trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
17.6.2008
Nguyễn Hữu Liêm
Chính trị làng xã San Jose, California
 
1. Thuốc độc "Bãi nhiệm"

Sau kết quả tranh cử vào hội đồng thành phố San Jose tuần trước, cộng đồng Việt Nam nay đã có cơ hội để phản tỉnh, suy nghĩ lại về một ván cờ chính trị và ảnh hưởng quyền lực trong thành phố đa chủng này. Riêng đối với khu vực số 8, cả ba ứng viên gốc Việt, Lan Nguyễn, Minh Dương và Vân Lê, đều bị thất cử. Nếu chỉ có một ứng viên gốc Việt thôi thì còn có hy vọng. Cả ba ứng viên đã chia phần phiếu Việt - và chỉ có phiếu Việt mà thôi. Sau vụ tai tiếng "Little Saigon", cử tri người Mỹ thuộc các sắc tộc khác đã không còn bỏ phiếu cho một ứng viên gốc Việt nào nữa. Chiêu bài "Little Saigon" và nay là "Recall Madison Nguyen", đã trở nên hai thang thuốc độc tự vẫn cho cơ hội chính trị của cộng đồng gốc Việt.

Người Mỹ có câu, "Be careful of what you wish for, because you might get it!" (Hãy cẩn thận cho điều mình ước, vì bạn có thể có được nó!). "Little Saigon", với bao nhiêu màn kịch "bão tố trong tách trà", đã cho phe cánh hữu trong cộng đồng Việt Nam ở San Jose một chiến thắng lớn, một thành công ngoạn mục về khả năng huy động quần chúng cho một danh xưng. Đây là một chiến thắng đắng cay - nhưng cũng rất ngọt bùi. Nó là kết quả của ý chí chính trị cộng đồng trên tự ái dân tộc và ẩn ức quá khứ, một phần nào bị xách động bởi những cá nhân vì vài món nợ hơn thua trong quá khứ. Nó cũng là viên thuốc độc bọc đường mà cộng đồng này đã nuốt vào. Ước muốn "Little Saigon" đã thành tựu. Nhưng khối cử tri chính dòng và các sắc dân khác đã nhìn vào chiến thắng "Little Saigon" mà lắc đầu nói với người Việt: "You Vietnamese are crazy! We won't vote for a Vietnamese candidate again ever!" (Người Việt chúng bây đúng là điên hết rồi. Bọn tao sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho ứng cử viên gốc Việt nữa!)

Biết thế, nhưng một số người chiến thắng "Little Saigon" vẫn lấy chiến công này, hăng say, mù quáng, tiến thêm để ước mơ một viên thuốc độc bọc đường khác. Họ muốn bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn. Lại cũng chỉ vì tự ái cá nhân và phe nhóm. Và lại cũng nhân danh những khẩu hiệu to lớn khác. Phải nói thật nhưng mất lòng như sau: Những người muốn bãi nhiệm Madison thì cũng như mấy anh chàng nhà quê ở nông thôn Việt Nam chỉ có tài đánh lộn và chửi nhau ở trong làng xóm. Đối với láng giềng vì chuyện chiếu trên, chiếu dưới, chuyện con gà, con trâu mà tranh chấp bất kể. Chứ khi nào cần có cái nhìn vượt qua ngoài luỹ tre cho một tầm viễn kiến xa hơn, thì họ không có khả năng. Câu chuyện "Recall Madison" đúng là một hiện tượng thôn xã Việt Nam kéo dài. Nó thể hiện cái tinh thần "bầy cua trong rọ", chúng chỉ muốn kéo nhau xuống đáy hễ khi có con nào vừa mới leo lên được lưng chừng.

Như ở dưới Quận Cam cũng thế. Ngoài cái chuyện "gió tanh mưa máu" của hai nhóm chính trị Trần Thái Vân đối với Janet Nguyễn, chuyện Ngô Kỷ chống báo Người Việt, còn có chuyện chánh án gốc Việt duy nhất, ông Nguyễn Trọng Nho. Kỳ bầu cử vừa qua, đã có một luật sư Việt Nam ra tranh cử chống lại ông Nho - chắc chỉ vì ông Nho là chánh án gốc Việt Nam. Chuyện luật sư ra tranh cử với một chánh án đương nhiệm là chuyện hi hữu và là một điều đại kỵ trong truyền thống pháp chế tiểu bang, ngoại trừ vị chánh án đó mắc phải những vấn đề đạo đức hay chuyên môn trầm trọng. Và không luật sư nào trong một cộng đồng thiểu số lại đi đạp đổ lẫn nhau. Nhưng không. Cái chàng luật sư Việt Nam nào đó có lẽ là không chịu nổi một người Việt khác hơn mình và nổi tiếng hơn trong cộng đồng. Chắc là vì luật sư đó chỉ chấp nhận rằng ngài chánh án phải là người "Mỹ trắng" kia! May quá. Sau hôm bầu cử, tôi đã gọi điện thoại xuống hỏi chánh án Nho về kết quả bầu cử và được ông vui vẻ cho biết rằng ông đã đánh bại đối thủ với 80% số phiếu. Nếu chuyện bãi nhiệm Madison Nguyễn mà được đưa lên phòng phiếu, tôi mong rằng Madison cũng sẽ đánh bại nó bằng tỷ lệ 80%.

