trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
9.4.2008
Trần Thiện Khanh
Nghệ thuật sử dụng yếu tố ngẫu nhiên và mô hình “thế giới người lừa” trong Truyện Kiều
 
1. Nghệ thuật sử dụng yếu tố ngẫu nhiên

Trên đại thể, cách thức xử lý, xếp đặt yếu tố ngẫu nhiên thuộc nghệ thuật cấu trúc sự kiện. Lựa chọn yếu tố ngẫu nhiên hay tất yếu, nhìn chung đều phụ thuộc vào quan niệm của nhà văn về con người và cuộc đời.

Yếu tố ngẫu nhiên, xét trên phương diện tư duy nghệ thuật, thuộc về cái đã được nhận thức, lựa chọn kĩ lưỡng, chứ không phải tuỳ tiện, tuỳ hứng. Do đó, yếu tố ngẫu nhiên góp phần soi sáng tâm lí, số phận nhân vật. Ở những cây bút già dặn, yếu tố ngẫu nhiên có vai trò quan trọng trong việc biểu hiện cái lô gíc bên trong của hành động. Cấu trúc cốt truyện sẽ trở nên giả dối nếu như vắng mặt yếu tố ngẫu nhiên. Nhà văn chẳng thể miêu tả sinh động số phận nhân vật nếu chỉ dừng lại ở việc khắc hoạ khuynh hướng tất yếu của số phận. Nhà văn phát hiện ra qui luật bên trong đang bị che giấu thông qua hình thức nắm bắt cái ngẫu nhiên. Bàn về yếu tố ngẫu nhiên, nhằm làm sáng tỏ những nguyên nhân tất yếu, cũng có nghĩa là bàn về sự đa dạng của nghệ thuật tự sự. Bởi lẽ, nói như Aristotle - bản chất của văn học là thể hiện cái có thể xảy ra theo qui luật xác xuất hay qui luật tất nhiên. Nhà sử học cố gắng nắm bắt hiện thực hữu hạn, nhà triết học đưa ra chân lí, còn nhà văn thông qua nghệ thuật mô phỏng tạo ra các khả năng ngẫu nhiên. Chừng nào nhà văn làm chủ được tính tất yếu, thì chừng đó sẽ điều khiển được linh hoạt yếu tố ngẫu nhiên.

Chính yếu tố ngẫu nhiên giúp tác giả thể hiện tốt nhất khuynh hướng tất yếu của số phận. Sử dụng yếu tố ngẫu nhiên trong giới hạn nhất định, khiến cho câu chuyện được kể bởi một người nào đó đạt được tính tự nhiên. Và do vậy thuyết phục người đọc. Sự xuất hiện của yếu tố ngẫu nhiên góp phần sáng tạo ra sự tự vận động của nhân vật và đời sống, khiến cho chính tác phẩm ấy xuất hiện trước mắt người đọc như một sinh thể nghệ thuật.

Yếu tố ngẫu nhiên tham gia vào cốt truyện như một cách sáng tạo tình huống nhân sinh đặc sắc của tác giả nhằm thử thách nhân vật. Yếu tố ngẫu nhiên có thể đẩy nhanh nhân vật vào bi kịch. Hoặc cứu vớt kịp thời khi nhân vật “không còn được người kể giúp đỡ”. Nếu không biết tới yếu tố ngẫu nhiên, thật khó hình dung được lô gíc nghệ thuật của tác phẩm bất kì.

Vấn đề yếu tố ngẫu nhiên trong truyện Nôm tài tử giai nhân, cụ thể ở Truyện Kiều, không phải bây giờ mới được nhắc đến. Có điều, đa số các ý kiến chỉ dừng lại ở nhận định khái quát, ví như: đó là một mô típ, một tình tiết phổ biến trong các tiểu thuyết tài tử giai nhân. Thậm chí, có người xem đấy là “tình tiết giả tạo”, một “thiếu sót nghiêm trọng về nghệ thuật”, “không tạo được cảm giác chân thực cho câu chuyện kể”. Theo tôi, các tình tiết ngẫu nhiên được xây dựng “theo kiểu người vô tình mà trời hữu ý” thực chất thể hiện tư tưởng: ở đời may rủi biến hoá khôn lường.

Tạo thành tính li kì, quanh co của cốt truyện Truyện Kiều có vai trò rất lớn của yếu tố ngẫu nhiên. Sự gia tăng yếu tố ngẫu nhiên trong tác phẩm tự sự này có cội rễ sâu xa từ tư duy nghệ thuật dân gian. Truyện cổ tích thường sử dụng yếu tố ngẫu nhiên.

