trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 13 / 13 bài
  1 - 13 / 13 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.3.2008
Friedrich Nietzsche
Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi!
Phạm Công Thiện dịch
 1   2   3 
 
VII.

Tôi sẽ nói thêm đôi lời nữa cho những lỗ tai ưu tú nhất: những gì tôi thực sự cần thấy phải có trong âm nhạc. Rằng âm nhạc phải phơi phới vui tươi và sâu thẳm như một buổi chiều tháng Mười (Dass sie heiter und tief ist, wie ein Nachmittag im Oktober). Rằng âm nhạc phải có cá tính, vui đùa tinh nghịch, dịu dàng, như một người đàn bà bé bỏng, ngọt ngào tràn đầy thú tính và duyên dáng (Dass sie eigen, ausgelassen, zärtlich, ein kleines süßes Weib von Niedertracht und Anmuth ist…)

Tôi không bao giờ nhận rằng một người Đức có thể biết được âm nhạc là gì. Những kẻ gọi là những nhà soạn nhạc người Đức – nhất là những nghệ sĩ vĩ đại nhất đều là người ngoại quốc: người Slaves, người Croates, người Ý Đại Lợi, người Hoà Lan hoặc người Do Thái; nếu không thế thì họ là dòng dõi người Đức thuộc chủng loại mạnh mẽ nhất, thứ chủng loại này bây giờ không còn nữa, như Heinrich Schütz, Bach, và Händel. Tôi vẫn còn đủ máu của người Ba Lan trong bản thân khả dĩ hy sinh tất cả âm nhạc còn lại cho Chopin, chỉ trừ ra ba điều, tác phẩm Siegfried Idyll của Wagner, có lẽ một vài tác phẩm của Liszt, kẻ vượt qua tất cả nhạc sĩ khác trong những âm điệu hợp tấu khúc quí phái cao cả, và sau cùng, tất cả mọi rặng núi Alpes - ở phía bên này (C.T.D.G: Nietzsche viết Ecce Homo tại thành phố Turin ở Ý Đại Lợi).

Tôi không biết phải ăn ở làm sao cho ra hồn nếu không có nhạc của Rossini, hay lại còn tệ hơn nữa, nếu không có cái thứ nhạc miền Nam mặt trời của tôi, nhạc của Pietro Gasti, bậc thầy ở Venise.

Khi tôi nói vượt qua bên kia rặng núi Alpes, thực ra tôi chỉ muốn nói Venise. Khi tôi muốn tìm một lời khác để chỉ âm nhạc, tôi vẫn chỉ tìm một lời khác để chỉ âm nhạc, tôi vẫn chỉ tìm được một tiếng thôi, đó là tiếng: Venise. Tôi không biết làm thế nào phân biệt giữa nước mắt và âm nhạc (Ich weiß keinen Unterschied zwischen Tränen und Musik zu machen) – Tôi không biết nghĩ thế nào về hạnh phúc, về miền Nam mặt trời mà không run rẩy e ngại (Ich weiß das Glück, den Süden nicht ohne Schauder, der von Furchtsamkeit zu denken) (C.T.D.G: Bản dịch chữ Pháp của Alexandre Vialatte, Ecce Homo, Gallimard, 1942, đã dịch sai hẳn ý nghĩa của đoạn này: "Je sais le bonheur de ne pouvoir songer au Midi sans un frisson de terreur", Alexandre Vialatte đã hiểu sai vì phân tích sai đoạn văn ra làm hai phần: "Ich weiss dass Glück…l, den Süden nicht ohne Schauder von Furchtsamkeit zu denken": "Je sais le bonheur…l de ne pouvoir songer an Midi sans un frisson de ter-reer", nghĩa là hiểu sai vị trí của chữ nicht trong phân đoạn hai).

Tôi đứng nơi cầu
mới rồi trong đêm nâu.
Từ xa vẳng lại tiếng ca sầu:
như một giọt vàng đổ tràn
trên mặt rung lai láng.
Những chiếc thuyền, sáng ngời, điệu nhạc -
Men say ngào ngạt bơi thả vào hoàng hôn bát ngát.
Hồn tôi một cung cầm vương tơ,
Thoáng động vô hình ca khẽ bâng quơ
Bài hát đò đưa thầm kín buông hờ
Rung rinh với tình lồng lộng mê ly muôn sắc
Còn ai kia đã lắng nghe tiếng hát?

An der Brücke stand
Jüngst ich in brauner Nacht.
Fernher kam Gesang;
Goldener Tropfen quollt
Über die zitternde Fläche weg.
Gondeln, Lichter, Musik –
Trunken schwamm in die Dämmerung hinaus…
Meine Seele, ein Saitenspiel,
Sang sich, unsichtbar berührt,
Heimlich ein Gondellied dazu,
Zitternd vor bunter Seligkeit.
Hörte jemand ihr zu?


VIII.

Trong tất cả những vấn đề này - việc lựa chọn thức ăn dinh dưỡng, nơi chốn và khí hậu, trò tiêu khiển - bản năng tự thủ nội sinh đã ban mệnh lệnh và đạt đến sự phát biểu dứt khoát nhất dưới hình thức của bản năng tự vệ. Nhắm mắt lại không nhìn nhiều sự việc, không nghe nhiều sự việc, không để cho nhiều sự việc chạy trờ đến bên mình – đó là hiệu lệnh đầu tiên cho mình thấy rằng mình không phải chỉ là cớ sự ngẫu nhiên mà là một sự tất yếu có tính cách định phận (Vieles nicht sehn, nicht hören, nicht an sich herrankommen lassen – erste Klugheit, erster Beweis dafür, dass man kein Zufall, sondern eine Nezessität ist). Chữ thông thường để gọi bản năng tự vệ này là thị hiếu. Nó ra lệnh chúng ta chẳng những chỉ nói không khi mà tiếng vẫn được vẻ "vô vị kỷ" mà còn ra lệnh cho chúng ta nói không càng ít càng tốt. Tự tách rời mình, tự cách mình ra khỏi mọi việc khả dĩ khiến mình phải cần tiếp tục nói không. Sở dĩ thế là vì những hoang phí năng lực để tự vệ, dù nhỏ nhoi đi nữa, cũng trở thành lề luật và thói quen, đưa đến việc nghèo nàn dị thường, hoàn toàn thừa thãi. Những tiêu phí năng lực lớn lao của chúng ta đều gồm toàn những sự tiêu phí bé nhỏ thường trực (Unsre grossen Ausgaben sind die häufigsten kleinen). Cầm cự lại, không để cho những sự việc trờ tới gần, khiến cho mình phải tiêu phí, đừng ai phải chịu tự lường gạt về điểm này – năng lực hoang phí vào những mục đích tiêu cực. Chỉ vì nhu cầu đòi hỏi thường xuyên phải cầm cự xua đuổi tránh né, cho nên mình có thể trở nên yếu đuối và không còn khả năng tự bảo vệ nữa.

