trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
4.4.2008
Nguyễn Tiến Văn
Một cách đọc Orhan Pamuk, người bắc cầu giữa Đông và Tây
(Tham luận tại hội thảo “Orhan Pamuk - giữa Đông và Tây” do Công ty văn hoá và truyền thông Nhã Nam tổ chức ngày 11.3.2008, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ sách TPHCM lần thứ 5)
 
1. Giải Nobel đầu tiên cho văn học Turki

Mãi đến 2006, tức là 105 năm sau giải Nobel văn học đầu tiên tặng cho nhà thơ Pháp là Sulli Prudhomme, cũng là năm năm sau sự kiện khủng bố nổ tung Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York của Hoa Kì của những đặc công Muslim.

Đây không thể coi là giải Nobel đầu tiên cho văn học Islam vì nhà văn Ai Cập Naguib Mahfouz (sinh năm 1911) đã được trao giải này vào năm 1988, và Mahfouz viết bằng chữ Arabic là ngôn ngữ văn tự thiêng liêng của chung đạo Islam, từ trung tâm văn hoá giáo dục của đạo này là Cairo. Mahfouz cũng là nhà tiểu thuyết thế tục và cũng khởi hứng cho cả một vùng văn hoá, nhưng ở phương Tây tác phẩm vi tế của ông không đánh động được đông đảo quần chúng và cả giới trí thức quan tâm. 1989 bức tường Berlin sụp đổ và 1991 Liên Xô tan rã chiếm hết sự quan tâm của thế giới.

Phải có biến cố 2001 và phải có hàng chuỗi tai hoạ sau đó cũng như hai cuộc chiến tranh sau đó của siêu cường duy nhất là Hoa Kì mới khiến cả loài người bị chấn động và phải thường xuyên suy nghĩ về cộng đồng Hồi giáo thế giới.

Orhan Pamuk là người đáp ứng được đòi hỏi đó. Ông đề cập những vấn đề nóng bỏng đương đại và giải mã tâm hồn cùng như lịch sử văn minh Islam cho cả thế giới. Cho nên có thể nói là Orhan Pamuk đã bắc cầu thông cảm văn hoá giữa Đông và Tây.

Ông là đại biểu xứng đáng cho đất nước và văn học Turki đương đại.

Turki là một vùng đất thuộc Cận Đông (Proche-Orient), đã có cả 5000 năm lịch sử, là quốc gia nằm ngay ở cái nôi của loài người, nối châu Á với châu Âu. Khu vực Cận Đông cũng là nơi phát sinh những nền văn minh và tông giáo tối cổ của loài người, là nơi giao lưu và tranh chấp của các đế quốc Assyria, Persia, Ai Cập, Hittite rồi Hi Lạp, La mã, Ottoman, Đức, Nga, Pháp, rồi Anh, Hoa Kì. Các mối đạo Do Thái, Kitô, Islam, đều tràn qua, tranh chấp và ảnh hưởng sâu đậm ở đây.

Ngày nay người ta không còn phân biệt Cận Đông (Proche-Orient/Near East) với Trung Đông (Moyen-Orient/Middle East) nữa. Tất cả đã gộp chung thành Trung Đông. Cũng như không còn gọi là Viễn Đông (Extrême-Orient/Far East) nữa mà chỉ còn là Bắc Á, Đông Nam Á hoặc tổng quát hơn là châu Á Thái Bình Dương. Ngôn ngữ Turki đã xâm nhập vùng đất này cả ngàn năm nay và trở thành trung tâm của đế quốc Ottoman từ thế kỉ 15 đến đầu thế kỉ 20.

Nhưng quốc gia Turki hiện đại chỉ được thành lập sau khi đế quốc Ottoman tan rã với sự bại trận sau Thế chiến I và với kì công lập quốc của Mustafa Kemal vào năm 1923 của vị anh hùng được gọi là Attatürk tức người cha của Turki.

