trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
10.4.2008
La Thành
Cuộc hẹn mới của dân chủ?
 
Hai năm qua, kể từ sau Đại hội 10 của Đảng Cộng sản, thời điểm gắn liền với sự tái khẳng định và/hoặc sự điều chỉnh phần nào đường lối cũng như nhân sự của đảng này, các quan sát cho thấy dường như phong trào dân chủ đang ly tâm nhiều hơn là hướng tâm, còn chế độ toàn trị thì lại ít nhiều được củng cố. Nói cho đúng thì những mâu thuẫn trong lòng chế độ này đang ngày một thêm gay gắt, thậm chí có những yếu tố đã bị đẩy đến cao trào – thí dụ những yếu kém về điều hành nền tài chính đã dẫn đến nạn lạm phát tồi tệ nhất trong vòng 15 năm qua, sự bất mãn tột độ của công nhân các khu công nghiệp và đông đảo quần chúng lao động, nạn tham nhũng bất khả trị, sự nhu nhược của giới cầm quyền trước những tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc, lục đục nội bộ ở ngay trên thượng tầng kiến trúc chính trị của chế độ, v.v... –, song một số thành công ngoại giao trong thời gian qua (việc Việt Nam trở thành thành viên WTO và thành viên không thường trực của UNSC) đã có tác dụng “xì hơi” phần nào cho những căng thẳng. Tuy nhiên, một lần nữa, những vấn đề về an ninh của dân sinh và của đất nước lại dẫn đến đòi hỏi dân chủ hoá nền chính trị.


Bài toán tổ chức

Trong nhiều bài báo của mình, nhà lãnh đạo Tập hợp Dân chủ Đa nguyên Nguyễn Gia Kiểng đã đề cập tầm quan trọng và tính bức thiết của nhân tố tổ chức trong cuộc vận động dân chủ hoá. Điều này hiển nhiên đúng. Song, ẩn số lớn nhất của bài toán tổ chức là gì?

Đứng trước một địch thủ mạnh là ‘nhà nước - đảng’ toàn trị, hiện đang có đầy đủ tính chính danh của một nhà nước thực tồn trên một lãnh thổ thống nhất, có bộ máy đàn áp và tuyên truyền trên thực tế là chưa bị thách thức, các lực lượng dân chủ tỏ ra chưa xúc tiến được bao nhiêu những đồ án tổ chức. Đấy là chưa kể đến những mâu thuẫn, xích mích (đôi khi khá nhỏ nhen) đã và vẫn còn tồn tại giữa các nhà hoạt động dân chủ. Vài năm nay, cá nhân tôi đã cảm thấy vô cùng đau lòng mỗi khi thấy những vấn đề nội bộ của dân chủ bị phơi bày trên truyền thông. Thật là tệ hại, mặt báo dân chủ là nơi để tranh đấu với chế độ toàn trị, chứ không phải nơi để dân chủ công kích và bài xích lẫn nhau. Có một thực tế là nhiều “nhà” dân chủ vẫn đầy ắp máu toàn trị chảy trong các huyết quản, không ít người dấn thân cho dân chủ với những động cơ vụ lợi và tâm lý “chưa bắn được con gấu đã tính chuyện chia bộ da”, hoặc ít nhất cũng để thoả mãn thói háo danh... Tuy nhiên, linh hồn của dân chủ cần phải nằm trong những con người ưu tú nhất, có lý tưởng, có viễn kiến và biết hy sinh nhất. Một kẻ thù mạnh không thể bị thách thức bởi những đối thủ tầm thường.