Ví như lúc bước ra khỏi nhà, thay vì tìm thấy thành phố Turin tĩnh lặng quí phái, tôi lại gặp một thành phố Đức bé nhỏ: bản năng tôi bắt tôi phải ngăn rào tự thủ xô đẩy mọi sự ào tới tấn công do cái thế giới ma sát, nhạt nhẽo, hèn nhát. Hoặc là tôi gặp một thành phố lớn Đức – cái thứ dâm uế được xây dựng bằng đá mà không có gì có thể mọc lên được mà tất cả mọi sự, tốt hoặc xấu, đều loại nhập cảng. Có phải điều này đã bức ép tôi phải trở thành một con nhím?

Song có lông nhím quả là phung phí, khi mình có thể chọn lựa việc không có lông nhím mà được hai bàn tay mở rộng ra thì đó là một xa xỉ gấp đôi.

Xin cho một lời khuyên dè dặt khôn ngoan tự vệ nữa: hãy phản ứng lại càng ít càng tốt, và tránh hết những hoàn cảnh và những mối tương hệ khả dĩ đày đọa mình phải treo ngưng niềm "tự do" của mình và sự sáng kiến của mình để chỉ trở thành một thứ phản ứng, chỉ phản ứng thôi (Eine andre Klugheit und Selbstverteidigung besteht darin dass man so selten als möglich reagiert und, dass man sich Lagen und Beziehungen entzieht wo man verurteilt waere, seine "Freiheit", seine Initiative gleichsam auszuhängen und ein blosses Reagens zu werden). Xin trưng dẫn thí dụ về việc liên hệ với sách vở. Ngày nay, những vị học giả chẳng làm ra gì ngay từ căn bản, chỉ dở sách, bao nhiêu quyển sách - chẳng hạn những nhà ngôn ngữ học cỡ hạng trung bình, cũng dở đến hai trăm quyển mỗi ngày – đáo cùng rồi phải đánh mất hết mọi khả năng suy tư độc đáo, tự mình suy nghĩ sự việc cho mình (verliert zuletzt ganz und gar das Vermoegen, von sich aus zu denken). Khi họ không mó sách thì họ không suy nghĩ gì ráo (Waelzt er nicht, so denkt er nicht). Mỗi khi họ suy nghĩ họ chỉ ứng đáp lại một kích thích tố, một tư tưởng mà họ đã học (Er antwotet auf einen Reiz (einen gelesenen Gedanken), wenn er denkt ) – sau cùng rồi, họ chẳng làm gì ra hồn cả, ngoài ra cái việc phản ứng lại thôi (er reagiert zuletzt bloss noch). Những nhà học giả tiêu phí hết mọi tinh lực họ để nói không, để phê bình chỉ trích những gì người khác đã nghĩ – chính họ, họ không còn suy nghĩ gì nữa (Der Gelehrte gibt seine ganz Kraft im Ja–und Neinsagen, in der Kritik von bereits Gedachtem ab - er selber denkt nicht mehr…).

Bản năng tự vệ đã trở thành mòn lụn trong họ rồi; nếu không thế thì họ phải chống lại những quyển sách. Hạng học giả - một hạng sa đọa (Der Instinkt der Selbstverteidigung ist bei ihm mürbe geworden; im anderen Falle würde er sich gegen Bücher wehren). Tôi đã trông thấy tận mắt: những kẻ có những bản chất thông minh thiên bẩm, rộng lòng, tự do, khoảng ba mươi tuổi mà đời đã tan hoang vì đọc sách – họ chỉ là những cây diêm quẹt mà mình cần phải đánh lửa thì lửa mới toé ra được – "những tư tưởng" đấy mà. (Das habe ich mit Augen gesehn: begabte, reich und frei angelegte Naturen schon in den dreissiger Jahren "zuschanden gelesen", bloss noch Streichhölzer, die man reiben muss, damit sie Funken – "Gedanken" geben).

Sáng sớm tinh mơ, lúc bình minh bùng vỡ, khi tất cả mọi sự đều tươi mát, nằm trong triều dương của sức mạnh mình, - thế mà đi đọc một quyển sách trong lúc như vậy thì đó chỉ là tồi bại quá đi thôi (Frühmorgens beim Anbruch des Tags, in aller Frische, in der Morgenröte seiner Kraft, ein Buch lesen – das nenne ich lasterhaft!...)


IX.

Nơi điểm này câu trả lời thực sự cho câu hỏi, làm thế nào mình trở thành chính mình (wie man wird, was man ist), chúng ta không thể nào tránh được câu trả lời này. Và như vậy tôi đụng vào kiệt tác của ngón nghệ thuật nội thủ tự thân – của tính ích kỷ (und damit berühre ich das Meisterstück in der Kunst der Selbsterhaltung – der Selbst – sucht…)

Vì chúng ta hãy thử cho rằng sứ mạng, định phận của sứ mạng vượt qua mức bình thường quá độ: trong trường hợp này, không có gì có thể nguy hiểm hơn là bắt gặp tự thân mình với sứ mạng này (…so würde keine Gefahr groesser sein, als sich selbst mit dieser Aufgabe zu Gesicht zu bekommen). Trở thành chính mình thì mình không nên có ý niệm gì hết về bản tính mình (Dass man wird, was man ist, setzt voraus, dass man nicht im entferntesten ahnt, was man ist). Đứng từ quan điểm này ngay cả những lỗi lầm của đời sống cũng có ý nghĩa riêng và giá trị riêng của nó (Aus diesem Gesichtspunkte haben selbst die Fehlgriffe des Lebens ihren eignen Sinn und Wert) - những con đường quanh nhất thời, những con đường lộn, những trì hoãn, "những sự khiêm tốn", tinh thần trang trọng nghiêm nghị hoang phí với những bổn phận xa rời hẳn sứ mạng chính yếu (die zeitweiligen Nebenwege und Abwege, die Verzögerungen, die "Bescheidenheiten", der Ernst, auf Aufgaben verschwendet, die jenseits der Aufgabe liegen). Tất cả những điều này đều có thể phát biểu một sự dè dặt vĩ đại, cả sự dè dặt tối cao: ở đây nosce te ipsum (tự tri) quả là phương cách để xuống dốc (Untergang) tự quên, tự ngộ nhận, tự biến mình trở nên nhỏ nhoi hơn, hẹp hòi hơn, tầm thường hơn, trở thành chính lý trí (wird Sich-Vergessen, Sich-Missverstehn, Sich-Verkleinern, -Verengern, -Vermittelmässigen zur Vernunft selber). Nói theo điệu luân lý: tình thương lân cận, sống vì người khác, và những sự việc khác có thể là một cách che chở gìn giữ mối ưu tư tự thân cứng rắn nhất. Trường hợp ở đây ngoại lệ, đi ngược lại thói quen và sở kiến của tôi, tôi lại đứng về phe của những mối xung động có tính cách "vô vị kỷ": ở đây chúng phụng sự cho lòng tự luyến, tự kỷ (Selbstsucht, Selbstzucht).

