trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Sân khấu
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
23.6.2002
Ea Sola
„Nghệ thuật tiền phong đang xuất hiện ở Việt Nam“
Trao đổi với Ea Sola
Trương Hồng Quang dịch
 
*

Truyền thống và hiện đại là các xuất phát điểm trong tác phẩm của chị. Có những mối liên hệ nào giữa tiểu sử của chị và những đề tài này?

Truyền thống và hiện đại là hai giá trị khác nhau. Giá trị thứ nhất thì khuyết danh, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; truyền thống là thứ do tập thể tái nhận diện. Ngược lại cái hiện đại là một suy ngẫm thẩm mĩ, đạo đức và chính trị từ giác độ cá nhân.
Sống ở Pháp nên tôi phát hiện ra nghệ thuật do cái nhìn riêng của nghệ sĩ sinh ra, còn trước đó tôi mới chỉ biết nghệ thuật mà ông bà, tổ tiên tôi từng biết. Ở châu Âu, tôi làm quen với nhiều hình thức diễn đạt cá nhân có nguồn gốc ở cuộc sống đô thị và thế giới phương Tây.
Từ đó tôi đã bắt đầu xây dựng cho mình một con đường đi riêng. Con đường này liên hệ mật thiết về văn hoá và chính trị với quê hương Việt Nam của tôi, và với cuộc sống mới của tôi ở Pháp. Việt Nam, không gian trong tôi, và Pháp, không gian trước mắt tôi, tạo nên độ căng của mối quan hệ này. Nhưng sống thế nào với cái quan hệ đó? Làm thế nào để truyền thống Việt Nam trong tôi có thể sóng đôi với tinh thần đương đại?
Tôi bèn trở về Việt Nam, tôi cảm nhận rằng cái đương đại này phải được kết hợp với nền văn minh Việt Nam. Nền văn minh này, đó là ông bà tôi, là cụ kỵ tôi, là biết bao hình dung có ở trong tôi và cũng là một phần ngôn ngữ của tôi. Cắt đứt mối liên hệ với lịch sử thì cảm nhận về tính vô hạn, tức cơ sở cho sự tồn tại của tôi, cũng sẽ chết đi. Như thế thì mọi sự đều hết hẳn.

Voilà Voilà (Thế đấy thế đấy) tiếp nối các tác phẩm Sécheresse et Pluie (Hạn hán và Cơn mưa) Il a été une fois (Ngày xửa ngày xưa). Có mối liên hệ nào giữa các tác phẩm này? Liệu đây có phải là một tác phẩm bộ ba hay không?

Sécheresse et PluieIl a été une fois là những tác phẩm về ký ức, về truyền thống và hiện đại. Ở đó tôi đã phát triển tiếp các truyền thống âm nhạc của Việt Nam. Tôi đã tạo ra một vũ trụ sân khấu bằng cách tìm cảm hứng từ những yếu tố của đời sống thôn dã. Thông qua vũ điệu và xuất phát từ lịch sử đương đại của Việt Nam, tôi đã phát triển nên chủ đề về ký ức. Nếu như ta lưu ý rằng những cơ sở trí tuệ và văn hoá của đất nước này bắt nguồn từ dân quê, từ cuộc sống thôn dã, rằng nghề nông và nhịp điệu mùa màng đã khắc họa bản ngã của dân tộc này thì tôi đang đối diện với một nền mĩ học thật giản dị và không màu mè.
Voilà voilà là tác phẩm xây dựng trên cơ sở của công trình về truyền thống và hiện đại mà tôi tiến hành ở Việt Nam từ 1992. Tuy vậy đây không phải là một tác phẩm bộ ba. Đây là kết quả của một giai đoạn hướng về cái quá khứ trong sáng tạo nghệ thuật.
Trong tác phẩm này tôi tiếp cận với ba truyền thống âm nhạc, tức là với ba thứ ngôn ngữ khác nhau. Một bản tổng phổ đương đại đã hình thành, xuất phát từ bộ gõ, một hệ nhạc cụ chung cho tất cả các truyền thống ấy. Những truyền thống đó hình thành trong các bối cảnh khác nhau: chế độ quân chủ ở Tuồng, tính chất cá nhân, đô thị ở Ca Trù và cái thôn dã, quan hệ gắn bó với thiên nhiên ở Chèo. Đặc biệt là Chèo đã ảnh hưởng đến biên đạo. Ở đó quan niệm về thiên nhiên bao hàm lòng nhiệt thành và ý tưởng về tự do sẽ giải toả tính cứng nhắc của truyền thống quân chủ, và – như tôi hy vọng – trở thành một thứ ngôn ngữ thầm kín của cá nhân như trong Ca Trù. Tính đương đại ở đây được thực hiện qua phương thức xử lí chất liệu âm nhạc. Nhịp điệu hình thành nên từ những quãng ngắt, pha trộn và các tốc độ đối nghịch. Còn phần biên đạo thì lại hoàn toàn mang tính chất đương đại như trong các tác phẩm trước đó.

