trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
22.2.2008
Bùi Văn Phú
Nét văn hoá Việt ở Togo
 
Tôi phục vụ trong đoàn Peace Corps của Hoa Kỳ tại Togo từ năm 1983 đến 1985.

Togo, một quốc gia nhỏ ở phía tây châu Phi với dân số hơn hai triệu người da đen, là cựu thuộc điạ đã được Pháp trao trả độc lập vào năm 1960 nhưng mức phát triển còn kém về nhiều mặt. Đại học Université du Bénin của Togo không đào tạo đủ giáo viên trung học, đặc biệt là trong các ngành toán và khoa học, vì thế Togo đã kêu gọi Hoa Kỳ giúp đỡ và hân hoan đón những tình nguyện viên đến làm việc trong nhiều năm qua. Mỗi năm đoàn gửi mấy chục thanh niên thiếu nữ, nhiều người vừa tốt nghiệp đại học, đến Togo làm công tác như dạy học, huấn luyện giáo chức Anh ngữ, y tế công cộng, bảo vệ rừng.

Năm 1983 đoàn gửi qua Togo tất cả 45 người. Chúng tôi rời Hoa Kỳ ngày 16.6. từ thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania sau một tuần tập trung ở đó để được hướng dẫn về vùng đất lạ mà chúng tôi sắp đến sinh sống và làm việc trong hai năm.

*



Sau chuyến phi hành dài 17 giờ, với trạm dừng ở Pháp và Côte d’Ivoire, phi cơ của hãng Air Afrique đáp xuống phi trường của thủ đô Lomé lúc trời vừa tối.

Trong khi chờ đợi lấy hành lí, ông giám đốc ra đón phái đoàn có nói với riêng tôi là ở Togo có vài gia đình người Pháp gốc Việt và thủ đô Lomé có hai nhà hàng Việt. Tôi ngạc nhiên nhưng không quan tâm mấy. Điều làm tôi lo lắng hiện thời là những tháng ngày trước mặt có gì khó khăn và tôi có chịu đựng được nếp sống mới thiếu tiện nghi và sau ba tháng liệu tôi có đủ khả năng dùng tiếng Pháp để dạy học trò bản xứ hay không. Tôi không nghĩ nhiều đến những món ăn Việt vì khi chọn đến một xứ xa lạ như Togo tôi đã chấp nhận những thiếu thốn về văn hoá quê hương nguồn cội của mình. Ông giám đốc chắc đã đọc bản tiểu sử tôi trong đơn khi xin gia nhập Peace Corps nên tỏ ra hiểu tôi là một người đã một lần bỏ đất nước ra đi, vì thế việc tìm lại chút hương vị quê hương sẽ đem lại cho tôi ít nhiều niềm vui trong cuộc sống mới.

Khi từ giã Hoa Kỳ tôi đã nhủ lòng mình sẽ phải tạm quên đi nhiều thứ, từ đời sống tiện nghi đầy đủ với bơ sữa luôn có trong tủ lạnh hay những món ăn Việt từ những hàng quán ở Oakland, San Jose. Đời sống mới sẽ không có phim ảnh giải trí tại các rạp hay trên ti-vi và cũng không có cả thông tin nhật trình.

*



Trong thời gian thụ huấn Pháp ngữ, sư phạm và văn hoá bản xứ trên một tỉnh miền cao nguyên Togo, nhân một chuyến đi thăm khoá sinh ông giám đốc gặp tôi và nói rõ hơn về những người Việt đang sinh sống ở Togo và cho tôi số điện thoại của ông Sylvan Dauban là Giám đốc Ngân hàng Tín dụng Nông nghiệp của Pháp có chi nhánh ở Lomé. Ông cũng cho tôi biết bà Dauban người gốc Việt, hiện dạy tại trường quốc tế và hai vợ chồng mong có dịp gặp tôi.

