trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
3.3.2008
Bùi Minh Quốc
Thư ngỏ về việc tập sách Trần Dần–Thơ bị đình chỉ phát hành
 
Hà Nội, ngày 2 tháng 3 năm 2008

Kính gửi:
  • Ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Quốc hội CHXHCN Việt Nam
  • Ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông CHXHCN Việt Nam
  • Ông Tổng Thanh tra Chính phủ CHXHCN Việt Nam
  • Đồng kính gửi Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng toàn thể các đồng nghiệp trong Hội
Tôi là Bùi Minh Quốc, một người làm thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ký tên dưới đây, xin trân trọng gửi các vị thư ngỏ này nhân vụ việc liên quan đến tập sách Trần Dần–Thơ (Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản, 2008) vừa bị ngừng phát hành.

Thưa các vị,

Toàn bộ thông tin về vụ tập sách Trần Dần-Thơ tôi nhận được là từ lời Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng trả lời phỏng vấn của đài BBC và từ bức Thư ngỏ viết ngày 01.03.2008 của các đồng nghiệp

Nguyễn Huệ Chi
Giáo sư, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Văn học Việt Nam

Dương Tường
Nhà thơ, dịch giả

Phạm Xuân Nguyên
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

Hoàng Hưng
Nhà thơ, dịch giả

Giáng Vân
Nhà thơ, nhà báo

Phạm Toàn (Châu Diên)
Nhà văn, dịch giả

Tôi tin rằng những thông tin ấy là chính xác.

Tôi đề nghị các đồng nghiệp tác giả bức thư ngỏ nói trên cho tôi được cùng ký tên vào đó.

Ngoài ra, xin được phát biểu thêm (và nhắc lại) một số ý kiến như sau:
  1. Việc bắt phải ngừng phát hành tập sách Trần Dần–Thơ với lý do “vi phạm hành chính về xuất bản” cần phải được công bố công khai trên các báo đài trong nước để “dân biết, dân bàn”.

  2. Theo nhận xét của riêng tôi, việc bắt phải ngừng phát hành tập sách Trần Dần–Thơ với lý do “vi phạm hành chính về xuất bản” thực chất chỉ là hành vi tiếp tục vùi dập một công trình văn hóa bị buộc phải cất kỹ trong ngăn kéo đằng đẵng bao năm qua, trong khi đáng ra công trình ấy cần được đưa tới bạn đọc càng sớm càng tốt.

  3. Nhà thơ Trần Dần đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (cùng với các bạn ông trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm là Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt), đấy là biểu hiện một bước nhích tới rất đáng khích lệ của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới. Hành vi của một số người chủ chốt trong đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Thông tin–Truyền thông cầm đầu thực chất là hành vi chống đổi mới, làm tổn thương danh dự của Đảng và Nhà nước ta trước giới trí thức văn nghệ sĩ cả nước và toàn thế giới.

  4. Hành vi nêu trên thực chất là nối tiếp một cách khác nhiều hành vi tương tự trước đây, mà điển hình là vụ đưa vào máy nghiền một tác phẩm rất giá trị và không hề vi phạm pháp luật là cuốn tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Điều đó chứng tỏ có một thế lực chống đổi mới trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ đang lộng hành hoạt động phá hoại dai dẳng và có hệ thống; thế lực này tiếp tục vùi dập các tác phẩm giá trị và các tác giả tài năng đồng thời mở lối rất dễ dãi cho xuất hiện tràn lan những sản phẩm tầm thường. Tôi xin nhắc lại, tai họa lớn, bao trùm, (và dai dẳng) đối với nền văn hóa Việt Nam hiện nay chính là sự lấn át tràn lan của cái tầm thường.

  5. Vì vậy, tôi khẩn thiết yêu cầu Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt nam cần có thái độ về vụ việc này đồng thời tổ chức ngay một hội thảo chuyên đề về hai tác phẩm bị cấm, bị nghiền là Trần Dần–Thơ và tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000.

  6. Tôi hy vọng tất cả các đồng nghiệp trong và ngoài Hội Nhà văn Việt Nam có tiếng nói kịp thời của mình. Tôi đặc biệt chờ đợi ý kiến của các nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên tổng thư ký, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, nguyên phó tổng thư ký, Xuân Cang, nguyên trưởng ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam.

  7. Quyền tự do sáng tác phải gắn liền với quyền tự do báo chí và tự do xuất bản chứ không thể là tự do sáng tác để cất vào ngăn kéo. Luật báo chí và luật xuất bản hiện hành là vi phạm hiến pháp vì không đảm bảo quyền tự do báo chí và tự do xuất bản của công dân. Đây là trở lực lớn nhất cần phải sớm tháo gỡ để mở đường cho sự nghiệp phát triển văn hóa Việt nói riêng và sự nghiệp dân chủ hóa đất nước Việt Nam nói chung. Vụ việc đối với tập sách Trần Dần–Thơ càng thôi thúc các nhà văn Việt Nam phải kiên quyết hơn nữa trong cuộc chiến đấu (ôn hòa và hợp pháp) để giành lại quyền tự do cơ bản ấy mà chúng ta đã từng có (một thời gian ngắn) sau Cách mạng tháng Tám 1945 và sau tháng 10 năm 1954 (trên miền Bắc).
Bùi Minh Quốc
03 Nguyễn Thượng Hiền-Đà Lạt
ĐT: 063-815459 * 0918007842



Phụ lục
Thư ngỏ

Hà Nội, ngày 1 tháng 3 năm 2008

Kính gửi:
  • Ông Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóaKhoa họcGiáo dục, Quốc hội CHXHCN Việt Nam
  • Ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Quốc hội CHXHCN Việt Nam
  • Ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông CHXHCN Việt Nam
  • Ông Tổng Thanh tra Chính phủ CHXHCN Việt Nam
  • Ông Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam
Chúng tôi, những nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ, khoa học, và những người yêu quý văn học nghệ thuật, ký tên dưới đây, xin trân trọng gửi các vị thư ngỏ này nhân vụ việc liên quan đến tập sách Trần Dần – Thơ (Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản, 2008) vừa bị ngưng phát hành.

Thưa các vị,

Trần Dần (1926–1997) là một nhà thơ nổi tiếng và quan trọng của Việt Nam. Ông là một chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, là một nhà văn nhà thơ đã có nhiều tác phẩm đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của đất nước. Mặc dù bị oan khiên hoạn nạn trong vụ Nhân văn–Giai phẩm, nhiều chục năm phải sống trong im lặng và bóng tối, Trần Dần với bản lĩnh của một nghệ sĩ chân chính vẫn không ngừng sáng tạo và đã để lại một di cảo đồ sộ có giá trị cách tân to lớn đối với văn học Việt Nam. Mười năm sau khi ông qua đời, mới chỉ có một phần nhỏ của di cảo đó được xuất bản: Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh, Mùa sạch, và tập Cổng tỉnh đã được nhận Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994. Năm 2006, Trần Dần đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng với các bạn ông trong nhóm Nhân văn–Giai phẩm là Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán.

Nhưng trong khối di cảo đồ sộ của Trần Dần vẫn còn nhiều sáng tạo giá trị. Độc giả, đặc biệt là những người yêu thơ, vẫn khao khát chờ đợi được biết thêm, khám phá thêm những thể nghiệm thơ phong phú, đa dạng của ông suốt trong ba mươi năm lầm lũi làm việc trong bóng tối theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tập Trần Dần–Thơ, được chắt lọc từ di cảo với nhiều tâm huyết và công sức, là một cố gắng của gia đình nhà thơ, của những người biên soạn và của nhà xuất bản nhằm đưa ra ánh sáng những sáng tác của một nhà thơ lớn, đáp ứng yêu cầu thưởng thức của công chúng độc giả. Đây có thể coi là một tuyển tập thơ Trần Dần tương đối đầy đủ và toàn diện, khả dĩ có thể làm vinh dự cho nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Cuốn sách đã in xong, đã được phép phát hành, và đã được đưa ra thị trường. Giới văn học cả nước và đông đảo công chúng yêu thơ đang háo hức tìm mua, tìm đọc. Nhưng trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI (21/2/2008) tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội, tập Trần Dần–Thơ đã không được phép đưa vào bán bình thường như các cuốn sách khác, theo một lệnh miệng từ Cục Xuất bản. Tiếp đó, ngày 26/2/2008, sau cuộc làm việc của đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Thông tin-Truyền thông cầm đầu với Công ty Nhã Nam, tập Trần Dần–Thơ đã bị ngưng phát hành vì lý do “vi phạm hành chính về xuất bản”.

Thưa các vị,

Những động thái nói trên đối với tập sách Trần Dần-Thơ từ phía cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông đã thực sự gây băn khoăn và lo ngại cho giới văn học và công chúng. Một tập thơ đã được chuẩn bị và biên soạn kỹ lưỡng, công phu trong suốt hai năm trời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình xuất bản, vừa được ra đời và phát hành thì đột nhiên bị ngưng với một lý do hoàn toàn không phải về tư tưởng, nội dung. Chúng tôi lấy làm khó hiểu về điều này. Và từ thực tế hành xử của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các tác phẩm sáng tạo trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà lâu nay, chúng tôi lấy làm lo ngại cho số phận của tập sách Trần Dần–Thơ. Xin phép được nhắc lại với các vị hai việc gần đây là việc thu hồi và thủ tiêu tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn (2000) và việc gỡ tác phẩm đang triển lãm của hai họa sĩ Trương Tân và Nguyễn Quang Huy (2007).

Ở nước ta lâu nay việc cấm đoán tương tự đối với tác phẩm văn hóa nghệ thuật thường xảy ra. Ai cũng biết hành động này không những thiếu văn minh và không mang tính pháp lý, mà còn bóp nghẹt tự do sáng tạo, kìm hãm sự phát triển văn hóa, biểu hiện sự thô bạo và ấu trĩ của một cung cách quản lý xã hội bất chấp pháp luật và đứng trên những quan hệ dân sự tối thiểu của một quốc gia thực tâm định hiện đại hóa. Tuy nhiên nó cứ tiếp tục diễn ra chỉ vì lâu nay không mấy ai lên tiếng phản đối, và có phản đối thì cũng bị vùi lấp trong sự im lặng đáng sợ.

Thưa các vị,

Nhân danh những người Việt Nam yêu nước,

Nhân danh những người Việt Nam có tri thức và có văn hóa,

Nhân danh những người Việt Nam có tinh thần và năng lực công dân,

Vì sự tồn vong và phát triển của đất nước,

Chúng tôi, ký tên dưới đây, yêu cầu các vị:

Trước mắt, hãy xem xét và đình chỉ ngay mọi hành xử nhằm ngăn chặn việc phát hành sách Trần Dần–Thơ của một nhà thơ quá cố mà nội dung chỉ đem lại vinh dự cho dân tộc Việt Nam văn hiến này.

Tiếp đó, hãy xem xét lại cung cách ứng xử của những cơ quan nhà nước về mặt pháp lý và về quan hệ dân sự đối với những trường hợp tương tự trường hợp của nhà thơ Trần Dần, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, các họa sĩ Nguyễn Quang Huy và Trương Tân.

Sau nữa, trên tinh thần tôn trọng pháp luật và tôn trọng các giá trị nhân quyền và văn hóa, từ nay cần chấm dứt cách thức hành xử thiếu văn minh và thiếu cơ sở pháp lý đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng, các sáng tạo tinh thần nói chung.

Xin kính gửi các vị lời chào trân trọng và xin cám ơn trước về những biểu hiện văn minh dân sự mà chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được từ các vị.

Nguyễn Huệ Chi
Giáo sư, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Văn học Việt Nam
Dương Tường
Nhà thơ, dịch giả
Phạm Xuân Nguyên
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Hoàng Hưng
Nhà thơ, dịch giả
Giáng Vân
Nhà thơ, nhà báo
Phạm Toàn (Châu Diên)
Nhà văn, dịch giả

© 2008 talawas