Vẫn biết rằng kiểu sáng tác trung đại cho phép sử dụng cốt truyện có sẵn. Nhưng chính việc sử dụng lại những yếu tố ngẫu nhiên chứng tỏ rằng: nghệ sĩ trung đại thừa nhận “ngẫu nhiên” như một tình huống có thể xảy ra trong hiện thực. Cái mà người ta quen gọi - “tình tiết giả tạo”, thực ra được xây dựng theo một niềm tin vững chắc, theo nếp nghĩ quen thuộc: “mọi điều đều có thể xảy ra”. Sử dụng yếu tố ngẫu nhiên trở thành một thủ pháp nghệ thuật. Nhờ vậy, người kể sẽ làm mới câu chuyện, trong nhiều trường hợp “đánh lừa” được độc giả, làm thay đổi mĩ cảm thông thường của họ.

Ðọc Truyện Kiều, chúng ta nhận ra: nếu không hiểu yếu tố ngẫu nhiên, sẽ không “thấu” cơn lốc tình cảm của Kiều, không biết đến những tai hoạ luôn rình rập người tài sắc. Họ không thể dự đoán được trước.

Sự xuất hiện cái ngẫu nhiên vừa tạo ra chất thơ trong hạnh phúc lứa đôi, vừa trở thành “dấu ấn của định mệnh”, “thực hiện định mệnh”. Yếu tố ngẫu nhiên góp phần tô đậm sự bất hạnh, oan trái của đời cô Kiều. Nó tiêu biểu cho sự phi lí của cõi nhân sinh. Chính yếu tố ngẫu nhiên, bất ngờ đẩy Kiều vào hết bi kịch này đến bi kịch khác. Có thể nói, thực hiện cái tất yếu khắc nghiệt không gì ngoài vô vàn cái ngẫu nhiên. Cái ngẫu nhiên trong Truyện Kiều có ý vị triết lí đậm đà. Cái ngẫu nhiên không khiến cho cốt truyện lỏng lẻo, giả tạo, mà làm cho diễn biến thắt nút, mở nút tự nhiên hơn, thật hơn. Nhờ yếu tố ngẫu nhiên, những sáng tạo riêng của tác giả trên phương diện cốt truyện dễ được chấp nhận. Không có yếu tố ngẫu nhiên, những trường đoạn hội ngộ - tai biến, lưu lạc - đoàn viên trong truyện Nôm nói chung, Truyện Kiều nói riêng, thật khó thực hiện và tiến triển.

Ba chị em Kiều du xuân. Theo bước chân của họ, không gian Truyện Kiều ngày càng mở rộng. Không gian êm, thanh sáng dần nhường chỗ cho không gian hiu quạnh “âm khí nặng nề”. Sự hiện hữu của nấm mồ vô chủ trước mắt Kiều trở thành tín hiệu báo cảnh đoạn trường nay mai sẽ đến trong đời người con gái tài hoa. Kiều ngẫu nhiên gặp Ðạm Tiên. Ðó là sự gặp gỡ về thân phận, sự gặp gỡ bằng linh cảm siêu hình.

Rằng hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu
Nỗi niềm tưởng đến mà đau
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
(…)

Một lời nói chửa kịp thưa
Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay

Kiều coi việc mình gặp Ðạm Tiên là “tình gặp tình”. Ðó là cuộc gặp gỡ hữu tình của kẻ cõi âm và người cõi dương. Cuộc gặp gỡ của người cùng hội cùng thuyền. Gặp gỡ lần đầu nhưng vô cùng gần gũi:

Dễ hay tình lại gặp tình
Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ

Hữu tình ta lại gặp ta
Chớ nề u hiển mới là chị em

Kiều coi Ðạm Tiên thân thiết như “chị em” ruột thịt, xem Ðạm Tiên như hiện thân tương lai của đời mình. Cuộc gặp gỡ bóng ma Ðạm Tiên và ám ảnh Tiền Ðường ở Kiều đã thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, đồng thời mở ra chiều sâu tâm hồn nhân vật Thuý Kiều: đa cảm, đa sầu. Sự kiện gặp gỡ ngẫu nhiên đầu tiên trong đời Kiều vừa làm trái tim Kiều nhói đau khôn tả, vừa giúp cho Kiều nhận ra tâm trạng ê chề, buồn tủi trong kiếp “sống làm vợ khắp người ta”. Rõ ràng, yếu tố ngẫu nhiên được sử dụng như một thủ pháp khám phá, miêu tả “con người bên trong” ở Thuý Kiều. Cái ngẫu nhiên giữ vai trò chất keo gắn kết chữ “tài liền với chữ tai một vần”.

