trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
28.5.2008
Nguyễn Đổng Chi
Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích?
 1   2 
 
Phan Khôi ngày trước chỉ là một nhà viết báo chứ không phải viết sử. Thế nhưng, rải rác trong một số bài báo của Phan Khôi, có ít nhiều đề cập đến lịch sử và dùng sử quan để nhận xét sự việc. Hơn nữa, Phan Khôi đã từng chủ trương tờ Sông Hương ở Huế là một cơ quan bình luận về văn học và lịch sử. Qua luận điệu của những bài ấy, chúng ta thấy khá rõ tư tưởng, quan điểm và cái vốn hiểu biết của “nhà học giả” Phan Khôi. Và cũng qua đó, chúng ta cũng lại thấy chân tướng của con người “lập dị, khí khái” Phan Khôi. Bài này chỉ nói đến một khía cạnh khác trong tập hồ sơ của Phan Khôi để chúng ta thấy con người đó ngày xưa như thế nào mà ngày nay lại cố tình phản bội nhân dân, chống lại cách mạng.

Khi viết bài này, bạn Hồng Quảng ở tạp chí Văn nghệ (số 11) đã vạch cho ta thấy Phan Khôi “không phải độc lập sáng tạo” mà chỉ học mót lại những cái Hồ Thích đã nói từ lâu. Đúng thế. Phan Khôi là một tên học trò vụng về của Hồ Thích, mà Hồ Thích thì là một tên lính xung phong của thực nghiệm chủ nghĩa hay thực dụng chủ nghĩa của giai cấp tư sản phản động của đế quốc Mỹ do bọn Đi-uy (Dewey), Ram (James) và Mát (Mach) v.v… sáng tạo.

“Voi thuộc voi, ngựa thuộc ngựa” quả đúng như câu Phan Khôi nói [1] , Phan Khôi mang tư tưởng phản động, phản khoa học vốn có cỗi nguồn của nó. Con người ngày nay lớn tiếng bênh vực cho “cái tôi”, cho “tự do” với con người ngày trước đã vênh váo “có cần duy gì mà làm gì” [2] chỉ là một. Mà luận điệu đó nói chung là luận điệu của một kẻ sặc sụa hơi men của thực nghiệm chủ nghĩa. Y như những con yêu tinh trong truyện kiếm hiệp, con người đó nán hơi im tiếng trong thời kỳ kháng chiến của Tổ quốc mà chúng ta tưởng đã được “bầu hồ lô” cách mạng làm cho lột xác rồi, ngờ đâu bây giờ đây lại lộ nguyên hình để tác yêu tác quái trong Nhân văn – Giai phẩm.


A. Quan điểm duy tâm chủ quan

Thực nghiệm chủ nghĩa là gì? Đại khái nó có ba mặt liên quan với nhau: luận về thực tại, về chân lý và về phương pháp. Theo bọn thực nghiệm chủ nghĩa thì thực tại là do ba bộ phận làm thành: một là cảm giác, hai là các thứ quan hệ giữa cảm giác với cảm giác, giữa ý tượng với ý tượng, ba là chân lý sẵn có. Công thức đó chứng tỏ bọn chúng không thừa nhận thực tại là cái gì tồn tại, là thực tại khách quan của vật chất. Theo Lê-nin thì “vật chất là cái có tác dụng đến khí quan cảm giác của chúng ta mà làm gợi cảm giác; vật chất là trong cái cảm giác nó cho ta một thực tại khách quan” [3] . Trái lại, bọn chúng bảo “vật chất là yếu tố của các thứ cảm giác phức tạp hợp lại”. Cái mà bọn chúng gọi là “ý tượng” không ra ngoài chủ quan. “Chân lý sẵn có” mà bọn chúng giải thích là “nhân tạo” là “khái niệm trước còn lại” cũng đều là chủ quan. Do đó ta thấy thực tại của bọn thực nghiệm chủ nghĩa là một cái gì chủ quan, cái chủ quan đó bọn họ gọi là kinh nghiệm.

Chân lý theo bọn chúng là “nhân tạo”, là “giả định”, là một cái gì phù hợp với thực tại (tức là kinh nghiệm) nghĩa là đem tư tưởng quan niệm thí nghiệm đối với việc làm của con người xem có hiệu quả hay không. Có hiệu quả là chân lý, không hiệu quả là sai lầm. Theo các nhà duy vật biện chứng giải thích thì chân lý là nhận thức chính xác của con người phản ánh đúng quy luật của thế giới khách quan, tức là chủ quan phù hợp với khách quan. Đàng này đã cho thực tại là kinh nghiệm của chủ quan mà chân lý lại của mình tạo ra thì thực là chủ quan phù hợp với chủ quan. Vậy thì nói chung lại cả hai đều là chủ quan cả.

