trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
13.5.2008
Vũ Quí Hạo Nhiên
Một bài học tự do ngôn luận
 
Một nhân vật hiện đang nổi tiếng tại California vì thành tích biểu tình cấm đoán báo chí, lại vừa học được một bài học thế nào là tự do ngôn luận chân chính.

Nhân vật đó là Đoàn Trọng, một người mới xuất hiện trên chính trường Little Saigon trong thời gian Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tới miền Nam California. Mặc dù trước chuyến viếng thăm của Chủ tịch Triết không ai biết Đoàn Trọng là ai, nhưng tới sau đó Đoàn Trọng trở thành một trong những nhà lãnh đạo trong cuộc biểu tình chống báo Việt Weekly.

Báo Việt Weekly bị người biểu tình lên án là cộng sản. Một trong lý do đoàn biểu tình đưa ra, là vì Việt Weekly đăng lại một bài viết lấy từ trang talawas của tác giả Hà Văn Thùy, trong đó ông Thùy ca ngợi Hồ Chí Minh như một Nghiêu Thuấn của Việt Nam.

Nổi tiếng với công trình biểu tình chống Việt Weekly được khoảng nửa năm, Đoàn Trọng xoay sang biểu tình chống báo Người Việt. Báo Người Việt cũng bị lên án là cộng sản. Trong cả hai cuộc biểu tình, chống Việt Weekly và chống báo Người Việt, đoàn biểu tình đều muốn chống đối cho tới khi tờ báo phải dẹp tiệm, hoặc không thì cho tới khi tờ báo tự “nhận tội là làm tay sai cho cộng sản” – cũng chả khác gì tự dẹp tiệm.

Biểu tình chống báo Người Việt dây dưa được hơn ba tháng, Đoàn Trọng bị cảnh sát bắt về tội xô đẩy một phóng viên báo Người Việt. Một ký giả tờ báo địa phương Orange County Register viết một bài phê bình vụ Người Việt, với tựa đề rất nặng: “Những người quấy rối tờ báo đều bệnh hoạn, ngu xuẩn”. Trong bài, ký giả này gọi những người biểu tình, trong đó có kể ra trường hợp Đoàn Trọng, là “những kẻ tự quấn vào mình lá cờ của một nước đã chết, để hành hạ những kẻ thù chính trị không có thật.”

Đoàn Trọng bèn đi gặp ký giả này, có vẻ như để làm “công tác địch vận” hay một chuyện giống giống như vậy. Ừ thì gặp. Đi ăn với Đoàn Trọng một bữa về, ký giả này bồi thêm một bài nữa, viết với giọng ngụ ý không tin những lời Đoàn Trọng nói. Sau khi lặp lại trong bài những lời nói của Đoàn Trọng, ký giả này kết luận, “Đó chính là lúc các hành vi của ông này trở thành đáng kinh tởm nhất.”

Đến lúc này thì Đoàn Trọng hết chỗ chạy. Địch vận với báo tiếng Anh không xong, Đoàn Trọng xoay qua tìm báo tiếng Việt bênh vực, thì chả thấy ai. Báo Người Việt đã có lệnh không đăng, không in, không cho phía biểu tình nói gì trên báo mình. Các báo khác cũng ớn những nhân vật này, chả ai muốn dây vào làm gì.

Quanh quất một hồi, Đoàn Trọng lại tìm thấy được cứu cánh ở một nơi không ngờ tới: Báo Việt Weekly.

Tờ báo từng bị Đoàn Trọng thề trù dập cho tới ngày phải dẹp tiệm, và tới nay vẫn còn bị biểu tình lai rai mỗi thứ Bảy, nay không những đồng ý phỏng vấn Đoàn Trọng, mà lại còn cho Đoàn Trọng ra ngay trang bìa.

Vậy hãy thử hỏi:

Nếu ngày trước, Đoàn Trọng mà thành công trong việc giựt sập báo Việt Weekly, thì ngày nay lấy ra báo nào để Đoàn Trọng phân trần?

Nếu Đoàn Trọng cấm được Việt Weekly, ngày nay Đoàn Trọng nói với ai?

Và đó là bài học tự do ngôn luận. Xưa nay, nhiều người vẫn hiểu tự do ngôn luận là muốn nói gì thì nói, muốn ngôn luận thế nào thì ngôn luận. Báo Việt Weekly muốn viết thì được viết, đoàn người chống đối muốn biểu tình thì được biểu tình.

Điều đó đúng, nhưng chỉ mới là bề nổi của tự do ngôn luận.

Bên trong của tự do ngôn luận, cái “tinh thần”, “tác phong”, “tư duy” tự do ngôn luận – là những thứ không ghi vào trong hiến pháp hay luật lệ, mà phải học bằng cách sống trong môi trường tự do ngôn luận rồi để cho nó ngấm vào người – còn cao hơn thế nữa

Tinh thần đó là thế này: Tôi có thể bất đồng với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ đấu tranh tới chết cho quyền bạn được nói điều đó.

Tinh thần tự do ngôn luận nằm ở chỗ: TA chỉ bảo đảm quyền được nói của TA ngày mai, nếu TA biết bảo đảm quyền được nói của ĐỊCH ngày hôm nay.

Và ngược lại: TA mà cứ thích cấm ĐỊCH không được nói, là thế nào cũng có ngày TA bị một tên ĐỊCH nào khác cấm nói. Đến lúc đó TA chỉ có thể trách TA được thôi!

Những ai còn nghĩ rằng một xã hội tự do dân chủ là nơi có thể “cấm” cái này, “cấm” cái kia, dù cái đó là “cộng sản” hay “cực đoan” hay gì gì đi nữa, cần suy nghĩ lại.

© 2008 talawas