Phần thứ hai - Tâm lý tập thể – phân tích cái tôi
1. Nhập đề
Mới nhìn thì sự đối lập giữa tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội hay tâm lý tập thể có vẻ như sâu xa, nhưng xét cho kỹ thì tính cách đối lập sẽ bớt đi nhiều. Hẳn là đối tượng của khoa học tâm lý cá nhân là chúng, người ta tìm những phương tiện mà cá nhân dùng, những đường lối mà cá nhân theo để thỏa mãn thị dục và nhu cầu, nhưng trong sự mưu tầm ấy ít khi họ bỏ qua được một yếu tố quan trọng: tương quan giữa cá nhân và đoàn thể. Sở dĩ như vậy là vì
tha nhân vẫn đóng vai trò một kiểu mẫu cho cá nhân, vai trò một người bạn hay một kẻ thù; ngay từ lúc khởi thủy, khoa tâm lý cá nhân xuất hiện đồng thời như một khoa tâm lý xã hội về một vài phương diện, hiểu theo nghĩa rộng nhưng rất thích đáng.
Thái độ của cá nhân đối với cha mẹ, anh chị em, người tình, thầy học, thầy thuốc, tóm lại, tất cả những mối liên lạc của cá nhân đã được phân tâm học đem ra nghiên cứu, đều có thể coi là những hiện tượng xã hội. Tính cách xã hội đó làm cho những hiện tượng xã hội. Tính cách xã hội đó làm cho những mối liên lạc ấy đứng đối lập với một vài tiến trình khác mà chúng tôi gọi là
ngã ái vì
ngã ái có một nét đặc biệt là tự họ tìm sự thỏa mãn nhu cầu và thèm khát chứ không có ảnh hưởng của tha nhân. Bởi vậy cho nên sự đối lập giữa những tác động tâm thần xã hội và những tác động tâm thần ngã ái là một thứ đối lập không vượt qua giới hạn của khoa học tâm lý cá nhân, đó cũng không phải là một lý do để người ta tách rời khoa tâm lý cá nhân khỏi khoa tâm lý xã hội hay tập thể.
Trong thái độ của cá nhân đối với cha mẹ, anh chị em, người yêu, bạn bè, hay thầy thuốc, cá nhân chỉ chịu ảnh hưởng của một người hay một số người rất ít, mỗi người đối với họ có tầm quan trọng bậc nhất. Khi nói đến tâm lý xã hội hay tập thể, thường thường người ta không kể đến những liên lạc ấy, người ta chỉ kể đến ảnh hưởng cùng một lúc của một số lớn tha nhân, số lớn tha nhân đó có thể xa lạ với họ về nhiều phương diện, nhưng họ cũng bị ràng buộc với tha nhân bởi một vài cạnh khía. Chính vì thế mà khoa phân tâm tập thể quan niệm cá nhân là một phần tử của bộ lạc, của dân tộc, của giai cấp xã hội, của định chế, hay là một người trong đám đông, nhận một cơ hội nào đó và vì một mục đích nào đó, họp nhau lại thành một đám, một đoàn, một "công chúng". Khi đã loại riêng ra những mối liên lạc tự nhiên nói ở trên, chúng tôi đi đến chỗ phải coi những hiện tượng xảy ra trong những điều kiện đặc biệt ấy là những phát hiện của một khuynh hướng đặc biệt – hero instinct, group mind – không thể quy vào một khuynh hướng nào khác và không xuất hiện trong những điều kiện khác. Chúng tôi chủ trương rằng có thể có hai trường hợp sau đây: bản năng ấy không phải là một bản năng tối sơ và không thể phân tích được; bản năng ấy đã được phác họa trong khung cảnh nhỏ hẹp của gia đình.
Khoa tâm lý tập thể tuy mới ra đời nhưng đã bao gồm một số vấn đề nhiều vô kể, người khảo cứu phải đối phó với rất nhiều vấn đề chưa đủ hay chưa được phân hóa. Chỉ có việc xếp loại mọi hình thức hội họp tập thể và việc miêu tả những hiện tượng tâm thần ấy cũng đòi hỏi biết bao công trình quan sát và trình bày và cũng làm phát sinh nhiều luận điệu văn chương. Lãnh vực tâm lý tập thể thật là mênh mông, tôi thiết tưởng chẳng cần nói trước rằng việc làm khiêm tốn của tôi chỉ đề cập đến một vài điểm mà thôi. Dĩ nhiên, đó là những điểm liên hệ đặc biệt đến việc làm của phân tâm học là thăm dò linh hồn loài người.
2. Linh hồn tập thể
(Theo Gustave Le Bon)
Chúng tôi có thể bắt đầu bằng sự định nghĩa linh hồn tập thể, nhưng chúng tôi nhận thấy có lẽ hợp lý hơn nếu bắt đầu cho người đọc biết một ý niệm tổng quát về những hiện tượng tương hệ với linh hồn tập thể, trình bày một vài hiện tượng ý nghĩa nhất và đặc biệt nhất để dùng làm khởi điểm cho những công việc tìm tòi về sau. Hai mục tiêu ấy có thể thực hiện một cách tốt đẹp nhất bằng cách dựa vào một cuốn sách danh tiếng của Gustave Le Bon: Tâm lý đám đông (Psychologie des foules).
Thực trạng như thế nào? Sau khi đã xem xét và phân tích những xu hướng, khuynh hướng, bản năng, nguyên nhân và ý hướng của con người, từ hành vi đến thái độ đối với mọi người, tâm lý học gia bỗng thấy xuất hiện một vấn đề cần phải giải đáp khẩn thiết. Tâm lý học sẽ phải giải thích sự kiện lạ lùng sau đây: tâm lý học tưởng rằng đã hiểu được con người, thì đây, trong một vài điều kiện nào đó con người cảm ứng, suy nghĩ và hành động khác hẳn với sự dự đoán của nhà tâm lý học, đó là lúc họ nhập vào đám đông và tính cách một "trường hợp tâm lý đám đông". Vậy thì đám đông là gì? Tự đâu mà đám đông có mãnh lực ảnh hưởng quyết định đến đời sống tâm thần của cá nhân? Đám đông làm biến đổi tâm thần của cá nhân là biến đổi những gì?
Khoa tâm lý tập thể đứng về phương diện lý thuyết có nhiệm vụ trả lời ba câu hỏi trên đây. Muốn trả lời được trôi chảy thì phải bắt đầu bằng câu hỏi thứ ba. Sự quan sát những biến cải mà đám đông tạo ra cho phản ứng cá nhân chính là những tài liệu dùng để nghiên cứu tâm lý tập thể. Thế nhưng, sự giải thích nào cũng phải bắt đầu bằng sự miêu tả cái gì mình muốn giải thích.
Vậy thì tôi xin nhường lời cho ông Gustave Le Bon. Ông nói: "Đám đông có một nét tâm lý đáng chú ý nhất sau đây: mặc dù những người trong đám đông là người thế nào, cách sống của họ, công việc làm của họ, tính tình hay trí tuệ của họ, giống nhau hay khác nhau, nhưng chỉ vì họ hội họp lại thành đám đông là tự nhiên họ có một thứ linh hồn tập thể. Linh hồn ấy làm cho họ phản ứng, suy nghĩ và hành động khác hẳn lúc họ đứng một mình riêng biệt. Một vài ý tưởng, một vài tình cảm chỉ xuất hiện và biến thành hành động khi nào người ta tụ họp thành đám đông. Đám đông với nét tâm lý đặc biệt của nó là một thực thể lâm thời, có những đơn tố dị biệt nhau, nhưng nhất thời gắn liền lại với nhau, không khác gì những tế bào của một con vật sinh sống, tuy mỗi tế bào có một đặc tính nào đó nhưng khi phối hợp lại với nhau chúng làm xuất hiện những đặc tính khác hẳn".
Chúng ta hãy tạm ngừng lại để bình luận. Chúng tôi nhận thấy: mọi người trong một đám đông đã kết hợp thành một đơn vị thì hẳn là phải có cái gì ràng buộc người nọ với người kia, rất có thể rằng cái gì ràng buộc đó chính là nét đặc biệt của đám đông. Ông Le Bon không luận đến điểm ấy, ông bàn sang những sự biến đổi xảy ra cho cá nhân dự vào đám đông và miêu tả một cách rất phù hợp với những nguyên tắc nền tảng về quan niệm tiềm thức của chúng tôi.
"Người ta dễ nhận thấy cá nhân tham dự vào đám đông khác hẳn với cá nhân đơn độc, nhưng tìm ra nguyên nhân sự khác biệt ấy không phải là dễ. Muốn nhận thấy, trước hết chúng ta phải nhớ rõ sự nhận xét của khoa học tâm lý tân kỳ ngày nay: những hiện tượng tiềm thức đóng vai trò quan trọng bậc nhất không những trong đời sống cơ thể mà cả trong hoạt động trí tuệ. Sinh hoạt tâm thần có ý thức chỉ chiếm một phần rất nhỏ bên cạnh sinh hoạt tiềm thức. Người phân tích tế nhị nhất, người quan sát thấu đáo nhất cũng chỉ khám phá ra một phần nhỏ những nguyên nhân tiềm thức điều động cử chỉ hành động của con người. Những hành động có ý thức của chúng ta tùy thuộc một nền tảng phi ý thức cấu tạo bởi phần lớn những ảnh hưởng truyền thống. Nền tảng phi ý thức đó chứa đựng hằng hà sa số những di tích tổ tiên tạo thành linh hồn giống nòi. Đằng sau những nguyên nhân mà chúng ta thú nhận còn có những nguyên nhân bí hiểm mà chúng ta không biết. Phần lớn những hành động hàng ngày của chúng ta là hậu quả của những nguyên nhân kín đáo ở ngoài tầm ý thức của chúng ta".
[1]
Ông Le Bon cho rằng trong một đám đông những sở đắc cá nhân đều tiêu tan và cá tính của mỗi người cũng lánh mặt đi. Gia tài tiềm thức của giống nòi chiếm lấy hàng đầu, cái dị biệt tan vào trong cái tương đồng. Chúng tôi cho rằng thượng tầng cơ cấu tâm thần được nhân sự phát triển khác nhau của từng người, tượng tầng cơ cấu ấy bị phá hủy, để lộ cái gốc tiềm thức đồng đều người nào cũng như người nào.
Chính vì thế mà người của đám đông chỉ là người trung bình. Nhưng ông Le Bon thấy người của đám đông còn có những đặc điểm mới mà trước kia họ không có, và ông tìm cách cắt nghĩa sự xuất hiện những đặc tính mới đó bằng ba yếu tố khác nhau.
"Nhiều nguyên nhân khác nhau làm xuất hiện những đặc tính riêng biệt của đám đông. Nguyên nhân thứ nhất là cá nhân dự vào đám đông, chỉ vì cậy có nhiều người mà thấy mình có sức mạnh vô địch để thả lỏng cho bản năng muốn gì thì muốn, nếu một mình chắc là họ sẽ nén lòng dục đi. Họ còn nghe theo bản năng vì đám đông vô danh và vô trách nhiệm, ý thức trách nhiệm đã biến mất hoàn toàn"
[2] .
Quan điểm của chúng tôi không cần chú trọng nhiều đến sự xuất hiện những nét tính tình mới. Chúng tôi chỉ cần nói rằng con người của đám đông bị đặt vào những điều kiện làm cho họ không dẹp trừ những khuynh hướng tiềm thức. Những nét tính tình có vẻ mới của họ chính là những phát hiện của cái tiềm thức chứa chấp mầm mống của tất cả cái gì là xấu xa trong linh hồn người ta; trong những trường hợp như thế tiếng nói của lương tâm im bặt hay ý thức trách nhiệm không còn, điều đó không có gì là khó hiểu. Đã từ lâu, chúng tôi nói rằng sự thắc mắc về xã hội nhân quân tạo ra cái nhân của ý thức luân lý.
[3]
"Nguyên nhân thứ hai là tính cách hay lây của tâm lý đám đông làm cho những nét tính tình đặc biệt dễ bề xuất hiện và tác động theo chiều hướng nào đó. Sự truyền nhiễm đó là một hiện tượng rất dễ nhận thấy nhưng chưa được giải thích, chúng tôi xếp vào loại những hiện tượng thuộc loại thôi miên sẽ nghiên cứu sau đây. Trong một đám đông, tình cảm nào, hành động nào cũng hay lây, và hay lây đến độ cá nhân hy sinh dễ dàng quyền lợi của mình cho quyền lợi tập thể. Đó là xu hướng trái với bản chất của con người, và con người chỉ có thể làm được khi họ tham dự vào một đám đông.
[4]
"Một nguyên nhân thứ ba, quan trọng hơn, làm cho con người đám đông có những nét tính tình đặc biệt nhiều khi mâu thuẫn hẳn với họ khi họ sống cô độc một mình. Tôi muốn nói đến khả năng ám thị, sự truyền nhiễm nói trên kia chỉ là hậu quả của hiện tượng ám thị. Muốn hiểu hiện tượng ấy chúng ta phải nhớ rõ một vài khám phá tân kỳ của sinh lý học. Chúng ta biết rằng sự thôi miên có thể đưa một người vào trạng thái quên hẳn ý thức nhân tính, họ vâng theo mọi cách sai bảo của ông thầy thôi miên và làm những việc trái hẳn với tính tình và thói quen của họ. Hầu như sự quan sát cặn kẽ hơn cho biết rằng cá nhân chìm vào một đám đông hiếu động, chẳng bao lâu sự hăng say của đám đông sẽ ngấm vào họ, và còn nhiều lý do khác nữa, họ bị lôi cuốn vào một trạng thái đặc biệt rất gần với trạng thái mê hoặc hay thôi miên chẳng khác nào bị thôi miên thật. Đời sống tâm trí của người bị thôi miên đã tê liệt hẳn, họ trở thành nô lệ mọi hoạt động tiềm thức do ông thầy thôi miên điều khiển theo ý muốn của ông thầy. Nhân tính ý thức đã bị tiêu hủy ý chí và sự phân biệt phải trái cũng bị tiêu hủy theo. Tình cảm và ý tưởng bị hướng về một chiều định đoạt bởi ông thầy thôi miên.
