trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
22.5.2008
Lý Khôi Việt
Lễ Phật đản và chủ đạo văn hoá – chính trị Việt Nam thời Sĩ Nhiếp
 
Tại nước ta, trong thời Sĩ Nhiếp, cách đây 18 thế kỷ, đã có những lễ hội Phật đản. Và vừa đây cũng đã diễn ra một lễ hội Phật đản vô cùng đặc biệt, lễ hội Phật đản Liên hiệp quốc hay còn gọi là lễ tam hợp Vesak, kỷ niệm ngày đức Phật ra đời, thành đạo và nhập niết bàn theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, được Liên hiệp quốc tôn vinh là ngày hoà bình thế giới, để vinh danh đức Phật, một vĩ nhân văn hoá, và vinh danh giáo pháp trí huệ, từ bi của Ngài. Đây là một vinh dự lớn, mà không một giáo chủ tôn giáo nào khác trên thế giới có được. Mỗi lễ hội Phật đản phản ảnh tình trạng Phật giáo và không khí văn hoá-chính trị của thời đại. Sau đây, qua lễ hội Phật đản, ta thử nhìn khái quát thời đại Sĩ Nhiếp để tạo chất liệu suy tư và niềm hứng khởi hành động trước những thách thức lớn lao và những chướng ngại cao ngất trời mà dân tộc ta đang phải đối diện, hầu khai phá một con đường mới cho sự phục hưng và thăng hoa đất nước. Phật giáo đã cứu độ và đưa dân tộc vượt thắng thời Bắc thuộc hơn 1.000 năm. Hôm nay, Phật giáo có thể giới thiệu một sinh lộ và cống hiến một sức bật dậy thần kỳ cho Việt Nam hay không?

Giáo sư Keith Weller Taylor, một học giả Hoa Kỳ chuyên viên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam của đại học Cornell, tác giả cuốn sách The Birth Of Vietnam (Sự khai sinh của Việt Nam) đã viết: “Sĩ Nhiếp là một nhà cai trị Phật giáo” - a Buddhist ruler [1] . Đây là một nhận xét độc đáo, vì các sử gia Việt Nam từ xưa đến nay đều coi Sĩ Nhiếp là một nhà nho, một bậc thầy sáng lập nền Nho học ở Việt Nam (“Nam giao học tổ”), hay tôn ông là “Sĩ Vương”, dù ông không xưng vương xưng đế gì, mà chỉ là một vị thứ sử cai trị nước ta trong thời nước ta lệ thuộc Trung Hoa. Giáo sư Taylor viết: “Toàn thể xã hội Việt-Hán (chỉ xã hội Việt Nam bị người Hán đô hộ trong thế kỷ thứ hai) đã hướng về ảnh hưởng của Phật giáo đến từ Ấn Độ bằng đường biển. Như vậy, vào cuối thế kỷ thứ hai, văn minh Ấn Độ đã trở thành một sự thay thế đầy quyến rũ cho văn minh Trung Hoa đang thoái trào, từ đó gây hứng khởi cho sự hình thành nước Lâm Ấp, và cho sự khai sinh của Phật giáo Việt Nam. Thành quả và sự vinh quang của xã hội Việt-Hán là thời đại Sĩ Nhiếp, thời đại mà trong suốt 40 năm, các gia đình Việt-Hán lớn đã thoát khỏi sự kiểm soát từ bên ngoài (tức từ triều đình Trung Hoa). Điều này đã trở thành một thời đại đáng tưởng niệm trong quá trình hình thành của nền văn minh Việt Nam” - a memorial age in the formation of Vietnamese civilization [2] .

Ở một đoạn khác, giáo sư Taylor viết: “Một điểm nổi bật của văn hoá Việt Nam đã hưng thịnh trong suốt thời kỳ Sĩ Nhiếp là Phật giáo...” [3] và “...có một xu hướng mạnh mẽ thiên về Phật giáo trong không gian văn hoá của Sĩ Nhiếp: ông bảo trợ các tăng sĩ Phật giáo, nhờ đó chính thống hoá sự cai trị của ông dưới mắt của mọi người dân đã tin tưởng tôn giáo mới này. Sự thiết lập các ngôi chùa Phật giáo để thờ các vị thần mang lại sự phồn thịnh trong nông nghiệp (ý chỉ các chùa Pháp Vân, Pháp Vũ....) đã chứng tỏ rằng đạo Phật đã xâm nhập một cách đáng kể trong nông dân. Như vậy, dưới cái nhìn của dân chúng, thì uy quyền của Sĩ Nhiếp được củng cố bởi vị thế của ông như là một nhà lãnh đạo Phật giáo” - Shih Hsied's authority was reinforced by his posture as a Buddhist ruler [4] .