Vậy đâu là khâu then chốt nhất của công tác tổ chức vào thời điểm này? Theo tôi, đó là khả năng liên kết những con người thực tế kia cho một mục tiêu đầy lý tưởng. Điều này không chỉ bao gồm công tác tuyển người, kết nạp người vào tổ chức, mà còn bao gồm cả sự vận động liên kết, hiệp đồng giữa các tổ chức dân chủ. Một khi chế độ toàn trị còn chưa bị giải thể, không ai và không tổ chức nào trong đối lập dân chủ có được cơ hội chứng minh tư cách chân chính và năng lực hành động của mình trước toàn thể quốc dân. Chưa thể mơ về một ngày chế độ toàn trị ở Việt Nam bị tan rã, tôi chỉ mơ đến một ngày toàn bộ các đảng phái dân chủ ngồi xuống với nhau quanh một bàn tròn, đạt được một thoả thuận sách lược là tạm gác lại những khác biệt để cùng nhau chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa toàn trị. (Cần phải làm rõ lại rằng kẻ thù của nền dân chủ không phải là toàn bộ Đảng Cộng sản hay các đảng viên cộng sản nói chung, mà là chủ nghĩa toàn trị của bộ phận phản động nhất trong ban lãnh đạo đảng này.) Trước khi có thể có được sự hoà giải rồi hoà hợp cùng với Đảng Cộng sản (trên tinh thần dân tộc và phi toàn trị hoá), những người dân chủ cần hoà giải và hoà hợp được với nhau. (Hai từ “hoà giải” và “hoà hợp” ở tình huống này có thể có ý nghĩa khác với ý nghĩa thuật ngữ thông dụng lâu nay của chúng, song dường như cũng không khác bao nhiêu, nếu kể đến những điều sắp nói dưới đây.)

Vâng, tôi đã nghe nhiều lưu học sinh Việt Nam đang du học ở phương Tây, nhất là đang du học ở Hoa Kỳ, nói về những bức tường tâm lý ngăn cách giữa họ và những người Việt đã định cư. Nguyên nhân được nhận rõ là các lưu học sinh kia đến từ trong lòng chế độ toàn trị “cừu địch”. Tôi cũng được biết về thái độ kỳ thị và bất hợp tác của một số người Việt ở hải ngoại đối với những cựu đảng viên cộng sản đã phản tỉnh và nay đang hoạt động vì dân chủ, thậm chí họ còn kỳ thị và bất hợp tác với ngay cả những “người quốc gia” chủ trương hoà giải với Đảng Cộng sản. Biểu hiện gần đây nhất của thứ chủ nghĩa chống cộng cực đoan này là những chiến dịch ầm ĩ mang màu sắc hooligan ở California chống lại một cơ quan truyền thông ủng hộ – chính xác hơn là mới chỉ đề cập – những vận động hoà giải. Đây là gì, nếu không phải là sự yếu đuối về tình cảm và nghèo nàn về lý trí? Cùng với những hành vi mị dân của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua – trên sóng truyền hình truyền khắp hoàn cầu, Nguyễn Minh Triết ôm hôn Nguyễn Cao Kỳ giữa Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội –, chủ nghĩa chống cộng hooligan, vào thời điểm này, đang trở thành một đồng loã không được thù lao của chủ nghĩa toàn trị.

Sách lược tổ chức cũng đòi hỏi một sự bao dung giữa những người có chung mục đích.


Một mô hình khả nhận của dân chủ

Trong bản dự án chính trị mang tên “Thành công Thế kỷ 21” của mình, một tổ chức chính trị đối lập lâu năm là Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã đề ra mục tiêu xây dựng một quốc gia - dân tộc của người Việt Nam với những đặc trưng: một nền chính trị dân chủ đa nguyên, một bộ máy hành chính tản quyền, một chủ nghĩa tiểu quốc trong bang giao, một xã hội dân sự đề cao những giá trị phổ biến của thời đại thay vì tôn sùng một chủ thuyết chính trị xơ cứng, v.v... Đây chắc chắn là một bước tiến trong điều kiện hiện nay của tư tưởng chính trị Việt Nam. Song nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn thấy bản dự án cần được bổ sung một mô hình khả nhận của nền dân chủ tương lai. Đảng Cộng sản, trái lại, trong suốt lịch sử tồn tại của nó đã tỏ ra hết sức lão luyện trong việc cho ra đời các mô hình. Nguyên thuỷ là một đảng cộng sản xta-lin-nít, thành viên của Quốc tế III, với mục tiêu chiến lược xây dựng chủ nghĩa cộng sản và tiến tới đại đồng thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng nhiều lần đổi tên đảng, nhiều lần điều chỉnh sách lược tranh đấu, trong đó có sách lược về mô hình. Mô hình sách lược gần đây nhất của đảng này là “xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, không còn người bóc lột người”, trong khi mục tiêu chung cuộc – ghi trong phiên bản Điều lệ Đảng mới nhất, được Đại hội 10 thông qua – vẫn là “thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”.