Khi về lại thủ đô dạy thực tập, vào một buổi chiều tôi liên lạc với ông Dauban qua điện thoại. Lúc đó mới học tiếng Pháp cấp tốc được ít tháng nên tôi hơi sợ khi phải nói chuyện qua điện thoại với một người Pháp chính gốc. Tuy nhiên, sau khi tôi tự giới thiệu thì giọng ông Dauban chậm rãi và dùng từ tương đối dễ hiểu nên tôi bớt hồi hộp. Ông nói ông hiểu tâm trạng những tình nguyện viên người Mỹ qua đây làm việc với Peace Corps. Ông mời tôi có dịp thì ghé nhà chơi.

Sau khi mãn khoá huấn luyện, trước khi lên đường về tỉnh nhận công tác tôi đến thăm ông bà Dauban tại nhà. Ông bà còn trẻ, nên khi nói chuyện tôi gọi bà là chị. Chị Estelle rời Việt Nam từ thập niên 1960, tốt nghiệp ban Anh văn Đại học Berkeley. Thật là một điều ngạc nhiên thích thú. Như thế chị và tôi cùng là cựu sinh viên của một trường. Chị giới thiệu tôi với bà cụ thân sinh, là chị của bác sĩ Tôn Thất Tùng, đã hơn 70 tuổi nhưng minh mẫn và nói giọng miền Trung. Gia đình cụ nay đây mai đó, con gái đi đâu thì đưa cụ đi theo. Cụ thường nói chuyện với tôi về đất nước và mỗi khi nhắc đến quê hương tôi thấy cụ rươm rướm nước mắt. Mấy đứa con anh chị Dauban hiểu chút ít nhưng không nói được tiếng Việt. Cụ nói tiếng Việt các cháu đều trả lời bằng tiếng Pháp. Anh chị có bốn người con đang học trung học, trong đó có một bé gái nuôi người Triều Tiên. Hôm đầu tiên ở nhà anh chị tôi đã được thưởng thức na và đu đủ là hai loại trái cây mà từ ngày rời Việt Nam đến Mỹ tôi không còn được ăn.

Trước khi lên đường về tỉnh tôi rủ ba người bạn đồng hành đi ăn quán Việt Nam. Quán đầu tiên tên Quatrième Zone mà tôi gọi là Quán Vùng Bốn. Trước đó tôi có hỏi ý anh chị Dauban và cả hai đều chê, nhưng tôi cũng muốn thử xem sao. Vào quán chúng tôi được đón tiếp bởi một thiếu nữ Pháp dễ thương mang ra tờ thực đơn. Nhìn qua tôi thấy có mấy món nước như phở, bún và nhiều món xào. Phở là món ăn tôi thích và đi đâu cũng tìm ăn vì tương đối rẻ, vừa bụng và là món quốc hồn quốc tuý. Các món xào tôi e ngại sẽ pha nấu kiểu người Hoa. Mấy bạn Mỹ hỏi ý kiến, tôi đề nghị chọn phở và mọi người đồng ý. Khi cô tiếp đãi bưng phở ra, không có rau giá, rau thơm. Bốn tô phở chỉ thấy bánh trắng điểm mấy lát thịt bò, không hành ngò xanh xanh, không ớt đỏ, không chút hương vị phở. Rời Hoa Kỳ đã ba tháng, có thèm đồ ăn Việt nhưng trông tô phở tôi ăn không vào. Phải nói là phở ở Togo nhạt nhẽo nhất trong những tô phở tôi đã ăn ở nhiều nơi.

Ăn xong chúng tôi trò chuyện với một người làm và được biết chủ nhà hàng là người Li-băng, còn đầu bếp chính gốc Togo. Sau bữa ăn đó, không bao giờ tôi trở lại quán này.

Ở Lomé còn một tiệm ăn Việt khác, La Pirogue, có chủ trước là người Việt, mới sang lại cho một người Pháp. Ở đây không có phở nhưng có món nem rán, rouleau de printemps, ăn với rau xà lách chấm nước mắm chua cay ngọt. Khá ngon. Tôi còn thích món cua nhồi nướng, crabe farci. Sau này khi về lại thủ đô tôi và các bạn thường ghé đây nhâm nhi bia BB với nem rán, cua nhồi hay thịt nướng kiểu châu Phi, một món nhậu rất cay và đậm đà.

