trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
14.2.2008
Ban Mai
Trịnh Công Sơn, người tình của cuộc sống
 1   2 
 
Tạ ơn đời, tạ ơn tình yêu là một trong những đặc điểm nổi bật trong ca từ Trịnh Công Sơn. Tình yêu ở Trịnh Công Sơn là tình yêu không hạnh phúc. Hầu hết trong những tình ca của ông là những bức tranh mang tên: tình phụ, tình sầu, tình xa, tình xót xa vừa, tình nhớ, tình vơi… Hạnh phúc có chăng, chỉ đong bằng những mảnh vụn và những mảnh vụn… cũng sẽ chìm trôi. [1]

Trong đời người, ai chẳng từng yêu và được yêu… và tránh sao khỏi những cuộc tình tan vỡ. Thế giới tình yêu của Trịnh Công Sơn là một đóng góp thành công trong việc phát hiện và biểu hiện những ngôn ngữ tình yêu sâu kín, thể hiện mọi cung bậc tình cảm, nhớ thương, tương tư, mong chờ, giận hờn, trách móc, xót xa, biệt ly, thất tình, tình phụ… Điều đó làm nên tính chân thật, đa dạng trong các ca từ của ông. Lạc vào thế giới tình ca của ông, mỗi người đều bắt gặp thân phận tình yêu của mình.

Trong bài “Biển nhớ”, viết về mối tình với cô Tôn Nữ Bích Khê, người Nha Trang, một bạn học cùng lớp thời Sư Phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn nói lên nỗi chờ mong, da diết:

Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê
Gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ
Nghe buồn nhịp chân bơ vơ…

Chỉ trong một bài Biển nhớ, mà chúng ta bắt gặp đến 2 từ chờ, 3 từ nhớ, 6 từ buồn, 6 từ gọi. Có lẽ chưa có một bản tình ca nào mà nỗi nhớ cồn cào, mãnh liệt đến thế.

Nguyễn Bính cũng từng thương nhớ người yêu khắc khoải qua bài “Tương tư” nổi tiếng:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Xuân Diệu cũng không kém phần mãnh liệt trong bài “Tương tư, chiều”:

Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!

Yêu là bắt đầu chuốc lấy tương tư, nhớ mong, khắc khoải đợi chờ. Trong tình ca của Trịnh Công Sơn, chúng ta hay bắt gặp những mối tình dang dở, tan vỡ:

Ngày tháng nào đã ra đi
Khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã ra khơi
Ta còn mãi nơi đây
(“Tình xa”)

Xin vỗ tay cho đều
Khi đêm đổ xuống đời ta
Xin vỗ tay cho đều
Khi tình trôi đã trôi xa
(“Tình xót xa vừa”)

Tình ngỡ đã quên đi
Như lòng cố lạnh lùng
Người ngỡ đã xa xăm
Bỗng về quá thênh thang
(“Tình nhớ”

Trong thơ Nguyễn Bính cũng hay nói đến mối tình đơn phương, một phía, yêu nhưng lại bị hững hờ:

Tâm hồn tôi là một bình rượu nhỏ
Rót lần lần giọt mãi xuống nàng Oanh
Không xua tay nàng vẫn cứ vô tình
Hắt ly rượu hồn tôi qua cửa sổ
(“Tựa đề một thiên tình sử”)

Với Hàn Mặc Tử lại là tiếng kêu thống khổ của tình yêu tan vỡ:

Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi: một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ?
(“Những giọt lệ”)

Tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn buồn, đau một cách lặng lẽ. Ông kể lể, thì thầm như tự an ủi chính mình. Không quằn quại, tuyệt vọng như Hàn Mặc Tử, không mặc cảm như Nguyễn Bính, không vội vã cuống quýt như Xuân Diệu. “Vì tình yêu của Trịnh Công Sơn là chiếc bóng lung linh, thấp thoáng, chập chờn: “tình không xa nhưng không thật gần…” (“Như một lời chia tay”), thoắt ẩn thoắt hiện: “rộn ràng nhưng biến nhanh…” (“Tình sầu”). Những mối tình “không hẹn mà đến, không chờ mà đi” (“Bốn mùa thay lá”), nghĩa là chẳng có hẹn hò, thề thốt, ràng buộc gì nhau. Tất cả chỉ là tình cờ: “Ta gặp tình cờ như là cơn gió (“Hoa vàng mấy độ”), “coi như phút ấy tình cờ” (“Nguyệt ca”). [2]

Trong “Thủ bút Trịnh Công Sơn” có viết: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. [3] Điều ông nói quả thật đúng; hơn thế nữa, khi lắng nghe một bản tình ca cũng là khi “lắng nghe im lặng cuộc tình” (“Tôi đang lắng nghe”).