Có một thực tế không thể bất chấp là trong hiện tại và trong tương lai gần, tuyệt đại đa số người Việt Nam sẽ chưa được thuyết phục bởi mô hình dân chủ đa nguyên. Để thấy rõ hơn, hãy nhìn sang nước Nga: ở đó, chế độ toàn trị đã bị giải thể gần 20 năm nay, nhưng dân chủ đa nguyên vẫn chưa hiện hữu. Lý do quan yếu hơn cả là phần đông người dân Nga, bao gồm một bộ phận của giới trí thức và gần như toàn bộ giới danh lưu Nga, chưa mong muốn – hay, nói cách khác, nền văn hoá Nga chưa sẵn sàng cho – dân chủ đa nguyên. Dân chủ đa nguyên là một sinh hoạt tổ chức cao cấp và một nền văn hoá tiên tiến, mà văn hoá thì không thể nhập cảng trong một sớm một chiều. André Malraux từng nói rằng “văn hoá là những gì còn lại khi mọi thứ đã mất cùng thời gian”: văn hoá là cái có sức ì lì lợm! Nền văn hoá Việt đã có cả nghìn năm trải qua chế độ quân chủ chuyên chế Khổng giáo, một điều kiện thuận lợi để một bộ phận giới nhân sĩ của nó – vào đầu thế kỷ trước – tiếp thu một cách không tự giác một ý thức hệ toàn trị, để rồi trong năm mươi năm (đối với nửa phía Bắc của đất nước, còn đối với nửa phía Nam là ba mươi năm) cuối của thế kỷ ấy, cho đến nay, ý thức hệ này đã trở thành yếu tố chi phối tiêu cực và ngày càng phi nhân bản đối với nền văn hoá. Nền văn hoá Việt đã bị toàn trị hoá nhiều năm này có thể phải cần tương đối nhiều thời gian để làm quen với chủ nghĩa đa nguyên như một nguyên lý văn hoá, trong đó có đa nguyên chính trị. Xuất phát từ thực tế này, tôi đề nghị đối lập dân chủ hãy nghiên cứu và thảo luận rộng rãi để có thể đi đến đồng thuận về một mô hình khả nhận hơn của nền dân chủ Việt Nam trong tương lai, dễ được tiếp thu hơn, thậm chí có sức thuyết phục ngay cả đối với các cán bộ / đảng viên của Đảng Cộng sản. Đó là mô hình dân chủ xã hội (social democracy) [1] . Mô hình này nếu được khai thác đúng đắn có thể khiến chế độ toàn trị cực kỳ khó ăn nói. Còn nhớ, hồi tháng Chín năm ngoái, Đảng Cộng sản đã phải huy động đến một “nhà lý luận” đã nghỉ hưu của nó là ông Nguyễn Đức Bình ra để viết bài (đăng trên hai ngày báo Nhân Dân) đả phá quan điểm về “chủ nghĩa xã hội dân chủ” (democratic socialism), một biến thể gần gũi nhưng thiên tả hơn của dân chủ xã hội. Trước đó, ông Nguyễn Đức Bình đã giãy như đỉa phải vôi sau khi được ai đó đưa cho xem một dịch thuật của Tam Dương đăng trên diễn đàn talawas (hồi tháng 5.2007) về cuộc thảo luận đang diễn ra công khai ở Trung Quốc hiện nay xung quanh mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ. Người dân chủ không nên cự tuyệt thẳng thừng các mô hình này. Giới khoa học chính trị đã xác nhận rằng, mô hình dân chủ xã hội – đang được thực hành ở hầu hết các quốc gia Bắc Âu, Trung Âu cũng như ở một bộ phận Tây Âu và Nam Âu – hiện đang là mô hình thành công thứ hai sau mô hình dân chủ khai phóng (liberal democracy) hay thực chất là mô hình dân chủ đa nguyên (pluralist democracy) mà nhiều tổ chức chính trị đối lập đã tuyên bố theo đuổi.

