trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
8.5.2008
Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14 
 
Ngày 5 tháng 7 năm 1992

I. Lý luận cải cách và đặc sắc của cải cách Trung Quốc

Lần này tôi nêu vấn đề trước. Tôi nói: giới nhân sĩ lý luận mà tôi tiếp xúc cho rằng. cải cách của Trung Quốc không có lý luận, chỉ là mò đá qua sông, không biết cách nhìn của ông như thế nào? Đặc sắc của cải cách Trung Quốc là gì? Ông cũng thử nói xem sao?

Triệu nói: cái gọi là lý luận cải cách, là cách mạng ở các nước lạc hậu sau khi thắng lợi, không thể thực hiện chủ nghĩa xã hội, những nước đã xây dựng chủ nghĩa xã hội là đã đi “quá bước”, tất phải lùi về. Đó là tiến hành cải cách đối với chế độ hiện có, làm cho nó thích ứng với trình độ sức sản xuất hiện có, mà cũng là làm điều kiện chuẩn bị cho chủ nghĩa xã hội, hoặc là nói chỉ có thể xây dựng giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội.

Triệu nói: cái gọi là giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội là phải dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản thông qua phát triển chủ nghĩa tư bản để gia tăng thành phần xã hội chủ nghĩa, để phát triển kinh tế, phát triển sức sản xuất xã hội. Đó cũng là những bàn luận về chủ nghĩa dân chủ mới mà chủ tịch Mao đã trình bầy. Do chủ tịch Mao đã kết thúc quá sớm giai đoạn chủ nghĩa dân chủ mới, thực hiện chủ nghĩa xã hội một cách vượt giai đoạn, muốn nhanh nên không đạt, cũng làm loạn tư tưởng mọi người. Điều này về tư tưởng cần phải được xử lý lại cho tốt.

Cái gọi là vượt giai đoạn, là Triệu muốn chỉ trình độ công hữu hóa quá cao. Ông nói: mọi cách làm trước đây đều trói chặt người ta, công xã và các đơn vị đều quản tất cả mọi cái của cá nhân, cái gì cũng bao hết, sinh đẻ, già, ốm, chết cái gì cũng can thiệp, bao gồm cả đời sống gia đình cá nhân, đời sống cá nhân v.v..kết quả là càng quản càng nhiều, càng bao càng nặng, đường cũng càng đi, càng làm, càng không thông.

Triệu nói: Chủ tịch Mao vốn đã không vừa lòng với mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô, nhất là việc Trung ương tập trung quyền lực quá nhiều, quản lý địa phương và doanh nghiệp quá chặt, quản quá nhiều, đè nén tính tích cực của địa phương và doanh nghiệp, phải tiến hành cải cách, thực hiện trao quyền xuống dưới. Nhưng trước đây do chỉ nói năng bàn bạc tới việc phân chia quyền lực, kết quả là rơi vào cái vòng kỳ quái: hễ buông ra là loạn, hễ loạn là lại thu hồi, hễ thu hồi là lại thoi thóp. Loại cải cách như vậy không ổn. Sau này Chủ tịch Mao phát động “Đại Cách mạng Văn hóa” triệt để đập nát cơ cấu quan liêu của cái nhà nước này; thực hiện công xã nhân dân, nhất thể hóa công, nông, binh, học, thương, vừa công lại vừa nông vừa văn lại vừa võ, cho rằng như vậy có thể khôi phục được “thể liên hợp người tự do” trên ý nghĩa vốn có của chủ nghĩa Marx, là con đường lớn đi tới chủ nghĩa cộng sản. Kết quả là lại rơi vào cái không tưởng của chủ nghĩa xã hội nông nghiệp.

Khi bàn đến đặc sắc của cải cách Trung Quốc, Triệu nói: đó là phát triển thành phần kinh tế phi quốc hữu ngoài thể chế, trước tiên làm “sống động” cái mảnh đó, đó là đặc sắc của cải cách Trung Quốc. Điều này khác với con đường Liên Xô, bọn họ chỉ quanh co trong thể chế, chuyển đi chuyển lại trước sau cũng không “sống động” lên được.