Trọn vẹn bề mặt của ý thức – ý thức là một bề mặt (Bewusstsein ist eine Oberflaeche) – phải được giữ khỏi hẳn tất cả mọi mệnh lệnh vĩ đại! (Vorsicht selbst vor jedem grossen Worte, jeder grossen Attituede!) Hãy đề phòng mọi lời nói vĩ đại, mọi dáng điệu vĩ đại! Ồ bao nhiêu là nguy cơ hiểm họa khi mà bản năng lại "tự hiểu" quá sớm – trong khi đó "ý tưởng" điều hợp định phận để thống trị lại tiếp tục nảy nở phát triển sâu thẳm tận ở dưới – nó bắt đầu chỉ huy, dần dần chầm chậm nó dẫn chứng chúng ta trở về lại từ những con đường quanh, những nẻo lộn; nó chuẩn bị những phẩm tính và những khả năng ứng nhịp độc điệu để một ngày kia sẽ tỏ ra cần thiết như một phương tiện để hướng tới một toàn thể - lần lượt nó tôi luyện tất cả mọi khả năng phụng sự trước khi phơi bày gợi ý về sứ mạng chủ động "mục đích", "tiêu đích" hoặc "ý nghĩa" (bevor sie irgend etwas von der dominierenen Aufgabe, von "Ziel", "Zweck", "Sinn" verlauten laesst).

Được nhìn theo điệu này thì cuộc đời tôi quả là tuyệt vời. Đối với sứ mạng làm một cuộc đảo giá mọi giá trị (Zur Aufgabe einer Umwertung der Werte) thì cần có nhiều khả năng thấy được trong một cá thể đơn độc, - trước hết, ngay cả những khả năng đối nghịch cũng được giữ cho khỏi quấy rầy, tàn phá tiêu diệt lẫn nhau. Một sự trật tự về phẩm hạng trong những khả năng này; một khoảng cách mà không phải va chạm đối nghịch lẫn nhau; không trộn lẫn, không "giải hoà" cái gì cả; một đa dạng tính vĩ đại mà vẫn là sự đối nghịch với lại sự hỗn mang – đây là điều kiện tiên khởi, động tác bí mật lâu dài và ngón diệu thuật của bản năng tôi (Rangordnung der Vermoegen; Distanz Kunst zu trennen, ohne zu verfeinden; nichts vermischen, nichts "versoehnen"; eine ungeheure Vielheit, die trotzdem das Gegenstueck des Chaos ist, die war die Vorbedingung, die lange geheime Arbeit und Kuenstlerschaft meines Instinkts). Sự bảo tồn tối cao của nó đã được tự thể hiện tới cao độ đến nỗi tôi không bao giờ ngờ được những gì đã sinh sôi nảy nở trong tôi – và thế rồi một hôm tất cả những khả năng của tôi, đột nhiên chín vàng, vụt phóng nhảy ra trong sự vẹn toàn tối thượng của chúng (dass alle meine Faehigkeiten ploetzllich reif, in ihrer letzten Vollkommenheit eines Tags hervorsprangen). Tôi không thể nhớ được rằng tôi đã từng cố gắng nhọc nhằn bao giờ cả (Es fehlt in meiner Erinnerung, dass ich mich je bemueht haette) – không có dấu vết cầm cự, tranh đấu, gắng sức nào có thể lộ nét trong tôi (es ist kein Zug von Ringen in meinem Leben nachweisbar); tôi là sự đối nghịch lại thứ bản tính anh hùng (ich bin der Gegensatz einer heroischen Natur). "Muốn" một cái gì đó, "cố sức" để được cái gì đó, một "ý muốn" nào đó – tôi hoàn toàn chẳng có kinh nghiệm nào cả về thứ này (Etwas "wollen", nach etwas "streben", einen "Zweck", einen "Wunsch" im Auge haben – das kenne ich alles nicht aus Erfahrung). Ngay chính giây phút này, tôi vẫn nhìn về tương lai tôi – một tương lai thênh thang! – như nhìn về trùng khơi im lặng: không có một dợn sóng dục vọng (Noch in diesem Augenblick sehe ich auf meine Zukunft – eine weite Zukunft! – wie auf ein glattes Meer hinaus: kein Verlangen kraeuselt sich auf ihm) Tôi hoàn toàn không muốn bất cứ cái gì phải xảy ra khác đi hiện trạng của nó, chính tôi, tôi cũng không muốn trở lên khác đi (Ich will nicht im geringsten, dass etwas andres wird als es ist; ich selber will nicht anders werden…).

Đấy tôi vẫn luôn sống như thế đấy. Tôi không có những ước muốn nào cả (Ich habe keinen Wunsch gehabt). Một người bốn mươi bốn tuổi mà còn có thể nói rằng không bao giờ đeo đuổi danh vọng, đàn bà và tiền bạc! (Jemand, der nach seinem vierundvierzigsten Jahre sagen kann, dass er sich nie um Ehren um Weiber, um Geld bemueht hat!)

Như vậy đấy, thế rồi một hôm, chẳng hạn, tôi lại thấy mình là giáo sư đại học – cái ý tưởng ấy không hề thoáng qua trí tôi, vì lúc ấy tôi chưa đầy hai mươi bốn tuổi. Thế rồi hai năm trước ấy, một hôm, tôi bỗng thấy mình là một nhà bác ngữ học – tôi muốn đề cập tới bài luận đầu tiên về bác ngữ học, bước đầu của tôi trong mọi ý nghĩa, được thầy tôi cụ Ritschl, yêu cầu cho đăng trong tờ Rheinisches Museum của ông. (Tôi xin nói với tất cả trang trọng tôn kính, cụ Ritschl là học giả duy nhất có thiên tài mà tôi được gặp cho đến nay. Cụ có đặc tính suy đồi khả ái nói lên sự đặc thù của người vùng Thueringen và làm cho cả người Đức có vẻ gợi cảm: ngay cả việc đạt tới chân lý thì chúng ta vẫn thích trọn những con đường lén, kín, lẩn lút (wir ziehn selbst, um zur Wahrheit zu gelangen, noch die Schleichwege vor). Những lời lẽ này tôi không có ý định hạ thấp kẻ đồng hương của tôi, ông Leopold von Ranke, kẻ tinh khôn…).


X.