"Đại để trạng thái người của đám đông là người vậy. Họ không ý thức được việc làm của họ nữa. Họ cũng như người bị thôi miên, một vài năng lực bị tiêu hủy trong khi một vài năng lực khác có thể bị phấn khích đến tột độ. Ảnh hưởng thôi miên có thể thúc đẩy họ hùng hổ đâm đầu làm một vài việc. Đám đông còn hùng hổ lao mình vào mạnh hơn trường hợp người bị thôi miên, vì mọi người đều hăng say như nhau, họ hỗ tương ám thị nhau thành thử làm bội tăng mức độ ám thị"
[5] . "…Như vậy, những điểm đặc biệt về tâm tính người của đám đông là: ý thức nhân tính tiêu tan, tiềm thức bộc lộ mãnh liệt, tình cảm và ý nghĩ theo sự ám thị và sự truyền cảm mà hướng về một chiều, những ý tưởng bị ám thị có khuynh hướng biến ngay thành hành động. Họ như hóa ra người khác, họ chỉ còn là một người máy, ý chí không còn đủ sức để hướng dẫn họ nữa"
[6] .
Chúng ta trích dẫn hết đoạn này để chứng minh rằng không những ông Le Bon so sánh tình trạng người của đám đông với tình trạng người bị thôi miên, mà luận điệu của ông còn như đồng nhất hóa thực sự hai trạng thái. Chúng tôi không có ý khơi lên một cuộc tranh luận, nhưng chúng tôi muốn bàn đến hai lý do cuối cùng làm biến đổi tâm tính người của đám đông, đó là sự truyền cảm và sự ám thị bội tăng, hai yếu tố ấy hẳn là không nên để cùng ở một mức độ, bởi vì sự truyền cảm lại chính là một hình thức phát lộ của sự ám thị. Hình như ông Le Bon không phân biệt rõ rệt những hậu quả gây ra bởi hai nguyên nhân ấy. Có lẽ chúng tôi suy diễn tư tưởng của ông đúng hơn như sau: sự truyền cảm (contagion) là kết quả tác động hỗ tương của mọi người trong đám đông; còn như hiện tượng ám thị (suggestion) mà ông đồng nhất hóa với ảnh hưởng thôi miên (hypnose) thì lại có một nguyên do khác. Nguyên do nào? Chúng tôi nhận thấy một khuyết điểm trọng đại khi ông không đả động gì đến vai trò của người chủ động lôi cuối quần chúng đồng nhất hóa với mình, cũng như vai trò của ông thầy thôi miên đối với người bị thôi miên vậy. Tuy ông để trong bóng tối vai trò chủ động tạo ảnh hưởng ấy nhưng ông đã phân biệt được sự ám thị với sự truyền cảm, người nọ truyền qua người kia và người kia truyền trở lại người nọ làm tăng cường sức ám thị khởi thủy.
Sau đây còn là điểm quan trọng khác, đặc biệt của người tham dự vào đám đông: "Chỉ vì họ là người của đám đông mà họ tụt xuống một vài nấc thang văn minh. Ở nhà một mình có lẽ họ là người thức giả, nhưng khi là thành phần của một đám đông, họ chỉ còn là một người hành động theo bản năng, nghĩa là mọi rợ. Họ có cái bồng bột, cái bạo lực hung hãn của người bàn cổ, và họ cũng hứng khởi, cũng nổi máu anh hùng như người bàn cổ"
[7] . Đoạn sau tác giả nhấn mạnh đặc biệt đến sự giảm thiểu trí thông minh của người bị sáp nhập vào đám đông
[8] .
Bây giờ chúng ta hãy khoan nói đến cá nhân để xem xét linh hồn tập thể như ông Le Bon đã phác họa. Trong sự mô tả của ông, không có nét nào là phân tâm học không tìm ra nguồn gốc và xếp loại cho đúng. Vả chăng ông Le Bon cũng chỉ cho chúng tôi một hướng đi, ông làm nổi bật những nét tương đồng giữa linh hồn đám đông và sinh hoạt tâm thần của người bàn cổ và con nít
[9] .
Đám đông bồng bột bất định và dễ nổi nóng. Mọi người hầu như chỉ để cho tiềm thức dẫn dắt mình
[10] . Đám đông nghe theo những khích động có thể, tùy theo trường hợp, cao cả hay độc ác, hào hùng hay hèn nhát, nhưng bao giờ cũng có tính cách khẩn thiết khiến cho họ dẹp bỏ cả sự ích lợi bảo tồn
[11] . Đám đông không có dụng tâm gì cả. Mặc dù người ta tha thiết muốn cái gì người ta cũng không tha thiết lâu, người ta không thể có ý chí kiên trì được. Người ta muốn cái gì thì muốn thỏa mãn ngay chứ không thể chờ đợi được. Họ có cảm tưởng là họ có quyền thế tuyệt đối; đối với người đã sáp nhập vào đám đông thì không có khái niệm "không thể được"
[12] .
Đám đông dễ bị ảnh hưởng và dễ tin lạ thường, người ta không có óc phê bình, người ta không cho cái gì là viển vông. Người ta suy tưởng bằng hình ảnh, hình ảnh nọ gợi lên hình ảnh kia bằng cách liên tưởng, không khác nào những trạng thái mà người ta thả hồn theo tưởng tượng, loại bỏ lý trí để phán đoán xem có phù hợp với thực tại hay không. Tình cảm của đám đông bao giờ cũng giản dị và bị phấn khích mạnh. Bởi vậy cho nên đám đông không biết đến ngờ vực, đến bất trắc
[13] .
"Đám đông tiến ngay đến chỗ cực đoan. Điều gì mới nghi ngờ sẽ trở thành hiển nhiên ngay lập tức. Một chút ác cảm mới nhen nhúm bùng ra ngay thành sự căm thù hung bạo"
[14] .
Đám đông bị đẩy đến đủ mọi cực đoan và chỉ bị ảnh hưởng bởi những khích động bị phóng đại. Ai muốn tác động đến quần chúng chẳng cần phải có lý lẽ đúng: họ chỉ cần đưa ra những hình ảnh thật lòe loẹt, họ chỉ cần phóng đại và nhắc đi nhắc lại mãi một chuyện. "Điều gì đám đông đã cho là đúng hay sai thì họ không còn nghi ngờ gì nữa, vả chăng họ biết rõ là họ có sức mạnh, bởi vậy cho nên họ hách dịch và không tha thứ cho ai trái ý họ… Đám đông tôn trọng sức mạnh và ít khi cảm kích vì việc thiện, việc thiện dễ bị coi là sự nhu nhược mềm yếu. Cái họ đòi hỏi ở người anh hùng của họ là sức mạnh và có thể là uy vũ. Họ muốn người cầm đầu thống trị họ, dẫn dắt họ, làm cho họ phải sợ… Đám đông có bản năng bảo thủ, họ cũng như các dân tộc cổ sơ khư khư giữ rịt thói tục, họ ghê sợ một cách vô tâm những cái gì mới lạ có thể thay đổi điều kiện sống của họ".
Nếu chúng ta muốn có một ý niệm đúng về đạo đức của đám đông thì chúng ta phải kể đến sự kiện sau đây: những người đã sáp nhập vào đám đông thì không còn biết kiêng nể gì nữa, trong khi những bản năng dữ tợn, tàn bạo, phá hoại, vết tích của thời kỳ ăn lông ở lỗ và vẫn ngủ yên dưới đáy lòng, nay bỗng bùng lên và đòi hỏi thỏa mãn. Nhưng dưới ảnh hưởng của sự ám thị, đám đông cũng có thể nhẫn nại chịu đưng, vị tha, tận tụy với một lý tưởng. Lợi lộc cá nhân có lẽ gần như nguyên nhân duy nhất thúc đẩy con người hành động khi con người đứng đơn độc, nhưng ít khi lợi lộc đó quyết định hành động của đám đông. Người ta có thể nói đến một vấn đề đám đông giáo hóa con người
[15] . Trình độ thông minh của đám đông bao giờ cũng ở dưới trình độ của cá nhân, còn như phương diện đạo đức của đám đông thì có thể vượt mức đạo đức của cá nhân mà cũng có thể tụt xuống thấp hơn nhiều.
Một vài nét tính tình của đám đông như ông Le Bon mô tả trên đây cho biết rằng cách đồng nhất hóa linh hồn đám đông với linh hồn người bàn cổ đúng đến thế nào. Đối với đám đông thì những ý kiến đối lập nhau đến thế nào cũng có thể sống chung với nhau được mà không gây ra xung đột vì mâu thuẫn nhau. Phân tâm học đã chứng minh rằng trường hợp ấy cũng là trường hợp của người bệnh suy nhược thần kinh và của người trí khôn không tiến hơn được giai đoạn thơ ấu
[16] .
Ngoài ra, đám đông còn bị mê hoặc bởi sức thôi miên của danh từ, danh từ khéo dùng có thể khơi động cho linh hồn quần chúng những cơn bão phũ phàng và cũng có thể an ủi vuốt ve họ. "Lý lẽ và bằng chứng không thể đối địch lại một vài danh từ và một vài công thức có ma lực. Đám quần chúng sẽ lấy vẻ trầm mặc mà nói lên những câu ấy; rồi mọi khuôn mặt trở nên kính cẩn, người ta cúi đầu nghe theo. Nhiều người cho rằng đây là những mãnh lực thiên nhiên, những quyền lực siêu nhiên"
[17] . Ta nghĩ đến sự kiêng kỵ ma thuật trong tâm trí họ mà tên gọi và danh từ có thể gợi ra
[18] .
Sau hết, đám đông chưa bao giờ khao khát sự thật. Họ chưa bao giờ bỏ được ảo tưởng và họ đòi hỏi ảo tưởng. Bao giờ họ cũng thích cái không thật hơn cái thật; cái không thật tác động đến họ cũng mạnh mẽ như cái thật. Họ có ý không muốn phân biệt với không thật.
Chúng ta đã biết rằng sự tưởng tượng và ảo tưởng gây ra vì thị dục không được thỏa mãn đã đóng một vai trò quan trọng thế nào trong các bệnh suy nhược thần kinh. Chúng ta đã nhận thấy rằng đối với người bệnh suy nhược thần kinh thì sự thật khách quan, sự thật của mọi người không có giá trị gì cả, chỉ có sự thật tâm thần của họ là có giá trị mà thôi. Một triệu chứng loạn thần kinh chỉ căn cứ vào một yếu tố tưởng tượng mà phát sinh, chứ không tái tạo một biến cố có thật. Một cảm tưởng phạm tội ám ảnh người nào thực ra chỉ căn cứ vào một dự phóng độc ác chưa hề bắt đầu thi hành. Cũng như trong giấc mơ và trong sự thôi miên, hoạt động tâm thần của đám đông bị chi phối bởi sức mạnh của những thị dục nặng tình cảm, sự thử thách của thực tại không làm cho con người của đám đông tỉnh ngộ bao giờ.
Những điều ông Le Bon nói về người cầm đầu đám đông không được rõ lắm, không cho người đọc dự đoán được quy luật chi phối hiện tượng ấy. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng loài vật sinh sống, một đàn súc vật cũng như một đám đông người, đều theo bản năng mà phục tòng con đầu đàn. Đám đông là đàn vật dễ bảo không thể tự chủ được mà cần một con đầu đàn. Họ cần phải phục tòng đến nỗi họ theo bản năng mà nghe người nào tạo được cái thế cầm đầu.
Đám đông cần một người cầm đầu, nhưng người cầm đầu cần một vài tài năng riêng. Chính họ cũng cần phải bị thôi miên bởi một tin tưởng sâu xa (hay một ý tưởng) để họ có thể làm xuất hiện sự tin tưởng của đám đông. Sau đấy ông Le Bon nói đến các loại người cầm đầu và những phương tiện mà họ dùng để xách động. Phân tích đến cùng, ông cho rằng ảnh hưởng của người cầm đầu là ảnh hưởng của những ý tưởng mà chính họ bị thôi miên.
Ngoài ra ông còn gán cho những ý tưởng ấy và cho người cầm đầu một uy quyền bí hiểm và không thể cưỡng lại được gọi là "uy tín". "Uy tín là… một thứ thôi miên mà một người, một tác phẩm hay một chủ thuyết đè nặng xuống tâm trí chúng ta. Sự thôi miên ấy làm tê liệt khả năng phê phán và làm cho chúng ta chỉ biết ngạc nhiên và kính phục. Nó gợi ra những tâm tình không thể cắt nghĩa được như tất cả mọi tâm tình, nhưng hẳn là cũng đồng loại với sự ám thị khi người ta bị thôi miên, bị ốp đồng"
[19] .