Về phương pháp theo như nhà duy vật chủ trương thì phải quy định ý nghĩa của đối tượng, vậy tất phải từ trong quá trình thực tiễn, nhận thức qui luật tính của đối tượng ấy rồi căn cứ vào nhận thức đó mà kiểm tra lại thực tiễn, như nếu duyệt đến kết quả của điều dự tưởng trong nhận thức, nhận thức đó phù hợp với đối tượng khách quan, ấy là chân lý.

Còn kiến giải của bọn chúng thì lại cốt dựa vào ảnh hưởng và hiệu quả của đối tượng mà qui định. Phương pháp của chúng đại khái dùng để qui định ý nghĩa của sự vật, của quan niệm và của tín ngưỡng. Ý nghĩa của sự vật là sự vật ấy đối với cảm tưởng của người ta có ảnh hưởng thực tế gì. Ý nghĩa của quan niệm là quan niệm ấy trong kinh nghiệm của con người có tác dụng gì. Ý nghĩa của tín ngưỡng là ảnh hưởng hoặc hiệu quả của tín ngưỡng đó. [4]

Nói chung, phương pháp của thực nghiệm chủ nghĩa đi vào con đường duy tâm: từ tâm lý đến vật lý, từ cái ta đến hoàn cảnh, từ tư duy đến tồn tại, từ cảm giác đến vật chất. Trái lại, con đường của các nhà duy vật là lật ngược trở lại từ tồn tại đến tư duy, từ vật chất đến cảm giác, v.v…

Thực nghiệm chủ nghĩa là một dòng của duy tâm chủ quan. Đó là học thuyết mưu lợi nhãn tiền của giai cấp tư sản, đặc biệt là giai cấp tư sản rất phản động của đế quốc Mỹ; đó là thứ triết học rất thấp kém của bọn con buôn.

Hồ Thích dựa theo Đi-uy, nhận kinh nghiệm là sinh hoạt, sinh hoạt là để ứng phó với hoàn cảnh của con người, mà công cụ để ứng phó với hoàn cảnh là tư tưởng. Tư tưởng và phương pháp của bọn chúng là xoay vấn đề căn bản của triết học (tức là vấn đề quan hệ vật chất với ý thức) biến thành cái giải quyết “vấn đề con người”. Cho nên bọn chúng không bàn đến vấn đề duy tâm hay duy vật. Ý thức tư tưởng của giai cấp tư sản thường thường che giấu sự liên hệ trực tiếp giữa triết học và chính trị là như vậy.

Cần phải nói sơ lược tư tưởng và phương pháp của bọn thực nghiệm chủ nghĩa để sau này ta thấy tư tưởng và phương pháp của Phan Khôi cũng đều là một duộc. Có điều khác nhau là Hồ Thích thì vỗ ngực tự giới thiệu là mình thụ giáo của Đi-uy, v.v…, còn Phan Khôi học mót của Hồ Thích thì lại làm chước lập lờ.


Phan Khôi học mót của Hồ Thích như thế nào?

Còn nhớ ngày trước, vào hồi năm 1933, Phan Khôi từng có luận chiến với đồng chí Hải Triều về duy tâm hay duy vật. Nói cho đúng, đây không phải là một cuộc luận chiến mà Phan Khôi đứng vào thế tấn công. Số là vào khoảng đó, Phan Khôi đang cầm cây gậy của Hồ Thích múa mênh trên một số báo từ Phụ nữ tân văn đến Phụ nữ thời đàm rồi đến Sông Hương, v.v… Khi một bài “Bác cái thuyết văn minh vật chất và văn minh tinh thần” của Phan Khôi đăng trên Phụ nữ thời đàm số 4 trong đó nồng nặc chủ nghĩa thực nghiệm thì đồng chí Hải Triều đã lên tiếng phản đối, vạch cho đối phương thấy tinh thần không phải có trước vật chất như “chân lý” của Phan Khôi. Chẳng hạn như Phan Khôi nói: “Hễ tinh thần đã đến một cái trình độ kia thì vật chất cũng đến một cái trình độ kia, tinh thần còn ở một cái trình độ này thì vật chất cũng còn ở một cái trình độ này. Theo lẽ ấy thì vật chất Đông phương sở dĩ kém Tây phương là tại tinh thần cũng kém Tây phương.” và: “Hết thảy các thứ mà ta gọi là vật chất của Tây phương, tức là những đồ cơ khí lợi dụng cho sự sống loài người, đều sinh ra từ khoa học. Cái khoa học ấy có phải chợt một cái mà có ngay được đâu? Đã vắt ra bao nhiêu cái óc thông minh, trải mấy trăm năm mới tìm ra được đó chứ. Thế thì cái khoa học đó, cái mà phí bao nhiêu óc thông minh mới tìm ra được đó, còn là cái gì mà chẳng phải là tinh thần.” [5]