Suốt từ khi lập quốc đó, Turki đã đi theo đường lối thế tục để hiện đại hoá và chọn lựa hoặc trung lập (trong Thế chiến 2) hoặc đồng minh với phương Tây từ những kế hoạch tái thiết hậu chiến Marshall của Hoa Kì, đến tham gia Hiệp ước Trung Đông (CENTO), Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Tiếp nối di sản và lịch sử của mình, Turki đã tự nguyện làm cây cầu bắc giữa châu Á, châu Phi và châu Âu trong công cuộc toàn cầu hoá ngày nay.


2. Trung tâm và ngoại vi

Sau 500 năm thống ngự của châu Âu, thế giới đang dần thoát ra khỏi các cuộc chinh phục bằng vũ lực và Kinh tế cũng như khoa học công nghệ khởi đầu bằng cuộc khám phá Tân thế giới năm 1492 của Christopher Columbus.

Có thể nói mãi cho đến khi Thế chiến 2 chấm dứt mới có sự sụp đổ dần dà từ quân sự tới văn hoá của các chủ nghĩa và chính sách thực dân đế quốc mà khởi điểm là giữa thế kỉ 20 với sự vùng dậy của các cựu thuộc địa và bán thuộc địa (Điện Biên Phủ 1954 chấm dứt đế quốc Pháp); nhưng phải đến 1975 (sự thất bại đầu tiên của đế quốc Mĩ), thế giới mới đủ tự tin để làm cuộc phản tỉnh sâu rộng và thoát khỏi phức cảm trung tâm và ngoại vi. Các thủ đô của phương Tây như Paris, London, Washington… không phải là những trung tâm văn minh của thế giới nữa và các quốc gia khác không phải là những ngoại ô, những vệ tinh xoay quanh mặt trời của chủ nghĩa trung tâm châu Âu (Eurocentrism) nữa. Không còn sự lệ thuộc Kinh tế, chính trị, văn hoá của ngoại vi và trung tâm nữa. Thế giới hậu hiện đại là thế giới đa cực, và đa trung tâm. Mỗi dân tộc, mỗi văn hoá bản địa đều lấy mình làm trung tâm để tự xác lập, giao lưu với khu vực, và với toàn cầu.

Trong cuộc phỏng vấn ngay khi nhận tin được giải Nobel, Orhan Pamuk đã nói: “Văn hoá có nghĩa là một sự hoà hợp các thứ từ nhiều nguồn khác nhau.” (Phỏng vấn của Adam Smith, chủ nhiệm website của viện Nobel Foundation là Nobelprize.org ngày 13 tháng 10 năm 2006).

Đây là một sự phản bác chủ trương của Samuel P. Huntington, chủ tịch Hội các nhà Khoa học Chính trị Hoa Kì phát biểu trên tạp chí Đối ngoại (Foreign Affairs) và sau đó được khai triển thành sách có tiếng vang toàn cầu. Đó là chủ trương “sự đụng độ của các nền văn minh” (the clash of civilizations). Sự đụng độ tức là đối đầu bằng bạo lực để giành chiếm đoạt và thống trị. Tức là cuộc tranh đấu xem ai thắng ai. Orhan Pamuk đề ra một quan niệm bất bạo động và nhân bản: Sự hoà hợp các nền văn hoá (the mix of cultures) tức là sự tôn trọng các lối sống và các giá trị của các cộng đồng người, dù khác biệt nhau tới đâu, mâu thuẫn nhau tới đâu.

Đó cũng chính là tôn chỉ của Alfred Nobel, người đã bằng phát minh chất nổ cốt mìn (dynamite) nhằm giúp những người thợ mỏ đỡ lao lực, nhưng phát minh đó lại bị lợi dụng để hỗ trợ chiến tranh – và gia sản kếch sù do phát minh của mình đã gây bao cuộc đổ máu mà ông Alfred Nobel đã sám hối và lấy gia sản kia làm giải thưởng cho những ai giúp sự thăng tiến hoà bình và hạnh phúc của con người.

Chỉ khi nào mỗi con người đủ tự tin để đảm nhận trách nhiệm của chính mình, không làm nô lệ cho những khống chế bên ngoài, nói tóm lại tự coi mình là trung tâm, là mục đích chứ không phải phương tiện thì con người mới có phẩm giá. Chỉ khi nào mỗi cộng đồng người (mỗi dân tộc) đủ tự chủ lấy vận mệnh mình không lệ thuộc vào các thế lực thống trị thì cộng đồng ấy, dân tộc ấy mới có phẩm giá. Đó là quyền tự quyết của mọi dân tộc được thừa nhận từ đầu thế kỉ 20 nhưng thực tế còn phải tranh đấu dài lâu mới trở thành có hiệu lực.


