trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
19.6.2008
Bùi Văn Phú
Little Saigon ở San Jose: nguyện vọng cử tri thể hiện qua lá phiếu
 
Sau những tranh cãi kéo dài hơn bốn tháng về chuyện đặt tên cho một khu thương mại để vinh danh những đóng góp của người Việt sinh sống tại San Jose với nhiều sôi nổi của biểu tình, tuyệt thực, kể cả việc người dân kiện hội đồng thành phố, trong tháng Ba vừa qua thành phố đã có một quyết định tạm thời đặt tên khu phố là Little Saigon, thay vì Saigon Business District như đề nghị của nghị viên gốc Việt Madison Nguyễn. Diễn biến và những chi tiết liên quan đến việc này đã được trình bày trong một số bài viết trước. Bài này bàn đến tiến trình dân chủ đang diễn ra. Đó là việc bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn.

Cử tri đơn vị 7 đang kí tên để yêu cầu cơ quan chức năng tổ chức bầu cử truất nhiệm nghị viên Madison Nguyễn (ảnh: Bùi Văn Phú)
Hoa Kỳ có một nền dân chủ, pháp trị. Nghĩa là người dân có quyền lựa chọn người đại diện mọi cấp, từ những hội đồng giáo dục điạ phương, hội đồng thành phố, quận hạt cho đến quốc hội tiểu bang, liên bang và tổng thống. Những cuộc bầu cử được tổ chức thường xuyên theo lịch ấn định và nếu cần nhà nước phải tổ chức bầu cử đặc biệt để dân bày tỏ ý nguyện về những vấn đề quan trọng trong đời sống của họ: tăng thuế, mở sòng bài, bán rượu, những dự án phát triển, định nghĩa thế nào là hôn nhân, việc hôn nhân đồng tính, bãi nhiệm dân cử.

Nhìn vào lịch tổ chức bầu cử của quận hạt Santa Clara, chúng ta thấy sự quan trọng của lá phiếu, vì đó chính là tiếng nói sau cùng và phản ánh ý dân trung thực nhất. Nhà nước có trách nhiệm để cử tri nói lên tiếng nói của mình, dù có phải tốn kém tài chính tổ chức, qua các cuộc bầu cử. Thông thường một năm có 2 lần bầu cử, bầu sơ bộ vào tháng Ba, hoặc tháng Sáu, và tổng tuyển cử vào tháng Mười Một. Nếu cần biết ý dân trong những khoảng thời gian khác thì có bầu cử đặc biệt. Từ năm 2001 đến nay, chỉ có những năm 2004 và 2006 với hai lần bầu cử, còn những năm khác đều có hơn hai lần mà quận Santa Clara, trong đó có thành phố San Jose, tổ chức những kì bầu cử đặc biệt.

Năm 2003 với 4 lần bầu cử. Kì bầu cử tháng Mười cử tri California đã truất nhiệm thống đốc Gray Davis.

Năm 2005 có tất cả 5 lần bầu cử. Cô Madison Nguyễn được bầu làm nghị viên trong một cuộc bầu cử điền khuyết vì một dân cử từ chức. Hội đồng thành phố có thể chỉ định một người tạm thời thay vào ghế trống, nhưng để cho việc đại diện được chính danh nên thường có bầu cử chọn người thay thế. Trong kì bầu cử đặc biệt chức nghị viên đơn vị 7, trong số tất cả 8 ứng viên, hai ứng viên gốc Việt là Madison Nguyễn và Linda Nguyễn đã dẫn đầu với 47% và 27% số phiếu cho mỗi cô. Nhưng vì chưa ai được 50% + 1 phiếu nên hai cô Nguyễn vào chung kết trong tháng Chín. Kết quả cô Madison Nguyễn thắng cử với 63%, được 5603 phiếu bầu, trở thành dân cử người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong hội đồng thành phố San Jose. Năm sau, nghị viên Madison Nguyễn tái ứng cử và không có đối thủ. Nhiệm kì hiện tại của nghị viên Madison là 2006 - 2010.

Qua sự việc chọn tên cho khu phố Việt vừa qua, nhiều cử tri gốc Việt không còn tin vào sự đại diện của nghị viên Madison Nguyễn nữa, nên đang có cuộc vận động bãi nhiệm cô.

Việc bãi nhiệm cũng như bất cứ cuộc vận động tranh cử nào, trong thời gian vận động, các ứng viên và ủng hộ viên lên tiếng bênh vực quan điểm, chính sách qua những cuộc gặp gỡ với cử tri, qua những cơ quan truyền thông. Trong ngôn từ vận động, thỉnh thoảng cũng có những lời chọc tức, châm biếm, có những phát biểu không đúng sự thực. Ngoài ra trên mạng còn những đồn đoán được tung ra qua những nhóm cảm tình viên của bên này hay bên kia. Tìm hiểu đúng sai, hư thực là trách nhiệm của từng cử tri.

