trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
5.5.2008
Dương Thục Anh
Phỏng vấn một người Việt 59 tuổi, sang Mỹ năm 1975
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì và biết gì về cuộc chiến tranh ấy? Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài phỏng vấn của các sinh viên Mỹ gốc Việt, Đại học U.C. Berkeley, California. Toà soạn xin viết tắt tên người được phỏng vấn.
talawas
Dương Thục Anh: Xin ông kể đôi chút về bản thân.

Phạm T.: Tôi tên là Phạm T., năm nay tôi 59 tuổi. Tôi sinh ra ở tỉnh Thái Bình, trên một ruộng lúa, trong lúc chạy loạn từ một trận chiến giữa dân Việt và lính Pháp. Tôi di cư vào Nam năm 1954. Ở Sài Gòn từ đó tới năm 1975 thì di tản qua Mỹ.

Tại sao gia đình ông lại bỏ quê năm 1954 và bỏ nước năm 1975?

Gia đình tôi bỏ miền Bắc vì bố mẹ đã nghe những sự tàn nhẫn của chế độ cộng sản, cũng như những sự bắt bớ của các lực lượng thân cộng trước đó.

Một phần gia đình tôi bỏ nước năm 75 vì cũng như rất nhiều người ở Sài Gòn và các vùng lân cận đều nghĩ là trận chiến cuối cùng, nếu xảy ra ở đó, thì sẽ là trận chiến đẫm máu nhất để quyết định về sự thắng bại của một cuộc chiến tranh tương tàn đã kéo dài trong 30 năm. Do đó ai cũng muốn tìm được phương tiện để trốn thoát đi mà thôi.

Trong khi đó thì những ý tưởng là sẽ qua Mỹ hay các nước khác thì rất ít người biết hay nghĩ tới. Họ nghĩ là chỉ muốn trốn thoát ra khỏi Sài Gòn rồi hy vọng là ít lâu sau chiến tranh Việt Nam sẽ được giải quyết thì họ sẽ trở về để đoàn tụ với gia đình. Sau này, khi đã đến Mỹ, Úc, Pháp, thì những người di tản mới biết rõ là mình đã bỏ nước ra đi.

Khi vào Nam, gia đình ông có dễ dàng Nam hoá không?

Vào trong Nam năm 1954, người Bắc di cư cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là sự chế nhạo của người Nam, thí dụ bị kêu là “Bắc kỳ ăn cá rô cây” (ý nói người Bắc nghèo khó và keo kiệt đến độ không có cá rô thiệt để ăn mà phải đeo hình một con cá rô bằng cây gỗ và gắp con cá lên để chấm nước mắm rồi mút như là có cá ăn thật vậy).

Rồi khi anh em tôi đi học thì bị trẻ em miền Nam cho là “mày là người Bắc ăn nhiều rau muống quá bây giờ ở lỗ đít cũng lòi ra cọng rau muống đó thấy chưa.” Khi anh em chúng tôi kiểm soát lại phần đuôi của mình không thấy cọng rau muống nào thì biết là bị tụi nó chọc nên cũng chửi lại tụi nó rồi nói “còn tụi mày thì sao? Ăn nhiều giá quá thì trong đít cũng lòi ra cọng giá đó thôi!”

Trên thực tế, sau nhiều năm di cư, đa số người miền Bắc với tinh thần phấn đấu, chịu cực, chịu khổ từ miền đất khó khăn khi xưa, họ dễ thành công về kinh tế hơn người miền Nam, là dân từ bao đời nay sống nhàn hạ và không phải phấn đấu mà vẫn có đủ miếng ăn của miền Nam với ruộng vườn, sông ngòi, trù phú.

Trước năm 1975, ông làm gì?

Tôi là sinh viên, dạy học và giúp gia đình bán tiệm thuốc tây của người anh. Ðời sống gia đình tôi trước 1975 tương đối đủ sống về kinh tế, nhưng sự tàn bạo của chiến tranh bao trùm đời sống của tất cả mọi người. Một người anh ruột và rất nhiều bạn bè của tôi bị chết vì chiến tranh. Những trận pháo kích của quân cộng sản vào Sài Gòn, có trái phá đã nổ cách nhà tôi 3 căn. Cuộc sống mang đầy những khổ đau của dân chúng di tản gần Sài Gòn. Những bài hát của Trịnh Công Sơn và báo chí, TV chứa đầy nỗi đau đớn triền miên của cuộc chiến. Vì quá quằn quại với những nỗi đau của cuộc chiến, tôi thấy mình hòa mình và đồng cảm với nhạc Trịnh Công Sơn, vì những bài hát của ông nói lên được sự thống khổ của người dân Việt Nam trong cuộc chiến đó. Thí dụ như những bài: “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Ðại bác ru đêm”…

Trước năm 1975, ông nghĩ thế nào về miền Bắc?