Ta thấy rõ: không những Phan Khôi cho vật chất là tuỳ thuộc vào tinh thần mà còn cho cái “mà trải mấy trăm năm tìm ra được đó” tức là kinh nghiệm, không phải là thế giới khách quan là tri thức của nhân loại về tự nhiên và về xã hội do đấu tranh trong sản xuất và đấu tranh giai cấp mà có, mà là cái cố hữu ở trong ý thức của con người, “phí bao nhiêu óc thông minh mới tìm ra được”.

Phan Khôi cho “vật chất của Đông phương sở dĩ kém Tây phương là tại tinh thần cũng kém Tây phương” có ý nghĩa gì? Phan Khôi muốn nói tinh thần của Tây phương đã hơn hẳn Đông phương và do đó vật chất cũng hơn hẳn, như thế Đông phương suốt đời mạt kiếp chỉ đáng làm đầy tớ cho Tây phương mà thôi. Cái thâm ý của Phan Khôi là ở chỗ đó. Cái óc “đầy tớ Tây phương” (dương nô) của tên học trò Hồ Thích cũng biểu lộ ở chỗ đó.

Bài bút chiến của đồng chí Hải Triều tuy chỉ mới đứng trên lập trường vật chất có trước, tinh thần có sau của triết học duy vật mà biện luận, nhưng cũng khá rạch ròi. Vậy mà Phan Khôi đã không có cái can đảm tự mình đứng hẳn về phía duy tâm để chống chọi với đối phương mà chỉ chối cãi quanh co, phân bua rằng chỉ nói về mặt hiện tượng mà không đả động đến nguyên lý. Hãy nghe lời của Phan Khôi: “Tôi chịu tôi chủ trương rằng tinh thần sinh ra vật chất nhưng tôi không chịu tôi đã theo duy tâm” và “Hay! duy tâm hay duy vật thì mặc người ta, miễn khi giải thích nguyên lý nói chảy thì thôi, chứ “duy” gì mà làm gì”, hay là “Thế thì tinh thần sanh ra vật chất đó chứ! Có điều nó là hiện tượng chứ không phải nguyên lý.” [6] Mấy câu đó chứng tỏ: một mặt cái duy tâm chủ quan của Phan Khôi không thể nào biện giải được nguyên lý của sự vật, một mặt khác Phan Khôi quay trở về cái chỗ đứng “không duy tâm không duy vật” mà bọn thực nghiệm chủ nghĩa vẫn thường ẩn nấp để lập lờ với thiên hạ. Câu “miễn khi giải thích nguyên lý nói chảy thì thôi” quả đúng với luận điệu không trung thực của bọn thực nghiệm chủ nghĩa. Đem quan niệm của mình giải thích sự vật, nghĩa là lấy chủ quan ứng phó với hoàn cảnh khi cần dùng đến, có hiệu quả tức là chân lý mà không hiệu quả tức là sai lầm; chân lý đó giải thích đúng hiện tượng là đủ rồi chứ cần gì xét đến nguyên lý. Chân lý của Phan Khôi là như thế đó. Và sau này Phan Khôi bảo “chính trị vỗ vai văn nghệ” hay “mày lợi dụng tao, tao lợi dụng mày” cũng đại khái một thứ chân lý con buôn đó.