Nhưng có một điều quan trọng là không ai được quyền đe doạ hay dùng bạo lực để phá hoại tiến trình dân chủ, từ việc nhỏ như tháo gỡ những bảng vận động của đối phương đến gọi điện đe doạ, ngăn cản cử tri tham gia kí tên đòi truất nhiệm, gây khó khăn cho cử tri khi làm nhiệm vụ công dân. Những hành vi đó sẽ bị điều tra và kẻ vi phạm sẽ bị trừng phạt theo đúng luật.

Khi ban vận động bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn có đủ chữ kí của cử tri, khoảng 3100, thì quận hạt sẽ tiến hành tổ chức bầu cử để cử tri toàn khu vực 7 quyết định qua lá phiếu. Đây là tiến trình dân chủ thực hành. Cử tri có quyền rút lại sự tín nhiệm của mình khi thấy vị dân cử mình đã bầu lên không còn xứng đáng đại diện nữa.

Hơn 10 năm về trước, bà nghị viên Kathy Cole của thành phố San Jose đã bị truất nhiệm vì có những cử chỉ xúc phạm đến cử tri gốc châu Á. Bà cương quyết cho rằng đó là quyền tự do phát biểu, cho đến khi cử tri quyết định chấm dứt sự nghiệp chính trị của bà. Năm 2003 Thống đốc Gray Davis mới nhận chức nhiệm kì hai, vì phạm nhiều sai lầm trong chính sách chi tiêu, cử tri California trong một cuộc bầu cử vào tháng Mười đã đưa ông ra khỏi dinh thống đốc và cùng lúc bầu chọn ông Arnold Schwarzenegger lên thay.

Đầu năm nay cử tri thành phố Pinole ở vùng Vịnh San Francisco đã bãi nhiệm 3 trong số 5 nghị viên vì một quyết định của hội đồng thành phố cho thôi việc người quản trị viên. Trong thời gian vận động bầu cử, hầu hết các vị dân cử địa phương từ dân biểu liên bang, tiểu bang, giám sát viên và những nghiệp đoàn cảnh sát, cứu hoả đã lên tiếng chống việc bãi nhiệm. Nhưng kết quả sau cùng vẫn là tiếng nói của cử tri, 3 nghị viên đã bị truất nhiệm và thay thế bằng 3 dân cử khác.

Việc chọn tên Little Saigon ở San Jose trong những tháng qua giống như việc có chấp thuận hôn nhân đồng tính hay không, trên một bình diện thu hẹp trong thành phố thay vì cả tiểu bang hay cả nước. Tên Little Saigon có thể là điều rất quan trọng đối với người này, không quan trọng với người khác. Cũng như việc cho phép hai người đồng tính kết hôn có ảnh hưởng tinh thần và đạo đức đối với một số người hay không ảnh hưởng gì đến một số người khác, nhưng đã có những cuộc xuống đường ồn ào tạo chú ý trên toàn nước Mỹ.

Trong sinh hoạt dân chủ ở Mỹ, đối với dân không có vấn đề gì là không quan trọng, tất cả tuỳ vào nhu cầu vật chất lẫn tinh thần của từng cử tri. Có người muốn rút quân khỏi Iraq, có người không muốn con họ đến lớp học phải đọc lời nguyện trung thành với tổ quốc, có người không muốn hôn nhân đồng tính được hợp pháp, có người ủng hộ việc hợp pháp hoá di dân, có người chống phá thai, có người muốn đốt cờ Mỹ, có người không muốn cho mở sòng bài nơi mình sinh sống.

Cử tri muốn gì? Chỉ sau khi những lá phiếu đã được bầu chọn, lúc đó mới biết nguyện vọng của đa số cử tri là gì và ai là người có khả năng cao nhất để đáp ứng lại những nguyện vọng đó.

Tuần trước nói chuyện với một người quen ở San Jose, anh bạn hỏi tôi:

“Anh nghĩ Madison Nguyễn có bị truất nhiệm không?”

Tôi trả lời:

“Hỏi như thế, cũng như anh hỏi tôi McCain hay Obama, ai sẽ làm tổng thống nước Mỹ. Câu trả lời nằm trong tay những cử tri trong ngày bầu cử khi họ đến phòng phiếu và quyết định. Bây giờ có tiên đoán, thăm dò ai sẽ là tổng thống hay nghị viên Madison Nguyễn còn được cử tri ủng hộ hay không thì cũng chỉ là những dự đoán.”

Không ai có thể biết rõ nghị viên Madison Nguyễn có sẽ bị truất nhiệm hay không. Nhưng nếu bảo rằng truất nhiệm cô rồi thì còn ai đại diện cho quyền lợi của cử tri gốc Việt, điều này xem ra cứ như luận điểm của Đảng Cộng sản là nếu Đảng không còn lãnh đạo nữa thì lấy ai lo cho đất nước Việt Nam bây giờ.

Hãy nhìn vào Hạ viện Hoa Kỳ, không có dân cử gốc Việt trong đó, thế mà tuyệt đại đa số dân biểu đã biểu quyết thông qua những đạo luật về nhân quyền cho Việt Nam.

© 2008 talawas