trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
4.6.2008
Nguyễn Trọng Văn
Một sỉ nhục cho trí thức
 
Vấn đề liên hệ đến ông Nguyễn Văn Trung và tôi. Ông Nguyễn Văn Trung là một trí thức Công giáo nổi tiếng, viết sách báo thuộc nhiều lãnh vực chính trị, xã hội, triết học, văn học... Ông giúp tôi làm cao học về Triết (D.E.S., năm 1971) thế nhưng cũng chính ông là người gây tiếng xấu, xúc phạm danh dự tôi, điều này tình cờ tôi mới phát hiện gần đây. Còn tôi, một giáo chức trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp. HCM, đã nghỉ hưu được mấy năm nay, có nhiều bạn bè trong nước và hải ngoại; tôi có một vấn đề rất bức xúc không biết nên giải quyết cách nào, xin trình bầy ra đây mong bạn bè xa gần chỉ cho hướng giải quyết.

Để các bạn dễ nắm bắt vấn đề, tôi xin trích dẫn bài nhận định về văn học hải ngoại của ông Trung, đoạn có liên hệ tới tôi. Đoạn này rất đặc biệt vì cho thấy con người hai mặt của ông Trung, đồng thời vén màn cho thấy sự hèn hạ, bỉ ổi của một trí thức được hình thành như thế nào.

*


Trên tạp chí Văn Học, số 112 xuất bản tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Trung viết một bài dài về văn học hải ngoại, trong đó có đoạn như sau:

“Một trong những người thực hiện chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước đối với trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75 là Lữ Phương. Với tư cách thứ trưởng Bộ Văn hoá của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Lữ Phương đứng đầu một ban phân loại tác phẩm, qui định thành phần các người cầm bút. Những ai sống ở Sài Gòn đều đã biết hoặc đã là nạn nhân những hậu quả của chính sách ‘trấn áp’ kể trên. Lữ Phương và một số người khác như Nguyễn Trọng Văn đã trình bầy ‘cơ sở lý luận’ của chính sách khủng bố chủ nghĩa trong những lớp học chính trị và sau đó được Lữ Phương đúc kết thành một cuốn sách nhan đề Cuộc xâm lăng văn hoá của đế quốc Mỹ tại Nam Việt Nam, Nhà xuất bản Văn Hoá, Hà Nội 1981. Trong cuốn sách 250 trang, tác giả đã tố cáo kết án toàn bộ sinh hoạt văn hóa văn học nghệ thuật, tôn giáo, tư tưởng của mọi cá nhân, tổ chức, đoàn thể... đều nằm trong sách lược xâm lăng của đế quốc do CIA chỉ đạo... Hơn hẳn các tác giả miền Bắc nói về vấn đề này, vì là người tại chỗ, nên Lữ Phương biết khá rõ, có tài liệu, xin trích dẫn mấy đoạn tiêu biểu.” (Văn Học, 112, tr. 18)

Riêng trong đoạn văn này có những điểm ông Trung cố ý nói sai sự thật:

1. Lữ Phương và một số người khác như Nguyễn Trọng Văn đã...

Lữ Phương và tôi quen nhau từ lâu, nhưng cho rằng việc làm của Lữ Phương cũng là việc làm của tôi là sai lầm và ngớ ngẩn về mặt lôgích. Lữ Phương có thể làm gì, tôi không biết, nhưng cách viết mơ hồ, úp mở ám chỉ tôi đã hỗ trợ/ tiếp tay/ cũng ở trong ban/ trong nhóm đó... là đoán mò, có ác ý. Tôi thách ông Trung kiếm được một bằng chứng nào về vấn đề này.

2. Lữ Phương và một số người khác như Nguyễn Trọng Văn đã trình bầy “cơ sở lý luận” của chính sách khủng bố chủ nghĩa trong những lớp chính trị...

Khẳng định của ông Trung làm tôi kinh ngạc vì Lữ Phương và tôi không hề (được) trình bầy “cơ sở lý luận” của chính sách khủng bố chủ nghĩa trong bất cứ một lớp chính trị nào! Trái với điều ông Trung tưởng tượng, Lữ Phương không bao giờ báo cáo trong các lớp tập huấn chính trị. Vì không xuất hiện trong các lớp chính trị nên cũng không có vấn đề trình bầy “cơ sở lý luận” của chính sách khủng bố chủ nghĩa như ông Trung loay hoay nghĩ ra! Không những không được trình bầy, Lữ Phương còn bị phê bình (rất) gay gắt trong những lớp chính trị đó. Riêng tôi, vì ông Trung cố ý lôi tên vào chứ thật ra tôi chẳng dính dáng gì tới các lớp chính trị cả! Mỗi năm, giáo sư Triết tại các đại học đều được đi tập huấn hai tuần tại Vũng Tầu, Nha Trang hoặc Ðà Lạt. Ðiều này ai chẳng biết? Nhiều người coi đó như một dịp nghỉ mát/ đổi gió, tôi cũng vậy, một phó thường dân như mọi người.

Ông Trung không bao giờ biết điều này vì một lẽ giản dị là ông không là giáo sư Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ông không được mời dạy đại học ngay từ 1975. Nếu ông có lăng xăng lui tới trường thì chỉ để săn tin hoặc làm ra vẻ “có một sứ mạng quan trọng”, chứ thực ra ông không có tư cách gì để bén mảng tới các lớp chính trị này. Một lần nữa, tôi thách ông Trung đưa ra một bằng chứng nào về việc Lữ Phương và tôi đã trình bầy “cơ sở lý luận của chính sách khủng bố chủ nghĩa trong các lớp chính trị”.

*


Vấn đề coi bộ đơn giản như vậy nhưng thú thực tôi không biết giải quyết như thế nào. Đưa ra toà về tội vu khống xúc phạm danh dự? Ông Trung đang ở Canada, tôi không biết thủ tục, luật pháp ra sao. Cứ để vụ việc trôi qua, từ từ chìm xuồng? Một số người cũng khuyên tôi như vậy, nhưng còn vấn đề lẽ phải, danh dự phải giải quyết ra sao? Không lẽ trí thức Công giáo không được dạy dỗ về danh dự, trách nhiệm, bổn phận làm người? Đúng là một con chiên ghẻ trong giới đại học.

Rất mong nhận được những góp ý của bạn bè trong nước và hải ngoại.

5/2008

© 2008 talawas