Thật là y như lối nguỵ biện của Hồ Thích. Hồ Thích suy diễn ý tứ của bọn Đi-uy, nói: “Nguyên lai chân lý là nhân tạo, là hẳn nhân tạo đi rồi, là do người tạo ra để cung cấp cho người dùng, là bởi chúng nó rất hữu dụng nên mới cho cái tên đẹp là chân lý. Chúng tôi gọi chân lý vốn chẳng qua là một thứ đồ dùng của người ta. Chân lý cũng như giấy, bút, mực, bình trà trong tay chúng ta đều không khác gì nhau, đều là đồ dùng cho chúng ta cả.” [7]

Lập trường quan điểm của Phan Khôi đúng là đi ngược với chủ nghĩa duy vật, ở đây không cần phải nói nhiều. Tóm lại từ lúc triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác đang có cơ truyền mạnh vào Việt Nam, cung cấp vũ khí đấu tranh cho giai cấp vô sản, soi đường cho những người công tác sử học văn học thì Phan Khôi tự võ trang bằng ngòi bút đã cùn của Hồ Thích tung khói độc duy tâm chủ quan giảo hoạt của bọn thực nghiệm chủ nghĩa trên văn đàn. Cái đó làm lợi cho Phan Khôi hay cho ai? Sau này chúng ta sẽ nói đến.


B. Quan điểm hình thức chủ nghĩa

Cũng giống như bọn thực nghiệm chủ nghĩa thường mê hoặc người ta về tác dụng đặc biệt của phương pháp có vẻ khoa học của mình, Phan Khôi một điều hai điều thường xun xoe rằng mình đã dựa vào một cô bạn rất vững, rất đắc lực là “cô Logique” hay tức là “luận lý học” đã loè độc giả. Nhưng luận lý học của Phan Khôi là gì?

Thực chất nó là một thứ lý luận dung tục, lạc hậu, nói trắng ra là hình thức chủ nghĩa.

Thứ lý luận của Phan Khôi rải ra trên các bài báo có tính chất nghị luận thì nhiều lắm không kể xiết. Ở đây chúng ta chỉ nói đến một số bài báo có tính chất lịch sử. Do lập trường duy tâm chủ quan nên Phan Khôi đã sa vào hình thức chủ nghĩa. Mà đã như thế thì phương pháp của Phan Khôi không phải là phương pháp khoa học chân chính; nó không giúp ích gì cho ta để phát hiện sự vật phát triển theo qui luật khách quan. Nó là một thứ quan điểm phi lịch sử, phản khoa học.

Đã có lần Phan Khôi lớn tiếng suy luận rằng: “Nước ta không có chế độ phong kiến”. Trong một số báo Phụ nữ tân văn, Phan Khôi viết: “Ở trước mặt một người thuộc quốc sử mà bảo rằng nước ta từ xưa có chế độ phong kiến, người mình từng bị áp bức bởi nó, ngày nay mới bắt đầu thoát ly thì phải cho phép người ấy trợn mắt rún vai, lấy làm lạ một chút, mới là đạo công bình”. Bởi vì Phan Khôi cho rằng: “có phong tước, có thái địa nhưng người được phong không hưởng các quyền cai trị dân chúng ở trong thái địa của mình thì không phải là phong kiến”. [8]

Bài ấy một khi đăng ra, đã có nhiều người không đồng ý và viết nhiều bài biện luận, bây giờ nhắc đến có lẽ là thừa. Nhưng cũng do đây, ta thấy thứ luận lý của Phan Khôi chỉ là nhận xét đơn thuần trên hình thức mà không nhìn vào nội dung của sự việc. Bọn phong kiến nước ta ngày xưa tuy trên danh nghĩa là “không hưởng các quyền cai trị dân”, nhưng thực tế “có phong tước” tức là chúng đã có một uy quyền lớn về chính trị; “có thái địa” tức là có uy quyền lớn về kinh tế. Nói một cách khác, khi đã có hai cái đó, thì về mặt luật pháp rõ ràng bọn chúng đã đầy đủ võ khí để đàn áp bóc lột nông dân rồi. Cố nhiên lúc đó Phan Khôi không thấy được từ một tên địa chủ hạng bét cho đến một thân vương đầu triều tuy chúng không trực tiếp xử kiện, trực tiếp cai trị nông dân, nhưng trên thực tế chỉ với quyền thu tô và cho vay nợ lãi, chúng đã làm mưa làm gió trong một địa phương rồi. Nhưng dầu sao một người thuộc quốc sử như Phan Khôi lẽ đâu lại không biết bọn vương công, huân thần đời Trần có đại điền trang, có nô tỳ nông nô, có quyền sinh sát trên trang trại mình, v.v…

Ở đây không phải Phan Khôi dốt quốc sử, cũng không phải “trợn mắt rún vai” tỏ ra ta vừa phát hiện một điều mới mẻ, mà than ôi! chính là Phan Khôi lặp lại lối học mót của Hồ Thích, vì Hồ Thích cũng từng chủ trương Trung Quốc không có chế độ phong kiến.

