn gốc người Việt Nam, phải được nuôi dưỡng kỹ lưỡng hơn trước khi nó ăn sâu vào ký ức tập thể của người Việt. Ví dụ, ngay sau bài của Trần Huy Liệu là bài báo về lịch sử văn học của Văn Tân, nói rằng lịch sử của người Việt đã bắt đầu hai ngàn năm trước [20] . Năm 1958, một bài thơ của Nguyễn Thượng Hiền được xuất bản ở Hà Nội. Giống như người cùng thời nổi tiếng hơn, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền đã bị người Pháp buộc sống lưu vong. Khi sống ở Trung Quốc, ông viết một bài thơ bảo rằng thời đại Hồng Bàng đã bốn ngàn năm tuổi [21] . Nhưng chỉ vài tháng sau khi bài thơ xuất bản ở Hà Nội năm 1958, Minh Tranh đã nhắc lại niên đại truyền thống: nguồn gốc người Việt có tuổi khoảng hai ngàn năm [22] . Mấy năm sau, năm 1960, Văn Tân thay đổi quan điểm trước đây, nhưng ông vẫn cho rằng thời Hồng Bàng đã kéo dài bốn trăm năm, từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ ba trước công nguyên [23] . Khi nhà viết kịch Đức Peter Weiss đến Hà Nội năm 1969, ít nhất hai người mà ông phỏng vấn tại Viện văn học định nghĩa vương quốc Văn Lang theo cùng một cách như vậy: như một hiện tượng kéo dài từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ ba sau công nguyên [24] .

Khi Trần Huy Liệu giới thiệu các vua Hùng vào năm 1956 như "nguồn gốc dân tộc", ông có vẻ mô tả họ theo một khuôn khổ của một tôn giáo nguyên thủy. Ông viết: "Như ta biết, các vị thần nông nghiệp là các nhân vật biểu tượng ở Trung Hoa cổ đại." [25] Tiếp tục nhấn mạnh về vai trò linh thiêng của các thần tự nhiên, ông nhận xét: "Mỗi bộ lạc thờ cúng một nhân vật mà đối với họ có một giá trị đặc biệt." Đáp lại những bình luận này, nhiều sử gia bắt đầu thảo luận biểu tượng vật tổ của người Việt Nam cổ đại [26] . Họ hỏi, đâu là biểu tượng tiêu biểu hơn - chim Lạc hay rồng? Đâu là vị trí của rắn và cá sấu trong hệ thống hình tượng của người Việt cổ? Nhưng trước khi cuộc tranh luận này có thể tiếp tục đi xa hơn, thì vào mùa thu 1959, nó bị đột ngột ngừng lại. Mặc dù lý do cho sự ngưng lại này không rõ ràng, tôi đoán chừng là khi mới giới thiệu các vua Hùng như tổ tiên của người Việt, Trần Huy Liệu hình dung trong đầu đó là người Kinh. Khi ông nêu câu hỏi về sự thờ cúng vật tổ, ông lại càng nói rõ tính riêng biệt của cụm từ "người Việt Nam". Mà thực tế là cho đến tận giữa thập niên 1950, đa số người Kinh vẫn nghĩ về Việt Nam như vùng đất của người Kinh. Mặc dù họ đã bắt đầu xem xét khả năng "Việt Nam" như một thuật ngữ bao hàm rộng hơn, nhưng họ vẫn chưa thể hình dung đầy đủ về nó. Cùng lúc đó, mặc dù lĩnh vực dân tộc học đã bắt đầu hình thành, thì vẫn còn là vấn đề khi nói về các khác biệt sắc tộc ở Việt Nam, dù là ở hiện tại hay trong thời tiền sử. Cuối cùng thì toàn bộ ý nghĩa của việc kỷ niệm các vua Hùng là nhằm bình thường hóa ý niệm rằng tất cả người Việt Nam (theo nghĩa chính trị chứ không phải theo nghĩa dân tộc học) đều chia sẻ cùng một nguồn. Nhưng khi Trần Huy Liệu liên kết vua Hùng với người Kinh không thôi, ông đã làm suy yếu đi cái tiềm năng thống nhất, mở rộng cho mọi dân tộc của các vua Hùng.