Yếu tố ngẫu nhiên trong Truyện Kiều không nằm ngoài qui luật biến hoá trong trời đất. Ngẫu nhiên - bi thương ai oán. Ngẫu nhiên - hạnh phúc sum vầy. Ngẫu nhiên - được mất. Ngẫu nhiên - gợi niềm khao khát. Ngẫu nhiên - thử thách lòng can đảm. Ngẫu nhiêm đảm nhận chức năng cắt nghĩa cuộc đời. Ngẫu nhiên hoà hợp thống nhất hữu cơ với tất yếu. Từ trong cái ngẫu nhiên thấy được hoàn chỉnh diện mạo cái tất yếu. Nhờ yếu tố ngẫu nhiên, sự tất yếu mới diễn ra tự nhiên và phát huy tác dụng của riêng mình. Ngẫu nhiên và tất yếu thể hiện ra thông qua nhau, nối tiếp nhau, tức không thể tồn tại thiếu nhau. Ngẫu nhiên hay tất yếu đều hướng tới qui định số phận nhân vật. Thiếu yếu tố ngẫu nhiên, xem như tác phẩm không phản ánh năng động hiện thực khách quan. Nhưng để sử dụng hiệu quả yếu tố ngẫu nhiên, nhà văn phải chọn được một điểm tựa tất yếu. Không lấy tất yếu làm cơ sở, ngẫu nhiên trở thành cái phi lí, hoang đường bịa đặt. Giới hạn hư cấu cái ngẫu nhiên qui định tầm hiểu biết cuộc sống và cách thức phản ánh cuộc sống của nhà văn. Mĩ học cái ngẫu nhiên đem đến cho người đọc hứng thú mĩ cảm nhất định.

Cái ngẫu nhiên đối với nhân vật được xem như điều bất bình thường, không định mà có, không chờ đợi vẫn xảy ra. Ngẫu nhiên trong cảm niệm của nhân vật thuộc về thiên duyên, tiền định. Sự việc được xem là ngẫu nhiên hay tất yếu phụ thuộc vào thế giới quan, nhân sinh quan của từng nhân vật. Nguyễn Du thường quan tâm tới ý thức của nhân vật trước những điều ngẫu nhiên xảy ra.

Sinh rằng: “Giải cấu là duyên”,
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều
Ví dù giải kết đến điều
Thì đem vàng đá mà liều với thân

Nhà văn bất tất phải câu nệ vào kết quả tất yếu của sự vật. Tác giả có thể dùng cái “siêu hiện thực” để miêu tả cuộc sống thường ngày. Việc Nguyễn Du sử dụng yếu tố ngẫu nhiên để giải thích cuộc sống - nếu xét trên phương diện tư tưởng, tôi nghĩ - hoàn toàn trái ngược với quan điểm Nho giáo – vốn quen dùng thiên lí để cắt nghĩa cuộc đời. Thật vậy, nhìn từ cảm hứng sáng tạo, thì quan điểm khá lãng mạn của nhân vật Kim Trọng có ý nghĩa phản đối lễ giáo phong kiến rõ rệt.

Truyện Kiều có cái ngẫu nhiên thật tàn nhẫn phũ phàng, làm tan vỡ hạnh phúc, khép lại cảnh yên vui; nhưng cũng có cái ngẫu nhiên thật cần thiết biết chừng nào, bởi nó kéo con người lại gần nhau, làm nảy nở tình cảm tốt đẹp, bền vững. Sự kiện Thuý Kiều - Kim Trọng, người quốc sắc kẻ thiên tài gặp nhau thuộc loại thứ hai. Ðể thể hiện thiên duyên của khách tài tử với giai nhân, Nguyễn Du sử dụng yếu tố ngẫu nhiên. Nguyễn Du bảo Kiều đi tảo mộ “dùng dằng nửa ở nửa về”, rồi xui Kim Trọng cưỡi ngựa băng tới

Ðề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời
Nẻo xa mới tỏ mặt người
Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình

Bằng cách này, tác giả đã gieo vào lòng Kiều ấn tượng đẹp về chàng văn nhân hào hoa, phong nhã.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du thường sử dụng động từ “thoắt”. Từ “thoắt” không phải bao giờ cũng có ý nghĩa vội vàng. Trong nhiều trường hợp, nét nghĩa “bất ngờ”, “ngẫu nhiên” nổi hơn cả. Chẳng hạn khi Kiều ngồi dưới bóng trăng chênh vênh giữa trời, nhớ Kim Trọng “rộn đường gần với nỗi xa bời bời” và nghĩ tới cái ngắn ngủi, mong manh của đời người thì “Thoắt đâu thấy một tiểu kiều/Có chiều phong vận, có chiều thanh tân /Sương in mặt tuyết pha thân/ Sen vàng lãng đãng như gần như xa”. Ðạm Tiên xuất hiện. Kiều sợ hãi. Chữ “thoắt đâu” dùng thật khéo, vừa thể hiện tâm trạng ngơ ngác, giật mình hoảng hốt của Kiều, vừa tả bước chân chủ động mau lẹ ở Ðạm Tiên.

