Nhiều người, nhất là người nước ngoài, thường hỏi tôi: làm sao có thể giải thích tình yêu lớn lao mà dân tộc chúng tôi dành cho thơ ca; làm sao ở chúng tôi có thể tồn tại không chỉ lòng quan tâm đến thơ ca, mà là cả một nhu cầu đối với thơ ca. Có lẽ, chỉ có thể giải thích rằng đồng bào tôi có một năng lực hiểu thơ ca lớn hơn bất cứ dân tộc nào khác.
Theo tôi nghĩ, đó là một hệ quả của lịch sử dân tộc Séc chúng tôi trong suốt 400 năm qua, và đặc biệt là sự phục sinh dân tộc của chúng tôi vào đầu thế kỷ 19. Việc mất độc lập về chính trị trong thời kỳ Chiến tranh ba mươi năm đã khiến dân tộc chúng tôi bị mai một thành phần tinh hoa nhất về tinh thần và chính trị của mình. Những nhân vật thuộc thành phần đó, nếu không bị hành hình, cũng buộc phải ngậm miệng hoặc rời bỏ Tổ quốc. Hậu quả không chỉ là sự đứt đoạn trong phát triển văn hóa, mà còn là sự thoái hóa ngôn ngữ của chúng tôi. Không chỉ đạo Gia tô được tái lập bằng vũ lực, mà cả sự Ðức hóa cũng được áp đặt bằng vũ lực.
Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 19, cuộc Cách mạng Pháp và thời kỳ Lãng mạn đã khai mở trong chúng tôi những nguồn xung lực mới, khiến dân tộc tôi một lần nữa lại quan tâm đến những lý tưởng dân chủ, đến ngôn ngữ và văn hóa của mình. Ngôn ngữ của chúng tôi trở thành phương tiện quan trọng nhất để biểu đạt bản sắc dân tộc.
Thơ ca là một trong những thể loại văn học đầu tiên của chúng tôi được hồi sinh. Thơ ca trở thành một nhân tố cốt tử trong sự thức tỉnh văn hóa và chính trị của chúng tôi. Và ngay từ buổi đầu mới mẻ ấy, những cố gắng tạo dựng một truyền thống tinh hoa văn học Séc đã nhận được lòng tri ân của rộng rãi quần chúng. Dân tộc Séc, vốn đã đánh mất đại diện chính trị và bị tước đoạt những phát ngôn nhân chính trị của mình, giờ đây tìm sự thay thế cho những đại diện đó, và họ đã chọn nó trong những nguồn lực tinh thần còn lại.
Chính vì vậy, thơ ca có tầm quan trọng tương đối lớn lao trong đời sống văn hóa của chúng tôi. Ðiều đó giải thích sự tôn sùng ở nước tôi đối với thơ, và uy thế cao vời mà suốt trong thế kỷ trước người ta vẫn gán cho thơ. Nhưng không phải chỉ trong thế kỷ trước thơ mới đóng vai trò quan trọng. Thơ cũng nở rộ huy hoàng cả vào đầu thế kỷ này và trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, qua đó trở thành phương thức quan trọng nhất để biểu hiện nền văn hóa dân tộc của chúng tôi trong Thế chiến thứ hai, thời kỳ mà nhân dân chịu nhiều thống khổ và chính vận mệnh dân tộc chúng tôi ngàn cân treo sợi tóc. Mặc cho mọi hạn chế từ bên ngoài, mặc mọi thứ kiểm duyệt, thơ đã thành công trong việc tạo lập những giá trị mang đến cho con người niềm hy vọng và sức mạnh. Cả sau chiến tranh - 40 năm trở lại đây - cũng vậy, thơ chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa ở nước tôi. Dường như sứ mệnh tiền định của thơ, thơ trữ tình không chỉ là nói với con người một cách gần gũi nhất, một cách thân thiết đến cùng cực, mà còn là nơi ẩn náu sâu thẳm và an toàn nhất của chúng tôi, nơi chúng tôi tìm sự cứu rỗi trong những nghịch cảnh mà thậm chí đôi khi chúng tôi không dám tìm tên gọi.
Có những đất nước mà nơi ẩn náu này chủ yếu được đảm trách bởi tôn giáo và tầng lớp tăng lữ của nó. Có những đất nước mà quần chúng nhìn thấy hình ảnh và vận mệnh của mình được khắc họa trong sự thanh tẩy của bi kịch, hoặc nghe thấy chúng trong lời lẽ của các lãnh tụ chính trị. Có những quốc gia và dân tộc tìm thấy những vấn nạn của mình - cùng câu trả lời cho những vấn nạn đó - qua hành ngôn của các nhà tư tưởng đầy minh triết và tuệ giác. Ðôi khi, các nhà báo và truyền thông đại chúng đóng vai trò đó. Với nước tôi, nỗ lực tìm kiếm hiện thân cho mình, chọn các nhà thơ và lấy nhà thơ làm người phát ngôn của mình, việc đó dường như chính là tinh thần dân tộc của chúng tôi. Các nhà thơ, các nhà trữ tình chính là người định hình ý thức dân tộc của chúng tôi, nói lên khát vọng dân tộc của chúng tôi trong những thời đại đã qua và vẫn đang tiếp tục định hình ý thức đó cho mãi đến ngày nay. Dân tộc tôi đã quen hiểu mọi sự thông qua cách trình bày của các nhà thơ.