*



Rời Lomé tôi về tỉnh Haho, cách thủ đô 100 cây số về hướng bắc. Ở đó tôi dạy lí hoá tại trường công lập của tỉnh, Lyceé de Notsé.

Một buổi trưa đầu năm 1984 khi đang ngủ ngon thì tôi bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa. Thường lệ giờ đó tôi không tiếp ai vì cần nghỉ ngơi để chiều soạn bài hay đi dạy. Tôi chần chừ, nhưng tiếng gõ mạnh hơn và có người gọi lớn “Monsieur Bui, Monsieur Bui” nên tôi vội ra mở cửa. Trước sân là hai công chức trong bộ đồ bốn túi mầu xám đang đứng, thấy tôi một vị chào và nói: “Le chef du préfecture voudrait vous voir”. Tôi hơi giật mình lo vì không biết có chuyện gì mà ông tỉnh trưởng lại muốn gặp. Tôi trả lời để tôi sửa soạn rồi sẽ phóng xe máy lên dinh ngay nhưng ông nói không được, giục tôi mặc quần áo và đi theo họ vì xe của tỉnh đang đậu chờ sẵn ngoài ngõ.

Tôi vội rửa mặt, thay quần áo rồi đi theo hai viên chức. Xe ra quốc lộ, tiến về hướng toà tỉnh. Qua bưu điện tôi không thấy có gì lạ, chẩn y viện vẫn có người ra vào bình thường. Xe rẽ vào sân dinh có đông học trò đứng xếp hàng. Các em vẫy tay chào gọi tôi vui vẻ nhưng trong lòng tôi lo không biết chuyện gì xảy ra. Có thể chính phủ đã có lệnh rút tình nguyện viên về. Cách đây vài tháng tất cả chúng tôi đã được gọi về thủ đô để nghe ông đại sứ giải thích về chính sách của Hoa Kỳ trong vụ lính Mỹ đổ quân vào Grenada. Trong buổi họp hôm đó nhân viên sứ quán cũng nói đến kế hoạch di tản khi tình hình chống Mỹ lên cao và những biện pháp phòng ngừa liên quan đến an toàn bản thân sau khi có vụ đánh bom ở Beruit làm mấy trăm lính Mỹ tử nạn. Từ ngày sang Togo tình hình thế giới cũng như Hoa Kỳ tôi không nắm rõ vì chỉ biết tin qua các đài BBC và VOA hay tuần san Newsweek do văn phòng gửi, nhưng khi báo đến tay thì đã cũ hai, ba tuần.

Tôi hoang mang hơn khi thấy trong sân toà tỉnh có nhiều xe nhà binh. Tim tôi đập mạnh khi xe tiến đến phía những bậc thang dẫn vào dinh. Có thể đã có những biến động chăng? Những căng thẳng ở Beruit giữa Hoa Kỳ và người Hồi giáo gần đây khiến người Mỹ chúng tôi quan ngại vì mạn Bắc Togo cũng có nhiều người theo đạo Hồi.

Xe dừng. Tôi theo hai viên chức đi vào dinh trước những cặp mắt có vẻ ngạc nhiên của lính gác. Bên trong có người da trắng mặc quân phục. Chắc là tôi và các bạn đồng hành sẽ được di tản khỏi Togo. Vào sâu hơn trong hành lang tôi nhận ra ông tỉnh trưởng đang nói chuyện với mấy người lính da trắng. Lần trước tôi gặp ông cách đây hơn ba tháng khi được ông giám đốc đưa về tỉnh nhận nhiệm sở và trình diện ông. Tôi còn nhớ ông có vóc dáng to lớn với khuôn mặt tròn đen, phúc hậu. Đứng trước mặt ông tỉnh trưởng một viên chức giới thiệu tôi, ông bắt tay chào hỏi rồi quay đầu qua phiá người lính da trắng đang đứng cạnh mà tôi đinh ninh đó là một sĩ quan lính Mỹ. Viên sĩ quan nhìn tôi hỏi: “Vous êtes Phú?” Tôi vô cùng ngạc nhiên tại sao ông lính da trắng này lại biết tên Việt của tôi và nói đúng giọng. Từ ngày đến Togo các bạn Mỹ đều biết tên tôi là Philip, ngoại trừ vài người Pháp gốc Việt mới biết tôi có tên Phú. Tôi mau mắn trả lời: “Oui. Monsieur. Je suis Phú”. Rồi viên sĩ quan nói: “Monsieur Dauban vous invit aux partie du Tết à Lomé, Samedi le 10 Fevrier, chez Monsieur Dauban”. Ông nói chậm rãi để tôi nghe rõ. Nghe thế tôi hết lo vì biết viên sĩ quan là người Pháp, quen với ông Dauban. Ông nhắc lại ngày và nơi tổ chức ăn Tết cho tôi một lần nữa. Tôi cám ơn và nhờ ông chuyển lời nhắn với ông Dauban là tôi sẽ về thủ đô ăn Tết. Tôi chào ông tỉnh trưởng và người sĩ quan rồi theo hai viên chức ra về.