Vị thế văn hoá-chính trị như một nhà lãnh đạo Phật giáo của Sĩ Nhiếp đã trở thành vị thế văn hoá-chính trị của những vị minh quân-anh hùng dân tộc đã khai sáng những thời đại độc lập và vinh quang cho đất nước Việt Nam, từ Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đến Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, và các chúa Nguyễn trong buổi đầu lập quốc và dựng nước ở Đàng Trong, như Nguyễn Hoàng (chúa Tiên), Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi), Nguyễn Phúc Lan (chúa Hiền), Nguyễn Phúc Tần (chúa Nghĩa), Nguyễn Phúc Chu (xứng đáng để được tôn vinh là chúa Phật). Nguyễn Phúc Chu là người đã đúc đại hồng chung nặng 3.285 ký ở chùa Linh Mụ và tự tay viết lời chú được khắc trên chuông: ta không muốn gì cho ta, cho triều đại ta, ta chỉ muốn mưa thuận gió hoà, quốc gia thái bình, nhân dân an lạc và tất cả mọi người đều thành Phật: “Quốc Chúa Đại Việt Nguyễn Phước Châu, nối dòng phái Thiền Tào Động chánh tông, đời thứ 30, pháp danh Hưng Long, đúc đại hồng chung cân nặng 3.285 cân, an trí ở chùa Linh Mụ, để vĩnh viễn cung phụng Tam Bảo, chú nguyện mưa hoà gió thuận, quốc thái dân an, chúng sanh trong pháp giới đều thành đại viên chủng trí. Năm Vĩnh Thịnh thứ sáu, ngày Phật đản tháng tư năm Canh Dần (1710)” [5] . Ðây quả thực là lời chú nguyện tuyệt vời của một vị quân vương Phật tử nhiệt thành, gương mẫu, siêu hùng, thoát tục, mở ra phương trời giải thoát cao rộng của chính trị Phật giáo.

Tương tự, giáo sư Lê Mạnh Thát cũng khẳng định trong tác phẩm Nghiên cứu về Mâu Tử: từ thế kỷ thứ hai, nghĩa là cách đây hơn 1.800 năm, Việt Nam đã có một chính quyền độc lập, và đây cũng là chính quyền mang đậm màu sắc Phật giáo, lấy Phật giáo làm chủ đạo văn hoá-chính trị của thời đại.

Nhiều người tưởng Sĩ Nhiếp là người Hoa. Thật ra, ông là người Việt 100%. Tổ tiên lâu đời của ông là người Tàu, gốc ở nước Lỗ, trong thời gian Vương Mãn cướp ngôi nhà Hán, vào đầu thế kỷ thứ nhất, mới sang Giao Chỉ lánh nạn và định cư hẳn ở nước ta, tại đất Quảng Tín, thuộc quận Thương Ngô, như một di dân. Đến đời thân phụ Sĩ Nhiếp là sáu đời, và đến đời Sĩ Nhiếp, vào cuối thế kỷ thứ hai, là đời thứ bảy, tổng cộng gần 200 năm. Triệu Đà là người Hoa 100%, nhưng chỉ vì ở lâu năm trên đất Việt, lấy vợ Việt, bị thu hút bởi nét quyến rũ của đất phương Nam, nên được Việt hoá và thành Việt 100% về văn hoá, ứng xử. Người Tàu miệt thị gọi dân Việt là Nam di, là người mọi rợ phương Nam, thì Triệu Đà, tức Nam Việt Vũ Đế, hay Nam Việt Vương, một người sống thọ đến 121 tuổi và làm vua hơn 70 năm, đã tự xưng là “Nam di đại trưởng lão” [6] trong thư trả lời Hán Vũ Đế. Con cái của những người Hoa di dân này, chỉ một đời, đã thành Việt, nói gì đến đời thứ bảy, vì hầu như tất cả người Hoa kiều đều lấy vợ Việt nên con cái của họ được Việt hoá rất nhanh. Sĩ Nhiếp đã trải qua bảy đời nên dứt khoát ông là người Việt, cũng giống như trường hợp của Lý Bí (tức Lý Nam Đế) hay Hồ Quý Ly và rất nhiều danh nhân người Việt gốc Hoa khác mà tổ tiên đã định cư lâu đời ở Việt Nam. Ðó cũng là lý do mà học giả Taylor đã dùng từ những “đại gia đình Việt-Hán”.