Nhìn bằng con mắt nhà thơ, đó là một điều tuyệt diệu. Nhưng... có phải hiện tượng này cũng có mặt trái không? Liệu sự thừa thãi thơ ca cũng đồng thời là sự phá vỡ sự cân bằng văn hóa không? Tôi thừa nhận rằng trong lịch sử các dân tộc có thể có những thời kỳ, hoặc phát sinh những hoàn cảnh, mà trong đó thơ ca - với khả năng chỉ cần khơi gợi, bóng gió, dùng ẩn dụ, để diễn tả những điều trọng yếu dưới một hình thức kín đáo, ẩn kín trước những cái nhìn soi mói - là phương tiện biểu đạt thích hợp nhất, đơn giản nhất, thậm chí là duy nhất khả dĩ. Tôi thừa nhận rằng ngay cả với chúng tôi, từ xưa đến nay - đặc biệt trong những thời kỳ phong bế về chính trị -, ngôn ngữ thơ ca thường chỉ là một thứ ngôn ngữ phụ, ngôn ngữ thay thế, một ngôn ngữ chỉ dùng khi cần thiết, chính vì nó vẫn là cách tốt nhất để diễn đạt những gì không thể nói bằng cách nào khác. Nhưng, dẫu vậy đi chăng nữa, vị trí thống ngự của thơ ở đất nước chúng tôi từ lâu đã nằm trong tâm thức của tôi, điều đó càng đúng bởi chính tôi sinh ra đã là nhà thơ và suốt đời vẫn là nhà thơ.
Tôi cảm thấy bất an bởi nỗi hoài nghi rằng sự thiên vị và tình yêu ấy với thơ ca, với tính trữ tình có thể là biểu hiện của không gì khác ngoài điều ta có thể gọi là một trạng thái của tâm thức. Dù nghệ thuật trữ tình có khả năng đi sâu vào hiện thực bao nhiêu đi nữa, dù khả năng nhìn thấu vạn vật của nó có giàu có và đa dạng đến đâu đi nữa, và dù nó có thể phát lộ đồng thời sáng tạo những chiều kích nội tại của bản tính con người một cách kỳ diệu đến nhường nào đi nữa, nó vẫn cứ là một cảnh giới của giác quan và xúc cảm; giác quan và xúc cảm nuôi dưỡng nó, và ngược lại: nó phát ngôn với giác quan và xúc cảm.
Liệu vị trí chủ đạo đó của chủ nghĩa trữ tình, vốn chú trọng đến giác quan và xúc cảm, cũng đồng thời có nghĩa là lý trí, vốn chủ về phân tích, hoài nghi và phê phán, bị đẩy xuống hàng thứ yếu không? Hơn nữa, liệu điều đó có nghĩa là ý chí, với tính năng động và bi tráng, không thể đạt đến sự diễn đạt đầy đủ toàn triệt của nó không?
Liệu một nền văn hóa định hướng một chiều đó có bị nguy cơ không có khả năng hoàn thành đầy đủ trách nhiệm của mình không? Một xã hội chủ yếu hoặc trước hết hướng đến trữ tình, liệu xã hội đó có luôn luôn đầy đủ sức mạnh để tự vệ và bảo đảm sự tồn tại không ngừng của mình không?
Thật ra, tôi không quá lo lắng về nguy cơ sao nhãng cái thành tố văn hóa dựa trên năng lực duy lý, cái thành tố nảy sinh từ sự phản ánh yếu tính và tương quan giữa các sự vật, và tự biểu đạt thông qua sự mô tả khách quan nhất khả dĩ về yếu tính và tương quan đó. Thành tố duy lý đó - với đặc trưng là gián cách với sự vật nhờ sự cân bằng tinh thần, bởi nó được lập trình sao cho không lệ thuộc vào tâm trạng và xúc cảm của tâm thức trữ tình lẫn những tình cảm mãnh liệt của tâm thức bi tráng -, cái thành tố duy lý đó không tự cho phép mình bị ru vào trạng thái bình an vô ngại; nhưng cùng lúc, nó chẳng vội hiến mình cho một mục tiêu đạo đức nào: trong nền văn minh vị lợi và thực dụng đầy lý tính của chúng ta, thành tố duy lý đó đã ăn sâu bén rễ trong nhu cầu hiểu biết, nhu cầu thâu thái và sử dụng tri thức của chúng ta. Thành tố duy lý đó đã tiến hóa một cách liên tục và tự phát ngay từ thời Phục hưng. Phải thừa nhận rằng, đôi khi người ta tiếp nhận nó một cách thiếu cảm thông, và thỉnh thoảng nó vấp phải những trở ngại bên ngoài. Song dẫu vậy, vị trí của nó trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta vẫn là vị trí chủ đạo, cho dù nó phải đối mặt những vấn đề lớn, bởi nó phải tìm một phương cách mới để tái tích hợp lối tư duy khái niệm của nó vào nền văn hóa của chúng ta và mang lại cho lý trí một dạng thức mới, bởi nó không thể vẫn cứ y nguyên là thứ lý trí của thời đại tiền công nghệ. Tôi biết rõ rằng thành tố lý trí này quan trọng không kém cả hai thành tố mà tôi đã nhắc ở trên. Tuy nhiên, dù có vậy đi nữa, ở đây tôi không muốn quan tâm đến nó với cùng một mức độ như những thành tố kia, bởi lối tư duy của nó - lối tư duy khái niệm - là không thiết yếu đối với nghệ thuật hoặc văn chương. Tôi muốn tự giới hạn trong hai trạng thái cùng cực của tâm thức mà từ đó một tác gia có thể bắt đầu sáng tạo. Những trạng thái đó có sự đồng vọng ở thái độ của người đọc và khán giả, và, qua đó, đến lượt mình ảnh hưởng đến tính cách của toàn thể dân tộc chúng tôi.
