trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
14.2.2008
Marcus Gee
Những nhà độc tài chân đất sét
Nguyên Trường dịch
 
Những vụ lộn xộn ở Pakistan một lần nữa lật tẩy huyền thoại về hiệu quả của các chế độ độc tài.

Trong đáy sâu tâm hồn, ai cũng muốn có một nhà độc tài. Một người có thể sửa chữa tất cả những rắc rối mà các chính trị gia đã bày ra. Một người có thể trừng phạt tất cả bọn lừa đảo và trộm cắp. Một người có thể chấm dứt tất cả thủ tục quan liêu, phiền toái. Một Caesar. Một sa hoàng chân chính. Một kị sĩ trên lưng ngựa.

Ngay trong các xã hội dân chủ hiện đại người ta vẫn tỏ lòng thán phục hiệu quả của các lãnh tụ độc tài. Dưới thời Mussolini tàu hoả đã chạy đúng giờ, có phải thế không? Còn Hitler thì đã buộc người Đức làm việc. Có thể đấy là những tên quỉ dữ, chúng ta tự nhủ như thế, nhưng dưới quyền họ mọi việc đã chạy ro ro.

Vladimir Putin, dù có nhiều khiếm khuyết, đã xốc lại nước Nga một cách nhanh chóng, điều mà một người thích nhậu nhẹt như Boris Yeltsin chẳng bao giờ làm được. Hình như các lãnh tụ độc tài Trung Quốc đã xây được những con đường cao tốc chỉ trong một đêm trong khi những nhà dân chủ Ấn Độ mới chỉ bàn (bàn suốt) về việc xây dựng các con đường như thế.

Nhưng nếu nhìn vào sự kiện, ta sẽ thấy rằng những lời tuyên bố về hiệu quả của các lãnh tụ độc tài sẽ rụng như sung. Không những thế, phần lớn bọn họ còn là những kẻ phá hoại khủng khiếp.

Ông Pervez Musharraf của Pakistan đã nắm chặt quyền lực cho đến khi sa thải Chánh án Toà án Tối cao vào mùa xuân năm ngoái, một hành động ngạo mạn quá đáng đã khiến những người Pakistan vốn không thành kiến tức giận và khơi mào cho phong trào dân chủ, đưa đến sự trở về và sau đó là vụ ám sát bà Benazir Bhutto.

Saddam Hussein quỉ quyệt của Iraq hoá ra là một Thanh tra Clouseau [1] của các bạo chúa. Ông ta đã đẩy đất nước vào cuộc chiến vô nghĩa kéo dài đến tám năm với Iran, làm hàng triệu người thiệt mạng; rồi đưa quân xâm lược Kuwait để rồi bị các nước mà ông ta cho rằng sẽ không đứng về phía nạn nhân tống khứ, sau đó ông ta cố tình che giấu việc mình không có vũ khí giết người hàng loạt – nếu ông ta nói thật thì đã không có cuộc xâm lăng nhằm tước đoạt quyền lực của ông ta và cuối cùng tước đoạt luôn mạng sống của ông ta.

Các chế độ độc tài không chỉ thường xuyên mắc phải những sai lầm chết người – thí dụ như cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng hay cuộc tấn công Liên Xô của Hitler –, mà lãnh tụ của chúng còn không có khả năng thực hiện công việc lãnh đạo hàng ngày nữa. Dưới thời Mussolini tầu hoả có chạy đúng giờ hay không còn là vấn đề tranh cãi (một số nhà sử học cho rằng việc hiện đại hoá ngành đường sắt là công của các chính phủ dân chủ trước đó). Không nghi ngờ gì rằng đa phần những lời tuyên bố huênh hoang của ông ta về sự tiến bộ của nước Ý phát-xít chỉ là những lời nói khoác. “Trên thực tế, đằng sau màn hiện đại hoá và đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, hàng triệu người Ý vẫn sống trong cảnh khốn cùng của thời tiền sử, phần lớn các vấn đề căn bản của đất nước đã bị bỏ mặc, chẳng ai ngó ngàng tới”, Luigi Barzini, một nhà báo lớn sau này đã viết như thế.