Ông phân biệt ra uy tín sở đắc hay giả tạo và uy tín riêng của một người. Uy tín sở đắc là cái gì người ta có vì tên tuổi, tiền của, tiếng tăm; là cái gì mà truyền thống đã gán cho một chủ thuyết, một tác phẩm nghệ thuật. Vì trong mọi trường hợp, nguồn gốc của uy tín vẫn là có từ quá khứ, bởi vậy khó mà hiểu được bản chất của ảnh hưởng bí hiểm ấy. Uy tín riêng của người nào chỉ là cái may mắn của họ mà thôi, và chính vì thế mà họ được người đời coi là người cầm đầu, họ được mọi người vâng theo như có ma thuật vậy. Nhưng uy tín nào thì cũng tùy thuộc sự thành công, chỉ thất bại vài phen là uy tín nào cũng chẳng còn.
Chúng tôi không thể không nhận thấy rằng những điều ông Le Bon nói về vai trò của người cầm đầu và uy tín không phù hợp hẳn với sự mô tả linh hồn tập thể rất xuất sắc của ông.
3. Những quan điểm khác về sinh hoạt tâm thần tập thể
Chúng tôi dùng cuốn sách của ông Le Bon làm nhập đề vì ông nhấn mạnh đến vai trò tiềm thức của sinh hoạt tâm thần, quan niệm tâm lý học của ông rất gần quan niệm của chúng tôi. Tuy nhiên, những điều khẳng định của ông chẳng mang lại cho chúng tôi cái gì mới lạ. Ông khinh bỉ và chê bai cách cục của con người đám đông cũng không phải là việc chưa ai nghĩ đến, trước ông, các nhà tư tưởng, các chính khách, các thi gia ở khắp nơi và khắp các thời đại
[20] đã từng khinh bỉ và chê bai như vậy với lời lẽ cũng gần như ông và cũng để lộ sự gay gắt mạnh mẽ như vậy. Hai quan điểm quan trọng nhất của ông, liên hệ đến đám đông mất trí khôn và phóng đại tình cảm, đã được Sighele đề cập đến trước đây ít lâu. Cái đặc biệt của ông Le Bon chỉ còn là ý kiến về tiềm thức và sự so sánh với sinh hoạt tâm thần của người bàn cổ, tuy rằng hai điểm này cũng đã có người nói đến rồi.
Hơn thế nữa, sự mô tả và xét định linh hồn tập thể như ta thấy trong tác phẩm của Le Bon và của những người khác, cũng đã khơi động lên nhiều sự chỉ trích. Hẳn những hiện tượng mà ông miêu tả đã được ông quan sát rất đúng, nhưng người ta có thể đưa ra những phát hiện khác của linh hồn tập thể khả dĩ gợi cho chúng ta một cách suy đoán có thiện cảm hơn.
Ông Le Bon chấp nhận rằng trong một vài trường hợp, đạo đức của đám đông có thể cao hơn của mỗi người tham dự vào đám đông ấy, rằng chỉ có đám đông là có thể tỏ ra hết sức vị tha và có thể có tinh thần hy sinh lớn.
"Lợi lộc cá nhân gần như là nguyên nhân duy nhất để cá nhân hành động, nhưng ít khi lợi lộc giữ được ưu thế đối với đám đông".
Nhiều người khác nói đến sự kiện sau đây: xã hội đặt ra quy phạm đạo đức bắt cá nhân phải theo, chứ một mình cá nhân không thể vươn lên tới đạo đức được; người ta cả quyết rằng trong một vài trường hợp đặc biệt, trong tập thể bùng lên sự hứng khởi khiến cho tập thể làm được những việc cao cả và hào hiệp nhất.
Đối với sự sáng tác tinh thần thì chúng ta đồng ý rằng những công trình sáng tạo vĩ đại của tư tưởng, những phát minh quan trọng và những giải pháp quyết định cho những vấn đề lớn lao chỉ có thể đạt được nhờ sự suy tư và nghiên cứu của cá nhân tĩnh tâm làm việc biệt tịch ở một nơi. Tuy nhiên, linh hồn tập thể cũng có thể có sáng tác tinh thần, tiếng nói, bài hát bình dân, phong tục địa phương, v.v. đã chứng minh điều ấy. Ngoài ra cũng phải xét xem nhà tư tưởng hay thi nhân làm việc một mình thực sự trong phạm vi nào, có thực họ không vay mượn gì của quần chúng hay họ chỉ lấy những tài liệu của quần chúng sáng tạo rồi kiếm ra một hình thức nhất định, một nét vẻ có ý thức.
Đứng trước những mâu thuẫn bề ngoài nan giải như thế, công việc làm của khoa tâm lý tập thể hầu như chỉ là việc làm vô bổ. Tuy nhiên cũng dễ tìm lối thoát để tiến tới cách giải đáp khả quan. Hẳn là người ta đã hơi cẩu thả khi dùng một danh từ
đám đông để chỉ nhiều sự quần tụ khác nhau mà đúng ra phải phân biệt minh bạch. Nhiều điều mà Sighele và Le Bon nói đến chỉ đúng với những đám đông tụ hội nhất thời, một số người cùng bị thúc đẩy bởi quyền lợi như nhau trong giây lát kéo đến tụ hội, nhưng người này khác với người kia về đủ mọi phương diện chính yếu. Chắc chắn là tác giả ấy khi mô tả đám đông đã bị ảnh hưởng bởi những đám người làm cách mạng, nhất là cuộc Cách mạng Pháp. Còn như những người chống lại quan điểm của họ thì lại quan sát những đám người hội họp liên tục, ổn định trong suốt đời người và đã có phản ảnh vào định chế xã hội. Đám đông thuộc loại thứ nhất đối với đám đông thuộc loại thứ nhì cũng ví như những sóng ngắn nhưng cao đối với mặt biển to rộng.
Ông Mc Dougall, trong cuốn
The group Mind, cũng nhận thấy mâu thuẫn ấy, và ông cho là có thể giải quyết được bằng cách đưa thêm vào yếu tố
tổ chức. Ông nói rằng trong trường hợp giản dị nhất, quần chúng (đám đông) không có một sự tổ chức nào hay chỉ có một sự tổ chức sơ sài. Ông gọi đám quần chúng vô tổ chức ấy hay thiếu tổ chức ấy là đám đông (crowd). Hẳn là đám đông không thể thành hình và không thể tồn tại nếu không bắt đầu có sự tổ chức, chính trong những đám người tề tựu một cách giản dị sơ sài như thế mà chúng ta quan sát thấy rõ ràng sự xuất hiện một vài hiện tượng chính yếu của tâm lý tập thể (trang 22). Một số người họp lại thành đám đông trong chốc lát chỉ xác nhận "tâm lý đám đông" nếu họ có điểm nào như nhau, hoặc là họ cùng chú trọng đến một chuyện gì, hoặc là họ cùng xúc động vì một biến cố, và (vì thế) họ có khả năng ảnh hưởng lẫn nhau đến một mức nào đó (some degree of reciprocal influence between the members of the group, trang 23). Trí óc và tình cảm của họ càng giống nhau, họ càng dễ họp thành đám đông mà cách cục của họ để lộ rõ hiện tượng tâm lý đám đông không còn nghi ngờ gì nữa.
Hiện tượng đặc biệt hơn cả và đồng thời cũng quan trọng hơn cả là tâm lý đám đông là con người bị phấn khích quá dễ dàng, bị tăng cường mức độ xúc động (trang 24).
Ông Mc Dougall còn nói thêm rằng người ta không còn thấy những điều kiện nào khác làm cho con người có những xúc động tâm tình mạnh mẽ như khi họp thành đám đông; con người còn cảm thông một sự khoan khoái nào đó khi để mặc cho say mê bùng ra, khi hòa mình vào với đám đông không còn bị giam hãm trong cái cá nhân chật hẹp của mình nữa. Ông giải thích sự tan rã cá nhân trong đoàn thể ấy bằng cái ông gọi là sự cảm ứng trực tiếp của xúc cảm, hậu quả của "phản ứng giao cảm nguyên thủy"
[21] (trang 25), phân tâm học gia chúng tôi, chúng tôi đã biết hiện tượng ấy và chúng tôi gọi là sự truyền nhiễm tình cảm. Ngoài thực tại, chúng tôi biết rằng khi người ta tri giác những dấu hiệu của một trạng thái tâm tình khi những dấu hiệu đó tự động gợi ta hành động tương ứng với dấu hiệu đó. Sự tự động phản ứng đó càng mạnh mẽ nếu càng có nhiều người cùng có xúc động như nhau. Bấy giờ người ta không thể giữ thái độ phê phán được nữa, người ta cũng xúc động như mọi người. Khi ta xúc động như những người đã làm cho họ xúc động thì họ tăng cường sự xúc động của những người ấy, lượng tinh lực tình cảm của mỗi người gia tăng vì sự hỗ tương cảm ứng. Người ta như bị thúc đẩy, bị bắt buộc phải bắt trước người khác, phải đồng thanh đồng khí với mọi người. Xúc động càng thô lỗ và đơn sơ lại càng có hy vọng lan rộng khắp đám quần chúng bằng cách ấy (trang 39).
Động cơ tăng cường tình cảm còn tác động dễ dàng hơn vì có ảnh hưởng của đám đông. Đám đông đem lại cho cá nhân cảm tưởng quyền lực vô hạn và cảm tưởng nguy hiểm ghê gớm. Trong chốc lát đám đông thay thế cho toàn thể xã hội, tượng trưng cho quyền thế mà người ta vẫn sợ, cũng vì quyền thế đó mà người ta phải kiêng nể và tự chế. Hẳn là chống đối lại đám đông thì thật là nguy hiểm, bởi vậy cho nên muốn được yên thân ai nấy nên theo gương những người ở quanh mình, nên "sủa theo đàn chó sói". Đã phục thiện quyền thế mới người ta đành phải dẹp yên "tiếng nói lương tâm", vì luân lý cương thường chỉ tổ làm cản trở con người, không cho họ thụ hưởng khoái lực như khi họ dự vào đám đông. Bởi vậy cho nên chúng ta không nên lấy làm lạ rằng cá nhân dự vào đám đông có thể làm và tán thưởng những điều mà lúc bình thường họ phải quay mặt đi; chúng tôi có lý do để hy vọng rằng sự kiện ấy sẽ đem lại cho chúng tôi chút ánh sáng về cái vẫn gọi bằng một tên bí hiểm là "ám thị".
Ông Mc Dougall không chống đối quan điểm rằng mức độ thông minh của đám đông bị hạ thấp (trang 41). Ông nói rằng kẻ trì độn kéo người thông minh xuống trình độ thấp thỏm của họ. Người thông minh không có ảnh hưởng gì, vì tình cảm của đám đông bị khơi động mạnh mẽ, không thuận tiện cho con người suy nghĩ đắn đo, vì con người bị đám đông chèn ép không thể dùng đến trí thông minh của mình được, vì con người bị đám đông nuốt chửng, hành động của họ cũng kém phần trách nhiệm.
Sự xét định tổng quát về hoạt động tâm thần của đám đông "vô tổ chức", theo Mc Dougall, cũng không có vẻ gì là cảm tình và tán dương hơn ông Le Bon. Ông dùng những lời lẽ sau đây để nói đến đám đông: đám đông thường thường dễ bị khích động, bồng bột, đam mê, dễ đổi ý, bất nhất, bất định, và đồng thời hành động mau mắn, chỉ biết những tình cảm đơn sơ nhất, những đam mê thô lỗ nhất, rất dễ ám thị, hời hợt nông cạn, phũ phàng, chỉ có thể lãnh hội được những kết luận và lý lẽ đơn giản và bất toàn nhất, dễ xách động và dễ khích động, không ý thức được mình mà cũng không biết tự trọng, không có tinh thần trách nhiệm, vì cảm thấy mình mạnh mà dám làm đủ mọi việc xấu xa, những việc ấy chỉ người có quyền hành tuyệt đối và vô trách nhiệm mới dám làm. Đám đông cũng xử sự như đứa trẻ mất dạy hay người mọi rợ mê muội không ai canh chừng và lọt vào một nơi xa lạ hẳn với họ. Trong những trường hợp trầm trọng hơn, đám đông xử sự như một đàn thú rừng chứ không phải là một đoàn người nữa.
Vì ông Dougall đem đám đông ấy so sánh với một đám đông có tổ chức hoàn hảo hơn cho nên chúng tôi nóng lòng muốn biết đám đông có tổ chức thế nào, những yếu tố nào thuận tiện cho sự tổ chức ấy. Tác giả kể ra năm yếu tố chính, năm "điều kiện chính yếu" cần để nâng cao trình độ sinh hoạt tâm thần của đám đông.
Điều kiện thứ nhất, cũng là điều kiện nền tảng, là tính cách liên tục nào đó của sự tạo thành đám đông. Sự liên tục ấy có thể xảy ra trên bình diện hữu thực hay trên bình diện hình thức: trong trường hợp thứ nhất, vẫn một số người nào đó họp thành đám đông trong một thời gian lâu hay chóng; trong trường hợp thứ ai, người ta tạo ra những địa vị nào đó để lần lượt hết người nọ đến người kia chiếm giữ.
Điều kiện thứ hai là mỗi người tham dự vào đám đông phải có ý thức về bản chất, hoạt động và sở cầu của đám đông, do ý thức đó mà họ có thái độ tình cảm đối với toàn thể đám đông.
Điều kiện thứ ba là mỗi đám đông phải có liên lạc với những đám đông khác, tương tự về vài điểm nhưng khác biệt về nhiều điểm; phải có sự cạnh tranh giữa nhóm ấy và những nhóm khác.