Sĩ Nhiếp tự là Uy Ngạn, sinh năm 137, mất năm 226. Cha là Sĩ Tứ thời Hán Hoàn Đế (147-167) từng được cử làm thái thú quận Nhật Nam, ở miền cực Nam của Giao Chỉ. Ông là một sinh viên xuất sắc và được gởi đi học ở Trường An, kinh đô nhà Hán. Ở đó ông đã đỗ bằng hiếu liêm, và được bổ làm thượng thư lang. Sau khi đỗ bằng mậu tài, ông được bổ làm thái thú quận Giao Chỉ.
Ở kinh sư Trường An, ông học với thầy Lưu Đào, người đất Dĩnh Xuyên, chuyên nghiên cứu về Tả Thị Xuân Thu. Sau thành tài trở về quê nhà xứ Việt, được bổ nhiệm đứng đầu quận Giao Chỉ, là quận đông dân nhất, quan trọng nhất, ở vị thế trung tâm của toàn cõi Giao Chỉ bộ, mà Thương Ngô, nơi ông sinh ra, và Nhật Nam, nơi cha ông từng làm thái thú, là hai vùng ngoại biên, phụ thuộc và quy hướng về. Không những là một nhà cai trị cao cấp, ông còn là một học giả và tác giả tên tuổi: “Việc quan chút rảnh, liền xem thơ truyện, Xuân Thu Tả Thị truyện lại càng luyện cứu tinh vi... nghe các học giả cổ và kim văn ở kinh đô cãi nhau phải trái quyết liệt, nay muốn liệt kê trường nghĩa của Thượng Thư và Tả Thị để dâng lên...” [7] . Ông xuất hiện như một quân vương-triết gia (philosopher-king), một lý tưởng lâu đời của chính trị Tây phương.

Như thế, ta thấy Sĩ Nhiếp được tiếp thu nền học vấn chính quy, tinh hoa từ thủ đô Trung Hoa và đạt đến mức cao cấp của nền giáo dục Nho học này. Không những thế, ông còn nghiên cứu sâu rộng về học thuật, tư tưởng, lịch sử, chính trị Trung Hoa, và viết sách diễn giảng, bình luận những vấn đề triết học, lịch sử, chính trị đương thời. Xem như thế đủ rõ là vào thế kỷ thứ 2, thứ 3, người Việt đã đạt đến trình độ học vấn, bằng cấp, trí tuệ không thua kém gì người Hán, cũng như đã có khả năng và được cử vào những chức vụ cao cấp. Trước Sĩ Nhiếp, đã có Lý Tiến, một người Việt, được cử làm thứ sử Giao Chỉ bộ, Lý Cầm được cử làm quan tư lệ hiệu úy, Trương Trọng làm thái thú Kinh Thành [8] ...

Sĩ Nhiếp là nhà lãnh đạo thành công nhất ở nước ta trong thời Bắc thuộc. Theo truyện Sĩ Nhiếp của Ngô Chí thì: “Nhiếp tính khoan hậu… sĩ nhân Trung Hoa đến tị nạn lên đến số trăm” [9] . Theo Mâu Tử, vào cuối thế kỷ thứ hai, sau khi Hán Linh Đế băng hà năm 189: “Thiên hạ nhiễu loạn, chỉ Giao Chỉ tạm yên, người tài phương Bắc đều đến đó ở” [10] . Không những là một nhân tài về học vấn, tư tưởng, Sĩ Nhiếp còn là một người đức độ, tiếng tăm vang dội đến Trung Hoa. Khi Trung Hoa rơi vào cảnh hỗn loạn thì những nhân tài Trung Hoa, mà Mâu Tử gọi là những “Bắc phương dị nhân”, vốn sẵn ngưỡng mộ, có giao du hay chỉ nghe tiếng, đã vượt ngàn dặm xa xôi, đến nước ta để hưởng cảnh thái bình, thịnh trị. Không những thế, Sĩ Nhiếp còn xây dựng Giao Chỉ thành một xứ tự chủ, yên ổn giữa cảnh đại loạn trên toàn đế quốc Trung Hoa.

