trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
15.4.2008
Phạm Ðình Trọng
Ðôi điều về tập sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại”
 
Nhà văn Việt Nam hiện đại là tập sách được Ban Chấp hành khóa VII Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức biên soạn và xuất bản trong dịp kỉ niệm Hội tròn 50 tuổi. Tập hợp, điểm danh đội ngũ nhà văn Việt Nam đồng hành cùng cách mạng nửa thế kỉ qua, tập sách dày 1200 trang, khổ lớn 16 X 24 cm, bìa cứng, “nặng cân” về tên sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, và nặng cân cả trên tay cầm.

Vì chỉ tập hợp những nhà văn Việt Nam đã gặp và đi với cách mạng nên trong phần đầu tiên, “Các nhà văn mất trước khi thành lập Hội”, chỉ có tên 13 nhà văn là Vũ Bằng, Nam Cao, Trần Ðăng, Dương Tử Giang, Thôi Hữu, Lan Khai, Nguyễn Ðình Lạp, Hoàng Lộc, Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Ngô Tất Tố, Hải Triều, trong đó người nhiều tuổi nhất là cụ Ngô Tất Tố, sinh năm 1894, và người ít tuổi nhất là nhà thơ Hồng Nguyên, sinh năm 1924. Còn những nhà văn tài năng của thời kì này đã có đóng góp rất quan trọng cho văn chương Việt Nam và tên tuổi đã được ghi nhận trong văn học sử như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam… đều không được nhắc đến!

Cũng vì tiêu chí chỉ tập hợp những nhà văn đã gặp và đi với cách mạng nên các nhà văn sống và viết ở miền Nam trước 1975 cũng không có tên trong Nhà văn Việt Nam hiện đại! Không có tên những nhà văn đã có những tác phẩm ghi nhận cuộc sống, gương mặt xã hội Việt Nam một thời lịch sử nhưng sau 1975 họ đã rời đất nước, như nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nhà văn Phan Nhật Nam… Không có tên cả những nhà văn đã viết với lòng yêu nước, niềm tự hào về nền văn hóa dân tộc, sau 1975 còn ở lại với đất nước và vẫn tiếp tục cần mẫn lao động sáng tạo như nhà văn Vũ Hạnh!

Chỉ riêng hai điều trên đã đủ thấy tên tập sách, Nhà văn Việt Nam hiện đại, là chưa ổn! Ðịnh kiến chính trị, tự khuôn mình trong một hệ qui chiếu chính trị, nhìn nhận văn hóa theo chuẩn mực chính trị đã làm cho tập sách trở nên hẹp hòi, chật chội! Chính trị là thời thế. Thời này là thứ chính trị này, đến thời khác lại là thứ chính trị khác! Văn chương đích thực là văn hóa của dân tộc, văn hóa của nhân loại và văn hóa là muôn thuở! Chính trị là xu thế. Dù xu thế ấy có nhân danh dân tộc, nhân danh tổ quốc, nhân danh nhân loại, thì chính trị vẫn là một xu thế trong nhiều xu thế của một thời. Ðây là điều cần được nhìn nhận để sẽ có một Nhà văn Việt Nam hiện đại đầy đủ, bao dung, công bằng và có giá trị lịch sử hơn.

Hẹp hòi, chật chội trong hệ qui chiếu chính trị nhưng lại quá rộng rãi đến mức như xóa bỏ cả những chuẩn mực văn chương. Nhìn vào đội ngũ mà Nhà văn Việt Nam hiện đại tập hợp, điểm danh thì thấy khái niệm văn chương thật dễ dãi, mơ hồ, lẫn lộn!

