trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
7.4.2008
Đặng Tiến
Đọc Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường
 
Nhà xuất bản Trẻ, phối hợp với công ty văn hóa Phương Nam trong năm 2002 đã nhẩn nha ấn hành Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, trọn bộ bốn cuốn. Sách in đẹp, trên giấy láng, trình bày trang nhã, bìa cứng, đựng trong hộp giấy cứng.

Tập I, 340 trang, thu thập những bài Nhàn đàm đã đăng rải rác trên báo Thanh Niên.

Tập II, 860 trang, gồm có 31 bút ký rút ra từ 9 tác phẩm đã in từ 1972 đến nay, những ký sự thời thế và chiến tranh pha ít nhiều chính luận, những tác phẩm chủ lực đã làm nên danh phận Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tập III, 410 trang, gồm những tùy bút ngắn về địa dư, lịch sử, văn học và bằng hữu.

Tập IV, 200 trang, là phần Thơ, bắt đầu bằng bài "Rừng cũ":

Ôi những con đường chỉ một lần qua
Hai mươi năm biết ai còn nhớ

Bài thơ làm giữa Trường Sơn, đã được đài Hà Nội phát thanh đầu năm 1971.


*


Việc làm của Nhà xuất bản Trẻ đáng hoan nghênh và trân trọng giới thiệu, vì nhiều lý do.

Trước hết là vì cá nhân Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh chưa phải là tác giả kinh điển; anh đã lập thân và lập ngôn trong chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước, một cuộc chiến mà không phải ai cũng tán đồng, về nguyên lý cũng như về kết quả. Hậu quả là những tác giả và tác phẩm "giải phóng" chưa được đánh giá đúng mức: có lúc được đề cao quá đáng, lúc khác – nếu không bị nghi kỵ và đố kỵ - thì chìm vào quên lãng. Chưa kể là bản thân Hoàng Phủ Ngọc Tường là nạn nhân của nhiều oan trái, bị một dư luận nào đó liên hệ đến vụ Mậu Thân 1968 ở Huế, mà anh không can dự, vì vắng mặt. Sau đó, anh điều khiển báo Sông Hương, rồi báo Cửa Việt, chủ trương tự do văn nghệ và giao lưu văn hóa, nên báo đã bị đóng cửa, và anh trở thành phần tử khả nghi cho một nguồn quyền lực khác. Nhìn từ phía nào, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là con người "có vấn đề". Kể cả từ phía bạn bè.

Từ đó một tuyển tập – có thể tạm xem như là toàn tập, trong khi chờ đợi – cho ta cái nhìn khá toàn diện về một tác giả, một tác gia, một con người, một địa phương, qua những truân chuyên của đất nước từ bốn mươi năm trở lại đây; nó làm cơ sở cho cái thương cái ghét, bên ngoài những thành kiến, thị phi và đồn đãi.

Giá trị cơ bản của Tuyển tập, dĩ nhiên là ở tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một ngòi bút lãng mạn và tài hoa, say đắm quê hương, thiết tha với đất nước, tận tụy với văn chương, chung thủy với bạn bè.

Đọc Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường để thấy những nỗi nênh của nghề, và nghiệp cầm bút – và qua đó – thân phận của người trí thức. Làm sao thủy chung với một lý tưởng trên dòng lịch sử đa đoan, làm sao trọn tình vẹn nghĩa trong cuộc đời đầy phản trắc; từ những bồng bột, sôi nổi của tuổi trẻ trong chiến đấu đến những băn khoăn trăn trở trong việc xây dựng một xã hội cởi mở, những bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường phản ánh một thời quá độ gian nan của dân tộc. Tâm hồn cuồng nhiệt của Hoàng Phủ hội đủ những ưu điểm, khuyết điểm và nhược điểm, để con đò lịch sử đưa từ một cực đoan này đến cực đoan kia. Trong trí tưởng của nhiều người, Hoàng Phủ Ngọc Tường là kẻ hành động, là tác nhân của lịch sử, biết đâu rằng anh là nạn nhân, dù là nạn nhân chủ động; là khách tài hoa, tâm hồn nghệ sĩ anh còn là nạn nhân của mấy chữ nhất phiến tài tình, cho đến một ngày kia, nhận ra rằng: Tài hoa cũng chuyện đùa chơi, làm sao thưa hết một lời yêu thương.