Viên Huy, trong báo cáo gởi cho thượng thư lịnh Tuân Hoặc của thừa tướng Tào Tháo đã ca ngợi: “Sỹ phu quân của Giao Chỉ (tức Sĩ Nhiếp) học vấn đã ưu bác, lại thành công trong tùng chính, ở trong đại loạn, bảo toàn một quận, hơn 20 năm, cương trường vô sự, dân không thất nghiệp, bọn người lệ thuộc đều được nhờ ơn tuy Đậu Dung giữ Hà Tây há hơn được ư?....Đương thời quí trọng, chấn phục trăm Man, Úy Đà không đủ hơn...” [11]

Đậu Dung là một nhân vật đặc biệt, một trong những lãnh tụ Phật giáo đầu tiên ở Trung Hoa. Ông xây chùa lớn chứa được ba ngàn người, và nhân mùa Phật đản, làm tiệc đãi dân chúng dài trên 10 dặm đường. Còn Triệu Đà là người cha khai sáng nước Nam Việt, bao gồm toàn cõi Lĩnh Nam của Việt tộc, từ hồ Động Đình ở Hồ Nam đến Phù Nam, và đã làm cho đế quốc Trung Hoa phải khiếp sợ cầu hoà. Viên Huy so sánh Sĩ Nhiếp với Triệu Đà. Đây là một nhận định chính trị quan trọng trên hai điểm: 1) Triệu Đà đã xây dựng một nước Nam Việt độc lập, tự chủ đối với đế quốc Trung Hoa; và 2) Triệu Đà đã xây dựng một quốc gia riêng biệt, cường thịnh, uy thế lẫy lừng. Đây cũng là hai đặc tính nổi bật của chính quyền Sĩ Nhiếp và của nước ta trong thời đại Sĩ Nhiếp.

Tuy chỉ giữ chức thái thú đứng đầu quận Giao Chỉ, nhưng thật ra Sĩ Nhiếp, qua các người em, đã làm chủ toàn bộ cõi Lĩnh Nam, lãnh thổ truyền thống hình thành từ hàng ngàn năm trước đó của Việt tộc. Theo truyện Sĩ Nhiếp trong Ngô Chí: “...Thứ sử Giao Châu Chu Phù bị giặc mọi giết chết. Châu quận nhiễu loạn, Nhiếp dâng biểu xin cho Nhất (Sĩ Nhất, em Sĩ Nhiếp) giữ chức thái thú Hợp Phố, em kế Từ Văn Lịnh Vỹ giữ thái thú Cửu Chân, và em Vỹ là Vũ giữ thái thú Hải Nam. Đây là toàn bộ lãnh thổ của nước Nam Việt thời Triệu Đà, bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây. Và đây cũng chính là vùng “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” trong thời khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Mãi đến thời Tôn Quyền mới đổi Giao Chỉ thành Giao Châu, tách Quảng Đông, Quảng Tây ra khỏi đất Việt Nam và đặt tên mới là Quảng Châu. Từ đó Quảng Đông, Quảng Tây bị nuốt trọn vào đế quốc Trung Hoa. Tuy nhiên, đến ngày nay, nhiều người ở Lưỡng Quảng vẫn gọi vùng này là Việt Đông, Việt Tây.

Điểm đặc biệt là dù đã du học và thành đạt rực rỡ ở kinh đô nhà Hán, và dù giao du, tiếp xúc thân tình với những “Bắc phương dị nhân”, những nhân tài ưu tú nhất của Trung Hoa, nhưng cách sống, cách cai trị của Sĩ Nhiếp, một người Việt đã được Việt hoá đến bảy đời, khác hẳn văn hoá, tập tục nhà Hán, cũng không giống các thứ sử, thái thú trước đó hay sau này; trái lại, rất gần gũi phong thái của Triệu Đà, của các quân vương Việt Nam như Lê Đại Hành. Và có thêm một đặc điểm nữa mà không một vị vua nào ở vùng Đông Á (Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản) có được, vì phong thái của ông phảng phất phong thái của những vị quân vương Phật giáo của các xứ Đông Nam Á đã được Ấn Độ hoá và Phật hoá.

Ngô Chí đã ca ngợi, tôn vinh Sĩ Nhiếp tuyệt đỉnh, nhờ đó ngày nay ta mới có một tư liệu rất quý về Phật giáo thời Sĩ Nhiếp: “Anh em Nhiếp đều là người hùng các quận, làm trưởng một châu, riêng ở 10.000 dặm, uy tôn vô thượng (không có ai cao hơn). Ra vào đánh chuông khánh, đầy đủ uy nghi, kèn sáo cổ xuy, xe, ngựa đầy đường. Người Hồ theo sát xe đốt hương, thường có mười mấy người. Thê thiếp đi xe màn, đệ tử theo lính kỵ. Đương thời quý trọng, chấn phục trăm mọi. Úy (Triệu) Đà cũng không đủ hơn” [12] . Người Hồ là người Ấn Độ, thật sự đây là những vị sư Ấn Độ đến truyền bá đạo Phật và định cư ở Việt Nam. Người Hoa thời đó chưa biết nhiều đến Phật giáo và chưa thấy tăng sĩ Phật giáo nên chỉ gọi các nhà sư là người Hồ. Và điểm lầm lẫn quan trọng khác là họ diễn tả một cảnh rước Phật trong ngày lễ Phật đản, nhưng họ lại tưởng là một chuyến xuất hành của Sĩ Nhiếp.