Ðiều làm tôi lo âu, đó là chúng tôi có thể hoặc thực sự thiếu cái bi tráng. Ngày nay, chúng tôi không hay gặp từ đó nữa. Và, nếu năm thì mười họa có dùng, chúng tôi cảm thấy một chút rụt rè nào đó. Chúng tôi cảm thấy từ đó như là cũ kỹ, sáo mòn, giống như những lời vang lên trong một nhà hát thời kỳ Lãng mạn - một cái gì lỗi thời, như thể nó chỉ là một kiểu hành ngôn nghèo nàn, cạn cợt và vô cảm. Hầu như chúng tôi đã quên mất rằng nó mô tả một trạng thái căng thẳng đầy bi kịch, một ý chí có mục đích, mạnh mẽ và bất chuyển, một nỗi khát khao - dĩ nhiên không phải khát khao bất cứ tài sản vật chất hay món hàng tiêu thụ nào - mà là khát khao công lý, khát khao sự thật. Bi tráng là một phẩm chất của chủ nghĩa anh hùng, và chủ nghĩa anh hùng là ý chí sẵn sàng gánh chịu đau đớn và khổ nhục, sẵn sàng hy sinh bản thân khi cần. Khi dùng từ chủ nghĩa anh hùng, dĩ nhiên tôi không nói đến chủ nghĩa anh hùng kiểu cũ trong sách lịch sử và giáo khoa nhà trường, chủ nghĩa anh hùng thời chiến, mà nói đến dạng thức đương thời của nó: một chủ nghĩa anh hùng không múa giáo khua gươm, một chủ nghĩa anh hùng không phô trương mà âm thầm, lặng lẽ, một chủ nghĩa anh hùng thực sự văn minh, [không võ biền, mà] đã trở nên đời thường; một chủ nghĩa anh hùng mang tính công dân.
Tôi tin rằng một nền văn hóa chỉ hoàn chỉnh, trưởng thành, có khả năng chịu đựng và phát triển chỉ khi nào bi tráng có một vị trí trong đó, nếu ta hiểu cái bi tráng, nếu ta cảm được cái bi tráng, và đặc biệt, nếu ta có khả năng bi tráng.
Ðiều gì dẫn tôi đến những ý nghĩ đó? Bi tráng, với chủ nghĩa anh hùng của nó, trên tất cả, là bất khả tư nghì, và sẽ không thật là chính nó nếu bên cạnh đó chúng ta không thấu hiểu sâu xa bản chất của sự vật, một sự thấu hiểu có tính phê phán và toàn diện, một sự thấu triệt khác với những gì mà ngay cả thơ ca nhạy cảm nhất có khả năng đạt tới; thơ ca, thơ trữ tình cần phải không phê phán, bởi vì nó thiếu sự gián cách; thực chất, hành ngôn thơ ca chỉ về một chủ thể là chính nó, không những thế là một chủ thể tuôn chảy với thời gian riêng của mình, một chủ thể hợp với đối tượng thành nhất thể. Bi tráng sẽ không là bi tráng nếu [nó] không xuất phát từ một nhận thức sâu xa về thực tánh của xung đột giữa cái đang là và cái phải là. Ðể một xã hội có khả năng bi tráng, và để nền văn hóa của nó hoàn thiện, xã hội đó phải hiểu thời đại mình theo một cách khác ngoài cách hiểu trữ tình. Và, nếu xã hội không có khả năng bi tráng, nó không sẵn sàng đấu tranh hoặc hy sinh.
Chỉ có văn học - vốn dĩ, ngoài văn hóa tư duy khái niệm, văn hóa của lý trí, không chỉ có cái trữ tình mà còn có cái bi tráng, còn có chính kịch, còn có nền bi kịch sống động của mình -, chỉ văn học mới có thể mang lại đủ sức mạnh tinh thần và đạo đức để vượt qua những vấn đề mà xã hội thường xuyên phải đối mặt. Chỉ trong nghệ thuật bi kịch, xã hội mới tạo ra và tìm thấy những mẫu hình thái độ trước những vấn đề đạo đức và chính trị cốt yếu, mới học được cách giải quyết những vấn đề đó một cách nhất quán, chứ không do dự nửa vời. Chỉ nghệ thuật bi kịch, với những xung đột dữ dội giữa lợi ích và giá trị, mới [có thể] thức tỉnh, phát triển và nuôi dưỡng trong ta khía cạnh xã hội của bản thể chúng ta; nó làm chúng ta thực sự là thành viên của cộng đồng và cho ta cơ hội từ bỏ sự cô đơn của chúng ta. Chỉ nghệ thuật bi kịch - vốn dĩ khác với trữ tình, cái "nghệ thuật của cô đơn" kia - có khả năng mài sắc khả năng của chúng ta trong việc phân định giữa cái cốt tủy và cái không cốt tủy từ góc độ xã hội; chỉ nghệ thuật bi kịch mới dạy cho ta nhìn thấy chiến thắng trong thất bại và thất bại trong chiến thắng.
Vì vậy, nhìn quanh mình, tôi thấy ấm lòng bởi thiện ý của những người yêu thơ, tôi muốn là chứng nhân không phải cho cái chết của bi kịch, mà cho sự tái sinh của bi kịch như là kết quả trạng thái tâm thức bi tráng, những trạng thái cảm xúc mạnh mẽ của nó. Bởi, một cái gì đó đã bắt đầu chuyển động trong chúng tôi, và chúng tôi bắt đầu mong muốn những gì mình coi là chính đáng và chống lại những gì vẫn cứ tồn tại dẫu không nên tồn tại.