Điều kiện thứ tư là đám đông cần phải có những phong tục, tập quán, định chế, dính dáng đến những mối liên lạc hỗ tương giữa các phần tử.
Sau hết, đám đông phải có tổ chức, phải có sự chuyên biệt, sự phân công cho mỗi người.
Khi đã hội đủ những điều kiện ấy thì, theo ông Dougall, có thể tránh được tai hại cho tâm thần. Người ta tránh sự hạ thấp trình độ thông minh của đám đông bằng cách đừng để cho đám đông giải quyết lấy những vấn đề cần phải thông minh sáng suốt và giao trách nhiệm ấy cho một vài người.
Chúng tôi nhận thấy hầu như điều kiện ông Dougall gọi là "tổ chức" có thể mô tả một cách khác. Vấn đề là tạo cho đám đông những khả năng vốn dĩ là nét riêng của cá nhân mà cá nhân đã tiêu hủy mất khi họ bị đám đông nuốt chửng. Trước khi bị đám đông nuốt mất, cá nhân vẫn có lương năng để biết phải trái, có phong tục tập quán, có môi trường hoạt động riêng của họ, có cách thích ứng của họ và họ đứng riêng rẽ đối với người khác để họ ganh đua với người khác. Tất cả những đức tính ấy cá nhân đã tạm thời bỏ mất từ lúc tan mình vào đám đông "vô tổ chức". Khuynh hướng gán cho đám đông những thái độ riêng của cá nhân làm chúng ta nghĩ đến một nhận xét sâu xa của Trotter
[22] . Ông này cho rằng khuynh hướng tụ hội đám đông là một nét vẻ sinh vật tính của cơ cấu đa bào cơ thể thượng đẳng.
4. Ám thị và libido
Trong chương trên chúng tôi đã khởi sự cuộc thảo luận từ một điểm chính yếu là cá nhân hòa mình vào đám đông sẽ chịu ảnh hưởng đám đông và hoạt động tâm thần của họ sẽ thay đổi sâu xa. Tình cảm của họ bị phóng đại quá chừng, còn lý trí của họ bị giảm thiểu đến mức cực thấp, tăng đằng nọ giảm đằng kia như vậy là muốn làm cho con người của đám đông trở thành "cá mè một lứa", không ai hơn ai nữa. Muốn đạt được mục đích ấy thì phải xóa bỏ những cách tự kiềm chế của riêng từng người và tất cả những cái gì là riêng biệt, là cá tính của khuynh hướng cá nhân. Chúng tôi biết rằng có thể tránh được tình trạng đáng buồn ấy, ít ra một phần nào, bằng cách "tổ chức" đám đông, nhưng nói quả quyết như vậy người ta không hề nói động đến một sự kiện nền tảng: đó là sự phóng đại tình cảm và sự hạ thấp trí tuệ của những người họp thành đám đông nguyên thủy. Vấn đề là tìm sự giải thích tâm lý của những biến trạng tâm thần mà con người của đám đông mắc phải.
Trên kia chúng tôi đã nói đến những yếu tố lý trí, như đám đông lấn át cá nhân, cá nhân chịu ảnh hưởng bản năng bảo tồn; hiển nhiên là ảnh hưởng ấy không đủ để giải thích những hiện tượng quan sát. Tất cả những cố gắng giải thích xã hội tính và tâm lý đám đông xét cho cùng, đều quy về một yếu tố có tên gọi ma lực là sự
ám thị. Đã đành là Tarde có nói đến sự
bắt chước, nhưng chúng tôi có thể chấp nhận ý kiến của một học giả chứng minh rằng khái niệm bắt chước của Tarde cũng quy về phạm trù ám thị và có thể là hậu quả của sự ám thị
[23] . Ông Le Bon thì quy mọi hiện tượng xã hội về hai yếu tố: sự hỗ tương ám thị và sự ám thị của người cầm đầu. Nhưng uy tín của một người cũng chỉ có thể tác động được nhờ sự ám thị. Đối với ông Mc Dougall đã có lúc chúng tôi tưởng rằng nguyên tắc "cảm ứng tình cảm nguyên thủy" của ông miễn cho chúng tôi khỏi chấp nhận khái niệm ám thị. Nhưng xét kỹ thì thấy nguyên tắc ấy cũng chẳng có nội dung nào khác nội dung của khái niệm bắt chước và ám thị, công việc làm của ông chỉ là nhấn mạnh vào khía cạnh tình cảm của những hiện tượng ấy mà thôi. Chúng ta có khuynh hướng bắt chước thái độ tình cảm của một người gần gũi với chúng ta, đó là một sự kiện không thể chối cãi được. Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng nhiều khi chúng ta chống lại cảm xúc ấy và chúng ta lấy một thái độ trái ngược hẳn để đối phó lại. Người ta sẽ nói rằng ảnh hưởng ám thị của đám đông làm cho chúng ta vâng theo khuynh hướng bắt chước vì bị áp lực của tình cảm. Tuy nhiên, nghe theo ông Dougall chúng ta cũng không ra khỏi được lãnh vực ám thị; ông cũng không đem lại cho chúng ta cái gì khác quan điểm rằng đám đông khác người thường ở chỗ dễ bị ám thị lạ lùng.
Như vậy chúng ta đã sẵn sàng để chấp nhận rằng ám thị (đúng hơn, khả năng bị ám thị) là một hiện tượng nguyên thủy bất khả phân tích, một sự kiện nền tảng của đời sống tâm thần. Đó là ý kiến của Bernheim mà tôi đã biết từ năm 1889, nhưng bấy giờ tôi đã có ý bất bình và đã âm thầm chống đối quan niệm gán cho sự ám thị quyền độc đoán như vậy.
Khi người ta gắt với một con bệnh cứng cổ: "Ông làm gì vậy? Ông muốn phản ám thị phỏng!", tôi không thể không nghĩ rằng người ta đã bất công và cưỡng ép con bệnh. Khi có ai tìm cách ám thị mình và bắt mình nghe theo thì tất nhiên mình có quyền phản ám thị chứ! Sau này tôi nổi loạn đạp đổ quan niệm rằng người ta có thể dùng chữ ám thị để giải thích bất cứ cái gì mà chính sự ám thị thì lại không được giải thích. Đã hơn một lần tôi nói đến đấng Christ và đấng Christ đứng đỡ thế gian, vậy tôi xin hỏi ông thánh Christophe biết đặt chân vào đâu mà đứng.
Ngày nay, sau 30 năm xa cách, tôi trở lại vấn đề ám thị bí hiểm kia thì vẫn thấy chưa có gì thay đổi cả, trừ một điểm đánh dấu ảnh hưởng của phân tâm học. Ngày nay tôi nhận thấy người ta định nghĩa khái niệm ám thị một cách đúng mức hơn, nghĩa là bắt buộc phải dùng nó trong phạm vi những nghĩa
[24] nào đó; theo ý tôi thì làm như vậy cũng phải, vì danh từ ám thị mỗi ngày một rộng rãi thêm, rồi đến mất hẳn ý nghĩa nguyên thủy mà có thể dùng để chỉ bất cứ ảnh hưởng gì, cũng như những chữ Anh
to suggest,
suggestion hay chữ Pháp
suggérer và những chữ cùng một gốc với chữ ấy. Nhưng tôi vẫn chưa thấy giải thích bản chất của ám thị, nghĩa là điều kiện để người ta chịu ảnh hưởng mà không cần lý lẽ hữu lý. Tôi sẵn sàng để chứng minh sự khẳng định ấy bằng cách phân tích văn chương trong ba mươi năm gần đây, nếu tôi không biết rằng người ta đang sửa soạn một công việc nghiên cứu quan trọng về vấn đề ấy.
Bởi vậy tôi chỉ đưa khái niệm libido vào để giải thích tâm lý tập thể, khái niệm libido đã giúp chúng tôi nhiều trong việc nghiên cứu bệnh thần kinh tâm thần (psychonévrose).
Libido là một tiếng mượn của lý thuyết về tình cảm. Chúng tôi dùng danh từ ấy để gọi tinh lực của những khuynh hướng thuộc loại
tình yêu (tinh lực đây được xét về phương diện lượng, nhiều hay ít, nhưng chưa thể đo lường được). Trung tâm của cái chúng tôi gọi là tình yêu là tất cả cái gì người ta coi là tình yêu và được thi sĩ ca ngợi, như tình yêu trong dục giới mà mục tiêu tối hậu là sự giao hợp. Nhưng chúng tôi không phân biệt tình yêu trai gái với nhiều loại tình yêu như tình yêu chính mình, tình yêu cha mẹ, tình yêu con cái, tình bạn bè, tình yêu nhân loại, chúng tôi cũng phân biệt đối tượng của tình yêu ra làm hai: sự vật cụ thể hay chỉ là ý nghĩ trừu tượng. Để chứng minh cho sự nới rộng nghĩa của danh từ "tình yêu", chúng tôi có thể trưng ra những kết quả đạt được nhờ sự nghiên cứu phân tâm học, tất cả các loại tình yêu đó đều là nét vẻ của một toàn bộ khuynh hướng; trong một vài trường hợp những khuynh hướng ấy dắt đến sự giao hợp, nhưng trong một vài trường hợp khác chúng không nhắm vào mục đích ấy, chúng ngăn cấm người ta thực hiện mục tiêu ấy, tuy rằng chúng vẫn giữ được đặc tính khiến cho nhà quan sát không thể lầm lẫn được (thí dụ như đặc tính tự hy sinh, tìm sự ôm ấp).
Chúng tôi nghĩ rằng khi gán cho chữ "tình yêu" rất nhiều ý nghĩa như thế, tiếng nói đã làm một công việc tổng hợp hữu lý, chúng tôi không biết làm gì hơn là dùng sự tổng hợp ấy làm nền tảng cho mọi quan niệm, mọi sự giải thích khoa học của chúng tôi. Phân tâm học làm như vậy đã làm cho nhiều người bất bình, hầu như phạm tội trái đạo thiêng liêng. Tuy nhiên, phân tâm học nới rộng quan niệm tình yêu cũng chẳng tạo ra cái gì mới. Cái Eros của Platon xét về phương diện nguồn gốc, phát hiện và liên lạc với ái tính, hoàn toàn phù hợp với tinh lực tình yêu, với cái libido của phân tâm học
[25] ; trong thiên "Thư gửi người xứ Corinthe" của Thánh Kinh, thánh Paul ca tụng tình yêu và đặt tình yêu lên trên hình thức, hẳn là ông quan niệm tình yêu với nghĩa rộng; xem như vậy thì đủ hiểu rằng người đời vẫn không coi trọng lời nói của nhà đại tư tưởng tuy rằng họ làm ra vẻ ca tụng.
Tất cả những loại hình tình yêu ấy, phân tâm học xét về nguồn gốc của chúng và cho là những xu hướng dục tính. Nhiều người "trí thức" cho rằng danh từ tình yêu dùng như thế có tính cách thóa mạ, để báo thù họ gán cho phân tâm học tên gọi "tư tưởng loạn dâm". Người nào cho rằng dục tính có cái gì xấu xa đê hạ đối với con người thì cứ dùng những danh từ cầu kỳ hơn như Eros chẳng hạn. Tôi cũng có thể làm như thế ngay từ dầu và tránh được bao nhiêu lời chỉ trích. Nhưng tôi không làm vì tôi không khiếp nhược. Đã khiếp nhược như thế thì người ta không biết mình sẽ đi đến đâu; người ta bắt đầu nhượng bộ về danh từ, rồi đến sau khi người ta nhượng bộ cả những cái khác. Nói đến dục tính không có cái gì đáng xấu hổ; người ta cho rằng dùng chữ Eros của người Hy Lạp thì bớt xấu hổ, nhưng thực ra chữ ấy có khác gì chữ tình yêu của ta. Đối với người biết kiên tâm chờ đợi sự thật tỏ rõ thì không cần gì phải nhượng bộ.
Chúng tôi thử chấp nhận rằng những liên lạc tình yêu (hay dùng danh từ "ràng buộc tình cảm" cho đỡ lạ tai) cũng là nền tảng của linh hồn tập thể. Xin nhớ rằng những tác giả chúng tôi nói đến ở các chương trên không hề đả động gì đến ý kiến ấy. Họ đã dùng bình phong ám thị để che đậy tất cả cái gì thuộc về những liên lạc tình yêu (ràng buộc tình cảm). Xin nói lướt qua hai ý kiến sau đây đã làm cho chúng tôi có ý định trên. Trước hết, một nhóm người muốn giữ được sự đoàn kết thì cần phải có một mãnh lực thu hút nào đó. Và mãnh lực đó là gì nếu không phải là cái Eros thống nhất và tụ hợp tất cả mọi người trên thế gian? Điểm thứ hai là khi con người bị đám đông nuốt chửng, họ phải hy sinh cái gì là cá tính, riêng biệt của mình và chịu sự ám thị của người khác, chúng tôi có cảm tưởng rằng họ làm thế vì họ cần phải đồng ý với những phần tử khác của đám đông mà không nên chống đối lại; như vậy có lẽ họ "vì tình đồng loại" mà họ làm
[26] .