Theo Lê Hữu, thực ra, Trịnh Công Sơn thích nói về tình phụ hơn là tình yêu, vì ông nghĩ hầu như ai đến với ông cũng chỉ chực chờ phụ rẫy ông vậy. “Cái may ở đời là được yêu và đôi khi cái may ở đời là bị phụ tình”, ông nói thế. Và những tình phụ, phụ tình vẫn trải đầy trong những ca từ của ông. [4]

Ru em phụ rẫy trong ta…
Yêu em, yêu thêm tình phụ…
(“Ru em”)

Em phụ tôi một thời bé dại…
Trả nợ một đời em đã phụ tôi…
(“Xin trả nợ người”)

Trịnh Công Sơn cũng viết về duyên và nợ, những món nợ tình chẳng bao giờ thanh toán nổi:

Trả nợ một đời không hết tình đâu
(“Xin trả nợ người”)

Trong những tình khúc Trịnh Công Sơn, tình yêu vừa là mật ngọt, vừa là mật đắng:

Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi.
Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời…
(“Lặng lẽ nơi này”)

Tại sao lại như vậy? Trịnh Công Sơn không có lời giải thích, chỉ nghe ông nói: “Con người không thể sống mà không yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc, con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại”. [5]

Những chuyện tình ông viết thường là những chuyện tình lặng lẽ, không sóng gió, không sôi nổi, nhưng không phải là không đắm say, nồng nàn:

Tôi xin làm cây xa, đứng nhìn em rực rỡ
Tôi xin làm nụ cười, chờ em giữa đôi môi
Tôi xin làm mộng nhỏ, em vừa giấc ngủ say...
(“Vì tôi cần thấy em yêu đời”)

Trịnh Công Sơn mơ ước làm giấc mộng để ru em vào giấc ngủ say. Còn Huy Cận lại mơ ước hầu quạt cho em ngủ:

Nắng chia nửa bãi: chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi! Hãy ngủ… anh hầu quạt đây.
(“Ngậm ngùi” – Huy Cận)

Ru người yêu ngủ ai mà chẳng trìu mến, nhưng đến mức nhẹ nhàng, trân trọng như Huy Cận thì có lẽ không nhiều. “Mở lòng cùng quạt, và thả trăm con chim mộng quấn quýt quanh giường em nằm là một hình ảnh đẹp nên thơ và lãng mạn ít thấy trong thơ ca Việt Nam”. [6]

Nhưng phải đến Trịnh Công Sơn, hình ảnh trong thơ tình Việt Nam mới diễm ảo và bước sang một bước ngoặt mới – bắt đầu từ tình khúc “Diễm xưa” – mối tình đầu của Trịnh Công Sơn với âm nhạc Việt Nam. Trịnh Công Sơn nói: “Tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, khói sương, hoàn toàn không có gì cụ thể. “Diễm xưa” cũng là một loại tình yêu như vậy.” [7]

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…
(“Diễm xưa”)

Bích Diễm của “Diễm xưa”
Bích Diễm của “Diễm xưa”
Kể từ “Diễm xưa”, “kể từ Trịnh Công Sơn trở đi, các tình khúc đã đổi khác rất nhiều, và nền tân nhạc phải cảm tạ ông về sự khai phá đó”. Nữ ca sĩ Quỳnh Giao đã có lời nhận định như vậy. [8]

Trước “Diễm xưa” làm gì có những “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, “làm sao em biết bia đá không đau?” Tình yêu phả hơi thở, truyền cảm xúc đến cả những vật thể vô tri, vô giác. Bằng những ca từ như vậy, Trịnh Công Sơn đã vẽ ra những khuôn mặt tình yêu hoàn toàn khác lạ, không hình dung nổi khuôn mặt ấy ra sao, có hay không, thực hay ảo?

Đọc ca khúc “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn, tôi chợt liên tưởng đến một nhạc phẩm cũng rất nổi tiếng của Phạm Duy “Ngày xưa Hoàng Thị” phổ thơ của Phạm Thiên Thư. Bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư kể về mối tình của nhà thơ với cô Hoàng Thị Ngọ, một bạn học cùng lớp, ở gần nhà ông. Bài thơ cũng có hình ảnh thiếu nữ vai gầy, tóc dài bay, áo trắng tinh khiết ôm cặp đến trường, đi dưới hàng mưa. Nhưng ở đây là Sài Gòn không phải Huế, nên nàng không đi dưới hàng cây long não lá li ti, mà đi dưới cội hoa vàng.