Mô típ ngẫu nhiên trở thành yếu tố thúc đẩy cốt truyện phát triển. Sau buổi gặp Thuý Kiều, chàng Kim mắc bệnh tương tư. Ðộng lực thúc đẩy chàng nho sinh ấy “vội rời chân đi” không gì hơn khát vọng tình yêu mạnh mẽ. Kim Trọng nhớ da diết chốn “kỳ ngộ”. Chàng đến nơi thì:

Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu...

Chắc chắn chàng sẽ không gặp được Kiều, nếu Nguyễn Du không bảo cho chàng biết có “nhà Ngô Việt thương gia/ Buồng không để đó người xa chưa về”. Kim Trọng mừng hỏi thuê nhà, rồi kiên nhẫn lân la. Nguyễn Du để Kiều vô ý đánh rơi kim thoa, Kim Trọng tình cờ nhặt được. Hai người lại có thêm dịp gặp gỡ tâm tình. Ðúng là tác giả đã bật “tín hiệu xanh” và khuyến khích nhân vật của mình vượt qua bức tường định mệnh để tự do hẹn thề, đính ước với nhau.

Cái hay, cái tài của Nguyễn Du ở chỗ: khéo bày cảnh để tài tử giai nhân gặp nhau, trao gửi tấm lòng mình một cách mạnh bạo. Khi Kim Trọng - Thúy Kiều thề ước và trao cho nhau kim thoa, khăn hồng làm tin rồi, Nguyễn Du lại tạo ra tình huống ngẫu nhiên:

Một lời vừa gắn tấc giao
Mái sau đường có xôn xao tiếng người
Vội vàng lá rụng hoa rơi
Chàng về thư viện, nàng rời lầu trang

Sự kiện đường đột này đảm nhận chức năng giữ khoảng cách vừa đủ giữa hai người. Cái ma lực của tình yêu và cái giới hạn trong buổi đầu gặp gỡ phải như vậy.

Tình yêu giữa Kim Trọng và Thuý Kiều thuộc loại tình yêu đẹp nhất trong thế giới truyện thơ Nôm. Nguyễn Du nhiệt tình bảo vệ tình yêu của họ trước lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. Tác giả đã tạo nhiều cơ hội cho họ gặp gỡ. Lần đầu để Kiều làm rơi thoa. Nhưng lần sau, tác giả không thể để Kiều đánh rơi trang sức nữa. Bởi vì cách làm này sẽ tạo ra cảm giác nhàm chán và không thực. Nguyễn Du biết làm mới câu chuyện bằng cách tạo ra hoàn cảnh đặc biệt:

Ngày vừa sinh nhật ngoại gia
Trên hai đường, dưới nữa là hai em
Tưng bừng sắm sửa áo xiêm
Biện dâng một lễ, xa đem tấc thành
Nhà lan thanh vắng một mình
Gẫm cơ hội đã dành hôm nay
Thì trân thức thức sẵn bày
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường

Yếu tố ngẫu nhiên trong Truyện Kiều góp phần tạo ra tính kịch cho câu chuyện. Trong thời gian Thuý Kiều - Kim Trọng tình tự dường như không có sự việc nào xuất hiện. Nhưng lúc họ rời nhau thì thư nhà Kim Trọng cũng vừa tới nơi.

Nàng thì vội trở buồng thêu
Sinh thì dạo gót sân đào bước ra
Cửa ngoài vội ngỏ then hoa
Gia đồng vừa gửi thư nhà mới sang
Ðem tin thúc phụ từ đường
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề

Những tháng ngày êm đềm trong cuộc đời Kiều đến đây chấm dứt. Như thế, sự kiện ngẫu nhiên tham gia vào trường đoạn “kỳ ngộ”, tạo ra cái nhìn mới mẻ về sự kiện gặp gỡ trong thế giới truyện Nôm. Nhưng ngẫu nhiên còn tạo ra cảnh tai biến, lưu lạc.

