trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
12.4.2008
Hoài Phi
Ðuốc Olympic và San Francisco và…
 
6.4.2008

Tài xế taxi người châu Á ở phi trường San Francisco, vẻ mặt khắc khổ, hỏi tôi bằng tiếng Quan thoại: “Người Trung Hoa?” “Không, người Việt.” Anh nhíu mày, vẻ ngạc nhiên. “Tôi học tiếng Trung ở trường.” Anh cười. “Anh từ đại lục tới?” Gật đầu. “Sắp tới Olympic rồi,” tôi gắng vận dụng mớ từ vựng ít ỏi của mình. Anh đanh mặt, nhìn thẳng, không có vẻ gì muốn tiếp tục câu chuyện. Hồi lâu sau, thu hết can đảm, tôi hỏi, “Anh sang Mỹ được bao lâu rồi?” “Hơn 18 năm.” Thiên An Môn. 1989.


7.4.2008

1.
Có tin đồn sẽ có khoảng 6.500 – 7.000 người biểu tình tham gia diễu hành. Lại có tin, hàng ngàn ủng hộ viên của Trung Quốc cũng sẽ có mặt.

2.
Để trạm dừng San Francisco được trọn vẹn, hầu như toàn bộ lực lượng an ninh San Francisco huỷ bỏ các chương trình nghỉ phép tuần này, nhằm ngăn chặn làn sóng biểu tình. [1] Cuộc rước đuốc dự định bắt đầu từ 1 – 3.30 chiều ngày 9.4.2008.

3.
Ba người biểu tình treo cao khẩu hiệu “One World, One Dream – Free Tibet 08” (Một thế giới, một ước mơ - Trả tự do cho Tây Tạng 2008) và hai lá cờ Tây Tạng trên các cáp treo cao vút của cầu Golden Gate, biểu tượng của thành phố San Francisco. [2]


(Ảnh: AP)
8.4.2008

1.
Giới biểu tình dặn nhau:
  • Mặc trang phục cổ truyền của Tây Tạng (nếu có);
  • Hoặc mặc màu trắng, màu của Team Tibet (Nhóm Tây Tạng);
  • Ðeo băng đen đoàn kết với Tây Tạng;
  • Mang cờ Tây Tạng (nếu có);
  • Tự làm các biểu ngữ, khẩu hiệu, hoặc tới sớm để nhận biểu ngữ miễn phí;
2.
Tin mới: Văn phòng thị trưởng San Francisco Gavin Newsom tuyên bố: “Lộ trình rước đuốc Olympic được công bố trước đây đã thay đổi.” Lộ trình mới sẽ được giữ bí mật đến phút chót, và có thể thay đổi trong khi đang rước đuốc.

3.
H. hỏi, “Mai có đi biểu tình không?” Ði chứ. Phải đi. Ði vì mình. Vì Tây Tạng. Vì Miến Ðiện. Vì Darfur. Vì Trung Quốc. Vì những người biểu tình ở Việt Nam, dù đã gặp nhiều rắc rối, dù sẽ tiếp tục gặp rắc rối, vẫn đang rủ nhau đi. Và vì talawas.


9.4.2008
  • 3.08 am: Sắp tới giờ rồi, San Francisco! [3]
  • 7.51 am: Chào buổi sáng - một ngày thật đẹp! Ðiểm hẹn tạm thời là Ferry Park, bắt đầu từ 8 giờ sáng trở đi. Lấy BART [4] tới ga Embarcadero.
  • 9.21 am: 150 người Tây Tạng đang diễu hành từ Ferry Building tới AT&T Park, dọc theo bờ vịnh.
  • 9.36 am: Họ đã tới AT&T Park. Có rất nhiều cảnh sát và những người ủng hộ Trung Quốc ở đó.
  • 10.44 am: Cần ghi nhớ - phải bất bạo động và (hành động) có hiệu quả.
Lên BART. Khá đông. Có khoảng 15-20 người ủng hộ Tây Tạng. Toa bên cạnh có khoảng 20 người mang cờ Trung Quốc và đeo băng đỏ quanh đầu. [5]


Xuống BART. Ngay tại lối lên xuống thang máy cuốn, một ông già người Hoa ngồi kéo đàn. Vài người thả tiền vào hộp đàn. Trong số họ, có cả phe đồ trắng lẫn đồ đỏ.