Về Trịnh Công Sơn, bạn thân của Hoàng Phủ, tôi đã viết "dù đánh giá ra sao đi nữa, nhạc Trịnh Công Sơn cũng là sản phẩm của chế độ Việt Nam Cộng hòa, trong cả hai mặt tích cực và tiêu cực của chế độ này" [1] . Nay nhắc lại, để khẳng định và dẫn nhập một ý khác: tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường là sản phẩm của chiến tranh giải phóng trong cả hai mặt khai phá và hạn chế của nó.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sống dưới chế độ Sài Gòn đến 30 tuổi. Năm 1960, anh tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn, dạy Quốc học Huế đến 1966: đây là thịnh thời của văn chương đô thị miền Nam, mà không thấy anh đăng tải, in ấn gì, trong khi bạn bè đồng lứa và chí hướng đã có sách in như Chứng nhân của Nguyễn Đắc Xuân, Hoa cô độc của Ngô Kha. Bài thơ đầu tiên của Hoàng Phủ được in lại, chắc không phải là đầu tay, là bài "Hành trang", đề ngày lên đường 5/1966, tức là ngày anh thoát ly theo Mặt trận Giải phóng. Tập bút ký Ngôi sao trên đỉnh Phu văn Lâu, nhà xuất bản Giải Phóng in năm 1972 là cuốn sách in đầu tiên, được anh xem như là khai sinh cho sự nghiệp văn học của mình. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sáng tác theo những thôi thúc của lịch sử nhiều hơn là đòi hỏi cá nhân, nhu cầu nghệ thuật hay tham vọng văn chương. Có thể vì thế, trong văn xuôi, anh không viết gì ngoài bút ký, một thể loại mà chính anh gọi là "thủ công nghiệp mang tính cách gia công, một sản phẩm văn học thứ cấp, sous-litterature" trong một bài rất hay về thể ký (tập III, trang 163). Nhưng sự thật không phải vậy, và thật sự anh cũng không nghĩ như thế.

Khi nói rằng sáng tác Hoàng Phủ Ngọc Tường là sản phẩm của chiến tranh giải phóng (không phải của Mặt trận Giải phóng) không chỉ căn cứ trên thời điểm, mà chủ yếu là dưạ vào nội dung của tác phẩm. Những trang sách sắc sảo nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường là ký sự hay hồi ký về chiến tranh, dù phần lớn viết vào thời hòa bình, sau 1975, tại thành phố Huế. Trong số các tác giả gốc gác đô thị miền Nam đi theo kháng chiến thời đó, dường như Hoàng Phủ Ngọc Tường là người viết sung mãn, bền bỉ và đều đặn nhất, cho đến ngày anh bị tai biến mạch máu não vào mùa bóng đá thế giới 1998.

Đề tài của tác phẩm Hoàng Phủ Ngọc Tường rộng lớn, đi từ rừng hồi Lạng Sơn đến tận mảnh đất phù sa mũi Cà Mau, từ Nguyễn Trãi đến công chúa Diana; nhưng những bài viết về Huế hay Thuận Hóa quê hương, và hai tỉnh tình nghĩa giáp ranh: Quảng Trị, Quảng Nam là những bút ký hàm súc nhất.

Đặc điểm trong tác phẩm Hoàng Phủ Ngọc Tường là chất trí tuệ, dựa trên vốn kiến thức sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn học, kết hợp với lý luận sắc bén, được phô diễn trong hành văn súc tích, say đắm và hào hoa. Tình cảm dành cho đất nước, quê hương, bè bạn, thiên nhiên và nhân đạo vượt ra khỏi khuôn sáo văn chương, trở thành sinh lực lay chuyển tâm tư người đọc.

Hoàn thành văn nghiệp trong những điều kiện lịch sử và xã hội nghiệt ngã, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo cho thể loại bút ký một phong cách riêng, một hơi thở mới, tiếp nối và khai triển kinh nghiệm các bậc thầy của tùy bút là Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Võ Phiến.

Mỗi người một cảnh éo le, mỗi tác giả một phiến tài tình, tùy bút của họ sóng sánh thân phận dân tộc, giữa bóng tối và ánh sáng.

23/11/2002



[1]Diễn Đàn, Paris, số 107, tháng 5/2001. Văn, California, số 53-54, tháng 5-6/2001. Hương Văn, California, số 14, mùa Hạ 2001. Khi được in lại trong nước câu này đã bị đục bỏ. (Trịnh Công Sơn, cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa, suy tưởng, nxb Văn Nghệ, TPHCM, 2001)
Nguồn: Diá»…n Đàn (Paris) tháng 12.2002