Người ta sẽ hỏi tôi tại sao tôi lại kể lể dài dòng tất cả những việc nhỏ bé này, những điều thường được coi như những vấn đề không ăn nhập gì vào đâu cả: tôi chỉ làm phương hại mình thôi, càng hại hơn nữa nếu tôi được sinh ra để biểu hiện những sứ mạng vĩ đại. Xin trả lời: những việc bé nhỏ này – thức ăn, nơi chốn, khí hậu, sự giải trí, trọn vẹn ngón quỉ biện về tính ích kỷ - thực ra quan trọng gấp trăm ngàn lần tất cả mọi sự mà người đời thường cho là quan trọng. Chính nơi điểm này mình bắt đầu phải học lại. Những gì nhân loại từ trước tới giờ thường cho là nghiêm trọng thực ra không phải là những thực tại mà chỉ là những vọng tưởng (Hier gerade muss man anfangen, umzulernen. Das, was die Menschheit bisher ernsthaft erwogen hat, sind nicht einmal Realitaeten, blosse Einbildungen) nói cho nghiêm mật hơn, đó là những sự láo khoét mà những bản năng xấu bệnh hoạn đã gợi tạo ra, chúng quả là tai hại hết sức – tất cả nhưng ý niệm như "Thượng đế" "linh hồn" "đức hạnh" "cõi trên" "chân lý" "đời sống vĩnh cửu" – thế mà sự vĩ đại của bản tính con người, tinh cách "thần thánh"của bản tính ấy. Tất cả những vấn đề chính trị, của tổ chức xã hội và của giáo dục lại bị xuyên tạc trọn vẹn chỉ vì người ta đã nhìn sai coi trọng những người tai hại nhất như những vĩ nhân – vì người ta chỉ quen học khinh bỉ những sự việc "bé nhỏ" tức là những mối bận tâm căn bản của chính đời sống (Alle Fragen der Politik, der Gesellschafts-Ordnung, der Erziehung sind dadurch bis in Grund und Boden gefaelscht, dass man die schaedlichsten Menschen für grosse Menschen nahm – dass man die "kleinen" Dinge, will sagen die Grundangelegenheiten des Lebens selber, verachten lehrte…).

Khi tôi so sánh với những hạng người thường được thiên hạ trọng vọng như những người đệ nhất thì sự sai biệt quả rõ ràng. Tôi không hề xem những kẻ gọi là "đệ nhất" này thuộc vào loài người nữa: đối với tôi họ chỉ là phế vật vô dụng cặn bã của nhân loại, những quái vật bệnh hoạn, những bản năng thích trả thù; họ vô nhân đạo, tàn phá tai hại, vô phương cứu chữa ngay tận đáy, tự trả hận thù lên trên đời sống.

Tôi muốn đối nghịch hẳn với họ: ưu thế của tôi là có được tính nhạy cảm tế nhị nhất đối với tất cả dấu hiệu phô bày những bản năng lành mạnh. Không có vết bệnh hoạn nào trong người tôi; ngay cả những thời kỳ đau bệnh nặng nề tôi vẫn không bao giờ trở nên có tâm hồn bệnh hoạn; không ai có thể tìm ra được nét cuồng tín nào trong tính tình tôi. Không có một giây phút nào trong đời sống tôi mà người ta có thể chỉ cho tôi thấy rằng tôi làm dáng kênh kiệu kệch cỡm. Cái thứ làm dáng, làm điệu cải lương không thuộc vào tính chất cao cả; bất cứ kẻ nào thấy cần làm dáng thì đều giả nguỵ. Hãy đề phòng với tất cả mọi hạng người mỹ lệ! (Man wird mir aus keinem Augenblick meines Lebens irgendeine anmaassliche und pathetische Haltung nachweisen koennen. Das Pathos der Attituede gehoert nicht zur groesse; wer Attituenden überhaupt noetig hat, ist falsch… Vorsicht vor allen pittoresken Menschen!)

Đối với tôi, cuộc đời rất dễ sống – dễ sống nhất cả những lúc nó đòi hỏi những yêu sách gian nan nhất. Trong bảy mươi ngày mùa thu năm nay, liên tục không ngừng nghỉ, tôi đã làm một số việc thượng đẳng mà không ai làm nổi như vậy sau tôi – hoặc ép buộc tôi phải làm – với một trách nhiệm nặng nề cho tất cả những thế kỷ sau tôi, bất cứ kẻ nào gặp tôi trong những ngày ấy không hề nhận thấy bất cứ dấu vết căng thẳng nào trong tôi, mà chỉ thấy một sự tươi mát vui tươi tràn trề. Tôi chưa bao giờ ăn uống ngon như vậy, chưa bao giờ ngủ ngon như vậy.

Tôi không biết phương cách nào khác để đối trị với những sứ mệnh vĩ đại ngoài ra sự đùa chơi (Ich kenne keine andre Art, mit grossen Aufgaben zu verkehren als das SPIEL): như một dấu hiệu của sự vĩ đại cao cả, đây là điều tiền lập chính yếu (dies ist, als Anzeichen der Groesse, eine wesentliche Voraussetzung). Chỉ có mảy may bức bách căng thẳng xung động tâm thức, một nét mặt thê thảm u sầu hoặc một giọng nói gay gắt khăng khăng nơi cổ họng cũng đều là những điều phản đối lại một con người, huống chi là đối với tác phẩm của hắn! – Mình không nên để cho động thần kinh. Đau đớn vì cô độc cũng là một sự phản đối nữa. Tôi chỉ đau đớn vì "đám đông" thôi (Der geringste Zwang, die duestre Miene, irgendein harter Ton im Halse sind alles Einwaendegegen einen Menschen, um wieviel mehr gegen sein Werke!… Man darf keine Nerven haben… Auch an der Einsamkeit leiden ist Einwand – ich habe immer nur an der "Vielsamkeit" gelitten).

Ngay từ quá bé nhỏ non dại, lúc bảy tuổi, tôi cũng thừa biết rõ rằng không có lời nói nào của con người có thể lọt vào đôi tai được: có ai thấy tôi từng đau buồn về việc ấy không? (In einer absurd fruenhen Zeit, mit sieben Jahren, wusste ich bereits, dass mich nie ein menschliches Wort erreichen würde: hat man mich je darüber betruebt gesehn?).

Cho mãi đến hôm nay tôi vẫn giữ hoà khí đồng đều với tất cả mọi người; ngay cả đối với hạng người thấp hèn nhất, tôi cũng đối đãi với họ đầy kính cẩn đặc biệt: trong cả mọi trường hợp này hoàn toàn không có một tí vênh váo nào hoặc khinh khỉnh kín đáo cả. Nếu tôi khinh bỉ một người nào thì hắn đoán biết rằng tôi khinh bỉ hắn: chỉ có sự hiện hữu của tôi thôi cũng đủ để tôi lăng nhục tất cả mọi sự có máu xấu trong mạch máu chúng.