Cùng một lúc với bài “Nước ta không có chế độ phong kiến”, Phan Khôi còn có bài “Thánh hiền ta đời xưa chưa hề có tư tưởng dân chủ”, [9] vì Phan Khôi cho dân chủ nghĩa là “chủ quyền của một nước nắm trong tay toàn dân nước ấy” hay là “dân đã không có quyền thì còn làm chủ trong nước được ư?” Hiểu như vậy thì thực là hiểu một cách sơ lược tức là hiểu theo từ lý chứ không nhìn vào sự việc, chưa nói nhìn vào bản chất của sự việc. Hiểu như thế có hai điểm sai lầm:

Một là đã lớn tiếng kết luận: “Dân chủ là chủ quyền của một nước nắm trong tay toàn dân nước ấy” mà Phan Khôi lại mang chế độ dân chủ tư sản ra biện hộ cho mình thì cũng thật là chuyện đến khôi hài. Nếu không bênh vực cho “chân lý sẵn có” thì hẳn Phan Khôi là kẻ dốt nát không biết rằng dân chủ tư sản chỉ là dân chủ của thiểu số người mà thôi. Hai là nếu tạm cho đi rằng nhận lầm về dân chủ tư sản như Phan Khôi là “thực sự” dân chủ đi nữa, thì lẽ nào Phan Khôi lại quên rằng những cuộc đấu tranh của quần chúng với vua chúa hay nói một cách khác đấu tranh của một số đông người với một số rất ít người để yêu cầu thay đổi chính sách hay cải cách chính trị, v.v… còn biểu hiện yêu cầu dân chủ rõ rệt gấp mấy cái thứ “dân chủ” của Phan Khôi. Mạnh Tử là người chủ trương “dân là quý, xã tắc thứ hai, vua là khinh”, đã bảo: “Khi vua làm hại dân, thì dân có thể không nhìn là vua mình nữa mà được phép phản đối vua…”. Mặc Tử cũng có nói: “Người trên có lỗi thì can ngăn, người dưới có điều hay thì dò hỏi mà dâng lên”, v.v… Tư tưởng dân chủ ở Trung Quốc đã manh nha từ đấy rồi, sao bảo là “chưa hề có” được.

Quả nhiên luận lý của Phan Khôi là luận lý trên danh từ, trên một “chân lý sẵn có”. Chỗ này phương pháp của Phan Khôi còn kém xa phương pháp của thầy học. Bởi vì Hồ Thích còn bảo “để ý sưu tìm sự thực, có gan đề xuất giả thiết, lại để ý tìm chứng thực”. [10] Phan Khôi chỉ to gan đề xuất giả thiết mà nhắm mắt trước sự thực.


C. Quan điểm vong bản, phản dân tộc

Trước cách mạng, khi đọc một số bài báo của Phan Khôi, không ít người bực mình vì cặp mắt quái gở hay cặp kính quá đen tối của tác giả. Phan Khôi nhìn về quá khứ và hiện tại của dân tộc rất ảm đạm, nào “nước ta không có quốc học”, [11] nào “cái cười của con Rồng cháu Tiên”, [12] nào “tất cả cái tội về kinh tế đến cái tội về đạo đức cũng đều là tội của mấy nước ươn hèn”, [13] nào “cái bệnh ăn cắp của Tàu”, [14] v.v…; mà nhìn về tương lai thì rất mờ mịt, ví dụ “Theo tôi tưởng “tịnh canh” hay “các tận sở năng”, cái tư tưởng ngộ nghĩnh ấy phải đến lúc vô chính phủ mới thực hiện được. Loài người hãy đợi 6000 năm nữa. Còn bây giờ chỉ nói mà chơi v.v…” [15]

Giữa lúc nằm trong ách thống trị của thực dân, khi nghe những nhận xét như thế của một “nhà học giả”, những người hữu tâm với tổ quốc ai chẳng não nùng chua xót. Có phải Phan Khôi đứng ở lập trường của dân tộc muốn thành thật nhận người mình mọi bề thua kém để kích thích đồng bào mạnh dạn tiến lên nữa không? Có phải Phan Khôi tự ti tự hạ, cái tự ti tự hạ của một dân tộc lâu đời bị áp bức bóc lột không? Không. Không phải. Ở đây, ngoài cái “duy tâm chủ quan” đã nói ở trên, còn có một cái gì gần như là xuyên tạc, xảo quyệt, bôi đen lịch sử, mỉa mai nhân dân, chà đạp tổ quốc. Đương nhiên ở đây, ta lại đã thấy Phan Khôi để lòi cái đuôi Hồ Thích vì trước đó Hồ Thích cũng khuyên nhân dân Trung Quốc phải có can đảm nhận mình trăm cái đều kém như y đã viết: “tâm lý lười biếng, tư tưởng nông cạn, mê tín đến nhờ trời mới có ăn, thái độ thì như đứng bên kia sông xem nhà cháy.” [16]

Bởi vì những lời phát biểu có tính chất nhục mạ dân tộc của Phan Khôi không phải vô tình mà có ý thức, không phải linh tinh lẻ loi mà là có nhất trí, có hệ thống.

