trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
19.5.2008
Lại Nguyên Ân
Một văn kiện văn hoá chưa tìm thấy toàn văn
 
Sự việc này tôi đã nêu ra trên báo từ nhiều năm trước, nhưng có vẻ như các chuyên gia và các cơ quan hữu quan vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi âm khả quan nào, vì vậy nay tôi lại xin nhắc lại.

Văn kiện mà tôi muốn nói đến, đó là bài diễn văn của Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong phiên khai mạc Hội nghị Văn hoá Toàn quốc (lần thứ nhất) buổi sáng ngày 24/11/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Xin được lưu ý là việc mở Hội nghị Văn hoá Toàn quốc là nỗ lực của giới hoạt động văn hoá Việt Nam noi theo cách làm của giới hoạt động văn hoá châu Âu, trước hết là giới văn nghệ sĩ trí thức Pháp, sau khi Thế chiến II kết thúc, nhằm huy động mọi đề xuất sáng kiến chấn hưng văn hoá đất nước. Hội nghị Văn hoá Toàn quốc (lần thứ nhất) dự kiến làm việc trong 3 ngày, nhưng do không khí chiến sự căng thẳng tại Hải Phòng và Hà Nội khi ấy nên hội nghị bế mạc ngay sau một ngày thảo luận (24/11/1946). Tiếp đó cuộc kháng chiến bùng nổ ở Hà Nội và lan rộng ra cả nước. Đến mùa xuân 1948 tại chiến khu Việt Bắc, các đại biểu của giới văn hoá kháng chiến mới có thể họp Hội nghị Văn hoá Toàn quốc lần thứ hai (từ 16 đến 29/4/1948). Sang đầu những năm 1950, mô hình văn hoá kháng chiến có sự điều chỉnh, hình thức “hội nghị văn hoá toàn quốc” không còn được sử dụng nữa.

Văn bản bài diễn văn của Hồ Chí Minh trong phiên khai mạc Hội nghị Văn hoá Toàn quốc (lần thứ nhất) sáng 24/11/1946 nay không thấy có trong các tập Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch xuất bản từ những năm 1960-1980, cũng không thấy có trong các sưu tập tư liệu về đường lối văn hoá văn nghệ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xuất bản từ trước đến nay. Trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập xuất bản gần đây (Nxb. Chính trị Quốc gia, in lần thứ hai, Hà Nội, 1995), tập 4 là tập bao gồm các trứ tác của Hồ Chí Minh trong các năm 1945-1946, ở đây chỉ tìm thấy một đoạn nhỏ rút từ bài diễn văn nói trên. Như vậy có thể thấy rằng toàn văn bài diễn văn nói trên vẫn chưa được tìm thấy, hoặc nói chính xác hơn, toàn văn bài diễn văn nói trên vẫn chưa hề được công bố, tính đến hiện nay. Đây hẳn là một phần việc mà những cơ quan chuyên trách, những chuyên gia về tác gia Hồ Chí Minh cần tìm tòi thêm trong các nguồn tài liệu lưu trữ.

Rất có thể dấu vết hiện còn của bài diễn văn nói trên chính là bản tin tường thuật của báo Cứu quốc số 416 ra ngày 25/11/1946.

Dưới đây là phần đầu bài tường thuật ấy.

*


Vì tình thế, hội nghị văn hoá toàn quốc đã bế mạc sau một ngày thảo luận

Hồ Chủ tịch đã đọc một diễn văn khai mạc trong 40 phút;
Đã bầu xong một Uỷ ban Văn hoá Toàn quốc để tiến hành công việc

Hà Nội, 24-11-1946: Hội nghị Văn hoá Toàn quốc họp phiên khai mạc sáng nay vào hồi 9 giờ tại Nhà hát lớn.

Tới dự có cụ Hồ, Chủ tịch Chính phủ, Cụ chủ tịch Uỷ ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và mấy vị bộ trưởng. Các đại biểu, các nhà văn hoá toàn quốc có hơn 200 vị gồm cả Trung Nam Bắc.

Hồ Chủ tịch đọc diễn văn khai mạc. Mở đầu, Người nhắc lại khi Người sang Pháp vừa rồi, qua Ba-lê thì vào dịp có Hội nghị Văn hoá Toàn quốc Pháp. Các nhà văn hoá có nhã ý mời Người dự vào Đoàn Chủ tịch danh dự. Nhưng lúc bấy giờ chưa có cuộc đón tiếp chính thức của Chính phủ, nên Người không tiện nhận lời. Người chỉ viết một thư cảm ơn. Sau khi Hội nghị Văn hoá bế mạc, có 12 nhà văn hoá đàn ông và đàn bà Pháp đến thăm Người. Họ ngỏ ý, các nhà văn hoá Pháp hết sức tán thành nền độc lập của Việt Nam. Đồng thời họ nhờ Người chuyển lời chào thân ái về cho các nhà văn hoá Việt Nam.