Bên lề đường, có vài người bán đồ lưu niệm như vòng, nhẫn, ví da… Và áo dành cho người đi biểu tình. Biểu tượng nhân quyền biến thành món hàng kinh doanh. Hẳn đây không phải lần đầu. Lại càng không phải lần cuối.


Số phận biểu tượng của phe ủng hộ cũng không khá hơn là mấy. Hàng ngàn chiếc áo mang dòng chữ ủng hộ Olympic Bắc Kinh 2008 trên lưng được phát miễn phí. Trước ngực? ArcSight! Tên một công ty cung cấp dịch vụ an ninh. Cách quảng cáo xưa như trái đất này vẫn thường được sử dụng trong những sự kiện có đông người tham gia, và vẫn có hiệu quả.


Tóm lại: chủ nghĩa tư bản giãy mãi vẫn chưa (không) chết!

Tôi theo đoàn người mỗi lúc một đông tới góc đường Market và Embarcadero. Còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ đón đuốc (theo dự định). Khu vực này không phải là điểm xuất phát, nhưng số người đổ về đây có lẽ đã lên tới hơn mười ngàn. Nhiều người mang cờ Tây Tạng, biểu ngữ ủng hộ Darfur (Sudan), Miến Ðiện, nhân quyền… Có ảnh Ðạt Lai Lạt Ma. Và Aung San Suu Kyi. Nhiều người khác hình như chỉ định tới xem rước đuốc, nên không tỏ thái độ gì. Nhưng nhiều nhất vẫn là ủng hộ viên của Trung Quốc. Nam phụ lão ấu, đủ mọi màu da. Từng đoàn, từng đoàn nhỏ (khoảng 50 – 100 người mỗi nhóm) đi quanh khách đứng xem bên lề đường, vung tay hô: “Beijing Olympic Go Go Go!” (Olympic Bắc Kinh, Tiến lên!) và “We love China” (Chúng tôi yêu Trung Quốc). Nhiều cờ đỏ sao vàng (1 to 4 nhỏ) đủ kích cỡ. Cũng nhiều bảng mang biểu tượng Olympic. Chống Tây Tạng. Dalai Lama (Ðạt Lai Lạt Ma) thành Lạt Ma dối trá.


Tôi hơi ngợp. Bất ngờ. Tôi không nghĩ số người ủng hộ Trung Quốc sẽ đông tới mức đó. C.V. Nevius trên tờ San Francisco Chronicle sáng sớm hôm sau cay đắng viết:

“Hàng chục chiếc xe buýt chở hàng ngàn cổ động viên [Trung Quốc] tới sân vận động [nơi khai mạc cuộc rước đuốc]. (Một nguồn tin nội bộ trong nhóm rước đuốc cho tôi biết là có những cổ động viên được xe buýt chở tận từ Los Angeles tới). Cùng ngày, một số cổ động viên cũng cho các phóng viên tờ Chronicle biết họ được xe buýt của lãnh sự quán Trung Quốc và các tổ chức người Mỹ gốc Hoa chở từ các vùng phía Nam, phía Ðông vịnh San Francisco, và từ Sacramento [thủ phủ bang California] tới.

… [Ð]ây là quan niệm của chính phủ Trung Quốc về tự do ngôn luận. Họ tự do nói, và tất cả những người khác đều bị át tiếng.” [6]

Tôi không đồng ý hoàn toàn với nhận xét của Nevius. Nhà cầm quyền Trung Quốc có thừa sức mạnh để huy động, thậm chí cưỡng bức, hàng triệu người cầm cờ đi cổ vũ Olympic (hoặc bất cứ điều gì chính phủ muốn) ở Bắc Kinh, Tô Châu, Thượng Hải… Nhưng đây là San Francisco. Chỉ có tinh thần dân tộc chủ nghĩa (+ xe buýt miễn phí) mới có thể khiến hàng ngàn người dân gốc Hoa, trong đó hẳn có những người chưa một lần đặt chân tới Trung Quốc này, hăng hái tham gia đến như vậy. Trên nét mặt, qua nụ cười, trong giọng nói của họ, tôi thấy toát lên ngọn lửa nhiệt tình, niềm hạnh phúc và nhất là lòng tự hào. Chủ nghĩa dân tộc quả thực đáng sợ.

