trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
20.3.2008
Nguyễn Hữu Sơn
Du ký về vùng văn hoá Sài Gòn - Nam bộ trên Nam phong tạp chí (1917-1934)
(Nhân 90 năm ra đời Nam phong tạp chí)
 
Ngay từ giai đoạn cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX đã xuất hiện một số tác phẩm du ký viết về vùng văn hoá Sài Gòn - Nam Bộ. Tác giả thể tài du ký thường do những người có kiến thức, có điều kiện đi nhiều thực hiện. Nội dung các trang du ký thường là những điều tai nghe mắt thấy, góp phần cung cấp thông tin về những cuộc du ngoạn, những miền đất mới, những nơi danh lam thắng tích, những cảnh hay vật lạ, giúp người đọc "ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm". Nói riêng trên Nam phong tạp chí cũng xuất hiện nhiều tác phẩm viết về vùng văn hoá Sài Gòn - Nam Bộ mà đến nay vẫn còn có ý nghĩa trên rất nhiều phương diện.

Bài du ký xuất hiện sớm và cũng rất bề thế trên Nam phong tạp chí chính là "Một tháng ở Nam Kỳ" của học giả Phạm Quỳnh (số 17, tháng 11-1918 và số 19+20, tháng 1+2-1919). Ông chọn lối đi đường thuỷ, từ Hà Nội xuống Hải Phòng, dời bến vào ba giờ chiều ngày 22-8-1918. Theo cách ông mô tả thì tàu đến Sài Gòn vào sáng sớm ngày 25: "Tàu đi cả thảy hai ngày rưỡi ba đêm, đường đi tới hơn một ngàn rưởi cây lô mét. Tang tảng sáng ngày thứ tư đã vào tới cửa Sài Gòn" (Theo Du ký Việt Nam - Nam phong tạp chí (1917-1934), ba tập; Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu. Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007; 1918 trang. Các trích dẫn trong bài đều theo sách này)...

Trong đoạn mở đầu, bậc thức giả Phạm Quỳnh ở tuổi 26 cảm thấy tự hào về những cuộc du ngoạn: "Mùa xuân năm nay đã trải qua mười ngày ở Huế, mùa thu này lại từng ở một tháng Nam Kỳ,... không kể trong ngoại hai mươi năm trời đã sinh trưởng ở chốn Thăng Long đô cũ, trong khoảng sông Nhị núi Nùng; nếu có thế mà đủ làm trai Nam Việt, thì tôi đây đã thập phần xứng đáng rồi"... Chính nhờ có điều kiện đi nhiều nên Phạm Quỳnh có điều kiện so sánh, thấy rõ những sự tương đồng và cái khác biệt, cái mới ở vùng đất mới. Đến Sài Gòn, ông hào hứng so sánh: "Nói tóm lại, cái hình thức của thành phố Sài Gòn sánh với thành phố Hà Nội còn hơn nhiều. Từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá, nhất nhất đều có tiến bộ hơn Hà Thành ta cả. ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây (...). Báo giới trong Nam Kỳ thạnh lắm, phát đạt hơn ngoài Bắc nhiều"... Trong suốt những ngày ở Sài Gòn và các cuộc thăm viếng mấy tỉnh Nam Bộ, ông cảm thấy phấn chấn, tin tưởng: "Cho nên cái cảm giác của người mới bước chân tới đây là cái cảm giác vui, vui mà tin cậy ở cái tương lai, chớ không phải buồn mà thương tiếc cho sự ký vãng"... Trước hết là niềm vui và sự tin cậy nơi con người, những bậc trí giả đầy năng lực, những đồng nghiệp cần mẫn, năng động, những người cùng chí hướng mới lần đầu gặp mặt mà như quen thân tự bao giờ. Trong khoảng một tháng, Phạm Quỳnh đã gặp các ông chủ bút Nam Kỳ tân báo (Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phú Khai), gặp cha con chính khách Diệp Văn Cương - Diệp Văn Kỳ, đi Long Xuyên thăm ông Nguyễn Văn Cư quản lý Đại Việt tạp chí và gặp gỡ nhiều vị quan chức khác. Nhân thăm các bạn nhà báo, ông tâm sự: "Mấy bữa sau đi thăm các bạn "đồng nghiệp", tức là các anh em làm báo ở Sài Gòn. Gặp ông