Cả hữu lẫn tả đều vớ vẩn

Nước Đức của Hitler cũng chẳng khác gì. Đằng sau cái vẻ hiệu quả của giới quân nhân, là sự rối loạn của Đế chế Thứ ba. Hitler, một người rất coi thường bộ máy quan liêu, nhưng lại tin tưởng tuyệt đối vào ý chí cá nhân, đã gạt sang một bên bộ máy nhà nước và đưa những kẻ được ông ta sủng ái như Hermann Göring lên nắm các chức vụ quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Kết quả là một loạt các trung tâm quyền lực cạnh tranh với nhau xuất hiện và thường xuyên ngáng chân nhau. Nhìn bề ngoài thì đấy là một nhà nước có tổ chức tập quyền cao, dưới sự lãnh đạo của một lãnh tụ duy nhất, đầy quyền lực, nhưng trên thực tế lại là hình thức “vô chính phủ độc đoán”.

Đấy là một phần lí do vì sao nước Đức không thể xây dựng được một cơ cấu kinh tế hữu hiệu, đáp ứng được nhu cầu của một cuộc chiến tranh kéo dài. Trong khi đó, các nền dân chủ được coi là yếu kém và thiếu tổ chức như Anh và Mĩ lại tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả hơn, đủ sức bảo đảm cho một cuộc xung đột trường kì.

Các chế độ toàn trị theo đường lối tả khuynh cũng vụng về không kém, nếu không muốn nói là vụng về hơn. Liên Xô, trong những năm đầu tiên, có vẻ như là một thần kì kinh tế; nhiều nhà máy, đập thủy điện, kênh đào mới được xây dựng, đấy chính là bằng chứng về sự năng động của hệ thống, nơi tất cả các xí nghiệp đều làm theo kế hoạch và được nhà nước kiểm sóat. “Tôi đã nhìn thấy tương lai, nó đang hiện diện tại đây”, Lincoln Steffens, một nhà báo Mĩ đã thốt lên như thế trong một chuyến thăm nước Nga vào những năm 1920.

Nhưng không phải vậy. Khi bị sụp đổi dưới sức nặng của chính nó, hệ thống Xô-viết chỉ để lại những chiếc tàu chiến han gỉ, những công xưởng cũ nát, những ngôi nhà mốc meo và hàng núi chất phế thải độc hại.

Liên Xô là thần kì kinh tế nếu so với nước Trung Hoa của Mao, ông này đã dùng quần chúng để thực hiện những dự án quái gở, thí dụ như những lò luyện gang trong sân từng gia đình. Sự điên rồ đó từng là một phần của chiến dịch Đại Nhảy vọt, dẫn tới một trong những nạn đói kinh hoàng nhất do con người gây ra trong lịch sử hiện đại. Mao còn kêu gọi dân chúng tiêu diệt chim sẻ (được cho là có hại) bằng cách gõ vào nồi niêu, xoong chảo làm cho chim không dám đậu rồi mỏi quá mà lăn ra chết.


Vài ngoại lệ hiếm hoi

Dĩ nhiên là có một số phản thí dụ. Các nhà lãnh đạo quân sự Nam Hàn đã xây dựng được những nền tảng của một cường quốc kinh tế. Tướng Augusto Pinochet của Chile đã thực hiện thành công một chương trình cải cách kinh tế hướng thị trường tự do. Người đàn ông thép Lí Quang Diệu đã xây dựng được Singapore thành một trong những quốc gia được tổ chức hiệu quả nhất châu Á.

Nhưng thường thì chế độ độc tài bao giờ cũng dẫn đến sự trì trệ ảm đạm – thí dụ như Myanmar dưới quyền các quân nhân –, hoặc biến quốc gia thành một đoàn tàu hỏng – thí dụ như Zimbabwe dưới quyền Robert Mugabe – hay một trại tù nghiệt ngã – như Bắc Hàn của lãnh tụ Kim Jong Il. Thế giới Ảrập là thí dụ điển hình về sự thiếu hiệu quả của các lãnh tụ độc tài. Khu vực này cho đến nay vẫn được lãnh đạo bởi một nhúm các ông vua dầu hỏa, các tổng thống trọn đời và giới tăng lữ, và vẫn lẹt đẹt đi sau đa số các khu vực khác về giáo dục, sức mạnh kinh tế và nhiều chỉ tiêu khác.