Trong suốt thập niên 1960, mối quan tâm về các vua Hùng, thời Hồng Bàng và vương quốc Văn Lang với tư cách là các thực thể lịch sử (chứ không phải chỉ là phương tiện văn bản) ngày càng được bộc lộ rộng rãi. Năm 1960, Viện Sử học xác định các học giả mà sẽ nghiên cứu tập trung vào thời tiền sử: Nguyễn Linh, Lê Văn Lan và Hoàng Hưng. Năm 1961, trích dẫn tác phẩm của các nhà khảo cổ Liên Xô, Diệp Đình Hoa xác quyết rằng các cư dân Văn Lang sở hữu công nghệ bàn gốm xoay, rằng họ được chia thành các giai cấp, và rằng họ được trị vì bởi một nhà nước bảo vệ quyền lợi cho những chủ sở hữu nô lệ. [27] Tháng Mười 1966, "các cán bộ khảo cổ" và "cán bộ lịch sử cổ đại" đưa chủ đề các vua Hùng vào nghị trình nghiên cứu của họ. Vào tháng Mười một, các cán bộ thuộc Viện Sử học, bảo tàng Lịch sử và Khoa ngôn ngữ học của Đại học Tổng hợp gặp nhau để thảo luận xem làm sao nghiên cứu của họ có thể giúp ích cho bảo tàng các vua Hùng, theo đề nghị của "đồng chí" Lê Duẩn và ủy ban tỉnh Phú Thọ. Tháng Hai 1967, sau cuộc gặp giữa đại diện Bộ Văn hóa, Viện Sử học, bảo tàng Lịch sử và ủy ban tỉnh Phú Thọ, cùng sự tham dự của nhiều "đồng chí", người ta quyết định những điểm chính trong nghiên cứu về các vua Hùng: khảo cổ học và văn hóa bình dân sẽ là các chủ đề chính. [28] Trong suốt năm 1967, mối quan tâm về các vua Hùng và thời Hồng Bàng phát triển ở mức chưa từng thấy. Hồi tháng Năm, Văn Tân xuất bản cái nhìn tổng quát về các vua Hùng và nhận định về tầm quan trọng của họ trong lịch sử Việt Nam. Đến tháng Bảy, Nguyễn Linh khái quát các vấn đề trong lịch sử Hồng Bàng mà các nhà nghiên cứu cần quan tâm. Tháng Tám, Đào Tử Khai đưa ra nhận xét về các bước phát triển lớn trong xã hội Hồng Bàng; đến tháng Chín, Hoàng Thị Châu xem xét quan hệ giai cấp trong thời các vua Hùng. Và tháng Mười hai, Trương Hoàng Châu liên kết những dấu vết đầu tiên của văn hóa đồ đồng ở Việt Nam với các vua Hùng. [29] Để cho nghiên cứu về thời tiền sử có thể thực hiện theo một cách liền mạch hơn, Viện khảo cổ được thành lập năm 1968. [30] Từ 1968 đến 1970, Viện Khảo cổ, Viện Sử học, bảo tàng Lịch sử và Đại học Hà Nội tổ chức bốn hội nghị về các vua Hùng. [31] Sau cuộc chiến chống Mỹ, sự quan tâm chính trị và học thuật về các vua Hùng lại tăng lên. Trong một trong những văn bản có ảnh hưởng nhất của thời hậu chiến, Phạm Huy Thông mô tả "ba thời kì" dựng nước: Văn Lang vào năm 2879 trước công nguyên bởi các vua Hùng, nước Việt năm 939 bởi Ngô Quyền và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1975. [32]

Việc kể lại này giúp làm rõ tiến trình mà qua đó, những mối quan tâm mới được thể hiện hoặc tạo ra, và làm thế nào các kết luận mới được đạt đến trong thời kì sau 1954. Đối với những ai tưởng tượng về Việt Nam trong giai đoạn này chỉ là một khu chiến, những chi tiết này cho thấy sự đa dạng của các quan tâm không có liên quan đến các vấn đề quân sự.

Kể từ năm 1975, sự tôn thờ thời kì khởi thủy đã được củng cố vững chắc. Ý niệm về các vua Hùng in sâu vào mọi dấu hiệu của đời sống thường ngày. Ví dụ, lăng Hồ Chí Minh được xây tại quảng trường Ba Đình, và đại lộ Hùng Vương chạy ngang qua đó. Bởi vì các vua Hùng đã được xem như tổ tiên của mọi người Việt Nam, theo nghĩa bao hàm chính trị thay vì hạn hẹp về mặt sắc tộc, cứ mỗi năm vào ngày mùng Mười tháng ba, các buổi lễ kỷ niệm long trọng được tổ chức tại đền Hùng ở Phú Thọ. Để ghi sâu hơn nữa các vua Hùng vào đời sống lễ nghi của người Việt Nam, các đền thờ xuất hiện ở các làng đồng bằng và thị trấn vùng núi. Mặc dù mãi đến gần đây, nguồn gốc dân tộc Việt Nam vẫn còn mù mờ, dao động từ thế kỷ bảy trước công nguyên đến thế kỷ mười, hoặc hai mươi sau Công nguyên, nhưng nay nó đã được ấn định - năm 2879 trước Công nguyên - sau các cuộc tranh luận thời hậu thuộc địa.