Xe chạy ngược quốc lộ đưa tôi về nhà trong tâm trí gợi lại biết bao hình ảnh Tết quê hương cùng Tết tha hương ở Hoa Kỳ. Tháng Giêng khí trời miền xích đạo oi bức. Trong nắng vàng của buổi chiều lòng tôi gợn lên chút vui vì sắp được ăn Tết trên một đất nước xa lạ không biết nó sẽ như thế nào, cùng lúc những nỗi buồn dâng lên vì đã nhiều năm Tết về tôi không có gia đình, thân nhân ở bên. Tôi nhớ những cái Tết quê nhà, nhớ phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ trong những ngày cận Tết có đông người qua lại, mua sắm, có chợ Tết Bến Thành, chợ hoa Nguyễn Huệ nhộn nhịp. Năm nay không biết gia đình tôi liệu có đủ tiền tiêu Tết vì từ khi rời Hoa Kỳ tôi không còn thường xuyên gửi những thùng quà về cho các em. Tôi nhớ những cái Tết ở đại học đượm tình quê hương, vui nhộn với Sớ Táo quân, với giọng hát, câu hò dễ thương của sinh viên.

*



Hôm sau vào trường, trong khi tôi thắc mắc không biết học trò đến dinh tỉnh trưởng làm gì thì các em cũng muốn biết tôi lên đó có chuyện chi. Học trò kể rằng hôm qua có buổi tuyển mộ lính cho quân đội Togo. Dù Pháp đã trao trả độc lập hơn hai mươi năm, nhưng quân đội Togo vẫn được đặt dưới sự huấn luyện và điều động của quân đội Pháp. Được tuyển chọn vào lính là một vinh dự và có nhiều quyền lợi nên nhiều học trò của tôi đã đến đăng kí xin vào quân đội.

Phần tôi, tôi kể cho các em nghe về buổi gặp gỡ ngắn ngủi với sĩ quan người Pháp để được thông báo về liên hoan đón Tết của người Việt ở thủ đô Lomé. Tôi kể cho các em nghe về Tết của người Việt với pháo nổ rộn ràng, với quần áo mới, trẻ em được mừng tuổi. Nhắc lại những kỉ niệm của quê hương mà lòng tôi thổn thức xúc động vì trong hoàn cảnh xa nhà.

Tôi biết là Tết sắp đến nhưng không biết chắc ngày nào là Mồng Một Tết và là Tết cái gì Tí - Ất, Giáp, hay Bính, Đinh? Tôi chỉ nhớ thứ tự 12 con giáp, còn 10 chi tôi không nhớ. Một hôm có thư bạn từ Mỹ gửi qua kể cho nghe về những chuẩn bị đón Tết Giáp Tí của sinh viên và cộng đồng. Thư bạn cũng cho biết ngày 2 tháng Hai là Tết.

Ba mươi Tết là ngày thứ Tư. Ở Notsé dân chỉ họp chợ một tuần hai lần vào thứ Tư và thứ Bảy. Buổi sáng tôi đến trường dạy như thường lệ, trưa về ra chợ mua nhiều thứ hơn mọi lần: một con gà, ít thịt heo, thịt bò, xà lách, bắp cải, hành lá, dưa leo và ít hoa quả như soài, cam, đu đủ.

