trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
6.5.2008
Nguyễn Cát Phương
Phỏng vấn một người Việt 53 tuổi, sang Mỹ năm 2003
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì và biết gì về cuộc chiến tranh ấy? Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài phỏng vấn của các sinh viên Mỹ gốc Việt, Đại học U.C. Berkeley, California. Toà soạn xin viết tắt tên người được phỏng vấn.
talawas
Nguyễn Cát Phương: Xin ông kể đôi chút về bản thân.

Nguyễn Văn N.: Tôi tên là Nguyễn Văn N., năm nay tôi 53 tuổi. Tôi sinh ra ở một làng nhỏ vùng ven sông Soài Rạp có tên là Bình Xuân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Khi tôi còn nhỏ, cha tôi tham gia trong quân đội Việt Nam Cộng hoà và thường xuyên sống xa nhà. Tôi lớn lên trong sự chăm sóc và tình thương yêu của mẹ cùng với hai chị. Tôi bắt đầu đi học từ năm lên sáu tuổi tại ngôi trường làng nhỏ bé cạnh dòng sông. Đến năm 1962, khi tôi đang theo học lớp hai, những người cộng sản bắt đầu hoạt động tại ngôi làng này. Bởi vì cha tôi là lính của quân đội Cộng hoà, nên gia đình tôi không thể tiếp tục sống tại vùng đất nơi mà có nhiều người cộng sản chiếm đóng. Năm đó, gia đình tôi chuyển về thị trấn Gò Công. Có lẽ lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết về lý do tại sao có cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi đã tiếp tục lớn lên và đi học trung học tại thị trấn nhỏ bé này.

Xin ông kể lại đôi chút về cuộc sống của mình trước năm 1975 ở miền Nam?

Trước năm 1975, tôi là sinh viên đại học. Tôi không biết về thu nhập của cha và mẹ tôi, nhưng tôi đã được cung cấp đầy đủ tiền để lo cho việc học của mình. Tôi hầu như không có chút bận tâm nào về tiền bạc và cuộc sống. Mục tiêu chính của tôi lúc đó là hoàn tất chương trình đại học để có một việc làm tốt sau khi ra trường. Cuộc chiến tranh Việt Nam đối với tôi lúc bấy giờ như là một diễn biến “hiển nhiên”, sẵn có từ lịch sử của đất nước này. Sau năm 1972, tôi phải lên Sài Gòn để tiếp tục việc học của mình ở bậc đại học. Năm đó, cuộc chiến diễn ra ở mức khốc liệt hơn, người ta gọi đó là “mùa hè đỏ lửa”. Nhiều bạn bè tôi không thi đậu tú tài phải vào lính theo lệnh tổng động viên của chính phủ. Sau này tôi nhận được tin một trong số họ đã chết tại chiến trường.

Xin ông kể lại đôi chút về đời sống ở miền Nam trước 1975 nói chung (qua những gì ông còn nhớ được)?

Như đã nói trong những phần trước, thật sự là tôi ít quan tâm đến cuộc sống và không có dịp sống gần gũi với những người dân Việt Nam ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh. Tuy nhiên, tôi cũng có nghe rằng cuộc sống của họ khá vất vả vì phải hứng chịu thương vong, tàn phá do cuộc chiến mang lại. Trong khi đó, những người dân ở thành thị có khá giả hơn bởi vì họ không bị ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến, đặc biệt là người dân Sài Gòn.

Trước năm 1975, ông nghĩ thế nào về miền Bắc?

Thật sự tôi không suy nghĩ nhiều đến và cũng không có một chút hình ảnh tưởng tượng nào về miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ. Tôi rất ít quan tâm về chính trị trong thời gian này. Tôi cũng hoàn toàn không có chút kiến thức gì về chủ nghĩa cộng sản. Như tôi đã nói, tôi đã từng nghĩ rằng cuộc chiến nổ ra và kéo dài như thể nó là một quá trình tự nhiên của lịch sử. Bây giờ, đôi khi tôi cũng tự trách mình về sự vô tâm trước những diễn biến quan trọng xảy đến với đất nước mà mình đã sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng Việt Nam Cộng hoà lúc đó không có được những người lãnh đạo tốt, biết vì dân và lo cho dân. Phần lớn họ chỉ biết tham nhũng và quăng tiền vào những cuộc ăn chơi.

Trước 1975, ông thích bản nhạc/loại nhạc nào nhất?