Sự tôn thờ cũng đã vượt ra ngoài giới hạn các vua Hùng, thời Hồng Bàng và vương quốc Văn Lang, để bao gồm cả những dấu tích của nền văn hóa đồ đồng. Bất kì ai gần đây đến Việt Nam đều có thể thấy sự có mặt khắp nơi của những (bản sao) của trống đồng Đông Sơn. Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, và Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội đều trưng bày chúng theo hình thức phô trương. Chắc ở đâu đó trong hay gần Hà Nội có một nhà máy nơi công nhân đúc và vẽ lại các ấn bản. Vì những bảo tàng ở Việt Nam được xem chủ yếu như các định chế có mục đích giáo huấn, nên việc làm lại các bản sao những di chỉ "độc nhất" được xem không chỉ là hợp pháp, mà còn là công cụ giáo dục quan trọng. Vì thế, những "trống đồng" được sơn phết không thể hiện vẻ của các đồ giả, mà chúng tự hào phát biểu theo giọng giáo huấn. Hình ảnh về trống đồng Đông Sơn cũng được sản xuất lại nhiều: cả bảo tàng Lịch sử và ngành du lịch Việt Nam đã sao lại hình ảnh chim Lạc để nó xuất hiện trên các tiêu đề thư, bản tin, xe buýt du lịch, mũ beis-bôn, áo, gạt tàn, bình... Nói tóm lại, cũng công bằng khi nói rằng văn hóa hình ảnh của thời hiện đại liên kết nhiều với những nhắc nhở về văn hóa thời đồ đồng của Việt Nam. Về khía cạnh học thuật, người ta chỉ cần xem các sách giáo khoa về lịch sử quá khứ Việt Nam để thấy các dự kiện về văn hóa đồ đồng nay đã được cố định như thế nào.

Sự tôn thờ thời kì khởi thủy cung cấp một trung tâm hình ảnh, lễ nghi và nhận thức cho bản sắc dân tộc. Nó viết lại lịch sử Việt Nam như một hình mẫu chủ động, và thiết lập Việt Nam như một điểm trung tâm của Đông Nam Á thay vì nằm ngoài rìa của Đông Á. Trong khi sự tôn thờ thời kì khởi thủy phá bỏ những nguyên tắc chủ chốt của ngành nghiên cứu thời thực dân, nó đem lại - có lẽ là vô tình - những vấn đề mới mà các sử gia sau này sẽ phải tìm cách giải quyết. Ví dụ, bằng cách hướng lại lịch sử Việt Nam về phía biển Đông (không phải biển Nam Trung Hoa!) và Đông Nam Á, sự tôn thờ thời kì khởi thủy nêu bật các khía cạnh của quá khứ Việt Nam mà những quyển sách sử khác đã che giấu đi, đặc biệt là lịch sử về các cuộc xâm chiếm, bành trướng của chính Việt Nam, sự thôn tính lãnh thổ, và đồng hóa văn hóa. Mặc dù sự cụ thể hóa "truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm" của thời hậu thuộc địa thường đã thành công trong việc giảm bớt sự phức tạp của quá khứ, biến nó đơn giản thành một vị thế phòng thủ, nhưng sự tôn thờ thời kì khởi thủy cũng ngầm nhắc tới các khía cạnh khác. Nằm ở trung tâm một nước Việt Nam nhìn theo hướng Đông Nam Á hóa, chính là Chămpa, mắt xích cơ bản - nhưng đã bị che khuất - của quá khứ được tái tạo của Việt Nam.


