trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Tôn giáo
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
27.5.2008
Lý Khôi Việt
Quốc lễ Phật đản 2008: Cơn mưa pháp lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam
 
Ðại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008 từ 14 đến 16 tháng 5 là cơn mưa pháp vĩ đại, dịu dàng, tươi mát, chưa từng có trong lịch sử hơn 20 thế kỷ của Phật giáo Việt Nam, làm rung động hàng chục triệu trái tim khát khao chân thiện mỹ. Chưa bao giờ giáo pháp vi diệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có một cơ hội được rao giảng rộng lớn như thế ở Việt Nam. Tất cả, từ hàng triệu lá cờ Phật giáo ngũ sắc, từ lời kinh cầu nguyện, qua những bài diễn văn chính trị, những bài tham luận Phật pháp, đến những chương trình văn nghệ hoành tráng, những đoàn xe hoa, thuyền hoa, hai chục ngàn ngọn nến bừng sáng ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, 100.000 chiếc đèn hoa sen trên hồ Xuân Hương ở Đà Lạt, trên sông Hương ở Huế, trên sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn, ở Phú Yên…, những pháo bông trên đất trời phương Nam, tại Trung tâm Du lịch Văn hoá Đại Nam ở Bình Dương, và vô số cảnh chào mừng Phật đản khác…, tất cả đã trở thành một vũ khúc kỳ ảo, quyến rũ, hy hữu, đánh thức bản tính thiện lành, giác ngộ có sẵn trong mỗi con người, đưa tâm thức dân tộc lên cao, và báo hiệu một thời kỳ thăng hoa của đất nước.

Thông điệp trí huệ, từ bi, đơn giản nhưng thu hút, của Đức Phật, nhờ những phương tiện truyền thông đại chúng, đã hiện ra trước mặt của hàng chục triệu người Việt. Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, lần đầu tiên được thấy, được nghe, và được cảm ứng bởi hình ảnh cao thượng, nhân bản của Đức Phật và bởi giáo pháp vi diệu, nhưng cũng rất thực tế, dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, được thức dậy trong ánh đạo vàng cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo, được tắm gội trong dòng sông tươi mát của một giáo lý màu nhiệm, đầy tính tự do, bình đẳng, khoan dung và giác ngộ của Đức Phật. Năng lực tu tập và tấm lòng chân thành của gần 4.000 tăng, ni, Phật tử từ khắp nơi trên quê hương và trên thế giới đã biến tất cả những gì xảy ra trong khung cảnh của quốc lễ Phật đản thành những bài thuyết pháp hùng mạnh, cảm động.

Sáng ngày 14/5/2008, tại sân trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Ðình, lễ thượng cờ Phật giáo được tổ chức long trọng. Sau lời tuyên bố thượng cờ của Hoà thượng Thích Trí Quảng là một phút chào Phật kỳ. Đúng 7 giờ 40, lá cờ Phật giáo khổng lồ 473.76 mét vuông, nặng 60 ký, được kéo lên bởi 18 quả khí cầu trong tiếng hát cực kỳ hùng tráng bài “Phật giáo Việt Nam” và “Bay lên vì hạnh phúc con người” của 200 sinh viên trường Ðại học Quốc gia Hà Nội. Tiếp đó là nghi thức dâng hương, cúng dường Tam Bảo và vũ khúc Lục Cung truyền thống của cung đình Huế. Ca khúc Vesak thiêng liêng của Thượng toạ Thích Chơn Quang, tự thân, đã là một bài thuyết pháp hùng hồn, lại càng hùng mạnh, hào hứng hơn với sự hợp ca của 150 thanh niên, thiếu nữ. Giáo sư Lê Mạnh Thát, chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế, mở đầu Đại lễ Vesak. Chính ông và những người cộng tác thân tín đã chủ động đề xuất sáng kiến tổ chức lễ Phật đản Liên hiệp quốc ở Việt Nam. Ðây quả là một sáng kiến lịch sử, làm thay đổi lịch sử Phật giáo và đất nước Việt Nam.

Trong năng lực vi diệu và hùng hậu của đại tăng, đại chúng tại hội trường, và trong không khí thời đại đượm nồng hương sắc Phật giáo, các bài diễn văn chính trị cũng được cảm hoá và trở thành những bài thuyết pháp đầy ý nghĩa. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu chào mừng các đại biểu và ông đã nói, một cách xuất thần, đến một “Niết bàn trong thế giới hiện thực”. Một cõi cực lạc giữa trần gian là giấc mơ của tất cả những người làm chính trị trên thế giới từ xưa đến nay. Bài diễn văn của ông thành công và có sức thu phục lòng người. Đây cũng là bài diễn văn rất hiếm có, để tôn vinh Phật giáo:

“Đại lễ Phật đản được tổ chức với sự cổ suý của Liên hiệp quốc nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hoà bình, hoà hợp, hoà giải, vị tha, nhân ái vốn đã có từ hơn 2.500 năm trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới ngày nay. Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc... là nhịp cầu giúp cho tất cả những người anh em có tín ngưỡng Phật giáo được gặp gỡ nhau để tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật..., đồng thời chia sẻ và động viên nhau toàn tâm học tập, làm việc để đưa những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật vào cuộc sống... Tôi hy vọng rằng Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc năm nay sẽ là cơ hội tốt để chúng ta tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, cùng nhau hợp tác xây dựng xã hội tốt đẹp, một Niết Bàn trong thế giới hiện thực, góp phần ngăn chặn sự xung đột, hoá giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi các nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người đến cuộc sống an vui... Tôi hy vọng mỗi người hãy là một sứ giả của thiện chí, của hoà bình, từ Đại lễ này sẽ được tiếp thêm sức mạnh, sự quyết tâm để tiếp tục nêu cao chánh pháp của Đức Phật trong đời sống xã hội, vì tương lai tươi sáng và tốt đẹp của toàn nhân loại... Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội, trong đó có Phật giáo. Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm từ gần 2.000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, Hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân.

Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công ơn của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lãnh đạo nhân dân bảo vệ tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý tìm đến nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay.

Nối dòng chảy và truyền thống gần 2.000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, thông qua hoằng dương Phật pháp vận động Tăng Ni, Phật tử cả nước sống trong chánh tín... tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người gặp hoàn cảnh khó khăn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, xây dựng cuốc sống mới văn minh, tiến bộ... Những việc làm cao cả ấy ngày càng rõ nét và đạt thành quả lớn lao, khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn gắn Đạo với Đời, là một Tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc.

Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống... luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội, hướng con người tới Chân-Thiện-Mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam... Chúc quý vị sức khỏe, an lạc trong ánh từ quang của Đức Phật và trong niềm tin vào tương lai tốt đẹp của nhân loại”.

Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, người gọi Phật đản Vesak là “một phúc duyên lớn”, “một vinh dự to lớn và là thuận duyên đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam: “Trải qua quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh, Đức Giáo chủ đã để lại cho nhân loại một hệ thống tư tưởng giáo lý vô ngã về trí tuệ, lòng từ bi, tình thương, hoà bình, hoà hợp và phát triển”. Diễn văn của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Thích Trí Tịnh, ngợi ca Đức Phật và giáo pháp siêu việt của Ngài.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-moon, một Phật tử nhiệt thành, đã thuyết pháp bằng thông điệp chúc mừng ngắn gọn, nhưng nói lên đầy đủ tinh hoa, bản chất và con đường dấn thân của Phật giáo, lấy con người làm trung tâm và phụng sự con người làm lý tưởng:

“... Hàng triệu Phật tử và quần chúng trên khắp năm châu hân hoan đón chào thông điệp của tình thương và trí tuệ. Nhân dịp đại lễ thiêng liêng, cao quý này, mọi người trong chúng ta nên hoài tưởng lại cuộc đời sống động của Đức Phật Thích Ca, chiêm nghiệm lời dạy đầy ý nghĩa của Ngài, đồng thời cũng nên nguyện sống theo tinh thần cao cả , theo giáo pháp tuyệt vời ấy để kiến tạo cho mình những hạnh phúc an lạc... Trong thế giới hiện nay, những lời dạy của Đức Phật vì hoà bình, từ bi, tình thương đối với vạn loài chúng sinh cần phải được thực hiện ngay bây giờ. Ngài dạy chúng ta mở rộng lòng từ bi, giang rộng vòng tay nhân ái đối với mọi người, và nhất là những người đang lâm vào cảnh khổ. Điều đó nói lên rằng chúng ta cần tự nhận biết bản chất đồng nhất trong mỗi người, mỗi loài, và đặt hạnh phúc chung của nhân loại lên trên hạnh phúc riêng mình.”

Đây chính là con đường cứu khổ, cứu nạn của bồ tát Quán Thế Âm, của lý tưởng nhập thế cứu người, cứu đời, là kim chỉ nam hành động của người Phật tử chúng ta.

500 tăng, ni và cư sĩ Phật tử của Làng Mai xuất hiện, làm đầy sân khấu mênh mông và niệm danh hiệu Phật, bồ tát, hát thiền ca vang rền hội trường. Sau đó, 500 người ngồi thiền, im lặng. Sự xuất hiện hùng hậu, nhẹ nhàng, thảnh thơi của phái đoàn Làng Mai đã cống hiến cho mọi người một năng lượng an lạc kỳ diệu, biến hội trường thành cõi Tịnh độ, một “niết bàn trong thế giới hiện thực”. Thầy Nhất Hạnh thuyết pháp: Chiến tranh hay hoà bình, tất cả bắt đầu từ mỗi người, từ tâm thức, từ cách suy nghĩ, ăn nói, sinh sống. Thay đổi tư tưởng, lời nói, hành động theo hướng thiện lành, từ bi của đạo Phật là đóng góp tích cực nhất cho việc ngăn ngừa chiến tranh, xây dựng hoà bình.