Triệu nói: thực hiện khoán đến hộ tại nông thôn, làm cho nông dân có quyền tự chủ kinh doanh, điều đó có nghĩa là làm sụp đổ thể chế công xã. Đồng thời cũng hình thành thị trường nông thôn rộng khắp. Phát triển xí nghiệp hương trấn ở nông thôn, sắp xếp cho thanh niên chờ công ăn việc làm ở thành phố, phát triển xí nghiệp tập thể cũng như xí nghiệp “ba loại vốn” và hộ cá thể đồng thời làm cho chúng đi đầu hình thành điểm sinh trưởng của thị trường, như vậy là đả phá cục diện “nhất thống thiên hạ” của doanh nghiệp quốc hữu. Ngoài ra thực hiện chế độ hai giá đối với các xí nghiệp lớn và vừa bên trong thể chế, tức là cho phép tiến vào thị trường ngoài kế hoạch, làm cho các xí nghiệp ngoài kế hoạch cũng có thể có được nguyên liệu vật liệu, nếu không bộ phận xí nghiệp này không thể phát triển lên được, còn các xí nghiệp trong thể chế cũng có thể thu được lợi nhuận ngoại ngạch, cộng thêm việc “buông quyền”, “nhường lợi” càng có thể gia tăng thu nhập, cũng có tính tích cực. Bàn đến đây, Triệu nhấn mạnh nói: có học giả kinh tế đề xuất: “quản chặt tiền tệ, mở cửa giá cả” chủ trương một bước làm xong ngay cải cách giá cả, đó là cách làm của những con mọt sách. Ai chẳng biết, trong tình hình xí nghiệp quốc hữu chiếm địa vị lũng đoạn, chính đông đảo nhân dân là người chịu hại.

Triệu nói tiếp: như vậy, bất kể là thành thị hay là nông thôn đều có thể hình thành thị trường, từ đó cũng thuận tiện cho việc đẩy xí nghiệp quốc hữu ra thị trường. Ông một mực thuyết minh với tôi, thị trường không phát dục được, không có cơ chế cạnh tranh thị trường thì không thể cải cách được xí nghiệp quốc doanh. Ông nói: nếu chỉ đơn thuần cải cách từ trong thể chế thì khó khăn và sức cản đều rất lớn. Cải cách của Liên Xô khó khăn là ở chỗ đó, bất kể là “liệu pháp sốc” [1] hay là “mò đá qua sông” [2] đều rất khó. Mà điều then chốt là phải xử lý tốt quan hệ chế độ sở hữu, làm rõ quan hệ sở hữu về tài sản, đó là điều căn bản nhất.

Tiếp đó tôi nói đến một số bàn luận trên xã hội. Tôi nói: cải cách hiện nay không đi sâu được, vấn đề là ở chỗ: hễ đề xuất phát triển kinh tế tư nhân là đã có người cho rằng đó là phục hồi chủ nghĩa tư bản; hễ đề xuất tới chế độ cổ phần là đã có người cho rằng đó là tư hữu hóa, là muốn thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa; hễ nhấn mạnh phải nhập khẩu vốn nước ngoài là đã có người cho rằng đó là đi con đường thực dân hóa. Như thế là trói chặt chân tay người ta.

Tôi dẫn chứng một đoạn bình luận của chuyên gia nước ngoài, cho rằng chính sách mà Trung Quốc đang thực hiện hiện nay là tự mâu thuẫn. Họ nói: một mặt Trung Quốc phản đối tự do hóa, tư hữu hóa; một mặt lại thực hiện tự do hóa, tư hữu hóa.