Tôi thích cả hai thể loại dường như đối nghịch nhau, đó là nhạc tiền chiến của Văn Cao, Phạm Duy, v.v… và nhạc phổ thông mà sau này được biết đến là nhạc “sến”. Tôi thích nhạc tiền chiến ở tính cách thanh bình, êm ả, câu chữ chọn lọc; còn tôi thích nhạc “sến” ở sự bình dị, gần gũi với những gì đang xảy ra trong đời sống hằng ngày của xã hội.

Ngày 30/4/1975, ông đang ở đâu, làm gì? Cảm giác của ông lúc đó là gì?

Tôi có mặt tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975. Nói cho đúng hơn là tôi bị “kẹt” lại ở Sài Gòn bởi vì tôi đã không tin là cộng sản có đủ sức mạnh để lật đổ hoàn toàn chính phủ Việt Nam Cộng hoà lúc đó, mặc dù chính phủ này cũng đã lâm vào tình trạng suy yếu. Tôi cũng đã không tin rằng người Mỹ lại bỏ mặc Sài Gòn rơi vào tay cộng sản. Thật sự tôi không biết nhiều về chính quyền cộng sản. Tuy nhiên tôi cũng thật sự hoang mang về sự trả thù của cộng sản đối với gia đình tôi vì cha tôi là một sĩ quan trong quân đội Sài Gòn.

Ðiều gì xảy ra cho ông/bà ngay sau ngày 30/4/1975?

Sau ngày 30/4/1975, tôi đã trở lại trường đại học trong tâm trạng dè dặt và lo âu. Năm ấy tôi đang học năm thứ ba đại học. Tôi đã được nhận lại vào trường học. Dần dần những cảm giác lo âu biến đi trong tôi. Tuy nhiên lúc đó gia đình tôi bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn. Cha tôi bị bắt vào trại tập trung để học tập cải tạo, lúc đầu là ở miền Nam, sau đó ông lại bị đưa ra miền Bắc. Vào những năm đầu sau ngày 30/4/1975, mặc dù cha tôi bị bắt vào trại tập trung, gia đình không còn được yên ổn như trước, tôi bị phân biệt đối xử trong trường học, nhưng đôi khi tôi vẫn nghĩ rằng gia đình tôi đã nhận được sự đối xử nhân đạo của chính phủ mới. Dù sao cha tôi cũng đã từng cầm súng chống lại họ. Nhưng sau này, nhất là từ sau ngày tôi có dịp cùng mẹ tôi ra tận miền Bắc thăm cha tôi trong một trại học tập cải tạo, tôi bắt đầu nghĩ về sự tàn nhẫn và cay độc của những người cộng sản. Họ như muốn giết lần giết mòn, không trực tiếp, những người chống đối họ trước kia bằng một chế độ lao động và dinh dưỡng khắc nghiệt. Sau này tôi thường tiếc và thương cho đất nước Việt Nam phải trả giá cho những hành động sai lầm của chính quyền cộng sản lúc bấy giờ. Những sai lầm này đã đưa dân tộc Việt Nam đi đến một sự chia rẽ sâu sắc mà có lẽ phải trải qua nhiều thế hệ nữa mới hàn gắn được. Tôi nghĩ chính sự chia rẽ này đã làm cho Việt Nam suy yếu trong nhiều năm sau đó, và trở nên chậm phát triển so với những nước láng giềng.

Chiến tranh đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ông bà và gia đình như thế nào?

Có lẽ gia đình tôi đã may mắn không bị ảnh hưởng nhiều trong khi cuộc chiến đang diễn ra. Tất nhiên là sự may mắn đó không còn nữa trong những ngày sau 30/4/75.

Ông sang Mỹ năm nào? Bằng phương tiện gì? Tại sao ông lại quyết định đi Mỹ? Ông có thể kể đôi chút về chuyến đi của mình?

Tôi qua Mỹ năm 2003 bằng máy bay. Tôi không nghĩ rằng tôi qua Mỹ vì lý do kinh tế hay vì chính trị. Tôi quyết định qua Mỹ phần lớn vì tôi muốn tìm cơ hội học tập và làm việc tốt hơn cho con tôi. Ngoài ra sự tò mò về cuộc sống ở một nước văn minh như Mỹ cũng là một lý do khác khiến tôi quyết định đi Mỹ.

