trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
15.3.2008
Lê Minh
Rốt cuộc người Trung Quốc lạc hậu cái gì, bao lâu rồi?
Tam Dương dịch
 
Vừa nói đến “sự lạc hậu” của Trung Quốc, rất nhiều bạn trên mạng lập tức cho rằng nhiều nhất là Trung Quốc có chút “lạc hậu” một, hai trăm năm cận đại mà thôi, chứ Trung Quốc thời cổ đại tuyệt đối đi trước các nước trên thế giới hàng ngàn năm. Không ít bạn trên mạng hễ bàn đến lịch sử Trung Quốc, nhất là bàn đến cái gọi là “Hán Đường thịnh thế” (thời thịnh vượng đời Đường và đời Hán), thậm chí “Khang, Càn thịnh thế” (thời thịnh vượng đời vua Khang Hy, Càn Long) nhà Thanh, đều “nở mày nở mặt”, đúng là rất có một chút tâm tình của “A Q” dưới ngòi bút của tiên sinh Lỗ Tấn: xem ra lúc đầu, tổ tiên người Trung Quốc chúng ta “hào phóng nhiều”. Có thật như vậy không? Tổ tiên chúng ta có thật hào phóng như vậy không? Và vì sao lại hào phóng như vậy?

Tôi muốn nói với đồng bào thân ái của tôi, quan niệm trên là tuyệt đối vô cùng sai lầm, nói toạc ra là, đó mới là sự “vô tri” thực sự, không chỉ vô tri đối với lịch sử Trung Quốc mà hơn nữa còn là sự vô tri cực đoan đối với bản thân lịch sử loài người.

Nói đến “lạc hậu”, trước tiên chúng ta phải làm rõ, rốt cuộc chúng ta lạc hậu hơn người ta (phương Tây) cái gì? Có thực sự đơn giản chỉ là một, hai trăm năm cận đại mà thôi không?

Bất kỳ so sánh lịch sử nào, trước tiên phải là sự so sánh lịch sử tư tưởng, bởi vì chính là tư tưởng của “đại não” loài người đã sáng tạo ra văn hóa và văn minh của loài người, cũng như lịch sử của loài người.

Chúng ta đều biết: văn hóa và văn minh của loài người trên thực tế toàn là sản phẩm do tư duy của đại não loài người không ngừng nỗ lực phát triển ra. Vì vậy rất rõ ràng là, so sánh văn hóa, văn minh cũng như lịch sử giữa các dân tộc khác nhau, điều quan trọng nhất – hơn nữa, điều đầu tiên – phải là so sánh mặt lịch sử mà họ nỗ lực phát triển trong tư duy đại não của mình.

Do đó cũng có thể thấy, sự lạc hậu tương đối của người Trung Quốc với người khác (trước tiên là người phương Tây) then chốt nhất, căn bản nhất vẫn là sự lạc hậu về mặt lịch sử nỗ lực phát triển tư duy đại não của người Trung Quốc. Một khi xác lập được quan điểm và quan niệm của loại “lạc hậu” này, chúng ta sẽ không khó mà nhận thức được ra rằng sự “lạc hậu” của chúng ta so với người phương Tây quyết không chỉ là một, hai trăm năm cận đại nhẹ nhàng, đơn giản; phải nhìn vào nơi sâu thẳm lịch sử của truyền thống tư duy của người Trung Quốc, phải lấy xuất phát điểm từ sự lũng đoạn tư tưởng “độc tôn Nho thuật” của Hán Vũ Đế, thậm chí còn có thể phải đi ngược lên trước nữa, bắt đầu từ sự ra đời của chế độ chuyên chế cực quyền toàn diện của Trung Quốc đại thống nhất thời Tần Thủy Hoàng. Nếu tính như thế thì đến bây giờ chí ít cũng là trên hai ngàn năm.

Phải so sánh lịch sử phát triển tư duy đại não là vì đại tự nhiên (thượng đế) ban cho “phần cứng” đại não của con người thuộc các dân tộc khác nhau về cơ bản là “bình đẳng”, vì vậy sự so sánh chân chính, then chốt nhất vẫn là sự so sánh về mặt “phần mềm” được vận dụng tập trung trong “phần cứng” của mỗi đại não. Nói trắng ra là so sánh các “kinh điển” quan trọng mà mỗi dân tộc tự sáng tạo, lựa chọn và sử dụng.