Hồ Chủ tịch khiêm tốn nói rằng, Người sẽ chỉ nói đến văn hoá theo ý kiến và quan điểm của Người. Hồ Chủ tịch thiết tha mong muốn nền văn hoá mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

Người nói tiếp đến văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Ở đây Người nói qua về lịch sử của những ảnh hưởng đó. Và Người, Hồ Chủ tịch, đưa ra một câu hỏi: Ta nên theo văn hoá nào?

Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.

Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hoá có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.

Với xã hội, văn hoá phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng.

Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi.

Hồ Chủ tịch đã xét qua đến tình hình văn hoá Việt Nam sau cuộc Cách mạng tháng Tám. Văn chương, nghĩa là viết sách và tiểu thuyết, về phương diện lột cho hết tinh thần dân tộc, chưa một quyển nào đạt được.

Hồ Chủ tịch đặc biệt chú ý đến nhi đồng là đã tiến được về tinh thần, vật chất và văn hoá. Người thiết tha nói với các nhà văn hoá: Tôi tin văn hoá Việt Nam sẽ có một tương lai rực rỡ, tôi lại thay mặt nhi đồng kêu gọi các nhà văn hoá phải chú ý đến nhi đồng.

Để kết luận, Người nói: Tôi mong chúng ta đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.

(Tiếp theo là tường thuật về các nội dung khác trong phiên họp)

*


Trên đây là nhan đề và phần đầu bài tường thuật của phóng viên báo Cứu quốc. Phần tường thuật cho biết bài diễn văn của Hồ Chủ tịch khá dài (đọc trong 40 phút), nội dung súc tích, đề cập nhiều vấn đề cơ bản thuộc đường lối chính sách văn hoá. Trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946) chỉ có một đoạn trích được ban biên soạn bộ sách đặt tên là Các nhà văn hoá Việt Nam hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng với ghi chú ngay dưới nhan đề: “Phát biểu tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc họp ở Hà Nội ngày 24-11-1946”. Đoạn này (trong Toàn tập Hồ Chí Minh) gồm 5 câu, rút từ trang thiếu nhi (trang 2) báo Cứu quốc số 417 ra ngày 26/11/1946 (ban biên soạn Toàn tập Hồ Chí Minh có sửa về lời văn ở vài chỗ):

“Nhi đồng Việt Nam đã tiến bộ nhiều về văn hoá. Cứ xem như mỗi khi có công việc gì thích hợp để làm, các em đã làm rất tài tình. Ví dụ như cần tuyên truyền đời sống mới, cần chống nạn mù chữ, các em diễn được ngay những cái kịch ngắn, vui mà khéo biết bao. Hay là không biết có phải vì tôi thương nhi đồng mà tôi thấy thế?

Tôi xin thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam kêu gọi các nhà văn hoá hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”.

Đoạn trích trên đây là dấu tích duy nhất trong sách Toàn tập Hồ Chí Minh về việc Hồ Chủ tịch tới dự và đọc diễn văn tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc (lần thứ nhất) 24/11/1946. Đoạn trích này rõ ràng không phải là (và cũng không phản ánh được) toàn bộ nội dung quan trọng của bài diễn văn này, nhất là nếu chúng ta đã đọc bài tường thuật của báo Cứu quốc.

Không cần dài lời cũng thấy bài diễn văn Hồ Chí Minh đọc ngày 24/11/1946 tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc (lần thứ nhất) là một văn kiện quan trọng trong một sự kiện quan trọng. Văn kiện trên không chỉ quan trọng đối với tác gia Hồ Chí Minh (quan trọng đến mức lẽ ra không thể thiếu trong mọi bộ Toàn tập tác phẩm của tác gia này) mà còn quan trọng đối với một giai đoạn văn hoá sử Việt Nam ngay sau Cách mạng tháng Tám. Điều đáng tiếc là các chuyên gia về tác gia Hồ Chí Minh cũng như những cơ quan chuyên trách như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban biên soạn Toàn tập Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu chú ý đến mức để sót văn kiện quan trọng này. Thiết nghĩ , tìm lại và công bố lại văn kiện này là một việc mà các chuyên gia và cơ quan chuyên trách trên không nên bỏ qua.

Hà Nội , 5/ 5/2005
Nguồn: Ná»™i dung này đã đăng trên Nhân dân, khoảng năm 1997 và Văn nghệ, trong năm 2005.