Tần ngần dạo gót lầu trang
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về
Hàn huyên chưa kịp giãi dề
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
Người nách thước kẻ tay dao
Ðầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi

Yếu tố ngẫu nhiên ở đây mang màu sắc định mệnh, đồng thời thể hiện cảm quan hiện thực của Nguyễn Du.

Yếu tố ngẫu nhiên vừa khép lại một chặng đường đời, vừa mở ra bước ngoặt mới, vừa cấp cho Kiều hy vọng, vừa chồng chất bi kịch lên cuộc đời nàng. Ngẫu nhiên đóng vai trò sự ứng nghiệm, giải thích sự lắt léo của tình trường. Mười lăm năm lưu lạc, Kiều bị vùi dập đày đoạ không biết bao nhiều lần. Mã Giám Sinh lừa lấy vợ thiếp, đẩy Kiều vào lầu xanh, chà đạp tài sắc nhân phẩm nàng. Sở Khanh lừa rủ Kiều bỏ trốn, Tú Bà có cớ đày đoạ Kiều trong kiếp sống ô nhục. Thoát khỏi lầu xanh, Kiều rơi vào bi kịch làm vợ lẽ Thúc Sinh. Trốn khỏi gia đình họ Hoạn, tưởng hết kiếp nạn, không ngờ sư Giác Duyên “gửi trứng cho ác”. Từ Hải xuất hiện đột ngột cứu Kiều, giúp nàng trả ân báo oán. Từ Hải thất trận, Kiều rơi vào bi kịch “giết chồng mà lại lấy chồng”. Kiều trẫm mình ở sông Tiền Ðường không thành. Kim Trọng tình cờ gặp sư Giác Duyên. Kiều và gia đình đoàn tụ. Như thế, nhờ có yếu tố ngẫu nhiên, mộng tưởng thề nguyền của Kim Trọng và ao ước đoàn viên ở Kiều thành hiện thực. Yếu tố ngẫu nhiên giúp tác giả thể hiện những phẩm chất trung nghĩa, hiếu trinh ở Kiều. Kết thúc tác phẩm được lí tưởng hoá.

Nhờ sử dụng yếu tố ngẫu nhiên, Nguyễn Du thể hiện được tư tưởng “muôn sự tại trời”. Nhờ có yếu tố ngẫu nhiên, câu chuyện về bậc tài nữ có thêm nhiều quanh co uẩn khúc. Yếu tố ngẫu nhiên làm nổi bật công thức định mệnh bí ẩn. Vì sự ngẫu hợp nhiều hoàn cảnh bên ngoài quy định chiều hướng số phận nhân vật, nên mô hình cấu trúc sự kiện tất yếu đan xen với ngẫu nhiên luôn có tác dụng mở rộng trường nhận thức thế giới. Nguyễn Du đi về phía cái ngẫu nhiên, dự cảm và truy đuổi những điều con người không dễ lường trước được, để tìm ra qui luật, tìm ra cái tất yếu. Hiện thực tài mệnh tương đố được tái hiện qua vô vàn các khả năng xảy ra. Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều mở ra cho người đọc thêm một cách tư duy về hiện thực.


2. Mô hình thế giới người lừa

Theo nhiều sử gia, kinh tế thương nghiệp ở Việt Nam đến thế kỉ XVIII- XIX phát triển mạnh mẽ. Lúc này, thuyền buôn đi lại tấp nập. Nhiều thương nhân giàu có xuất hiện, gia tư kể hàng vạn. Quan hệ tiền tệ thâm nhập vào mọi quan hệ đời sống. Lời dụ của chúa Trịnh năm 1718 có đoạn: “Gần đây thói dân thêm bạc, quan xét kiện phần nhiều cẩu thả…” Ngự sử đài ghi thêm “Bọn hào cường gian hoạt trong làng mạc, giảo quyệt đủ ngón, dối trá trăm khoanh… ai trái ý thì chúng vu oan giá hoạ, đưa đến cửa công… kẻ giữ chức xét xử thì chưa xét rõ tình tiết vu cáo để cho kẻ gian xảo lọt ra ngoài lưới pháp luật, kẻ điêu toa còn được múa mép nói không…”

Nguyễn Du viết Truyện Kiều viết từ “những điều trông thấy” trên đây. Ông quan tâm tới tính cách thị dân ở từng nhân vật. Do vậy, tính hiện đại của Truyện Kiều không chỉ biểu hiện ở nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật, mà còn thể hiện ở chỗ tác giả khái quát sinh động một mô hình thế giới người lừa từ hiện thực “đau lòng” trong thời đại mình [1] .