3. Cầu nối thay cho tiền đồn

Trong lịch sử 6000 năm vừa qua các bộ tộc rồi các tập đoàn người đụng độ nhau, thôn tính, đàn áp, thống trị lẫn nhau theo luật rừng “mắt đòi mắt, răng đòi răng”, mạnh được yếu thua. Nói chung chỉ trong mấy mô thức: (1) tiêu diệt – như người châu Âu đối với thổ dân ở châu Mĩ, châu Úc; (2) đồng hoá – như cái nồi lẩu Hoa Kì (melting pot) nấu chảy và hoà tan các giống dân và các ngôn ngữ văn hoá để tạo một sản phẩm mới; (3) cách li – như Nam Phi với chủ nghĩa apart-heid từ 1948 đến 1994 phân biệt và cách bức giữa người da trắng gốc châu Âu chủ chốt là Hà Lan và Anh với người châu Á chủ chốt gốc Ấn Độ với người châu Phi da đen chủ chốt gốc Bantu. Tất cả những mô thức đó đã được thực hiện và đã chứng tỏ không đáp ứng nổi nhu cầu của bảy tỉ con người trên thế giới ngày nay, nhất là sau năm 1945 khi vũ khí nguyên tử và chiến tranh toàn diện đe doạ sự tồn tại của cả trái đất và loài người.

Chỉ còn một mô thức duy nhất có thể chấp nhận: đó là sự sống chung và tôn trọng mọi cộng đồng và mọi văn hoá.

Loài người hoặc phải tìm cách hoà hợp với nhau hoặc đưa nhau đến chỗ hủy diệt chung.

Tâm thức pháo đài tiền đồn phải được thay thế bằng tâm thức cầu nối. Bàn tay ném đá, rút gươm, hay bấm cò súng, ném bom phải thay bằng bàn tay thân hữu bạn bè chào mừng.

Không phải tình cờ mà Kinh thánh Do thái giáo cũng như Kitô giáo dùng hình ảnh tượng trưng là tháp Babel do con người muốn xây đường lên trời bị phá hỏng do sự hỗn độn và không thông cảm khi con người sử dụng những ngôn ngữ khác nhau.

Ngày nay hàng trăm quốc gia cũng sử dụng hàng trăm ngôn ngữ như thế. Tiếng nói và chữ viết là những phương tiện để truyền thông lại trở thành những chướng ngại khiến xa lạ nhau.

Nhà văn là những người thông giải các ngôn ngữ, các truyền thống văn hoá đó. Hoặc trong phạm vi cộng đồng ngôn ngữ. Hoặc trong phạm vi toàn cầu giữa các cộng đồng ngôn ngữ và văn hoá.

Với một diện tích 780 000 km vuông và dân số 70 triệu người, Turki là một quốc gia dân tộc tầm cỡ trung bình của thế giới, nhưng với lịch sử trên 5000 năm và ở đầu mối giao lưu Á-Âu-Phi, Turki được tự nhiên và lịch sử phú bẩm cho chức năng cầu nối của thế giới ngày nay. Với trên 90% dân chúng nói tiếng Thổ và với trên 99% là tín đồ Islam, Turki là cầu nối giữa 1400 triệu người Muslim (Hồi giáo) với cộng đồng loài người.

Và Orhan Pamuk là nhà văn viết bằng ngôn ngữ Turki (đã được Mustafa Kemal cải cách từ văn tự Arabic sang văn tự abc từ 1928) nhưng thông thạo tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế ngày nay (ông viết tiểu luận trực tiếp bằng tiếng Anh) đã tự đảm nhận chức năng cầu nối đó như một nhà văn qua các tiểu thuyết của ông được dịch ra khắp thế giới.


