trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
26.2.2008
Phan Nhiên Hạo
Ngày tuyết đỏ
 
Mùa đông năm nay kéo dài, tuyết nhiều hơn năm ngoái. Mấy hôm trời trời khô ráo, nhiệt độ lại xuống thấp. Ngày hôm đó tôi nhớ khoảng âm 14 độ C. Từ nhà đến Northern Illinois University (NIU) chỉ bảy dặm, như thường lệ, tôi đi đường trong thay vì lộ 38. Con đường vắng vẻ chạy xuyên qua những cánh đồng phủ tuyết trắng xoá tận chân trời. Sự yên tĩnh của vùng này là một trong những lý do hấp dẫn tôi về đây, bỏ việc ở Đại học UCLA nổi tiếng. Mười mấy năm sống ở Los Angeles, tôi quá mệt với những xa lộ kẹt xe, bụi khói, nhà cửa giá cả trên trời, và sự căng thẳng hiện diện khắp nơi. Tôi chưa bao giờ thích miền Nam California, mặc dù khí hậu ở đó có thể coi là lý tưởng. Tháng Mười năm ngoái, trong sự ngạc nhiên của người quen và đồng nghiệp, tôi nhận lời làm việc ở NIU, một đại học ít tên tuổi và nằm vào khu vực Trung Tây lạnh nhất nước Mỹ.

NIU thành lập năm 1895 và hiện có hai mươi lăm ngàn sinh viên. Điểm mạnh của trường là chương trình Đông Nam Á, bắt đầu từ năm 1963, và một thư viện nghiên cứu thuộc loại xuất sắc trong ngành này. NIU có giáo sư chuyên về tất cả các nước Đông Nam Á, ngoại trừ Việt Nam. Lý do là trong những năm chiến tranh, chương trình Việt học được dồn sức phát triển cho Southern Illinois University (SIU), một trường cùng hệ thống đại học với NIU nhưng nằm ở phía Nam tiểu bang. Trường SIU là nơi giáo sư Nguyễn Đình Hoà làm việc nhiều năm, một người tiên phong trong việc biên soạn tài liệu dạy tiếng Việt trong đại học Mỹ. Ngày nay, chương trình Việt học ở SIU đã chấm dứt, một phần do sự cạnh tranh sinh viên của các trường nổi tiếng hơn, một phần do vị trí hẻo lánh bất tiện của trường. Từ SIU phải mất gần sáu tiếng lái xe về hướng bắc mới đến Chicago, hơn hai tiếng rưỡi về hướng nam để đến St. Louis thuộc tiểu bang Missouri.

Tuy cũng nằm trong một thành phố quạnh quẻ, NIU chỉ cách Chicago bốn mươi lăm phút lái xe. Tôi thích đời sống ở đây, con người có vẻ thân thiện và tôn trọng nhau hơn. Những ngày tuyết phủ dày, có người hàng xóm tự đem máy thổi tuyết qua giúp tôi dọn lối đi từ nhà đậu xe ra đường. Chúng tôi sống trong khu mới xây. Sau vườn nhà là đồng bắp từ lúc cày vỡ đến lúc gặt hái tuyệt nhiên không thấy mặt người, chỉ một hai máy kéo kiên nhẫn đi lại trên đất đai bất tận. Bắp mọc dày đến không thể bước chân vào, cao quá đầu người, đều tăm tắp như mặt thảm. Mỗi khi nhìn đồng bắp, tôi nhớ câu chuyện khoác lác thời Mao Trạch Đông về những ruộng lúa cao sản nông dân tập thể Trung Quốc đứng trên múa hát. Câu chuyện hình như cũng được tin sái cổ ở Bắc Việt một thời. Những đồng bắp sau nhà giúp tôi hiểu rằng người ta không thể canh tác hiệu quả hơn được nữa. Khi bắp chín, máy gặt luớt qua, cắt thân bắp sát gốc như cắt cỏ, lẩy hạt trút xuống thùng xe tải chạy cặp bên hông. Cánh đồng vàng mỏng dần, chỉ sau vài ngày trả lại cho tầm mắt chân trời mênh mông. Nông nghiệp vùng này chỉ như một dạng công nghiệp sản xuất thực phẩm.