Ngay tử buổi đầu du nhập, khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Phật giáo đã trực tiếp đến Việt Nam từ Ấn Độ bằng đường biển và hoàn toàn mang màu sắc của Phật giáo Ấn Độ thời Đức Phật, hay Phật giáo nguyên thủy, như các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Miến Điện, Thái Lan, Miên, Lào. Pháp Hiền, trong Phật Quốc Ký, đã ghi cảnh rước xe hoa, tượng Phật tại thành Pataliputra như sau: “Hàng năm thường vào ngày mùng tám tháng hai thì hành tượng. Làm xe bốn bánh... hình nó giống như một chiếc tháp... đều có Phật ngồi, bồ tát đứng hầu. Có thể có đến 20 xe... Vào ngày đó, đạo (tức tăng sĩ) tục (tức nam, nữ Phật tử và dân chúng) trong nước đều tập hợp lại ca hát nhảy múa, cúng dường hương hoa” [13] .

Xe hoa có hình Đức Phật rõ ràng là xe hoa trong ngày Phật đản. Pháp Hiền tả ngày lễ Phật Đản tại Vu Chân như sau mà thời đó gọi là ngày hành tượng (diễn hành tượng Phật): “Từ ngày mùng một tháng tư, trong thành quét tưới đường sá, trang hoàng các đường xóm... Vua rất kính trọng nên trước hết để hành tượng thì cách thành ba bốn dặm, làm một chiếc xe bốn bánh, cao hơn ba trượng, hình thù giống như hành điện, trang hoàng bảy báu, treo phan lộng có dệt hình, để tượng Phật đứng trong xe, hai bồ tát đứng hầu, làm hình chư thiên theo hầu... Tượng Phật cách cửa thành một trăm bộ, vua cất vương miện, thay mặc áo mới, đi chân không, cầm hoa hương, có người theo sau, ra thành đón tượng Phật, đầu mặt lạy xuống, rải hoa, đốt hương. Tượng Phật vào thành rồi, trên lầu cửa thành, phu nhân thể nữ rải các thứ hoa, lững lờ bay xuống... Mỗi chùa hành tượng Phật một ngày, bắt đầu từ ngày mồng một đầu tháng đến ngày 14 thì hành tượng Phật mới xong” [14] .

Ðây đúng là hình ảnh lễ Phật đản ở Huế, với lễ rước xe hoa chở hình Phật từ chùa Diệu Đế đến chùaTừ Đàm năm nay. Dọc hai bên đường dài bốn cây số được trang hoàng hàng vạn lá cờ Phật giáo, 50 ngàn chiếc lồng đèn hoa sen và có đến 70 chiếc xe hoa diễn hành trên con dường tâm linh và lịch sử này. Đây cũng là lễ Phật đản của thời Lý Trần với lễ rước tượng Phật từ chùa Dâu, tức chùa Pháp Vân, về chùa Báo Thiên [15] , ngôi chùa lớn nhất, lừng danh nhất của kinh thành Thăng Long với tháp Báo Thiên vĩ đại, hùng tráng soi bóng hồ Gươm.

Phật đản trong thời đại Phật giáo Lý Trần không thua kém, mà lại có phần huy hoàng hơn các quốc gia Phật giáo khác ở Đông Nam Á, nơi tôn Phật giáo làm quốc giáo. Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh mô tả đại lễ Phật đản đời Lý một cách trang trọng, diễm lệ như sau: “Nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an, bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật... tạo đội ngũ thiên vương ở bốn phương, nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa... Khói trầm đàn như mây toả khắp sơn khê, bóng cờ phướn như ráng phô đầy các ngõ. Chuông trống vang ầm, khánh tiêu rộn rã. Phía trước xe mây Tam Bảo, đằng sau kiệu báu thánh hoàng. Dốc nghiêng xanh tía sáu cung, về hết trẻ già muôn nước. Điện hoa vắt ngang phía trước, chùa Phật mở rộng bên trong. Hội tăng ni trai khiết, diễn Giác Đế chân kinh. Hoàng đế nghiêm trang đọc kệ, đoạn cúi đầu tạ lễ. Cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng sữa múa ca. Thổi cơm chay trắng muốt, thết khách đói qua đường, phát tiền quý ùn ùn, cấp dân nghèo khắp chốn. U hiển đều về, thiên long cùng đến, đem lực công tối thượng, phúc đức vô lường, ca ngợi hoàng cương vững bền như trời đất. Cầu mong bảo vận vằng vặc như trăng sao, sớm sinh thái tử, nối mãi mệnh trời. Mong gốc ngành muôn thủa, cầu xã tắc muôn năm. Cỏ lướt nhiều phương, quỳ nghiêng muôn nước” [16] .