Em tan trường về / Đường mưa nho nhỏ / Chim non giấu mỏ / Dưới cội hoa vàng / Bước em thênh thang / Áo tà nguyệt bạch / Ôm nghiêng cặp sách / Vai nhỏ tóc dài / Anh đi theo hoài / Gót giày thầm lặng / Đường chiều úa nắng / Mưa nhẹ bâng khuâng… / Phố ơi? Muôn thuở / Giữ vết chân tình / Tìm xưa quẩn quanh / Ai mang bụi đỏ / Dáng ai nho nhỏ / Trong cõi xa vời / Tình ơi?... Tình ơi?...

(“Ngày xưa Hoàng Thị”thơ Phạm Thiên Thư – Phạm Duy phổ nhạc) [9]

Có lẽ tình yêu ở Trịnh Công Sơn và Phạm Thiên Thư thời ấy là một thứ tình yêu hương hoa, lãng đãng, xa cách. Hằng ngày các chàng trai chỉ có thể dõi mắt ngóng em đi học về dưới hàng mưa, hay dạn dĩ hơn lặng lẽ đi sau em để ngắm nhìn là lòng đã thấy hạnh phúc. Trịnh Công Sơn trả lời phỏng vấn: “Ngày xưa, dường như cả thế hệ tôi là như vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui”. [10]

Nói như Bửu Ý: “Tình yêu thời ấy, chỉ rộn ràng bề mặt, như viên đá trong cốc, như hòn đá ném xuống ao. Lanh canh một lát, gợn sóng một hồi, rồi đâu lại vào đó, lấy lặng lẽ làm vốn liếng, uống tình lắng xuống, trả em vào đời và “tôi thu bóng tôi”. Loại tình yêu này không còn tồn tại, chỉ còn lẩn lút trên những trang giấy đã ngả vàng. Ngày nay tình yêu đã thay đổi chủ trương rồi thì phải: chớp nhoáng, trao đổi, chiếm đoạt…, cho nên tình yêu theo lối Trịnh Công Sơn đem lại một hương vị xa xôi làm mềm cả trái tim sắt đá nhất, và ai nấy ngưỡng vọng như một bái vật đặt trên đài cao để cho tưởng tượng vươn tới”. [11]

Thời đại ngày nay, những cuộc tình đầy nhục cảm, thoáng qua có lẽ đang “lên ngôi”, vì vậy tình yêu trong sáng, chung thủy, nghĩa vợ chồng trở nên quý hiếm. Trong văn chương xưa đã hiếm, nay càng hiếm hơn. Làm sao tìm được những vần thơ như:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
(Bài thơ Vua Tự Đức khóc nàng Bằng Phi) [12]

Thế nhưng, trong muôn vàn tình yêu lãng đãng, khói sương của Trịnh Công Sơn, thật thú vị khi chúng ta bất ngờ bắt gặp một tình yêu thiêng liêng ở “Hạ trắng”:

Đời xin có nhau
Dài cho mãi sau
Nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau

Tự Đức muốn đập cổ kính ra tìm lấy bóng nàng Bằng Phi, xếp manh áo cũ để lưu giữ chút hương thừa của người vợ xưa, còn Trịnh Công Sơn lại mong ước có một tình yêu bền lâu cho đến bạc đầu, để ca ngợi nghĩa vợ chồng keo sơn, gắn bó. [13]


*

Đối tượng chính trong tình yêu - người nữ, xuất hiện khá nhiều trong ca từ Trịnh Công Sơn. Em thường là những thiếu nữ buồn, yếu ớt, xanh xao, có vóc dáng mảnh mai, mong manh, vai gầy guộc, tóc xoã bay ngang trời… mờ mờ, ảo ảo như một bức tranh phi thực (irréel).