Ngày hôm đó Lễ Tình yêu, thứ Năm 14 tháng 2 năm 2008. Tôi có lớp học lúc 3 giờ rưỡi chiều. Khoảng 3 giờ 20, một sinh viên vào phòng làm việc của tôi cho biết mới xảy ra vụ nổ súng. Nhìn qua cửa kính từ lầu bốn, tôi thấy vài xe cảnh sát trong sân trường, nhưng không quan tâm lắm. Ở đây chỉ cần một người trượt ngã, hai ba xe vừa cứu thương vừa cảnh sát đã chạy đến, thường còn thêm xe cứu hoả, vì lính chữa cháy cũng kiêm luôn nhiệm vụ sơ cứu. Hai tháng trước, chỉ vì một lời hăm doạ vớ vẩn trên vách cầu tiêu, toàn trường phải đóng cửa một ngày ngay giữa mùa thi để cảnh sát điều tra. Sau vụ nổ súng ở Virginia Tech, cũng như các đại học khác, NIU trở nên hết sức nhạy cảm với vấn đề an ninh. Cảnh sát của trường được tập huấn thêm các khoá đặc biệt, hệ thống thông báo đến sinh viên đa dạng hơn, một bản hướng dẫn ngắn gọn cách ứng phó trong trường hợp khấn cấp, bao gồm những vụ bạo lực, được phân phát đến nhân viên toàn trường và treo trong tất cả lớp học.

Đúng ra lúc 3 giờ 20, thông báo đầu tiên về vụ nổ súng đã xuất hiện trên web site của trường, nhưng vì đang đọc một trang web khác, tôi không chú ý. Lớp học của tôi nằm trong toà nhà Stevens cách toà nhà Cole, nơi sau này tôi biết xảy ra vụ nổ súng, chỉ vài mươi thước. Từ thư viện sang Stevens phải băng qua chiếc cầu nhỏ. Bốn người cảnh sát đứng ở đầu cầu ngăn tôi lại, nói tất cả các lớp học đã hủy bỏ. Tôi quay về thư viện, gặp một cô đồng nghiệp đi ra, cho biết thư viện đã khoá cửa. Tôi có chìa khoá riêng cửa sau, thường ngày vẫn dùng vào văn phòng, nhưng nghĩ lúc này chắc chẳng ai làm việc gì được, nên lấy xe về. Một số sinh viên cũng đang lái xe ra khỏi trường. Lúc đó khoảng 3 giờ 35, sân trường vẫn yên tĩnh, sau này tôi mới biết lý do vì sao.

Lớp Địa chất 104 - Nhập môn khoa học đại dương - bắt đầu lúc 2 giờ trong giảng đường toà nhà Cole, và theo thời khoá biểu sẽ kết thúc lúc 3 giờ 15. Những lớp học nhập môn cấp cử nhân thường rất đông sinh viên, nên ngoài giáo sư chính còn có một hoặc hai trợ giảng là những sinh viên cao học hoặc tiến sĩ phụ giúp. Trường hợp giáo sư vắng mặt, những phụ tá này có thể đứng lớp, nhưng công việc chính của họ là chấm bài và hướng dẫn thảo luận sau giờ học. Người đứng lớp ngày hôm đó là trợ giảng sinh viên Joseph Peterson. Giảng đường Cole có sức chứa năm trăm, lớp Địa chất 104 ghi danh một trăm sáu mươi hai sinh viên, không rõ số người đến lớp hôm đó chính xác bao nhiêu, nhưng ít nhất trên trăm rưỡi. Giảng đường Cole như một nhà hát nhỏ, với sân khấu có hai cửa bên hông mở ra hành lang. Khoảng 3 giờ 01, lúc lớp học gần tan, thảm kịch bắt đầu.