Ngay từ thời Sĩ Nhiếp, Phật đản đã là một quốc lễ, theo nghĩa lễ hội của một số rất đông dân chúng, trên nhiều vùng, miền của đất nước, và có sự tham dự của người lãnh đạo cao nhất. Sĩ Nhiếp cũng bảo trợ, hộ trì Phật giáo như những vị quân vương Phật tử sau này. Cụ thể dưới thời ông, Phật giáo nước ta đã xây bốn ngôi chùa là các chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Nhưng dự lễ Phật đản, và hỗ trợ cho Phật giáo chưa đủ để Sĩ Nhiếp được ca ngợi là một “nhà lãnh đạo Phật giáo”. Để trở thành một minh quân Phật giáo đúng nghĩa, người lãnh đạo quốc gia phải có đủ 6 điều kiện sau: 1) tự mình tu tập và sống theo Phật pháp; 2) tôn trọng các quyền tự do, phẩm giá và quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân; 3) điều hành đất nước với lòng nhân từ, khoan dung, công bằng chính trực; 4) phục vụ dân chúng với tinh thần vô ngã, vị tha, quên mình vì người; 5) trị quốc trên nền tảng giáo lý trí huệ, từ bi, khai phóng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; và 6) bảo vệ, hỗ trợ toàn diện Phật giáo như một chủ đạo văn hoá-chính trị của quốc gia.

Sĩ Nhiếp có đủ ít nhất là ba trong sáu điền kiện trên. Dưới thời ông, dân chúng được quyền đọc, nói và viết, đúng như Tổng thống Hoa Kỳ Jefferson nói một cách ngắn gọn và rõ ràng: “Let us dare to read, to speak and to write” (Chúng ta hãy dám đọc, dám nói và dám viết). Nhờ đó, đã xuất hiện những tác phẩm giá trị của giới trí thức Việt Nam, cụ thể là tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử, phê bình nền móng của văn hoá đại Hán và văn hoá Nho giáo. Ông tuyên bố Trung Hoa không phải là trung tâm của thế giới, và Nho giáo như đuốc, Phật giáo như mặt trời “cũng như người chỉ thấy sông, suối mà chưa thấy biển mới thấy ánh sáng của đuốc, chưa thấy ánh sáng mặt trời” khi so ánh Khổng Mạnh với Phật giáo [17] . Ông còn so sánh đạo Phật với đạo Khổng, đạo Lão của Trung Hoa như sau: “Đạo Phật giống như giếng trời, Khổng, Lão giống như hang, khe; đạo Phật giống như mặt trời, Khổng, Lão chỉ là ngọn đuốc; đạo Phật là trái, là quả, Khổng Lão chỉ là hoa, lá...” [18] Đập vỡ tư tưởng bá quyền Trung Quốc là nước trung tâm của thế giới, Mâu Tử viết: “Ấn Độ mới thật là nằm giữa trời đất, và có địa vị trung hoà, vì vậy Phật đã ra đời nơi đó.” [19]

Lý hoặc luận được viết tại nước ta vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai, đầu thế kỷ thứ ba. Đây là tác phẩm Phật học và tôn giáo đối chiếu đầu tiên ở Đông Á. Chính trong không khí thời đại đượm nồng hương sắc Phật giáo, nhà cai trị Phật giáo Sĩ Nhiếp lẫy lừng, người sống thọ đến 90 tuổi, với tinh thần tự do, khoan dung, khai phóng của đạo Phật, đã mở ra một cõi trời an lạc trên nước ta, giữa cảnh đại loạn của đế quốc Trung Hoa.

Với tinh thần “Chúng ta hãy dám đọc, dám nói và dám viết”, Lý hoặc luận đã bẻ gãy những sự tấn công, xuyên tạc, ngộ nhận về Phật giáo, phê bình phá huỷ tận gốc và toàn diện tư tưởng đế quốc Đại Hán và học thuyết Khổng, Mạnh, tán dương, tuyên xưng đạo Phật đến cực điểm. Ðây là một sự cúng dường cao quý, một sự cống hiến tuyệt vời, không những cho Phật giáo Việt Nam, mà còn cho tổ quốc Việt Nam, đang dốc hết trí tuệ, tâm lực và cả sinh mạng để mưu cầu độc lập tự do. Đây là một trận đánh văn hoá và một trận chiến thắng văn hoá vĩ đại, mở đường cho những trận đánh và những trận chiến thắng về quân sự-chính trị sau này, ròng rã trong suốt cả gần hai ngàn năm.