Phương trình cho sự vĩ đại cao cả trong một con người là AMOR FATI (Yêu Thương Định Phận): rằng mình không muốn cái gì đổi khác đi cả, ở đằng trước, đằng sau, và cả thiên thu vạn đại. Chẳng những chịu đựng những gì cần thiết tất yếu, mà lại còn không giấu giếm chúng – tất cả chữ nghĩa tinh thần lý tưởng đều là láo khoét giả dối đối diện với những gì tất yếu, cần thiết – chẳng những chịu đựng thôi mà còn yêu thương những gì cần thiết, tất mệnh (Meine Formel für die Groesse am Menschen ist amor fati: dass man nichts anders haben will, vorwaerts nicht, rueckwaerts nicht, in alle Ewigkeit nicht. Das Notwendige nicht bloss ertragen, noch weniger verhehlen – alle Idealismus ist Vorlogenheit vor dem Notwendigen –, sondern es lieben…)


Chú ý

Quyển Ecce Homo của Nietzsche gồm có 4 chương, tôi chỉ dịch và cho xuất bản trước 2 chương đầu, còn 2 chương cuối thì xin bỏ lửng, vì những lý do sau đây:
  1. Lý do kỹ thuật (nhà in đã mất gần nửa năm để in 2 chương đầu, vì dịch giả bị bệnh liên miên, bệnh tưởng tượng)
  2. Lý do kiểm duyệt (ban kiểm duyệt nhà nước có đầu óc "rộng rộng" một chút thì chỉ cho phép xuất bản 2 chương đầu là nhiều)
  3. Lý do tôn giáo (hai chương sau, Nietzsche đã tàn phá Thiên Chúa Giáo một cách quyết liệt nhất; trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, người ta thường tặng cho nhau những ly nước đường thực ngọt, nhất là giữa hai tôn giáo lớn. Nếu có ai chìa ra ly thuốc đắng thì kẻ ấy sẽ bị hành hình như Socrate, kẻ bị kết án "phá hoại những thần thánh cũ và phun nọc độc cho thanh niên"!)
  4. Lý do nội dung (hai chương sau chỉ có ý nghĩa thực sự là khi nào người ta đủ sức chịu đựng hai chương đầu và hiểu được Nietzsche là một thứ sấm sét chẻ đôi trái đất)
P.C.T
Sài Gòn ngày 14.IV.1970


Phụ lục
Tôi là ai?

Làm thế nào trở thành chính mình?

Viết để dội ngược lại với Ecce Homo của Nietzsche.

"Như ngôi sao, như hoa mắt, như ngọn đèn, như huyễn thuật, như giọt sương, như bong bóng, như giấc mộng, như tia chớp, như làn mây, những gì bị tạo tác trở thành đều phải được nhìn thấy như thế".

(Bài kệ của Kinh Sấm Chẻ)

Lời mở đầu

…Những gì quan trọng nhất của tôi thường nằm ở phần gọi là Phụ lục. Khi tôi dịch Krishnamurti, kẻ nào tinh ranh sẽ thấy rằng gần 700 trang của quyển Tự do đầu tiên và cuối cùng chỉ có non 20 trang cuối cùng (tái bútcảm tạ) do chính tôi viết mới là phần quan trọng nhất của toàn thể quyển sách: những gì Krishnamurti nói gần 700 trang ở trước chỉ là một thứ nhạc đệm cho 20 trang cuối cùng, chỉ những gì tôi nói về Krishnamurti mới quan trọng, còn những gì do Krishnamurti nói chỉ quan trọng cho chính Krishnamurti. Đối với quyển Về thể tính của chân lý (bản dịch quyển Vom Wesen der Wahrheit của Heidegger) cũng thế, non 30 trang do tôi viết giới thiệu ở đầu bản dịch có ý nghĩa gấp trăm lần hơn chính bản dịch (và bản dịch lại quan trọng hơn nguyên tác, những lầm lẫn của bản dịch là những bước lang thang cố ý trong tinh thần giao tranh với Heidegger qua chính ý thức của Heidegger trong tập Vom Wesen der Wahrheit: "Lầm lạc là nghịch thể tính chính yếu, das wesentlich Gegenwesen, của thể tính uyên nguyên của chân lý. Nó khai mở ra tấn kịch hiển hiện cho tất cả sự vận hành nghịch lưu, Widerspiel, với chân lý nguyên tính, Die Irre ist das wesentliche Gegenwesen zum anfaenglichen Wesen der Wahrheit. Die Irre oeffnet sich als das Offene für jegliches Widerspiel zur wesentlichen Wahrheit". (Xin đọc quyển Về thể tính của chân lý, Hoàng Đông Phương xuất bản, 1968, trang 83-84). Bản dịch chữ Việt: "Triết lý là gì?" (tức tập Was ist das - die Philosophie? của Heidegger) cũng là một cách giao tranh với Heidegger: tiếng nói Việt Nam đã nhảy lên đầu tiếng Đức, đưa tư tưởng Heidegger đối đầu với lời chú giải của Khổng Tử về hào Cửu Ngũ của quẻ Kiều trong Kinh Dịch: "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thuỷ lưu thấp, hoả tựu táo, vân tùng tong, phong tùng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ, bản hồ thiên giả thân thượng, bản hồ địa giả thân hạ, tắc các tùng kỳ loại dã". Có mấy người hiểu tôi muốn làm gì? Chỉ toàn một lũ lưu manh ranh con chờ chực để ăn mày lửa của tôi?

Bây giờ dịch quyển Ecce Homo của Nietzsche ở đây, tôi lại viết thêm Phụ lục ở đây. Chính phần Phụ lục này mới đáng là phần chính của quyển này. Nietzsche đã dạy tôi những gì? Một chút thiên đàng? Một chút hoả ngục? Một chút lạnh lùng? Một chút khí lạnh trên cao? Nietzsche không dạy cho tôi gì cả. Đó là bài học lớn nhất của một người gửi một người.

Sài Gòn ngày 14.IV.1970


T.B. Tôi xin tặng phần Phụ lục này cho thi sĩ Huy Tưởng, người đã cung cấp giấy trắng cho tôi viết. Như thế cũng đã nói nhiều?


…Nhìn tới, nhìn lui, thấy toàn một vườn hồ đào trải dài suốt một đời người. Cụm tòng khuấy động những bóng thân mật của tuổi thơ; tuổi trẻ loé lên như một nhát búa đập vào đá, như tiếng sấm chẻ đôi.