Văn chương không phải là những tập truyện chỉ có cốt truyện sự việc, không có cốt truyện tâm lí, tính cách, trong đó nhân vật bị sự việc lôi kéo, xô đẩy đến mất tăm tích, chiếc lá nhân vật bị dòng nước sự việc ào ạt cuốn đi và nhận chìm, nhân vật không có đời sống tâm lí tính cách riêng quyết định lại sự việc. Văn chương không phải là những trang sách chỉ đưa người đọc vào những sự việc trắc trở, éo le, li kì, gay cấn! Chỉ có sự việc thì đó là kí sự báo chí. Văn chương phải dẫn người đọc đi vào khám phá thế giới tâm hồn, tính cách nhân vật. Báo chí kể về một sự việc, một con người sự việc. Văn chương kể về một khoảnh khắc tâm hồn, một lịch sử tâm hồn.

Báo chí có tư duy báo chí và ngôn ngữ báo chí. Văn chương cũng có tư duy văn chương và ngôn ngữ văn chương. Tư duy sự việc, trình bày diễn biến sự việc từ khởi đầu đến kết thúc, sự việc được diễn giải thỏa đáng, tròn trịa nhưng câu chuyện vẫn không vượt ra ngoài sự việc, đó là báo chí. Tư duy ý tưởng, đề xuất, lí giải ý tưởng thông qua thân phận nhân vật, thông qua cảm hứng người viết để người viết chia sẻ, gửi gắm ý tưởng xã hội, ý tưởng thẩm mĩ đến người đọc, đó là văn chương. Văn chương không phải là những con chữ yểu điệu, mĩ miều, hào nhoáng nhưng sáo mòn, hời hợt, vô cảm. Văn chương chính là cuộc đời, là tấm lòng người viết nên mỗi con chữ đều có giọng điệu, cá tính sáng tạo của người viết, đều lấp lánh tâm hồn và mang nặng tấm lòng người viết. Vì thế, chỉ đọc qua vài câu, vài dòng cũng đủ nhận ra trang sách đó có phải văn chương hay không.

Bão táp cách mạng và chiến tranh kéo dài suốt gần nửa thế kỉ trên đất nước ta đã cung cấp cho các nhà báo những tư liệu ngồn ngộn về những sự việc và những con người sự việc. Nhiều tập sách khai thác, thể hiện tròn trịa những con người sự việc để biểu dương những người thật, việc thật, biểu dương chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được xuất bản. Nhiều nhà báo đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam bằng những tập sách về những con người sự việc đó. Chất báo nhận ra khá rõ trong Nhà văn Việt Nam hiện đại do sự góp mặt quá đông của những “nhà văn sự việc”.

Nhà văn của quốc gia là khuôn mặt văn hóa của quốc gia, cần có tác phẩm in ấn và định lượng ở phạm vi quốc gia. Ngày nay người ta có thể bỏ tiền ra in sách. Lại cũng có thể bỏ tiền ra để có bài viết lăng xê sách. Rồi cũng đã có những cuộc vận động hành lang công khai và chạy chọt bí mật để có những giải thưởng văn chương cho những cuốn sách đó! Vì thế việc định lượng nhà văn không thể chỉ căn cứ vào số đầu sách. Trong Nhà văn Việt Nam hiện đại, còn thấy có nhiều tên tuổi chưa vượt ra khỏi vùng miền, ngành nghề để đạt tới tầm quốc gia, nhiều tên tuổi chỉ có vị trí trong ngạch bậc công chức hành chính nhà nước còn trong văn chương thì vô cùng xa lạ!

Những hạn chế rất rõ và rất lớn đó làm cho tập sách không xứng với tên sách! 13 nhà văn đã mất từ trước khi có Hội nhà văn. 8 nhà văn chưa là hội viên đã hi sinh ngoài mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. 1121 nhà văn được kết nạp vào hội, trong đó 231 nhà văn đã mất, còn lại 890 nhà văn đang có mặt trên khắp đất nước. Hơn 80 triệu dân mới có hơn 800 nhà văn! Gần một trăm ngàn dân mới có một nhà văn! Chỉ riêng tỉ lệ nhà văn và dân số ấy đã cho thấy sự quí hiếm của nhà văn. Nhà văn đích thực là khuôn mặt văn hóa của đất nước, là của quí hiếm của quốc gia. Cao quí lắm! Nhưng thời hỗn mang thật giả, cái gì quí hiếm đều dễ bị đánh cắp, đánh tráo và làm giả! Thật đáng buồn tình trạng ấy có cả trong Nhà văn Việt Nam hiện đại!