Tôi nói: trên thực tế chế độ công hữu hình thành trên chế độ sở hữu quốc gia, bất kể là ở Liên Xô, Đông Âu hoặc Trung Quốc đều xuất hiện chế độ sở hữu tầng lớp quan liêu, bọn họ dựa vào quyền phân phối quản lý vật [chất], tiến hành thống trị với người. Cái gọi là sở hữu toàn dân là “giả”. Còn chiếm hữu của tầng lớp quan liêu mới là “thật”. Nói đến đây, tôi dẫn một câu của Marx về lý luận chế độ sở hữu. Marx đã chỉ ra một cách đúng đắn: “chế độ sở hữu là chỉ toàn bộ sự chiếm hữu tư liệu sản xuất, nhưng bản chất của nó suy cho cùng là chiếm hữu lao động của con người.”. “Chiếm hữu cả người lao động và đất đai là chế độ nô lệ..., chiếm hữu đất đai và thông qua việc thuê mướn đất đai, chiếm hữu sức lao động là chế độ phong kiến..., chiếm hữu nhà xưởng và thông qua trao đổi chiếm hữu sức lao động là chế độ làm thuê tư bản chủ nghĩa...”

Tôi nói: nguyên lý này của Marx cũng thích hợp với chế độ công hữu dưới thể chế kinh tế kế hoạch. Lúc này, “chế độ công hữu” trên thực tế đã biến thành chế độ sở hữu của tầng lớp quan liêu, người lao động không chiếm hữu tư liệu sản xuất, giống như vậy, không thể không chịu nô dịch.

Triệu xen vào: liệu có thể không dẫn chứng những lời của Marx làm căn cứ không? Ông dẫn chứng như vậy, người khác cũng có thể dẫn chứng như vậy.

Tiếp đó tôi nói: tôi vô cùng tán thành quan điểm của Vương Ban [3] , giáo sư trường đảng, nhà kinh tế, ông này cho rằng cái gọi là cùng giầu có, tất phải có tài sản, có quyền chi phối tài sản; không thể chi phối tài sản thì không thể nói là cùng giầu có.

Triệu lại xen vào: Marx vốn không phản đối chiếm hữu cá nhân, chỉ phản đối lũng đoạn cá nhân.

Đối với điều này, tôi nói: tôi đã từng tìm đọc nguyên tác của Marx. Marx nói: đặc điểm của chủ nghĩa cộng sản không phải là loại bỏ chế độ sở hữu nói chung; mà là loại bỏ chế độ sở hữu của chủ nghĩa tư bản. Có thể thấy, việc chấp hành của chúng ta trước đây là có sai lệch.




Ngày 24 tháng 12 năm 1992

II. Lưu động nhân tài có lợi cho việc thực hiện giá trị con người

Trước tiên, Triệu bàn từ chuyện “đi đánh lẻ”. Ông nói, trong xã hội cũ, khi thành lập đội kịch đi biểu diễn đều lấy danh nghĩa những diễn viên tài sắc hoặc diễn viên nổi tiếng để thành lập; những diễn viên khác đều chịu làm vai phụ, đội kịch sắp sếp thứ tự theo tài sắc, và mọi người không có ý kiến. Mọi người đều cho rằng không có diễn viên nổi tiếng thì kịch diễn không thành, đều chịu không có cơm ăn. Vì vậy, mỗi người đều chịu làm vai phụ, tiền lương nhiều ít cũng vui lòng chịu hạn chế, cũng không so sánh. Còn nếu cho rằng ở đó không thích hợp, không phát huy được tài năng của mình thì tự động “đi đánh lẻ” để đi đến nơi khác. Nhưng từ khi thành lập Trung Quốc mới, thể chế đã thay đổi, tất cả đều do người lãnh đạo hành chính sắp xếp, ai diễn vai gì, ai không diễn vai gì đều phải phục tùng sự phân phối. Diễn viên nổi tiếng cũng không được can thiệp, tác dụng của nhân tài khó phát huy hợp lý. Còn về tiền lương cũng phân phối bình quân theo cấp bực hành chính. Khi nâng lương, đề bạt, không đề bạt ai, ai cũng chẳng dám có ý kiến. Cũng giống như nhà nước cải cách tiền lương, nhân viên khoa học kỹ thuật đều tăng, tiền lương cán bộ cơ quan thấp cũng được nâng; còn nhà máy, xí nghiệp là tuyến đầu của sản xuất không nâng cũng không được. Như vậy hình thành việc luân lưu nâng lương, kết quả là mấy lần cải cách tiền lương đều thất bại.