© 2004 talawas

Xem: Việt Nam hậu thuộc địa, lịch sử mới của quá khứ dân tộc (1)



[1]Phần này mở rộng từ bài viết "The Cult of Antiquity in Postcolonial Vietnam," mà tôi đã trình bày tại hội nghị hàng năm của Hội nghiên cứu châu Á (Association for Asian Studies), ở Honolulu, tháng Tư 1996.
[2]Nguyễn Đổng Chi, "Nên phân chia thời đại lịch sử nước ta như thế nào?", VSĐ 3 (Tháng Mười 1954): tr. 71-75. Trần Huy Liệu, "Dân tộc Việt Nam thành hình từ bao giờ?", VSĐ 5 (Tháng Hai 1955): tr. 5-16
[3]Trần Huy Liệu, VSĐ 6, tr. 1-8
[4]"The cult of antiquity" (kính cổ), tạm dịch "sự tôn thờ thời kì khởi thủy", là khái niệm trái ngược của yigupai (Nghi cổ phái) của Gu Jiegang [Talawas]
[5]"Những tiêu chuẩn để nhận định sự thành hình dân tộc," VSĐ 12 (Tháng 12, 1955): tr. 29-40
[6]VSĐ 5, tr. 5-16
[7]"Vấn đề viết văn học sử Việt Nam," VSĐ 17 (Tháng Năm 1956), tr. 5-17
[8]"Cần đi sâu và rộng hơn nữa vào những chuyên đề," VSĐ 46 (Tháng Mười một 1958), tr. 1-6
[9]Burton Watson dịch, Records of the Grand Historian, hai tập, (New York: Columbia University Press, 1961)
[10]Keith Taylor bày tỏ quan điểm này khi ông cho rằng các nguồn sử Trung Hoa cung cấp bằng chứng văn bản duy nhất về lịch sử Việt Nam trước thế kỷ Mười (quyển The Birth of Vietnam, tr. 349). Cũng xem thêm Edward H. Schafer, The Vermilion Bird: T'ang images of the South (Berkeley: University of California Press, 1967)
[11]Charles Higham, "The Discovery of the Bronze Age", trong The Bronze Age of South East Asia (Cambridge: Cambridge University Press, 1996): tr. 17-38. Những văn bản chủ yếu mà ông trích dẫn cho phần về Việt Nam là M.H.Parmentier, "Anciens tambours de bronze," Bulletin de l'École Française d'Extrême-Orient (BEFEO), 18 (1918): tr. 18-30; V. Goloubew, "L'Age du bronze au Tonkin et dans le nord-Annam," BEFEO 29 (1929): 1-46; và O.R.T.Janse, The Ancient Dwelling Site of Dong-son, quyển 3 trong Archaeological Research in Indo-China (Cambridge: Harvard University Press, 1958). Trong đoạn văn tiếp theo, tôi tóm tắt lại bằng chứng do Higham đưa ra.
[12]Đào DuyAnh, "Văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Lạc Việt?" VSĐ 1 (Tháng Sáu 1954), tr. 14-29
[13]Lê Văn Hưu nộp lên vua Trần Thánh Tông quyển Đại Việt sử ký năm 1272; An Nam Chí Lược do Lê Tắc, người chạy sang Trung Quốc, hoàn tất khoảng năm 1340, và Đại Việt sử lược có lẽ hoàn tất trong thập niên 1380. Emile Gaspardone, "Materiaux pour servir a l'histoire d'Annam", ̣BEFEO 29 (1929): tr. 63-106, và "Bibliographie annamite", BEFEO 34 (1934): tr. 1-152, và Keith Taylor, "Sources for Early Vietnamese History," trong Birth of Vietnam, tr. 349-359.
[14]"Assertions of Cultural Well-Being in 14th Century Vietnam", trong Two Essays on Đại Việt in the 14th Century (New Haven: Yale University Council on Southeast Asia Studies, 1988), tr. 3-53.
[15]Keith Taylor nhắc đến "sự bình đẳng về niên đại" này trong Birth of Vietnam, tr. 309-311
[16]Về chủ đề của bài thơ này, có nhiều thông tin trái ngược. Một số nguồn - như Chu Văn Tấn - bảo rằng Hồ Chí Minh viết bài thơ (bằng tiếng Hán) khi ông ở vùng núi Việt Bắc. Những người khác thì bảo ông đã sáng tác và đọc bài thơ mà không thật sự viết thành bản in. Một số nhấn mạnh bài thơ được viết, nhưng không còn bản in nào tồn tại; và ít nhất một nguồn lại nói có một bản in bài thơ trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng. Có thể xem, ví dụ, Chu Văn Tấn, Reminiscences on the Army for National Salvation, do Mai Elliot dịch (Ithaca: Cornell University Southeast Asia Program, 1974)
