trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
21.6.2008
Bùi Minh Quốc

Trong bài “Con gấu già bất hạnh” của dịch giả Ngân Xuyên có bài thơ “Cảm tác trong đêm Đà Lạt” của tôi ở phần phụ lục, có mấy chỗ chưa đúng với bản gốc. Xin sửa lại cho đúng với bản gốc như sau:

Cảm tác trong đêm Đà Lạt
(Đọc di cảo thơ Bánh vẽ của Chế Lan Viên)

Mấy thi sĩ thế kỷ này nhồm nhoàm nhai bánh vẽ
Mà thương vay những thế kỷ vắng anh hùng [1]
Họ thầm biết trên đầu mình có kẻ
Tay vẽ bánh cho người, mồm nhai thứ thiệt ung dung

Anh ngồi nhấm lai rai, dẫu biết thừa bánh vẽ
Bởi sợ bị đưa ra khỏi bữa tiệc linh đình
Cái bữa tiệc tù mù mà nức lòng đáo để
Chúc tụng tía lia và ăn uống thật tình

Cốt một chỗ ngồi thôi để có ngày được nhai thứ thiệt
Mà kiên trì nhai bánh vẽ rã quai hàm
Thứ thiệt mãi xa vời, chỉ rất gần là cái chết
Cái chết này là chết thật hay oan ?

Tôi rùng mình đọc bài thơ “Bánh vẽ”
Mỗi chữ tạc lên cột số dặm đời
Thể phách đã an hòa cùng đất mẹ
Tinh anh còn lạnh buốt suốt thời tôi.

(Đà Lạt 13.9.1991)

Tiện thể kể thêm vài chi tiết liên quan:

Sau khi làm xong bài thơ, người đầu tiên tôi gửi để chia sẻ là nhà thơ Xuân Sách, tác giả câu thơ nổi tiếng mà mọi người trong văn giới đều bảo là vẽ Chế Lan Viên: “Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa”.

Trong khổ thơ đầu, câu thứ 3, khi khởi thảo, tôi viết “Họ đâu biết…” Xuân Sách viết thư lại cho tôi, bảo rằng: “Họ biết cả đấy.” Tôi bèn sửa lại: “Họ thầm biết”.

Trong khổ thơ thứ hai, câu thứ 3: “Cái bữa tiệc tù mù…”, chữ “tù mù” là của Xuân Sách cho, chữ của tôi khi khởi thảo là gì, lâu ngày quá tôi quên rồi.

Xin bạn đọc lưu ý tham khảo thêm bài vừa mới công bố của hoạ sĩ Trần Duy kể những kỷ niệm của ông với cụ Phan Khôi, trong đó có đoạn ghi lại giai thoại cái tủ lạnh của một nhân vật quan trọng có chứa nhiều lưỡi. Chính Xuân Sách đã kể cho tôi nghe giai thoại này và bảo rằng chủ nhân cái tủ lạnh trong giai thoại ấy là Chế Lan Viên. Xin các nhà sưu tầm giai thoại làng văn khảo chứng giùm điều Xuân Sách nói có đúng không.

Bài thơ “Cảm tác…” trên đây tôi đã gửi nhiều lần cho nhiều báo, nhất là báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, nhưng chưa báo nào chịu đăng. Hy vọng một ngày không xa nữa, nhờ nỗ lực chiến đấu chung của toàn thể văn giới Việt Nam cho tự do báo chí tự do xuất bản trên đất nước ta, những bài như “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải cùng các bài liên quan của Vương Trí Nhàn, Nguyễn Huệ Chi và bài thơ của tôi sẽ được chính thức đăng để đến với các bạn đọc chưa có điều kiện vào mạng internet, và tôi dám chắc rằng khi ấy lượng phát hành các tờ báo có đăng những bài như thế sẽ tăng cao gấp bội.

Đà Lạt 20.6.2008

[1]Chế Lan Viên có câu thơ: “Ôi thương thay những thế kỷ vắng anh hùng”.