Qua sự tuyên truyền của chính phủ miền Nam và hệ thống truyền tin Mỹ (báo Time, TV), tôi biết rằng miền Bắc là cộng sản và muốn tấn công, xâm chiếm miền Nam. Họ gây ra chiến tranh, tạo những khổ đau cho toàn dân của cả 2 miền.

Ngày 30/4/1975, ông đang ở đâu, làm gì? Cảm giác của ông lúc đó là gì?

Tôi đang ở nhà một người anh và ông ấy dẫn tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất để đi ra Phú Quốc. Cảm giác lúc đó rất sợ sệt, hoang mang và lo lắng cho sự an ninh của mình và những người thân trong chuyến đi và những người trong gia đình còn ở lại. Tôi cũng lo sợ cho tương lai với những nguy hiểm đang chờ đợi.

Ðiều gì xảy ra cho ông ngay sau ngày 30/4/1975?

Khi đài phát thanh thông báo là cộng sản đã chiếm Dinh Ðộc lập, thì máy bay chúng tôi cất cánh đi qua căn cứ Mỹ ở Utapao, Thái Lan. Sau khi giao máy bay cho họ, chúng tôi trở thành những người di dân. Ðiều đau khổ nhất là ngay lúc đó, họ đã xịt sơn lên tên và cờ của Việt Nam Cộng hoà trên máy bay. Hình ảnh đó biểu tượng cho nỗi đau buồn mất nước và sự hoang mang vô tổ quốc của mình. Sau đó, Mỹ chở chúng tôi qua đảo Guam rồi đến trại lính thủy quân lực chiến San Diego. Rồi tôi được bảo lãnh qua Oklahoma City. Tôi sinh sống ở đó 4 năm rồi lên Oregon làm giáo sư và tới 1983 thì dọn về San Jose ở cho đến nay.

Trong 4 năm đầu ở Oklahoma City, tôi làm những nghề lao động như gắn các cửa kiếng, làm trong phòng sơn của các hãng sản xuất máy điện tử, và khổ nhất là làm ca đêm từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Vừa làm, tôi vừa ngủ gà ngủ gật thành ra cơ thể và tâm trí dật dờ, mệt mỏi trong 2-3 năm liền. Thêm nỗi nhớ gia đình, bạn bè, và quê hương làm đời sống buồn chán và thất vọng. Cũng may là tôi có những bạn Việt và Mỹ tốt, cùng tham dự sinh hoạt thiện nguyện cho cộng đồng nên cũng có những giờ phút ý nghĩa hơn và cố đi học lại cho có tương lai tốt.

Ông có thấy mình hội nhập được vào cuộc sống ở nước mới chưa? Có khó khăn gì không?

Trong 28 năm ở Mỹ vừa qua, công việc chính của tôi là làm giáo sư trong các trường trung học nên tương đối cũng hòa nhập được với việc làm và xã hội Mỹ. Nhưng để ý đến những vấn đề văn hóa sâu sắc và ngôn ngữ cũng như lối sống của nhiều giống dân đã ở Mỹ nhiều thế hệ rồi thì mình vẫn chưa cảm thấy hòa đồng hoàn toàn được. Ngôn ngữ và đời sống mới vẫn chưa thay thế cho những gốc rễ đã có sẵn của văn hóa và con người Việt Nam trong tôi.

Theo ông thấy, tại sao miền Nam bị thua?

Theo tôi nghĩ là trong một cuộc chiến lớn như Việt Nam thì có rất nhiều yếu tố để phân định là miền Nam thua. Một vài nhân định chính là:

Nếu cho là miền Nam “thua” thì thực sự họ không thua vì thiếu các chiến sĩ anh hùng hay các tướng lãnh tài giỏi. Họ “thua” vì ván bài thế giới của các cường quốc Mỹ, Nga, Tàu trên thế giới đã thay đổi. Ngoài ra, sự tuyên truyền của cộng sản đã ảnh hưởng đến báo chí và truyền hình của dân chúng và chính quyền Mỹ, khiến họ thay đổi quan niệm về cuộc chiến Việt Nam. Sự rút lui của quân đội Mỹ và sự trợ giúp giảm thiểu từ năm 1972 của chính phủ Mỹ không tạo được sự hỗ trợ cần thiết cho chính quyền và quân đội miền Nam đủ sức chống lại sự tấn công của quân đội miền Bắc.