4. Tông giáo và chính trị

Mâu thuẫn lớn nhất giữa các cộng động người, ngoài phương diện truyền thống là ngôn ngữ văn tự ra, thì là các bảng giá trị. Trong các giá trị có hai thứ toàn diện nhất vì chi phối mọi bình diện và khía cạnh sinh hoạt của con người - đó là tông giáo và chính trị.

Về tông giáo, mọi biểu hiện có thể quy về ba mối chính: (1) đa thần hoặc phiếm thần còn gọi là vật linh (Politheism, pantheism, và animism); (2) độc thần (monotheism); và (3) vô thần (atheism). Các mối (1) và (3) dù khác biệt nhau vô cùng nhưng không có sự độc tôn và chuyên biệt, nên tính cách đấu tranh hủy diệt không mang tính khốc liệt. Chỉ có những tín ngưỡng xuất phát từ chủ trương độc thần tức tôn thờ một thượng đế duy nhất là trong lịch sử và cho đến ngày nay mới diễn ra những tranh giành không khoan nhượng.

Tất cả độc thần giáo đều xuất phát từ nhóm chủng tộc và ngôn ngữ Semite ở Trung Đông bao gồm cả người Do Thái và A rập và được gọi chung là những dân tộc của Kinh thánh (the peoples of the Book) và đều là những tông giáo mạc khải (revelation) nghĩa là Thượng Đế bày tỏ trực tiếp cho loài người (bộ tộc) qua các vị trung gian được gọi là tiên tri cụ thể mang hình dạng người. Sự mạc khải đó có tính cách duy nhất, độc đáo và lịch sử, vì vậy khó đi đến hoà hợp và cảm thông. Ngày nay nếu tính về số tín đồ thì các tín ngưỡng độc thần cộng chung chiếm khoảng 1/3 loài người với Do Thái giáo 20 triệu người, Kitô giáo trong mọi giáo phái (Chính thống, Công giáo, Tin lành) một tỉ người và Islam với 1.400 triệu người.

Những tín đồ của các tín ngưỡng độc thần này phải tìm ra cách sống chung với nhau và sống chung với loài người còn lại nếu không muốn đụng độ và đưa đến sự tận diệt của Trái Đất và loài người.

Đó là thách thức lớn nhất cho chúng ta ở thế kỉ 21 và tương lai nhìn thấy được. Trong vị trí khiêm tốn của một con người và một nhà văn, Orhan Pamuk đang làm cây cầu nối đó và thế giới đón chào ông trong tư cách đó.


5. Nghệ thuật/Hội hoạ

Trong bài diễn văn phát biểu khi nhận giải Nobel, Orhan Pamuk đã nhắc nhở tới Kinh nghiệm của người cha, cũng là một nhà văn thấm nhuần và tôn sùng văn học Pháp đã từng qua sống ở Kinh thành Ánh sáng là Paris với những thần tượng André Gide, Paul Valéry, Jean-Paul Sartre và Albert Camus. Nhưng người cha của Orhan Pamuk, qua đời năm 2002, không có tác phẩm và “Cái rương của cha tôi”, nhan đề bài diễn văn Nobel của Orhan Pamuk, chỉ còn lại là một mớ bản thảo, chứa đựng một nguyện vọng xây dựng một nền văn học cho Turki. Nhưng nền văn học đó không thể xây dựng theo cách bắt chước hay mô phỏng nguyên mẫu của “trung tâm” là Châu Âu.

Từ 1945 đến 1980, cuộc vùng dậy bạo động của các thuộc địa được mệnh danh là “đế quốc quật lại” (the empire strikes back). Từ khoảng sau 1980 (đánh dấu trong năm này bằng tác phẩm Midnight’s Children được giải thưởng Booker của nhà văn Anh gốc Ấn Độ Hồi giáo là Salman Rushdie, sự thức tỉnh và giải thực văn hoá của các cựu thuộc địa đã được gọi là “đế quốc viết lại” (the empire writes back), tức là dùng ngay khí cụ của đế quốc là ngôn ngữ để đề cao văn hoá, lịch sử, tâm thức của các nước từng một thời là bị trị.