Sát thủ, sau này được biết là cựu sinh viên NIU tên Steven Kazmierczak, mặc đồ đen, bước vào sân khấu qua cửa hông bên trái, mang theo một súng săn trong thùng đựng guitar và ba súng ngắn, không nói lời nào, bắn thẳng xuống đám sinh viên. Steven bắn tất cả 54 phát đạn, giết chết năm sinh viên, làm bị thương mười bảy người khác, rồi tự sát ngay trên sân khấu. Người trợ giảng chạy thoát qua cửa hông bên phải, bị thương nhẹ nơi vai. Cảnh sát đại học có mặt ở hiện trường một phút rưỡi ngay sau những tiếng nổ đầu tiên nhưng mọi sự đã kết thúc. Trừ những sinh viên lớp Địa chất 104 chạy ra ngoài, sinh viên tất cả các lớp khác lập tức được lệnh khoá cửa phòng học ở yên bên trong. Người ta không biết liệu có còn một tay súng thứ hai đâu đó. Đến 4 giờ 14, thông báo trên web site trường cho biết nguy hiểm đã qua, sinh viên mới được ra khỏi lớp. Đó là lý do vì sao lúc tôi ra về, sân trường vẫn yên tĩnh, ngoại trừ cảnh sát rải khắp nơi.

Khác với trường hợp Cho Seung-Hui, kẻ bắn chết ba mươi hai sinh viên và làm bị thương nhiều người ở Đại học Virginia Tech hồi tháng Tư năm 2007, Steven Kazmierszak không để lại dấu vết gì khiến người ta có thể giải thích nguyên do vụ nổ súng, ít nhất đến lúc này. Trước khi hành động, hắn đã phá hủy ruột máy tính xách tay và vứt sim card điện thoại. Steven không có vấn đề về giao tiếp như Cho. Ngược lại, hắn học giỏi, quan hệ xã hội bình thường. Tốt nghiệp cử nhân xã hội học năm 2006, hai lần được giải thưởng của khoa, Steven học tiếp cao học ở NIU một năm trước khi chuyển sang University of Illinois at Urbana-Champaign, một đại học công có tiếng. Steven hai mươi bảy tuổi, sống với cô bồ là sinh viên cùng khoa, và được cô này mô tả như một người rất dễ thương, quan tâm đến người khác. Steven tuy vậy đang dùng thuốc an thần, bao gồm Xanax, Prozac, Ambien, cho toa bởi một bác sĩ tâm lý. Hắn tự ngưng thuốc vài tuần trước vụ nổ súng.

Sau thảm kịch, phản ứng đầu tiên thường là tìm kiếm người chịu trách nhiệm. Điều này công bằng và cần thiết. Nhưng trong trường hợp Steven Kazmierczak, người ta khó có thể đổ lỗi cụ thể cho ai, ngoại trừ những phản đối quen thuộc về súng đạn. Tuy vậy, như nhiều vấn đề tranh cãi khác ở Mỹ, phe ủng hộ và phe chống súng đều có những lý lẽ mạnh mẽ. Lặp lại những lý lẽ này ở đây sẽ quá dài dòng. Có nhiều thông tin trên internet. Mục “gun politics” trên Wikipedia chẳng hạn, có thể là một chỗ bắt đầu tốt. Tôi chỉ muốn nhắc lại vài điểm sau, có lẽ ít được biết đến với người đọc trong nước.

Thứ nhất, quyền vũ trang của công dân là quyền được ghi trong Tu chính số 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ, một quyền căn bản như nhiều quyền tự do khác. Quyền này xuất phát từ lịch sử lập quốc Hoa Kỳ, trong đó chính phủ dựa vào dân quân để bảo vệ đất nước. Sống trên đất đai mênh mông nhà này cách nhà kia hàng chục cây số, cảnh sát xa tít mù, những người khẩn hoang thời xưa cũng cần vũ khí chống lại cướp bóc, thú dữ. Việc sở hữu súng là một phần của lịch sử và văn hoá Mỹ, trong đó cá nhân được quyền có phương tiện tự bảo vệ bản thân và gia đình. Người Mỹ có thể ủng hộ việc kiểm soát súng - như làm cho việc mua súng khó khăn hơn, cấm súng tự động, thậm chí súng ngắn – nhưng phần lớn sẽ không ủng hộ luật cấm súng hoàn toàn.

Thứ hai, những nghiên cứu về liên hệ giữa súng và tỉ lệ tội ác đến nay vẫn không có kết luận dứt khoát. Thật ra, có những bằng chứng cho thấy tội phạm ít dám ra tay hơn vì dân chúng sở hữu súng. Người ta lo sợ cấm súng chỉ có lợi cho tội phạm, vì đối với những kẻ này, cấm cũng vô ích, trong khi dân chúng không có phương tiện tự vệ.

Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất dân chúng có súng. Thuỵ Sĩ, đáng ngạc nhiên, là nước có tỉ lệ sở hữu súng cao hơn. Ở Thuỵ Sĩ, tất cả công dân nam từ mười tám đến bốn mươi hai đều được nhà nước trang bị súng, thậm chí súng tự động, cất giữ trong nhà, phòng khi đất nước có biến mang ra “xài”. Ba mươi hai phần trăm dân Phần Lan cũng sở hữu súng hợp pháp, chưa kể những người không xin giấy phép [1] . Theo một điều tra năm 1997 đăng trên web site Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, tỉ lệ sở hữu súng ở Mỹ là hai mươi lăm phần trăm [2] . Nhưng với hơn hai trăm triệu dân, Mỹ vẫn là quốc gia tập trung nhiều súng nhất.

Câu hỏi ám ảnh đối với người trong cuộc sau những thảm kịch như vụ nổ súng ở NIU không phải là vì sao chuyện đó xảy ra - thế giới đâu bao giờ hết những tên điên – mà tại sao chuyện đó lại xảy ra với mình, ngay đây. Trong cả ngàn trường đại học, tại sao NIU? Sao Steven không hành động nơi trường hắn đang học mà phải lái xe hơn ba tiếng đồng hồ lên DeKalb, ở khách sạn hai ngày, trước khi vào trường cũ bắn giết những sinh viên hoàn toàn xa lạ? Mỗi ngày chúng ta xem trên tivi vô số tin tức xấu - giết người, tai nạn, bạo loạn, thiên tai – chúng ta nghĩ ngợi phút chốc rồi bỏ qua. Sau cùng đó vẫn là chuyện người khác, ở nơi khác. Chúng ta tiếp tục sống với niềm tin rằng thảm kịch sẽ không bao giờ xảy ra với mình. Cho đến ngày nghe tiếng súng nổ, nhìn thấy trước mắt những cái chết vô nghĩa lý, chúng ta mới hiểu thật ra may rủi không xa vời như mình tưởng. Giảng đường Cole cách thư viện nơi tôi làm việc chỉ hai trăm thước. Hai trăm thước đủ để chuyện xảy ra vẫn là chuyện của người khác, đủ để tôi không còn xúc động mạnh sau vài tuần, vài tháng. Nhưng hai trăm thước cũng rất gần để tôi hiểu mọi chuyện đã có thể xảy ra với mình.

Chúng ta hỉ nộ ái ố trong văn chương, kịch nghệ, phim ảnh. Thiếu trải nghiệm đời sống, phần lớn chúng ta chỉ viết những thứ hời hợt, ba hoa. Cho đến ngày chúng ta ở trong một vở kịch với những diễn viên điên loạn như Steven Kazmierczak từ trên sân khấu nã đạn thật xuống khán giả. Một vở kịch Hậu hiện đại đấy chứ, trong đó diễn viên và khán giả cùng tham gia, tất cả tình cảm uỷ mị đã được loại bỏ, tất cả “chuẩn mực” phải trái, dở hay, đúng sai đều bị giết sạch. Chúng ta có cần phải bò ra từ những vở kịch đẫm máu như vậy để học được đôi điều về đời sống? Không, tôi tin chúng ta có thể học được nhiều điều bằng sự cảm thông. Nhưng trước hết, những nạn nhân phải được nói đến, sự việc phải được kể lại, dù sự việc đau lòng. Người ta không thể cảm thông và được cảm thông khi tội ác bị đắp chiếu nằm bên vệ đường, thiên hạ lướt qua như không có gì xảy ra, như thể ruồi muỗi có thể thay người đọc ai điếu cho kẻ bị hại. Sau những thảm kịch, cách duy nhất để chữa trị là nói về nó một cách chân thành, không biện hộ dối trá. Giận dữ sẽ có mặt ở đó, nhưng có thể được làm nguội bằng sự thật. Sợ hãi cũng có mặt ở đó, nhưng sẽ đuợc trấn an khi nhận ra quanh mình một cộng đồng nhân bản.