So với bước chuyển sang dân chủ khai phóng, một chuyển dịch từ chế độ toàn trị [giả] cộng sản sang dân chủ xã hội gần gũi hơn và khả thi hơn, ít nhất là trong điều kiện Việt Nam hiện thời. Sau khi đã có được một nền dân chủ xã hội, việc chuyển dịch tiếp về dân chủ khai phóng chỉ còn là việc hiệu chỉnh những tham số kỹ thuật.


Một nền truyền thông hỗ trợ dân chủ hoá

Trong một chiến lược tranh đấu bất bạo động, truyền thông hiển nhiên đóng vai trò nền tảng. Đối lập dân chủ có một loạt mục tiêu truyền thông: tuyên truyền lý luận (phổ biến lý luận dân chủ, phản biện và bẻ gãy lý luận toàn trị), truyền thông sự kiện (về những sự kiện thời sự hoặc lịch sử mà nhà cầm quyền đã và đang che giấu), tuyên truyền và phản tuyên truyền về hình ảnh (cáo giác những giả dối và bóp méo thông tin của truyền thông chính thức, thông tin trung thực về tiểu sử và nhân cách thật của các lãnh tụ và nhà lãnh đạo của chế độ toàn trị), v.v... Tuy nhiên, bản chất thời sự của truyền thông tự nó đã quy định tính mềm dẻo và tính sách lược. Bản thân chế độ toàn trị luôn luôn tỏ ra dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Đối tượng của nền truyền thông dân chủ không phải là 85 triệu nhà trí thức người Việt, mà là một đại khối quần chúng lao động với chỉ rất, rất ít trí thức. (Mà ngay cả trong hàng ngũ trí thức cũng chỉ có không nhiều người có ý thức chính trị và thực sự độc lập về tư duy.) Đại khối quần chúng này đã bị bộ máy tuyên truyền - giáo dục của chế độ toàn trị “săn sóc” trong già nửa thế kỷ qua, hầu hết đã mất khả năng tư duy độc lập, hơn nữa còn có tình cảm sâu nặng đối với chế độ (một kiểu ‘hội chứng Stockholm’ [2] : người bị áp bức lâu ngày trở nên có tình cảm với kẻ áp bức mình). Sách lược tuyên truyền của người dân chủ cần phải uyển chuyển hơn rất nhiều để đối phó với thực tế này. Một thí dụ điển hình là việc trả lại những sự thật từng bị che giấu về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh. Mặc dù những chi tiết tiêu cực trong tiểu sử của ông (lá đơn xin nhập học Trường Thuộc địa, sự vô luân và nhẫn tâm trong các mảnh đời tư, sự mù quáng chính trị trong việc tôn sùng chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao, tội ác diệt chủng trong Cải cách Ruộng đất, thói háo danh bệnh hoạn trong việc tự trước tác để ca ngợi chính bản thân mình, v.v...) – mà tính chân thực của chúng đã được kiểm chứng bởi nhiều nguồn –, Hồ Chí Minh trên thực tế có địa vị khó đánh đổ trong lòng nhiều người Việt Nam, trong đó có nhiều, rất nhiều trí thức. Chân lý lịch sử rất khó được thừa nhận trước những giả trá đã được dàn dựng và quảng bá công phu, trong một thời gian dài. Dmitry Likhachev đã vạch ra bản chất bệnh lý của thái độ cự tuyệt chân lý và đạo lý của một bộ phận nhân quần (nói riêng, một bộ phận trí thức): đây có thể là biểu hiện của sự tổn thương thuỳ não trước (‘hội chứng tiền thuỳ’, frontal lobe syndrome), trong đó con bệnh bị mất khả năng chuyển hướng tư duy và hành vi cho phù hợp với hiện thực khách quan, chấp nhận ngay cả hy sinh tự do và phẩm giá của chính bản thân mình.

Vũ khí tuyên truyền của chế độ toàn trị là dối trá và gây sợ hãi, và đó là một vũ khí mạnh. Thay vì đương đầu, truyền thông đối lập phải tránh mặt mạnh của vũ khí này. Dân chủ hiển nhiên không dung thứ (càng không chủ trương) giả dối, song có thể phải biết lựa chọn sự thật để tuyên truyền. Khẩu hiệu “không có chủ đề nào là cấm kỵ, không có vấn đề nào không thể bàn đến” là một khẩu hiệu của lương tri, cần được áp dụng trước hết trong sinh hoạt nội bộ của các tổ chức chính trị đối lập trước khi trở thành tiêu chí văn hoá của nền dân chủ tương lai, song lại cần hết sức thận trọng khi áp dụng cho truyền thông đối lập trong điều kiện đang phải đương đầu với sự dối trá toàn trị.