Tối giao thừa ở Notsé một mình tôi ngồi khấn vái trong ánh đèn dầu rồi viết mấy câu thơ gọi là khai bút:

Người Việt tha hương
Ở khắp bốn phương
Từ Úc, Á, Phi
Cho đến Mỹ, Âu
Nhưng dù ở đâu
Nhớ phải ăn Tết

Tôi thức khuya nghe nhạc Việt trong băng Shotgun Xuân, băng Nhạc vàng Lê Văn Khoa, nghe Four Seasons với chiếc máy cát-sét mang từ Mỹ qua.

Sáng hôm sau vào trường, trong khi học trò làm bài tôi ngồi nghĩ ngợi mông lung về quê nhà, nhớ bố mẹ, các em. Tôi vẽ những hình con chuột bằng các số 0, 1, 2, 3, 4; vẽ những tràng pháo trên giấy học trò.

Ăn cơm Tết, tôi mời hai học trò bản xứ thường giúp tôi và hai người bạn tình nguyện viên Peace Corps làm việc trong thị xã đến chung vui. Cơm có bì cuốn, gỏi, miến gà, thịt bò xào, có rượu nho, thịnh soạn hơn những bữa cơm thường ngày chỉ có fou-fou với sauce de gombo.


*



Chiều thứ Sáu tôi đón xe đò về thủ đô ngay sau giờ tan trường. Trước khi lên đường tôi cũng không quên đổi ít tiền giấy mới loại 500 CFA để chuẩn bị mừng tuổi cho những đứa con của anh chị Dauban.

Về thủ đô Lomé tôi ở nhà của cặp vợ chồng từ bang Indiana là hai người đồng hành thân nhất hiện giảng dạy sư phạm Anh ngữ cho giáo viên Togo. Khi biết tôi về ăn Tết họ cũng ngạc nhiên lắm.

Chiều thứ Bảy tôi đón tắc-xi lại nhà anh chị Dauban. Đến nơi thấy bác sĩ Dương Quang Đức đang trang hoàng cổng chào trên chùm cây với hình con chuột, với hàng chữ “Cung chúc Tân Xuân” và “Tết Giáp Tí”. Tôi phụ anh một tay và hỏi thăm về sinh hoạt đón Tết ở đây. Anh kể năm nào mấy gia đình người Việt ở Lomé cũng tụ họp tổ chức ăn Tết rất vui.

Nơi sân chính cạnh hồ bơi là bàn thờ tổ tiên trên đó có heo quay, cơm, rượu, ít hoa quả, hai bên là cành mai giấy, bó huệ tươi và hai câu đối đỏ gợi lên không khí Tết. Mười năm rồi hôm nay tôi mới thấy Tết trong tiết trời tháng Hai nóng ấm vì ở Mỹ Tết thường rơi vào muà mưa bão, giá lạnh của miền Bắc California.

Gần 8 giờ tối mọi người đến đông đủ. Tôi được bác sĩ Đức và vợ là chị Tuyết giới thiệu với những gia đình người Việt có mặt. Có bác sĩ Cao Văn Trí sống ở Togo gần 20 năm và hiện làm giám đốc trung tâm y tế Pháp, có anh Nguyễn Vũ là kĩ sư thảo mộc, con của cựu đại tá Nguyễn Tuyên, nguyên chánh võ phòng Vua Bảo Đại; có anh Guy Đào dạy toán ở Đại học Bénin và vợ là Hương, có anh Ronfaut dạy khoa học thực hành ở đại học. Những gia đình có trẻ nhỏ cũng đưa các em đi, chừng mươi em. Ngoài ra cũng có một anh từ Cộng hoà Trung Phi đến dự. Những người lớn vẫn nói tiếng Việt nên tôi cảm thấy gần gũi hơn.

Ngoài những gia đình người Việt, khách đến dự chừng 50 người. Có ông tổng lãnh sự Pháp, có ông bà đại sứ Liên Hiệp Quốc. Bà đại sứ dáng cao, khuôn mặt người Tây Ban Nha, mặc một chiếc áo dài đậm mầu xanh nước biển trông quý phái. Những phụ nữ Việt cũng mặc áo dài vải gấm mầu đậm kiểu thời thập niên 1970 rất đẹp.