Qua sự thử thách rèn luyện của cuộc Cách mạng vĩ đại tháng Tám, Phan Khôi còn xưng xưng, nào là “nước Việt Nam ngày xưa triều đại là triều đại Thiệu Trị, Tự Đức, cái nguồn văn chương là Tứ thư Ngũ kinh, còn nước Việt Nam ngày nay cũng là triều đại gì đó, chỉ khác cái nguồn văn chương là mác-xít, chứ cái thói kỵ huý của quan trường thì không khác”, [17] hay là “Tôi còn là tôi đâu được nữa”, [18] thì chúng ta thấy rõ ràng chính Phan Khôi là một người trước sau không thừa nhận truyền thống anh dũng tốt đẹp của nhân dân, bước tiến bộ của hiện tại và triển vọng tràn trề về tương lai của tổ quốc. Quan điểm như thế, đúng là quan điểm vong bản, phản dân tộc!

Phải nói cho đúng một chút. Thảng hoặc cũng có khi Phan Khôi có bàn đến “Hãy gạt Triệu Đà và dòng dõi y ra ngoài Việt sử” [19] hay là “Cảnh cáo các nhà học phiệt” [20] v.v… có tính chất vì lịch sử vì dân tộc mà biện luận, nhưng bài trên tôi nhớ đâu trước Phan Khôi 200 năm đã có ý kiến của Ngô Thì Sĩ tương tự như thế, [21] còn bài dưới chỉ là lời châm chọc của một thái độ “đánh trống bỏ dùi”.

Phan Khôi không dừng ở lập trường nhân dân, lập trường tổ quốc khi viết bài “Một trang lịch sử – Mấy cuộc quần chúng vận động ở xứ ta” đăng trên mấy số Sông Hương. [22] Trong bài đó, khi bàn về vụ chiếm tỉnh thành Quảng Nam năm 1885 sau khi Kinh đô thất thủ một thời gian, Phan Khôi viết: “Nhiều người thuật lại chuyện này mà lấy làm lạ không hiểu hôm ấy người ta đến đó làm chi mà đông như thế. Nếu nói đi lấy tỉnh thì những người đó có quân lính khí giới đã đành; còn phần rất đông đến tay không đó là đến có việc chi. Có lẽ bởi mỗi người đều có bị tâm lý của mình kích thích giục cho phải đi mà mình không tự biết…”. Nguyên do việc chiếm tỉnh thành hồi đó do văn thân lãnh đạo có đông đảo quần chúng tham dự. Họ vây kín bốn xung quanh thành đòi bọn quan tỉnh giao lại cho nghĩa quân. Bọn chúng sợ hoảng, đứng trên thành nói vọng xuống, xin mời đại biểu của dân vào tình nguyện giao lại thành, v.v…

Ở đây ta thấy Phan Khôi coi nhẹ phong trào quần chúng. Phong trào đó từng bành trướng từ hồi Tây Sơn khởi nghĩa cho đến Nam Kỳ kháng Pháp. Phan Khôi lại đánh giá quá thấp lòng yêu nước của người Việt Nam trước sự xâm lăng của quân đội thực dân. Phan Khôi đã khéo mượn cái lối trực giác lý luận để xuyên tạc sự thật, diễu cợt quần chúng, giảm nhẹ tinh thần dân tộc của nhân dân lúc bấy giờ.