nào cũng được chuyện trò vui vẻ lắm, mới biết kẻ Nam người Bắc tuy ít dịp gần nhau thân nhau, mà mỗi lần biết nhau, thật là dễ nên cái tình thân ái vậy. Cho hay người một nước một nhà, dẫu xa cách mà cũng là anh em, miễn là đối với nhau lấy lòng thành thực, đừng có cái thói ghẻ lạnh người thường, thì khó gì mà chẳng nên thân mật được? Huống bọn mình lại cùng theo đuổi một nghề, tức là cái nghề khua chuông gõ mõ trong quốc dân, đem những lời hay lẽ phải mà bàn bạc với bạn đồng bào, mong gây lấy một mối tư tưởng cảm tình chung, mưu cho nước nhà giống nhà sau này được cường mạnh vẻ vang, có ngày được mở mặt mở mày với thế giới, thì cái mục đích cao xa ấy há lại không đủ khiến cho ta đồng tâm hiệp lực mà cùng nhau đạt cho tới ru?"... Không chỉ ở Sài Gòn - Gia Định - Biên Hòa, Phạm Quỳnh còn hăng hái đi thăm mấy tỉnh miền tây, trải khắp Mỹ Tho, Cái Bè, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Cần Thơ và thức nhận biết bao điều mới mẻ về cảnh quan, đời sống xã hội, cư dân, ngôn ngữ, phong tục, tập quán con người nơi đây... Sau cuộc du ngoạn, sau tất cả những điều tai nghe mắt thấy và trở về Bắc, nhà văn hoá Phạm Quỳnh đi đến đoạn kết như một lời ước nguyện: "Tôi càng đi du lịch trong Nam Kỳ lại càng thấy cái cảm giác rõ ràng rằng người Nam người Bắc thật là con một nhà, nếu biết đồng tâm hiệp lực thì cái tiền đồ của nước Nam ta không thể nào hạn lượng cho được. Tôi xin đốt lửa thắp hương mà cầu nguyện cho cái mối đồng tâm ấy ngày một bền chặt, thật là may mắn cho nước nhà lắm lắm"...

Trên Nam phong tạp chí (từ số 38, tháng 8-1920 đến số 43, tháng 1-1921) xuất hiện tác phẩm trường thiên "Hạn mạn du ký" (Lời ký của một người đi chơi phiếm) của Nguyễn Bá Trác. Hãy nghe ông tổng thuật chuyến đi của một tay lãng du hồi đầu thế kỷ: "Tôi về nước nhà đã năm năm nay, kể từ năm 1908 bước chân ra đi, đến 1914 trở về Sài Gòn, giữa ngày tháng Tám, tính đốt ngón tay một dạo phiếm du chốc đã sáu năm có lẻ. Loanh quanh trong nước mất một năm, tạm trọ Xiêm La hơn mười ngày, khách qua Nhật Bản hơn một tháng, rồi lại sang Trung Hoa, bao nhiêu thương phụ to, tỉnh thành lớn: như Ba Thục miền Tây, U Yên đất Bắc, Quế Việt cõi Nam, đều là chỗ mình có để ít nhiều vết xe dấu ngựa"... Gắn với cuộc phiếm du, trên đường từ Bắc vào Nam, Nguyễn Bá Trác lần tìm vào đến Nam Bộ - Sài Gòn rồi bất chợt thực hiện một chuyến rẽ ngang: "Ngày tháng Giêng năm 1908, tôi với người bạn ra chơi Bắc Kỳ; định ở lại Nam Định mà học. Đến tháng Ba nhân việc ngăn trở, phải đáp tàu về Đà Nẵng (Tourane). Khi về đến nơi không tiện lên bờ, bèn chạy thẳng vào Quy Nhơn. Đến đây đổ bộ đi xuyên sơn vào Phú Yên, lẩn lút trong rừng tám, chín tháng. Ngày 24 tháng Chạp năm ấy, mới đáp mành vào Nam Kỳ. Từ cửa bể Xuân Đài mà ra khơi. Đến ngày 7 tháng Giêng năm 1909 tới Mỹ Tho, lần vào Bến Tre, đến làng Tân Hương tìm chỗ ngồi bảo học trò (...). Ngày tháng Tư năm ấy, nhân theo bạn lên Sài Gòn mua sách vở. Đêm nằm nhà trọ mỏng tai nghe người một bên nói chuyện đi Xiêm, kể những kỳ tàu và cách đi, hôm sau bèn xuống ngay tàu mà châm chước với một người thuỷ thủ. Được người ấy chịu lời rồi, đêm mồng ba tháng Tư xuống Tàu mà làm khách xuất dương từ đấy"... Trải qua hơn 5 năm trời, tính đến ngày trở về đến Sài Gòn vào tháng 8-1914, xem ra cuộc đi "mua sách vở" ngẫu hứng của Nguyễn Bá Trác là thậm dài trong lịch sử.