Trong khi trạng thái tâm thức trữ tình là trạng thái của một cá nhân độc lập, tự biện minh với cái ngã nội tại của chính mình, hòa thuận và hợp nhất cùng đối tượng, trạng thái bi tráng lại không cảm thấy sự thống nhất giữa chủ thể và đối tượng. Trạng thái bi tráng sinh ra từ một sự căng thẳng giữa thực tại và cái ngã, ý niệm của cái tôi về cái thực tại phải là, và do đó, là sự căng thẳng giữa quyền lực và lý trí, giữa chính trị và đạo đức. Trạng thái trữ tình không phân biệt giữa cái đang là và cái phải là. Nó thờ ơ với chủ thể trữ tình, cho dù tưởng tượng của nó được châm ngòi bởi thực tại hay hư cấu, bởi sự thật hay những ảo ảnh của trí tưởng tượng; ảo ảnh cũng là thực đối với tưởng tượng giống như thực tại có thể là ảo ảnh đối với tưởng tượng. Trạng thái trữ tình không quan tâm đến những khác biệt đó; nó không đối lập những khác biệt đó với nhau, cũng không tự thấy mình đối nghịch với những khác biệt đó. Cái ngã bi tráng thì không chỉ thấy những khác biệt đó, mà còn cảm nhận mình đối nghịch với những khác biệt đó; nó nhìn thấy hai lựa chọn, hai khả năng dàn mặt đối đầu nhau, và nó thấy mình bị cuốn vào sự căng thẳng giữa chúng. Chính sự căng thẳng này làm cái ngã vận động. Vận động đó được khởi nguồn bởi lo âu, bất bình, không thỏa ý; mục đích của nó là đạt được hoặc đưa tới một trạng thái hợp lý, tự nhiên, dễ chịu - trạng thái đó mang dạng thức lẽ phải, công lý, tự do và phẩm giá con người.
Sự lớn lao và có ý nghĩa về đạo đức trong vận động đó của bi tráng không hề thay đổi sự thực rằng mục tiêu của nó ngày càng xa hơn và vĩnh viễn ngày càng xa hơn nữa, và rằng, không một hợp âm nào trong bản hòa âm mà bi tráng kiếm tìm một cách nhiệt thành đến thế sẽ là hợp âm sau rốt. Vận động của bi tráng là một cái gì tương ứng với những dự định của cảm xúc thẩm mỹ ở chúng ta khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Cảm xúc này, cũng vậy, luôn luôn nỗ lực - một cách vô ích - hầu đạt tới sự thông hiểu sâu rộng và toàn triệt về giá trị của tác phẩm trong sự giàu có vô tận của nó và tận hưởng cấu trúc và hình thái tư tưởng của tác phẩm; nó tìm cách đạt tới một trạng thái mà ở đó niềm hân hoan trước tác phẩm nghệ thuật và niềm vui của con người khi trải nghiệm niềm hân hoan đó đều cực đại và trường cửu.
Bi tráng luôn luôn tiến trước một bước; nó không đứng trên mảnh đất ngày hôm nay; nó sống nhờ nguồn dưỡng chất khác chứ không phải là mật hoa của khoảnh khắc hiện tại; và do đó, nó có thể đi trước. Nó có thể tự kiểm soát, tự khép vào kỷ luật, có thể khắc kỷ theo đúng nghĩa của từ - hoàn toàn không phải vì nó phải làm vậy; mà là trên cơ sở quyết định tự do của chính nó; nó biết vì sao nó làm vậy. Hoàn toàn chẳng có gì khó khăn trong việc này đối với nó. Chỉ đơn giản là, nó không có khả năng hờ hững và lãnh đạm. Và tạ ơn Chúa vì điều đó. Bởì nếu không, xã hội sẽ trở thành bế tắc, rơi vào ngõ cụt; sự thật sẽ biến thành nàng hầu trong tay quyền lực, lẽ phải thành công cụ của sức mạnh bạo tàn - hay đúng hơn, nó sẽ trở thành sai trái, bất công. Sự thật đã không thủ thắng, đang không thủ thắng, và sẽ không thủ thắng nếu không có bi tráng. Ðôi khi, dù có bi tráng, sự thật vẫn không thủ thắng. Nhưng trong trường hợp đó, bi tráng vẫn chuyển một thất bại - vốn thường được coi như một thảm họa tự nhiên, một biến cố định mệnh, dấu chấm hết - thành một cái gì hơn thế. Từ thất bại, bi tráng biến thành hy sinh; nó nâng thất bại lên, làm thất bại trở nên một sự kiện cấu thành một thực thể lớn lao hơn, một sự kiện đã và đang giữ nguyên ý nghĩa của mình và vẫn đang thực thi nhiệm vụ của nó như một phần của vận động hướng về mục tiêu lẽ ra đã đạt được và có lẽ sẽ đạt được một ngày nào đó. Chừng nào còn giữ lòng bi tráng, chúng ta còn hy vọng. Không gì chinh phục được bi tráng; nó sống lâu hơn những gì ngăn trở nó. Cả bi tráng của cá nhân và bi tráng của các dân tộc đều vượt qua những gì ngăn trở nó, với sự nghiêm túc, lòng kiêu hãnh và phẩm giá. Nó cao hơn thất bại. Như thế, nó vừa cao quý vừa khiến con người cao quý. Cao quý và khiến con người cao quý, ngay cả khi nếu không có cao quý thì lẽ ra chỉ còn chỗ cho tuyệt vọng và đau khổ.
Nhưng giờ đây, khi tôi đã nói ra điều đó, cái điều đã canh cánh trong tôi suốt một thời gian dài, và đã trút được khỏi mình những ưu tư, tôi cảm thấy không chỉ bị thôi thúc, mà còn có quyền trở lại vấn đề chủ nghĩa trữ tình và trạng thái tâm thức trữ tình.