Không phải ngẫu nhiên các nhân vật của Nguyễn Du đều có một kiểu phát ngôn riêng: Sở Khanh ba hoa khoác lác. Hắn “nhại” cung cách ứng xử của nho sĩ tài hoa. Hắn làm ra vẻ thương hoa tiếc ngọc qua khẩu khí anh hùng, coi việc cứu người, lấp bể trầm luân rất đơn giản. Sở Khanh huênh hoang:

Than ôi! Sắc nước hương trời
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây
(…)
Thuyền quyên ví biết anh hùng
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi

Hoạn Thư thì “bề ngoài thơn thớt nói cười / mà trong nham hiểm giết người không dao”. Chàng Thúc Sinh thì “quen thói bốc trời / trăm nghìn đổ một trận cười như không”… Ngôn ngữ nhân vật và suy nghĩ của họ không thống nhất với nhau. Ngôn ngữ che đậy những mưu chước, toan tính. Ngôn ngữ đối thoại trong Truyện Kiều được kịch hoá, cá tính hoá để trở thành hiện tượng nghệ thuật độc đáo.

Vậy làm thế nào Nguyễn Du phơi bày được “con người bên trong” đương bị che giấu ở mỗi nhân vật? Theo tôi, tác giả thường tạo tình huống kịch. Ở những tình huống này, mọi quan hệ đều được làm sáng tỏ, mọi âm mưu thâm độc đều bị phanh phui. Chẳng hạn, cuộc gặp gỡ giữa Tú Bà - Mã Giám Sinh – Thuý Kiều. Ðặc biệt là tình huống gặp gỡ tay ba giữa Hoạn Thư - Thúc Sinh - Thuý Kiều. Ở đó ai cũng đóng kịch, “ai cũng hiểu rõ cái thật, cái giả của mình và của người khác, nhưng ai cũng làm như không biết và ai cũng tiếp tục đi đến tận cùng vai diễn của mình...” (Lê Thị Hồng Minh). Thúc Sinh che giấu mối quan hệ của mình với Thuý Kiều trước mặt Hoạn Thư với ý nghĩ “nào ai có khảo mà mình lại xưng”. Hoạn Thư giả vờ cười nói tỉnh say để đày đoạ Thuý Kiều. Kiều hiểu được âm mưu nham hiểm của Hoạn Thư, song vẫn âm thầm chịu đựng trong vai trò của Hoa Nô, Trạc Tuyền.

Con người lừa đảo, gian trá nhan nhản trong thế giới Truyện Kiều. Người thông minh sắc sảo như Kiều dễ bị mắc lừa nhất. Không có bước đi nào Kiều không chạm mặt bọn lái buôn, mối manh. Sự xuất hiện đông đảo loại người “múa mép nói không”, “giảo quyệt đủ ngón” đã làm thay đổi mọi thang bậc giá trị, biến con người trở thành món hàng mua đi bán lại. Ðộng cơ của hành động này không ngoài tiền bạc và quyền lực. Mỗi khi đồng tiền xuất hiện, cuộc đời Kiều chuyển sang một bước mới. Kiều bảy lần lấy chồng, trong đó hai lần làm lẽ, một lần làm phu nhân… nhiều lần bị lừa dối.

Nhân vật phản diện nào của Nguyễn Du cũng lừa. Từ quan tới dân, từ kẻ buôn bán mối manh đến sư sãi đều trở thành người lừa. Họ lừa nhau và lừa người khác. Họ lừa tình, lừa tiền, lừa công danh. Họ lợi dụng lòng tốt, sự cả tin, ngây thơ ở con người. Bản chất xấu xa của nhân vật phản diện luôn được che đậy bởi vẻ ngoài, lịch thiệp, ngôn ngữ bóng bảy văn hoa. Thằng bán tơ lừa dối vu oan giá hoạ đã đành. Quan lại vì tiền bất chấp công lý mà xử oan thì có thể xếp vào loại lừa bịp cao cấp.

Tôi đặc biệt lưu ý đến một kiểu lừa đảo tiêu biểu trong thời đại Nguyễn Du: bọn mối manh lừa đẩy người tài sắc vào chốn lầu xanh ô nhục. Toàn bộ thời gian truyện, thực chất chỉ là diễn biến cụ thể của sự kiện ấy. Không gian hoạt động đặc trưng của người lừa trong Truyện Kiều là không gian xã hội, không gian của những lầu viện. Ở đó, bọn mối manh đem các giá trị người ra trao đổi, bán mua. Ở đó tuổi xuân của con người bị giam khoá, sức xuân và nhân phẩm của bậc tài nữ bị dập vùi.