Trên Nam phong tạp chí (số 124, tháng 12-1927) có du ký "Thăm đảo Phú Quốc" của thi sĩ - nhà giáo Đông Hồ. Trong phần mở đầu, thi sĩ nêu chí hướng của chuyến đi thăm cảnh đẹp đảo Phú Quốc và tóm lược cái cách viết du ký của mình: "Đảo Phú Quốc là một cái hải đảo ở về tây bắc xứ Hà Tiên, là một cõi đất có nhiều danh lam thắng tích, đã từng có tên tuổi trong sử sách, đã từng có trải qua dấu vết của tiền nhân, thì người có lòng hoài cổ, có lòng văn chương sao khá không thăm qua được, cho nên ở Hà Tiên mà chưa ra thăm được Phú Quốc thì cũng còn là một điều khuyết điểm... Trong mười ngày, tai mắt trải qua được biết bao nhiêu là chuyện hay cảnh lạ, nay cầm bút chép lại, muốn thu quát tất cả toàn bức thì thật không thể nào được, chỉ biết nghe thấy được những gì là ghi nấy, có khác nào một người đi chụp ảnh, khi gặp được một cảnh nào đẹp là chụp lấy ngay, góp nhặt lại thành một tập ảnh con con, vẫn không có được trật tự nét vẽ phân minh như một bức ảnh phóng đại hay một bức tranh phá bút của các nhà danh hoạ"... Đồng thời ông kể chi tiết lý do cuộc du ngoạn và thời điểm ra đi: "Chúng tôi kỳ này là nhân dịp đi chấm thi bằng Sư phạm ở trường Cửa Cạn, có quan Đốc học Phạm quân là tình thầy trò, Nguyễn quân là tình bạn thân và có Trúc Hà cùng theo là tình trong quyến thuộc... Ngày 17 tháng 11, năm Đinh Mão (10-12-1927) chuyến xe ô tô chạy hồi tờ mờ sáng, chúng tôi khởi hành. Đường đi Hà Tiên - Cần Giọt 52 cây lô mét, xe chạy mất hai tiếng đồng hồ, chín giờ hôm ấy đến nơi"... Tiếp đó là những trang lược thuật theo hành trình: Ngày 18 đi ô tô xuống Hòn Ráng...; ngày 19 đi tầu người Xiêm ra Phú Quốc mà bước chân du khách thời hội nhập được thi nhân kể lại chân thực, chi tiết, sinh động: "Nói chuyện thì dùng tiếng Anh hay tiếng Tàu, anh em không ai thuộc, thành ra mỗi khi muốn nói gì phải bỡ ngỡ lắm. Bước ra một tấc đường là phải dùng đến tiếng người ta rồi, có thuộc được nhiều thứ tiếng sẽ phải là người đi du lịch có tư cách, không thì có khác nào anh Mán xuống Kinh chỉ ngơ ngác mà nhìn rồi về, thì còn bổ ích gì cho kiến thức"...; ngày 20 đi thăm trường tiểu học ở Dương Đông, thăm