Nói một cách tóm tắt, tạm thời truyền thông đối lập có thể nói về “dân chủ” nhưng hãy tạm đừng nhấn mạnh “đa nguyên” vội, hãy nói về kinh tế thị trường – mà phải là một nền kinh tế thị trường lành mạnh và trung thực, chứ không phải thứ chủ nghĩa tư bản thân hữu đang được các tập đoàn độc quyền (oligarchy) lũng đoạn như hiện nay – nhưng khoan hãy tìm cách tẩy bỏ ước mơ về chủ nghĩa xã hội trong lòng đại đa số cán bộ / đảng viên [cộng sản] và quần chúng. Chủ nghĩa xã hội là một ảo tưởng – Boris Yeltsin gọi đó là “cái bánh ở trên trời”, và điều này là sự thật – song là một giấc mơ đẹp, xua tan nó không dễ; vậy nên thay vì nhấn mạnh rằng chủ nghĩa xã hội là cái bánh vẽ không thể có, hãy vạch mặt sự giả dối của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản, hãy chỉ ra cho các đảng viên cộng sản và quần chúng lao động thấy đây thực sự đã là một đảng cộng sản biến chất, do một nhóm đầu sỏ chính trị theo chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xét lại tiếm quyền, đã hoàn toàn phản bội lợi ích của các giai cấp lao động và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; hãy phanh phui rằng ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa Marx-Lenin đang có một địa vị trớ trêu chưa từng thấy: nó thực sự đã bị đám đầu lĩnh toàn trị dùng làm lót ghế ngồi, song lại vẫn được cho vào vai tên sen đầm tư tưởng, có nhiệm vụ cầm tù 85 triệu bộ óc làm con tin; hãy tố giác rằng giới chóp bu Đảng Cộng sản, để bảo toàn địa vị thống trị ích kỷ của họ, đã cam tâm khuất phục chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc, hy sinh lợi ích của dân tộc...

Trong cuộc đọ sức với guồng máy tuyên truyền hoang phí và giả dối của giới chức toàn trị, đối lập dân chủ có trong tay sự hậu thuẫn vô giá của sự thật. Proudhon từng nói rằng “khi sự thật lên tiếng, ngôn từ xảo trá ắt câm lặng”.


Một cuộc hẹn mới?

Trong hơn 30 năm qua, thời cơ cho một chuyển dịch về dân chủ ở Việt Nam đã đến vài lần, nhưng dân chủ đã chừng ấy lần trễ hẹn. Thực ra thì thời cơ là cái không có cách gì điều khiển được một cách cơ học, song những “phiên bản” khác nhau của thời cơ hoàn toàn có thể có khuôn mặt của những sách lược tỉnh táo.

Bằng những sự biến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lịch sử đã tự chứng minh rằng nó không hề có dạng động lực học được thúc đẩy chỉ bởi các mâu thuẫn liên giai cấp như tiên đoán của chủ nghĩa duy vật lịch sử Marxist. Vào những năm tháng sôi động đó, một chế độ toàn trị – tự coi là vô giai cấp – vô cùng kiên cố như chế độ Xô-viết xta-lin-nít đã không hề bị đập vỡ bởi những ngoại lực giai cấp hay dân tộc, trái lại đã tự sụp đổ bằng chính những lực đối kháng trong nội bộ giai cấp nomenklatura thống trị: mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích trên chính thượng tầng kiến trúc chính trị của hệ thống Xô-viết đã khiến nó tự tan rã một cách bất ngờ và chóng vánh. Ở một chừng mực nào đó, cục diện này đang được hình thành ở Việt Nam. Một biểu hiện dễ thấy là sau Đại hội 10, thế cân bằng vùng miền trong những vị trí chóp bu của chế độ, từng được duy trì trong suốt 30 năm kể từ sau 1975, đã bị phá vỡ: hai trong ba đỉnh của tam giác quyền lực Chủ tịch nước - Thủ tướng - Tổng bí thư Đảng nay bị chiếm giữ bởi phe Nam bộ. Các nhóm tư bản đỏ đang giàu lên nhanh chóng – trang tin điện tử VNExpress đầu năm nay vừa cho biết rằng 100 người Việt Nam giàu nhất trên thị trường chứng khoán hiện sở hữu khối lượng tài sản trị giá bằng 7,6 phần trăm tổng sản lượng quốc nội (GDP) – và đang tranh giành nhau quyết liệt quyền kiểm soát các thị trường và tài nguyên của quốc gia. Cục diện này đang chất chứa yếu tố thời cơ đối với một chuyển dịch dân chủ hoá. Sách lược mà đối lập dân chủ cần lấy là khai thác và khoét sâu những mâu thuẫn nội tại đó của chế độ đương cuộc.