Những ngày qua, văn phòng các chuyên viên tâm lý ở NIU mở cửa liên tục. Nhiều toán chuyên viên tâm lý từ các đại học khác cũng được gởi đến tăng cường. Những chuyên viên tâm lý này sẽ có mặt ở tất cả các lớp học đầu tuần tới, không phải để giải thích hay khuyên nhủ gì, mà chỉ lắng nghe, bất cứ khi nào sinh viên cần đến họ. Tôi dự một buổi huấn luyện tâm lý chuẩn bị việc đón sinh viên trở lại trường. Nói huấn luyện, nhưng người hướng dẫn chỉ đưa ra đề nghị duy nhất là các giáo sư nên bắt đầu lớp học bằng cách để cho sinh viên chia sẻ ý nghĩ của họ về vụ thảm sát, không nên vào bài học ngay. Suốt buổi “huấn luyện”, người hướng dẫn phần lớn chỉ ngồi nghe. Tôi có cảm tưởng những chuyên viên tâm lý, nhiều người có bằng tiến sĩ, trải qua cả chục năm học hành chỉ để biết cách lắng nghe.

Nhiều lễ tưởng niệm được tổ chức trong thành phố và ở NIU. Tôi đến một đêm thắp nến ở trường, đông kín người nhưng lặng lẽ, trang nghiêm nhưng giản dị, không chút giả tạo, kệch cỡm. Chủ nhật tuần này sẽ có một lễ tưởng niệm lớn hơn trong sân vận động mái che của trường. Chắc chắn không đủ chỗ cho tất cả mọi người. Người ta dự trù một số sinh viên sẽ phải xem buổi lễ qua màn ảnh lớn đặt ở vài giảng đường. Bất chấp những khác biệt không tránh khỏi trong một xã hội dân chủ, điều khiến tôi tin tưởng vào sự tốt đẹp của đất nước này là khả năng con người gắn kết với nhau một cách hoàn toàn tự nguyện trước những tai ương. Dĩ nhiên luôn có những kẻ không bao giờ vừa lòng, những kẻ thù ghét nước Mỹ bằng mọi lý do, đôi khi đến mức ngớ ngẩn. Trên internet, có một nhóm tuyên bố vụ thảm sát ở NIU là sự trừng phạt xứng đáng của Thượng đế đối với nước Mỹ, vì nước Mỹ dung thứ người đồng tính luyến ái (!).

Hôm nay thứ Năm, đúng một tuần sau vụ nổ súng. Nhân viên trường đã đi làm từ thứ Ba, nhưng tuần sau sinh viên mới học lại. Một tuần sẽ được bù vào cuối mùa học. Đúng 3 giờ chiều, tất cả chúng tôi tập trung trong sân trường. Hiệu trưởng John Peters cùng ban lãnh đạo đến. Ông để đầu trần, khuôn mặt buồn rầu nhưng cương quyết. Ông bước lên bục nói vài lời ngắn gọn, cảm ơn tất cả nhân viên đã cùng ông chia sẻ một thời điểm khó khăn. Ông nói chúng ta sẽ vượt qua thảm kịch này, sẽ trở lại công việc dạy và học, nhưng không bao giờ quên những sinh viên bị giết. Ông đọc tên họ. Chuông trên tháp cao thong thả đổ, năm phút mặc niệm cho năm sinh viên. Mấy ngàn con người đứng sát nhau thành một khối lặng lẽ. Tuyết đang rơi. Tiếng chuông ngân vang, nhỏ dần, rời xa. Năm bong bóng đỏ, màu biểu tượng của NIU, được thả lên, bay xiêu xiêu trong gió, như năm giọt máu chơi vơi dưới bầu trời xám lạnh.

Feb. 21. 2008

© 2008 talawas



[1]Wikipedia, “Gun Politics”, http://en.wikipedia.org/wiki/Gun_control
[2]“Guns in America: National Survey on Private Ownership and Use of Firearms”. http://www.ojp.usdoj.gov/nij/pubs-sum/165476.htm
Vào lúc bài này được đăng lên, lễ tưởng niệm chính đã diễn ra tối Chủ nhật 24 tháng 2. Có thể xem video và hình ảnh buổi lễ ở đây http://www.niu.edu/memorial/index.html