5. Giáo hội và quân đội, hai đám đông qui ước
Đám đông, xét về phương diện hình thái học, có thể phân biệt ra rất nhiều thứ loại, đám đông nọ có thể theo một chiều hướng đối lập với đám đông kia để nhóm họp và tập hợp thành phần. Có những đám đông chỉ hiện hữu tâm trạng chốc lát, nhưng cũng có những đám đông tồn tại thường xuyên; có những đám đông mà thành phần tương đồng, lại có những đám đông mà thành phần tương dị; có những đám đông tự nhiên người ta tới tề tựu với nhau, lại có những đám đông chỉ tập hợp vì bị thách thức, có những đám đông thô lỗ cổ sơ, lại có những đám đông đã phân hóa và có hình thức tổ chức rất cao. Vì những lý do sau này sẽ nói đến, chúng tôi nhấn mạnh đặc biệt đến một điểm chưa được ai chú trọng: đám đông không người cầm đầu và đám đông có người cầm đầu. Trái với phương sách quen dùng, chúng tôi không bắt đầu từ một đám người tụ hội giản dị đơn sơ nhất, mà chúng tôi khởi sự nghiên cứu những nhóm người tề tựu thường xuyên, có quy ước với nhau và có trình độ tổ chức rất cao. Hai nhóm đáng chú ý hơn cả là giáo hội và quân đội.
Giáo hội và quân đội là những nhóm mà sự kết hợp được bảo đảm bởi sức cưỡng bách ở ngoài, sức cưỡng bách ấy đồng thời cũng chống lại sự đổi mới cơ cấu. Nói một cách đại loại thì người tham dự vào những nhóm đấy không được thỉnh ý để biết có thỏa thuận hay không; người ta không được tự ý gia nhập hay rút lui, người muốn trốn thoát sẽ bị phạt rất nặng, hay ít ra đoàn thể đã dự định những điều kiện thật khó khăn để cho rút lui. Lúc này chúng ta chưa cần biết tại sao những đoàn thể ấy lại cần những sự bảo đảm như thế. Điểm đáng chú ý là những đoàn thể có tổ chức chặt chẽ để tránh sự tan rã như thế, đã cho chúng ta biết nhiều đặc điểm mà các đoàn thể khác không cho thấy.
Trong quân đội và giáo hội (nên chọn giáo hội Công giáo làm mẫu), mặc dù có ít nhiều khác biệt, nhưng vẫn có một ảo tưởng chung, đó là sự hiện hữu (có mặt hay tưởng tượng) một người cầm đầu (đấng Christ trong giáo hội và vị tổng tư lệnh trong quân đội), người cầm đầu thương yêu mọi người trong đoàn thể ai cũng như ai. Đó là một ảo tưởng làm nền móng để xây dựng tất cả những sự kiện khác, nếu ảo tưởng ấy không còn thì giáo hội và quân đội phải tan rã khi nào không có sự ép buộc bên ngoài. Đấng Christ yêu tất cả mọi người như nhau, không trừ một ai, ý ấy diễn đạt rõ ràng trong câu nói sau đây: "Nhà ngươi làm cái gì liên hệ đến người anh em hèn mọn nhất của ta là nhà ngươi xúc phạm đến ta". Đối với những phần tử trong nhóm tín đồ thì đấng Christ có thái độ một người anh cả, một người cha. Người ta đã nhân danh tình yêu của đấng Christ đó mà bắt buộc con chiên phải nghe theo ý kiến của người ta. Có một luồng gió dân chủ thổi qua giáo hội và phấn khích mọi người bởi vì người người thấy mình ngang hàng với nhau khi đến trước mặt Thượng đế, người người đều được Chúa yêu mến như nhau. Không phải là không có lý do sâu xa khi người ta nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa cộng đồng Công giáo và một gia đình, khi các tín đồ coi nhau như anh em ruột được Chúa thương yêu như nhau. Ta không thể chối cãi được rằng mối dây ràng buộc mỗi người với đấng Christ là nguyên nhân của mối dây ràng buộc người này vào với người kia. Trong quân đội cũng thế; vị tướng cũng là người cha yêu mến đồng đều quân nhân trong hàng ngũ, vì tình yêu của vị tướng đó mà mọi người trong quân đội thân hữu với nhau. Về phương diện cơ cấu, quân đội khác giáo hội ở điểm đẳng cấp của quân đội thiết lập theo thứ tự từ trên xuống dưới; vị đoàn trưởng là cha của một đoàn, vị đội trưởng là cha của một đội. Dĩ nhiên, trong giáo hội cũng có cấp bậc tương tự, nhưng cấp bậc đó không đóng vai trò người cha, vì vai trò ấy dành riêng cho đấng Christ, đấng Christ biết rõ nhu cầu của con chiên và lo cho con chiên chu đáo hơn bất cứ người phàm trần ở cấp bậc nào.
Quan niệm một cơ cấu của quân đội đặt nền tảng trên dục tính (libido) như thế không tránh khỏi được sự chỉ trích, người ta sẽ chỉ trích rằng chúng tôi không kể đến những khái niệm tổ quốc, danh dự tổ quốc, v.v. đã giữ vững tinh thần đoàn kết quân đội. Xin trả lời rằng những yếu tố đoàn kết ấy thuộc về một lãnh vực khác và không giản dị như người ta tưởng; vả chăng nếu chúng ta xét đến những đạo binh của César, Wallenstein, Napoléon, thì chúng ta sẽ thấy những yếu tố ấy không cần thiết cho sự thiết lập và duy trì quân đội. Sau này chúng tôi sẽ bàn đến vấn đề có thể thay thế người cầm đầu bằng một ý niệm chỉ đạo và vấn đề liên lạc giữa người cầm đầu và ý niệm chỉ đạo.
Những người không chú trọng đến khái niệm libido trong quân đội – tuy rằng đó không phải là yếu tố duy nhất – không những lầm lẫn về lý thuyết mà còn gây ra nguy hiểm thực tiễn. Chế độ quân phiệt của nước Phổ không biết đến vấn đề tâm lý cũng như khoa học của nước Đức, đã gánh lấy hậu quả của sự lỗi lầm ấy trong thời kỳ thế chiến. Bệnh suy nhược thần kinh chiến tranh làm tan rã quân đội nước Đức là tiếng nói của con người phản đối sự bắt buộc họ đi lính; theo sự nghiên cứu của Simmel
[27] thì người ta có thể cả quyết rằng nguyên nhân chính của bệnh thần kinh ấy là các cấp chỉ huy đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo với quân lính. Nếu người ta chú trọng nhiều hơn đến nhu cầu tâm tình của quân lính thì hẳn là Tổng thống Wilson không đòi hỏi được đúng 14 điều yêu sách một cách dễ dàng, và nhà quân sự Đức không đến nỗi làm tan rã một công cụ tốt đẹp mà họ nắm trong tay như thế.
Chúng ta nên nhớ kỹ rằng trong hai đám đông quy ước ấy (giáo hội và quân đội) mỗi phần tử đều ràng buộc bởi liên lạc libido với người cầm đầu (đấng Christ, vị tổng tư lệnh) và với những người đồng hội đồng thuyền. Sau này chúng tôi sẽ nghiên cứu xem hai loại liên lạc ấy có tương đồng về bản chất và giá trị hay không, xem có thể miêu tả chúng theo nhỡn quan tâm lý học đến mức nào. Nhưng chúng tôi đã có thể chỉ trích những người cầm đầu đối với khoa tâm lý đám đông, vì lần đầu lựa chọn những điểm để nghiên cứu chúng tôi đã gặp được điều kiện may mắn hơn. Chúng tôi đã tìm được đường lối tốt để cắt nghĩa hiện tượng nền tảng của tâm lý đám đông, đó là tình trạng mất tự do của những người tham dự vào đấy. Vì con người của đám đông bị ràng buộc bởi những dây tình cảm kiên cố với hai vị trí khác nhau (người cầm đầu và bạn đồng đội) cho nên chúng ta dễ nhận thấy cá tính họ biến đổi và giảm thiểu như người ta đã nhận thấy.
Để chứng minh một lần nữa rằng yếu tính của một đám đông là những liên lạc libido bao vây con người như màng lưới dầy, chúng ta chỉ cần nghiên cứu hiện tượng hoảng sợ hay xảy ra trong hàng ngũ quân lính. Sự hoảng sợ phát sinh khi nào bắt đầu có sự tan rã. Bấy giờ lệnh trên không được tuân theo, ai nấy chỉ biết lo cho mình không biết đến người khác. Sự ràng buộc đã cắt bứt, một thứ sợ hãi mênh mang không thể cắt nghĩa được xâm chiếm lòng người. Dĩ nhiên người ta có thể cãi lại rằng chúng tôi đã đảo ngược thứ tự các hiện tượng mà nói như vậy chứ thực ra vì sự sợ hãi mạnh quá mức thường cho nên nó bóp nghẹt tất cả những tâm tính khác. Ông Mc Dougall (trong cuốn sách trích dẫn nói trên, trang 24) còn cho rằng sự hoảng sợ (ngoài phạm vi quân đội) là một thí dụ điển hình về sự phóng đại tình cảm bằng cách truyền nhiễm, ông gọi là
cảm ứng nguyên thủy (primary induction). Sự giải thích thuần lý đó không thể thỏa mãn chúng ta được, vì đây chúng ta phải giải thích tại sao sự sợ hãi lại mãnh liệt quá chừng quá mức như vậy. Không thể nói rằng tại sự nguy hiểm lớn lao, vì đội quân thất đảm ấy trước đây đã đương đầu với những sự nguy hiểm cũng lớn lao như thế, nếu không lớn lao hơn; điểm đặc biệt của sự kinh hoảng chính là nó quá mãnh liệt so với sự nguy hiểm rất nhỏ nhặt nhiều khi không có gì đáng ngại cả. Một khi cá nhân đã hoảng sợ đến thất đảm thì họ chỉ nghĩ đến mình họ, như thế là họ đã đứt đoạn mối tương hệ tình cảm trước kia đã che lấp sự nguy hiểm trước mắt. Họ có cảm tưởng là họ chỉ có một mình phải đối phó với nguy hiểm cho nên họ phóng đại thêm sự nguy hiểm. Như vậy chúng ta có thể nói rằng sự kinh hoảng xảy ra vì có sự tan rã cơ cấu dục tính của đoàn thể, khiến cho cá nhân phản ứng trong điều kiện tan rã ấy; còn như quan niệm cho rằng sự nguy hiểm là nguyên nhân của sự tiêu hủy cơ cấu tình cảm của đoàn thể thì xét ra không phù hợp với sự thật ngoài đời.
Cách nhận định trên đây không hề phủ nhận quan điểm của Mc Dougall, theo đó sự sợ hãi tập thể có thể vì ảnh hưởng "cảm ứng nguyên thủy" mà tăng gia đến mức kinh khủng. Quan điểm ấy thích hợp lạ lùng để giải thích những trường hợp một đám đông thiếu hẳn sự ràng buộc bởi mối dây đoàn kết tình cảm chắc chắn mỗi khi bị đe dọa bởi mối nguy hiểm lớn lao. Trường hợp điển hình là trường hợp một đám cháy xảy ra trong một rạp hát hay một phòng tụ hội. Những trường hợp đáng chú ý và phù hợp với sự chứng minh của chúng tôi là trường hợp một đạo binh bị khiếp đảm vì một sự nguy hiểm không có gì là quá mức bình thường trước kia vẫn bình tĩnh vượt qua một cách cam đảm. Vả chăng danh từ "kinh hoảng" không có một nghĩa chuẩn xác và nhất định. Khi thì dùng để chỉ sự sợ hãi tập thể, khi thì chỉ sự sợ hãi của riêng từng người sợ hãi quá mức bình thường, nhiều khi còn dùng để chỉ những trường hợp bùng nổ sự sợ hãi vô cớ. Khi gán cho danh từ "kinh hoảng" nghĩa "sợ hãi tập thể", chúng ta có thể tìm ra những nét tương đồng có tầm quan trọng lớn giữa trường hợp cá nhân và trường hợp đoàn thể. Cá nhân sợ hãi vì thấy nguy hiểm trầm trọng hay vì động đến những dây liên lạc tình cảm (những địa điểm tụ tập libido); trường hợp sau này là trường hợp lo sợ vì suy nhược thần kinh. (Xin coi
Phân tâm học nhập môn, chương 25, Freud). Sự kinh hoảng xảy ra khi cái nguy hiểm đe dọa cả mọi người thêm trầm trọng, hay khi có sự tiêu hủy những mối liên lạc tình cảm đoàn kết đám đông; trong trường hợp sau sự lo sợ tập thể cũng tương tự sự lo sợ vì suy nhược thần kinh.
Khi người ta đồng ý với ông Dougall cho rằng sự kinh hoảng là một trong những phát hiện đặc biệt nhất của
tâm lý đám đông, người ta sẽ đi đến kết luận mâu thuẫn rằng linh hồn tập thể tan rã giữa lúc đám đông để lộ đặc tính riêng biệt nhất, và cũng nhân sự bộc lộ ấy mà tan rã. Đã rõ rệt rằng kinh hoảng có nghĩa là tan rã đám đông mà hậu quả là mọi ràng buộc giữa các phần tử đều tiêu tan.
Trong môt đoạn văn của Nestroy viết để nhái vở kịch của Hebel (Judith và Holopherne), một chiến sĩ hô to: "Chủ súy của ta đã bị chém đầu", thế là quân lính Assyrie bỏ chạy tán loạn. Đây là một thí dụ điển hình về sự phát sinh kinh hoảng, chỉ cần một cớ vô nghĩa là cũng đủ làm cho quân lính thất đảm. Sự nguy hiểm vẫn thế thôi nhưng quân lính chỉ mất tin tức về chủ súy, tưởng chủ súy đã chết hay mất tích cũng đủ sinh ra kinh hoảng. Khi đã mất những mối liên lạc tình cảm với chủ súy thì thường thường sự ràng buộc với anh em đồng đội cũng tan rã. Đám đông tan rã như tuyết gặp mặt trời.
