trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
7.5.2008
Phan Ngọc Như An
Phỏng vấn một người Việt 68 tuổi, sang Mỹ năm 1991
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì và biết gì về cuộc chiến tranh ấy? Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài phỏng vấn của các sinh viên Mỹ gốc Việt, Đại học U.C. Berkeley, California. Toà soạn xin viết tắt tên người được phỏng vấn.
talawas
Phan Ngọc Như An: Xin bà kể đôi chút về bản thân.

Lê M. N.: Tôi tên Lê M. N. Tôi sanh năm 1939, nếu tính ra thì tôi năm nay đã 68 tuổi. Tôi là người xã Lưu Hòa Lạc, huyện Bến Tranh, tỉnh Định Tường, Tiền Giang (đây là tên thời Việt Nam Cộng hoà). Tôi là con thứ hai trong gia đình có tất cả sáu anh chị em. Ba tôi lúc trước làm nghề lái xe đò và có xe riêng, mẹ tôi ở nhà nội trợ chăm lo các con. Cuộc sống gia đình tuy không giàu sang nhưng rất êm đềm hạnh phúc. Hằng ngày tôi chỉ chăm lo đi học và phụ mẹ trông nom các em nhỏ. Miền quê tôi thanh bình với con sông quê chảy ngay sát nhà tôi. Tuổi thơ tôi gắn liền với con sông đó: tắm gội, giặt giũ, chơi đùa đều bên sông. Tôi học trường làng đến lớp đệ thất, sau đó vào trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho học hết lớp mười rồi sang học trường nữ trung học Lê Ngọc Hân. Từ nhỏ tôi đã yêu thích thơ văn nên kỷ niệm học trò là những buổi đàm đạo thơ văn với bạn bè. Thầy Phạm Mạnh Cương (nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương) lúc đó cũng đang dạy ở trường tôi. Sau khi lấy bằng tú tài, tôi vào học Đại học Sư phạm.

Trước năm 1975, bà làm gì?

Trước năm 1975, tôi dạy học ở trường Bình Tây, Chợ Lớn được khoảng sáu năm; rồi sau đó tôi đổi về xã Lưu Hòa Lạc và dạy ở đó đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác thôi. Nhà tôi là quân nhân của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Ông ấy đi đánh trận liên miên, thường không có ở nhà. Tôi là nhà giáo, ở nhà dạy học và nuôi con. Tuy phải một mình chăm lo con cái nhưng cuộc sống gia đình tôi lúc đó no đủ, không có gì khổ cực. Các con tôi đều được học hành đầy đủ.

Xin bà kể lại đôi chút về cuộc sống ở miền Nam trước năm 1975 nói chung (theo những gì bà còn nhớ được)?

Theo trí nhớ của tôi, miền Nam lúc đó rất sung túc. Mặc dầu chiến tranh liên tục nhưng nền kinh tế ổn định, ít có đói nghèo. Con cái trong các gia đình đều được đi học đầy đủ vì thời đó đi học là miễn phí. Cuộc sống nói chung phồn thịnh. Tôi nhớ những năm sống và dạy học ở Sài Gòn, tôi và các bạn gái hay đi xi-nê, nghe nhạc hay nhảy đầm. Sài Gòn lúc đó có rất nhiều nơi như thế.

Trước năm 1975, bà nghĩ thế nào về miền Bắc?

Trước năm 1975, tôi không biết gì nhiều về miền Bắc. Ngoại trừ tin tức chiến tranh, chúng tôi không biết gì về tình hình người dân miền Bắc. Hầu như không có báo chí nào nói về điều này. Mọi người bận bịu cơm áo gạo tiền cũng không có ai đi tìm hiểu. Sau này, qua sách báo và bạn bè, tôi mới biết là ngoài ấy thời đó rất đói khổ. Nhưng nói thật với cháu, lúc đó có nghe tôi cũng không tin, cũng không hình dung ra nổi.

Trước năm 1975, bà thích bản nhạc/loại nhạc nào nhất?

Tôi rất thích nhạc vàng thời đó. Tôi cũng thích nhạc tiền chiến. Tôi thích nhiều nhạc sĩ nhưng thích nhất là nhạc sĩ Lam Phương. Tôi thích các bản nhạc về mùa thu.

Ngày 30/4/1975 bà đang ở đâu, làm gì? Cảm giác của bà lúc đó là gì?

Ngày 30/4/1975, tôi đang dạy học ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Khi nghe tin thua trận, không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều rất hoang mang, lo sợ. Không ai có tâm trí làm gì cả. Đến chiều tối ngày hôm đó, có người rủ tôi đem con lên tàu đi vượt biên. Nhưng lúc đó nhà tôi còn đang đánh trận ở Chợ Bùng, Tiền Giang chưa rõ sống chết ra sao nên tôi đã không đi mà ở lại.