Năm 1997, tròn 40 tuổi, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã xuất bản tập sách Nhà văn Việt Nam hiện đại. Ngày đó hội mới có 765 hội viên. Mười năm, từ 1997 đến 2007, Hội đón nhận thêm 356 hội viên mới, nhưng cũng phải đưa tiễn 98 nhà văn về Trời! Trong số những nhà văn ra đi trong mười năm đó, có những tài năng, những tên tuổi đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học nước nhà. Ðó là nhà văn Nguyễn Ðình Thi, mất năm 2003. Thân phận và nỗi niềm canh cánh của người trí thức trước thời cuộc trong tiểu thuyết và kịch bản sân khấu là dấu ấn Nguyễn Ðình Thi để lại trong văn học sử nước nhà. Và thơ Nguyễn Ðình Thi mãi mãi còn làm người đọc phải xao xác cõi lòng “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội / Những phố dài xao xác hơi may / Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…” Ðó là Gia Ninh, mất năm 2004, Huy Cận, mất năm 2005, những nhà thơ cuối cùng của một thời Thơ Mới trẻ trung, trong trẻo. Ðó là Tô Ngọc Hiến, mất năm 1998, cây bút viết truyện ngắn chia sẻ với cuộc sống lam lũ của người thợ làm than. Ðó là Ðồng Ðức Bốn, mất năm 2006, một hồn thơ lục bát hồn nhiên, dân dã “Chăn trâu đốt lửa trên đồng / Lửa rơm thì ít, gió đông thì nhiều / Mải mê đuổi một cánh diều / Củ khoai nướng cả buổi chiều thành than”. Ðó là Trần Bạch Ðằng, mất năm 2007, một cây bút sức vóc, thông tuệ…

98 hội viên mất đi được bù đắp bởi 356 hội viên mới với những tài năng và cá tính sáng tạo đặc sắc. Họ là Quang Chuyền, vào hội năm 2003, một giọng thơ rủ rỉ tâm tình. Từ những năm đầu sáu mươi thế kỉ trước, Quang Chuyền đã là cây bút nòng cốt của Hội Văn nghệ Việt Bắc, mãi bốn mươi năm sau, anh mới là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam. Là Cao Xuân Sơn, vào hội năm 1998, cây bút hóm hỉnh và rất có duyên viết cho tuổi thơ. Là Nguyễn Thị Ðạo Tĩnh, vào hội năm 2006. Giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn rất danh giá của báo Văn nghệ từ năm 1975, nhưng chị đã bỏ văn xuôi để làm thơ về tâm thế chông chênh khắc khoải của người phụ nữ làm cho người đọc thơ chị không thể chỉ đọc một lần: “Nửa giường, nửa chiếu, cửa chăn / Hoang vu nửa phần trái đất / Ðã vờ không còn thổn thức / Mà sao tim cứ nghẹn ngào…” Là Ðỗ Bích Thúy, hội viên năm 2005, một cây bút văn xuôi quí hiếm viết về những con người sống trên những triền núi cao phía bắc. Là Nguyễn Ngọc Tư, hội viên năm 2003, một tiềm lực mới, một sức sống mới của vùng đất văn chương trù phú Nam Bộ. Là Phạm Công Trứ, vào hội năm 1999, một giọng thơ lục bát trẻ trung, mới mẻ “Dưới thuyền các cụ tụng kinh / Chúng mình trẻ lắm, chúng mình tụng nhau”…

Cá tính sáng tạo độc đáo, thực sự văn chương, mang rõ dấu ấn tài năng của họ đã tiếp thêm sức sống trẻ trung và tạo ra tư thế chững chạc cho Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng mười năm qua cũng là thời kì Nhà văn Việt Nam hiện đại bị đánh tráo, làm giả nhiều nhất!

© 2008 talawas