Có thể cường điệu lên để mà nói rằng lịch sử Việt Nam là hiện thân của một khuyết điểm cá tánh nguy hại của con người Việt Nam. Đó là cái máu tiểu nông với tính tình nhỏ nhen, ghen tị, so đo với người hàng xóm mà không biết suy nghĩ đến chuyện lớn chung. Đây là cá tánh đầy ý chí tự huỷ diệt. Vì thế mà Việt Nam nếu không bị ngoại xâm thì cũng phải bị nội loạn. Người Việt, nói tóm lại, ở trong nước hay ở hải ngoại, vẫn chưa trưởng thành để nhìn thấy quyền lợi chung. Đã đến lúc chúng ta phải đi ra khỏi luỹ tre làng. Hãy chấm dứt ngay ý chí tự huỷ. Hãy ngưng ngay công việc "Recall Madison".


2. Thôi, nghỉ hè đi

Khi con người đi xa khỏi quê hương để định cư ở Mỹ, như là ở San Jose này, người Việt có được cái cộng đồng nhỏ bé để còn sống được với nhau trong tình cảm làng xóm. Nhưng chúng ta phải tránh đừng mang theo cái máu "nhà quê" lên tỉnh. Cái ngây thơ chất phác, khi còn ở quê nhà, thì nó hay; nhưng nếu chúng ta, hầu hết vốn là người nhà quê Việt Nam, đem theo cái máu nhà nông này qua Mỹ, biến nó thành một tinh thần chính trị cục bộ đầy bùn đất, thì nó chỉ có thể là một căn bệnh. Bởi vậy, quê hương không phải chỉ là làng xóm trên cơ sở địa lý, hay chỉ là một khối kỷ niệm vấn vương. Quê hương là một trạng thái tâm lý, một bản sắc tinh thần. Chúng ta còn vương vấn với kỷ niệm - nhưng chúng ta hãy đừng nên phí công để đi tìm lại cái ngây thơ đã mất.

Bởi thế, tôi xin thành thật đề nghị rằng, đối với các quý vị, anh chị em đang hăng say, sôi máu "căm thù" muốn bãi nhiệm nghị viên Madsion, nên bỏ ra vài tuần lễ, nghỉ hè, đi Việt Nam. Hãy về lại quê hương mình, tìm ra nơi chốn của cha ông, nơi mình đã lớn lên, mà nhìn lại luỹ tre xanh, ngắm lại dòng sông cũ. Quý vị sẽ tìm lại sự thanh thản trong tâm tư khi sống lại trong một tình quê thấm đậm niềm thân ái. Riêng tôi thì cũng sẽ làm như rứa.

Tháng Bảy này tôi sẽ đem vợ con về lại làng quê của tôi ở Quảng Trị để cho bầy trẻ sống với quê hương một vài ngày. Bà xã tôi sẽ mặc áo bà ba xách giỏ đi chợ quê bên kia sông bằng con đò mái chèo muôn thuở. Mấy đứa con tôi sẽ ra ruộng lúa chơi đùa với đàn bò, đàn trâu, cỡi lên lưng chúng để biết thiên nhiên và nông nghiệp là như thế nào. Tôi sẽ nhảy xuống dòng sông Thạch Hãn năm nao để bơi lội trong làn nước mát. Đêm đến, chúng tôi sẽ xin phép bà chị bắt vài con gà đang ngủ, cắt tiết chúng, trụng nước sôi, nhổ lông, xé thịt phay, trộn với rau răm, cùng với bạn hữu, uống vài xị rượu đế, nhắm lại món thịt gà ngọt ngào hương vị quê hương.

Khi đã hơi xỉn xỉn, sẽ có một nồi cháo gà ăn vào để giã rượu. Tôi sẽ ngâm thơ "Trăm năm bến cộ còn lưa. Con đò năm trước đi mô chưa về!" Và dĩ nhiên là các bạn trong làng sẽ cùng tôi trong đêm trường, nhịp đũa với cây đàn guitar, đồng ca, "Mùa hè năm nay, anh sẽ đưa em rời phố thị đôi ngày. Qua miền xa, mà nghe rừng thiêng gọi lá. Tiếng nỉ, tiếng non, khi chiến trường nằm im thở khói". Trong tiếng nhạc bolero đó, tôi hình dung ra cả một thời chiến tranh ngây ngô, cả một thế hệ chìm đắm trong hương vị ngọt ngào đầy thuốc súng hận thù, giết chóc. Nhưng bạn ạ! Âm hưởng của tiếng nhạc ngọt bùi thời tang thương thuở ấy vẫn đầy chất quyến rũ của một thứ nha phiến thiếu niên lạ lùng.

Cái ám ảnh không cùng của kẻ thất trận là cái khối vô thức của họ cứ tiếp tục muốn trả thù - khi mà lý tính không còn có câu trả lời. Có phải cộng đồng gốc Việt, mà phần lớn là tỵ nạn, trong vô thức đó, trong uất hận vì "mất nước", vẫn còn đang say nghiện cái huyền thoại của mùi khói súng đầy ma tuý quyến rũ qua những khẩu hiệu chính trị - trộn chấm với nước tương của nhạc bolero - từ ba thập niên trước? Nhưng khi đối phương đang nằm quá xa bên kia đại dương, chính cái vô thức uẩn ức này lại quay ra cấu xé kẻ gần. Và đây có lẽ là bản chất sâu kín của câu chuyện chính trị cộng đồng Việt ở Quận Cam và ở San Jose. Trong cơn nắng đầu hè, trong làn gió nóng, tôi nghe âm vang của bài ca "Đưa em vào hạ" tiếp nối, "Dù hạ qua mau, đi nữa đi, anh vẫn đưa em về quê hương mịt mùng. Thương những chiều nắng dọi bờ sông".


© 2008 talawas