Trời tháng Tư Việt Nam thổi nhẹ những luồng gió kín đáo, đã gần hai mươi chín tuổi. Vào tuổi này, Novalis đã chết rồi; Keats đã chết lúc vào lúc hai mươi sáu tuổi. Và Sandor Petofi, và Raymond Radiguet và cả James Dean, thần tượng một thời, nạn nhân của thời trang, nhưng chủ nhân của vĩnh cửu với cái chết lúc vừa hai mươi bốn tuổi: ai còn nhớ lại điếu thuốc của James Dean một buổi chiều cháy ướt dưới mưa?

Khói thuốc kia đã bay vào phòng buổi sáng này. Nhìn tới, nhìn lui, chỉ đầy chiêm bao mộng mị.

O saisons, ô chateaux,

Quelle âme est sans défauts?

Nhưng tôi có hề gì? Bắt chước Nietzsche, tôi muốn nói: "Tôi là cái quái gì?". Tôi có là tôi hay tôi không có là tôi thì khói thuốc vẫn bay vào phòng này sáng nay. Hai mươi chín năm có mặt ở nơi này để vui, để buồn, ca, khóc, đi lên và đi xuống. Khi vừa bắt đầu biết sống thì cuộc đời đã kiệt quệ. Nhưng biết sống là thế nào? Sự vĩ đại của đời tôi là không bao giờ biết sống cho đàng hoàng; sự quí phái của đời tôi là không bao giờ tìm ra mình, không bao giờ biết mình là ai và không bao giờ biết mình muốn gì, mặc dù tôi vẫn nói về tôi, nói mãi về tôi, tôi, tôi của chiêm bao và tôi của đôi mắt nhắm lại, tôi của địa ngục và của tình yêu, từ lâu đài này đến lâu đài khác, d’un château à l’autre


Tại sao tôi ngang tàng như thế?

"Như mộng hoạn bào ảnh"

1.

Điều đầu tiên: không muốn được người ta hiểu mình. Kẻ lăng nhục mình nhất là người tự nhận hiểu mình. Mong người khác hiểu mình là căn bệnh trầm trọng của kẻ đi xuống. Ảo tưởng đáng tởm nhất: đi tìm xem mình là ai. Chỉ có những người ngu xuẩn mới hỏi: Tôi là ai?

Tiếp theo là sự sa đọa lớn lao khác của những kẻ vênh vênh tự la lớn rằng: tôi không là gì cả. Và họ hãnh diện với câu nói, rồi chết với một cái gì chưa kịp hiện trên đôi mắt con cá.

Làm thế nào để trở thành mình? Goethe, Nietsche và Kierkegaard đều hỏi như thế: ba tên cá thể cuối cùng. Làm thế nào đi nữa thì cũng là thế; khi hiểu được như vậy thì yêu thương định phận của mình, amor fati. Sự yêu thương đã chính là định phận.

Tôi không bao giờ biết yêu thương tôi, tôi không bao giờ tự hỏi: làm thế nào để trở thành mình? Tôi đã trở thành. Mọi sự đều di động. Làm thế nào để trở thành sự chết? Câu hỏi vô nghĩa như cái chết. Tự tri, tự hiểu mình, tự biết mình: sự sa lầy của chính Socrate và Krishnamurti. Hiểu người khác, biết cái khác: nhận ra tôi ở nơi người khác: Hemingway tự tử và Hegel tự diệt qua sự nên ngôi của một vài cái tựa (Vorrede) và một vài chương cuối của quyển Phaenomenologie des Geites và Wissenschaft der Logik.

2.

Tôi là thế này, thế này: hậu quả của câu hỏi Tôi là ai?

Tưởng mình đạt đạo, tưởng mình sinh ra để đòi làm anh hùng dân tộc, để cứu tinh nhân loại, làm đạo sư, làm thầy thiên hạ: ngu xuẩn không thể chịu đựng nổi. Đi bênh vực cho kẻ yếu, tranh đấu cho sự thật: sự láo khoét cuối cùng của bộ óc hư hỏng. "Dấn thân": con nít.

Tự nhận mình là thiên tài: trẻ con. Còn kẻ tự nhận rằng mình không thích làm thiên tài thì lưu manh không thể chịu đựng nổi.

Luôn luôn trang nghiêm, đứng đắn, khả kính, chỉ lên tiếng lúc cần lên tiếng, chỉ có mặt lúc cần có mặt, chỉ viết những gì cần viết: đó là "thích làm dáng" mà lại nói kẻ khác "làm dáng".

Bọn "làm văn nghệ" ở Việt Nam thích viết những dòng chữ như "nghĩ về…", "hiện tượng", "sinh hoạt…", "ý thức tiến bộ", vân vân. Bọn chúng viết văn rất tự mãn hay bất mãn một cách có tổ chức, luôn sẵn sàng phê bình, nhận xét, kiểm điểm, chỉ định, phản ứng kịp thời, cái lũ ranh con làm phê bình gia đầy rẫy trong những tạp chí như Khởi hành, Bách khoa, Văn học, vân vân, mà kiến thức được giới hạn bởi nhà sách Việt Bằng Xuân Thu. Trong tay chúng luôn có những tờ Express, Figaro littéraireNuovelles littéraires, thỉnh thoảng dở những tập Critique, Les lettres nouvelles, La Table Ronde, EspritPlanète…

Samuel Beckett vừa mới bị trúng giải Noel thì chúng đã viết bài sẵn sàng tán dương, một cách vội vã hợp thời, như cổng chuồng vừa mở thì mấy con heo vụt chạy ra và ăn cám.

Đó là hạng thanh niên trí thức mới, luôn luôn ăn những thứ cám mang tên là "cơ cấu luận", "hiện tượng luận", "tiểu thuyết mới", "phê bình và chống phê bình", "Jean-Paul-Sartre và Roger Caillois", vân vân. Họ thường ngồi ở Pagode, vừa mới tốt nghiệp triết học ở đại học Đà Lạt hoặc ở đại học văn khoa Sài Gòn, thích uống cà phê bỏ đường nhiều và hút bastos xanh, viết một câu chữ Pháp chưa nên thân mà hay bi bô một tràng Pháp văn rất littéraire, rất thông thạo về "sinh hoạt hiện tình văn nghệ miền Nam" hay lên giọng bao dung lễ độ một cách hài hước. Chốc chốc họ lại làm điệu Lão Tử: "tôi không đọc sách gì hết". Đó là cái hạng thanh niên khoảng chừng hai mươi đến 35 hoặc 36-37 tuổi. Còn hạng bốn mươi trở lên thích nói đến Nguyễn Du và dân tộc tính, hạng này có kinh nghiệm với mác-xít và rất lấy làm vênh vênh tự mãn khi vung tay chối bỏ quá khứ hoặc để cho khỏi mang danh "phản động" thì cũng xìa ra đôi lý luận rất quốc hồn, quốc túy, rất xã hội, cộng đồng, quần chúng tiến bộ.