Tôi có vài lý do để làm điều đó. Tôi bẩm sinh là một nhà trữ tình và đã luôn luôn như thế. Trọn đời, tôi đã hân thưởng trạng thái tâm thức trữ tình của mình, và sẽ là bất nghĩa nếu tôi không thừa nhận điều đó. Tôi có một nhu cầu biện minh và bảo vệ trước chính tôi cái thái độ cơ bản đó của mình, dẫu rằng tôi biết, thơ tôi thường vang lên những âm hưởng mang sự bi tráng của riêng chúng. Nói cho cùng, ngay cả tính dịu dàng cũng có thể có bi tráng; nỗi đau của tôi có bi tráng; nỗi âu lo và nỗi sợ của tôi cũng không khác.
Nhưng tôi muốn làm một cái gì hơn thế. Tôi muốn lý giải trạng thái tâm thức trữ tình. Tôi muốn bảo vệ thái độ này đối với cuộc sống, nhấn mạnh những lợi thế của nó, sau khi tôi đã thừa nhận lòng kính trọng của tôi đối với bi tráng. Làm điều đó, với tôi không chỉ là công bằng, mà còn tuyệt đối cần thiết. Và ở đây tôi không chỉ muốn nhắc đến kiểu nhấn mạnh đã quá thừa rằng, ngay từ thời đại Khai sáng, nền văn hóa truyền thống của chúng ta đã áp dụng lối tư duy bằng khái niệm duy lý, lối tư duy mà (cùng với sự phát triển của ý chí ta) đã đưa ta đến tình trạng xã hội không như ý ngày nay, một xã hội trong đó ta cảm thấy cần phải thay đổi, cần phải tìm những cách khác để hiểu những vấn đề của mình - chủ yếu là, trước tình trạng vận dụng ý chí và khuynh hướng khoét sâu những bất đồng thành những xung đột thảm khốc ngày ngày diễn ra trước mắt chúng ta. Ðiều này với tôi thật cần thiết, bởi thái độ ứng xử hiếu thắng ngày một gia tăng trong các quan hệ xã hội của chúng ta - cho dẫu đó là thói hiếu thắng vẫn còn mang vài cung cách của cái bi tráng hay là loại hiếu thắng chỉ mang trong mình tính hủy diệt và hoàn toàn không có khả năng bi tráng. Tôi muốn làm sáng tỏ những lợi thế đặc biệt của tính trữ tình trong chính những hoàn cảnh của thời đại chúng ta.
Bởi vì, trong khi trạng thái tâm thức bi tráng nôn nóng và sục sôi nhiệt huyết, luôn nỗ lực tìm cách làm chủ một hoàn cảnh không như ý và thường thành công trong việc đó bằng một sự chính trực dẫu đầy thiện chí nhưng dù sao đi nữa vẫn một chiều, thì trạng thái trữ tình là một trạng thái không có sự dụng tâm hay dụng chí; nó là một trạng thái thanh bình, không kiên nhẫn cũng không nôn nóng, một trạng thái lặng lẽ trải nghiệm những giá trị mà trên đó con người đặt những nền móng sâu xa nhất, chủ yếu nhất và cốt tử nhất cho sự cân bằng của y và khả năng cư trú của y ở thế giới này; cư trú ở thế giới này bằng cách duy nhất khả dĩ, nghĩa là, một cách nên thơ, một cách trữ tình, mượn cách nói của Hoederlin.
Bi tráng kích thích ta và ăn mòn ta; nó có khả năng - trong nỗi lo âu của ta và trong nỗi khát khao thực hiện lý tưởng của ta - dẫn ta đến sự hy sinh và tự hủy. Trữ tình giữ ta trong vòng ôm âu yếm. Thay vì nhận thức một xung đột giữa các thế lực, ta cảm thấy một niềm vui dễ chịu trong sự cân bằng giữa các thế lực, niềm vui đó đẩy chúng ra ngoài chân trời của chúng ta và kết quả là ta không cảm thấy sức nặng của chúng. Thay vì va vào những góc cạnh của thế giới quanh ta, ta trôi cùng nó và hợp thành nhất thể.
Bi tráng luôn luôn có đối thủ: bản tính của nó là năng động, hiếu thắng. Trong trạng thái trữ tình, con người không cần ai khác. Và, nếu trong sự cô đơn, con người hướng đến một ai khác và cất lời với người đó, thì người đó không phải kẻ thù của hắn. Trong hoàn cảnh như vậy, dường như đối thể của con người - dù là thiên nhiên, xã hội, hay một người khác - là một phần của chính hắn, chỉ là một kẻ tham gia khác trong độc thoại trữ tình. Cái mà lẽ ra đối kháng với ta, ta để nó tràn ngập ta, trong khi, cùng lúc, chính ta cũng tràn ngập nó. Ta chú tâm lắng nghe những gì ở quanh ta, và chính bằng cách đó, ta tìm thấy chính mình. Và như thế, ta đạt tới bản nguyên chân thực nhất và sự toàn vẹn viên mãn nhất của mình. Và trong chính việc xả kỷ đó, ta tìm thấy bình an.
Bi tráng là tích cực: nó tranh đấu để đạt tới một mục tiêu định sẵn. Trong trạng thái trữ tình, ta không cần đạt tới một cái gì; ta trải nghiệm những gì hiện có, ta hiến mình cho hiện tại và những gì hiện hữu, cho dù hiện hữu đó cũng có thể bao hàm ký ức về quá khứ. Ðây không phải là kết quả một sự thờ ơ về đạo đức. Ðơn giản là, chúng ta di chuyển trên - hay đúng hơn, chiếm lĩnh - một bình diện khác; ta ở trong một vị trí khác trong suy nghĩ, cảm nhận và mong muốn: một vị trí mà ở đó ý chí không hoạt dụng. Ðó hoàn toàn không có nghĩa là vắng mặt; đó chỉ là, ta không quan tâm đến việc đạt được kết quả.
