trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
26.3.2008
Phong Uyên

Một lần nữa tôi xin cám ơn bạn Hòa Nguyễn đã một lần nữa góp ý với tôi, giúp tôi mở rộng tầm kiến thức. Nhưng tôi cũng xin thanh minh là khi tôi so sánh một vài khía cạnh của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Nhật Bản mà cả hai đều bắt nguồn từ Trung Quốc cũng như khi tôi nói về tự ái hay tự tôn dân tộc, tôi không có ý gì khác là muốn môn Cổ sử Việt Nam trở thành một bộ môn hoàn toàn khoa học, không để một ý niệm hay một tình cảm nào, dù thiêng liêng biết mấy như lòng yêu nước, chi phối. Nhận định của tôi là thiền sư Lê Mạnh Thát đã lấy ý niệm dân tộc, lấy văn minh Việt Nam làm trung tâm cho mọi lập luận về lịch sử khiến trở thành quá chủ quan cũng không khác gì ý của các vị sử gia mà tôi kính trọng như giáo sư Dương Trung Quốc, ông Trương Thái Du khi nói về vị thiền sư này.

Tôi xin bàn trở lại về đạo Zen qua những gì tôi được biết về tông phái này qua những sách và những buổi bàn luận về đạo Phật trên Đài Truyền Hình Pháp 2 mỗi buổi sáng Chủ Nhật. Tôi cũng xin thêm là đạo Phật trong những năm gần đây đã lôi kéo được rất nhiều người theo ở Pháp. Nhưng tựu chung cũng chỉ có đạo Phật Tây Tạng và Tông phái Zen là được biết đến nhiều và không tháng nào mà không có một cuốn sách nói về đạo bằng tiếng Pháp của các vị cao tăng phần nhiều là Tây Tạng được in ra . Đạo Phật Việt Nam chỉ được biết qua thầy Thích Nhất Hạnh. Cũng cần phải hiểu là những người theo đạo Phật ở Pháp phần nhiều là những người có trí thức trên trung bình và đạo Phật được hiểu như một triết học, một cách tìm sự thanh thản cho tâm hồn trong lối sống và cũng vì vậy mà những người theo đạo Thiên Chúa tin có Trời như người Kitô giáo, Do Thái giáo, thậm chí Hồi giáo, hay những người không tin là có Trời cũng có thể theo được.

Khi tôi nói "từ đạo Thiền người Nhật đã tự tạo ra đạo Zen cho mình" là tôi nói theo các học giả người Âu, người Nhật đã nghiên cứu về lịch sử đạo Zen. Lẽ tất nhiên là ai cũng biết Thiền Tông (Chan Zong) là do Đạt Ma thiền sư đem từ Ấn Độ vào Trung Quốc thời Lương Võ Đế (Nam triều) và Thiền là dịch nghĩa từ tiếng Phạn Dhynna có nghĩa là ngồi nhập định để có thể đốn ngộ và đạt đạo không cần tụng kinh. Nhưng theo những học giả Âu tây, Thiền Tông tuy có nguồn gốc Ấn Độ nhưng đã chuyển hoá thành hoàn toàn Trung Hoa và không thay đổi gì từ thời cực thịnh đời Đường cho đến khi bị tàn lụi ở Trung Quốc. Vị cao tăng cuối cùng được biết đến là Xu Yun (Từ Vân?) mất năm 1959. Trái lại, theo các học giả người Âu, Thiền đạo ở Nhật đã có nhiều trường phái ngay từ khi các nhà sư Nhật và Trung Quốc đem vào Nhật: Trường phái thứ nhất hồi cuối thế kỷ thứ XII, trường phái thứ 2 (1200-1253) và được truyền bá trong giới Võ sĩ (bushi Võ sĩ đạo), gây lên những cuộc nổi loạn trong khoảng 100 năm cho tới thế kỷ thứ XV. Đạo Zen mà người Âu được biết và theo bây giờ là hoàn toàn mang tính chất Nhật (Zazen?) có vẻ đủ nghĩa gốc chữ Phạn (toạ) hơn Thiền của Tàu không nói cách ngồi. Cách tu thiền của các thầy Thích nhất Hạnh, Thích Minh Châu... mà Hoà Nguyễn kể còn mới quá, không thể so sánh với những trường phái Zen của Nhật đã có từ thế kỷ thứ XII được và lại càng không thể so sánh với Thiền của Trung Quốc đã bị Mao tận diệt.

Tôi cũng xin thưa với Hoà Nguyễn là những nước như Ba Lan, Ý, Pháp, cũng như mọi nước khác theo đạo Công giáo, chỉ có một Hội thánh chung là Hội thánh La Mã. Riêng về nước Pháp từ thời trung cổ đã luôn luôn có sự tranh chấp giữa Hội thánh La Mã và quyền thế tục của nhà vua. Khi vua Pháp mạnh đều kiếm cách ức hiếp loại bỏ các giáo hoàng yếu thế hơn, có khi đầu độc có khi đem về Pháp bỏ tù và dân Pháp bao giờ cũng thiên về nhà vua nên người Pháp chỉ tự hào về vua của mình.