Nỗ lực chính của thời này không còn là cố gắng chạy theo cái hiện đại tân tiến (modernity) của Âu - Mỹ mà là vừa hấp thu vừa phê phán nó trong tinh thần của thời tính hậu hiện đại (post-modernity) và châm ngôn của thời hậu hiện đại là “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” (Think globally, act locally).

Suy nghĩ toàn cầu là phải đặt cộng đồng mình, ngôn ngữ văn hoá mình trong khung cảnh địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế toàn thế giới. Hành động địa phương là phải khởi đi từ những việc làm tự thân, xóm làng, dân tộc, khu vực, cho đến toàn Trái Đất.

Văn hoá, trong đó văn học nghệ thuật là then chốt, vốn mang giá trị tự thân, bình đẳng và song hành với nhau trên thế giới. Do đó có những cộng đồng ngôn ngữ ít người nhưng giá trị và ảnh hưởng to lớn.

Vấn đề là ngôn ngữ đó chuyên chở được bao nhiêu Kinh nghiệm sống, tình cảm, ý chí, trí tuệ của cộng đồng loài người qua tập thể ấy và bản thân của nhà văn sáng tạo.

Hội Nhà văn Hungari đầu thập niên 1980 đã làm cuộc trưng cầu ý kiến và thảo luận rất có ý nghĩa mang tên là “Ngôn ngữ nhỏ, văn học lớn” (petite langue, grande littérature) trong niềm tự hào hậu hiện đại không phải cho riêng quốc gia và ngôn ngữ mình (mười triệu dân) mà chung cho những quốc gia nhỏ và ngôn ngữ ít người.

Năm 1998 Orhan Pamuk hoàn tất cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt với tên Tên tôi là đỏ (nguyên tác Benim Adım Kırmızı) do các dịch giả Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh của một người Turki là Erdağ M. Göknar.

Trong bài phỏng vấn ngay khi được giải Pamuk đã giới thiệu cuốn tiểu thuyết này như cửa ngõ tiếp xúc đầu tiên của độc giả đến với mình như một nhà văn được giải Nobel.

Tên tôi là đỏ không phải là tiểu thuyết đầu tay của Pamuk. Trước đó ông đã xuất bản những tiểu thuyết như Lâu đài trắng (1985), Cuốn sách đen (1990), và Cuộc đời mới (1995).

Sau Tên tôi là đỏ còn có những tiểu thuyết khác như Tuyết (2002), Istanbul: Hồi ức về một thành phố (2003).

Tên tôi là đỏ là cuốn tiểu thuyết Orhan Pamuk phải viết ròng rã gần suốt thập niên 1990, với một sự gián đoạn 1992 – 1994 chắc là do cuộc chiến tranh vùng vịnh Persia. Tiểu thuyết này chịu hai ảnh hưởng chính của hai cuốn tiểu thuyết cùng xuất hiện năm 1980: một là Midnight’s children (Đàn con nửa đêm) của Salman Rushdie nói về thế hệ người dân Ấn Độ và Pakistan cùng khởi đầu từ đêm 15 tháng Tám năm 1947, khi đế quốc Anh trao trả độc lập cho bán đảo Ấn Độ và xứ này chọn lựa tự tách ra làm hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan mạc dù cùng chung chủng tộc, ngôn ngữ, lịch sử - chỉ khác biệt nhau về tín ngưỡng là Ấn giáo và Hồi giáo; hai là Tên của đóa hồng của Umberto Eco, một giáo sư hàng đầu thế giới về thông diễn học (hermeneutics) và thời Trung cổ của châu Âu.

Nói tóm lại đó đều là những cuốn tiểu thuyết có cao vọng giải mã một phần của thế giới và một giai đoạn lịch sử thấm đẫm mâu thuẫn tông giáo và chính trị cho chúng ta ngày nay.