Trong khi bi tráng phải dồn sức mạnh vào hành vi của mình và có khả năng bạo lực, năng động, thì đối thể của nó - thơ ca, tính trữ tình - không dụng sức. Nó phi bạo lực và không cần dùng sức để buộc mình tĩnh lặng. Nó mở rộng vòng tay [tin cậy], không phòng thủ, và đó là cử chỉ của yêu thương. Nó không bị dằn vặt bởi những băn khoăn trí tuệ lẫn những âu lo của đam mê; nó không ganh đua với thời gian. Nó có khả năng thách thức - có thể nói như vậy - bước đi của thời gian, và, trong những khoảnh khắc đẹp nhất của mình, hợp nhất với thời gian trong một sự bất động mà ở đó chỉ một điều đáng kể: sao cho nó trường tồn.
Thái độ trữ tình không có ý muốn thuyết phục người khác. Nó chỉ gợi ra cho họ một cơ hội tham dự vào điều chính nó cảm nhận và trải nghiệm. Không hơn không kém. Thậm chí, nó chẳng đi xa đến mức có một quan điểm riêng. Nó không có khoảng cách; chung quy, nó hợp nhất với dòng chảy cuộc sống. Và một khi không có quan điểm, nó càng ít có khả năng dính líu vào tranh luận.
Nhưng có lẽ người ta vẫn có thể tiến thêm một bước để đặt câu hỏi về khả năng ảnh hưởng của trạng thái tâm thức trữ tình đối với nền kinh tế, sinh thái hay chính trị chẳng hạn. Thêm vào đó, ta còn có thể đặt câu hỏi về sự tham dự của trạng thái tâm thức trữ tình vào việc biến cải triệt để ý thức con người nói chung, vào những thay đổi khả dĩ trong cách nhìn và cảm nhận của nhân loại (những thay đổi thường được coi là cần thiết); người ta có thể hỏi liệu có nên thay những mẫu hình ứng xử truyền thống bằng những mẫu hình khác không (xét vì chúng không tương xứng với những vấn đề của ngày hôm nay). Người ta có thể đặt câu hỏi về vai trò của tính trữ tình trong một chuyển dịch khả dĩ từ tư duy khái niệm (das begriffliche Denken) sang nhận thức lý tính (vernünftige Wahrnehmung, Vernunft-Wahrnehmung) một khi ta đã bước vào trạng thái mà C.F. Weiszacker (trong cuốn Ðường đến nơi nguy hiểm, Wege in der Gefahr, trang 258) đã mô tả như sau: "Chúng ta đã kiểu thức hóa xã hội chúng ta theo một cách không phù hợp với cả sự lĩnh hội cảm xúc lẫn sự lĩnh hội lý trí. Hậu quả là sự tan rã của cảm xúc và sự câm nín của lý trí
[1] ."
Trạng thái tâm thức trữ tình có khả năng - cho dù điều này có vẻ nghịch lý đến đâu - dự phần như một trong những động lực đưa nền văn minh của chúng ta trở về với sự minh triết; chẳng hạn, nó có khả năng góp phần vào việc dẫn đạo nền công nghệ theo một cách mới bằng lý trí: một lý trí mà, một cách tự nhiên, thống hợp với đời sống và tự nhiên theo những cách khác với bằng trừu tượng duy lý - nói cách khác, là một lý trí khác với lý trí hiện thời của chúng ta, một lý trí vị lợi và dựa trên tư duy khái niệm.
Trạng thái tâm thức trữ tình cũng là một nhân tố điều hòa trong tinh thần năng động và hiếu thắng của chúng ta, trong ý chí tự khẳng định quá cao độ của chúng ta. Phải thừa nhận rằng, tính năng động và ý chí của chúng ta - trong bối cảnh nền văn hóa tư duy khái niệm - đã là nguồn gốc sự tiến bộ về công nghệ và kinh tế, của các cuộc cách mạng công nghiệp, và do đó, cũng là nguồn gốc quyền lực và ảnh hưởng của chúng ta trong thế giới. Nhưng tinh thần đó cũng mang lại cùng nó những vấn đề và phương diện tiêu cực khác của thời đại chúng ta, và những thành tựu đạt được nhờ tinh thần năng động và hiếu thắng đó càng lớn thì những vấn đề và phương diện đó càng rõ rệt. Nó là tinh thần của chinh phục và chiếm lĩnh, tinh thần muốn nắm quyền cai quản thiên nhiên cũng như con người, các dân tộc và các nền văn minh, tinh thần của ý chí được duy lý hóa muốn thống trị tự nhiên và nhân loại. Nó là trạng thái tâm thức mà trong đó ý chí ta đòi làm chủ bất cứ cái gì có thể, thủ đắc của cải và tài sản thay vì cho phép ta tìm thấy niềm vui trong sự vật mà không buộc chúng vào vòng cương tỏa của ta. ý chí quá mạnh này, sở dĩ có thể được cân bằng, được chế ngự và dẫn đến những thái độ khác ngoài thái độ ham hố và hiếu thắng, chính là nhờ trạng thái trữ tình của ý chí vô sở cầu (non-committed will). Như E.F.Schumacher đã viết (trong cuốn sách Nhỏ là Ðẹp (Small Is Beautiful) của ông, trang 27): "Một kẻ bị dẫn dắt bởi lòng tham hay ghen tị là kẻ đánh mất quyền năng nhìn thấy sự vật như chúng thật là, hoặc thấy sự vật trong sự tròn đầy và toàn vẹn của chúng, và chính thành công của y trở thành thất bại. Nếu toàn xã hội bị nhiễm thói xấu này, nó có thể làm ra những điều thật sự đáng kinh ngạc, nhưng nó sẽ ngày càng không có khả năng giải quyết những vấn đề sơ đẳng nhất của hiện hữu hàng ngày."