Đêm nghệ thuật chào mừng khai mạc Vesak, dưới sự chỉ đạo một một vị sư trẻ tuổi, tài ba, là Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương lịch sử (năm nay đã có 1.500.000 người hành hương) đầy âm thanh và màu sắc, hội tụ những tinh hoa của âm nhạc Việt truyền thống cùng chất liệu âm nhạc Tây phương. Lục cúng hoa đăng biến ảo của những ngọn đèn sen hồng, hoa khai kiến Phật, vũ khúc hiện đại, điệu nhạc Lưu thuỷ của dàn nhạc cung đình Huế, kết hợp với dàn trống của Xuân Sơn... Những nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam đã thuyết pháp bằng lời ca điêu luyện, quyến rũ: Thanh Hoài với “Hương Sơn phong cảnh ca”, lời thơ Chu Mạnh Trinh; Mỹ Linh với “Chắp tay hoa”, nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư; Trọng Tấn với “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” của Thẩm Oánh; Khánh Linh với bài “Lạy Phật con về” của Lê Mạnh Cương. Thuyết pháp không lời, huyền bí, của Mật tông bế mạc chương trình: một lá cờ lớn tung bay mang theo chữ Om - biểu tượng cho Chân như, và cũng là câu thần chú của bồ tát Quán Thế Âm của truyền thống Tây Tạng: Om mani padme hum. Mani là viên ngọc, là trí tuệ, padme là hoa sen, là lòng từ bi, hum là âm thanh của sự giác ngộ tối thượng.

Trong đêm bế mạc, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo và 500 nhạc công, nghệ sĩ và tăng, ni của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã thuyết pháp bằng một bản hợp tấu và hợp xướng vĩ đại, mang tên “Khai giác”. 4.000 đại biểu của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới được mời gọi khám phá hành trình hùng tráng, bằng âm nhạc, về cuộc đời của Đức Phật, về con đường chứng ngộ và về giáo pháp vi diệu của Ngài.

Đặc biệt là suốt trong ba ngày đại lễ, công ty thực phẩm chay Âu Lạc ở Sài Gòn đã cúng dường những buổi tiệc chay, rất ngon lành và hoàn toàn miễn phí, tương đương với hàng chục ngàn phần ăn, trị giá đến 10 tỷ đồng, cho tất cả đại biểu và Phật tử. Mỗi món chay đơn giản là một bài thuyết pháp về lòng từ bi, hoà bình và bảo vệ môi sinh, tôn trọng mọi sự sống. Hàng chục ngàn phần ăn chay là hàng chục ngàn thông điệp của tình thương đối với muôn loài và với trái đất, một hành tinh tuyệt đẹp, nhưng rất mong manh trong vũ trụ.

Ðêm cuối của đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008: 20.000 ngọn nến được thắp lên bởi 10.000 sinh viên, mặc đồng phục áo màu vàng, với sự hội tụ tâm linh cầu nguyện cho hoà bình thế giới của 30.000 người tham dự. Đây là bài thuyết pháp sâu sắc, có ảnh hưởng rộng lớn trên toàn nước Việt Nam, vì được trực tiếp truyền hình trên đài VTV1. 10.000 sinh viên không những được nghe thuyết pháp, mà chính các em, khi ngồi yên, chắp tay, cầu nguyện, cũng đã ban cho hàng triệu người một bài thuyết pháp không lời. Nói rằng, với sự hưng thịnh của Phật giáo, đất nước này sẽ có một tương lai tươi sáng.

Trong không khí linh thiêng, dưới lá cờ Phật giáo, dưới một tượng Phật thật lớn, thật đẹp, uy nghi ngự trị giữa trời, hàng trăm thanh niên thiếu nữ hát vang bài ca “Bay lên vì hạnh phúc con người”, 20.000 ngàn ngọn nến được thắp lên, trong những lời niệm danh hiệu Phật và bồ tát Quán Thế Âm, những lời giảng thật dễ hiểu, thật nhẹ nhàng, nhưng cảm động, về giáo pháp từ bi của Đức Phật, nhiều người đã khóc, và khóc không thể ngừng được, vì quá hạnh phúc.

Ðại lễ Vesak 2008 đã trang bị cho dân Việt một niềm tự hào về truyền thống tâm linh và văn hoá hơn 2.000 năm của mình, và mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng, đầy niềm tin, đầy sức sống cho Phật giáo Việt Nam và cho quốc gia Việt Nam.

Một ngàn năm trước, sư Vạn Hạnh và Phật tử Lý Công Uẩn, cùng với thế hệ tăng ni, Phật tử đầu thế kỷ thứ 11, đã mở ra thời đại Thăng Long vinh quang, thời đại Rồng Bay với đôi cánh Phật giáo. Hôm nay, quốc lễ Phật đản 2008 đang báo hiệu một sự bắt đầu của một thời đại mới cho tổ quốc, thời đại Rồng Việt, với chủ đạo văn hoá-chính trị Phật giáo, tung bay trong kỷ nguyên lập quốc mới, kỷ nguyên hiện đại hoá đất nước trên nền tảng của quốc đạo truyền thống.

© 2008 talawas