Cũng bài trên, đoạn nói về vụ xin xâu Trung Kỳ năm 1908 ở Quảng Nam, Phan Khôi viết: “Giá cứ như vậy [biểu tình ôn hoà] thì thật khó mà giải tán vì không có một cớ gì nhỏ mọn cho Chính phủ có thể viện lấy mà dùng đến võ lực. Nhưng ở Toà sứ thì quần chúng giữ được trật tự mà còn ở nhà quê thì họ đã bắt đầu làm những việc phi pháp. Nhờ đó quan Công sứ bèn hạ lệnh cho lính tập dùng roi và báng súng mà giải tán quần chúng cho đến không còn một người nào”, và “Cứ theo lẽ phải mà nói, cuộc vận động năm 1908 nếu không có những vụ sát nhân này [bách tử Đề Sự, ngược sát Chánh Quát] thì nó sẽ quang minh chính đại đến đâu. Hoặc giả cái kế của nó cũng sẽ khác đi kia, chứ không phải nhân đó kéo dăm bảy trăm cả thân hào và sĩ dân vào ngục, lại đưa 12 tỉnh đến trong một thời kỳ khủng bố, có tỉnh như Bình Định còn khủng bố gấp mấy Quảng Nam nữa”.

Thái độ của Phan Khôi qua những đoạn nghiên cứu lịch sử này thật là rõ ràng như ban ngày. Theo Phan Khôi, giá nhân dân hồi đó cứ biểu tình một cách ôn hoà, nghĩa là xin xâu không được thì về, thì “quan Công sứ” đâu có dùng đến võ lực để đàn áp khủng bố; giá cứ đừng đụng đến mấy tên cường hào ác bá thì cuộc biểu tình sẽ “quang minh chính đại” đến đâu. Thật là lời lẽ của bọn cầm quyền, của bọn thực dân phong kiến. Đọc đoạn lịch sử mà Phan Khôi viết đây, ta thấy quần chúng nhân dân là những lũ phi pháp sát nhân, còn những tên râu xồm bụng phệ thực dân phong kiến thì trái lại, quả là những ông quân tử. Ngòi bút sử của Phan Khôi ở đây không phải trình bày bình luận sự việc một cách khách quan nữa, mà là đứng ở hàng ngũ địch để bôi nhọ ta, bôi nhọ sự thực. Nếu tôi dùng tiếng “bồi bút cho thực dân phong kiến” để chỉ Phan Khôi có lẽ hãy còn quá nhẹ.

Cũng vì thế mà cũng trong bài trên, đoạn nói về Xô viết Nghệ Tĩnh, Phan Khôi bảo: “Thóc và ruộng biết không thể chia được mà họ cứ đòi chia. Lính biết là không nên đánh mà họ cứ đánh. Đốt nhà biết là có tội mà họ cứ đốt. Giết người biết là sẽ bị giết mà họ cứ giết. Chưa đủ sức chống lại chính phủ mà họ cứ chống. Hết thảy những điều ấy người ngoài trông vào có thể bảo họ là dại, không thì là điên”. Không cần phải nói, chúng ta cũng thấy Phan Khôi không những nhắm mắt trước tinh thần đấu tranh sôi nổi và quyết liệt của nhân dân Nghệ Tĩnh mà còn cho tinh thần đấu tranh đó không phải phát xuất từ căm hờn cao độ của đám người bị áp bức bóc lột đến điêu đứng thảm hại, mà chỉ là vì loạn thần kinh. Dễ dàng thay và cũng xảo quyệt thay!

Trắng trợn hơn nữa, trong bài nói về “Khoa học không có tội”, [23] Phan Khôi viết: “Hãy ghi lấy cái sử tích ấy [Minh Mạng giết ba ngàn dư đảng của Nguyễn Hựu Khôi] [24] rồi hỏi từ lúc nước Pháp là nước thịnh khoa học, chuông cơ khí, sang đây đến giờ hơn 70 năm, coi có lần nào giết người bằng lần ấy không?” Ở một bài khác đăng báo Tràng an [25] nói về vụ thất thủ kinh thành Huế năm 1885, Phan Khôi có bài đầu đề là “Chết ngần ấy ít quá!”; nội dung bài đó, Phan Khôi bảo là mấy nghìn người Việt Nam chết trong vụ thất thủ kinh đô hồi ấy thật là ít ỏi.