Em có vẻ tiểu thư khuê các:

Tìm em tôi tìm
Mình hạc xương mai…
Nụ cười mong manh
Một hồn yếu đuối…
(“Đóa hoa vô thường”)

Gọi nắng, trên vai em gầy đường xa áo bay…
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai…
(“Hạ trắng”)

Nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em…
Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi
(“Như cánh vạc bay”)

Với ông, cái đẹp của người con gái là cái đẹp mong manh, thanh thoát: với gót sen hồng, miệng ngọt hạt từ tâm, ngón xuân nồng, đôi môi lửa cháy, mi cong cỏ mượt, tay xanh ngà ngọc, da thơm quả ngọt, môi hồng đào

Có lẽ các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Văn Cao đôi khi có chung một “goût” về kiểu người đẹp như Trịnh Công Sơn.

Hãy nghe Văn Cao viết về người tình tưởng tượng của ông: gót hài khai hoa; mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương… (“Cung đàn xưa”) Và Phạm Duy tả người tình thực của mình với gót hoa, em thướt tha, mây tóc ngà, đường thơm bóng gầy… (“Đường em đi”)

“Trước hết, với Trịnh Công Sơn, Em là người mà “một ngày tình cờ biết em, là ngày lạ lùng nhất trần gian”. Em là “hoa lá giữa thiên nhiên hiền hoà”. Em là người mà ông muốn “yêu em thật thà”. Ông “xin năm ngón tay em thiên thần” và “ru em ngồi yên nhé” để ông “tìm cuộc tình cho”. Chính vì thế mà “Tôi đã yêu em bao ngày nắng, tôi đã yêu em bao ngày mưa”. Nhưng bất hạnh thay, trong tình yêu “đã có nghìn trùng trên môi người tình, đã giấu nụ tàn bên trong nụ hồng, có chớm lạnh lùng trên môi nồng nàn”. [14]

Như có lần Đặng Tiến đã để ý, người phụ nữ Việt Nam trong ca khúc Việt Nam, thơ ca Việt Nam thường là những phụ nữ ẩn nhẫn, thụ động: biến thành tượng đá, ngồi đan áo, ôm đàn, hay đi hái hoa, hái mơ, gánh thóc, dệt lụa:

Từ những phụ nữ trong ca khúc tiền chiến:
  • Người biến thành tượng đá ôm con… (“Hòn vọng phu I”- Lê Thương)
  • Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ… (“Dư âm” - Nguyễn Văn Tý)
  • Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân… (“Mơ hoa” - Hoàng Giác)
Đến những phụ nữ trong Thơ Mới:

- Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
("Mưa xuân" - Nguyễn Bính)

- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
(“Mùa xuân chín” - Hàn Mặc Tử)

- Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
Say người như rượu tối tân hôn
(“Huyền diệu” - Xuân Diệu)

Trong khi đó, người phụ nữ trong ca từ của Trịnh Công Sơn không thấy gảy đàn, đan áo, gánh thóc hay dệt lụa gì cả. Mà chỉ… khi nghiêng vai, khi nghiêng sầu (“Mưa hồng”), khi tung tăng dưới hàng me (“Tuổi đời mênh mông”), lúc đứng lên gọi mưa vào hạ (“Gọi tên bốn mùa”), khi lại cười khúc khích trên lưng (“Quỳnh hương”)…

Và nhà phê bình Đặng Tiến còn nhận xét: “Người phụ nữ trong Trịnh Công Sơn đẹp dung dị và tự do bình thường. Tự do với cuộc đời, với tình yêu. Trong xã hội Việt Nam, cho đến hôm nay, chưa chắc gì người phụ nữ đã được giải phóng và được tôn trọng đúng mức.” [15] Trong ca khúc Trịnh Công Sơn, họ được giải phóng và tôn trọng. Tôn trọng người phụ nữ, trân trọng và nâng niu họ rất hồn nhiên và chân thành: ông sẵn sàng làm viên đá cuội để lăn theo gót hài của nàng. Và vì nâng niu và trân trọng phụ nữ như vậy, nên Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ viết lời ru nhiều nhất về tình ca trong đó không ít dành cho phụ nữ: Ru tình, Rơi lệ ru người, Ru đời đã mất, Ru đời đi nhé, Ru em, Ru em từng ngón xuân nồng, Ru ta ngậm ngùi… Những lời ru ông viết, ảnh hưởng rất nhiều nơi người mẹ của ông. Chính những bài ru của mẹ mà ông được nghe, tiếp tục theo ông mãi trên những đoạn đường dài nhất. Trong bài “Tình yêu tìm thấy”, chúng ta nghe được bài hát ru ấy:

Tiếng ru mẹ hát những năm xưa
Mãi là lời ca dao bốn mùa
Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá
Góc phố nào cũng thấy quê nhà…

Bùi Bảo Trúc cho rằng, những bài hát ru của người mẹ là những vỗ về, là những dỗ dành, là những an ủi, là những vuốt ve đầu tiên của đứa bé. Vòng tay thơm, giọng hát ấm áp của mẹ sẽ đem lại cảm giác an toàn cho con người trước khi bị đẩy ra thế giới hung bạo bên ngoài. Trịnh Công Sơn đã tìm thấy trong những bài hát ru ấy chốn trú ẩn bình yên. [16] Đó là lý do ông viết rất nhiều ru khúc trong quá trình sáng tác của ông.