Không có gì thật sự đặc biệt về chuyến đi này, ngoài việc chúng tôi phải trải qua một chuyến bay dài với nhiều cảm xúc lẫn lộn: vừa buồn vì phải xa hoàn cảnh sống quen thuộc, vừa hồi hộp, lo lắng về những thử thách chờ đợi mình phía trước. Dù sao đó cũng là một chuyến đi khó quên vì chưa bao giờ tôi phải dọn nhà đi xa như vậy.

Sau khi sang Mỹ, ông làm gì?

Sau khi sang Mỹ, tôi phải làm nhiều nghề khác nhau kể cả đi phát báo, song song với việc đi học thêm ở một trường cao đẳng (college) gần nhà. Sau hai năm, tôi đã tìm được một công việc tương đối ổn định là eligibility specialist (chuyên viên cố vấn về điều kiện/tiêu chuẩn [để được hưởng một chế độ nào đó]) tại Department of Human Assistance (Phòng Hỗ trợ Nhân sự). Làm công việc này được một năm, tôi chuyển sang vị trí tax-program technician (chuyên viên về chương trình thuế) và tiếp tục làm công việc này cho đến hiện tại.

Ông có thấy mình hội nhập được vào cuộc sống ở nước mới chưa? Có khó khăn gì không?

Mặc dù tôi đã có công việc ổn định, mua nhà và cuộc sống cũng thoải mái hơn nhiều so với thời gian đầu, tôi nghĩ rằng mình chưa thật sự hội nhập hoàn toàn vào cuộc sống ở Mỹ. Tôi nghĩ đó cũng là điều dễ hiểu đối với những người đi Mỹ khi tuổi đã lớn như tôi. Trở ngại lớn nhất đối với tôi hiện nay là ngôn ngữ. Tôi đang cố gắng rất nhiều để trau dồi kỹ năng tiếng Anh của mình để có thể giao tiếp tốt hơn và đạt được những vị trí trong công việc với mức lương cao hơn.

Ông đã quay trở lại Việt Nam lần nào kể từ khi rời đất nước chưa? Theo ông, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay khác nhau ở những điểm quan trọng nào?

Tôi chưa có dịp nào trở lại Việt Nam. Tôi nghĩ sự khác biệt quan trọng về con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước và sau năm 1975 có thể kể đến trước tiên là những mất mát do chiến tranh gây ra không còn tác động trực tiếp lên đời sống người dân nữa. Nếu như không xem xét về yếu tố thời gian, rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam có phát triển hơn, từ đó xã hội và đời sống người dân Việt Nam có được nâng cao hơn. Tuy nhiên nếu như phân tích về tốc độ hồi phục và tăng trưởng của Việt Nam sau khoảng thời gian hơn ba mươi năm sau ngày 30/4/75 và so với tốc độ phát triển kinh tế, đời sống và xã hội của các nước láng giếng trong khu vực Đông Nam Á Châu, nước Việt Nam vẫn còn tụt hậu.

Sống ở Mỹ, ông nhớ gì nhất về Việt Nam?

Điều mà tôi nhớ nhất ở Việt Nam là cảm giác là một nguời Việt Nam được thể hiện qua ngôn ngữ, văn hoá nghệ thuật giải trí, món ăn, và bạn bè thân thuộc.

Ông thấy đời sống của cộng đồng người Việt ở Mỹ nói chung như thế nào?

Nói chung, tôi rất tự hào về cộng đồng ngưới Việt ở Mỹ. Nhiều người trong họ đã rất thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là thế hệ thứ ba của người Việt Nam tại Mỹ. Tôi cũng vui khi thấy trong giới trẻ Việt Nam ở Mỹ, nhiều người vẫn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc và hướng về những giá trị văn hoá đặc trưng của Việt Nam.

Ông bà thích sống ở Việt Nam hơn hay Mỹ hơn? Ông bà có định sau này về Việt Nam không? Vì sao?

Trong hiện tại, tôi vẫn thích sống ở Mỹ hơn. Tôi thích hệ thống luật pháp, tổ chức chính quyền và xã hội của Mỹ. Hệ thống này đã tạo ra một sự minh bạch và công bằng trong xã hội. Tôi cũng thích sống ở Mỹ vì ở đây có một môi trường sạch sẽ, văn minh hơn. Tôi ước rằng chính quyền Việt Nam tích cực cải cách hơn nữa về tính minh bạch trong luật pháp, sự công bằng và văn minh xã hội, cũng như cải tạo môi trường sống. Nếu sự cải cách này có tiến bộ đáng kể, việc trở lại Việt Nam sinh sống sau này sẽ là một vấn đề mà tôi cần phải suy nghĩ và xem xét.

© 2008 talawas