Giữa đất trời thơm phức không khí hương trầm của các lễ hội Phật giáo, vang vọng tiếng chuông, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng khánh, vừa hào hùng, vừa thần bí này, những nhà trí thức ưu tú Việt Nam, như Mâu Tử, Tăng Hội , Sĩ Nhiếp, từ những vị trí, vai trò khác nhau, đã cùng đóng góp hết mình cho một sự nghiệp chung của dân tộc, trên một nền tảng chung là Phật giáo, đó là sự nghiệp giải phóng Việt Nam, về văn hoá cũng như về chính trị, khỏi sự thống trị của đế quốc Trung Hoa.

Không khí thời đại khoa dung, khai phóng, với sự ngự trị đầy quyến rũ của chủ đạo văn hoá-chính trị Phật giáo đã đưa Việt Nam thời Sĩ Nhiếp đạt đến một thành tựu lớn, đó là hình thành kỷ nguyên tam giáo đồng nguyên đầu tiên ở Đông Á, một kỷ nguyên mà cả ba tôn giáo lớn tại Đông Á là Nho, Phật, Lão cùng phát triển, hưng thịnh, trong đó Phật giáo đóng vai trò trung tâm và chủ đạo. Như một quy luật, chỉ khi nào Phật giáo hưng thịnh và có ưu thế, thì khi đó mới xuất hiện nền văn hoá tam giáo đồng nguyên. Do tính khoan dung, rộng mở, các nhà lãnh đạo Phật giáo đã sử dụng Nho giáo như một kỹ thuật học, một môn quản trị công quyền và công dân giáo dục để phát triển đất nước theo mô hình kiểu mẫu của Đông Á (mô hình Trung Hoa) trước khi Tây phương xuất hiện, nhưng vẫn giữ thế chủ động, sáng tạo đặc thù của Việt Nam, và không để cho Nho giáo trở thành linh hồn, quốc đạo của Đại Việt. Ngược lại, trong những thời Nho giáo có ưu thế, thì Phật giáo bị kỳ thị, đàn áp, văn hoá tam giáo đồng nguyên sụp đổ, đất nước rơi vào cảnh suy yếu, loạn lạc. Thời đại Phật giáo Lý Trần và sự hưng thịnh toàn diện của đất nước là một bằng chứng, và thời đại Nho giáo Lê, Nguyễn với sự độc tôn của Nho học và sự lụn bại, tan rã của Việt Nam trong các thế kỷ 16, 17, 18, 19 là một thí dụ rõ ràng.

Sĩ Nhiếp vừa cho mở trường dạy chữ Nho và Nho giáo (chính ông là một người thầy có hàng ngàn học trò theo học), vừa khoan dung và khuyến khích Lão giáo, đồng thời lại sùng mộ Phật giáo (cho xây chùa thờ Phật, trọng dụng giới tăng lữ). Đất Luy Lâu ở Thuận Thành, Hà Bắc, cũng là thủ phủ của quận Giao Chỉ và của toàn cõi Giao Chỉ bộ, trở thành một trung tâm trí thức, học thuật, văn hoá, thương mãi lớn với nhiều ngoại kiều đến cư ngụ, buôn bán, truyền đạo [20] . Ngoài ra, Luy lâu còn là trung tâm Phật giáo lớn nhất, lâu đời nhất ở Đông Á. Nước ta lại càng thêm hấp dẫn đối với giới trí thức Trung Hoa. Theo Bác vật chí, sĩ phu và dân chúng Trung Hoa “vượt biển sang Giao chỉ không bao giờ dứt” [21] .

Cuộc đời Sĩ Nhiếp thật hào hùng. Đây cũng là không khí chính trị, văn hoá, tôn giáo của thời đại tự do và khoan dung này: thời đại trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, mà nổi bật là Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo. Chính trên sự tranh đua với những tinh hoa sáng chói nhất của văn hoá Trung Hoa mà sự hưng thịnh của Phật giáo mới có một ý nghĩa đặc biệt: đó là sự vượt thắng sau những thử thách, cọ xát với những học thuyết, ý hệ đối nghịch do sức mạnh tự thân, chứ không phải là do sự thiên vị hay ân huệ của người lãnh đạo.