Đây cũng là một phát hiện quan trọng của Phan Khôi, có điều phát hiện này không cốt để giúp ích cho việc nghiên cứu sử học mà cốt để biện hộ cho thực dân. Chắc bây giờ thì Phan Khôi không dám nhắc đến phát hiện này nữa vì những vụ tàn sát dã man, như xâu tay giết người hàng loạt trong Nam Kỳ khởi nghĩa hay là việc hãm đói chết hơn hai triệu người Việt hồi 1945 do bàn tay đẫm máu của thực dân Pháp đã hùng hồn biện hộ với Phan Khôi rồi. Chính lúc Phan Khôi cho đăng mấy bài đầy luận điệu phản quốc, phản dân tộc đó, trong độc giả có nhiều người tức tối nhưng không có ai nắm được một vài con số để trả lời cho tác giả vì những bản thống kê giết dân thuộc địa đời nào bọn thực dân đế quốc lại công bố cho ai xem đâu. Nhưng chắc Phan Khôi cũng không ngờ rằng tiếp theo số báo đăng bài nói trên của Phan Khôi, báo Phụ nữ thời đàm trong mục “Số tù ở Côn Lôn” có chép là tháng 5/1933 số tù có 2.584 người, tăng thêm năm trước là 298 người. Chỉ một con số ấy đủ cho ta thấy đại khái riêng những người yêu nước bị thực dân Pháp tù đầy, giam giữ trong các trại giam Sơn La, Lao Bảo, Công Tum, Ban Mê Thuột, v.v… và trong các nhà ngục huyện, tỉnh, thành phố, v.v… trong những năm 1930-31 cho đến năm 1933 đó biết đến bao nhiêu mà kể. Tất nhiên con số những người bị thực dân Pháp giết hại không phải là ít ỏi như Phan Khôi đã bào chữa.

Tóm lại, trong khi nghiên cứu bình luận về sử, Phan Khôi đã tự lột mặt nạ cho mọi người thấy là mình đứng trong hàng ngũ của bọn thống trị, bọn Pháp thực dân giễu cợt nhân dân, xuyên tạc lịch sử. Con người đó quả là không có Tổ quốc.



[1]Trong Giai phẩm mùa Thu (nguyên chú)
[2]Duy tâm hay là duy vật (nguyên chú)
[3] Lê-nin: Duy vật luận và kinh nghiệm phê phán luận (nguyên chú)
[4]Bọn thực nghiệm chủ nghĩa cho quan niệm về thượng đế “có thể khiến cho nhân loại chúng ta an tâm, mãn ý, có thể làm cho chúng ta phát sinh lạc quan, tức có thể cho là “chân” (Hồ Thích, Thực nghiệm chủ nghĩa). (nguyên chú)
[5]Phụ nữ thời đàm số 4 (nguyên chú)
[6]Phụ nữ thời đàm số 9 (nguyên chú)
[7]Hồ Thích: Thực nghiệm chủ nghĩa (nguyên chú)
[8]Phụ nữ tân văn 1934 (nguyên chú)
[9]Phụ nữ tân văn 1934 (nguyên chú)
[10]Hồ Thích: Đường rẽ của tôi (Ngã đích kỳ lộ) (nguyên chú)
[11]Phụ nữ tân văn 1931 (nguyên chú)
[12]Phụ nữ tân văn 1931, trong đó Phan Khôi dựa vào tiểu thuyết Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh để đi đến kết luận rằng người Việt Nam “có những cái cười vô nghĩa lý, vô ý thức, cái cười vừa ngu dại vừa độc ác”, và “trình độ người mình đừng đem so sánh với ai làm chi, so sánh với người Pháp ở đây cũng đã thấy thua xa họ lắm”. (nguyên chú)
[13]Phụ nữ thời đàm 1933 trong bài “Khoa học không có tội” (nguyên chú)
[14]Phụ nữ thời đàm 1933, trong đó Phan Khôi dẫn một bài thơ mà người đời sau thường gán cho Mạc Đĩnh Chi là nguyên có ở Trung Quốc (nguyên chú)
[15]Sông Hương 1936, trong bài “Thuyết tịnh canh của Hứa Hành và chủ nghĩa cộng sản” (nguyên chú)
[16]Trong bài “Phê bình đối với bản báo” trong Nỗ lực chu báo số 4 do Hồ Thích chủ trương (nguyên chú)
[17]Trong Giai phẩm mùa Thu (nguyên chú)
[18]Trong Giai phẩm mùa Thu (nguyên chú)
[19]Sông Hương 1936 (nguyên chú)
[20]Phụ nữ tân văn 1930, trong đó Phan Khôi công kích Phạm Quỳnh tự cao tự đại trên đàn văn như kiểu các nhà quân phiệt (nguyên chú)
[21]Theo Đại Việt sử ký toàn thư (nguyên chú)
[22]Năm 1936 (nguyên chú)
[23]Phụ nữ thời đàm 1933 (nguyên chú)
[24]Tức Lê Văn Khôi (nguyên chú)
[25]Số 39 (nguyên chú)
Nguồn: Tập san Nghiên cứu văn sá»­ địa, Hà Ná»™i, số 41 (tháng 6/1958), tr. 7-24. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.