Ông Ru tình: Ru em đầu cơn gió, em hong tóc bên hồ / Khi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quá / Ru em ngồi yên đấy, ru tình à…ơi. Ông Ru đời đã mất: Ta biết em đêm đêm chờ đợi tiếng hát / Ta biết em đêm đêm ru đời đã mất. Ông Ru em từng ngón xuân nồng: Ru mãi ngàn năm / Vừa má em hồng / Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son… Ông ru người yêu ngủ trong những sớm mùa đông, những sớm mùa xuân, ông ru mãi, ru hoài. Ru những tháng âm u, ru những chia xa, những phụ rẫy, ngọt bùi. Những ru khúc của ông đã đem lại những an ủi, vỗ về cho nhiều thế hệ. Nhưng trên hết là ông tự ru chính mình. Những lời ru an ủi, vỗ về kiếp sống của mình, cuộc tình của mình.

Có lần nhà báo Diễm Chi phỏng vấn: “Ông có rất nhiều những bài hát ru… Trong thực tế, có phải ông đã từng ru rất nhiều phụ nữ ngủ?”. Trịnh Công Sơn trả lời: “Ru như thế không phải là ru em mà thực chất là tôi tự ru tôi, tự ru để thanh lọc tâm hồn không vương một chút oán hờn nào, cho dù bị phụ rẫy.” [17]


*

Vượt qua tự tình dân tộc, vượt qua tình yêu riêng tư để đến với tình người là đỉnh cao nhất của âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Anh Ngọc từng nhận định: “Định mệnh đã bắt anh phải yêu thương. Định mệnh lại trao vào tay anh cây đàn và chiếc bút. Và thế là chúng ta có Trịnh Công Sơn, chúng ta có nhạc Trịnh. Con người ấy sinh ra để mà yêu và từ yêu thương lại sinh ra tất cả.… Trước những xấu xa, tăm tối của đồng loại, con người này không tự đứng ngoài hay đứng cao hơn tất cả – có phải vì trong bản chất của nghệ thuật chân chính vốn đã mang thiên lương của con người, thứ thiên lương cao quý của phẩm chất Chúa Trời. Xin hãy nghe:

Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn
(“Hát trên những xác người”)

Anh đã đi qua chiến tranh với cái thiên lương như thế. Tôi không biết như vậy là đúng hay sai, chỉ thấy hễ nghe là muốn khóc. Và dù có ai đó nói là đúng hay sai thì tôi cũng chưa thấy một người nào ghét bỏ hay chí ít là lườm nguýt gì anh. Ai có thể ghét bỏ một trái tim đang rỏ máu – nó đang rỏ máu vì chính các người đấy, hỡi con người”. [18] Nhà thơ Anh Ngọc, một đại tá trong quân đội miền Bắc, chỉ biết Trịnh Công Sơn sau năm 1975 mà đã cảm nhận được tình yêu người ấy. Thật đáng trân trọng. Quả chỉ có nhạc Trịnh Công Sơn mới giúp con người đến gần với nhau, vượt qua những hệ luỵ đời thường, vượt qua những tư tưởng trái ngược trên hai chiến tuyến, nhập vào một dòng chảy nhân ái như vậy.

Tình người của Trịnh Công Sơn thể hiện bàng bạc trong những tình khúc viết về quê hương, đất nước với hình ảnh người mẹ, người em. Cái gốc yêu thương của ông là yêu từng con người cụ thể: bé nhỏ, mong manh, nhọc nhằn… trên cơ sở đó mới yêu thương mọi người.

Từ ca khúc đầu tiên “Ướt mi” viết về giọt nước mắt của một nữ sinh phải đi hát phòng trà để đem tiền về nuôi mẹ bị bệnh lao nặng. Giọt nước mắt thuần khiết ấy đã làm bật lên trong ông niềm cảm thông, đau xót. Là nguồn cảm hứng để ông viết những sáng tác đầu đời. Lòng yêu người ở ông đã bắt đầu xuất hiện từ những ca khúc đầu tiên ấy. Và tình người ấy, nó sẽ trải dài, trải dài theo ông suốt cuộc đời.