Cho đến phút này, tin về lộ trình rước đuốc vẫn được bảo mật. Tôi hỏi ba cảnh sát ở ba địa điểm khác nhau, và đều nhận được cùng một câu trả lời. Không biết. Nhưng lễ bế mạc sẽ diễn ra tại Justin Herman Plaza. Ðể cho chắc, tôi hỏi thêm một vài phóng viên đang chạy ngược xuôi, ghi hình và phỏng vấn. Cũng vậy.
  • 11.55 am: 1000 người biểu tình đang diễu hành trên cả hai tuyến đường Embarcadero từ Ferry Building gần Mission về hướng Nam.
  • 12.15pm: Tất cả những ai đang có mặt ở Ferry Building: Ði về hướng Nam dọc theo Embarcadero để hoà vào đoàn biểu tình tại góc Harrison. Nhớ (giữ thái độ) hoà hoãn, nhưng hãy đến thật nhanh.
Một dòng người biểu tình, có lẽ lên tới vài ngàn, từ phía xa tiến về khu vực góc đường Embarcadero và Market, hô to những khẩu hiệu như “Shame on China!” (Trung Quốc [thật đáng] xấu hổ); “China lies. People die!” (Trung Quốc dối trá. Người dân bỏ mạng); “What do we want? Freedom! When do we want it? Now!” (Chúng ta muốn [có] gì? Tự do! Chúng ta muốn có [tự do] khi nào? Ngay bây giờ); “Long live Dalai Lama” (Ðạt Lai Lạt Ma muôn năm); và tất nhiên là cả “Ho, ho, ho, China Olympic must go!” (Phải bỏ Olympic ở Trung Quốc đi thôi).

Ðoàn ủng hộ Trung Quốc, cũng rất đông, diễu hành từ phía ngược lại. Số lượng cảnh sát mỗi lúc một đông thêm. Có tiếng xe cứu hoả tới gần.

Không khí nóng dần lên, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trực thăng bay vè vè trên đầu. Đây đó, đã xuất hiện nhiều cuộc tranh cãi gay gắt giữa người biểu tình và người ủng hộ.

(Một người cầm cờ Trung Quốc và một người cầm cờ Tây Tạng đang tranh cãi.)

Thậm chí có cả những lời lẽ phân biệt chủng tộc. Một người đàn ông (gốc?) Hoa, không thạo tiếng Anh, cố gắng giải thích điều gì đó cho một người đàn ông da trắng về Trung Quốc. Ông này sốt ruột, phẩy tay, “Welcome to America!” (Chào mừng anh đến Mỹ!), và một phụ nữ da trắng đi cùng ông ta tiếp lời, “And now, go home!” (Và bây giờ thì biến về [Trung Quốc] đi).

Một người (có lẽ là duy nhất ở khu vực này) xuất hiện bên cạnh đoàn biểu tình, giương cao biểu ngữ “First things first – US troops out of Iraq” (Những việc cần làm trước phải làm trước. Quân đội Mỹ hãy rút khỏi Iraq). Ông ta được cả phe cổ động lẫn phe biểu tình và người xem vỗ tay ủng hộ. Tinh thần “đoàn kết chống Mỹ” này khiến tình hình căng thẳng dịu xuống giây lát.


