trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.4.2008
Tôn Thất Quỳnh Du
Đọc Người ham chơi của Hoàng Phủ Ngọc Tường
 
Qua những bài viết gần đây trên talawas, “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường” đã được phân tích rất đầy đủ, qua các góc cạnh lịch sử, chính trị, xã hội và tâm lý. Tôi xin phép được bày tỏ một vài cảm nhận chủ quan, sau khi đọc lại tập ký Người ham chơi.

Tập ký 206 trang này gồm 49 bài viết, đề tài bao quát, ngắn nhất 3 trang, dài nhất 7 trang. Một số là những bài ký về bạn bè, những danh nhân đã gặp, những nơi đã từng đến. Một số bài viết từ những cảm khái đột khởi từ một tình huống nào đó, về chuyện xưa tích cũ, và một số bài viết về Huế, cơm hến, nhà vườn, cùng một vài bài suy ngẫm triết lý.

Những bài viết về bạn bè, tri kỷ trong văn chương nghệ thuật như Trịnh Công Sơn, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo, về phần thông tin thường là nhẹ, về nhận xét thì chung chung. Ngay cả bài viết về người bạn quý là Trịnh Công Sơn cũng không cho người đọc biết thêm gì nhiều về Trịnh Công Sơn, và cũng không đưa ra một nhận xét sâu sắc mới lạ nào về người nhạc sĩ tài hoa này. So với những bài viết về Trịnh Công Sơn do những người khác viết thì bài của Hoàng Phủ Ngọc Tường nhạt.

Trong những bài về Huế, ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường đầy tình cảm, giọng điệu nhẹ nhàng, quan sát tinh tế, nhưng không vượt qua những “nhà văn Huế” như Tô Nhuận Vỹ, Võ Quê, Trần Thùy Mai, hay Trần Kiêm Đoàn khi họ víết về Huế.

Các bài viết dựa vào cảm hứng từ những nơi chốn đã đi qua, Paris, Tân Trào, Điện Biên, Sơn Mỹ, Thuận Thành, v.v…, trừ những bài có tính kiến nghị, đều là những bài viết hay. Tuy nhiên, những liên tưởng mắt xích chủ yếu trong những bài “cảm hứng” này – đứng trước cây đa Tân Trào nghĩ đến sức mạnh bền bỉ của dân tộc, đứng ở Mỹ Sơn băn khoăn về số phận của trung uý Calley – lại là những liên tưởng không có tính khám phá, dễ tiên đoán. Có bài rất thiếu cân đối. Như bài “Báo Tiếng Dân kiểu mới”, chẳng hạn. Trên hai phần ba của bài chỉ để nhắc chuyện cũ, và chỉ hai ba câu sau khi đi vào thực tại gai góc về một tờ báo ở Huế, thì chấm hết. Chưa nói đã ngưng. Có thể Hoàng Phủ Ngọc Tường thích đặt câu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời, như có người đã nói. Có thể là Hoàng Phủ Ngọc Tường thích gợi vấn đề để độc giả tự suy ngẫm. Nhưng tôi thấy nó sao sao ấy. Lỡ dở. Tắt tịt. Như bị nghẹt.

Nói chung thì trong tập Người ham chơi tôi thấy không có bài viết nào có tác động mạnh đến độ người đọc, sau một thời gian dài, nếu tình cờ đọc lại tác phẩm đó trong một văn bản không ghi tên tác giả, sẽ nhớ chắc chắn, “à đây là Hoàng Phủ Ngọc Tường”. Trừ hai bài, “Con chim bách thanh” và “Quẻ Vị tế”.

“Con chim bách thanh” kể lại chuyến đi thăm “cậu em” ở Phú Nhuận. Trong nhà, cậu em nuôi con chim bách thanh rất “quái chiêu”. Nó có thể lặp lại một cách rất trung thực tất cả mọi âm thanh của thành phố ồn ào bên ngoài. Thời còn ở “trong rừng”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng mê giọng hót của loài chim này.

“Buổi sáng mặt trời lên, khu vườn tưng bừng tiếng chim, quả là loài chim thích tranh đua giọng hót từ trong dòng máu. Con chim bách thanh luôn có mặt vào lúc này, đứng hót trên cây ngọc lan bằng đủ giọng chim trong vườn: sáo, họa mi, vành anh, sơn ca, gầm ghì… Nó hót đúng giọng và hay hơn con chim chủ; và dù nó đậu xa, tôi vẫn nghe rõ giọng nó trong trẻo, vang lừng, giống như giọng lĩnh xướng của một giàn đồng ca. Và lạ lùng đối với tôi, khi lũ ve sầu gióng giả cất tiếng, con bách thanh liền cảm hứng chơi luôn một khúc nhạc ve sầu.”

Hoàng Phủ Ngọc Tường cho biết rất nhiều chi tiết thú vị về con chim bách thanh. Những con bị bắt nhốt trong lồng từ nhỏ, chưa hề biết thiên nhiên là gì, sẽ không hót theo tiếng hót của con họa mi trong thiên nhiên, đã thu vào máy ghi âm, mà lại vui vẻ hót tiếng rao hủ tiếu ngoài đường. Và đặc biệt là chim bách thanh “hót giọng của muôn loài, nhưng chưa ai nghe điệu hót của nó bao giờ. Có lẽ nó không có giọng hót riêng. Với chim bách thanh, cái nó không có, oái oăm thay, lại là… chính nó.” Những con bách thanh già, bắt được khi chúng đã lớn khôn trong thiên nhiên, thì rất khó nuôi. “Nó phá lồng, đập cánh tới bươu đầu bể trán, vật vã cho tới chết, Trước khi chết, nó kêu lên một tràng những tiếng rất bí ẩn, nghe như suối reo, thác đổ. Có thể đó là giọng hót riêng của chim bách thanh, lúc nó mới tiếp xúc với thiên nhiên.”

Con chim bách thanh như một ca sĩ tài hoa, đủ điêu luyện để bắt chước giọng hát của bất cứ ca sĩ nào khác, nhưng lại không có một giọng ca cho riêng mình. Phải chăng đấy mới là bi kịch của Hoàng Phủ Ngọc Tường, về góc cạnh văn chương?

Bài thứ nhì mà tôi thích là bài cuối của tập, “Quẻ Vị tế”, lấy cảm hứng từ quẻ cuối cùng, thứ 64, của Kinh Dịch. Chỉ xin trích một đoạn khá dài, ghi chú và phê bình có lẽ không cần thiết.

“Quẻ Vị tế (chưa qua sông) nằm ở vị trí sau cùng, kết thúc chuỗi liên hoàn của 64 quẻ Dịch. Tôi thường đọc quẻ Vị tế bằng nỗi xúc động thật sự như đọc một bài thơ cuộc đời; bởi nó phát đi một dự báo đầy lo âu về cuộc hành trình mà con người phải vượt qua suốt cõi nhân sinh: rằng có một dòng sông đang ở phía trước, và đừng quên rằng anh là một người chưa qua sông.

Người đi trong Ngũ hành, vòng đời trải qua đủ 64 thời kỳ của Dịch, trải đủ nỗi gian nguy (quẻ Truân, Khâm, Kiến…), chia lìa (quẻ Khuê, Phong…), hưởng được niềm vui (quẻ Thắng, Quy muội…); hết thời âm thịnh (quẻ Bát) đến buổi dương hồi (quẻ Phục), hết Bĩ lại Thái. Vận mệnh thịnh suy, đường thế gập ghềnh, người đi tới cuối cuộc lữ hành ngồi thở phào nhẹ nhõm ở quẻ Ký tế (đã qua sông, quẻ thứ 63). Đến đây người tưởng rằng việc đã xong, nợ đời đã trả, chỉ còn một bước nữa thôi là đi hết đường dài. Điều hoàn toàn bất ngờ của Kinh Dịch, ở cái bước sau cùng ấy lại là quẻ Vị tế: Một dòng sông khác lại hiện ra trước mặt, và con người lại phải cất bước, khởi đầu trở lại cuộc hành trình.”

Qua tập Người ham chơi, trực giác cho tôi thấy rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường ý thức rất rõ, nhưng không đến nỗi bị ám ảnh, về bi kịch của chính mình, từ góc cạnh văn chương cũng như từ những góc cạnh khác của cuộc đời.

© 2008 talawas