Tôi nói: không chỉ cải cách tiền lương mà cải cách cơ cấu mấy lần cũng thất bại. Cải cách cơ cấu trở thành nơi danh nghĩa sắp xếp cán bộ, nâng cao cấp bậc, sắp xếp người thân kéo bè kết cánh. Kết quả là cơ cấu càng cải cách càng phù thũng, nhân viên càng giảm càng nhiều.

Triệu tiếp tục: cách làm tất cả đều áp dụng sự can thiệp hành chính và thủ đoạn hành chính để sắp xếp nhân viên như vậy, không thực hiện được giá trị của “nhân tài”. Hiện nay, đang tiến hành cải cách thể chế thực hiện nhân viên lưu động, người có tài từ chức “hạ hải” [đi kinh doanh, buôn bán] hoặc được mời đến các đơn vị khác. Xem ra bên ngoài đã có chút loạn, trên thực tế chỉ có như vậy giá trị của “nhân tài” mới được thực hiện. Điều này cũng giống như trước đây tiến hành cải cách hai loại thể chế, hai loại giá cả bề ngoài cũng loạn. Bây giờ xem ra, đúng là do phát triển trước các loại thành phần kinh tế ngoài thể chế, đồng thời trong thể chế thực hiện hai loại giá trong kế hoạch và ngoài kế hoạch đối với doanh nghiệp quốc doanh, khiến các thành phần kinh tế ngoài thể chế có được nguyên liệu mà có thể phát triển. Các doanh nghiệp quốc doanh cũng do được tự tiêu thụ sản phẩm ngoài kế hoạch mà có được thu nhập ngoài hạn ngạch, mới “sống động” được. Từ đó làm thị trường phát dục, khiến kinh tế phồn vinh lên.

Triệu còn nói: làm như vậy, đã hình thành cơ chế thị trường, đã có cạnh tranh; cộng thêm việc nhân viên lưu động là có thể phá bỏ được cách làm “đổi chỗ làm quan”, sắp xếp nhân viên theo lối hành chính; thực hiện cạnh tranh trong việc cử người giữ chức, từ đó thực hiện giá trị của “nhân tài”.

Theo hiểu biết của tôi, Triệu rất coi trọng nhân tài. Đó là một đặc sắc của cá nhân ông.


III. Chỗ thành công của cải cách thể chế kinh tế Trung Quốc

Triệu nhấn mạnh: cải cách thể chế của Trung Quốc nếu như chỉ tiến hành cải cách trong thể chế thôi thì khó khăn và sức cản rất lớn, bất kể là dùng “liệu pháp sốc” hay “mò đá qua sông” đều rất khó. Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp quốc doanh là một cục diện đại thống nhất, không có cạnh tranh, không có cơ chế thị trường là rất khó cải cách; mà doanh nghiệp quốc hữu bản thân lại là một doanh nghiệp [như là một] xã hội, phụ trách rất nặng, không có hiệu quả, rất khó tiến hành cải cách. Vì vậy lối ra là ở chỗ phát triển thành phần kinh tế ngoài thể chế, ra sức phát triển kinh tế hàng hoá, hình thành cơ chế kinh tế thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp quốc doanh hướng ra thị trường; kinh tế thị trường càng phát triển càng có lợi cho việc cải tạo doanh nghiệp quốc doanh. Từ đó thuyết minh, sự phát triển của các thành phần phi quốc hữu ngoài thể chế vừa có thể giải quyết được việc làm lại vừa gia tăng thu thuế, giải quyết khó khăn tài chính, đồng thời cũng làm kinh tế phồn vinh.