Nhiều người trong đoàn biểu tình được phát những biểu ngữ viết sẵn. “Another… for a free Tibet” (Một người… nữa ủng hộ tự do cho Tây Tạng). Bạn chỉ cần điền căn cước mình tự nhận vào khoảng trống dành sẵn. Tôi đã thấy “mẹ”, “cha”, “ông”, “bà”, tới “Ðài Loan”, “người Mỹ gốc Hoa”, “người Việt”, “người Ý”, “người San Francisco”… rồi “ngôi sao nhạc rock” (rock star), “người ăn chay”, “sinh viên”, “y tá”… Nhưng độc đáo nhất, có lẽ phải là biểu ngữ sau: “Một con sâu rượu nữa ủng hộ tự do cho Tây Tạng”.


Trong đoàn biểu tình, còn có một nhân vật khác, cũng không kém phần độc đáo. Cứ đi được một đoạn, anh dừng lại để trình diễn cho đám đông đứng hai bên đường, và nhất là cả các cổ động viên Trung Quốc, xem một màn thoát y. Trình tự như sau. Mặc bộ đồ đen, anh tiến tới gần đám ủng hộ Olympic và hỏi, với một nụ cười, “Tại sao các người không nghĩ đến Tây Tạng?” Rồi không đợi họ trả lời, anh bắt đầu hát một bài hát mà tôi không nghe rõ, hình như không phải tiếng Anh. Vừa hát, anh vừa cởi dần quần áo. Sau khi khoả thân hoàn toàn, anh tiếp tục hát và từ từ khoác một tấm áo choàng đỏ lên người. Rồi mặc lại bộ đồ đen. Thông điệp của anh khá mù mờ. Nhưng tất cả những thứ khác thì rất rõ ràng. [7]

  • 1.04 pm: Ðịa điểm đuốc – Shed A gần khu đậu xe A, đối diện McCovey Cove.
  • 1.09 pm: 100 cảnh sát có trang bị mặt nạ phòng hơi độc đang tập trung ở Pier 48 gần chỗ có đuốc.
  • 1.28 pm: Tin mới - đuốc sẽ không tới Pier 39 và Fisherman’s Wharf. Sẽ kết thúc ở góc đường Sansome và Embarcadero.
  • 2.06pm: Ðuốc được thắp lên tại góc đường Van Ness và Pine. Dọc theo Van Ness đi lên, về phía Bay Street.
  • 2.33pm: Trừ phi bạn ở gần Bay Street và Van Ness về hướng Bắc; còn nếu không, bạn nên tới/quanh khu vực Justin Herman Plaza.
  • 2.49pm: Một người cầm đuốc ở góc đường Van Ness và Chestnut vừa rút ra một lá cờ Tây Tạng. Bị lấy đuốc khỏi tay. Hoan hô!
  • 3.02pm: Tại Filmore & Marina - Mọi người đang bao vây đuốc. Cảnh sát chống bạo động được điều động tới.
Sự hỗn loạn về thông tin khiến tôi và nhiều người khác tiếp tục bám trụ ở khu vực dự định dành cho lễ bế mạc. Cả hai phe lúc này đã thấm mệt, nên tuy vẫn giương cờ, biểu ngữ và hô khẩu hiệu, nhưng khí thế không còn hăng như trước đó 1 tiếng.
  • 3.20 pm: Cuộc rước đuốc kết thúc tại cầu Golden Gate. Biểu tình đã thành công trong việc buộc [ban tổ chức] huỷ bỏ các nghi lễ bế mạc.
  • 3.30 pm: Ăn mừng thắng lợi lúc 3.30 tại Ferry Park/Pier 1, gần Justin Herman Plaza.
Xuống ga BART. Không thấy ông già người Hoa ở đó nữa. Chỗ ông ngồi, một cô gái chơi guitar, giai điệu vui tươi. Trong các thùng rác, thấy thấp thoáng có cả biểu ngữ ủng hộ Tây Tạng lẫn cờ Trung Quốc.
  • 3.37 pm: Ðuốc ra phi trường. Hãy đi BART tới ga quốc tế (international terminal).
Ga đông nghẹt người, nói cười vui vẻ. Phe biểu tình vui mừng chiến thắng, vì đã buộc đuốc thay đổi lộ trình, thay đổi cả địa điểm bế mạc. Phe ủng hộ hân hoan vì đuốc không bị dập tắt như ở Paris, London. Cảnh sát phấn khởi vì không có cuộc xô xát nào nghiêm trọng xảy ra. Và chính quyền thành phố San Francisco thở phào nhẹ nhõm. Theo Nevius, quyết định huỷ bỏ lễ bế mạc tại Justine Herman Plaza vừa để tránh đụng độ (nhiều khả năng sẽ xảy ra) giữa cổ động viên, người biểu tình và cảnh sát, cũng vừa giữ được thể diện cho San Francisco, vì nếu đuốc được rước tới địa điểm này, thì “các tấm hình và các thước phim sẽ tràn ngập hình ảnh hàng ngàn, hàng ngàn cổ động viên Trung Quốc đang reo hò và vẫy cờ đỏ.” [8]