Tác phẩm của chị luôn xuất phát từ âm nhạc gắn liền với các động tác và chuyển động phải không?

Tôi lớn lên trong một vũ trụ âm nhạc; chỉ tiếng Việt thôi đã mang đầy tính nhạc; ở Việt Nam âm nhạc có một vị trí quan trọng. Nó rất giàu có, đa dạng và phản ánh tính nhạy cảm của dân tộc này. Âm nhạc là một phần trong quá trình sáng tạo của tôi hệt như lời ca, chuyển động và ký ức.

Công trình thẩm mĩ hay tác phẩm nghệ thuật nào có ý nghĩa quan trọng đối với chị, ở châu Âu hay ở Việt Nam?

Cái khiến tôi ngạc nhiên và xúc động nhất là tính chất phác, sự giản dị và chân thành trong nền nghệ thuật thôn dã Việt Nam. Nền thẩm mĩ này đối với tôi có một mối liên hệ với Hy Lạp cổ điển, với kiến trúc sân mới của Louvre, với một số tác phẩm nhất định của Malevitch, nếu như chúng ta xuất phát từ tính chất trong sáng của một thứ tình cảm mà người ta sống với nó từ ngày này sang ngày khác trong làng xã Việt Nam. Một vẻ đẹp thật hàm súc và mang tính tương phản, như các etude dành cho đàn piano của Ligeti.

Chị vẫn đang làm việc ở Việt Nam dù điều kiện khó khăn. Mục đích mà chị theo đuổi là gì? Chị có làm theo một đơn đặt hàng nào không?

Trước khi trở về Việt Nam, bao nhiêu năm tôi không thấy có sự xuất hiện của Việt Nam trên trường nghệ thuật quốc tế. Tôi không rõ lí do vắng bóng ấy. Điều này khiến tôi phải suy ngẫm và hiểu ra rằng, quá trình thực dân hoá, chiến tranh và cấm vận đã mang đến những hậu quả như thế nào đối với đất nước này: một đất nước muốn giành cho mình nền độc lập, một đất nuớc tìm cách sinh tồn và không hề có thời gian cho một chút nghỉ ngơi để lấy lại hơi thở, không hề có thời gian để lập dự án cho một cuộc khởi hành nghệ thuật. Công việc của tôi đang mang đến cho các nhà trình diễn và nghệ sĩ Việt Nam khả năng hiện diện ở thế giới phương Tây và bộc lộ một sự nhạy cảm đã bị đè nén trong một thời gian dài.
Hoàn cảnh khó khăn của sáng tạo nghệ thuật có căn nguyên ở đây. Bây giờ người ta phải kiên nhẫn dành thời gian để đất nước này xây dựng bản ngã của mình.

Tác phẩm của chị có lẽ là sứ giả văn hoá quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới. Sáng tác của chị dành cho lớp công chúng nào?

Tôi tin rằng mỗi một nghệ sĩ, mỗi một nhà trình diễn, mỗi một tác phẩm đều là một sứ giả. Tác phẩm của tôi hướng đến một công chúng bằng xương thịt và bằng cả sắc màu.

Liệu công việc của chị có ảnh hưởng gì đến giới nghệ thuật ở Việt Nam?

Từ khi tôi trở về Việt Nam, công việc của tôi đã gây được một tiếng vang và tạo ra sự liên hệ và tin cậy với trong nước, đã đặt ra những câu hỏi mới trong các thiết chế và môi trường nghệ thuật ở Việt Nam. Và tôi đã có thể tiếp xúc với trí thức và nghệ sĩ từ mọi lĩnh vực, trao đổi với họ.Tôi đã thường xuyên mô tả về bối cảnh hình thành của các đoàn diễn ở Pháp, cả về sáng tạo nghệ thuật đương đại ở châu Âu, trước hết là trong những cuộc trao đổi với các đại diện chính thức của Việt Nam.

Có những triển vọng nào cho giới nghệ sĩ Việt Nam? Liệu đã có một trường phái tiền phong ở Việt Nam?

Bộ Văn hoá Việt Nam vừa tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được phép thành lập các đoàn diễn với cương vị hoàn toàn độc lập. Và các nghệ sĩ hiện đang trong quá trình thực hiện cuộc khởi hành cá nhân của mình trên những hướng đương đại khác nhau. Nghệ thuật tiền phong đang xuất hiện ở Việt Nam.

________________________________________
*) Đầu đề của người dịch