Ngoài hiên mưa rơi rơi
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi
(“Ướt mi”)

Cũng như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy cũng có một ca khúc viết về giọt nước mắt rơi, nhưng là giọt nước mắt rơi cho cuộc tình đôi lứa:

Nước mắt rơi cho tình ra đời
Nước mắt theo duyên về xa vời
(“Nước mắt rơi” - Phạm Duy)

Cùng là giọt nước mắt, nhưng có lẽ chúng ta sẽ dễ cảm thấu giọt nước mắt thương mẹ của cô gái hơn là giọt nước mắt khóc thương cho cuộc tình.

Phạm Duy cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng với những ca từ đẹp viết về quê hương, đất nước. Ca khúc Bà mẹ quê là ca khúc tiêu biểu cho dòng nhạc quê hương ấy. Bà mẹ quê ca ngợi lòng hy sinh, chí kiên nhẫn của người mẹ Việt Nam trong lao động:

…Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều, nắng nhiều thì phơi lúa ra
Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê! Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui…
("Bà mẹ quê" - Phạm Duy)

Và người Mẹ của Trịnh Công Sơn cũng kiên cường, hy sinh như người Mẹ của Phạm Duy nhưng là kiên cường, hy sinh che chở con trong chiến tranh:

Mẹ lội qua con suối
Dưới mưa bom không ngại
Mẹ nhẹ nhàng đưa lối
Tiễn con qua núi đồi
Mẹ chìm trong đêm tối
Gió mưa tóc che lối con đi
(“Huyền thoại mẹ”) [19]

Với tôi, "Huyền thoại mẹ” là một trong những ca khúc có giai điệu đẹp và sâu lắng, nói lên lòng mẹ cao cả của người mẹ Việt Nam.

Yêu thương các bà mẹ, Trịnh Công Sơn còn yêu thương các cô gái thanh niên xung phong, lao động trên nông trường rồi hy sinh ở biên giới Tây Nam:

Trên nông trường không xa lắm
Có đôi chân đi không ngại ngần
Em bây giờ quen mưa nắng
Gánh trên vai vấn vương bụi hồng…
("Em ở nông trường em ra biên giới") [20]

Có lúc ông lại vui đùa cùng các em thơ:

Em sẽ là mùa xuân của mẹ
Em sẽ là màu nắng của cha
Em đến trường học bao điều lạ
Môi mỉm cười là những nụ hoa
("Em là hoa hồng nhỏ")

Tính nhân bản của Trịnh Công Sơn chính là ở đây, ông ca ngợi, yêu thương từng con người bình thường, nhỏ bé. Và từ đó yêu thương mọi người, yêu thương nhân loại. Ông yêu người, yêu đời vì biết kiếp người là bể khổ, cuộc đời thì ngắn ngủi. Ông kêu gọi con người hãy ngồi lại gần nhau: “Lại gần, gần lại với nhau. Ngồi gần nhau hơn. Ngồi kề bên nhau”. Để làm gì? Để “Mơ một ngày Hồng Hà góp Hội Trùng Dương”, để “Mong tìm lại một giấc ngủ bình yên”. ("Lại gần với nhau").

Ông mời gọi mọi người Hãy yêu nhau đi:

Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi dòng nước đã trôi xa…
Hãy trao cho nhau muôn ngày yêu dấu
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau…
Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
Dù mai nơi này người có xa người…

Đây là lời thần chú mở cửa địa đàng. Đây mới thật là tình yêu cứu rỗi. Yêu trong một tình yêu rộng lớn, chung cùng. [21] Trịnh Công Sơn, với quan niệm sống:

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
("Để gió cuốn đi")

Chính đó là cái tâm, cái tâm thì không tìm kiếm cái gì cho mình. “Cái tâm” chỉ giống như tấm chiếu, để trải ra cho thiên hạ ngồi lên. Trong đạo làm người, đức hy sinh là đức tính cao quý vô cùng, hiến dâng mà không cần đền đáp, đó là sự cao thượng nhất của đức hy sinh. [22]

Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: Lòng nhân ái nhu mì và sự bao dung không mặc cả là cốt cách nghệ sĩ hằng có ở Trịnh Công Sơn. Ông cũng viết: Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người, có nghĩa ông biết chấp nhận sự đau khổ của đời sống.

Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
("Ở trọ")

Và dù cuộc đời chỉ là cõi tạm, ông vẫn phải sống, phải yêu thương, phải hy vọng ước ao: Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ. Quả thật cuộc đời chẳng được bao lâu, trái tim ông đã không bao giờ hờ hững với cuộc đời, ông đã vắt kiệt tình yêu trong trái tim cho cuộc sống, cho những thân phận khổ đau. Chính vì hiểu rõ đất nước cần một trái tim nên ông đã dâng hiến trọn trái tim mình cho đất nước, ông viết:

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi…
("Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui")

Như thế thì chúng ta còn muốn điều gì hơn nữa. Người nghệ sĩ đã rút hết tâm trí mình để nhắn gửi những lời “nhỏ máu” đó. Một trái tim tràn ngập tình yêu người. Và có lẽ không ai hiểu rõ ông bằng Khánh Ly - người bạn tri kỷ đời ông: “Từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân. Tôi đã sống cùng tên tuổi của ông gần 40 năm, với những lời ông dặn bảo: Phải luôn luôn sống giữa đời với một tấm lòng và sống với người bằng sự tử tế.” [23]

Nói như đại thi hào Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, và cụ Đào Duy Anh khái quát tư tưởng của Trịnh Công Sơn đã hạ một câu chí tình “Cái anh Trịnh Công Sơn này lạ thật, anh ta muốn ôm hết những mâu thuẫn và khát vọng của đất nước vào mình”. [24]

Thật vậy, với thân thể hao gầy và trái tim ốm yếu, Trịnh Công Sơn đã phải đương đầu với bao giằng xé của lịch sử. Mặc người đời phán xét, với tôi, những ca khúc thấm đẫm tình người, ca ngợi cuộc sống của Trịnh Công Sơn vẫn luôn có giá trị trong dòng văn hoá Việt Nam.

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim
(“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”)

Việt Nam
12/2005

(Ghi chú: Bài viết này đã in trên tạp chí Văn Học số 232, tháng 7&8/2006, California, Hoa Kỳ, tác giả trích đăng một phần, có sửa chữa và bổ sung tháng 2/2008.)