Sĩ Nhiếp và nhân dân Việt của thời đại ông tôn vinh, quy phục Phật giáo, không phải như một tôn giáo truyền thống của ông bà tổ tiên để lại và ta phải mù quáng tôn thờ, hay tôn giáo được áp đặt một cách độc tôn, độc đoán, tước bỏ sự chọn lựa tự do, mà ngược lại, họ đã so sánh, đối chiếu và quyết định lựa chọn Phật giáo như một đạo lý mới, một niềm tin mới, một sự cứu độ mới, có khả năng dung hoá với tín ngưỡng truyền thống, có sức mạnh vượt thắng văn hoá Trung Hoa, có sứ mạng đánh đổ sự thống trị văn hoá của đế quốc phương Bắc và xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và hưng thịnh.

Học giả Keith Taylor đã công bình, trung thực khi gọi Sĩ Nhiếp là một nhà lãnh đạo Phật giáo. Ông mở ra một thời đại tự do, khai phóng, đa nguyên và đầy khoan dung. Ông là người tiền phong cho những vị quân vương-Phật tử sau này hình thành chủ đạo văn hoá chính trị Phật giáo, một quốc đạo mới, đưa Việt Nam vượt thắng 1.000 năm Bắc thuộc, và khai sinh thời đại Phật giáo Lý-Trần vinh quang.

Đất nước hôm nay, trong thời kỳ mở cửa với thế giới và hiện đại hoá toàn diện, đang có những nét tương đồng với thời đại Sĩ Nhiếp, và dĩ nhiên cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Những bài học của Sĩ Nhiếp, một “nhà lãnh đạo Phật giáo” đã thành công rất xuất sắc, rất vẻ vang, có đóng góp gì cho sự phục hưng của Phật giáo Việt Nam hôm nay? Và cho cuộc cách mạng phát triển mới của Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hoá? Quốc lễ Phật đản Liên hiệp quốc năm 2008 là một cơ hội lớn để để nhìn lại, làm mới lại và ứng dụng di sản tâm linh, văn hoá vô giá có bề dày lịch sử hơn 2.000 năm, và được thế giới văn minh, tiến bộ ngày nay ngưỡng mộ, tôn vinh, đồng thời cũng là một cơ hội lớn khai phá một chủ đạo văn hoá-chính trị mới cho Việt Nam.

Việt Nam đang đứng trước ngã tư đường, trên đống gạch vụn đổ nát của các ý thức hệ bất khoan dung đến từ Âu châu, và dưới cái bóng khổng lồ ngày càng lớn của đế quốc Trung Hoa. Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng của quốc đạo truyền thống hay không? Và Phật giáo có thể trở thành chủ đạo văn hoá-chính trị mới của Việt Nam trong 10 năm tới hay không? Đó là công án thời đại đặt ra cho tất cả Phật tử Việt Nam và cho tất cả người Việt ước mong một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, vẹn toàn lãnh thổ, thống nhất lòng người, phát triển toàn diện và hưng thịnh vinh quang.

© 2008 talawas


[1]Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983, t 85.
[2]K.W Taylor, sđd, t 70.
[3]K.W Taylor, sđd, t 80.
[4]K.W Taylor, sđd, t 85.
[5]Lý Khôi Việt, Phật giáo và quốc đạo Việt Nam, Việt Phật, Hoa Kỳ, 1995, t 17; trích từ Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1993, t 131.
[6]Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Miền Nam, Sài Gòn, 1971, t 32.
[7]Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, q 1, Tu Thư Vạn Hạnh, Sài gòn, 1982, t 152-153.
[8]Trần Trọng Kim, sđd, t 42.
[9]Lê Mạnh Thát, sđd, t 272.
[10]Lê Mạnh Thát, sđd, t 272.
[11]Lê Mạnh Thát, sđd, t 266.
[12]Lê Mạnh Thát, sđd, t 270.
[13]Lê Mạnh Thát, sđd, t 272.
[14]Lê Mạnh Thát, sđd, t 156-157.
[15]Chùa này bị cố đạo Puginier cấu kết với thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn phá huỷ, cưỡng chiếm năm 1883 để xây thành nhà thờ Lớn ở Hà Nội hiện nay.
[16]Lê Mạnh Thát, sđd, t 166.
[17]Thích Thanh Thắng, “Quốc lễ Phật đản và tâm linh dân tộc”, huongsenviet, tháng 5, 2008.
[18]Nguyễn Lang, Phật giáo Việt Nam sử luận, q 1, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1992, t 70-74.
[19]Nguyễn Lang, sđd, t 70-74.
[20]Nguyễn Lang, sđd, t 76-77.
[21]Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, q 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, t 242-243.