Sử dụng những thủ pháp của truyện trinh thám khởi đầu từ 1848 với nhà văn Edgar Alan Poe của Hoa Kì (cùng năm với Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx và Engels), cũng như nghệ thuật cắt ráp (montage) trong điện ảnh của đạo diễn Latvia là Sergei Eisenstein từ 1925 với phim Chiến hạm Potemkin, Umberto Eco và Orhan Pamuk đã xây dựng cốt truyện theo thể loại hồi hộp, án mạng, và truy xét thân thiện với đại chúng để chuyển tải những đề tài vốn chỉ được những chuyên gia ít ỏi quan tâm nghiên cứu. Ở Eco là sự tranh luận giữa các giáo phái thần học thời Trung cổ, ở Pamuk là hội hoạ vi tế (miniature) của Ba Tư, Ấn Độ, và Turki. Hội hoạ vi tế được các dịch giả Việt Nam dịch là tiểu hoạ. Sự thực đây không phải là chỉ về khuôn khổ kích thước các bức tranh mà là tính chất quan sát tự nhiên, ngoại cảnh ở phạm vi tổng quát hay tinh tế. Ngay danh xưng miniature (vi tế) cũng là một sự ngộ nhận. Nguồn gốc là từ tiếng Itali miniare, và miniat có nghĩa là vẽ, viết bằng ôxit chì màu đỏ gọi là minium và không liên hệ gì tới kích cỡ của bức tranh.

Chất đỏ này vốn được dùng để tô vẽ những mẫu tự khởi đầu trong các thư bản (manuscripts) tức là những bản viết và sao chép thời Trung cổ trước khi ngành in được phát triển vào khoảng giữa thế ki 15 mà đại diện là Gutenberg. Tất cả những sách in từ thời điểm này cho đến năm 1501, mở đầu thế ki 16 ngày nay được lưu trữ trong các viện bảo tàng và thư viện lớn còn cho ta thấy diện mạo của nền sản xuất sách bằng tay trước thời đại công nghiệp.

Màu đỏ này (Benim Adim Kirmizi) còn cùng gốc với Adam (đất sét đỏ) là chất liệu tạo dựng con người đầu tiên theo Kinh Thánh Do Thái giáo. Và trong mười điều răn của đạo Do Thái cũng như Islam sau này (từ năm 622 bắt đầu ki nguyên Hồi lịch tức Hegiva) thì điều răn tức giới cấm đầu tiên và quan trọng nhất là không được thờ ngẫu tượng – từ đó có sự cấm kị thể hiện chân dung con người dù qua điêu khắc hay hội hoạ. Giới cấm này đã khiến từ trong thánh đường đến nghệ thuật và sinh hoạt thường ngày những ngành hội hoạ điêu khắc phải phát triển theo đường trừu tượng, hoa văn hình học (arabesque) mà Trung Quốc và Việt Nam gọi là hồi văn, không mang nhân hình và chân dung, kể cả chân dung vị tiên tri mở đạo Islam là Muhammad.

Bằng cách xây dựng cốt truyện theo những tình tiết li kì của tiểu thuyết trinh thám và nhiều người có thể tình nghi là thủ phạm, tác giả đã dẫn dắt người đọc tiếp cận những vấn đề giáo lí và những quan tâm mĩ học của nghệ thuật Islam. Từ thiên nhiên cây cỏ đến chân dung nam nữ, nghệ thuật Persia đã chịu ảnh hưởng hội hoạ Trung Quốc sau thế ki 13 qua các triều đại gốc Mông Cổ, và chịu ảnh hưởng châu Âu qua luật viễn cảnh thời Phục hưng.

Để hiểu một ngôn ngữ, chúng ta phải tiếp cận với hệ thống âm vị cũng như ngữ pháp của nó. Để hiểu một văn tự, chúng ta phải học những chữ cái (letters) như trong chữ Hi Lạp, La Mã, chữ vần (syllabary) như trong chữ Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc con chữ (characters) biểu ý (ideograms) như trong chữ Nho, chữ Trung Quốc.

Để thưởng thức một nghệ thuật, chúng ta phải tiếp cận với những quy luật của nghệ thuật đó, dù là âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc hay thơ văn.

Khác với khoa học mà sự phát triển là thay thế một sự hạn chế bằng một quy luật tổng quát hơn, chính xác hơn, trong nghệ thuật mọi hình thái đều có giá trị và đòi hỏi chúng ta tôn trọng không phải bằng một giáo điều đánh giá từ một trung tâm với một bảng giá trị duy nhất và mê tín vào một sự tiến bộ theo thời gian, càng cổ xưa thì càng kém cỏi, càng về sau thì càng tiến bộ.