Chẳng phải vì vậy mà, ngoài nhu cầu có những giá trị mới như nhiều nhà văn thường nhắc tới, trạng thái tâm thức trữ tình, vốn bắt rễ trong sự thống nhất với tự nhiên và thế giới quanh ta, cũng là một trong những nguồn khả dĩ cho sự thay đổi nội tại ở con người và do đó, cũng là một trong những cách dẫn con người thoát khỏi vị trí chông chênh của kẻ thống trị tự phong, kẻ tự đặt mình bên ngoài tự nhiên, cao hơn tự nhiên và đối lập với tự nhiên? Chẳng phải trạng thái tâm thức trữ tình là một công cụ khả dĩ để con người vượt qua ý niệm rằng tự nhiên là một cái gì được dâng nạp cho y, dâng nạp cho sức mạnh và tài trí của y để y có thể biến mình thành chúa tể tự nhiên, đối xử với tự nhiên như một con mồi và sử dụng nó nhằm thỏa mãn bản năng sở hữu không bao giờ thỏa của y? Và chẳng phải, cuối cùng, trạng thái tâm thức trữ tình chính là sự thay đổi trong quan hệ của ta với đời sống, sự thay đổi mà Heidegger đòi hỏi? Sự thay đổi có nghĩa là chúng ta cho phép đời sống được tự nhiên là nó, sao cho, chung cuộc, chính đời sống sẽ tự nói với ta và phát lộ nó cho ta trong yếu tính đầy ý nghĩa của mình, một cách sao cho yếu tính đó có thể hiểu được đối với ta?
Liệu người ta có thể không thấy tính trữ tình là đối cực của sự sùng bái sức mạnh và vũ lực, và, một cách hoàn toàn tự nhiên, là một phương cách điều chỉnh xu hướng giải quyết mọi vấn đề của xã hội bằng vũ lực và thông qua đấu tranh quyền lực, thông qua sức mạnh công nghệ, tài chính, cơ cấu, chính trị và thể chất, một sức mạnh mà, trong bất cứ trường hợp nào, rốt cuộc chỉ là sản phẩm của một nhận thức què quặt (ein Produkt unvollständiger Einsicht)? Và cũng chính bằng cách đó, người ta có thể đối lập nó với thói tôn sùng công việc và hiệu quả của chúng ta, với ý muốn thống trị và khai thác tự nhiên và con người luôn luôn ám ảnh chúng ta, đặc biệt là vì, sức mạnh thường nâng tính hiệu quả và việc hoàn thiện không ngừng các hệ thống quyền lực của nó thành những vấn đề hệ trọng nhất, ngay cả khi, dù với cách nhìn khách quan nhất đó cũng là những hệ thống hoàn toàn không mang tính thiết thực và chỉ có thể làm tròn nhiệm vụ của nó bằng cái giá là đánh mất phẩm giá con người, với cái giá là sự tổn thất không chỉ trong nghĩa vật chất mà cả trong nghĩa đạo đức - với cái giá là đánh mất sự hài hòa trong chính con người và quan hệ hài hòa giữa các dân tộc.
Nhiều người biết rõ rằng cái bản năng sở hữu ngày càng mạnh mẽ đó - sự chú trọng ngày càng mạnh mẽ đó vào việc chinh phục, bành trướng và khai thác - cần phải được kiềm chế và điều ngự, để cho những thiệt hại sinh ra từ hậu quả tiêu cực về xã hội của nó không trở thành lớn hơn những lợi ích nó mang lại. Nhưng, chỉ biết những tình hình đó, biết rằng chúng tồn tại, chưa đủ. Nếu cần một sự thay đổi trong căn để - và một sự thay đổi trong căn để, dĩ nhiên để thoát khỏi sự cố sức ngày càng gia tăng quyền lực của chúng ta và triển khai nó theo mọi hướng đồng thời chèn ép con người -, thì đó phải là sự thay đổi trong ý thức chúng ta, một sự thay đổi trong não trạng chúng ta. Và đó là sự thay đổi đã từng được mô tả rất đẹp rằng cái ta cần là "một cuộc cách mạng trong trí óc và con tim".
Tôi không muốn biến tính trữ tình, chưa nói đến thơ trữ tình, thành một thế lực chính trị hay một công cụ chính trị và tước khỏi thơ ca - hay nghệ thuật nói chung, cũng vậy - cái tác dụng đích thực, đặc hữu, không gì thay thế được của nó, cũng không muốn đặt tác dụng đó lệ thuộc vào những lợi ích khác. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy - và mạo muội nói ra - rằng trạng thái tâm thức trữ tình là một cái gì vượt xa ngoài ranh giới của thơ trữ tình và thơ ca nói chung - hay bản thân nghệ thuật, thực sự là vậy. ở đâu trạng thái tâm thức trữ tình có thể phát lộ một cách tích cực, nó có thể - một cách mới mẻ và xác quyết - in đậm dấu ấn lên nền văn hóa và toàn bộ các tổ chức xã hội nói chung. Nó sẽ có thể góp phần vào một sự cải hóa cần thiết và triệt để của ý thức, một quá trình đã bắt đầu chuyển động ở nhiều người hiện nay, nhiều nhất là ở các nghệ sĩ, ít nhất là ở những ai tự cho phép mình bị cuốn vào trò chơi chính trị. Bằng cách của mình, trạng thái tâm thức trữ tình sẽ có thể đảm đương một chức năng gần với chức năng của thiền định tôn giáo, vốn dĩ, tình cờ thay, luôn luôn gần gũi với trữ tình, nhưng lại quá đặc dị để có thể trở thành một phương tiện hay công cụ. Nó sẽ góp phần giúp con người đạt được khả năng và ước muốn "để cho ý chí trở thành tĩnh lặng và nhìn thấy ánh sáng, [cái ánh sáng vốn dĩ] chỉ hiển lộ khi ý chí tĩnh lặng"
[2] Cũng như thiền định, nó sẽ là "một trường học về sự lĩnh hội, sự trực nhận về Thực tại
[3] " (C.F.Weizsacker).