Độc giả có thể cho rằng sau hơn một thế kỉ chiêm nghiệm sự bất cập về tổng thể, sự yếu kém và sự ngu dốt tuyệt đối thường xuyên của các bạo chúa cả phái tả lẫn phái hữu, thì chúng ta đã học được điều gì đó về bản chất của họ. Nhưng không, ảo tưởng vẫn cứ vững chắc như xưa. Mãi đến năm 1984, chính John Kenneth Galbraith, một nhà kinh tế học nổi tiếng, còn ca ngợi “cuộc sống hạnh phúc và ổn định của những người dân Nga bình thường”.

Huyền thoại về hiệu quả của chế độ độc tài còn sống đến tận hôm nay. Nhiều người Pakistan đã hân hoan chào đón Pervez Musharraf khi ông cướp được chính quyền vào năm 1999, mặc dù rõ ràng là các chế độ quân phiệt trước đây đã kìm hãm sự phát triển của đất nước này. Sau sự kiện mồng 9 tháng 11, Washington cũng vồ vập ông ta không kém. Nhiều người nghĩ rằng ông ta, với khả năng nói tiếng Anh lưu loát và bộ quân phục là phẳng, chính là người có thể lập lại trật tự trong cái đất nước đầy đau khổ này.

Nhiều người tin rằng Vladimir Putin cũng đang làm như thế với nước Nga. Nhưng trên thực tế, như hai khoa học gia Michael McFaul và Kathryn Stoner-Weiss viết trong số ra mới đây của tờ Foreign Affairs [2] , đấy cũng là huyền thoại. Nước Nga rơi vào cảnh hỗn loạn dưới thời Boris Yeltsin không phải vì nó trở thành nước dân chủ mà bởi nó phải hứng chịu hậu quả của việc chế độ cộng sản sụp đổ một cách bất thình lình. Sự phát triển kinh tế hiện nay chủ yếu là do giá dầu tăng chứ không phải là do hiệu quả của “chủ nghĩa Putin”. Dưới thời Putin các chỉ số về khả năng cạnh tranh và điều kiện kinh doanh đều giảm, trong khi mức độ tham nhũng lại gia tăng.

Chúng ta cũng có ảo tưởng tương tự như thế đối với Trung Quốc. Với hàng loạt nhà máy vừa mới xây dựng và những ngôi nhà chọc trời, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trở thành hiện tượng thần kì thời hiện đại và là minh chứng hùng hồn rằng chế độ độc tài cùng với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có thể sản xuất được đủ loại hàng hóa mà vẫn tránh được tình trạng lộn xộn và ồn ào của chế độ dân chủ. Nhưng chúng ta lại thường bỏ qua nhiều vấn đề nội bộ của đất nước này, từ chuyện lao động du cư, nạn ô nhiễm bất khả kiềm chế cho đến cảnh bần hàn dai dẳng ở các vùng thôn quê. Mỗi ngày ở Trung Quốc đều có khoảng 200 vụ phản đối về đủ mọi lĩnh vực, từ việc bị chiếm đất bất hợp pháp cho đến việc không được trả lương.

Chính phủ Trung Quốc do các nhà kĩ trị và quan chức của Đảng cầm đầu rất thiếu kiến thức trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp của một nhà nước hiện đại. Khi dịch SARS bắt đầu tấn công thì phản ứng đầu tiên của họ là che giấu. Khi bùng nổ vụ tai tiếng về đồ chơi có chứa chất độc hại thì họ lập tức đưa ra những lời kết tội phương Tây là cố tình bôi nhọ thanh danh của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước những vụ khủng hoảng nghiêm trọng hơn, thí dụ suy thoái kinh tế hay xung đột với Đài Loan? Chỉ có trời mới biết. Susan Shirk, một cựu quan chức trong chính quyền Clinton, trong cuốn sách mới đây đã gọi Trung Quốc là Siêu cường Dễ vỡ.


Dân chủ tự ngờ vực chính mình

Chế độ độc tài ổn định là một lời tuyên bố cũng thiếu căn cứ hệt như tuyên bố rằng đấy là chế độ hoạt động có hiệu quả vậy.