Sự tan rã đám đông tôn giáo khó nhận định hơn. Mới đây tôi có dịp đọc một cuốn tiểu thuyết Anh viết trong tinh thần Công giáo và do một vị giám mục Luân Đôn giới thiệu. Cuốn tiểu thuyết nhan đề là
When it was dark, theo tôi, đã mô tả rất khéo léo hậu quả của một tình trạng tan rã có thể xảy ra. Tác giả tưởng tượng một âm mưu kình chống cá nhân đấng Christ và tín ngưỡng Công giáo, kẻ âm mưu phao ngôn rằng đã tìm thấy ở Giêrusalem một cái hầm trong có tấm bia khắc câu thú nhận của Arimathie, ông này vì tin thờ đã đào mả Chúa Christ sau khi chôn được ba ngày, ăn cắp xác và đem đi giấu ở cái hầm ấy. Sự phát minh khảo cổ học ấy có nghĩa làm sụp đổ những tín điều về sự phục sinh của Chúa Christ, về bản chất thần linh của Chúa Christ, hậu quả là làm khuynh đảo cả một nền văn hóa Âu châu và làm gia tăng tội ác và bạo ngược lên mức độ khinh khủng, tình trạng kéo dài mãi cho đến khi người ta khám phá ra âm mưu của kẻ giả mạo.
Trong cái gọi là sự tan rã của đám đông tôn giáo nói trên đây, sự kiện bộc lộ ra không phải là sự sợ hãi vì không có cớ gì để sợ hãi cả; đó chỉ nà những xung động ác cảm với người khác, những xung động trước kia không thể xuất lộ được vì tình yêu của Chúa Christ đùm bọc cả mọi người
[28] . Khi còn chúa Christ cũng có những người không bị ràng buộc vào những dây liên lạc tình cảm ấy, đó là những người ở ngoài cộng đồng Công giáo, họ không yêu chúa Christ và chúa Christ cũng không yêu họ. Chính vì thế cho nên một tôn giáo dù có mệnh danh là một tôn giáo của tình yêu cũng phải nghiêm khắc và không "yêu" được những người ngoại đạo. Xét cho cùng thì tôn giáo nào cũng là tôn giáo của tình yêu đối với những người bổn đạo, tôn giáo nào cũng sẵn sàng tỏ ra độc ác và không khoan dung những người không biết đến tôn giáo ấy.
Mặc dù có phương hại đến mình thế nào người ta cũng không nên quá chê trách kẻ tin đạo độc ác và hẹp hòi cố chấp; kẻ không tín ngưỡng và kẻ thờ ơ thật đã được may mắn hơn người khi tỏ ra lạnh lùng với những tâm tình ấy, đứng về phương diện tâm lý chúng ta có thể nói như vậy. Sự hẹp hòi cố chấp ngày nay không bùng ra mạnh bạo như thuở trước, nhưng người ta sẽ lầm lớn nếu người ta cho là ảnh hưởng của thuần phong mỹ tục đã làm dịu lòng người. Ta không thể chối cãi được rằng lý do làm cho con người hung bạo là tại lòng tin đạo đã sút giảm do đó mà những liên lạc tình cảm cũng tan rã theo.
Chỉ cần có một tập thể nào thay thế đoàn thể tôn giáo (thí dụ như trường hợp một đảng chính trị "cực đoan") là người ta đủ thấy bùng nổ sự hẹp hòi cố chấp đối với người khác chánh kiến, chẳng khác gì sự cố chấp của các đoàn thể tôn giáo; sự khác biệt giữa hai quan niệm khoa học cũng có thể bị công chúng gán cho một tầm quan trọng không kém sự khác biệt tôn giáo, cũng có thể xảy ra những hậu quả tương tự vì những lý do tương tự.
6. Những vấn đề mới và những hướng tìm tòi mới
Ở chương trên chúng tôi đã nhận định hai đám đông qui ước, quân đội và giáo hội, chúng tôi đã nhận thấy người ta bị chi phối bởi hai loại liên lạc tình cảm, loại ràng buộc cá nhân với người cầm đầu có tính cách quyết định hơn loại ràng buộc người nọ với người kia.
Có rất nhiều điều để nói và để mô tả về cơ cấu đám đông. Trước hết phải nói rằng một số người tụ họp chỉ là đám đông theo nghĩa thường dùng chứ không thể là chữ đám đông dùng ở đây với nghĩa là một đoàn thể hay một nhóm, vì không có những mối dây liên lạc nói trên kia; tuy nhiên chúng ta có thể nói rằng bất cứ đám người nào tụ hội cùng có khuynh hướng rất mạnh trở thành một nhóm có tâm lý tập thể. Như vậy chúng ta phải xem xét cặn kẽ các loại nhóm tự nhiên được tạo lập; có ít nhiều tính cách liên tục; chúng ta sẽ nghiên cứu điều kiện thành lập và điều kiện tan rã. Sự khác biệt giữa đám đông có người cầm đầu và không người cầm đầu đáng được chú ý đặc biệt. Chúng ta cũng phải xét xem những đám đông có người cầm đầu có phải là những đám đông cổ xưa nhất và bất toàn nhất hay không, cũng phải xét xem một vài đám đông có thể thay thế người cầm đầu bằng một ý tưởng trừu tượng hay không (những đám đông vâng theo một người cầm đầu vô hình rất gần với hình thức đám đông sau này); cũng phải xét xem một khuynh hướng, một ý muốn khả dĩ được một số lớn người nghe theo có thể thay thế người cầm đầu được hay không? Đến lượt ý tưởng trừu tượng có thể nhập vào một người chỉ huy phụ hay không, và nếu nhập được thì sẽ tạo ra những mối liên lạc đủ loại hay không? Có thể có những trường hợp mà người chỉ huy hay ý tưởng chỉ huy tạo ra những liên lạc tiêu cực, nghĩa là sự thù ghét một người nào đó có thể làm cho những người thù ghét người ấy đoàn kết với nhau, thân thiết với nhau, cũng như nhóm người tích cực tận tâm với người ấy chăng? Và sau cùng, chúng ta có thể tự hỏi rằng sự có mặt của người cầm đầu có phải là điều kiện cần thiết để một số người tụ tập với nhau biến thành đám đông với tâm lý của đám đông không?
Tất cả những câu hỏi ấy tuy đã có một vài câu được giải đáp trong các sách viết về tâm lý tập thể, nhưng không thể làm cho chúng ta sao lãng những vấn đề tâm lý nền tảng mà cơ cấu đám đông gợi lên cho chúng ta. Trước hết xin đưa ra một ý kiến để minh thị đâu là con đường ngắn nhất nên theo để nắm được bằng chứng về bản chất libido của những liên lạc đoàn kết các phần tử đám đông.
Chúng ta thử hình dung ra người đời có thái độ nào đối với nhau về phương diện tình cảm. Schopenhauer đã đưa ra một ví dụ tài tình sau đây để gợi cho chúng ta một ý niện rằng không ai có thể chịu đựng được một sự gần gũi thân mật quá mức với đồng bào:
"Vào một ngày trời đông giá lạnh, một đàn nhím quây quần lại với nhau cho ấm. Nhưng ép vào với nhau quá lông nhọn con nọ chọc vào con kia, nhím đau quá chịu không nổi lại phải dãn ra một chút, xích ra, ép vào năm bảy lần rồi chúng mới tìm được một vị trí lý tưởng không gần quá để lông chọc vào nhau, không xa quá để còn sưởi ấm lẫn nhau"
[29] .
Sự nghiên cứu phân tâm học cho biết rằng sự thân thiết giữa hai người trong ít lâu – như liên lạc vợ chồng, bè bạn, cha con
[30] – để lại những tâm tình ác cảm hay ít ra bất thân thiện mà người ta phải dồn nén đi. Tình trạng rõ rệt hơn trong trường hợp hai người cộng tác với nhau luôn luôn cãi cọ nhau, hay trường hợp một thuộc viên luôn luôn lầu bầu với chủ. Tình trạng ấy cũng xảy ra trong trường hợp người ta tụ hợp thành những nhóm, những đoàn thể rộng lớn. Khi hai gia đình làm sui gia với nhau, nhà này cho mình hơn nhà kia, cao quý hơn nhà kia; hai tỉnh kế cận nhau cạnh tranh nhau, ghen tỵ nhau; một tổng nhỏ tỏ vẻ khinh bỉ tổng khác kém mình. Hai giống người cùng nguồn gốc chủng tộc ganh ghét nhau: người Đức miền nam không chịu được người Đức miền Bắc, người Anh nói xấu người Tô Cách Lan, người Tây Ban Nha khinh bỉ người Bồ Đào Nha. Sự ghét bỏ càng sâu xa khi sự tương dị càng rõ rệt, vì thế mà người Gô Loa ghét người Nhật Nhĩ Nam, người A Riêng ghét người Do Thái, người da trắng ghét người da màu.
Khi nào sự ác cảm là ác cảm những người mình thương yêu thì chúng ta gọi là trường hợp lưỡng ứng tâm tình, chúng ta tìm cách giải thích hiện tượng ấy một cách quá thiên về duy lý, chúng ta vin vào những xung đột quyền lợi vì sống chung đụng mật thiết với nhau mà phát sinh. Trong sự ghê tởm và ghét bỏ ai, chúng ta thấy bộc lộ sắc thái chỉ yêu có mình, sắc thái ngã ái, cái ngã ái tìm cách tự xác định, hầu như cái gì hơi khác những đặc điểm và đặc tính của cá nhân là kèm theo sự chỉ trích những đặc điểm ấy và đặc tính ấy, ngã ái yêu cầu người ta biến cải và thay đổi. Tại sao con người rất nhạy cảm đối với những chi tiết của sự phân hóa như thế? Chúng ta không biết gì cả, nhưng có điều chúng ta biết chắc là cách xử sự như thế bộc lộ sự phát sinh căm thù rất dễ dàng, bộc lộ sự gây gổ mà chúng ta không biết nguồn gốc ở đâu, chúng ta chỉ biết cho là một nét tính tình sơ thủy
[31] .
Nhưng mọi sự bất khả tương nhượng đều biến mất tạm thời hay vĩnh viễn nếu là trường hợp một đám đông. Còn ở trong tâm trạng đám đông thì mọi người đều xử sự như thể họ cùng được đúc bằng một cái khuôn, họ chịu đựng được mọi điểm đặc dị của người bên cạnh, họ tự coi là bình đẳng với nhau và không hề ghét bỏ người bên cạnh: theo những quan điểm lý thuyết của chúng ta thì ngã ái của con người chịu tự chế như vậy là vì ảnh hưởng của một yếu tố duy nhất: họ có những ràng buộc libido với những người khác. Sự ích kỷ chỉ bị giới hạn bởi tình yêu người khác, tức là tình yêu có đối tượng
[32] . Người ta có thể chất vấn chúng tôi rằng nếu chỉ có cấu kết với nhau vì quyền lợi mà không có một yếu tố libido nào nâng đỡ thì người ta có nhường nhịn và kính trọng lẫn nhau không? Một câu hỏi như thế có thể trả lời rất dễ dàng, đây chỉ là một trường hợp hạn chế thường xuyên cái ngã ái, bởi vì trong những cuộc hợp tác như vậy sự tương nhượng rất mong manh, khi nào cuộc hợp tác không mang lại quyền lợi trước mắt nữa thì sự tương nhượng cũng không còn. Giá trị thực tiễn của vấn đề này không quan trọng như người ta tưởng, kinh nghiệm đã cho biết rằng cả trong những trường hợp cộng tác sơ sài, mối liên lạc libido cũng phát sinh giữa những người hợp tác với nhau, mối liên lạc ấy còn mãi khi đã hết lợi lộc thực tiễn mà cuộc hợp tác mang lại.
Trong những liên lạc xã hội của con người, khoa học phân tâm tìm ra những sự kiện đã quan sát thấy trong sự khai triển libido của cá nhân. Cái libido mình vào những đối tượng đầu tiên là những người mang lại thỏa mãn nhu cầu sinh sống đầu tiên. Trong sự tiến hóa của nhân loại cũng như của cá nhân, tình yêu xuất hiện như yếu tố chính yếu, nếu không phải là yếu tố văn minh duy nhất quyết định sự biến chuyển tính ích kỷ sang tính vị tha. Quan điểm này cũng đúng với cả hai đối tượng của tình yêu, tình yêu nam nữ với sự cần thiết bảo vệ người mình yêu, và tình yêu khử dục tính, tình yêu đồng tính ái và thăng hoa đối với những người khác cùng làm việc với mình.