Điều gì xảy ra cho bà sau ngày 30/4/1975?

Sau ngày 30/4/1975, nhà cửa của chúng tôi mất hết. Chồng tôi bị đi tù. Tôi và các con phải chạy về quê nội của các cháu. Tôi lúc đó có bốn đứa con nhỏ trên tay, không biết làm gì mà sống. Về Bình Ninh, tôi bắt đầu đi dạy học lại, vì nếu không đi dạy thì bị đi lao động, mà tôi thì không làm nổi. Tuy đi dạy nhưng tiền lương tôi không đủ nuôi con. Cũng may nhờ ông nội các cháu còn đất (dù cũng đã bị lấy rất nhiều), chúng tôi làm ruộng thêm và nhờ đó mà không đói.

Bà sang Mỹ năm nào, bằng phương tiện gì? Bà có thể kể đôi chút về chuyến đi của mình?

Gia đình chúng tôi sang Mỹ năm 1991. Chúng tôi được bảo lãnh theo diện H.O của chính phủ Mỹ, nhờ 8 năm tù của chồng tôi (cười).

Chuyến đi của chúng tôi rất thuận lợi, bình yên. Khi được cấp visa, chúng tôi bán hết nhà cửa ở quê rồi theo đúng ngày giờ ra phi trường thôi. Khi đến nơi thì đã có người ra tận sân bay đón. Chúng tôi rất biết ơn nước Mỹ.

Sau khi sang Mỹ bà làm gì?

Sau khi sang Mỹ, tôi đi làm công nhân may ở nhà máy cho đến khi mấy đứa con đầu lớn lên và đi làm có tiền nuôi cha mẹ được thì tôi nghỉ. Bây giờ tôi ở với đứa con gái thứ ba và trông con cho nó. Chồng tôi thì bị liệt sau ra khi tù nên ông ấy không đi làm được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được tiền trợ cấp của chính phủ.

Bà có thấy mình hội nhập được vào cuộc sống ở nước mới chưa? Có khó khăn gì không?

Tôi thấy mình tương đối hội nhập vào cuộc sống nơi đây. Tuy không biết lái xe, nhưng hệ thống xe bus bên này rất thuận tỉện và dễ sử dụng nên tôi có thể tự đi đây đi đó mà không phải nhờ mấy đứa con. Gia đình tôi vẫn ăn uống theo lối cơm Việt Nam; giải trí thì có phim bộ Tàu và ca nhạc Thúy Nga, Asia… Tôi thấy cuộc sống cũng thoải mái như ở quê nhà thôi. Khó khăn lớn nhất của tôi có lẽ là ngôn ngữ. Tôi không rành tiếng Anh nên đôi khi gặp khó khăn về giao tiếp, nhất là những khi đi bác sĩ hoặc đi lo giấy tờ. Tuy nhiên các con tôi đều cố gắng thu xếp chở tôi đi nên cũng không phải là vấn đề lớn. Vả lại các văn phòng hành chánh bây giờ, đôi khi họ cũng có thông dịch cho mình đó cháu.

Bà đã quay trở lại Việt Nam lần nào kể từ khi rời đất nước chưa? Theo bà, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay khác nhau ở điểm quan trọng nào?

Tôi đã trở về nước được 2 lần, khi mẹ chồng tôi mất và khi tôi đem hài cốt của chồng tôi về chôn trên đất tổ tiên. Qua mấy lần về lại quê hương, cũng như qua báo chí bên này và qua bà con tôi ở lại Việt Nam nói lại, tôi thấy Việt Nam đã khác xưa rất nhiều. Đường sá đông đúc, xe cộ tấp nập nguy hiểm hơn xưa. Đời sống thấy cũng phát triển, văn minh. Các em trẻ bây giờ rất hiện đại và không còn theo cái lối của chúng tôi ngày xưa nữa rồi. Tuy nhiên cũng có nhiều điểm khác biệt mà tôi không thấy hài lòng. Ví dụ, tôi là nhà giáo nên quan tâm đến vấn đề giáo dục. Ngày xưa tôi đi học không phải tốn tiền, nhưng bây giờ trẻ em các cấp đều phải đóng tiền học phí. Có nhiều hoàn cảnh các em học giỏi nhưng nhà nghèo phải nghỉ học rất tội nghiệp. Rồi chuyện chạy điểm thi, chạy bằng cấp rất đáng chê trách. Ngoài vấn để giáo dục ra, tôi thấy mọi người cũng hay than phiền về việc xin giấy tờ hành chánh rất nhiêu khê và tốn thời gian.

Sống ở Mỹ bà nhớ gì nhất về Việt Nam?

Xa quê hương thì nhớ rất nhiều điều cháu ạ. Nhớ làng quê, nhớ phong cảnh quê hương, nhớ kỷ niệm thơ ấu… Nhưng có lẽ tôi thương nhớ nhất là các em gái ruột thịt của tôi, cũng như các cháu tôi, còn ở lại Việt Nam.