Giếng Tiên, Suối Đá, Suối Mây...; ngày 21 đi Cửa Cạn và nghe câu chuyện bà Kim Giao - người có công mở mang đảo Phú Quốc, - và tấm gương nghĩa hiệp của người anh hùng Nguyễn Trung Trực...; ngày 22 đi thăm miếu Lăng Ông thờ cá voi, thăm chùa Sùng Hưng, chùa Quảng Tế, chùa Quan Âm...; ngày 23 đi Hàm Ninh, thăm Bãi Bổn với những so sánh và quan sát thú vị: "Người khách du quan muốn chơi núi thì ở Dương Đông mà chơi, muốn chơi sông thì đi Cửa Cạn mà chơi, còn muốn chơi đá thì hãy qua Hàm Ninh mà chơi. Có một chỗ gọi là Đá Bạc, mà đá bạc thiệt. Xa giữa vùng sóng biếc nhấp nhô trông mấy khóm đá bạc phơ đầu. Đá ấy là thứ đá xanh, đen hoặc hung đỏ, mà phân bày trên mặt nước lại điểm có thứ đá trắng... Có chỗ gọi là Đá Bao thì trông nghiễm nhiên tròn trặn như cái bao gạo đặt trên phiến đá. Cái tay của ông hoá công cũng tỉ mỉ lắm thay. Còn có chỗ Đá Nhảy thì đố ai đi ngang đó mà không nhảy được, vì tảng nọ không liền với tảng kia, cách nhau vừa một cái nhảy, dầu không cố ý nhảy cũng phải xoi xói một lúc"...; ngày 24 đoàn đi thăm trường học và nêu nhận xét chính xác: "Học trò ở đây học quốc ngữ giỏi lắm. Ông Nghiêm dạy vần quốc ngữ cho học trò rất kỹ về những dấu hỏi, dấu ngã. Hỏi câu nào câu ấy nói trúng phăn phắt. Viết quốc ngữ mà những chữ dấu hỏi, dấu ngã ở Nam Kỳ ít ai lưu tâm lắm, nên không mấy người viết được đúng", rồi trên đường về Dương Đông có ghé thăm núi Linh Sơn...; ngày 25 theo ông Tăng Văn Trợ vô chơi sở đồn điền trồng cao su ở Ghềnh Gió...; ngày 26, sáng đến thăm nhà cố nữ sĩ Trần Xảo Vân, trưa dự tiệc tiễn hành do ông Nguyễn Văn Mẫn cùng các thân hào tổ chức và đến tối thì lên tầu trở về... Đến đây là lời kết cho một chuyến du ngoạn: "Rạng đông ngày 27 tháng 11 năm Đinh M•o (20-12-1927) tàu về đến cửa Kim Dữ, mười ngày trải qua như trong chớp mắt, khách lữ hành mơ màng như người trong mộng. Đó là một cuộc nhân việc quan sai mà chuyển thành một cuộc đi chơi con con... Nay cầm bút chép nguyên chuyện thì đó cũng là ghi lại một cái cảnh lạ trong cuộc đời mình, chứ dám tưởng là một bài du ký về một cuộc du lịch hay một bài điều tra về một cuộc quan sát chi đâu"...