Nếu truyện dân gian trần thuật theo mô hình một thế giới, truyện hiện đại trần thuật theo quan niệm có “nhiều thế giới” tồn tại đẳng cấu với nhau, thì Truyện Kiều trần thuật theo mô hình hai thế giới. Tương ứng với mô hình tự sự hai thế giới là hai loại người. Loại người đấng, bậc và quân vô loài. Thế giới nghệ thuật của Truyện Kiều là thế giới hai lớp. Lớp thứ nhất: thế giới hiện thực. Lớp thứ hai: thế giới tâm linh. Bên trong, bên dưới những thế giới ấy lại tồn tại một thế giới khác. Mô hình cụ thể của những thế giới kể trên được Nguyễn Du hình dung theo khái niệm “cõi”. Truyện Kiều gồm nhiều “cõi” nối liền nhau, cõi ngoài đối lập với cõi trong; cõi Ta thù địch với cõi Người. Nửa đầu Truyện Kiều là thế giới êm đềm, thế giới của những chập chờn mộng mị, thế giới của trăng sao, hoa nhạc. Đó là thế giới của những thư hiên, những trướng hoa, phòng viện, vốn được tạo ra chỉ để dành riêng cho lứa đôi gặp gỡ, tự tình. Nửa sau Truyện Kiều là thế giới của người lừa. Thế giới người lừa được mở ra từ cảnh “trời hôm, mây kéo tối dầm... một xe trong cõi hồng trần như bay”. Thế giới người lừa được điểu khiển bởi khách làng chơi, và trên hết bởi “thuyền lái buôn” đê tiện. Cơ chế hoạt động của thế giới ấy là các mẹo lừa, các khuôn lừa do phường “giá áo túi cơm” đặt ra.Thế giới người lừa mang bản chất thị dân. Nó đối lập với thế giới gia đình, với tổ ấm thân thương. Thế giới người lừa chứa đầy hiểm hoạ, bất trắc. Còn thế giới gia đình, dù hạn hẹp bao nhiêu đi nữa, cũng luôn gợi cho mỗi cá nhân cảm giác hạnh phúc, yên bình. Kiều bị đánh bật ra khỏi thế giới gia đình, nên cảm thấy mình nhỏ bé, bèo bọt.

Truyện Kiều miêu tả sự xung đột, giao tranh của hai thế giới. Thế giới người lừa được mở rộng bao nhiêu thì thế giới của bậc tài nữ hẹp lại đến đó bấy nhiêu. Thế giới êm đềm mờ nhoè dần theo bước chân lưu lạc phong trần của Thuý Kiều. Thế giới người lừa chia làm hai nửa, một ồn ã với “cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm”, một lạnh lẽo với những “tấc riêng, nỗi riêng” của Thuý Kiều. Nếu thế giới gia đình tô đậm tài tình của con người, thì thế giới người lừa lại chứng minh cho thuyết tài mệnh tương đố. Nếu thế giới gia đình làm sáng tỏ Kiều là một bậc tài sắc khuynh nước khuynh thành, thì thế giới người lừa lại diễn tả cảm thức định mệnh thường trực ở người kể chuyện.

Nhân vật đầu tiên bước ra từ thế giới người lừa với diện mạo hoàn chỉnh của nó chính là Mã Giám Sinh. Chẳng phải ngẫu nhiên, tác giả tập trung bút lực khắc hoạ cảnh họ Mã mua Kiều.

Ðắn đo cân sức cân tài
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ
(…)
Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm

Mã Giám Sinh đội lốt “nho sĩ”. Hắn nguỵ trang dưới nghi thức “vấn danh” để mua Kiều. Người thông minh, nhạy cảm như Kiều cũng phải đợi đến khi “thuyền đã êm dầm” mới phát hiện ra bản chất đê tiện của y. Con buôn họ Mã diễn xuất sắc vai chính nhân quân tử nên được lừa cả Nguyễn Du và gia đình Kiều.

Trong Truyện Kiều, mọi nhân vật phản diện đều thuộc về thế giới lầu xanh, hoặc ít ra cũng liên quan theo một cách nào đó với không gian đậm màu sắc thị dân này. Các nhân vật chính diện xuất hiện ở trường đoạn mà nhân vật trung tâm phải tha hương lưu lạc, hiển nhiên cũng thường lui tới môi trường đầy rẫy lừa lọc, gian trá. Thúc Sinh và Từ Hải đều đến lầu xanh. Nhìn từ góc độ này, chẳng những chúng ta sẽ tránh được cái nhìn sử thi phiến diện đối với người anh hùng Từ Hải, mà còn khắc phục được cái nhìn giản đơn về chàng Thúc. Thêm nữa, ta hiểu sâu hơn cái lô gíc bên trong chi phối đến sự vận động của thế giới Truyện Kiều.