Còn hạng thanh niên loai choai từ 16 tuổi cho đến 25 tuổi thì đều tưởng là "thiên tài độc nhất của nhân loại". Cái gì cũng thích chửi rủa, đập phá; cái gì cũng tự nhận là số một, rất sung sướng khi được bạn bè gọi là "nghệ sĩ", "thằng sống bất cần đời", "ngang tàng oanh liệt". Họ sung sướng tự nhận là "đồ đệ của Phạm Công Thiện"!

Nhưng tôi muốn hỏi các ngài: các ngài có đủ sức chịu đựng sự lố bịch của các ngài không? Tôi báo cho các ngài biết: càng cố gắng tỏ ra lố bịch, bất cần đời thì các ngài càng sợ lố bịch và rất cần đời. Đây là một lời nói lố bịch nhất mà tôi muốn tặng cho các ngài:

"Xin các ngài đứng ngó ra ngoài!"

3.

Có một hạng công chức về hưu hay đọc Krishnamurti, Thiền tông, Đạo Đức kinhNam Hoa kinh. Họ ăn nói như là những cụ đạo sĩ đắc đạo. Ngồi nghe họ nói chuyện một giây thôi, tôi cũng đủ hộc máu mà chết. Họ thường nói như con gà trống: đừng đi tìm gì cả, đừng chấp gì cả, Phật hay Chúa gì cũng ở tại tâm, đời sống rất giản dị, không có vấn đề gì cả.

Họ thích nói chữ "chấp". Tôi nghe đến chữ ấy thì muốn bạo động và đạp cho họ một đạp cho rơi xuống hố. "Kẻ nào ngã té thì xô cho nó té luôn" (Nietzsche nói thế ?)

4.

Còn cái hạng thanh niên trí thức anh hùng thì thích nói đến Nietzche, cái gì cũng Nietzche và Rimbaud! Lén lọt được vào phòng họ thì mình đã thấy họ treo hoặc dán hình Nietzche ngay tường. Rồi lại Beethoven! Khi nhìn thấy họ ngồi nghe nhạc Beethoven và thấy họ vung tay đánh nhịp "một cách đã đời" thì mình phải mở cửa vào phòng WC gấp.

"Phải cứng rắn, phải đau đớn, tàn bạo, vượt lên mọi tầm thường, vượt lên mọi nhảm nhí", họ thích nghĩ và họ thích nói như vậy.

Họ lại cũng nói rất tài về Henry Miller, Dostoievsky, vân vân. Và mỗi khi đọc những tác giả ấy, họ lấy thước gạch thật ngay, thật thẳng dưới những hàng chữ. Và nếu có viết bài đăng báo nào thì những hàng chú thích dưới trang luôn luôn ghi rõ tên sách, tên nhà xuất bản, chỗ và năm xuất bản, số trang.

5.

Còn cái hạng "làm cách mạng tiến bộ" thì lại hay dùng tính từ "tích cực". Họ gọi Krishnamurti là "nhảm nhí", "không giải quyết gì cả". Ồ, muốn giải quyết à ? Cứ đi vào nhà điếm!

Đối với hạng người ấy, mình có thể gặp rất nhiều chữ sau đây: "thực tại", "thực tế", "hoàn cảnh", "xã hội", "xây dựng", "đi lên", "tập thể", "lý tưởng", "ái quốc", "con người", "nhân bản", "giá trị", "giải quyết", "thiết thực", "đích thực", "hiện thực", vân vân.

6.

Rồi lại có những tên "làm văn nghệ có ý thức" lại học đòi André Malraux. Họ viết truyện ngắn, truyện dài đầy sự thức tỉnh, "làm lịch sử", đầy cái không khí về chiều của quán rượu Paris cùng những ván cờ trầm ngâm trong quán cà phê! Nhân vật của họ thích nói "Merde"! Lâu lâu lại có dẫn thêm vài câu thơ chữ Pháp rất siêu thực. Rồi lại dẫn câu thơ của René Char.

Họ rất đăm chiêu nghệ thuật. Luôn luôn muốn có cái nhìn rất tỉnh thức và sáng suốt lạnh lùng. Họ rất khôn ngoan, không dại dột hoà lẫn với bất cứ ai, không dại dột để tên tuổi trộn lẫn ở một nơi nào bất ngờ. Cái tên của họ luôn luôn ở vào nơi mong đợi, nơi nào họ có mặt là sự có mặt rất có mặt.

Đối với họ, cái cà vạt là sự sỉ nhục cho sự đam mê nghệ thuật. Hay đôi lúc có thắt cà vạt đi nữa thì dáng điệu của họ phải làm như có vẻ khó chịu, rất khó chịu

7.

Có hạng người cái gì cũng chửi, cũng rạch ròi đến tim gan, cái gì cũng bị họ cho là giả, không chân thành. Họ thích nói hai chữ "chân thành". Ở đâu có bóng họ trờ tới thì phải có sự ồn ào to tiếng, có sự lăng mạ tục tĩu, ngông nghênh một cách đáng thương hại. Họ thích phản bội, nói xấu bạn bè, nói xấu hết cả mọi người. Chốc chốc, họ cũng tự nói xấu. Mà có tự nói xấu thì cũng để tỏ ra chỉ có mình "chân thành" mà thôi.

8.

Tôi chỉ mới nói sơ sơ về con trai, còn con gái thì khỏi nói và xin im lặng.

9.

Tất cả những gì tôi nói về người khác cũng là tôi nói về tôi trong một mặt kinh trám vôi trắng mỏng.

Tôi có tất cả những gì mà tôi thấy ghét ở người khác.

Tại sao tôi ngang tàng như thế?

Muốn thấy sự lố bịch của thiên hạ, mình phải lố bịch gấp trăm ngàn lần họ!

10.

Trên bàn viết có một cái ly trắng, có những đoá bông trắng đang nở, bao nhiêu lá xanh đang xanh. Gió thổi nhẹ và lay nhẹ bông và lá.

Thoát khỏi mọi hiềm thù, phẫn uất; thoát khỏi mọi sự trả thù kín đáo, thoát khỏi mọi thù ghét. Thu nhận tất cả mọi phản hồi của ý thức và vô thức.

Người nào tôi thù ghét nhất; người ấy chính là tôi.

Ngang tàng với mọi sự chỉ là bước đầu: lưỡi kiếm chặt vào nước!

Ngang tàng với sự trống rỗng mênh mông, vô hạn lồng lộng.

Hận thù là muốn biến sự trống rỗng thành đá.

Những gì không hiểu thì cứ không hiểu: sức mạnh của sự thất bại.

