trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
31.3.2008
Đỗ Lai Thúy
Nguyễn Khắc Dương - Người tìm mình qua những xung đột văn hóa
 
Nguyễn Khắc Dương
Nguyễn Khắc Dương (sinh năm 1925), ảnh do Nguyễn Khắc Phê chụp
1.

Tôi biết Nguyễn Khắc Dương vào năm 1982, nhân một chuyến đi công tác với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vào Quảng Nam. Nghỉ một đêm ở Huế, sáng hôm sau lên đường thì thấy trên xe có thêm một người khách lạ. Bác Viện giới thiệu: chú Dương nhà tôi, đi nhờ xe đến Đà Nẵng. Rồi ông quay xuống chỗ chúng tôi, hạ giọng: tôi đã gàn, nhưng chú Dương còn gàn gấp mấy! Tôi chưa hiểu chữ "gàn" ông dùng ở đây theo nghĩa nào. Khi xe qua đèo Hải Vân, bác Viện bảo dừng cho mọi người ngắm cảnh. Trong khi ai nấy còn đang tíu tít trò chuyện, tôi chợt thấy Nguyễn Khắc Dương đứng một mình trước biển. Với mái tóc dài bù xù, ông giống tượng đài một triết gia.

Đầu năm 1990, một hôm bác Viện bảo tôi: ngày mai chú Dương nói chuyện về Kitô giáo ở Đại học Văn hóa, Thúy nên đi nghe, nhớ mang theo cả máy ghi âm. Chú Dương hiện nay có lẽ là người am hiểu Kitô giáo hơn cả. Chiều hôm ấy, khi đi làm về, tôi thấy một ông già ngồi ngoài cửa, chơi với thằng Hải Anh, con trai tôi, ở trong cửa. Nhìn kỹ hóa ra Nguyễn Khắc Dương. Tôi vội vàng mở khóa, mời ông vào nhà. Ông nói, nghe anh Viện bảo ông Huỳnh Khái Vinh, hiệu trưởng nhà trường, muốn tôi nói chuyện nội bộ. Sợ Thuý đi mất công, tôi hỏi chỗ ở, đến để báo lại. Trong lúc chờ, bác cháu tôi vừa ăn bỏng cốm vừa chơi với nhau rất vui. Tôi thực sự ngạc nhiên, chỉ vì chuyện nhỏ ấy, ông cất công đi bộ đến nhà tôi, lại còn ngồi chơi với cháu qua cửa sắt, để chờ. Đấy là người gàn, hoặc một triết nhân. Lúc ấy, quả thực, tôi còn chưa biết Nguyễn Khắc Dương là một Kitô hữu.

Từ đó, con người Nguyễn Khắc Dương cứ ám ảnh tôi hoài. Sinh ra trong một gia đình Nho giáo chính thống vậy mà ông lại muốn theo Kitô giáo làm tu sĩ. Rồi khi tâm nguyện đã thành, ông lại cứ chuyển đổi dòng tu, để, cuối cùng, xuất tu làm cư sĩ. Làm một ông thầy tài tử ở Văn khoa Đại học Đà Lạt. Những năm sau này, mỗi khi có dịp vào Sài Gòn, tôi đều đến thăm ông ở một ngôi nhà nữ tu nhỏ, gần cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức. Căn phòng ông ở nằm cuối sân tu viện, cạnh một chiếc ao con.

Cuộc đời Nguyễn Khắc Dương là một hành trình tìm kiếm bản thân. Ông là người đa văn hóa. Trong ông, các văn hóa khác nhau xung đột nhau. Và cứ mỗi lần một xung đột được hóa giải, thì một xung đột mới lại nổi lên như mây mưa tụ ở chân trời. Cứ như thế, sau mỗi lần một xung đột được hóa giải, phác thảo chân dung con người ông dần dần hiện rõ hơn. Nhưng, hình như, không bao giờ có bức tranh cuối cùng.



2.

Với mọi trí thức Việt Nam, kể từ khi người phương Tây đầu tiên đặt chân lên xứ này, đều thấy có một xung đột văn hóa. Trước đây, người ta không trải nghiệm cảm giác này, bởi ta với Tàu, dẫu sao, cũng là những nước đồng chủng đồng văn. Còn Tây thì khác, khác cả nòi giống lẫn văn hóa. Sự xung đột văn hóa Đông Tây là không tránh khỏi. Với nhiều nhà trí thức Nho học và Tây học, sự xung đột này có thể quy vào xung đột giữa Nho giáo và Kitô giáo. Với Nguyễn Khắc Dương, do hoàn cảnh gia đình và cá nhân, lại càng như vậy.

Tôi đã đọc cuốn Tây dương Gia Tô bí lục được viết vào thế kỷ XVIII. Hai tác giả của nó, mặc dù là cha cố, lại được tu nghiệp tại La Mã, mà vẫn nhìn Kitô giáo bằng con mắt kỳ thị của nhà nho. Các ông Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký, hẳn theo đạo từ nhỏ, lại chỉ là những nhà nho tự học, không hấp thụ nền giáo dục khoa cử chính thống, nên tránh được những mâu thuẫn ấy chăng? Nguyễn Khắc Dương, tuy theo Tây học, nhưng được sinh ra trong một gia đình Nho học đại quan chính thống, nên từ nhỏ đã nhiễm cái tinh thần Nho giáo. Bởi, văn hóa Nho giáo đào luyện con người không chỉ có học, mà còn phải có đức, không chỉ có đức mà còn phải có lễ, nghĩa được thể hiện trong nếp sống hàng ngày. Hơn nữa, ngoài cái nho quyển ấy, cậu bé Dương còn cảm nghiệm Nho giáo qua hình ảnh người cha.

Cụ Nguyễn Khắc Niêm là một thần đồng Nho học, 18 tuổi đỗ tú tài, 19 tuổi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến hàm nhất phẩm. Nhưng cụ sinh bất phùng thời: nước mất, Nho giáo suy tàn. Yêu nước, nhưng vì sinh kế gia đình buộc phải ra làm quan, không theo được "đại sự", tức tham gia vào các hoạt động chống Pháp bấy giờ; muốn làm học cũng không được, phải làm quan cai trị; về già theo đạo Phật, và cũng chủ yếu ở cạnh khía đạo đức. Đó là hình ảnh một người cha có nhiều nét khả ái, đáng kính, nhưng cũng gợi lên một cái gì đó bất túc, không hoàn hảo. Có lẽ, chính cái nhìn (hay đúng hơn, sự cảm nhận?) lưỡng giá này về người cha đã khiến Nguyễn Khắc Dương, khi lớn lên, có hướng tìm một cái gì khác và hơn cái lý tưởng Nho giáo thời mạt vận.

Và, một sự tình cờ đã đưa Nguyễn Khắc Dương đến với thế giới Kitô giáo. Năm 1938, do hỏng thi vào Quốc học Huế vì môn dictée, ông được mẹ gửi vào học ở Providence (Thiên Hựu) để rèn luyện tiếng Pháp. Qua những giáo sư - linh mục giảng dạy ở trường, qua nền học vấn nhân văn Tây phương trong tinh thần Công giáo, đặc biệt qua nhà tư tưởng, nhà triết học tự nhiên, nhà văn, nhà thần hiệp Kitô giáo Pascal, ông thấy được ở Kitô giáo nhiều điều khác với Nho giáo. Nếu Nho giáo là thế giới của nghi thức, nghiêm trang và có phần lạnh lùng, tức thiên về tính, thì thế giới Công giáo ân cần, thân mật và nghiêng về tình. Bởi, Kitôgiáo đề cao tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu.

Mỗi Kitô hữu đều cảm nhận được tình yêu của Chúa, thậm chí được yêu một cách khủng khiếp, si mê, một thái độ như đối với người tình duy nhất, và được mời gọi đáp lại bằng một tình yêu tương tự. Sống một tình yêu như vậy, người được yêu thấy mình là một giá trị độc nhất vô nhị đối với người yêu mình, tức mình là một ngã vị, một phẩm giá người. Điều này thật khác với đức thương người của Nho giáo, một tình thương có phần trừu tượng, nghiêng về lý trí, như "kỷ sở bất dục vật thi ư nhân", hoặc "thương người như thể thương thân". Nguyễn Khắc Dương tìm thấy ở Jésus những gì còn thiếu ở Khổng Tử. Hình ảnh người cha trong ông lúc này có thêm những nét của người mẹ, một hiền mẫu chứ không phải một mẫu nghi. Và, hẳn cũng vì thế, cái nhìn của Nguyễn Khắc Dương về những "người cha khác" cũng thay đổi, hoặc trở nên sâu sắc hơn nhờ sự đối lập.

Nguyễn Khắc Dương rất quen thân với một tu sĩ Phật giáo là Thượng tọa Thích Mật Thể. Ông là một bậc chân tu, đạo cao đức trọng. Về phương diện này hẳn ít tu sĩ Công giáo sánh kịp. Vậy mà mỗi lần tiếp xúc Thượng tọa, Nguyễn Khắc Dương vẫn cảm thấy ở thái độ của ông có một cái gì đó lạnh nhạt. Có lẽ, tình thương của người tu sĩ Phật giáo với một con người cụ thể nào đó là thương trong cái đại từ bi vô ngã đối với một chúng sinh cũng vô ngã như bất cứ chúng sinh nào! Thậm chí, có thể nói, đó là sự xót thương cho cái chấp ngã hiện hữu của người đó, thay vì vui mừng vì hiện hữu của anh ta như một ngã vị. Và khi chiêm ngưỡng tượng Đức Thích Ca điềm nhiên ngồi trên tòa sen, ông cũng có cảm tưởng như vậy. Thật khác với Thánh Âu Cơ Tinh, khi ngài nói" "Tình yêu là niềm vui của tôi vì sự hiện hữu của anh".

Con người cá nhân muốn hình thành và, quan trọng hơn, tồn tại phải có môi trường của nó. Trường Thiên Hựu và sau này là Trường Công giáo Hương Sơn quê nhà đã cho Nguyễn Khắc Dương một không khí gia đình. Nhưng khác với gia đình gia trưởng Nho giáo coi trọng tính cộng đồng, duy trì tôn ty trật tự, mỗi thành viên tồn tại bằng cái phận vị của mình, môi trường Công giáo là một cộng đồng liên ngã vị. Ở đây cái thân phận không quan trọng bằng cái con người, con người như một cá nhân, như một ngã vị. Điều này được biểu trưng bằng hình ảnh Ba Ngôi. Mỗi Ngôi là một tồn tại độc lập, tự thân. Sống - cùng, sống - với người khác chứ không phải sống - như người khác, người khác. Như vậy, người Kitô hữu giải phóng mình khỏi con người chức năng, ứng xử với nhau như là những ngã vị, con người này. Trong bối cảnh văn hóa tiểu nông Khổng giáo bấy giờ, đây không chỉ là một cái nhìn mới về con người, mà còn đưa ra một phẩm chất mới của cộng đồng.

Quyết định trở thành một tu sĩ Kitô giáo là một "lựa chọn khó khăn nhưng tất yếu" của Nguyễn Khắc Dương. Nhưng điều làm cho ông băn khoăn hơn cả là quyết định ấy đánh một đòn nặng vào gia đình. Nhất là trong hoàn cảnh Nguyễn Khắc Viện, người anh cả đang ốm đau ở Pháp, người anh thứ hai thì mới mất, lại sinh toàn con gái, nên trách nhiệm nối dõi tông đường, gánh vác gia đình, phụng dưỡng bố mẹ già đặt cả vào vai Nguyễn Khắc Dương. Đấy là chưa kể trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp bấy giờ, hành động ấy không thể không gây hiểu lầm, ngộ nhận về chính trị. Nếu không thoát khỏi con người bổn phận Nho giáo, không phát triển đến một mức độ nào đó ý thức cá nhân, con người cá nhân, hẳn Nguyễn Khắc Dương đã không thể dứt áo ra đi. Mặc dù ông theo Công giáo là để đi tu. Và đi tu với ông là đi tìm một lý tưởng sống phù hợp với bản thân mình, hướng về một cuộc sống xa hẳn việc đời, hiến thân cho Chúa trong một đời tu nghiêng về ẩn dật và khổ hạnh.



3.

Như vậy, với việc trở thành một tu sĩ Công giáo ở Nguyễn Khắc Dương, Kitô giáo đã chiến thắng Khổng giáo. Nhưng dần dà ông cảm thấy dòng Phanxicô có một cái gì đó không phù hợp với bản chất người sâu xa của ông. Vốn là một người bề ngoài thì rất kỷ luật, biết vâng lời, đúng giờ giấc, nhưng bên trong thì cháy bỏng một khát vọng sống ngoài vòng bất kỳ sự cương tỏa hay rập khuôn nào. Vậy mà, dòng tu Phanxicô lại có rất nhiều những khuôn khổ, quy chế, luật lệ hết sức gò bó. Hơn nữa, lối tu cộng đoàn này lại còn có xu hướng bộc phát ra bên ngoài. Điều này trái với quan niệm tu hành của ông. Ông chỉ thích lối tu đơn độc của các tu sĩ Công giáo trước thời có lối tu cộng đoàn, thích hình ảnh các thiền sư, đạo sĩ chỉ một mình mình, nếu có đệ tử thì cũng chỉ là đệ tử tâm truyền. Họ theo thầy một thời gian, rồi lại ra đi theo con đường riêng của mình. Tu như vậy là theo kiểu tung gieo hạt giống, chứ không thành luống thành hàng, thành dòng thành dõi. Đọc sách, ông thấy dòng tu Cát Minh của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, có lẽ, hợp với ông hơn.

Vào đầu những năm 60, sau khi tốt nghiệp Cử nhân triết học ở Sorbonne, Nguyễn Khắc Dương ghi danh làm tiến sĩ cho có chuyện, ông chủ yếu dành thời gian tìm một nếp tu. Ông kiếm tìm một hình thức tu nhỏ gọn và âm thầm. Được giới thiệu đến một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc nước Pháp, ông tu trong một nhóm nhỏ thuộc đan viện cổ truyền Bouveret dòng Biển Đức. Nửa năm ở đấy khác nào như cá trong nước. Nhưng khi được đưa sang Thuỵ Sĩ, nơi có đan viện chính, để chuẩn bị vào nhà tập, ông lại thấy nặng nề, gò bó, sức khoẻ lại giảm sút nghiêm trọng. Hơn nữa, đan viện này lại không thuộc về một liên-đan-viện phụ trách các dòng tu ở Việt Nam, nên mộng ước sau này về nước thiết lập và phổ biến lối đan tu nhỏ gọn không thể thực hiện được. Thế là, một lần nữa, Nguyễn Khắc Dương lại ra khỏi dòng tu. Ông quyết định rời Pháp về Việt Nam làm một cư sĩ, một tu hụt.

Sự "vụng đường tu" của Nguyễn Khắc Dương ảnh xạ một xung đột trong nội bộ văn hóa Kitô giáo. Nói rõ hơn là giữa tinh thần Kitô và cái gọi là Kitô-chế. Hay nói khác giữa tính tôn giáo và tổ chức tôn giáo như là một thiết chế văn hóa - xã hội. Ông gần với tinh thần Kitô và xa lạ với Kitô-chế, thậm chí dị ứng với nó. Ông thấy Kitô giáo thời kỳ còn khốn khó giàu tinh thần Kitô hơn thời kỳ đã nắm quyền, đặc biệt là thế quyền. Các tu sĩ Kitô giáo thanh bần bao giờ cũng nhiều tinh thần Kitô hơn các tu sĩ đầy quyền bính. Bởi lẽ, quyền bính nào, nhất là những quyền bính nhờ quyền bính, cũng là sự sa đoạ. Nếu chỉ chứng kiến cảnh những tu sĩ béo tốt đi xe vào dinh quan Sứ như trước Cách mạng tháng Tám, nếu không thấy các tu sĩ đi bộ cùng các Kitô hữu trong nhiều nẻo đường kháng chiến, hẳn Nguyễn Khắc Dương đã không thể đi tu. Tinh thần Kitô khuyến khích con người tự mình trực tiếp đối diện trước Chúa: một mình mình biết, một mình mình hay. Ở cạnh khía này, ông có vẻ gần với người anh em Tin Lành hơn.

Có lẽ, cũng do ảnh hưởng của tinh thần Kitô, Nguyễn Khắc Dương có một cái nhìn "không giống ai" về văn minh phương Tây. Ông rất coi trọng nền văn hóa trung đại mang tinh thần Công giáo, thời kỳ mà chúng ta, những đầu óc duy lý và duy tiến bộ, vẫn coi là "đêm trường trung cổ". Bởi thế, ông phê phán nền văn hóa Phục Hưng vì đã khôi phục lại tinh thần duy lý Hy Lạp, duy luật La Mã và mở đầu cho thời đại duy khoa học và kỹ thuật. Từ đó, Nguyễn Khắc Dương dị ứng với mọi thứ triết học duy hệ thống. Platon, Aristote, Kant, Hegel với những Tinh thần, Lịch sử, Nhân loại viết hoa làm ông nghẹt thở. Ông chỉ tiếp tu được những tư tưởng triết học đề cao con người, con người cá nhân cá thể, con người như là một ngã vị. Ông yêu thích các triết gia hiện sinh hữu thần như Kierkegaard, Jaspers, Marcel...



4.

Cuối năm 1965, Nguyễn Khắc Dương về nước. Sau một năm dạy học ở Sài Gòn, ông được mời lên dạy triết học ở Đại học Công giáo Đà Lạt. Lúc này, linh mục, nhà ngôn ngữ học Lê Văn Lý làm trưởng khoa Văn, còn linh mục Lê Tôn Nghiêm làm trưởng ban Triết. Cuộc sống của một cư sĩ, một ông thầy tài tử có vẻ thích hợp hơn với ông. Đặc biệt làm một ông thầy Triết.

Nhớ lại những năm học Triết ở Sorbonne. Bấy giờ Nguyễn Khắc Dương chủ yếu đi tìm một lối sống, một nếp tu, chứ không phải một triết lý, nên ông trở nên hững hờ với Triết, thật khác xa với anh chàng tú tài háo triết thuở nào. Bởi vậy, những điều ông tiếp tu được ở trường không phải là những tri thức cao siêu, mà chính là thái độ trí thức của những giáo sư Sorbonne. Họ rất khiêm tốn, liêm khiết trí tuệ, thận trọng và trung thực trong phán đoán, không a dua theo phong trào. Bài giảng của họ chỉ là sự trình bày một cách từ tốn, giản dị những gì họ tìm kiếm được. Đó là thái độ của người đang đi tìm chân lý chứ không phải đã sở hữu chân lý trong tay. Mà, nói cho cùng, chân lý là đạo, là con đường, mãi mãi là cái đang - là, chứ không phải cái đã - là; lại càng không phải một đồ vật để người ta tranh giành và hễ chiếm được thì độc quyền ban bố, phân phát.

Làm ông thầy tài tử ở Đà Lạt, Nguyễn Khắc Dương không coi mình như một giáo sư, mà chỉ như người phụ giảng, anh trưởng tràng giúp đỡ sinh viên. Bởi thế, ông không viết giáo trình hay cho in sách vở gì cả. Bài ông giảng cho sinh viên, có ai ghi chép lại mà muốn nhân lên để anh em khác cùng lớp dùng, ông chỉ sửa chữa vài chỗ rồi cho họ tự ý muốn làm gì thì làm. Ngoài giờ học, thầy trò quây quần quanh quán phở, tiệm cà phê cũng là thường. Ông muốn là người đồng hành với thế hệ trẻ. Bởi, ông quan niệm, không có ai dạy triết cho ai, không có ai học triết với ai được cả. Chỉ là kẻ trước người sau đi tìm chân lý cho mình và do mình; gặp nhau thì giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Trở về làm một cư sĩ, sống tận cùng với cá nhân mình, Nguyễn Khắc Dương, nhất là những năm sau 1975, như trở lại giai đoạn anh nhi của cuộc đời. Nhưng đứa trẻ thông thái ấy tưởng như đã "biết tuốt", đã "tri thiên mệnh", vậy mà vẫn có điều băn khoăn. Có lần, ông nói với tôi, mà như nói với chính mình, là cả đời ông chưa một lần được gặp Chúa, dĩ nhiên là gặp theo lối thần hiệp. Ông là người dành trọn tình yêu cho Chúa, hoàn toàn phó thác đời mình cho Chúa, tin tưởng vào mọi sự xếp đặt huyền bí của Chúa, kể cả những năm 1955 - 56 đi làm quân dịch và 16 tháng gối hai năm 1975-76 trong trại học tập. Vậy mà chưa một lần được nhận Thiên Ân. Hẳn là lỗi ở cái óc duy lý đã bị ông tống ra cửa chính mà nó vẫn vào bằng cửa sổ. Đây có lẽ là xung đột sau cùng ở một con người: niềm tin và trí óc, tôn giáo và khoa học.



5.

Trước khi mất không lâu, một hôm, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bảo tôi: chú Dương là người suốt đời tìm đường mà không thấy. Còn ông, tôi nghĩ, hẳn ngay từ đầu đã thấy đường rồi. Đó là con đường của người sĩ phu hiện đại. Nhưng, cũng như bao sĩ phu truyền thống, sau một đời hoạt động bận rộn, ông cũng phải tìm về với chữ Tâm. Như vậy, giống như sự "lại giống", một đại trí thức Tây học như Nguyễn Khắc Viện mà vẫn đi lại con đường "vào Nho ra Phật", "trẻ Nho già Lão" của người trí thức Nho học ngày xưa. Và, cho đến nay, trên con đường đó, hẳn ông không độc hành.

Nguyễn Khắc Dương, cũng vậy, sớm khao khát một cuộc sống có lý tưởng, cái lý tưởng hành đạo giúp đời theo kiểu Nho giáo mà người cha, người anh đã vạch sẵn. Nhưng rồi sự tiếp xúc và, sau đó, trở thành người Kitô hữu, cái lý tưởng đẳng cấp ấy ở Nguyễn Khắc Dương trở thành một lý tưởng cá nhân của riêng ông. Đó là nguyện vọng thực hiện một đời sống tu hành. Và, oái oăm thay, lý tưởng cá nhân này trong con mắt số đông người ở thời kỳ đó lại như là sự "phản bội" lại lý tưởng của gia đình, vùng đất, thậm chí dân tộc. Nếu không có một ý thức cá nhân phát triển cao, không tự coi mình như một ngã vị có giá trị tự thân thì không thể bứt được khỏi truyền thống người cha, khỏi vô thức tập thể. Trợ lực cho điều đó, ngoài nền học vấn nhân văn thế kỷ XVII của Pháp, ngoài văn chương lãng mạn Việt Nam những năm 30 thế kỷ trước, hẳn Kitô giáo giữ một vai trò quyết định.

Con người cá nhân Nguyễn Khắc Dương, dù phát triển cao như vậy, mà vẫn không phải là con người thuần nhất. Đằng sau người trí thức Tây học là một tu/cư sĩ Công giáo; đằng sau con người tu/cư sĩ Công giáo là một anh "đồ Nho", mà lại là "đồ Nghệ", gàn đến ba đời. Những con người trong con người này khập khiễng nhau, tranh chấp nhau, ảnh xạ những khác biệt, những xung đột về văn hóa, triết học, tôn giáo và kiểu tư duy. Những khác-xung-biệt-đột này ở Nguyễn Khắc Dương thúc đẩy một loạt các lưỡng phân giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, giữa văn hóa phương Tây duy kỹ thuật và văn hóa phương Tây tâm linh, giữa lối tu cộng đoàn có tổ chức chặt chẽ và lối tu đơn độc, tự do và, cuối cùng, khi chỉ là một cư sĩ, thì giữa lòng tin và đầu óc, giữa sự phó mình để bước ra ngoài ngọn sào và sự phân tích, lý giải, so sánh, bình luận đời mình như một nhà phê bình văn học mổ xẻ một văn bản. Sự lưỡng phân, có lẽ, không có tận cùng. Và hình như càng lưỡng phân bao nhiêu thì nguyện vọng hợp nhất trong ông càng tha thiết bấy nhiêu. Hợp nhất Đông và Tây, hợp nhất Nho giáo và Kitô giáo, hợp nhất đoàn thể và cá nhân, trái tim và đầu óc, hợp nhất những gì tưởng như không thể hợp nhất nổi, để có được một Kitô giáo Việt Nam, và những Kitô - Việt - hữu. Bởi thế, Nguyễn Khắc Dương là một trường lữ đi trên con đường không có đường.

Chùa Thầy, Xuân Mậu Tý
Nguồn: Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Ná»™i, số 2/2008