Trong mấy chục năm qua, các chính phủ dân chủ đã từng ủng hộ không biết bao nhiêu lần những kẻ độc tài vì cho rằng mặc dù đấy là những kẻ dã man và tham nhũng nhưng họ có thể ngăn chặn được các cuộc cách mạng cũng như tình trạng vô chính phủ.

Đây là một ngộ nhận. Không có các thiết chế độc lập và hệ thống luật pháp làm chỗ dựa cho một chính phủ ổn định, không có kế hoạch cho việc chuyển giao quyền lực thường kì, các chế độ độc tài thường vững chắc như một cái vỏ lạc, rất cứng nếu không bị bóp vỡ.

Chế độ được phương Tây ủng hộ của Suharto ở Indonesia từng có vẻ như là một hình mẫu về sự phát triển ổn định cho đến khi nó sụp đổ trước các vụ bạo động của dân chúng vào cuối những năm 1990.

Tại sao chúng ta lại tiếp tục tin vào hiệu quả của các chế độ độc tài mặc dù tất cả các chứng cớ đều chứng minh ngược lại.

Lí do trước hết là sự thiếu niềm tin vào hệ thống quản lí của chính chúng ta. Chế độ dân chủ đã làm cho hàng trăm triệu người được sống trong tự do, an toàn và thịnh vượng chưa từng có. Thế mà nhiều người đang sống trong chế độ dân chủ vẫn không tin chuyện đó.

Càng ngày càng có nhiều người cho rằng tất cả những kẻ làm chính trị đều là một lũ bất lương hoặc ngu dốt, còn chính trị là một trò bẩn thỉu chỉ cốt kiếm tiền. Càng ngày càng ít người, đặc biệt là giới trẻ, chịu bỏ công đến hòm phiếu.

Ý tưởng về việc xuất khẩu dân chủ sang các nước khác đã gặp thất bại hoàn toàn ở Iraq, còn những người ủng hộ ý tưởng này thì bị coi là những kẻ mộng mơ khờ dại hoặc những môn đồ thiển cận của chủ nghĩa đế quốc mới.

Nếu người Nga thích bàn tay cứng rắn của Putin thì hà cớ gì ta phải làm họ thất vọng? Tại sao các nước khác lại không chọn một chính phủ mạnh, thậm chí là độc tài mà lại chọn chính phủ với hàng loạt những vụ thỏa hiệp và các “gánh xiếc” của chế độ dân chủ hiện đại?

Câu trả lời thật là ngược đời: các gánh xiếc hoạt động tốt. Mặc dù với vẻ bề ngoài lộn xộn, dân chủ là hình thức chính phủ hiệu quả hơn hẳn chính quyền của những kẻ độc tài.

Fareed Zakaria, biên tập viên của tờ Newsweek International, viết trong tác phẩm The Future of Democracy vừa mới xuất bản của ông rằng “chính phủ mạnh khác hẳn với chính phủ hiệu quả, trên thực tế đấy có thể là hai hiện tượng trái ngược nhau”.

Mất liên hệ với quần chúng, các lãnh tụ độc tài thường không nhìn thấy các khó khăn đã lấp ló ngay trên bề mặt. Ngược lại, chế độ dân chủ có thể lường trước được vấn đề và thành lập ra các kiên minh để giải quyết.

Nói một cách ngắn gọn, dân chủ hiệu quả hơn.

Có thể nhiều người trong các nước dân chủ cho rằng đây là một điều đáng ngờ. Nếu họ tin vào dân chủ thì đấy chủ yếu là vấn đề đạo đức chứ không phải là hiệu quả. Họ cho rằng dân chủ có thể là công chính hơn, trung thực hơn, nhưng hiệu quả? Chắc chắn là không rồi.

Sử sách đã chứng thực như vậy. Tin hay không là tuỳ: chính thể chế dân chủ – chứ không phải chế độ độc tài – đang làm cho tầu hỏa chạy đúng giờ hơn.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Thanh tra Clouseau: nhân vật trong phim Pink Panther (Người dịch)
[2]Michael McFaul and Kathryn Stoner-Weiss, “The Myth of the Authoritarian Model”, Foreign Affairs, January/February 2008. (Người dịch)
Nguồn: “Those Stumbling Strongmen”, Saturday’s Globe and Mail, January 19, 2008