Tự nhiên: hai chữ khó hiểu nhất trong ngữ vựng con người.


Tại sao tôi điên cuồng như thế?

"Như lộ diệc như điện"

1.

Người nào thích làm thiên tài thì hay thích điên cuồng. Vì có điên cuồng thì mới có dáng thiên tài! Điên cuồng có cần thiết? Điên thì điên, không điên thì không điên.

2.

Nhưng tất cả sự điên cuồng đều có sự xếp đặt, đều có sự tính toán kín đáo của ngôn ngữ. Người không biết nói thì không bao giờ điên mà người điên thì không bao giờ nói: lý luận quá ngây ngô.

3.

Tôi thích Hegel hơn Nietzsche: sự tỉnh táo sáng suốt của Hegel là một con đê mạnh mẽ trấn được nước thác cuồn cuộn của trí óc. Nietzsche chịu đựng không nổi và đã vỡ nát: nhưng sự im lặng của Nietzsche trong mười năm cuối cùng dính nối lại được sự tỉnh táo sáng suốt trọn đời của Hegel.

4.

Chỉ có một sự điên cuồng duy nhất: không dám nói những gì tầm thường nhỏ mọn nhất đang xuất hiện thường trực trong đầu mình.

5.

Không có người nào là không sợ chết, không có người nào là không thích sướng, không có người nào là không muốn người khác nhận ra mình, không có người nào là không thích nói chuyện mình cho người khác nghe, không có người nào là không thù ghét người khác, không có người nào là không thích mình hơn thiên hạ, không có người nào mà không ích kỷ, không có người nào mà không giả dối, không có người nào mà không ham sống, không có người nào mà không thích người khác kính nể mình, không có người nào mà không thích người ta nói tốt về mình, nghĩ tốt về mình.

Có người nào làm ngược lại những điều trên thì cũng y hệt như trên. Không có người nào là không sợ hãi.

Như vậy phải làm sao? Cứ tiếp tục, vì đã tiếp tục rồi. Cái gì là thế thì đã là thế và sẽ như thế. Nước chảy vì đã chảy…

6.

Không thể khác sao? Biện chứng pháp của Hegel không thể là khác biện chứng pháp Hegel. Vòng tròn đóng lại: sự điên cuồng giả dối biến thành con rắn khôn ngoan thò lưỡi liếm đuôi.

7.

Có một nhà tù tàn nhẫn khắc nghiệt hơn tất cả những nhà tù ở thế giới: đó là quyển tự điển.

8.

Khi còn trẻ có lần Hegel sắp điên; như G. Bataille nhận xét, Hegel đã quay lưng lại sự điên cuồng và xây một hệ thống để trấn đê Nhị Hà. Hegel đã làm một thứ "bách khoa tự điển". Nhà tù dễ sống hơn là cõi rộng thênh thang. Sự vĩ đại của Hegel.

9.

Làm thế nào để trở thành chính mình? Điên cuồng.

Một ngôi sao nhảy múa, được khai sinh từ sự hỗn mang, thì ngôi sao ấy cũng là một sự hỗn mang. Nietzsche đã biết hết và phải đành chịu im lặng, sau khi đã nói quá nhiều, quá nhiều, quá nhiều.

10.

Chưa nói mà đã im lặng, đó là tấn hài kịch của những kẻ tập sự hành nghề đạo sĩ.

Tại sao tôi điên cuồng như thế?

Vì tôi đã nói quá nhiều? Hay vì tôi chưa nói và đã vội muốn im lặng?

         
  Tất cả cuộc đời là giấc mộng và những
giấc mộng là giấc mộng
Toda la vida es sueno
y los suenos sueno
(Pedro Calderon de la Barca)
 
 
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng hoạn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
ưng tác như thị quán
  Tàrakà timiram dìpo màyà-avasyàya budbudam supinam vidyud abhram ca evam drastavyam samskrtam

T.B. Bài kệ trên đáng lẽ phải được khắc trên bia mộ của Nietzsche và Hegel.


Cảm tạ

Tôi xin chân thành cảm tạ Bà Giám đốc nhà in Đăng Quang đã giúp đỡ hết lòng về đủ mọi phương tiện (nhất là phương diện tài chính) để cho tất cả những quyển sách của nhà Phạm Hoàng được xuất bản trong những điều kiện khó khăn nhất. Không có sự giúp đỡ tận tình của bà thì không có quyển sách nào của nhà xuất bản Phạm Hoàng được ra đời cả. Chính bà đã tự bỏ vốn ra để in giùm cho, chẳng những thế, bà lại còn bỏ tiền ra để giúp đỡ cho gia đình cha mẹ và bầy em nhỏ của tôi được sống qua ngày tháng. Sự cảm tạ này có tính cách riêng tư, nhưng tôi xin lỗi độc giả lượng thứ cho sự cảm tạ công khai này, vì trên đời này còn có cái gì tốt đẹp thì chúng ta hãy làm cái ấy lan rộng ra để cho mọi người đều biết. Nếu một số vị giám đốc nhà in ở Việt Nam làm được cử chỉ cao đẹp của bà giám đốc nhà in Đăng Quang thì biết bao nhiêu anh em văn nghệ sĩ ở Việt Nam sẽ còn thấy rằng họ không hẳn bị bỏ rơi trong xã hội này, rằng luôn luôn vẫn có những tâm hồn vô danh sẵn sàng âm thầm giúp đỡ họ trong mọi mặt để cho họ còn sức để đứng vững, để tiếp tục sáng tạo, tiếp tục phấn đấu trong hoàn cảnh đói, nghèo, khổ, đày đoạ, khánh kiệt.

Một người nghệ sĩ Việt Nam mà không chịu bán đứng bản thân, không chịu đánh điếm ngòi bút mình, không chịu đi làm tôi đòi cho những thế lực, thì phải bị đày đọa trong cảnh nghèo đói, khốn khổ, kiệt quệ. Nhưng giữa hoàn cảnh đen tối thất vọng ấy, mà còn có tình người chiếu hiện thì mọi sự không hẳn là tuyệt vọng. Chúng ta hãy tiếp tục đứng lên, bước tới và đấu tranh và sáng tạo cho một cái gì lồng lộng còn rớt lại giữa cuộc đời này. Chúng ta hãy sáng tạo với đôi môi run rẩy lời cảm tạ, cảm tạ một chút mặt trời trên cao, cảm tạ một chút lá xanh còn lại, cảm tạ một ánh mắt nào đó của con người, một đốm lửa nào đó còn lại trong đêm sâu.

Phạm Công Thiện
Sài Gòn ngày 25 tháng Tư, năm 1970.
Nguồn: Bản dịch từ nguyên tác tiếng Đức của Phạm Công Thiện. Nhà xuất bản Phạm Hoàng 1969. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.