10 & 11.4.2008

1.
Thị trưởng San Francisco Garvin Newsom tuyên bố không nên rước đuốc Olympic qua Tây Tạng vào tháng sáu năm nay. [9]

2.
Ðuốc tới Buenos Aires. Khoảng 6000 cảnh sát cùng các tình nguyện viên được huy động để ứng phó với người biểu tình. Argentina là nước Nam Mỹ duy nhất mà đuốc đi qua. [10]

3.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-Moon cho biết ông sẽ không có mặt tại lễ khai mạc Olympic. [11]


Vĩ thanh

M. bảo, “Chính phủ Trung Quốc thù dai lắm. Tây Tạng làm họ mất mặt với thế giới. Sau Olympic, họ sẽ còn thẳng tay hơn. Rồi sẽ thấy.”

Tôi nghĩ tới người tài xế taxi chở tôi từ phi trường San Francisco về. Hơn 18 năm về trước, liệu anh có đang là một sinh viên với nhiều lý tưởng, hoài bão?

© 2008 talawas


[1]Cảm ơn Vy Huyền đã cung cấp 1 số thông tin và hình ảnh.
[2]http://www.mercurynews.com/portlet/article/html/
render_gallery.jsp?articleId=8848628&siteId=568&startImage=1

[3]Ðây là những lời nhắn (text message) ngắn gọn, gửi chung qua điện thoại di động tới hàng ngàn người dân quanh vùng có đăng ký vào danh sách ủng hộ Tây Tạng. Tôi nhận được 41 tin nhắn, nhưng không dẫn toàn bộ các tin trong bài viết này. Những con số như 3.08… chỉ giờ nhận được lời nhắn. am là sáng; pm là chiều. Các địa điểm trong bài đều nằm quanh khu vực mà cuộc rước đuốc dự định sẽ đi qua. Sân vận động AT&T (AT&T Park) là nơi khai mạc. Lễ bế mạc dự định sẽ diễn ra tại Quảng trường Justin Herman (Justin Herman Plaza), nhưng đến phút chót, thị trưởng Newsom quyết định chuyển địa điểm tới phi trường San Francisco.
[4]BART: Bay Areas Rapid Transportation (Hệ thống vận tải nhanh trong vùng vịnh). Một dạng xe điện ngầm, có đoạn chui xuống dưới vịnh San Francisco, nhưng cũng có đoạn chạy trên mặt đất.
[5]Có thể thấy thấp thoáng một vài ủng hộ viên của Trung Quốc (mặc đồ màu đỏ) ở toa bên cạnh.
[6]http://www.sfgate.com/cgi-bin/article.cgi?f=/c/a/2008/04/09/MNIG1032A0.DTL
[7]Người viết tự kiểm duyệt. Ðể xem “mặt tiền”, xin tham khảo “Ðuốc Olympic ‘núp’ mưa San Francisco” của Vy Huyền.
[8]http://www.sfgate.com/cgi-bin/article.cgi?f=/c/a/2008/04/09/MNIG1032A0.DTL
[9]http://www.sfgate.com/cgi-bin/article.cgi?f=/c/a/2008/04/10/MNE8103NE3.DTL
[10]http://www.cnn.com/2008/WORLD/americas/04/10/
argentina.torch.ap/index.html?section=cnn_latest

[11]http://www.bloomberg.com/apps/news?pid=20601082&sid=akrvDCOedD6U