[17]"Giỗ tổ Hùng Vương," VSĐ 17 (Tháng Năm 1956), tr. 1-4
[18]Để hỗ trợ cho biến đổi về cách viết sử này, tôi đoán, Mai Hạnh đã viết một bài báo về tiến trình mà các nhân vật huyền thoại biến thành lịch sử. Ông cụ thể trích dẫn ví dụ Trạng Quỳnh, người ban đầu không phải là nhân vật lịch sử, nhưng, với thời gian, trở thành nhân vật lịch sử. "Giá trị Truyện Trạng Quỳnh," VSĐ 21 (Tháng Chín, 1956), tr. 35-48
[19]VSĐ 17, tr. 4
[20]VSĐ 17, tr. 5-17
[21]"Giọt lệ bể dâu (Tang hải lệ đàm)," do Trịnh Đình Dư dịch, VSĐ 43 (Tháng Tám 1958), tr. 80-88
[22]VSĐ 46, tr. 1-6
[23]Để chứng minh, ông trích dẫn Việt sử lược, văn bản thế kỷ 13, thay vì Đại Việt sử ký toàn thư của thế kỷ 15. "Xã hội nước Văn Lang và xã hội nước Âu Lạc", NCLS 20 (Tháng 11, 1960), tr. 23-33
[24]Peter Weiss nói chuyện với Hoài Thanh và Cao Huy Đỉnh (Notes on the Cultural Life of the Democratic Republic of Vietnam, New York: Dell 1970, tr. 5)
[25]VSĐ 17, tr. 2
[26]Văn Tân, Hà Văn Tấn, Hoàng Lương và Đỗ Xuân Trạch thảo luận chủ đề này trong NCLS 2 (tháng Tư 1959) đến NCLS 7 (Tháng Chín 1959)
[27]"Vài ý kiến về bài 'Xã hội nước Văn Lang và xã hội nước Âu Lạc,' (bàn với ông Văn Tân)," NCLS 26 (Tháng Năm, 1961): tr. 32-42 và NCLS 27 (Tháng Sáu 1961): tr. 35-48
[28]Trong số những người có mặt gồm Hà Huy Giáp, Nguyễn Đức Quỳ, Trần Huy Liệu, Đào Tử Khai, Nguyễn Đỗ Cung, và Văn Tân. Những chi tiết này được ban biên tập TCNCLS thuật lại trong "Nên nghiên cứu vấn đề thời đại Hồng Bàng," NCLS 97 (tháng Tư 1967): tr. 5-6, và bài của Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi và Hoàng Hưng trong quyển Thời đại Hùng Vương (Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 1976), tr. 26-27
[29]Văn Tân, "Vấn đề thời đại Hùng Vương trong lịch sử dân tộc Việt Nam," NCLS 98: tr. 16-29. Nguyễn Linh, "Vài suy nghĩ về việc tìm hiểu thời đại Hùng Bàng," NCLS 100: tr. 32-39. Đào Tử Khải, "Những bước phát triển lớn của thị tộc Hồng Bàng có hay không và nhân vật Hùng vương trong lịch sử dân tộc chúng ta," NCLS 101: tr. 41-45. Hoàng Thị Châu, "Tìm hiểu từ 'Phụ đạo' trong truyền thuyết về Hùng vương," NCLS 102: tr. 22-28. Trương Hoàng Châu, "Nền văn hóa khảo cổ học duy nhất trong thời đại đồng thay Việt nam và vấn đề nước Văn Lang của Hùng vương," NCLS 105: tr. 35-41.
[30]Hồng Việt thảo luận lịch sử thời cổ Việt Nam trong mối quan hệ với Marx, Engels và Lenin (NCLS 106); Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh và Hoàng Hưng phân tích các dấu vết khảo cổ của các vua Hùng (NCLS 107); Trần Huy Bá nghiên cứu thời đại vua Hùng (NCLS 108); Nguyễn Linh tiếp cận các vua Hùng với tư cách là con cháu của nhà cai trị huyền thoại Trung Quốc Thần Nông (NCLS 111) và đào sâu chủ đề Văn Lang (NCLS 112)
[31]Kết quả của các hội nghị này được tóm tắt trong nhiều nơi, bao gồm Tạp chí Khảo cổ học và trong quyển Thời đại Hùng vương, Văn Tân và nhiều tác giả, tr. 28-29.
[32]Phạm Huy Thông, "Ba lần dựng nước", Học tập 21, số 237, (Tháng Chín 1975): tr. 63-72, 76

Nguồn: Trích ChÆ°Æ¡ng Ba, National Essence and the Family-State, Durham and London, Duke University Press, 2002