Tôi đã từng nói, “kinh điển” của người phương Tây theo những thời kỳ khác nhau lần lượt là “Thánh kinh” của người Hebrew, triết học kinh điển của người cổ Hy Lạp, triết học kinh điển của người phương Tây cận đại, cũng như khoa học kinh điển (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học tâm lý, v.v...) của người phương Tây cận, hiện đại, v.v..., còn người Trung Quốc hơn hai ngàn năm nay về cơ bản chỉ có “Nho kinh”, hơn nữa những “truyền thống” của “Nho kinh” lại vĩnh viễn ngoan cố không thay đổi, bị những người thống trị Trung Quốc, văn nhân Trung Quốc, cho đến mọi người Trung Quốc trong các đời mãi mãi coi là cái “chí bảo” (cái quí báu nhất) duy nhất trong đại não của mình, mãi mãi “thơm phưng phức”.

Điều khiến người ta đau khổ là, những cái “chí bảo”, “thơm phưng phức” này thực ra lại là một loại “thuốc độc” mạnh của “phần cứng” đại não của người Trung Quốc, tương tự như các loại “thuốc độc” mạnh có tính tê liệt như thuốc phiện, thuốc mê, nó không chỉ làm “tê liệt” đại não của người Trung Quốc, làm cho họ mất đi công năng tư duy đại não bình thường mà hơn nữa còn làm cho đại não của người Trung Quốc sản sinh ra những ảo giác mê tín và ỷ lại mù quáng vào “duy cổ, duy thượng, duy thánh” (chỉ theo xưa, chỉ theo cấp trên, chỉ theo thánh) với quán tính mãnh liệt, dường như thiếu chúng, người Trung Quốc sẽ không sống nổi. Và trên thực tế, hơn hai ngàn năm qua đúng là nó đã làm cho tuyệt đại đa số người Trung Quốc “mắc nghiện”, thậm chí rất có khả năng đã thay đổi một cách vô tri vô giác, biến thành “gien” trong cơ thể của bộ phận người Trung Quốc, thậm chí cho đến nay vẫn còn không ít người phát lên lớn vì “nghiện độc”, ra sức kêu gào phải quay trở về truyền thống của Khổng tử cũng như nhà Nho, phải đọc kinh, phải dấy lên “quốc học” thậm chí còn muốn dấy lên “Nho giáo”, tưởng như nếu tách dời chúng, “người Trung Quốc” từ nay sẽ không thể tồn tại, hoặc là người Trung Quốc sẽ không còn là “người Trung Quốc” nữa. Loại tinh thần mê tín và ảo giác của “duy cổ, duy thượng, duy thánh” cực kỳ đáng cười đó, thậm chí còn bị biến đổi một cách vô tri vô giác thành “gien của cơ thể”, dường như là đã trở thành một trạng thái bệnh lý tinh thần nghiêm trọng trong một số người Trung Quốc.

Loại trạng thái bệnh lý tinh thần “duy cổ, duy thượng, duy thánh” này đã làm cho dân tộc Trung Hoa chịu tác hại sâu sắc trong hơn hai ngàn năm, dẫn đến trong thời gian đó đã làm cho người Trung Quốc chí ít bốn lần trở thành “vong quốc nô” cho các dân tộc thiểu số xung quanh một cách toàn diện, trên qui mô lớn. (Tác giả không nói rõ là những lần nào, nhưng hai lần ai cũng dễ dàng thấy đó là thời Nguyên-Mông, thời Mãn Thanh; những lần còn lại có lẽ là các thời Nam Bắc triều, Liêu, Kim? – N.D.) “Vong quốc nô” là cái gì? “Vong quốc nô” là bị người ta tùy ý dẫm đạp, tàn sát! Loại “bệnh”, “hại” này đã thể hiện rõ trong lịch sử Trung Quốc một, hai trăm năm cận đại: dường như người Trung Quốc đã bị làm nhục bởi hầu hết các nước đã từng là cường quốc (Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản v.v...), bị tùy ý bóc lột, bịp bợm, tàn sát, còn phải cộng thêm với việc nhân cách của người Trung Quốc bị coi khinh, bị làm nhục và bị dẫm đạp thậm tệ. Sự chịu trận về nhân cách của người Trung Quốc trên thực tế đã ở vào cùng đẳng cấp với người da đen châu Phi, người Indian châu Mỹ; trên thế giới này còn “nhân cách” nào thấp hơn không?

Người Trung Quốc trong thời kỳ này có còn là “người” nữa không? Trên thực tế họ đã trở thành những “con cừu”, “con hươu”, “con thỏ” mà trên thế giới này ai cũng đều có thể bắt nạt và giết mổ, thậm chí chỉ là một thứ “giòi bọ” để người ta tùy ý giày xéo. Rốt cuộc thì nguồn gốc chung tạo ra những ác quả lịch sử nghiêm trọng đó là gì? Thưa đồng bào thân mến, các bạn đã nghiêm túc nghĩ tới điều này chưa? Nếu như xưa nay bạn chưa hề nghĩ đến, tôi đề nghị các bạn nên nghiêm túc nghĩ một chút.