Triệu nói: tóm lại, không phát triển thành phần kinh tế ngoài thể chế hình thành cơ chế cạnh tranh thị trường thì không cải cách được doanh nghiệp quốc doanh. Đó là một trong những kinh nghiệm thành công của cải cách thể chế Trung Quốc. Tất nhiên cũng không thể vứt bỏ cải cách từng bước trong nội bộ doanh nghiệp quốc doanh như giao quyền xuống dưới, nhường lợi, mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp v.v.. Trước đây đối với cải cách thể chế Trung Quốc, trước tiên từ phát triển thành phần kinh tế ngoài thể chế, thực hiện cách làm hai loại giá trong kế hoạch và ngoài kế hoạch là mình bị bắt buộc, nên thiếu sự tự giác lý tính. Bây giờ quay đầu nhìn lại thì lại đúng là chỗ thành công của cải cách thể chế Trung Quốc. Nếu như chỉ đơn thuần cải cách cải cách trong thể chế khẳng định là không thành công, mà còn làm chậm lại; mà càng chậm lại càng làm lòng người hốt hoảng, tất sẽ làm cho sản xuất giảm xuống, phát sinh lạm phát, kết quả là chỉ có thể xảy ra động loạn, cải cách cũng sẽ kết thúc bằng thất bại. Con đường cải cách của Gorbachov Liên Xô cũ chính là như vậy.

Khi tôi nói đến tiến hành cải cách trong nội bộ doanh nghiệp quốc doanh hiện nay đang áp dụng chế độ cổ phần, Triệu nói: vấn đề là ở chỗ áp dụng chế độ cổ phần tính chất gì. Nếu như là chế độ cổ phần có tính chất quốc hữu, cùng tham gia cổ phần với nhau tiến hành kinh doanh lại cộng thêm cơ chế thị trường chưa thể hình thành thì tình hình sẽ giống như tình trạng vốn có của doanh nghiệp quốc doanh không biết đi đến đâu; nếu như là bán cổ phiểu để hình thành cổ phần lại có thể phát sinh hiệu quả thấp, vần đề là người ta mua hay không mua cổ phần; như Yelsin của Nga áp dụng biện pháp phân phối cổ phiếu khiến quần chúng có được cổ phần nên mọi người thuờng cho rằng đó là của cải không ngờ mà có, nên về căn bản không quí, tiếc mà dễ tuỳ tiện tiêu đi. Tình hình hiện nay là doanh nghiệp quốc doanh một khi hợp doanh với nước ngoài là sống động. Đó là vấn đề gì vậy ? Đó chính là chính phủ không thể can thiệp vào doanh nghiệp nữa, doanh nghiệp cũng không thể lại như một xã hội nữa. Nhà nước chỉ quản lý chỉ tiêu tăng trưởng tiền lương của doanh nghiệp, chính phủ chỉ có thể quản lý thu thuế, còn tất cả những thứ khác đều do doanh nghiệp độc lập tự chủ kinh doanh. Như vậy cơ chế kinh doanh của doanh nghiệp tự nhiên thay đổi.

Còn hơn thế nữa, khi Triệu cho rằng, doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp cá thể Trung Quốc cũng có thể dùng biện pháp này để kinh doanh chung vốn với doanh nghiệp quốc hữu. Triệu nói một cách rõ ràng: đã cho phép doanh nghiệp nước ngoài được làm như vậy, tại sao lại không thể cho phép người Trung Quốc cũng làm như vậy? Đó là dùng biện pháp “ ghép cây” đối với doanh nghiệp quốc doanh, vẫn có thể xem là một con đường cho cải cách doanh nghiệp quốc doanh nước ta.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Liệu pháp sốc: những năm 90, nước Nga thi hành chiến lược cải cách kích tiến, lấy tự do hóa và tư hữu hóa làm chủ thể. Do Thủ tướng Gaida chủ trì.
[2]Mò đá qua sông: đầu những năm 80, Đặng Tiểu Bình đề xuất câu tục ngữ miền nam Trung Quốc để biểu đạt dòng suy nghĩ cải cách tiệm tiến.
[3]Vương Ban, nhà kinh tế, giáo sư cấp đặc biệt Trường đảng cộng sảnTW , Hội trưởng Hội nghiên cứu kinh tế thị trường Trung Quốc.
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tá»­ DÆ°Æ¡ng khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219