Thế giới đã đổi thay khá nhiều kể từ những cuộc cách mạng 1989–1991, vậy mà một cuộc cách mạng như thế ở Việt Nam vẫn chưa thể có hình hài của một hiện thực gần gũi. Song le, nền dân chủ ở xứ sở cây tre luôn luôn có quyền hy vọng. Những chuyển động dân sự còn nóng hổi xung quanh tập Thơ của Trần Dần vừa qua là một nhát dao bén ngọt cứa vào mặt chính thể toàn trị: trước khi đứt cổ trong một cuộc cách mạng, chủ nghĩa toàn trị rất có thể mất máu mà chết dần chết mòn bởi hàng ngàn nhát dao như thế.

Anthony Giddens từng nói rằng chúng ta đang đứng trước một tương lai bất khả lựa chọn và một hiện tại bất khả dự đoán. Trộm nghĩ, chính tính bất trắc của hiện tại đang là đồng minh của những người dân chủ và là kẻ thù không tỏ mặt của chế độ toàn trị. Mặc dù lịch sử là bất lường và hiếm khi lặp lại, song điều này không có nghĩa là lịch sử ít có giá trị hướng dẫn. Bài học cô đúc nhất từ lịch sử luôn luôn vẫn là: đứng trước tính bất lường của lịch sử, những sách lược đúng đắn là sự thích nghi với thời gian và sự tích luỹ thời cơ của những hẹn ước chiến lược.

Dù sớm hay muộn, nền dân chủ không có lý do để thất hẹn quá lâu. Gene Sharp, tác giả của cuốn cẩm nang nổi tiếng From Dictatorship to Democracy: A Conceptual Frame for Liberation đã khẳng định rằng “người ta có thể chiến thắng hoặc chiến bại trong một cuộc chiến tranh, song người ta KHÔNG THỂ thất bại trong cuộc tranh đấu bất bạo động vì một nền dân chủ.”

Hà Nội, tháng Ba – tháng Tư năm 2008

© 2008 talawas



[1]Từng được tác giả Mai Thái Lĩnh trong nhóm Đà Lạt đề cập trong một số xuất bản phẩm gần đây.
[2]‘Hội chứng Stockholm’ (Stockholm syndrome): phản xạ tâm lý (không đơn nhất) của [một số] nạn nhân được quan sát thấy trong những vụ bắt cóc hoặc lạm dụng, trong đó nạn nhân phát triển những tình cảm tích cực, thậm chí trung thành, bao che, bảo vệ hoặc ca ngợi kẻ thủ ác đã/đang khống chế hoặc lạm dụng mình. Giới tâm lý học giải thích hội chứng này như là một biểu hiện của cơ chế tự vệ, tuy nhiên thuộc vào lớp các phản xạ thiển cận, vô ý thức. Hội chứng được mô tả lần đầu tiên trên truyền thông khi xảy ra vụ cướp ngân hàng Kreditbanken ở trung tâm thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển, tại đó toán cướp đã giữ các nhân viên ngân hàng làm con tin từ ngày 23 đến ngày 28 tháng Tám năm 1973; trong diễn biến của vụ án này, các nạn nhân đã trở nên gắn bó về tình cảm với toán cướp, thậm chí bênh vực những kẻ bắt cóc. Thuật ngữ Stockholm syndrome do chuyên gia tội phạm học và tâm thần học người Thuỵ Điển Nils Bejerot đặt ra.