Vấn đề cần phải đặt ra là những dây liên lạc mới đó là những loại nào. Trong lý thuyết phân tâm học về bệnh suy nhược thần kinh, cho đến ngày nay chúng tôi gần như chỉ chuyên chú về những khuynh hướng tình ái, những khuynh hướng ấy nhập vào đối tượng (không phải người đàn bà) nhưng vẫn theo đuổi mục đích dục tính trực tiếp. Nhưng trường hợp đám đông thì hiển nhiên là không làm gì có một cách dục tính nữa. Ở đây chúng ta đứng trước những khuynh hướng tình ái đã từ bỏ mục đích nguyên thủy rẽ sang đường khác nhưng vẫn giữ nguyên tinh lực. Trong phạm vi khuynh hướng dục tính nhập vào một đối tượng như trường hợp bình thường, chúng tôi cũng nhận thấy những hiện tượng có thể suy diễn là bản năng đã từ bỏ mục đích dục tính mà rẽ sang đường khác. Chúng tôi đã mô tả những hiện tượng ấy như những mức độ của trạng thái yêu thương và chúng tôi nhận thấy trong những hiện tượng ấy có sự giới hạn cái Tôi. Bây giờ chúng tôi xem xét cẩn thận những hiện tượng đặc biệt của trạng thái yêu đương với hy vọng rằng chúng tôi có căn bản chắc chắn để rút ra những kết luận có thể đem áp dụng vào trường hợp liên lạc tình cảm giữa những người họp thành đầu tư. Ngoài ra chúng tôi còn muốn biết rõ điều chúng tôi quan sát được sau đây: thể thức libido nhập vào một đối tượng có phải là sự ràng buộc tình cảm duy nhất có thể có được, hay là chúng ta còn phải nghĩ đến những thể thức khác tương tự như thế. Phân tâm học cho chúng tôi biết rằng còn có những động cơ khác: đó là hiện tượng đồng nhất hóa, tiến trình này chưa được biết rõ lắm, rất khó mô tả, chúng ta hãy tạm ngưng vấn đề tâm lý tập thể để xem xét vấn đề đồng nhất hóa.
7. Đồng nhất hóa
Phân tâm học cho rằng
đồng nhất hóa (identification) là phát hiện nguyên thủy của sự ràng buộc tình cảm với người khác. Sự đồng nhất hóa đóng một vai trò quan trọng trong mặc cảm Oedipe trong những giai đoạn đầu. Đứa trẻ rất thích cha nó, người cha thế nào thì nó muốn thế, nó muốn thay thế người cha về đủ mọi phương diện. Ta có thể nói: nó lấy cha làm người lý tưởng của nó. Thái độ đối với người cha (nói chung thì với cả những người khác) không có gì là thụ động, là nữ tính; thái độ ấy, chính là nam tính. Thái độ ấy dung hòa được mặc cảm Oedipe và sửa soạn cho mặc cảm Oepide.
Được ít lâu về sau libido của nó bắt đầu nhắm vào mẹ nó làm đối tượng, đồng thời nó vẫn đồng nhất hóa với cha. Bởi vậy nó bộc lộ hai thứ ràng buộc khác nhau về phương diện tâm lý, sự ràng buộc với mẹ vì mẹ là đối tượng của libido, sự đồng nhất hóa mình với cha vì cha mà mẫu người để nó bắt chước. Hai tâm tình đồng hiện diện bên cạnh nhau, không ảnh hưởng gì đến nhau, không gây xáo trộn gì cho nhau. Nhưng dần dần đời sống tâm thần đi đến chỗ thống nhất, hai tâm tình xích lại gần nhau, rồi đụng vào nhau. Do đó mà phát sinh mặc cảm Oepide bình thường. Đứa trẻ thấy cha nó cản đường nó không cho nó tiến tới gần mẹ nó; sự đồng nhất hóa với cha vì thế nhuốm màu sắc ác cảm rồi sau hết nhập vào với ý muốn thay thế cha. Vả chăng sự đồng nhất hóa đã có tính cách lưỡng ứng ngay từ đầu; nó có thể hướng về sự âu yếm cũng như hướng về ý muốn diệt trừ cha. Nó hành động không khác nào giai đoạn đầu mới tổ chức cái libido, giai đoạn "miệng" (cái miệng là khu vực thụ cảm để thỏa mãn libido), trong giai đoạn ấy đứa trẻ muốn và thích cái gì thì chỉ có việc thôn tính nó bằng cách nuốt chửng nó, nghĩa là hủy diệt nó. Mọi ăn thịt người dừng lại ở giai đoạn ấy, họ ăn thịt kẻ thù, và họ cũng ăn thịt những người họ yêu
[33] .
Rất dễ mất hút, không biết sự đồng nhất hóa với cha sau này ra sao. Mặc cảm Oepide cũng có thể bị đảo ngược; người bị nữ tính hóa trở thành đối tượng của khuynh hướng dục tính; trong trường hợp ấy, sự đồng nhất hóa với cha là giai đoạn sơ khởi của sự đối tượng hóa người cha. Đối với con gái cũng vậy, người ta có thể nói rằng nó cũng có thái độ tương tự đối với mẹ nó.
Rất dễ dùng một công thức để mô tả sự khác biệt giữa hai sự kiện sau đây: 1) Đồng nhất hóa với cha; 2) ràng buộc với cha vì coi cha là đối tượng dục tính. Trong trường hợp thứ nhất người cha là người mà đứa trẻ muốn được như thế, trong trường hợp thứ hai đứa trẻ muốn chiếm hữu người cha. Trong trường hợp thứ nhất người cha liên hệ với cái
tôi của nó, trong trường hợp thứ hai đứa trẻ liên hệ với đối tượng để thỏa mãn thị dục của nó. Chính vì vậy mà người ta có thể đồng nhất hóa trước khi lựa chọn đối tượng. Nhưng mô tả tâm lý siêu hình sự khác biệt ấy khó hơn nhiều. Tất cả cái gì có thể nhận thấy là: cái
tôi tìm cách làm cho mình giống cái mà nó lấy làm mẫu.
Trong một triệu chứng suy nhược thần kinh sự đồng nhất hóa liên hệ tới một toàn bộ những hiện tượng phức tạp hơn. Thí dụ trường hợp một đứa con gái nhỏ sau đây: nó mắc cùng một triệu chứng bệnh hoạn như mẹ nó, chứng ho cơn. Bệnh của nó xảy ra theo hai tiến trình khác nhau: một là sự đồng nhất hóa cũng tương tự sự đồng nhất hóa bắt nguồn từ mặc cảm Oepide, như vậy, đồng nhất hóa có nghĩa làm thèm muốn chiếm chỗ của mẹ bên cạnh cha và bộc lộ xu hướng tình ái của đứa trẻ đối với cha; trong sự thực hiện ý muốn thay thế mẹ bên cạnh cha đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi cảm tưởng tự ti: "Mày muốn làm mẹ mày ư? Thì mày được mãn nguyện rồi đó, mày đã ho như mẹ mày đó"; đó là tất cả động cơ của sự cấu tạo triệu chứng bệnh loạn thần kinh (hystérie). Hai là, triệu chứng bệnh hoạn sẽ cùng là triệu chứng của người mà đứa con gái yêu thương (trong Bruchstück einer Hysterie – Analyse có nói đến trường hợp một đứa nhỏ tên Dora, đứa trẻ nhỏ này bắt chước bệnh ho của cha nó); như vậy chúng ta có thể nói rằng sự đồng nhất hóa đã chiếm chỗ của xu hướng tình ái, xu hướng tình ái đã thoái hóa và trở thành sự đồng nhất hóa. Chúng ta đã biết rằng đồng nhất hóa là hình thức cổ sơ nhất của sự ràng buộc tình cảm. Dưới ảnh hưởng những động cơ của tiềm thức sẽ phát sinh triệu chứng và dồn nén, do đó mà đáng lẽ lựa chọn đối tượng dục tính người ta trở lại dùng phương tiện đồng nhất hóa; chúng ta có thể nói rằng cái
tôi thu hút những đặc tính của đối tượng. Chúng ta nên để ý rằng khi thì cái
tôi chép lại người mà nó yêu, khi thì nó chép lại người mà nó ghét. Trong cả hai trường hợp sự đồng nhất hóa chỉ là đồng nhất hóa từng phần, rất có giới hạn, cái
tôi chỉ mượn một nét nào đó của đối tượng mà thôi.
Trong một trường hợp cấu tạo triệu chứng rất hay xảy ra và rất có ý nghĩa, sự đồng nhất hóa đứng độc lập, không hề tùy thuộc thái độ libido đối với người mà đứa trẻ muốn làm theo. Một nữ sinh nội trú nhận được của người tình một bức thư gợi lòng ghen, cô ta phản ứng bằng cách nổi cơn loạn thần kinh, một vài cô bạn biết chuyện cũng bị lây, họ cũng nổi cơn loạn thần kinh như thế, có thể gọi hiện tượng truyền nhiễm tâm thần. Trong trường hợp này, động cơ đồng nhất hóa hoạt động. Điều này có thể xảy ra vì người ta có thể tự đặt mình vào một địa vị hay người ta muốn đặt mình vào một địa vị nào. Những người khác cũng có thể có một chuyện tình kín đáo, họ có một cảm tưởng phạm tội, họ chấp nhận sự đau khổ gây ra vì tội lỗi đó. Nếu bảo rằng vì cảm tình mà họ tiếp thụ triệu chứng của cô bạn thì thật là sai lầm. Trái lại, sự giao cảm (symphathie) thoát thai từ sự đồng nhất hóa; bằng chứng là sự truyền nhiễm hay sự bắt chước như thế cũng có thể xảy ra trong trường hợp hai người không có cảm tình với nhau như mấy cô bạn nội trú nói trên. Cái
tôi của người này tri giác được trong cái
tôi của người khác một điểm tương đồng quan trọng nào đó (trong trường nói trên thí điểm ấy là mức độ tình cảm cùng cao như nhau); bấy giờ sẽ xảy ra ngay sự đồng nhất hóa về điểm ấy; dưới ảnh hưởng của tình trạng bệnh hoạn, sự đồng nhất hóa đưa đến triệu chứng ho của cô bạn. Sự đồng nhất hóa bằng cách phát sinh triệu chứng cho ta biết điểm gặp gỡ của hai cái
tôi (của hai người), điểm gặp gỡ ấy thực ra ở trong phạm vi những cái gì bị dồn nén.
Những điều ta biết được về ba nguồn gốc trên đây có thể tóm tắt như sau: 1) sự đồng nhất hóa là hình thức cổ sơ nhất của sự ràng buộc với đối tượng; 2) vì sự biến đổi thoái hóa, sự đồng nhất hóa chiếm chỗ của sự ràng buộc libido với đối tượng, sở dĩ như vậy là vì đối tượng được đưa vào trong cái
tôi; 3) sự đồng nhất hóa xuất hiện khi nào một người nhận thấy mình có một nét chung với một người khác tuy rằng người khác ấy không phải là đối tượng của libido. Những nét chung càng nhiều và càng quan trọng thì sự đồng nhất hóa càng hoàn toàn, và như thế là tương ứng với một sự ràng buộc khác.
Chúng ta đã hé thấy rằng sự ràng buộc những người trong một đám đông là kết quả của một hiện tượng đồng nhất hóa như vậy, sự đồng nhất hóa đặt nền móng trên một cộng đồng tâm tình; và chúng ta có thể giả thiết rằng cộng đồng tâm tình được cấu tạo bởi bản chất của mối liên lạc mỗi người với người cầm đầu. Chúng ta cũng nhận thấy rằng chúng ta chưa nói hết về vấn đề đồng nhất hóa, chúng ta đứng trước một tiến trình khá quen thuộc mà tâm lý học gọi là
Einfühlung (tiếp thụ những tình cảm của người khác), sự tiếp thụ ấy đóng một vai trò quan trọng vì nó cho phép chúng ta thấu hiểu linh hồn những người xa lạ với cái
tôi của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta muốn giới hạn sự tìm hiểu trong phạm vi những hậu quả tâm tình trực tiếp của sự đồng nhất hóa, bởi vậy có thể hãy tạm gác sang một bên tính cách quan trọng của sự đồng nhất hóa đối với sinh hoạt trí tuệ.
Trong phạm vi ấy, sự tìm tòi phân tâm học cũng đề cập đến những vấn đề khúc mắc hơn liên hệ đến bệnh tâm thần biến thái (psychose), người ta nhận thấy có sự đồng nhất hóa trong những trường hợp khác, suy diễn những trường hợp này không phải là dễ. Tôi xin kể hai trường hợp với đầy đủ chi tiết để tiện việc nhận định sau này.
Sự phát sinh đồng tính ái (homosexualité) của đàn ông thường thường xảy ra như sau: trong một thời gian rất lâu, người thanh niên bị ràng buộc với mẹ rất mạnh mẽ, hiểu theo mặc cảm Oepide. Đến thời kỳ dậy thì, người thanh niên đã tới lúc cần phải kiếm một đối tượng dục tính khác để thay thế người mẹ. Bấy giờ sẽ xảy ra một sự chuyển hướng bất thần: đáng lẽ lìa bỏ mẹ thì người thanh niên đồng nhất hóa với mẹ, biến thành mẹ, thanh niên sẽ tìm những đối tượng có thể thay thế cái tôi của chàng và chàng ta có thể yêu mến và chăm nom cũng như chàng ta đã được mẹ yêu mến và chăm nom. Đó là một tiến trình mà ai cũng có thể quan sát thấy thực sự, không liên quan gì đến những giả thuyết về lý do và duyên cớ của sự thay đổi bất thần ấy. Điều đáng chú ý là tầm rộng lớn của sự đồng nhất hóa: đứng về phương diện dục giới, một trong những phương diện quan trọng nhất – thì con người bị thay đổi sâu xa, họ trở thành một người giống mẫu người vẫn là đối tượng libido của họ. Vậy là họ từ bỏ đối tượng ấy, hoặc từ bỏ hẳn, hoặc họ chỉ giữ lại trong tiềm thức họ mà thôi. Tuy nhiên đây là một điểm mà chúng ta không bàn đến. Đối với chúng tôi thì hiện tượng đồng nhất hóa với đối tượng đã bỏ mất để thay thế nó và hiện tượng nhập nội (intrejection) (nhập đối tượng vào trong cái
tôi), đều không có gì là mới mẻ cả. Nhiều khi có thể quan sát tiến trình ấy một cách trực tiếp ở đứa trẻ. Trong một tờ tạp chí quốc tế về phân tâm học, có tường thuật sự kiện sau đây: một đứa trẻ đánh mất một con mèo con, bất thình lình nó nói rằng nó là con mèo, nó đi bằng bốn chân và không chịu ngồi vào bàn ăn, v.v.