Hôm nay tôi có thể nói với các bạn: trên thực tế nó cũng là nguồn gốc chung của sự đại não (tư duy) của người Trung Quốc lâu nay bị nhiễm độc, bị phá hủy nghiêm trọng dẫn đến cực kỳ ngu muội, tê liệt. Người Trung Quốc hiện nay cần tuyệt đối nghiêm túc nhận thức được nhược điểm đó: nó tuyệt đối, tuyệt đối, tuyệt đối là những “Nho kinh” mê muội; và sự lừa gạt lâu dài đối với tinh thần người Trung Quốc của Khổng tử cũng như của các nhà Nho đáng bị lịch sử khiển trách nghiêm khắc. Trong một lịch sử dài dằng dặc, những “độc dược” mạnh do bọn họ đùa dai đã khiến người Trung Quốc vĩnh viễn mắc phải căn bệnh tinh thần “duy cổ, duy thượng, duy thánh”. Đây dường như là cuộc “tổng tự sát” cuối cùng của dân tộc Trung Hoa. Chẳng lẽ người Trung Quốc trong thế kỷ 21 vẫn còn muốn tiếp tục nuốt cho trôi những “độc dược” mạnh “duy cổ, duy thượng, duy thánh” đó ư? Ngoài những đức tính đê tiện, hèn hạ, ngu muội, vô tri, tê liệt, khốn cùng, yếu đuối, sợ hãi, bị làm nhục, bị giết, v.v... và v.v... ra, rốt cuộc Khổng tử cũng như các nhà Nho đã mang cái gì lại cho dân tộc Trung Hoa? Các “nhà lịch sử”, “nhà văn học”, nhất là những người được gọi là các “nhà quốc học”, nếu có đảm lượng xin đứng ra nói đi! Chân lý mà không được tranh luận, mãi mãi không có khả năng tự minh.

Cái hiện nay chúng ta đang cần phải làm nhất là làm thế nào để đồng bào thân mến của chúng ta “thoát nghiện”, nhất là phải nghiêm chỉnh đề phòng không cho các đồng bào trẻ tuổi lại “mắc nghiện” mới; chúng ta cần phải làm cho Trung Quốc mãi mãi tách rời khỏi sự độc hại của thứ “độc dược” mạnh là bệnh tinh thần “duy cổ, duy thượng, duy thánh” của “Nho gia” và “Nho học”; chúng ta cần mang hết khả năng ra để chọn lựa và cung cấp cho đồng bào thanh niên thân ái của chúng ta – nói một cách tương đối – những “phần mềm” và “kinh điển” mới hữu hiệu hơn cho đại não; chúng ta cần cố gắng hết sức làm cho “phần cứng” đại não của tuyệt đại đa số thanh niên Trung Quốc hoàn toàn được vận hành một cách bình thường: theo đuổi, ủng hộ chân lý, giỏi và tích cực trong tư duy và trong các công tác phát hiện, phát minh và sáng tạo trên mọi lĩnh vực của bản thân, để từ đó thúc đẩy sự nghiệp vĩ đại của nền văn hóa và văn minh dân tộc Trung Hoa một cách toàn diện, với tốc độ nhanh. Chúng ta nên có chí khí, đồng thời dùng hành động thiết thực của mình mà tuyên bố với toàn thế giới: người Trung Quốc chúng ta hôm nay quyết không phải là một thằng ngốc tinh thần từ lúc mới sinh ra (giống như những người mê tín mù quáng các nhà Nho nhiều đời trước đây đều như vậy). Tôi có một dự cảm cuồng nhiệt: sau khi đã thanh trừ truyền thống tư tưởng xấu xa của Khổng tử và các nhà Nho, trong tương lai sẽ có một ngày, giống như măng mọc sau mưa, có một lượng lớn người khổng lồ tư tưởng của loài người được sinh ra trên mảnh đất Trung Quốc này.

Vì thế tôi tha thiết hy vọng nhận được sự lý giải, đồng tình và ủng hộ của mọi đồng bào, đặc biệt là đồng bào thanh niên của tôi, bởi vì rốt cuộc đó cũng là sự nghiệp vĩ đại nhất của chung dân tộc Trung Hoa chúng ta, và đó cũng là chân giá trị và chân ý nghĩa của cuộc sống chân chính của mỗi một người Trung Quốc. Nhân ngày đẹp tân xuân năm 2008, với tình cảm hào hùng tràn đầy, chúng ta hãy cùng chúc, cùng cổ vũ lẫn nhau!


Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: “中国人究竟“落后”什么,多久了?”– Hua xia kuai di ngày 12/02/2008