Tôi nghĩ, khi Nguyễn Du thuật chuyện Thúc Sinh, Từ Hải cứu Kiều, ông có một dụng ý đặc biệt. Trước hết, tác giả cấp cho ta thông tin: những ai có thể cứu được Kiều khỏi nanh vuốt của phường “mạt cưa mướp đắng”. Sau, tác giả mới giải thích: vì sao khi được Thúc Sinh, rồi Từ Hải cứu chuộc, Thuý Kiều vẫn chưa hết “duyên nợ” với thế giới người lừa. Nếu Thúc Sinh không “mộ tiếng Kiều”, không có ham thích “trăng gió”, chắc hẳn Kiều chưa thể thoát khỏi lầu xanh. Giả sử Từ Hải hoàn toàn “ngay thẳng” thì làm sao mà có chuyện Kiều thoát khỏi thế giới lọc lừa. Chúng ta gặp Từ Hải, Thúc Sinh không phải khi họ đang sắm vai một nho sĩ hoặc lúc họ thể hiện khí phách anh hùng của mình. Cả Thúc Sinh, Từ Hải đều thoả hiệp trong sự “giao dịch” với “thế giới người lừa”. Nguyễn Du chú ý tả tâm tính và hành động của chàng Thúc, nhằm khắc hoạ kiểu người đắm sắc, mê hoa. Đối với Từ Hải, Nguyễn Du không sử dụng cách đó nữa. Ông thiên về tả vóc dáng và khí phách để xây dựng hình ảnh mới mẻ về người anh hùng. Vì thế Từ Hải có cách nói sang hơn Thúc Sinh. Công bằng mà nói, Từ Hải không hơn Thúc Sinh là mấy. Cả hai hành động cứu chuộc ấy đều có tính chất bấp bênh và tiềm ẩn nhiều điều bất trắc. Không ai có thể lường hết được những mưu chước, thủ đoạn của người xung quanh, hoặc đối phương của mình.

Trong Truyện Kiều, trường đoạn nào cũng có người lừa. Tới đâu Kiều cũng rơi vào cạm bẫy. Truyện Kiều có một “phường giá áo túi cơm”, một “tổ bợm già” thường xuyên lừa đảo kiếm chác. Ngay Kiều cũng “lừa”: dối Tú Bà trốn theo Sở Khanh, dối sư Giác Duyên để nương nhờ cửa Phật. Kiều vô tình trở thành “người lừa” Từ Hải. Bạn bè lừa nhau [2] . Chồng dối gian giấu vợ. Vợ lập mưu lừa chồng [3] . Quan lừa dân. Tạo hoá lừa người.

Kết thúc truyện, Nguyễn Du để Thuý Vân than trách:

Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!
Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi.

Trong cảm niệm của Nguyễn Du, hành động lừa đảo, gian trá diễn ra phổ biến ở con người thị dân. Ông nhìn thấy nhiều mối hoạ tiềm tàng trong thế giới mà đồng tiền đương làm vẩn đục. Và cụ thể hoá các khả năng ấy trong từng hoàn cảnh xác định. Sở dĩ Truyện Kiều có sức sống lâu bền trong mọi tầng lớp nhân dân, không phải vì Nguyễn Du truyền đạt tư tưởng định mệnh huyền bí, mà vì tác giả đã cắt nghĩa chiều hướng con đường đời của nhân vật trung tâm từ một môi trường văn hoá, xã hội cụ thể. Quan niệm “con người số phận” ở Nguyễn Du, xét theo hướng đó, chẳng qua cũng chỉ là một cách hình dung của nhà văn về sức mạnh chi phối của đồng tiền đối với sinh mệnh cá thể mà thôi. Truyện Kiều nếu được xem là tiểu thuyết lưu lạc, thì trước hết, bởi trong tác phẩm đó tồn tại một thế giới người lừa.

© 2008 talawas


[1]Ở châu Âu thế kỉ XVI-XVIII xuất hiện loại tiểu thuyết bợm nghịch. Trong đó, nhà văn cũng miêu tả những nhân vật phiêu bạt, lừa gạt...
[2]Mã Giám Sinh chung lưng với Tú Bà, nhưng lại “mập mờ đánh lận con đen” lừa mụ ta.
[3]Thúc Sinh lừa Hoạn Thư dan díu với người phụ nữ khác. Hoạn Thư lừa Thúc Sinh để hành hạ Thuý Kiều.