Lại càng không thể nhân danh bất cứ cái gì để ngăn cấm con người thể hiện mọi tình cảm, ý chí, trí tuệ của mình qua mọi sáng tạo nghệ thuật.

Chính tinh thần phóng khoáng, cởi mở thời lập đạo của Islam, qua lời tiên tri Muhammed đã đề cao tri thức con người được ghi lại trong Kinh Qur’an: “Chúng ta sẵn sàng đi bất cứ đâu để tìm kiếm tri thức, dù tận Trung Quốc.”

Những tranh chấp đến giết người trong Tên tôi là đỏ cho thấy động cơ dựa vào những cách giải thích hoặc hiểu biết một cách giáo điều, cực đoan, độc quyền chân lí đã đưa đến khổ đau, tàn sát, hủy diệt con người và nghệ thuật nhân danh Đấng Tối cao.

Qua bao cuộc tàn sát vì đức tin con người phải biết học được bài học kinh nghiệm từ mấy ngàn năm nay, biết khiêm tốn hơn, và thương yêu đồng loại và văn học giúp phần giải mê giải hoặc: đó mới là văn học mang tính nhân bản.


6. Thi ca

Tuyết (2002) là cuốn tiểu thuyết Orhan Pamuk viết từ tháng 4/1999 tới tháng 12/2001, tức là kết thúc sau biến cố thiên niên kỉ 11/9/2001.

Đề tài chính của Tuyết là việc sáng tác thơ. Trong cuốn tiểu thuyết gồm 44 chương bản dịch tiếng Việt của Lê Quang theo bản tiếng Đức của Christoph K. Neumann xuất hiện một địa phương hẻo lánh địa đầu của Turki về phía Đông Bắc, tiếp giáp với Georgia, Armenia và Iran. Đó là nơi từ đầu thế kỉ 20 đã là vùng tranh chấp chiếm đi giành lại của nhiều thế hệ, và là một cứ địa của người dân tộc Kurd vốn được Đồng minh hứa hẹn cho thành lập quốc gia Kurdistan nhưng từ 1923 bị bỏ mặc với sự thành lập quốc gia Turki. Ngày nay người Kurd còn tranh chấp vũ trang và là sự bất ổn chính trị vì cả Iran, Syria, Iraq cũng như Turki đều phản đối sự thành lập quốc gia độc lập Kurdistan.

Bên cạnh đó là vấn đề trang phục của phụ nữ. Người phụ nữ Muslim mang mạng khởi thuỷ là những phụ nữ thân thích của tiên tri Muhammad và che mạng để giữ sự tôn kính, không bị nam giới xâm phạm, sau này phụ nữ Muslim noi gương và tự che mạng.

Đến khi Mustafa Kemal thành lập quốc gia Turki thế tục thì tục che mạng bị loại bỏ. Để xây dựng một xã hội tân tiến, năm 1925, Mustafa Kemal bắt đàn ông phải mạc theo Âu phục, không được mang khăn chỏm (fez) và khăn quấn đầu (turban). Đó là những dấu hiệu tiêu biểu của tín ngưỡng. Cho đến năm 1924, Islam còn là quốc giáo của Turki nhưng Kemal tách li thế quyền khỏi giáo quyền vào năm 1928, giải tán các dòng tu Islam, và đưa pháp luật, chính trị cũng như giáo dục hoàn toàn theo thế tục.

Từ 1950, những cải cách thoả hiệp với giáo quyền và tín ngưỡng dần dần làm giảm tính cách cực đoan kia.

Xã hội Turki cho đến nay vẫn gồm trên 99% là tín đồ Muslim, và từ năm 1978 với cuộc cách mạng toàn thống của Khomeini ở Iran đưa giáo luật Sharia làm nền tảng cho xã hội thì những vận động hoà nhập giáo quyền với thế quyền xảy ra khắp các quốc gia thuộc tín ngưỡng Islam tuỳ theo truyền thống và văn hoá.