Trên Nam phong tạp chí (số 129, tháng 5-1928) có du ký "Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn" của Mẫu Sơn Mục N.X.H. Cái cớ, cái duyên của chuyến đi cũng thật tình cờ, tuỳ hứng: "Hôm mồng 3 tháng 8 ta trước tôi nhân về Hà Nội, gặp ông L., ông rủ tôi đến mồng 6 cùng đi Sài Gòn, vì ông đi ô tô một mình, muốn giữ tôi đi cho có bạn, tuy ngặt ngày và đồ hành lý thiếu thốn, tôi cũng nhận lời ngay, vì cuộc đi chơi đường bộ vào Huế và Sài Gòn là một cái mộng tưởng của tôi đã lâu"... Đến Sài Gòn, ông ở lại sáu ngày, đặc biệt nhấn mạnh về chuyện ăn mặc: "Nhân đây lại nói đến sự ăn mặc ở trong Sài Gòn này: đàn bà sang trọng thì quần áo và khăn quàng đều là nhiễu hoa trắng. Người làm ăn thì quần áo toàn vải đen, trên đầu vắt một cái khăn vải trắng, dòng dọc đen, dài độ ba bốn vuông. áo toàn là hai ống tay chặt nít lại và gài khuy cổ cả (...). Ngắm kỹ ra thì đàn bà sang trọng nước mình, bỏ lối ăn mặc đàn bà mà bắt chước lối ăn mặc của đàn ông. Váy thì tất phải bắt chước lối váy của đàn bà Tây. Sắc ăn mặc của đàn bà nên dùng các thứ mùi sáng sủa tươi đẹp, chứ mùi thâm và mùi nâu xấu lắm. Người Tây thường kêu mùi nâu buồn và bẩn, mà họ khen mùi chàm của người Thổ mặc là đẹp. Giầy thì phải đi giầy tây, mới cứng cáp và gọn gàng. Tóc thì tất phải bới, chứ rẽ đường ngôi giữa như ta, trông trơ lắm, mà bới tóc cũng nên theo từa tựa như đàn bà Tây, để tóc rủ xuống cho bớt cái trán đi mới đẹp; chứ bới tóc như người Trung Nam Kỳ phơi cái trán lô lố ra, lại càng trơ nữa. Nón cũng phải chế ra như các thứ mũ của đàn bà Tây mới tiện, chứ cái nón ta sùm sụp, không được đẹp và không tiện. Còn đàn ông thì nên ăn mặc theo lối Tây, cho tiện làm việc, duy chỉ sửa lại một đôi chút, cho hợp với xứ nóng mà thôi. Người đàn ông Nam Kỳ ăn mặc lối ta áo dài chít khăn không có mấy nữa (vào chơi Nam Kỳ nên ăn mặc tây, chứ mặc ta thành ra lạ mắt người ta, mà mình cũng tự ngượng). Trừ một phần ít ăn mặc tây, còn thì ăn mặc xềnh xoàng lắm, chỉ khăn xéo, áo cánh trắng, quần thâm"... Mặc dù chỉ đi lướt qua Sài Gòn nhưng tác giả cũng kịp đưa ra những nhận định mang tầm chiến lược về miền đất mới: "Nói tóm lại, cái hình thế thành phố Sài Gòn là cái cửa bể, là cái đô hội miền nhiệt đới, là cái phong cảnh nhân tạo, cho nên phần náo nhiệt bề ngoài thì hơn Hà Nội, mà phần tôn nghiêm lặng lẽ bề trong của Hà Nội thì cơ hồ không có... Cái đại thể xứ Nam Kỳ là một cái kho thóc để giúp đỡ cho nhiều dân tộc ở bên Đông bề bể Thái Bình; là một cái quán hàng ở cạnh con đường các nước Âu Châu cần phải sang bên Cực Đông, là láng giềng với các nước Xiêm, mấy năm nay đ• chỉnh bị riết về quân sự, và các nước Nam Dương quần đảo cũng đang tân tiến. Cái đại thế Nam Kỳ ngày nay quan hệ như thế, vậy cái lịch sử Nam Kỳ sau này há chẳng phải là một cái lịch sử quan trọng lắm thay"...