Không phải nền văn hóa nào cũng đảm đương được nhiệm vụ này. Ðặt hy vọng chỉ vào văn hóa - văn hóa theo nghĩa trau dồi và tinh lọc những gì ta thừa hưởng từ quá khứ - sẽ dẫn đến tuyệt vọng. Nó sẽ vẫn là nền văn hóa đó, nền văn hóa truyền thống của ý chí và lý trí cũ kỹ. Thậm chí, nếu ta muốn quên rằng nền văn hóa chúng ta đã từng không chỉ không biết tới khoan dung (cho dù có một niềm tin ngự trị rằng khoan dung cũng thuộc về văn hóa), rằng nền văn hóa chúng ta đã có thể nghiệt ngã, ngạo mạn và độc đoán, rằng nó đã có thể câm điếc với nhiều giá trị quan trọng, thiếu hiểu biết nhiều giá trị khác, và, mặt khác, áp đặt lên con người nhiều thứ hoàn toàn không có giá trị gì, ta vẫn không thể không thấy nền tảng các giá trị truyền thống của nền văn hóa đó đã hoàn toàn bị xói mòn.
Ngày nay, nhiệm vụ đó chỉ có thể thành tựu bởi một nền văn hóa mà điểm xuất phát là một trạng thái ý thức được điều chỉnh từ căn để, một trạng thái tâm thức khác. Và chính ở đây, tôi thấy một cơ hội lớn lao và một nhiệm vụ lớn lao cho tính trữ tình và thơ trữ tình, cho trạng thái tâm thức này, vốn đặc trưng ở sự thống hợp với tự nhiên, ở sự đồng cảm, sự cảm thông, và một ý chí vô sở đắc, vô sở cầu. Cho dù một thành tố phi lý tính đến như tình yêu sẽ đóng một vai trò trọng yếu trong nền văn hóa như vậy, sự minh triết trong nền văn hóa đó sẽ không thể nào lại kém hơn sự minh triết của nền văn hóa mà chúng ta phải đối mặt ngày nay.
Thậm chí, tôi muốn tuyên bố rằng chỉ chừng đó mới sẽ có nền văn hóa hạnh phúc, thật sự đầy lạc phúc, nền văn hóa lẽ ra cần như thế.
Và giờ đây, khi tôi nói ra điều đó, một câu hỏi khác lại đến trong trí tôi: một câu hỏi mà, trong phút này, đập vào tôi chỉ như một câu hỏi tu từ [không cần lời đáp]: có đúng là bi tráng vẫn còn mãi, và được tiếp thêm sinh lực nhờ chính cái viễn cảnh sự thấu hiểu sự vật một cách đầy phúc lạc đó, và viễn cảnh vạn sự sẽ được sắp xếp một cách minh triết như thế nào trên cơ sở sự tương thông? Trong một tinh thần "tình yêu như là trạng thái nhìn thấy của tâm thức, hủy bỏ đấu tranh sinh tồn" như C.F.Weiszacker đã diễn đạt? Chẳng phải bi tráng là một nỗ lực vượt ra ngoài cái bóng của chính mình, một nỗ lực trở về Arcadia, nơi mà cái lý tính, cái công bằng, và cái tự nhiên, cùng với thực tại là đồng nhất thể? Chẳng phải bi tráng chỉ là một nỗ lực trở lại cõi điền viên, nghĩa là, trở lại trạng thái mà ở đó ta không biết một thế lực nào xa lạ ở trên ta, nơi mà xung đột giữa cái đang là và cái phải là biến mất, một trạng thái nơi mà lý trí và sức mạnh, đạo đức và chính trị có thể ngồi với nhau chung bàn? Và sau hết, chẳng phải thiên đường đã mất mà bi tráng kiếm tìm cũng chính là thế giới của trữ tình sao? Chẳng phải chính thơ ca, thơ trữ tình là một trong những kẻ sáng tạo và diễn dịch cái viễn cảnh thiên đường đó hay sao?
Khi viết điều này, tôi thèm được ước rằng, thay vì đã là một nhà trữ tình bẩm sinh, phải chi tôi có thể trở thành nhà trữ tình bởi niềm tin: một nhà trữ tình do lựa chọn của chính mình.
© 2004 talawas
[1]Tiếng Ðức trong nguyên bản: "Wir haben unsere Gesellschaft in einer Weise stilisiert, die weder der Wahrnehmung der Affekte noch der Wahrnehmung der Vernunft entspricht. Die Folge ist eine Desintegration der Affekte und ein Verstummen der Vernunft."
[2]Tiếng Ðức trong nguyên bản: "den Willen still werden zu lassen und das Licht zu sehen, das sich erst bei still gewordenem Willen zeigt."
[3]Tiếng Ðức trong nguyên bản: "eine Schule der Wahrnehmung, des Kommenlassens der Wirklichkeit".