Có câu “lá rụng về cội,” bà có dự định trở về Việt Nam sống không?

Thật ra, tôi cũng có suy nghĩ đến chuyện đó. Như cháu nói, ai cũng muốn được chết trên quê hương, nơi mình sinh ra. Tôi có tính khi nào con bé cháu ngoại tôi vào mẫu giáo, tôi sẽ về Việt Nam. Nhưng nói thật với cháu, về Việt Nam tôi lại sợ lỡ có bệnh tật gì thì đâu có bảo hiểm lo cho tôi. Rồi không có con cái ở gần cũng buồn lắm. Cho nên câu này cháu cho tôi khất, tôi chưa trả lời nhé.

Việc giữ gìn văn hóa Việt Nam trên nước Mỹ có quan trọng đối với gia đình bà không?

Dĩ nhiên là rất quan trọng. Các con tôi ai nào cũng sinh ra ở Việt Nam nên đều rất thông thạo tiếng Vệt. Ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày trong gia đình tôi vẫn là tiếng Việt. Tôi có tổng cộng ba đứa cháu nội ngoại, đứa nào cũng biết nói tiếng Việt rất giỏi. Tôi vẫn thường nhắc nhở các con tôi khi nuôi dạy con cái phải dạy cho chúng nó biết lễ giáo Việt Nam. Mình dù sống trên đất Mỹ nhưng vẫn là người Việt Nam cháu à, phài biết yêu quý cội rễ của mình mới được.

Mùa học này lớp chúng cháu bàn luận về văn học Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp và cuộc nội chiến. Được biết bà là một nhà giáo, một người yêu thơ văn và cũng là một nhà thơ nghiệp dư, bà có suy nghĩ gì về vai trò của thơ văn trong chiến tranh?

Theo tôi, vai trò của thơ văn dù trong thời bình hay thời chiến đều rất quan trọng. Bởi vì, thơ văn ghi lại cho ta biết từng giai đoạn lịch sử của con người, của một đất nước, của nhân loại một cách trung thực nhất. Chỉ cần đọc một tác phẩm thơ văn tiêu biểu cho mội thời kỳ mình đã có thể hình dung ra được hoàn cảnh, tình cảm của con người thời đó ra sao. Cũng như các cháu bây giờ, tuy không sống qua thời chiến, nhưng được học qua thơ văn thời chiến tranh, các cháu có thể hiểu tưởng tượng được phần nào cái khổ của ông cha chú bác trong giai đoạn đó, phải không? Thơ văn trong thời chiến có lẽ có vai trò đặc biệt hơn một chút. Vì thơ văn trong thời kỳ đen tối đó là một phương tiện quan trọng để con người giải toả tình cảm, suy nghĩ cũng như mơ ước về một tương lai hạnh phúc hơn. Theo tôi, văn học là thể loại nghệ thuật căn bản nhất, nhân văn nhất của loài người.

Bà có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ để giúp họ tiếp cận văn học một cách hiệu quả không?

Tiếp xúc với văn chương cần lòng nhẫn nại và tinh thần cởi mở. Khi đọc một tác phẩm lần đầu mà các cháu không hiểu, các cháu phải đọc lại lần nữa, đọc và suy nghĩ xem tại sao tác giả lại nhắc đến chi tiết đó vào thời điểm đó. Thơ thường khó cảm thụ hơn văn xuôi, các cháu có thể hỏi cha mẹ, anh chị hay thầy cô. Việc trau dồi Việt ngữ cũng rất có ích trong việc nghiên cứu thơ văn. Còn về tinh thần cởi mở, ý của tôi là, khi các cháu đọc một tác phẩm, cho dù là thơ văn Việt Nam hay thơ văn nước ngoài, nếu các cháu không đồng tình với một ý kiến nào đó của tác giả, đừng vội buông sách mà không xem nữa. Có thể khi xem hoàn tất tác phẩm đó các cháu sẽ hiểu học hỏi thêm một một ý kiến mới, một tình cảm mới. Nên nhớ rằng, thơ văn là tình cảm của tác giả. Mà tình cảm yêu ghét đúng sai là tùy mỗi người, không ai giống nhau cả.

Cuối cùng, bà có lời nào muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ Việt Nam hôm nay hay không?

Tôi chỉ muốn nói lời nhắn nhủ rằng hãy luôn phấn đấu làm rạng danh người Việt Nam trên đất Mỹ. Các cháu rất may mắn được sinh ra trong thời bình, trên một đất nước phát triển và đầy cơ hội; hãy biết tận dụng những gì các cháu có để trở thành người có ích cho xã hội và hãy luôn luôn cố gắng giữ gìn, truyền dạy văn hóa Việt Nam cho đời sau.

© 2008 talawas