Ngoài ra, trong quân đội miền Bắc thì sự tuyên truyền căn bản là “Chống Mỹ, cứu nước!” gây dựng được lòng ái quốc của quân lính và nhân dân, liên hệ trực tiếp để so sánh với sự hiện diện của lực lượng Mỹ khi đó và quân Pháp, cũng như lính Tàu khi xưa. Tuy nhiên sau hơn 30 năm từ khi kết thúc chiến cuộc Việt Nam, vấn đề “miền Nam bị thua” chỉ có nghĩa là miền Nam bị thua một trận đánh nhỏ nhưng đã thắng một chiến tranh lớn. Ý thức hệ và nền kinh tế tư bản hiện nay của Âu - Mỹ đã thắng chế độ cộng sản ở Nga và các nước Ðông Âu, và hiện đang tư bản hóa rất nhiều nền kinh tế cộng sản Nga, Ðông Âu, Trung Hoa và Việt Nam.

Ông đã quay trở lại Việt Nam lần nào kể từ khi rời đất nước chưa? Theo ông, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước 1975 và hiện nay khác nhau ở những điểm quan trọng nào?

Tôi đã về lại Việt Nam 3 lần trong những năm 1993, 2006 và 2007. Chuyến đi năm 1993 cho thấy dân chúng Việt Nam lúc đó còn nghèo khó lắm, nhưng khi chính sách kinh tế cởi mở hơn thì trong 2 chuyến đi sau tôi thấy điều kiện tài chánh và vật chất của dân chúng đa số đã đầy đủ và giàu có, có thể tương đương hay cao hơn với đời sống trước 75. Về các khía cạnh khác của xã hội như tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và chính trị, thì vẫn còn giới hạn nhiều so với các nước Âu - Mỹ. Làm việc trong ngành giáo dục ở Mỹ nhiều năm, tôi thấy trình độ và sự tổ chức học vấn của học sinh và sinh viên Việt Nam vẫn còn cần cải thiện và nên được phát triển nâng cao nhiều hơn. Hy vọng với sự phát triển kinh tế của đất nước hiện nay sẽ lôi kéo được sự trưởng thành của các khía cạnh khác, nâng cao những hệ thống căn bản của một quốc gia lên đến trình độ ngang hàng với các quốc gia tân tiến của châu Á và thế giới.

Ðiểm khác biệt lớn lao và quan trọng nhất cho con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước 1975 và hiện nay là không còn sự tàn phá, tiêu hủy của chiến tranh nữa. Mặc dầu những hủy hoại đó vẫn còn những liên hệ và dấu vết của chúng trong đời sống của những chiến binh tàn tật, những người bị bệnh vì chất da cam (Agent Orange) hay những hồ ao tròn trịa do những trái hom B52 đã nổ khi xưa.

Sống ở Mỹ, ông nhớ gì nhất về Việt Nam?

Tôi nhớ tới người thân, gia đình, bạn bè, tới văn hóa của quê hương trong những món ăn ngon lành, những bài hát đầy tình tự và các câu thơ sâu sắc, đến vẻ đẹp của đất nước mình với những vùng danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long kỳ quan thế giới, tới Sapa và Ðà Lạt mát lạnh sương mù, rồi biển bờ Ðà Nẵng, Nha Trang và những miền quê nên thơ xanh mát. Tuy nhiên, điều mà tôi quý nhất là những người dân và trẻ em miền quê hay những vùng xa xôi với thành phố. Tôi thấy họ dễ thương, thật thà và quý mến người khách tuy rằng đời sống kinh tế của họ không cao. Tôi thấy họ còn giữ lại được những gì đẹp và tinh túy nhất của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam và đất nước Việt Nam thân yêu trong tận cùng tâm hồn và con tim của người Việt xa xứ như tôi.

Những giai đoạn lịch sử này có ảnh hưởng gì đến các thế hệ sau? Tương lai của những thế hệ chịu sự ảnh hưởng chiến tranh sẽ ra sao?

Những ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam, mặc dù đã chấm dứt năm 1975, vẫn còn âm ỉ tồn tại trong con người, gia đình, làng xóm, đến đài và nghĩa trang quân đội ở Mỹ và Việt Nam. Những người thân của họ bị chết trên chiến trường, những thương phế binh còn sống lay lắt, những hố bom B52 trở thành những cái ao to lớn. Đài tưởng niệm của các miền đều nói lên sự đày đọa của bao nhiêu triệu người Việt và Mỹ đã sống, chết, hy sinh cho một bài học lớn của lịch sử thế giới. Bài học này hy vọng sẽ giúp các thế hệ sau không phạm phải những lỗi lầm về ý thức hệ và cách giải quyết bằng chiến tranh như trong cuộc chiến Việt Nam nữa. Trong lịch sử của nhân loại, chiến tranh Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ trên bước đường xây dựng thế giới hòa bình, tiến bộ và tốt đẹp hơn.

© 2008 talawas