trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
14.3.2008
Lý Do
Người giầu Trung Quốc còn cách người công dân chân chính bao xa?
Dương Quốc Anh dịch
 
Sau gần ba mươi năm cải cách và mở cửa, đã có một bộ phận dân chúng Trung Quốc giầu lên. Tâm trạng, cuộc sống... của những người này ra sao đã được bài viết này mô tả và phân tích khá sâu sắc. Hy vọng những điều đó sẽ là những bài học bổ ích cho những người mới giầu lên ở Việt Nam.
Người dịch
Từ sau năm 1949, cùng với việc thực thi nền kinh tế kế hoạch, Trung Quốc đã tiến hành những cố gắng không mệt mỏi nhằm tiêu diệt kinh tế tư hữu. Vào năm 1949 Trung Quốc còn có 7 triệu hộ tiểu thương và một số không nhiều xí nghiệp tư nhân; nhưng đến năm 1978, không còn xí nghiệp tư nhân nào nữa, số tiểu thương cũng giảm xuống còn 150.000 người, nhưng chủ yếu là những người lao dộng thủ công làm các việc như sửa vá giầy, sửa chữa xe đạp... Có thể nói trên diện tích 9,6 triệu km2 với 1.000 triệu dân lúc đó hầu như không còn nhân tố kinh tế tư nhân nào. Thực tiễn bình quân chủ nghĩa với qui mô và độ sâu như trên là chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Phương Tây, từ văn hoá phường, hội phát triển thành xã hội công dân đã có hơn 2000 năm lịch sử; và sự trưởng thành của các nhà doanh nghiệp của họ được đánh dấu bằng cuộc cách mạng công nghiệp cũng đã có hơn 200 năm lịch sử. Vậy tuổi tác của các nhà doanh nghiệp Trung Quốc được bao nhiêu? Nếu tính từ những năm 80 của thế kỷ 20 thì đến nay cũng mới chỉ có 26–27 năm ngắn ngủi.

Nhưng những con người như vậy cộng thêm các công ty siêu quốc gia và chính quyền các cấp, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đã tạo ra một khối luợng của cải khiến người ta hoa mắt. Tuy nhiên họ còn có những chỗ chưa thành thục, năng lực điều khiển, sử dụng tiền bạc của họ còn phải nâng cao. Những người gìầu ở những nước phát triển nói chung sau khi giầu lên rồi thường nghĩ đến hai việc. Một là tiếp tục làm giầu hơn nữa. Hai là nghĩ tới việc làm từ thiện. Còn người giầu ở Trung Quốc hiện nay thì việc suy tính đầu tiên của họ là cất giấu tiền ở đâu? Gửi ngân hàng hay là tìm cách gửi ra nước ngoài, hay biến thành vàng, kim loại quí, ... để cất giấu cho tiện.


Một khoảng trống

Từ xưa đến nay Trung Quốc chưa hề có người nào giống như nhà triết học Đức Max Weber [1] , nâng việc theo đuổi tiền của lên độ cao lý luận và coi đó là một thiên chức của con người để ca ngợi. Ngược lại người giầu Trung Quốc thường phải chịu dư luận nặng nề “làm giầu bất nhân”, bị xã hội nhìn bằng con mắt khác. Do vậy trên người họ có mấy đặc trưng khá rõ:

Tính che giấu và không minh bạch về của cải.

Do bị che phủ, bưng bít bằng một lớp mây mù dày đặc, nên không ai có thể nói chính xác hiện nay Trung Quốc có bao nhiêu người giầu và họ có bao nhiêu của cải. Rất thiếu những thống kê về của cải ròng của các tư nhân và những khoản tiền lưu động. Những thống kê chính thức thường phải dùng phương pháp gián tiếp suy đoán ra. Điều thú vị là, những nguồn tin của phương Tây đưa ra lại tương đối cụ thể. Ví dụ như họ nói, Trung Quốc có 300.000 người có thể mua được máy bay riêng. Một nguồn tin nữa nói, chí ít Trung Quốc cũng có 230.000 người giầu, có từ 1 triệu USD trở lên. Nhưng tất cả những tin đó đều không có nguồn.

Cùng đi theo hình ảnh có tính che giấu của người giầu là sự tiêu dùng có tính xa xỉ. Hiện tượng tưởng như như mâu thuẫn ấy thực ra chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Trên đường phố các thành phố lớn, các loại ô-tô đắt tiền kiểu Mercedez, Volvo... đi lại như con thoi. Một nhà giầu sau khi được bảo lãnh để ra khỏi trại giam đã mua ngay 20 chiếc ô-tô tặng những người đã giúp mình. Ở Bắc Kinh một bữa tiệc sang trọng nhất có tới 120 món ăn, có thể thưởng thức liên tục trong bốn ngày. Hình như đồng thời với việc che giấu của cải của mình, tính xa xỉ trong tiêu dùng là một phương thức đền bù tâm lý tất yếu của người giầu vậy.

Thiếu, vắng ý thức công dân.

Trước khi cải cách mở cửa, câu hỏi đầu tiên của hai người Trung Quốc không quen biết nhau là câu gì? Hầu như họ đều hỏi: “Bạn ở đơn vị nào?”