© 2008 talawas



[1]Bửu Ý (2004), Một nhạc sĩ thiên tài, NXB Trẻ.
[2]Lê Hữu, "Ảo giác Trịnh Công Sơn", nguồn http://www.tcs-home.org
[3]Trịnh Công Sơn (1995), Tuyển tập những bài ca không năm tháng, NXB Âm nhạc.
[4]Lê Hữu, bđd.
[5]Trịnh Công Sơn. "Đành vậy với tình yêu", đăng trên báo Đại Đoàn Kết. Nguồn: http://www.suutap.com
[6]Lê Bá Hán (chủ biên), Lê Quang Hưng, Chu Văn Sơn (2003), Tinh hoa Thơ Mới thẩm bình và suy ngẫm, NXB Gíao dục.
[7]Phỏng vấn Trịnh Công Sơn: "Trịnh Công Sơn một cõi riêng thuần khiết cùng cuộc đời". Nguồn Sài Gòn Giải phóng đăng trên mạng http://suutap.com
[8]Tạp chí Văn Học (2001), Chuyên đề đặc biệt về Trịnh Công Sơn, tháng 10&11/2001, California, Hoa Kỳ (tr. 205).
[9]Trọng Thịnh (2005), "Phạm Thiên Thư và ‘Ngày xưa Hoàng thị”, theo báo điện tử Tiền phong 27/11/2005.
[10]Phỏng vấn Trịnh Công Sơn, bđd.
[11]Bửu Ý (2004), Một nhạc sĩ thiên tài, NXB Trẻ (tr 66).
[12]Theo Đặng Tiến: “… đây không phải là thơ Tự Đức mà là thơ Nguyễn Gia Thiều. Từ điển văn học, nhà xuất bản Thế Giới, 2004, cũng ghi nhầm, tôi đã có bài góp ý, đăng ở nhiều báo, trong và ngoài nước, không nghe ai cải chính. Nay xin nhắc lại. Bài thơ nôm "Khóc Thị Bằng" không phải của Tự Đức. Ngô Tất Tố đã chứng minh điều này từ năm 1941, trong cuốn Thi văn bình chú, Lê Mạc Tây Sơn, in lại lần thứ ba, Sài Gòn, 1957, trang 91. Những tuyển tập, toàn tập Ngô Tất Tố xuất bản gần đây không nhắc gì đến cuốn Thi văn bình chú này. Ngoài ra, (dường như) Trần Danh Án (1754-1794) có dịch bài thơ nôm của Nguyễn Gia Thiều ra chữ Hán. Hai câu trên :
Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh
Tùng phong khâm thử hộ dư hương
Sở dĩ có sự gán ghép là vì (dường như) Tự Đức thường ưa sửa thơ thiên hạ, khi nhuận sắc có sửa hai chữ mảnh gương thành cổ kính và manh áo thành tàn y, rồi xếp vào hồ sơ của mình, nên Dương Quảng Hàm mới nhầm ra thơ Tự Đức và trong giáo trình văn học đã ghi là của Dực Tông, rồi người sau cứ truyền tụng như thế. Ngoài Ngô Tất Tố, các chuyên gia thơ cung đình triều Nguyễn, như Phan Văn Dật, Bửu Cầm, đều nói không phải của vua, vì trong thư khố, không tìm thấy vết tích gì bài thơ này, và tên họ một bà phi nào tương tợ. Hơn nữa giọng thơ trữ tình bay bướm, khó có thể là giọng Tự Đức. Sinh thời, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng nói vậy (đăng trên talawas ngày 22-11-2006).
[13]Hãy nghe Trịnh Công Sơn kể về giấc mơ Hạ trắng: "(…) Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một mùi hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Đến lúc tỉnh dậy mình ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa Dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của Dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng Dạ lý hương... Sau một tuần lễ hết bịnh. Nghe tin bố một người bạn đang hấp hối, tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh buồn rầu và nhớ thương.(...) Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy đứa con (...) chôn cất và giấu ông cụ. (...) Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về, ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới ồ lên khóc. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức thì đi theo bà cụ luôn.
Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài “Hạ trắng” (Tạp chí Thế giới âm nhạc, số 05/1997, in lại trong NQS_01, tr. 41-42).
[14]Trần Hữu Thục (2001), “Một cái nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn”, in trong tạp chí Văn Học tháng 10&11/2001 California, Hoa Kỳ.
[15]Đặng Tiến (2001), “Đời và nhạc Trịnh Công Sơn”, http://www.tcs-home.org
[16]Bùi Bảo Trúc (2004), “Về Trịnh Công Sơn”, in trong tập Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hoá, tr 351-375.
[17]Trịnh Công Sơn rơi lệ ru người (2003), NXB Phụ nữ (tr 88).
[18]Anh Ngọc (2004), Nhớ thế kỷ hai mươi, NXB QĐND (tr 285-287).
[19]Trịnh Công Sơn viết "Huyền thoại mẹ": “nhân chuyến ra Quảng Bình thăm bảo tàng cách mạng, nhìn tấm ảnh mẹ Suốt chèo thuyền, tóc xoã bay tung trên bầu trời, và có dịp về thăm các bà mẹ nuôi dấu cách mạng ngày xưa, nghe mẹ kể chuyện, tôi có thể hình dung hết với những tứ nhạc bay cùng mái tóc và cuộc đời gieo neo của mẹ. Tôi cũng có một bà mẹ mà tôi yêu quý nhất. Và "Huyền thoại mẹ" là sự cộng hưởng của nhiều mảng đời của mẹ, để tạc thành hình ảnh thiêng liêng của bà mẹ Việt Nam nói chung”. Phỏng vấn Trịnh Công Sơn, bđd.
[20]Tôi sáng tác "Em ở nông trường em ra biên giới" từ niềm xúc cảm của chuyến đi thực tế xuống nông trường Lê Minh Xuân của đoàn nhạc sĩ thành phố. Chúng tôi đã cùng thức và hát bên nhau quanh ngọn lửa trại cùng các cô gái thanh niên xung phong. Sau đó một năm, tôi được tin cả hai mươi cô gái đêm ấy đều hy sinh ở chiến trường biên giới. Tôi lặng cả người, và cảm thấy đó là nỗi bức xúc không thể yên...” Phỏng vấn Trịnh Công Sơn, bđd.
[21]Hoàng Phủ Ngọc Tường (2005), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé, NXB Trẻ
[22]Hoàng Phủ Ngọc Tường (2005), sđd, (tr. 18)
[23]Nhiều tác giả (2004), Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hoá, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây (tr. 460)
[24]Nguyễn Đắc Xuân (2003), Có một thời như thế, NXB Văn Học (tr. 123)