Trên Nam phong tạp chí (số 150-154, tháng 5-9/1930) có bài "Cảnh vật Hà Tiên" do Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm sao lục. Nói cho đúng, đây là bài đan xen giữa du ký và hồi ức, giữa khảo cứu và điều tra thực địa, có đoạn gần với phong cách ghi chép địa chí. Toàn văn chia thành 23 đề mục: 1- Cảnh đẹp; 2- Nghề sinh nhai; 3- Thành phố Hà Tiên hiện nay; 4- Chợ Hà Tiên; 5- Đông Hồ ấn nguyệt; 6- Châu Nham lạc bộ; 7- Phương Thành; 8- Đồng Điền; 9- Các thứ danh mộc; 10- Hoa mai; 11- Các thứ kiểng; 12- Hoa sen; 13- Hoa lan nguyệt dạ; 14- Tre, trúc; 15- Trái cây, khoai đậu; 16- Cầm thú; 17- Vòm hào, tôm cá; 18- Trường học; 19- Nhà thân phụ tôi; 20- Đông Hồ và sông Hà Tiên; 21- Cảnh pháo đài; 22- Ao sen; 23- Bài ký chơi Châu Nham. Xem qua các đề mục ấy thì đủ biết đại khái cuộc sống con người, lịch sử, thiên nhiên, danh thắng, cảnh vật và đặc sản xứ Hà Tiên. Trên thực tế, chỉ có Bài ký "Chơi Châu Nham" là đúng tính chất thể tài du ký, trong đó Đông Hồ kể rõ cuộc chơi Châu Nham, tục gọi núi Đá Dựng, là một cảnh trong Hà Tiên thập cảnh vịnh của ông Mạc Thiên Tích: "Ngày mồng ba tháng sáu năm nay (12-7-1926), ký giả cùng vài bốn ông bạn nữa qua Cầu Giữa vô làng Kỳ Lộ, dắt tay nhau lên núi Châu Nham... Kể những cảnh ở Hà Tiên thì Châu Nham là một cảnh lạ nhất mà là chỗ khó đi nhất, ký giả xin thú thật rằng sanh trưởng tại Hà Tiên mà mới đi được lần này là một. Bắt đầu ngồi xe ngựa, theo đường cái quan vô được ba cây lô mét tới Thạch Động phải bỏ xe đi bộ vô núi, vì núi đột khởi ở giữa đất bình nguyên. ở giữa bình nguyên mà khô ráo cũng dễ đi, đi đây lại đương mùa mưa nên lộ đồ mới gập ghềnh khấp khểnh làm sao! Từ đường cái quan vô đến núi có ngót ba ngàn thước, phải lội những đường lầy ngõ vũng, phải trải những dặm cát đồi cây, nếu chọn cách phong lưu ăn vận đài các thì thiệt không sao đến được. Nhưng người ta sở dĩ yên vui danh lam thắng cảnh là bởi những cảnh ấy ở trong thâm san cùng cốc, chớ những cảnh ấy mà ở giữa chợ cũng chẳng còn quý gì nữa. Lại những cuộc lãm thắng tầm u, càng nhiều vất vả thì thiệt là vất vả rồi mà là vui thú thì cũng thiệt là vui thú"... Đó cũng chính là niềm vui của những cuộc ngoạn cảnh, những cuộc khám phá, kiếm tìm, vẫy gọi bước chân du khách. Qua tam mươi năm, cảnh Châu Nham nay chắc đã khác nhiều!

Trên Nam phong tạp chí (số 198-200, tháng 5-7/1934) có bài "Chơi Phú Quốc" của nữ sĩ Mộng Tuyết. Khi bài báo được in, nữ sĩ vừa tròn hai mươi tuổi. Trong bài du ký, Mộng Tuyết chân thực bộc bạch tâm trạng của người con gái mới lớn: "Trong sáu tiếng đồng hồ đi một cách bình yên mà đ• được trải qua cái cảnh bềnh bồng trên mặt biển, được hít thở cái không khí thanh tân man mác chốn biển khơi, và được trông thấy bao nhiêu cảnh vật thanh kỳ ở chốn trời nước gió mây thần tiên xa lạ, đối với cái đời im lặng kín đáo của người con gái ở chốn buồng khuê, thật là một dịp may đặc biệt"... Còn đây là cảnh chùa Quảng Tế: "Chùa này là một nơi ưu thắng ở Dương Đông. Chùa cất trên một ngọn đồi cao ở bên mặt biển. Quanh chùa dọn dẹp sạch sẽ lắm, từ con đường nhỏ cho đến bậc đá thềm đều có trồng hoa cỏ. Trong vườn chùa đủ các thứ cây ăn trái, lúc nào cũng có bóng cây mát rợp. Chủ chùa là một bà vãi già trắng trẻo, khuôn mặt hiền lành phúc hậu, vô tư lự mà sống một cách thản nhiên trong cái hoàn cảnh thần tiên êm ái"... Trong cuộc du ngoạn, nữ sĩ Mộng Tuyết đặc biệt yêu thích những đêm trăng xứ biển: "Bốn bề yên lặng. Chỉ nghe tiếng nhịp nhàng của mái chèo khua nước và tiếng nói chuyện của chúng tôi. Thỉnh thoảng một cơn gió biển thổi qua ấm áp mát mẻ đến tâm hồn, mặt sông lay động. Đàng sau, bóng trăng dưới nước chập chờn từ từ trôi theo con thuyền (...). Cảnh đêm ở giữa biển thật có vẻ thần bí. Mấy chòm cù lao nằm êm lặng trên mặt nước âm thầm. Thỉnh thoảng một con cá lội qua làm xao động mặt nước hiện ra một vệt sáng trắng lòe, rồi lại tan ngay. Đêm càng khuya, trăng sao càng sáng tỏ. Ngồi chán, lại nằm; trên mui ghe, chúng tôi tắm gió biển suốt đêm"...

Trên Nam phong tạp chí (số 207, tháng 11-1934) có du ký ngắn gọn Tết chơi biển của Trúc Phong, học trò trường tư thục Trí Đức học xá (Hà Tiên). Nhóm bạn có 9 người, rủ nhau đi thuyền chơi biển từ 4 giờ chiều ngày mồng một Tết đến sáng sớm ngày mồng sáu. Họ rời bến Đông Hồ, qua thăm Hòn Tre, thăm Hòn Đước, thăm Hang Tiền, thăm Hòn Nghệ (chỉ có 10 gia đình sinh sống), thăm Ba Hòn Đầm (gặp bà Ba Thạnh đã 59 tuổi đang khai hoang, làm vườn ở đây), qua Hòn Đụng, Hòn Chong rồi trở về bến cũ. Cuộc đi chơi biển thật thú vị nhưng ấn tượng nhất là cái cách đi chơi và quan niệm thật hiện đại về cách nghỉ ngơi ngày Tết: "Cái mà chúng tôi để ý biết thì từ ngày hôm qua đến nay, chỉ độc có một cánh buồm này ngoài biển khơi thôi. Không có bóng một chiếc thuyền nào khác cả. Còn nhớ: chiều hôm qua, lúc ra thuyền trên bờ Đông Hồ, khách qua đường có nhiều kẻ đứng lại xem. Họ nghĩ gì? Chuyện đi thuyền đối với người Hà Tiên nào phải đâu là chuyện lạ mà họ cần xem xét suy nghĩ. Có lẽ là họ nghĩ cho bọn người nào đây dám bạo gan, vượt cái phong tục tự nghìn xưa để lại, không kiêng cữ ba ngày đầu trong năm, chưa cúng thần Hà Bá mà dám vượt biển ra khơi. Cái ý nghĩa ngày Tết, rằng hay thì thật là hay, nhưng trong cái tục lệ cũ kỹ cũng nên lọc lựa sửa đổi, cho hợp với thời đại và cho có lợi trong cuộc đời phấn đấu ngày nay"...

Nhìn chung, những trang du ký viết về Sài Gòn - Nam Bộ trên Nam phong tạp chí dù mới là những cảm nhận ban đầu, nét vẽ sơ phác hay đi sâu mô tả chi tiết cảnh quan, con người và cuộc sống thì đó cũng đều là dấu ấn của một thời. Qua các trang du ký không chỉ hiểu được cảm xúc, tầm nhìn của du khách mà còn hiểu thêm được hiện trạng danh lam thắng tích và cuộc sống một thuở một thời. Dõi theo dấu chân người xưa, ta bâng khuâng tự hỏi: Chẳng biết cảnh cũ nơi xưa nay có khác nhiều? Lại thầm ước hẹn được một lần theo dấu người xưa...

Hà Nội, tháng 9-2007


Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn hiện làm việc tại Viện Văn học, Hà Nội.
Nguồn: Kiến thức ngày nay số 617, 2007