Mọi người đều biết ý thức công dân hiện đại là ý thức công dân được nuôi dưỡng từ sự vứt bỏ ý thức thần dân khi chủ nghĩa phong kiến trung thế kỷ châu Âu rút khỏi vũ đài lịch sử. Trung Quốc trải qua hơn hai ngàn năm dưới sự thống trị của hoàng quyền, mặc dù đã trải qua lễ rửa tội của phong trào dân chủ mà vẫn xen vào khúc nhạc đệm “ý thức đơn vị”. Đơn vị là do một loạt tầng nấc cấu tạo ra, nó không chỉ có quyền lực hành chính mà còn có quyền lực phân phối tài nguyên. Nó cung cấp cho mọi người tiền lương, phân phối phòng ở, bảo đảm chữa bệnh bằng tiền công, thậm chí còn được cấp phát phiếu cắt tóc, phiếu mua hàng, phiếu xem điện ảnh. Tầng, nấc nào đó của đơn vị nào đó của mỗi người quyết định địa vị xã hội và phương thức sinh hoạt của mỗi người. Từ đó tạo thành sự phụ thuộc và phục tùng của con người đối với đơn vị, hình thành tâm lý ỷ lại tương đối nghiêm trọng. Nói từ bản chất, “ý thức đơn vị” là sự nối dài của “ý thức thần dân”. Người Trung Quốc chưa có sự điều chỉnh nhân cách mới theo những tiến bộ của xã hội.

Do vậy cả người giầu và người nghèo Trung Quốc đều tương đối thiếu ý thức công dân.

Vấn đề là đã thiếu ý thức công dân, thì làm sao có trách nhiệm công dân, trách nhiệm xí nghiệp?

Ý thức công dân hiện đại nhấn mạnh ý thức trách nhiệm, quyền lợi công dân và tinh thần lý tính khoa học. Người ta mới chú ý đến những việc cụ thể như vấn đề sản xuất hàng giả, nợ lương công nhân, bảo đảm an toàn lao động nhưng chưa thấy hết khi thiếu trách nhiệm xã hội - xí nghiệp (CSR) mà tiến vào nền kinh tế thị trường thì đáng sợ như thế nào. Tình hình tai nạn lao động tại một số nơi khai thác than cho thấy “công nhân bán mạng, chủ mỏ phát tài, chính quyền chôn cất”.


“Giầu mà không từ thiện”

Theo tin đã đưa, số doanh nghiệp công thương Trung Quốc đăng ký là hơn 10 triệu đơn vị, nhưng những doanh nghiệp đã đăng ký làm từ thiện không quá 100.000, tức là chưa được 1%. Tiền hiến tặng mà Hội Từ thiện Trung Quốc nhận được có tới 70% là từ hải ngoại, trong đó những người ở Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan rất nhiệt tâm. Chỉ có 30% tiền hiến tặng là của đại lục mà trong đó lại có một bộ phận đến từ dân chúng bình thường chưa giầu có.

Năm 2003, Trung Quốc bùng nổ dịch SARS, Hội từ thiện Trung Quốc nhận được 7,7 triệu nhân dân tệ (NDT) [2] tiền hiến tặng, trong đó chỉ có 2 triệu NDT là của người giầu, số tiền đó không xứng với một nước lớn có 1.300 triệu dân.

Có thật là người giầu Trung Quốc lãnh đạm, vô tình, không hề có tình thương yêu đồng bào không? Câu trả lời là không.

Hệ thống tư tưởng nhà Nho sâu xa trong hai ngàn năm qua đã kìm hãm công thương nghiệp Trung Quốc phát triển nhưng nó lại có một điều rất quí là lòng nhân ái. Vậy thì những khoản hiến tặng của người giàu Trung Quốc đi về đâu? Những chuyên gia về tài chính cho biết nhiều nhất là cho các chùa chiền, rồi đến trường tiểu học ở nông thôn. Cả hai khoản này đều ẩn giấu tại những vùng rừng núi xa xôi, phân tán rất khó thống kê.

Ở phương Tây đã hình thành từ lâu một hệ thống văn hoá cao của người giầu. Mà người đi tiên phong là gia tộc Medici (thế kỷ 17) của Italia. Ông này đã nói một câu nổi tiếng: “Tiền bạc chỉ là chất môi giới, một chiếc cầu, mà người ta không thể sống ở trên cầu được.”

Hệ thống văn hoá cao đó rất giỏi lợi dụng đòn bẩy của cải để thúc đẩy xã hội tiến bộ. Ngày nay hai vợ chồng Bill Gate cũng đang làm những việc giống như vậy.

Thế nhưng nhận thức của người giầu Trung Quốc đối với hệ thống văn hoá cao đó còn rất xa lạ. Hiện nay Trung Quốc nhấn mạnh phải quan tâm đến những nhóm người dễ bị tổn thương. Hy vọng người giầu Trung Quốc sẽ trở nên có giáo dưỡng hơn.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Max Weber (1864–1920), nhà xã hội học và kinh tế - chính trị học, được coi là một trong những người sáng lập xã hội học hiện đại và khoa nghiên cứu về hành chính công. (Chú thích của talawas.)
[2]1 NDT bằng khoảng 2.200 VNĐ
Nguồn: Tạp chí Duzhe (Độc giả) số 20/2006