trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
7.4.2008
Thái Kim Lan

Góp ý

Hạ tuần tháng Ba, tôi được Ban biên tập talawas chuyển một thư ngắn của anh Vân Quốc bày tỏ sự ngạc nhiên, tại sao tôi không góp ý với quí anh, Vân QuốcTrần Văn Tích, về bài của quí anh trả lời thắc mắc tên hoa của "Một cành mai" mà lại đi góp ý về thơ Nguyễn Đức Tùng. Tôi giật mình và thật sự cảm động vì lời trách mà cũng là chú ý chân tình ấy.

Số là sau khi gửi ý kiến ngắn cho talawas, tôi không có cơ hội liên lạc điện tử bẵng đi mấy tuần vì sức khỏe kém và sau đó nhiều bận rộn, khi trở về Đức, nghĩ rằng chuyện không còn thời sự nên thôi. May sao khi hỏi lại Ban biên tập talawas, tôi được biết trên talawas, mọi chuyện vẫn "nóng hổi" thời sự, cho tôi cơ hội trở lại chuyện "Một cành mai".

Đúng như anh Vân Quốc đã đồng cảm màu mai và sốt sắng góp ý với những cụm từ tiếng Nhật giàu có (và một người bạn ở Berlin cũng cho biết ngay), quả thật tôi đã đọc "loạng choạng" không kỹ thư của chị Quỳnh Chi nên mới hiểu sai hai chữ "liên kiều", một thứ hiểu sai hầu như vô thức chiều theo trí tưởng tượng lang bang, với tâm trạng bị ám ảnh bởi những lời thơ hoa từ "mai cốt cách" cho đến "một chi hai chị cũng là sen", một thứ mộng tưởng "mơ giữa ban ngày" trong cơn sốt vùi không khí mưa lạnh ảm đạm của Huế.

Với tựa đề của bài viết "Mai không hẳn là mai, liên không hẳn là sen", anh Trần Văn Tích đã "chẩn bệnh" mơ mộng hão huyền của Thái Kim Lan đúng không sai một li. Bài viết của anh khoa học và công phu với dẫn chứng Tây - Tàu trùng điệp và điển cố súc tích, khiến người đọc là tôi từng chữ được mở rộng nhãn quan và kiến thức.

Thì ra đã mấy mươi năm lầm hoa – cái tội cũng to gần bằng lầm người, duy lầm người, dù chỉ một ngày, một năm, là tai họa chết người hay ngất đi sống lại đến mấy lần (như nàng Kiều gặp Mã Giám Sinh), còn lầm hoa – đã gần nửa thế kỷ từ khi học Kiều, mê thơ Nguyễn Du - thì vẫn còn sống nhăn và hơn thế nữa, lại hớn hở khi nhận ra mình lầm: té ra "mai cốt cách" của Nguyễn Du không phải như cây mai đứng bên bể cạn vườn bà nội tôi hay trước ngõ chùa làng tôi hay trước cửa sổ nhà anh Lợi hay trong vườn thiền hoàng mai của sư bà Cát Tường, mà là mai… Tàu! Cả cành mai của Mãn Giác Thiền sư! Nó màu trắng chứ không vàng! Phỉ phui! Có chết người không (mà không chết)!

Phải nói hồi đi học và sau này đọc lại nhiều lần Đoạn trường tân thanh, đọc nhiều chú giải, chẳng ai nói đến màu hoa khi đọc "Mai cốt cách, tuyết tinh thần". Một chi tiết cần đưa vào chú giải truyện Kiều!

Thú thật sau khi đọc xong bài của anh Trần Văn Tích, tôi hỏi tứ tung, bên Đài Loan, bên Huế, bên Sài Gòn, bên Paris và cả bên Mỹ, thì mới biết hơn mấy lần tôi là người duy nhất… u mê! Biết mình u mê mà cười rũ rượi chứ không lăn ra chết ngất như trường hợp những thứ lầm khác vì thất vọng.

Rứa là từ nay phải thay hết nội dung bộ nhớ, chữ nghĩa, ảnh tượng, phải biết mai thì thật là trắng và sung mãn như mận bên Tàu, và liên thì… chưa hẳn là sen, mà là "chuỗi vàng", "hoa con chồn gió" Itachi-gusa (Vân Quốc), không phải là "kiều sen" của tôi.

Sáng dạ ra rồi, mở mắt ra rồi!

Mà chết chưa, thưa anh Trần Văn Tích – anh Vân Quốc làm chứng cho – rứa mà khi nhắm mắt lại, như tôi vừa làm, tôi vẫn thấy trước mắt mình "mai cốt cách" của Nguyễn Du có màu vàng như mai của anh Lợi một sáng mồng một Tết năm nào tôi chứng kiến mai khai đúng hẹn, hay cốt cách thanh gầy như dáng cô đơn mai vàng run trong gió nơi ngôi vườn dĩ vãng của bà nội. Cả âm vang của chữ "mai" cũng ngân "vàng" lộng trong tai. Còn cây mận to đùng trong vườn nhà tôi ở München hôm nay đây đang trắng xoá bông là bông, "hắn" là mai thiệt à?

Và ông Nguyễn Du có thiệt là Nguyễn Du của tôi, nếu câu thơ "mai cốt cách, tuyết tinh thần" là một sự lặp lại của hai lần màu trắng, "mai tự tuyết, tuyết tự mai". Lạnh quá! Còn chi là nồng nàn "lời quê" Nguyễn Du? Mà Nguyễn Du đã ở Huế, chắc ông đã thấy cây mai vàng trước ngõ khi làm thơ?

Thôi thì biết là một chuyện, mà mộng mơ một chuyện, miễn là đừng lầm lạc u mê, vì đã có những người đồng hành như thầy của mình nhắc nhở.

Thật vui được cùng đọc và cùng học với quí anh trên talawas.