Để hiểu một vấn đề phức tạp và còn đang diễn tiến trên thế giới như thế, Orhan Pamuk cho nhân vật chính Ka (một phần nào là hoá thân của tác giả) là một nhà văn lưu vong bên Đức trở lại quê nhà và đến thị trấn Kars để gặp lại người yêu cũ và đồng thời làm phóng viên về việc các cô gái nữ sinh che mạng không được tới trường đã có hàng loạt tự sát.

Trong thời gian ngắn ngủi hồi hương Ka đã làm được mười chín bài thơ. Nếu sắp xếp theo đường thẳng thì ngoài bài thơ trung tâm mang số mười và nhan đề là “Tôi, Ka”, còn lại mười tám bài phân ra chín bài làm trước đó và chín bài làm sau đó. Nếu lấy biểu tượng là tinh thể tuyết là một hình lục lăng đều gồm sáu góc thì mỗi góc thể hiện bằng ba bài thơ (3 x 6 = 18). Tinh thể tuyết này lại tượng trưng cho mỗi cá nhân, cá thể. Mỗi tinh thể tuyết dù cấu trúc đại thể tương tự nhau nhưng mỗi đơn vị đều mang những sắc thái riêng. Trong tỉ tỉ tinh thể tuyết người ta không bao giờ tìm được hai cái hoàn toàn giống nhau trong mọi chi tiết, cũng thế mỗi cá nhân chúng ta đều thuộc chủng loại người và mã di truyền giống nhau tới 99,99% nhưng mỗi người là một cá tính không bao giờ lặp lại, dù là hai chị em, anh em song sinh đồng bào cùng cha mẹ, cùng một tinh trùng cha và trứng mẹ.

Hình lục lăng đều này tạo bởi sự giao nhau của ba trục như trong đồ hình cuối chương 29: tức là trục Hồi ức, trục Lí trí và trục Tưởng tượng, để tạo ra sáu góc, mỗi góc 60 độ (6 x 60 = 360 độ).

Sáu góc này còn gợi nhớ đến sáu mũi tên (altiok) là sáu nguyên tắc trong chương trình lập quốc của Mustafa Kemal khi thành lập Đảng Nhân dân Cộng hoà (1931) và được thừa nhận trong hiến pháp của Turki.

Đó là:
  1. Chủ nghĩa Cộng hoà (Republicanism)
  2. Chủ nghĩa Dân tộc (Nationalism)
  3. Chủ nghĩa Dân tuý (Populism)
  4. Chủ nghĩa Nhà nước (Statism)
  5. Chủ nghĩa Thế tục (Secularism)
  6. Chủ nghĩa Cách mạng (Revolutionism)
Sự cạn kiệt của nhà văn lưu vong Ka khi sống ở Đức chỉ biết giải trí bằng thế giới ảo của những hình video, hoàn toàn cô đơn và lạc lõng với sự trào dâng sáng tạo khi tiếp xúc với người yêu thực tại quê nhà, khi lăn mình vào những cảnh dầu sôi lửa bỏng trong nước, tiếp cận với các đạo sư cũng như các thanh niên bồng bột và quyết liệt – là một ẩn dụ cho sự trao đổi giữa quê hương và thế giới, giữa dân tộc và toàn cầu.

Orhan Pamuk dù làm nghiên cứu sinh tại Hoa Kì từ 1985 đến 1988 và từ năm 2006 đến nay thường trú tại Hoa Kì nhưng vẫn nhận ngôn ngữ Turki và văn học Turki là chính mạng sống của mình – là một tấm gương cho những nhà văn phải lìa bỏ quê hương và lưu trú khắp mặt địa cầu.

Chỉ bằng cách nhận lấy “chiếc rương của cha mình”, chỉ bằng cách kế thừa di sản văn hoá của tổ tiên lịch sử, mỗi nhà văn mới có thể đại diện cho cộng đồng mình, ngôn ngữ mình, truyền thống mình trong bữa tiệc góp mặt chung của toàn cầu.

Không thể có văn học bắt chước, nô lệ, thiếu cá tính, ăn theo mà có giá trị tự thân được.

Đó là nhọc nhằn nhưng đó cũng là tự trọng và vinh quang của kiếp người, và của mỗi nhà văn mà Orhan Parmuk là một tấm gương sáng.

© 2008 talawas