trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
4.4.2008
Walter Lippmann
Về việc hoà giải khoa học và tôn giáo
Cao Hùng Lynh dịch
 
Nhiều lý lẽ đã được viện dẫn để giải thích tại sao người ta không còn đi nhà thờ nhiều như trước đây. Chắc chắn lý do quan trọng nhất là họ không tin rằng sẽ gặp Chúa khi đến nhà thờ. Nếu có niềm tin đó, họ sẽ đi. Nếu họ thực sự tin rằng họ được quan phòng bởi một đấng Tối cao, người có nhiều quyền lực hơn tất cả các vị vua trên trần thế này cộng lại, nếu họ thực sự tin rằng không chỉ các hành vi, mà cả những suy tư thầm kín của họ, đều bị nhìn thấy, đồng thời sẽ được ghi nhận bởi đấng sáng tạo và vị phán quan tối thượng của vũ trụ, thì sẽ không có lời than phiền gì về số lượng tín đồ tham dự thánh lễ tại nhà thờ. Khi đó, kẻ ít niềm tin nhất sẽ ngồi ở hàng ghế đầu, và người thuyết giáo sẽ không phải dùng đến những mưu chước khá là tuyệt vọng để thu hút cử tọa. Nếu mọi người tin rằng các tín điều được tuyên xưng là hoàn toàn xác thực, thì người đi lễ hiện đại sẽ không còn đến nhà thờ, như họ thường làm hiện nay, để nghe thuyết giáo và thánh nhạc. Nếu như vậy, họ sẽ luôn luôn tôn thờ Thượng đế.

Sự tin theo một tôn giáo sẽ mất tác dụng khi nó chỉ dựa vào sự tán thành có tính cách thụ động, hoặc vào những lập luận rối rắm, hoặc vào sự cổ võ cuồng nhiệt, hoặc vào những mưu tính, dù không xấu xa, nhằm biến mọi thứ trở nên mơ hồ và mang nhiều tính khoa trương. Con người không thể đùa giỡn với niềm tin. Hoặc là anh ta có nó trong tận xương tủy; hoặc là khi gặp khốn khó, sẽ không có niềm tin nào nâng đỡ anh ta.


I.

Dân tộc Mỹ, không giống với các dân tộc khác, được hợp thành từ những cá nhân đã bị mất quê hương. Họ băng qua biển cả để định cư khắp nơi trên một lục địa mới. Những người Mỹ nào vẫn đang cư ngụ trong ngôi nhà của tổ phụ hầu như đều cảm thấy như thể mình đang sống trong một viện bảo tàng. Có rất ít người Mỹ sống yên một nơi từ bé đến lớn, và ngay cả khi họ vẫn ở tại nơi chốn mà họ đã chào đời, thì các vết tích xưa cũ cũng đã bị cuốn phăng để dành chỗ cho sự phát triển. Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta có nhiều tính cách Mỹ hơn là có nhiều tình yêu dành cho nước Mỹ. Cần phải có thời gian để yêu cái trạm xăng mới đang tọa lạc ở nơi mà trước đây những bụi kim ngân dại đã mọc. Hơn nữa, đại đa số người Mỹ đều là những kẻ thành đạt. Họ đã rời bỏ giai cấp xuất thân của họ, và có lẽ từ đó cũng đã nâng cha mẹ họ lên một vị thế cao hơn, để có thể cùng nhau ngồi bên những chiếc ống dẫn hơi nước mà nghe những điệu nhạc ngân nga phát ra từ chiếc máy radio. Nhưng càng lúc càng có nhiều người trong số họ đã từ bỏ, chẳng những giai cấp xuất thân, mà còn cả nền văn hoá của họ nữa; sau đó, họ rời bỏ người thân, và thế là tính liên tục của đời sống bị gián đoạn. Niềm tin chỉ lớn mạnh khi nó được chuyển giao từ cha mẹ sang con cái giữa một môi trường luôn luôn xác nhận - bởi vì không điều gì hoàn toàn biến đổi một cách triệt để - sự tồn tại của một sự lâu bền nào đó trong trật tự xã hội. Rõ ràng là trong cuộc di cư có tính chất vật lý và tâm lý này, một vài trong số các vị thần hộ mạng của gia đình đã được đóng gói cẩn thận để mang theo chung với hành lý, rồi sau đó được mở ra để đặt lên các bệ thờ mới tại quê hương mới. Nhưng những thứ được mang theo đó chẳng khác nào cái cây đã bị bứng khỏi mặt đất. Gốc rễ của nó vẫn còn nằm sâu trong lòng đất mà từ đó nó đâm chồi.

Vỉa hè của một thành phố lúc nào cũng là nơi chốn khắc nghiệt để gieo mầm tôn giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử, như Spengler đã nói rõ, thành thị luôn luôn làm nảy sinh dị giáo và các nghi lễ thờ phụng mới lạ, đồng thời dung dưỡng cho tình trạng vô tín ngưỡng. Bây giờ, khi nói về nền văn minh hiện đại, điều chúng ta muốn nói là một nền văn minh bị ngự trị bởi các giá trị văn hoá của các trung tâm đô thị lớn. Nền văn minh của chính chúng ta tại nước Mỹ này có lẽ là nền văn minh đã bị đô thị hoá một cách đáng kể nhất trong số tất cả các trung tâm đô thị; bởi vì ngay cả giới nông gia, mặc dầu sinh sống ở nông thôn, vẫn đang có khuynh hướng trở thành các cư dân ngoại ô hơn là người tỉnh lẻ. Tôi nhận thức được dân số những vùng ngoại vi của các thành phố lớn đã đóng một vai trò có nhiều ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên, các thành phố lớn mới là nơi định đoạt nhịp độ lớn mạnh của nền văn minh chúng ta; đồng thời chiều hướng của các phát minh cơ giới cộng với chính sách kinh tế sẽ tạo ra một hấp lực không thể cưỡng lại, khiến cho nông thôn ngày càng tiến dần về phía thành thị.

Các truyền thống sâu xa và bền vững của tôn giáo thường tùy thuộc vào nông thôn. Bởi vì đó là nơi người ta kiếm miếng ăn hàng ngày bằng cách tòng phục các thế lực siêu nhiên, những thế lực mà con người chỉ có thể phần nào chế ngự được các hành vi của chúng. Trong việc cày cấy, gieo trồng, anh ta không còn biết làm gì hơn, ngoại trừ chờ đợi mưa thuận gió hoà. Rõ ràng anh ta là một phần của sự xếp đặt nào đó và phải trung thuận với các yếu tố vượt quá khả năng và sự hiểu biết của mình. Thành thị, do đó, là một chất cường toan làm ruỗng mòn lòng trung thuận này. Nó hoàn toàn khác với một vườn nho thuở nào, nơi mà người ta luôn luôn gieo trồng những gì mà cha ông họ đã gieo trồng. Trong một đô thị hiện đại, không dễ duy trì “tình cảm quyến luyến với cội nguồn và kéo dài sự ổn định của cuộc sống nảy sinh từ tình cảm quyến luyến ấy.” Sẽ rất thiếu tự nhiên khi hình thành tình cảm quyến luyến với một căn hộ có thời hạn cho thuê trong vòng hai năm, và với chiếc bàn giả gỗ đặt trên tầng ba mươi hai của một cao ốc văn phòng. Trong một môi trường như thế, lòng trung thuận trở nên phi lý, và là một cái gì đó khôi hài; người sùng đạo, khi đó, trông giống như một người quê mùa hoặc một kẻ ngốc ngếch lạc hậu.

Tuy nhiên, nếu thiếu lòng mộ đạo, nếu thiếu tình cảm quyến luyến dành cho gia đình và quê hương, nếu thiếu sự gắn bó với một khung cảnh ít đổi thay, thì không thể nào có niềm tin vào sự xếp đặt bên ngoài cuộc sống. Quyền năng tuyệt đối của Thượng đế luôn luôn là một điều gì đó có ý nghĩa đối với những người hàng ngày phụ thuộc vào chu kỳ thời tiết và năng lực huyền nhiệm của thiên nhiên. Nhưng người thành thị thường đặt niềm tin của họ vào các cuộc thử thách để giữ cho nó đừng nguội lạnh, nhận thức một cách kiêu mạn về chất thải độc hại nào mà tiền nhân của họ từng hứng chịu, và về việc họ đã tin tưởng một cách ngu dốt rằng Thượng đế, người đã tạo ra Adam lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng Mười năm 4004 trước Tây lịch, có quan tâm đến các hành vi của con cái Adam.


II.

Người bình thường là một kẻ thực dụng vô thức: anh ta tin, bởi vì anh ta cảm thấy rằng những niềm tin của anh ta làm thay đổi đường đi của các biến cố. Anh ta không thờ phượng một vị thần linh chỉ biết suy niệm về vũ trụ, hoặc vị thượng đế sáng tạo ra vũ trụ ấy, và sau đó sẽ không cảm thấy được an nghỉ, trong khi vận mệnh của vũ trụ cứ tự phơi bày một cách không thương tiếc. Đối với người chất phác, tôn giáo không phải là một hoạt động bất vụ lợi, mà là một vấn đề rất thực dụng. Nó liên quan đến tình trạng an bình của họ trong thế giới đang sống này và trong một thế giới bình đẳng sau đó. Họ muốn biết ý nguyện của Thượng đế, bởi vì họ phải biết điều đó một khi họ họ thố lộ sự thật với đấng sáng tạo.

Những ai tự cho là mình biết được ý nguyện của Thượng đế đều phải chứng tỏ rằng họ biết điều đó. Đây là chức năng của những phép lạ. Đó là chứng cớ xác thực cho việc vị tôn sư của tôn giáo có một phận sự thực thụ. “Dân chúng thấy dấu lạ (về bánh mì và cá) Đức Jesus làm, thì nói, hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian.” Khi Chúa Jesus làm cho người chết tại cổng thành Nain trỗi dậy, “mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” Các nhà thần học Thiên Chúa giáo có uy tín nhất đã dạy rằng phép lạ “không phải được làm ra để chứng tỏ chân lý bên trong của các học thuyết, mà chỉ nhằm biểu lộ các lý do tại sao chúng ta nên chấp nhận các học thuyết ấy.” Chúng, “về căn bản, là một sự đòi hỏi hiểu biết,” một sự biểu hiện, cái mà người ta hầu như có thể nói là sự thể nghiệm thiêng thánh, nhờ đó người ta có thể biết được sự quang diệu và an bài của Thiên Chúa.

Những người biện giải cho Thiên Chúa giáo cho rằng Thiên Chúa có thể được biết bằng lý trí, nhưng phép lạ giúp, như nó đã từng, xác nhận niềm tin. Sự gắn bó bền bỉ của giáo hội Thiên Chúa giáo với phép lạ là một sự gắn bó đầy ý nghĩa. Nó có một kinh nghiệm liên tục với bản chất con người lâu hơn bất cứ định chế nào khác trong thế giới phương Tây. Nó đã tự thích nghi với nhiều tình huống, và dưới sự tuyên xưng tín ngưỡng không thể đổi thay, nó đã từ bỏ, để rồi sau đó, bổ sung nhiều vấn đề. Nhưng nó chưa bao giờ ngưng đòi hỏi sự cần thiết của một sự biểu lộ mang tính vật chất của quyền năng thiêng thánh. Bởi vì, với một bản năng bất khả sai lầm đối với thực tại, các giáo sĩ Thiên Chúa giáo hiểu rằng có một tính thực tế trong nhu cầu muốn sờ nắm và trông thấy, cái mà các chứng cứ bằng ngôn lời không bao giờ có thể đáp ứng được. Họ đã kiên quyết đáp lại nhu cầu ấy. Họ không thể rao giảng về Thiên Chúa chỉ bằng cách ngợi ca Ngài; họ đã đưa Thiên Chúa đến gần với con người bằng cách biểu lộ Ngài cho các giác quan, như là một người có đủ tính cao cả, sự chân thiện và quan tâm đến con người để có thể chữa khỏi bệnh tật và làm cho lũ lụt lùi dần.

Nhưng ngày nay, các khoa học gia lại nằm ở thế thượng phong so với các giáo sĩ trong vấn đề minh giải này. Vả lại, các phép lạ được thuật lại từ bục giảng kinh càng trở nên hiếm hoi. Thậm chí có nhà thần học đã giảng rằng phép lạ đã không còn xuất hiện sau cái chết của các tông đồ. Nhưng phép lạ của khoa học dường như không hề có biểu hiện cạn kiệt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi khoa học gia đã thủ đắc phần lớn uy thế tri thức mà các giáo sĩ đã từng có được. Khoa học gia, cố nhiên, không nói các khám phá của họ là phép lạ. Nhưng đối với người bình thường, các khám phá ấy cũng mang nhiều đặc tính như phép lạ. Chúng là những điều kỳ diệu, là những cái không thể giải thích được, là sự biểu lộ của một sứ mạnh to lớn tác động lên các thế lực của thiên nhiên.

Tôi nghĩ không thể nói rằng dân chúng nói chung, ngay cả thiểu số có học vấn không cao lắm, đều hiểu sự khác biệt giữa phương pháp khoa học và sự mặc khải, hoặc sự khác biệt mà dựa vào đó, họ đã quyết định đặt niềm tin nơi khoa học. Ít ra, phép lạ hiện có trong khoa học đối với người bình thường cũng nhiều tương đương với các phép lạ đã từng có trong tôn giáo; điều này được hiểu theo một ý nghĩa rằng phép lạ khoa học thường xuất hiện nhiều hơn, bởi vì sự hợp lý của khoa học là điều vẫn còn hoàn toàn nằm ngoài tầm hiểu biết của anh ta; trong khi đó sự hợp lý của mặc khải là sự hợp lý của chính các xúc cảm của anh ta. Nhưng nếu con người nói chung không hiểu được phương pháp khoa học, thì họ vẫn có thể đánh giá đúng mức một số các kết quả hữu hình của nó. Và các kết quả này gây ra nhiều ấn tượng cho đến nỗi nhà khoa học thường bị bối rối trước các kỳ vọng không cùng mà họ đã vô tình khơi gợi. Uy thế của họ trong lãnh vực kiến thức đã trở thành một điều lôi cuốn hầu như khó cưỡng lại được. Cho nên, khi các khoa học gia truyền giảng một lý thuyết nào đó và kinh thánh lại rao truyền một lý thuyết khác, thì khoa học gia luôn luôn mang lại sự tin cậy lớn hơn.

Các xung đột giữa khoa học gia và giáo sĩ đôi khi được quy cho một điều hiểu lầm nào đó thuộc cả hai phía. Nhưng khi chúng ta khảo sát các đề xuất hoà bình (cho sự xung đột này), thì rõ ràng là, tôi nghĩ, trên thực tế, chúng chỉ là những đề xuất hưu chiến. Chẳng hạn như, tôi tin rằng thoạt tiên, vào thế kỷ mười bảy, có một đề xuất được đưa ra như sau: Thượng đế làm cho vũ trụ giống như chiếc đồng hồ, và sau khi cho nó chạy, Ngài sẽ bỏ mặc nó đến khi nào nó đứng lại. Bằng hình ảnh ẩn dụ khéo léo này, cái không thể chứng minh và cũng không thể phản bác, người ta đã có thể hoà giải quan điểm của khoa học về các quy luật thiên nhiên với quan điểm xưa cũ hơn về Thượng đế như là đấng sáng tạo và người phán xét. Quan điểm tôn giáo tỏ ra đúng đắn vào thời điểm khởi đầu và kết thúc của thế giới, còn quan điểm khoa học thì cho thấy sự chính xác của nó vào giai đoạn giữa hai thời điểm ấy. Sau đó, khi sự khó khăn được chuyển từ vật lý học và thiên văn học sang sinh vật học và sử học, thì sự khác biệt đã nảy sinh. Thượng đế, người ta nói, đã sáng tạo ra thế giới và cai quản nó; phương cách mà Ngài sáng tạo và cai quản thế giới là phương cách mà khoa học gia gọi là “sự tiến hoá”.

Các nỗ lực hoà giải đều dựa trên một lý thuyết cho rằng có thể vạch ra, trong lãnh vực hiểu biết, một ranh giới để phân định bên này các phương pháp của khoa học sẽ chiếm ưu thế, trong khi bên kia thuộc về các phương pháp của tôn giáo truyền thống. Người ta thừa nhận rằng nơi nào sự thử nghiệm và quan sát có thể thực hiện được, thì nơi đó là cương thổ của khoa học gia; nhưng người ta cũng biện luận rằng có một lãnh thổ bao la đối với lợi ích to lớn của con người luôn luôn nằm ngoài tầm với của sự nghiên cứu khoa học có tính cách thực dụng, và rằng tại đây, những vấn đề thống thiết như định mệnh của con người, cứu cánh của cuộc đời, sự bất tử, phương pháp thiên khải, cái được cảm nhận và xác minh bằng trực giác, vẫn còn đáng tin cậy.

Trong bất cứ cuộc hưu chiến nào thuộc loại này, luôn luôn có sự xâm lấn từ cả hai phía. Lý do là vì đó chỉ là một chính sách tạm thời hơn là một sự tin cậy được ưng thuận từ trong thâm tâm của mỗi phía. Khoa học gia thực sự không thể tin rằng có những lãnh vực tri thức mà họ không bao giờ có thể thâm nhập. Họ phải bước vào mọi nơi chốn để khám phá mọi thứ. Và ngay cả khi thất bại, họ cũng không thể tin rằng các khoa học gia khác cũng sẽ phải thất bại như họ. Hơn nữa, các bài luận văn của họ thường tạo ra sự phiền toái và nỗi hồ nghi khiến các giáo sĩ chính thống bị phật ý. Trong bất cứ sự phân chia quyền lực nào, luôn luôn cần phải có một thế lực tối thượng để phán quyết các vấn đề tranh chấp. Khoa học gia sẽ định đoạt cái gì thuộc về khoa học, hay là các giáo sĩ sẽ làm chuyện đó? Vấn đề này sẽ không thể giải quyết được chừng nào mà cả hai đều cứ tuyên bố rằng họ có quyền giải thích bản chất của sự sống.


III.

Tính mới lạ căn bản của khoa học hiện đại nằm ở sự khước từ niềm tin – cái niềm tin nằm nơi tâm điểm của mọi tôn giáo phổ biến - rằng các lực làm chuyển động ngôi sao và nguyên tử đều phụ thuộc vào sự ưa thích của trái tim con người. Khoa học của Aristote và của các học giả thời trung cổ, trái lại, lại là một khoa học có tính phổ biến thực sự. Về động lực, nó chính là một khoa học có tính bản năng của những người phản khoa học. “Họ thiên nhiều về nguyên nhân và cứu cánh của vũ trụ”, tiến sĩ Randall nói, “cái được biện giải vì con người, vì sự phụng sự cho cái thiện.” Họ đưa ra một ý niệm vũ trụ chỉ có thể dùng để đáp ứng các nhu cầu tôn giáo của những người bình thường, và trong vở The Divine Comedy [1] (Thần Khúc), chúng ta có thể thấy một ví dụ xứng đáng về điều khoa học phải là, một khi nó muốn đáp ứng nhu cầu tin tưởng của con người. Mục đích của toàn bộ thi phẩm, Dante nói, “là nhằm để đưa những ai đang sống trong cuộc sống này thoát khỏi tình trạng bất hạnh, đồng thời dẫn dắt họ đến cõi miền hoan ái.”

Đây là điểm mấu chốt mà con người, theo bản năng, vốn trông chờ: khả năng nói một cách chắc chắn rằng khi sự thật hoàn toàn rõ ràng, người ta sẽ thấy ước vọng của họ bị chi phối bởi loại tình yêu làm cho mặt trời và các vì sao chuyển động. Họ không chỉ hy vọng tìm thấy ý nguyện của Thượng đế trong vũ trụ, mà còn hy vọng biết rằng ý nguyện của Ngài, về căn bản, giống với ý nguyện của chính họ. Chỉ khi nào có thể vào tin điều đó trên nền tảng nghiên cứu khoa học, thì họ mới thực sự nghĩ rằng khoa học đã “giải thích” thế giới.

Sự giải thích, theo ý nghĩa này, không thể xuất phát từ khoa học hiện đại, bởi vì nó không nằm trong cái ý nghĩa mà khoa học hiện đại đang nỗ lực giải thích vũ trụ. Chẳng hạn, hoàn toàn lầm lẫn khi nói rằng bức tranh khoa học về thế giới có tính chất cơ học. Điều duy nhất có thể nói là nhiều khoa học gia đã cảm thấy hài lòng khi nghĩ về vũ trụ như thể là nó được kiến tạo theo kiểu một mô hình cơ giới. “Nếu tôi có thể làm ra mô hình cơ giới,” Kelvin nói, “thì tôi sẽ hiểu nó. Khi nào mà tôi vẫn chưa làm được một mô hình cơ giới, thì tôi không thể hiểu nó.” Nhưng vị khoa học gia này muốn nói điều gì với cụm từ “hiểu nó?” Ý của ông là, theo lời giáo sư Bridgman, ông đã “thoái giảm một trạng huống thành các yếu tố mà chúng ta quen thuộc cho đến nỗi đã chấp thuận chúng như là một lẽ đương nhiên để cho óc tò mò của chúng ta được nghỉ ngơi.” Người hiện đại rất quen thuộc với máy móc. Họ có thể tháo ráp chúng một cách dễ dàng; và như vậy, óc tò mò của chúng ta có xu hướng được thoả mãn nếu như chúng ta nghe rằng hiện tượng kỳ lạ về điện năng hoặc về hành vi con người, chẳng hạn, thì cũng giống như một cỗ máy mà thôi.

Người nói rằng thế giới là một cỗ máy thực sự chẳng thể đi xa hơn kẻ nói rằng anh ta hoàn toàn thoả mãn với điều tương tự rằng anh ta đã hoàn tất việc tìm kiếm sự thật. Đó là việc của anh ta, miễn là anh ta đừng khăng khăng cho rằng mình đã đạt được một bức tranh trong sáng và trọn vẹn về vũ trụ; bởi lẽ rõ ràng là anh ta vẫn chưa đạt được điều đó. Cỗ máy là một vật gì đó mà bên trong nó các bộ phận đều kéo đẩy lẫn nhau. Nhưng tại sao chúng kéo và đẩy, và chúng hoạt động bằng cách nào? Phải chăng chúng kéo và đẩy nhờ vào sự hoạt động theo quỹ đạo của các electron trong nguyên tử? Nếu đúng như thế, tại sao các electron hoạt động? Nó cũng là một cỗ máy chăng? Hoặc giả nó là một cái gì đó hoàn toàn khác với một cỗ máy? Chúng ta sẽ cố gắng lý giải các cỗ máy về phương diện điện học, hay chúng ta nỗ lực lý giải hiện tượng điện học về phương diện cơ học?

Do đó, rõ ràng là sự giải thích của khoa học hoàn toàn không giống với những sự giải thích mà người bình thường đã quen với. Nó không mang lại một hình ảnh nào đó về bất cứ cái gì được chấp nhận một cách hồn nhiên như là một hiện thân của thực tại. Thế cho nên, những triết lý phát triển từ khoa học như thuyết cơ giới và thuyết tiến hoá sáng tạo (creative evolution), đều không được khoa học bảo đảm như sự bảo đảm mà uy thế của kinh thánh đã dành cho câu chuyện sáng tạo trong Sáng thế ký. Chúng không là gì cả, ngoại trừ việc là sự cường điệu có tính cách tạm thời, cái sẽ sớm bị khước từ bởi sự tiến bộ của chính khoa học.

Đó là lý do tại sao không gì dễ tàn lụi bằng niềm tin khoa học của ngày hôm qua. Nó lụi tàn một cách toàn vẹn hơn bất cứ niềm tin thiên khải nào khác, bởi vì niềm tin thiên khải, cho dù các nhược điểm về phương diện vũ trụ học hoặc sử học của nó có là gì đi chăng nữa, luôn hàm chứa một kinh nghiệm mang tính con người tại tâm điểm của nó, cái mà chúng ta có thể nhận ra và có thể hưởng ứng. Nhưng một niềm tin như thuyết duy vật khoa học lại không chứa đựng điều gì trong nó cả, ngoại trừ thái độ tự phụ rằng nó là sự miêu tả chân thực về thế giới này. Một khi thái độ tự phụ ấy bị tiêu tan, thì nó hoàn toàn không có giá trị của một niềm tin. Nó trở thành một tập hợp các ý niệm đã bị vứt bỏ.


IV.

Khi đó, từ chính bản chất của sự biện giải mang tính khoa học, sẽ dẫn đến việc rằng niềm tin khoa học không thể trao tặng cho con người manh mối đưa tới một dự tính tồn sinh như được tìm thấy trong tôn giáo; bởi vì dự tính ấy phải giả định rằng sự tồn sinh được lý giải dưới dạng định mệnh. Hiện nay, sự tồn sinh có khả năng lại được biện giải, như đã từng được biện giải vào thời Trung cổ, như là vở tuồng định mệnh. Điều này dường như không có giá trị đối với chúng ta; tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nói rằng nó là điều hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Nhưng ngay cả khi khoa học có đưa ra một lối biện giải như thế, nó vẫn sẽ khác hoàn toàn với sự biện giải mà tôn giáo tận dụng.

Nếu nói một cách trung thực, thì nhất thiết phải nói như vầy: một, niềm tin khoa học có tính chất thiếu quả quyết và lệ thuộc vào sự phản bác của các cuộc thử nghiệm sau đó; hai, nó có tính tương đối; trong nó, các sự kiện giống nhau, được nhìn từ quan điểm khác và với mục đích khác trong tâm thức, lại có thể được lý giải một cách hoàn toàn khác nhau; ba, nó không phải là hình ảnh của thế giới, như cách Thượng đế sẽ nhìn thấy, và như cách mọi người phải nhìn thấy, mà nó chỉ là một trong số những hình ảnh sáng tạo có thể có của tâm thức, trong đó hầu hết các dữ kiện của kinh nghiệm được người ta nhào nặn cho ăn khớp với nó. Khi nhà khoa học đã hoàn tất việc gán ghép các phẩm tính, thì bản chất của vấn đề có lẽ đã bị xoá mất - người mộ đạo luôn luôn thấy được điều đó. Sự cả tín – như người mộ đạo ước vọng về nó - sẽ không còn nữa; sự đa dạng, như người mộ đạo hiểu, sẽ biến mất; sự khách quan, như người mộ đạo mường tượng, cũng vậy. Cái còn lại sẽ là một sự hư cấu trừu tượng và hợp lý, thích hợp với cuộc nghiên cứu vô tư, nhưng hoàn toàn không thích hợp để trở thành chiếc xe cứu rỗi.

Sự khó khăn của việc hoà giải tôn giáo với khoa học còn lớn lao hơn nhiều so với sự khó khăn trong việc hoà giải Sáng thế ký với Darwin, hay bất cứ lời tuyên bố nào trong kinh thánh với sự khám phá của các khoa học gia. Sự khó khăn trong việc hoà giải ước vọng của con người về một loại vũ trụ nào đó với phương pháp biện giải thế giới hiện nay đã có tính cách hoàn toàn trung lập trong chủ đích của nó. Người ta có thể, bằng cách vặn vẹo ngôn ngữ, hoà giải Sáng thế ký với “thuyết tiến hoá”. Nhưng điều mà không một ai có thể thực hiện được là bảo đảm rằng khoa học sẽ không phá huỷ thuyết tiến hoá vào cái ngày sau khi người ta chứng minh một cách đắc thắng rằng Sáng thế ký có mối tương hợp với thuyết tiến hoá. Trên thực tế, điều đó cũng vừa xảy ra. Thuyết Darwin, thuyết mà các nhà thần học đang vội vã chấp thuận, hiện được khoa học sửa đổi nhiều đến nỗi một bộ phận của nó hầu như đã lỗi thời như huyền thoại về người Babylon trong Sáng thế ký. Cuộc hoà giải mà các nhà thần học nỗ lực tìm kiếm là một cuộc hoà giải không thể thực hiện được, bởi vì một trong những yếu tố phải được hoà giải – đó là học thuyết khoa học - lại thay đổi quá nhanh, đến nỗi mà người bình thường, tại bất cứ thời khắc nào, không bao giờ biết chắc được học thuyết ấy là gì, và phải hoà giải cái gì với các tín điều tôn giáo.
Tuy nhiên, mục tiêu của những nỗ lực hoà giải này đã đủ rõ ràng. Đó là sự mong muốn tìm ra một nền tảng vững chắc cho lý tưởng nhân loại trong các sự thật của cuộc tồn sinh. Uy thế được đặt trên sự mặc khải đã có lần mang lại nền tảng ấy. Nó đã đưa ra sự miêu tả về cách thức thế giới này khởi đầu, về cách thức thế giới này được cai trị, và về cách thức nó sẽ kết thúc; điều này đã biến niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và sợ hãi, ước mơ và sự chối bỏ ước mơ thành các động lực chính yếu trong tấn tuồng vũ trụ. Sự mô tả này không còn làm thoả mãn óc tò mò của chúng ta về bản chất của sự vật; cái quyền uy hiện đang bảo chứng cho nó không còn làm chủ được lòng trung thành trọn vẹn của chúng ta. Uy tín, cái đã từng gắn chặt với những ai phát biểu bằng sự thiên khải, giờ đã chuyển sang các khoa học gia. Nhưng khoa học, dẫu hiện nay có là một phương pháp hiểu biết khả tín nhất mà chúng ta có được, vẫn không đưa ra được một sự miêu tả thế giới, trong đó số phận con người là đề tài trung tâm. Do vậy, khoa học, mặc dầu đã chiếm chỗ của sự thiên khải, nhưng vẫn chưa thay thế được nó. Khoa học sản sinh một loại tri thức hoàn toàn khác biệt. Nó giải thích sự kiện. Nhưng nó không đòi hỏi phải biện minh cách thức Thượng đế hành xử với con người. Nó làm cho chúng ta có thể nhận ra một số ước vọng của mình. Nhưng nó không bảo đảm rằng chúng có thể được thực hiện.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Tác phẩm của Dante Alighieri (1265 – 1321), kịch tác gia người Ý.
Nguồn: trích từ Preface to Morals, Walter Lippmann, Macmillan xuất bản, New York, 1929