[34]
Sự phân tích bệnh ưu uất (mélancolie) cho chúng tôi biết một thí dụ khác về hiện tượng nhập nội, bệnh ưu uất (điên) là một bệnh gây ra thường thường vì mất vật gì mà người ta yêu, mất thật sự hay chỉ là mất về phương diện tình cảm. Trong trường hợp ấy, điểm chính yếu là cái
tôi tự làm điếm nhục mình một cách độc địa: người bệnh tự chửi bới mình thậm tệ, tự chê trách thật cay nghiệt. Sự phân tích cho biết rằng thực ra những lời chỉ trích ấy là chỉ trích người mà họ yêu, đó là cái
tôi trả thù người đã là đối tượng tình yêu của họ. Chúng tôi vẫn bảo rằng cái bóng của đối tượng phóng rọi vào cái
tôi của họ. Chúng ta thấy rõ mồn một sự nhập nội đối tượng tình yêu của họ.
Nhưng những chứng ưu uất ấy còn cho chúng tôi biết nhiều chi tiết khác rất quan trọng đối với công cuộc nghiên cứu sau này. Chúng minh thị rằng cái
tôi bị phân tán làm hai mảnh, mảnh nọ đả phá mảnh kia kịch liệt. Mảnh kia tức là nửa cái
tôi bị biến đổi bởi sự nhập nội, nửa ấy chứa đựng người yêu đã mất. Nhưng nửa cái
tôi độc ác với láng giềng của nó đến mức ấy cũng không có gì là lạ cả. Đó là tiếng nói của lương tâm, đó là thẩm quyền phê phán của cái
tôi; tuy rằng lúc bình thường nó cũng lên tiếng, nhưng không bao giờ nó tỏ ra bất công và cay nghiệt như lúc này. Khi nói đến ngã ái, buồn rầu và ưu uất, chúng tôi đã chấp nhận rằng trong cái
tôi đã lập thành một thẩm quyền như thế, một nửa cái
tôi có thể tách rời khỏi nửa kia và có thể xung đột với nửa kia. Chúng tôi đã đặt cho nó cái tên gọi là
lý tưởng tôi và chúng tôi đã gán cho nó chức vụ quan sát bản thân, ý thức luân lý, kiểm duyệt giấc mơ, và vai trò chung quyết trong tiến trình dồn nén. Chúng tôi đã nói rằng
lý tưởng tôi là con thừa tự của ngã ái; trong sự ngã ái cái
tôi của đứa trẻ tự túc tự mãn. Về sau con người theo hoàn cảnh mà có những đòi hỏi, cái
tôi không phải bao giờ cũng thỏa mãn được hết những đòi hỏi ấy; bởi vậy cho nên gặp trường hợp con người tưởng rằng mình có lý do để không bằng lòng mình, họ vẫn có thể tìm sự thỏa mãn trong cái
tôi lý tưởng vì
tôi lý tưởng đã tách rời khỏi cái
tôi. Ngoài ra chúng tôi còn minh thị rằng trong sự điên loạn vì sự soi mói tự chỉ trích chúng ta có thể thấy sự tan rã cái
tôi lý tưởng chúng ta có thể đi ngược trở lên để tìm nguồn gốc của nó, nguồn gốc ấy trước hết là ảnh hưởng của cha mẹ
[35] . Nhưng chúng tôi cũng không quên nói thêm rằng sự cách biệt giữa
tôi lý tưởng và cái
tôi thật rất khác nhau từ người nọ sang người kia; đối với nhiều người sự phân hóa cái
tôi ra làm hai như vậy không hơn trình độ của đứa trẻ.
Nhưng trước khi dùng những tài liệu trên đây để giải thích vấn đề liên lạc libido của một đầu tư chúng tôi cần phải xem xét một vài liên lạc hỗ tương giữa cái tôi và đối tượng
[36] .
[1]Tâm lý đám đông, in lần thứ 48, Alcan, 1921.
[2]Sách trích dẫn nói trên, trang 17.
[3]Ý kiến của Le Bon và ý kiến của chúng tôi hơi khác nhau vì khái niệm tiềm thức của ông không đúng khít về đủ mọi khía cạnh với tiềm thức của phân tâm học. Tiềm thức của Le Bon chứa đựng những đặc tính sâu xa nhất của linh hồn giống nòi, những đặc tính ấy không có ích lợi gì cho phân tâm học. Hẳn là chúng tôi cũng chấp nhận rằng cái nhân của cái
Tôi (trong đó có gia tài truyền thống của linh hồn loài người) là phần tiềm thức, nhưng chúng tôi còn chủ trương một phần “dồn nén thuộc tiềm thức”. Tiềm thức của Le Bon không có phần dồn nén.
[4]Trang 17-18, tác phẩm trích dẫn ở trên. Sau này chúng tôi dùng quan điểm của ông để làm khởi điểm cho một giả thiết quan trọng.
[5]Ibid, trang 17-19.
[6]Ibid, trang 19.
[7]Trang 9.
[8]Schiller cũng nói: một người kể riêng lẻ thì có thể thông minh và biết lẽ phải, nhưng hội họp lại với những người khác, họ chỉ là kẻ ngu dại.
[9]Trang 19.
[10]Ông dùng chữ “tiềm thức” rất đúng, theo nghĩa rộng rãi hơn nghĩa: tiềm thức là tâm tình bị dồn nén.
[11]Trang 24.
[12]Coi
Vật tổ và cấm kỵ, chương III: việc thờ linh hồn, ma thuật và uy quyền tuyệt đối của ý tưởng; Sigmund Freud.
[13]Trong sự suy diễn giấc mơ nhờ đó chúng tôi biết rất nhiều về sinh hoạt tâm thần tiềm thức, chúng tôi theo kỹ thuật sau đây: chúng tôi không kể đến những ngờ vực và bất trắc để lộ trong lúc thuật lại giấc mơ và chúng tôi cho rằng tất cả các yếu tố của giấc mơ bộc lộ đều là yếu tố chắc chắn. Chúng ta không cho rằng vì có sự kiểm duyệt việc làm của giấc mơ cho nên mới có những nghi ngờ và bất trắc, chúng tôi chấp nhận rằng những ý nghĩ sơ thủy của giấc mơ không có chút gì là nghi ngờ và bất trắc cả. Dĩ nhiên, nghi ngờ và bất trắc cũng như bất cứ yếu tố nào khác, có thể là vết tích ban ngày để lại và khơi động giấc mơ xuất hiện. (
Traumdeutung, in lần thứ 5, 1919, trang 386)
[14]Ibid trang 36. Vẫn một khuynh hướng phóng đại, đi quá trớn chi phối tâm tính trẻ con và giấc mơ; trong tiềm thức có sự ngăn cách giữa các loại tình cảm, bởi thế một chút bó buộc lúc ban ngày có thể biến thành sự tử thù đối với người cưỡng ép mình; một ý muốn nhẹ nhàng thoáng qua có thể biến thành ý muốn đại gian ác xuất hiện trong giấc mơ. Bác sĩ Hans Sachs có sự nhận xét rất hay: “Trong giấc mơ, có xuất hiện cái gì dính dáng đến hiện tại (thực tại) thì sau này ta lại ý thức đến nó, chúng ta đừng ngạc nhiên rằng những cái quái dị hiện ra dưới tấm kính hiển vi của sự phân tích chỉ có tầm vóc những con vi sinh vật độc bào (
Traumdeutung, trang 357).
[15]Ibid, trang 43.
[16]Đối với đứa trẻ thì những thái độ tâm tình lưỡng ứng đối với những người thân thích có thể đồng thời tồn tại rất lâu mà không gây ra sự xung đột nào. Và khi nào xung đột nổ bùng thì đứa trẻ thanh toán bằng cách đổi đối tượng, nó chuyển một trong những tâm tình lưỡng ứng của nó sang một người khác. Nghiên cứu sự tiến triển của bệnh suy nhược thần kinh của người lớn, thường khi người ta nhận thấy rằng một tình cảm bị kiềm chế có thể tồn tại rất lâu trong những giấc mơ không ý thức được và cũng có khi ý thức được nữa (dĩ nhiên, nội dung giấc mơ trái ngược với khuynh hướng nổi bật); mặc dù có sự mâu thuẫn ấy nhưng cái
Tôi không chống lại tình cảm bị kiềm chế. Giấc mơ được người ta dung thứ trong một thời gian khá lâu, cho đến lúc vì số lượng tình cảm của nó cao quá, bất thần xảy ra sự xung đột với cái Tôi đem lại nhiều hậu quả tai hại.
Đứa trẻ lớn lên, gần tuổi khôn lớn, cá tính của nó dần dần được “hội nhập”, nghĩa là mọi khuynh hướng và ước vọng trước kia phát triển rời rạc, bây giờ tụ hợp lại và hỗn hợp với nhau. Chúng ta đã biết có một tiến trình như vậy trong sinh hoạt dục tính, mọi khuynh hướng dục tính quy tụ lại cấu thành cái mà chúng ta gọi là tổ chức dục tính. Sự thống nhất cái
Tôi cũng gặp phải nhiều xáo trộn chống lại sự thống nhất cái libido, như trường hợp một nhà bác học vẫn giữ tính sùng tôn giáo, v.v.
[17]Ibid, trang 85.
[18]Vật tổ và cấm kỵ[19]Ibid, trang 109.
[20]Coi
Die Psychologie der Kollektivitäten của B. Kraskovic Jung.
[21]Récation sympathique primitive.
[22]Instinct of the Herd in Peace and War, London, 1916.
[23]Brugeilles, "L’essence du phénomèe social: la suggestion".
Revue philosophique, XXV, 1913.
[24]“A note on suggestion”, của Gougall, trong từ
Journal on Neurology and Psychopathology, số I tháng 5/1920.
[25]Nachmanshon, "Freud’s Libidotheorie verglichen mit der Eroslehre Platos", Internat.
Zeitschr. F. Psychoanal. III, Pfister, Ibid, VII, 1921.
[26]“Ihnen zuliebe”: để làm vui lòng
[27]Kriegsneurosen und psychiches Trauma, München 1918
[28]Trong cuốn
Die Vaterlose Gesellschaft của Federn Vienne 1919, có giải thích những hiện tượng tương tự xảy ra khi sụp đổ quyền tộc trưởng.
[29]Parerga und Patalipomena, phần thứ 2 XXXI: Gleichnisse und Parabeln.
[30]Ngoại trừ liên lạc mẹ và con trai, đặt nền tảng trên sự ngã ái (narcissisme) cho nên không có tương tranh, trái lại với liên lạc được tăng cường nhờ một lối ngách tiến về đối tượng dục tính.
[31]Trong phần trên cuốn sách này:
vượt xa hơn nguyên tắc khoan khoái, chúng tôi đã tìm cách quy hai sự kiện yêu và ghét về sự đối lập giữa bản năng sống và bản năng chết và chứng tỏ rằng trong bản năng dục tính có những đại diện tinh thuần nhất của bản năng sống.
[32]Coi
Zur Einführung des Narzissmus, 1914.
[33]Coi Freud:
Ba cuộc khảo cứu về lý thuyết dục tính; Coi Abraham: "Untersuchungen über die früheste prägenitale Entwicklungsstufe der Libido" (
Internat Zeitschr. F. Psychoanal; IX, 1916); "Klinische Beiträge zur Psychoanalyse" (
Internat psychoanalist. Bibliothek, Bd. 10.1921).
[34]Markuszewiez, "Beitrag zum austistisehen Denken bei Kindern".
Internat. Zeitschrift für Psychoanalyse, VI, 1920.
[35]Zur Einführung des Narzissmus[36]Chúng tôi biết rằng với những thí dụ mượn của khoa bệnh lý học chúng tôi không thể nói hết về hiện tượng đồng nhất hóa và chúng tôi đã để nguyên không nói gì đến một phần bí mật của đám đông. Muốn nói hết, phải phân tích tâm lý sâu xa hơn. Khi nói đến sự đồng nhất hóa theo một chiều hướng nào đó, và luận đến sự bắt chước, người ta sẽ đi đến hiện tượng EINFÜHLUNG, nghĩa là động cơ thúc đẩy chúng ta có một thái độ nhất định nào đó trước một thái độ tâm thần của người khác. Một sự đồng nhất hóa đã phát hiện cũng còn nhiều điểm cần phải minh giải. Một trong những hậu quả của sự đồng nhất hóa là chúng ta chống lại những cái gì xúc phạm đến người mà chúng ta đồng nhất hóa, chúng ta bảo vệ người ấy, chúng ta giúp đỡ người ấy. Robertson Smith nghiên cứu sự thành lập những bộ lạc đặt nền tảng trên sự đồng nhất hóa đã cho biết rằng sự đồng nhất hóa căn cứ vào quan niệm mọi người cùng có chung một tính chất, và tính chất chung ấy có thể tạo ra bằng cách ngồi ăn với nhau một bữa. Sự kiện ấy cho phép chúng ta xếp những loại đồng nhất hóa như thế vào lịch sử tối sơ của gia đình loài người, như chúng tôi đã phác họa trong cuốn
Vật tổ và cấm kỵ.