Khai mạc, anh Dauban nói mấy lời chúc Tết rồi thắp nhang đưa cho bà cụ mẹ vợ cúng lạy, khấn vái trước bàn thờ tổ tiên. Sau đó đến lượt bác sĩ Trí, anh chị Dauban, những gia đình người Việt và tôi lần lượt thắp nhang, vái quỳ, lâm râm khấn nguyện trước bàn thờ. Tôi khấn xin an bình và thịnh vượng cho gia đình và đất nước Việt Nam.

Tiệc Tết có heo quay, cháo gà là những món làm tại chỗ. Bánh chưng, giò, chả được gửi từ Pháp qua.

Ăn uống một lúc là đến phần các em nhỏ chúc tuổi. Cụ bà mặc áo dài ngồi trong chiếc ghế bành kê giữa sân. Trẻ em xếp hàng đến chúc tuổi cụ, có em nói được vài câu chúc bằng tiếng Việt, có em nói một tràng tiếng Pháp. Cụ bà hiểu cả, gật gù rồi mừng tuổi cho từng em với những phong bì đỏ. Lần lượt người lớn cũng lì-xì cho các em. Đám trẻ con sau đó kéo nhau ra một góc mở phong bì đếm tiền.

Sau phần chúc tuổi, anh Vũ và chị Estelle đọc tử vi trọn năm cho mọi người nghe để xem thời vận năm con chuột ra sao. Anh Vũ đọc bằng tiếng Việt, chị Estelle đọc tiếng Pháp.

Ăn uống xong có đánh bài. Người lớn tụ họp đánh xì phé, xì dách. Tôi cũng kéo ít cây xì dách nhưng không có lộc hên đầu năm. Ông tuỳ viên quân sự của toà đại sứ Pháp là một trung tá, người tôi gặp ở dinh tỉnh trưởng hôm nào, làm chủ sòng lắc bầu cua được đám trẻ con xúm quanh vui chơi, ồn ào nhất. Ông nói được tiếng Việt, hô lớn với giọng Bắc lơ lớ: “Lắc bầu cua ra cái gì, ra cái này” mỗi lần mở điã.

Những người lớn không thích đánh bài thì ngồi bàn chuyện thời sự và ăn cháo gà với gỏi bắp cải do chị Tuyết nấu. Tin về cái chết đột ngột của Tổng Bí thư Liên Xô Yuri Andropov là đề tài nóng bỏng để mọi người bàn về tương lai quan hệ giữa Liên Xô với các nước châu Âu, đặc biệt là với Pháp.

Tôi ở chơi đến quá nửa đêm rồi ra về, trong lòng vui vì được ăn Tết nơi miền đất lạ. Khi rời Hoa Kỳ tôi cứ ngỡ ở một vùng đất châu Phi xa xôi quạnh quẽ sẽ không có ai là người Việt, sẽ không còn tìm thấy nét văn hoá quê nhà, nhưng tôi đã gặp được nhiều người tuy sống xa quê hương đã lâu mà truyền thống dân tộc vẫn được giữ gìn.

Liên hoan Tết Giáp Tí ở Togo đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm khó quên.

*



Những năm dạy học ở Togo tôi cũng quen hai người Mỹ từng sống ở Việt Nam thời chiến tranh là ông John làm việc với USAID và bà Elizabeth phụ trách huấn luyện giáo chức dạy Anh văn ở Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Thỉnh thoảng gặp nhau chúng tôi ôn lại kỉ niệm về đất nước đã có một thời sống qua. Bà Elizabeth có nhiều sách về Việt Nam trong đó có mươi đầu sách tiếng Việt và trong nhà bà treo nhiều tranh sơn dầu của hoạ sĩ Việt. Bà kể có bức bà mua, có bức là quà tặng bà nhận được trong những năm sống ở Sài Gòn. Bây giờ đi đâu bà cũng mang theo, từ Ba Lan, Iran rồi đến Togo.

Những lần ghé thăm bà, tôi thấy nét văn hoá quê nhà phảng phất và lòng mang mang một nỗi nhớ nhà.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas