trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
8.3.2008
Nguyễn Huệ Chi
Hai lá thư quanh vụ “Trần Dần – Thơ”
 
Cho đến nay, phần lớn công luận quan tâm đến cuốn Trần Dần – Thơ không được biết gì chi tiết hơn về cái gọi là “vi phạm hành chính về xuất bản” dẫn đến việc đình chỉ phát hành cuốn sách này. Trong hai ngày 5 và 6 tháng Ba năm 2008, GS Nguyễn Huệ Chi, một trong những người chủ trương bức “Thư ngỏ” phản đối việc đình chỉ phát hành cuốn Trần Dần – Thơ, trong hai bức thư gửi đến bạn bè và đồng nghiệp, đã kể lại những diễn biến trong và sau khi Nhóm đại diện 134 nhà văn hóa và văn nghệ sĩ đến các cơ quan công quyền đưa “Thư ngỏ”. Được tác giả cho phép, chúng tôi xin trích công bố hai bức thư này (có lược bớt một vài tên người) để bạn đọc hiểu thêm nội tình vụ việc cũng như thực chất tình hình đời sống văn hóa, tinh thần hiện nay ở Việt Nam.
talawas
1. Thư ngày 5/3/2008

Các anh chị thân mến,

Chiều hôm nay, Nguyễn Huệ Chi, Dương Tường, Hoàng Hưng đại diện cho 134 người có tên trong danh sách "Thư ngỏ" đã đến Quốc hội nước CHXHCNVN, đến Bộ Thông tin và Truyền thông CHXHCNVN và đến Hội Nhà văn Việt Nam để đưa "Thư ngỏ". Chúng tôi đều được tiếp một cách lịch sự. Vì không báo trước, ông Bộ trưởng Bộ TT và TT đi vắng nên ông Thư ký Bộ trưởng Mai Ánh Hồng ra tiếp và nhận thư; đến Quốc hội thì ông Nguyễn Minh Thuyết là Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp đón ân cần. Còn đến Hội Nhà văn thì ông Hữu Thỉnh đi vắng nên bà Phó văn phòng thay mặt tiếp đoàn. Tất nhiên không có một lời hứa hẹn nào về việc người ta sẽ làm cho đến nơi đến chốn, nhưng người ta nói sẽ bàn bạc vụ việc trong hai Ủy ban Pháp luật và Văn hóa-Giáo dục... Riêng ông Hữu Thỉnh, ngay buổi tối hôm ấy, qua điện thoại xác nhận đã nhận được thư, đã đọc, và hứa ngay ngày mai sẽ báo cáo với “cấp trên”.

Theo những nguồn đáng tin cậy thì việc ngưng lưu hành cuốn Trần Dần - Thơ trước sau chỉ dựa vào một căn cứ duy nhất là Quyết định của ông Giám đốc NXB Đà Nẵng hủy giấy phép xuất bản do ông Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập ký ngày 10-8-2007. Điều rất khó hiểu là Quyết định hủy đề ngày 11-8-2007, tức là chỉ 1 ngày sau Quyết định cấp, vậy mà Cục Xuất bản chỉ mới tiếp nhận Quyết định hủy giấy phép xuất bản Trần Dần - Thơ đâu như ngày 25 tháng 2 năm 2008, sau khi Trần Dần - Thơ đã in xong và phát hành.

Chúng tôi nghĩ cũng có thể có chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong nội bộ NXB, nhưng chuyện “dàn dựng ra một vụ việc” là khả năng lớn hơn, bởi trong vòng gần nửa năm cái Quyết định thu hồi giấy phép không hề đến tay Công ty Nhã Nam là bên đối tác với NXB Đà Nẵng về cuốn Trần Dần - Thơ, và cả quá trình in ấn, chuẩn bị phát hành Trần Dần - Thơ được thông tin liên tục trên báo chí, mà không hề thấy NXB Đà Nẵng phản ứng gì hết. Các quy trình như nộp lưu chiểu, chờ thẩm định đều đã làm xong đâu vào đấy, rồi khi đem phát hành trong Ngày thơ Việt Nam thì mới sinh chuyện.

Có thể đây cũng vẫn là hậu quả của một cú điện thoại như thông lệ vốn có trong mấy chục năm nay; chẳng hạn ông X hay một ông trong cái “nhóm người bất hủ” - mà cả nước đều biết rõ - nổi hứng gọi cho A 25 và Cục Xuất bản rằng Trần Dần – Thơ có vấn đề, thế là dù đã có giấy phép hẳn hoi và mọi công đoạn đều đã trót lọt, sách cứ nhất thiết... phải ngưng phát hành. Chuyện ấy là chuyện của thời Trung cổ (trước Đổi mới) thế mà vẫn nghiễm nhiên tồn tại đến nay và hứa hẹn sẽ còn tồn tại lâu, thế có kỳ quặc không?

Tinh thần của chúng tôi là muốn mọi kiểu ứng xử tùy tiện và "rất có Đảng tính" như thế của cái đám gọi là “đội quân thính nhạy” cầm đèn chạy trước ô tô phải được dẹp bỏ, và các vị thượng cấp phải biết rằng cứ tiếp tục chấp nhận cách làm này là đáng xấu hổ, không xứng đáng là người cầm quyền, nói cách khác: phải để cho đời sống văn hóa tinh thần của một xã hội được vận hành đúng pháp luật và đàng hoàng, văn minh, không có những chuyện động trời thỉnh thoảng lại nổ ra, giáng lên đầu mọi người, gây tâm lý ngày càng chán nản nếu không nói là càng thêm phẫn nộ, và cả sự nhục nhã cho bộ mặt của đất nước.

Cám ơn các anh chị.


2. Thư ngày 6/3/2008

Thưa các anh chị,

Tôi được một người bạn thân cho biết: trong cuộc họp của cái gọi là Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương do Ban Văn hóa Tư tưởng đẻ ra cách đây một thời gian, vừa diễn ra hôm qua, để nhìn lại tinh hình sáng tác văn học nghệ thuật của nước nhà ít lâu nay, ông X đã lên tiếng phê phán gay gắt cuốn Trần Dần - Thơ và ông Y cũng có đế theo tuy giọng không nặng nề bằng.

Như vậy là dự đoán mà trong thư hôm qua tôi gợi ý với các anh chị rằng có một cú điện thoại nào đó gọi cho “cấp trên” nên mới sinh chuyện là có cơ sở và nay đã có lời giải chính xác. Còn nhớ bộ Từ điển văn học - Bộ mới của chúng tôi phát hành vào trước cái Tết năm 2005 cũng đã bị một cú điện thoại của đúng kẻ ấy khiến phải ách lại đúng 10 ngày và sau khi không tìm ra điều gì để gán cho tội "phản động" về nội dung như cú điện đã báo, NXB cũng phải nhận phạt 5 triệu đồng vì "sai phạm hành chính" (nhan đề sách không khớp hẳn với giấy phép) rồi mới được đưa ra thị trường.

Tôi đã xem phim La vie des Autres và không khỏi rùng rợn vì mạng lưới "an ninh văn hóa" ở những nước xã hội chủ nghĩa sao mà giống nhau đến thế, nhưng hình như loại người tha hóa về phẩm cách, tự nguyện làm “khuyển mã” ở Việt Nam thì còn khủng khiếp hơn ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu nhiều lần vì đó là thứ khuyển châu Á vừa bẩn thỉu, nham hiểm, vừa lì lợm, trơ tráo và man rợ mà ta không tài nào dùng ngôn từ để miêu tả được.

Tôi không còn chút băn khoăn nào về cái lý do "mâu thuẫn nội bộ trong NXB" mà vài hôm trước nghe dư luận đồn đại còn hơi phân vân nghi ngờ.

Vì thế, mặc dầu hôm nay, trong một cuộc gặp mặt, nhiều anh em cho rằng đây là một hiện tượng rất mới, trước nay chưa có, trong việc đối thoại công khai với nhà cầm quyền, về quyền được tôn trọng của người trí thức, tôi lại nghĩ, điều quan trọng giờ đây không chỉ còn là yêu cầu nhà nước hành xử một cách văn minh, theo đúng luật pháp, đối với các sáng tác văn học nghệ thuật, mà là làm thế nào chấm dứt vĩnh viễn cái cơ chế sinh ra lũ người-khuyển “đánh hơi văn hóa” như một nhu cầu tất yếu. Chỉ có như thế đời sống văn hóa, tinh thần của đất nước mới mong có cơ khấm khá lên được. Nghĩa là vấn đề đặt ra cho chúng ta lớn hơn “Thư ngỏ” rất nhiều.

© 2008 talawas